1. Đó là một đoạn mở đầu trong truyện ngắn "Lên núi thả mây" của nhà văn Lê Văn Thảo. Hình ảnh "bảy ngọn xếp thành hàng dài nhấp nhô như gợn sóng", khiến ta liên tưởng ngay đến địa danh Thất Sơn (Bảy Núi) ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Mà An Giang (Long Xuyên) cũng chính là quê ngoại của nhà văn Lê Văn Thảo. Với truyện ngắn này, ông đang viết về quê hương, viết lại huyền thoại Bảy Núi chăng? Với những nhà văn trưởng thành từ chiến khu như Lê Văn Thảo, ta dễ có cái nhận định rằng: "Ông này đang viết ca ngợi quê hương tươi đẹp đây!". Viết kiểu gặp lại "kỉ niệm hồi ấy", và kiểu "hồi ấy - bây giờ" là điều mà ta cũng dễ thấy và dễ đoán định ở hầu hết các cây bút thời này. Nhưng, với Lê Văn Thảo, có một điều gì đó hơi khác.
Chuyện Bảy Núi được nhắc chỉ như
tình cờ thôi, đó cũng chỉ là cái phông để ông dựng nên một câu chuyện tưởng
tượng của riêng mình. Chuyện gì? Đó là chuyện về người đàn ông (Năm Tính) sống
trong ngôi nhà nằm dưới chân ngọn núi ấy. Ông cứ ngồi đó mà đan đát suốt ngày,
từ ngày này qua ngày khác, chưa bao giờ, chưa một lần lên đỉnh núi. Thế nhưng,
một ngày kia có hai "đứa nhỏ" bước vào nhà ông. Chúng kêu ba của
chúng báo là sẽ tới để rủ ông cùng lên núi thả mây. Năm Tính trợn mắt:
"Lên núi thả mây là sao?". Là lên núi lùa mây nhốt vào một cái nhà,
rồi chờ những ngày trời trong mở cửa thả mây ra. Ông và ba của hai đứa nhỏ kia
đã làm chuyện đó một lần rồi, giờ muốn làm lại cho vui. Nghe tụi nhỏ thuật
chuyện rành rọt mà Năm Tính rối bời. Chuyện lạ kỳ này đã từng xảy ra với ông
chưa? Trí nhớ là không, nhưng cảm thức chập chờn hư thực. Lên núi thả mây là
chuyện tầm ruồng hay chuyện quan trọng đời người? Thôi, đời ông không bàn tới
nữa. Nhưng chiều tối đó, khi hai đứa con đi làm trở về, ông dặn tụi nhỏ:
"Hai đứa còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó, nhưng lớn lên thì
phải làm công chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi".
Truyện vừa kể là truyện "Lên
núi thả mây" của Lê Văn Thảo, và đây cũng là truyện được lấy làm tựa chung
cho tập truyện ngắn mới nhất của ông (Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành 2011).
Với tập sách thứ 18 này, không rõ Lê
Văn Thảo đã dừng lại, hay còn đi tiếp. Nhưng dẫu có kết lại ở đây, với tập
truyện ngắn này, thì theo thiển ý của tôi, đời văn của ông cũng vừa đẹp.
2. Có một số bạn viết trẻ, thi
thoảng hỏi nhờ tôi giới thiệu một cây bút truyện ngắn "đọc được", thì
thông thường trong phương án lựa chọn của tôi, bao giờ cũng có cái tên Lê Văn
Thảo. Tất nhiên, khi nghe tôi nêu tên Lê Văn Thảo ra, không phải bạn viết trẻ
nào cũng "Ô kê" ngay, trái lại có người còn trêu: "Anh có nhầm
không đấy!". Nhầm? Truyện ngắn thì phải là "ông vua" Nguyễn Huy
Thiệp. Còn đám trẻ thì Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải…, và nổi nhất hiện nay
phải là Nguyễn Ngọc Tư. Truyện ngắn Nam Bộ sau Nguyễn Quang Sáng thì có Nguyễn
Ngọc Tư, cô Tư này xứng đáng là người kế thừa… Đại loại là vậy. Mọi người vẫn
quen nói như thế. Tôi bảo lưu ý kiến cá nhân của mỗi người và tôn trọng ý kiến
đó, thậm chí luôn cảm thấy "rét" với những bạn trẻ khi họ bảo rằng
chưa từng đọc một tác phẩm văn chương "Made in Việt Nam", cái mà bạn
đọc phải là tầm cỡ kiệt tác thế giới. Các bạn không muốn phí thời gian với một
tác giả mà các bạn "đánh hơi" là không tầm cỡ chút nào.
Nhưng dù sao thì tôi vẫn chọn Lê Văn
Thảo, và tôi vẫn luôn giới thiệu ông cho những ai thích đọc truyện ngắn.
Về truyện ngắn Lê Văn Thảo, tôi sẽ
không đưa ra bất cứ giải thưởng nào để làm thước đo đánh giá, nhưng tôi tâm đắc
với lời nhận định của nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương:"Khi nào cái
lạ, cái nhạt và cái thật kết hợp nhuần nhị trong một truyện ngắn, thì Lê Văn
Thảo đặc biệt thành công". Cái lạ là cái lạ lùng, cái thật là sự thật, còn
cái nhạt ở đây không phải là viết nhạt mà viết về sự tẻ nhạt của cuộc đời. Lê
Văn Thảo là người viết rất hay về những cái tẻ nhạt, viết về sự tẻ nhạt mà văn
chương lại không tẻ nhạt, ấy chính là nhờ sự dụng công của ngòi bút, nhờ vào
cái phông văn hóa không ngừng bồi đắp và nhờ cả vào sự nhẫn nại chờ đón những
phút xuất thần.
3. Nhà văn Lê Văn Thảo tên khai sinh
là Dương Ngọc Huy, sinh năm 1939 tại Thủ Thừa - Long An. Ba của ông là Dương
Văn Diêu, vốn là Phó Ty Giáo dục tỉnh Long An, Trưởng Ty Văn hóa kháng chiến
(1945), rồi là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (1954), làm Hiệu trưởng Trường
học sinh miền Nam. Nhưng anh em Lê Văn Thảo lại không học ở miền Bắc. Ông Thảo
học ban toán trường Đại học Khoa học tự nhiên Sài Gòn, ông Duy (đạo diễn Lê Văn
Duy) học trường Quốc gia hành chính Sài Gòn. Hai anh em đang học dở dang thì
lên rừng theo kháng chiến (năm 1962), theo lời khuyên của "ông già".
Chẳng là, ông Dương Văn Diêu lo nếu anh em ông Thảo cứ học hành tấn tới thì sẽ
làm việc cho chế độ Sài Gòn là cái chắc.
Lê Văn Thảo vào chiến khu, làm dân
công tải đạn, rồi cầm súng, rồi viết văn dưới sự hướng dẫn của nhà văn Anh Đức.
Lê Văn Thảo là bạn chiến đấu của Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Ngày 24/5/1968, khi
Lê Anh Xuân chết dưới hầm bí mật thì Lê Văn Thảo là người giữ cuốn nhật ký và ghi
vào đó những dòng cuối cùng. Vừa rồi cuốn "Nhật ký Lê Anh Xuân" (NXB
Văn hóa Văn nghệ) được ra mắt và Lê Anh Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng,
thì nhiều người nhắc đến công Lê Văn Thảo. Nhưng theo chỗ tôi biết, Lê Văn Thảo
vốn coi việc ấy là bình thường, ông chẳng bao giờ nống lên, chẳng bao giờ
nghiêm trọng hay lợi dụng những chuyện như thế để đánh bóng tên tuổi mình, hay
trục lợi cá nhân.
Có một chuyện có thể còn ít người
biết, Lê Văn Thảo vốn là bạn khá thân với ông Sáu Phong (tức nguyên Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết). Thời Lê Văn Thảo làm Chủ tịch Hội Nhà văn Tp HCM, trụ
sở còn ở địa chỉ 62 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), khi mặt bằng trụ sở này
chuẩn bị chuyển nhượng cho một đơn vị khác, ông Sáu Phong có nói với ông Thảo
là muốn chỗ nào thì chỉ, ông sẽ tính. Nhưng ông Thảo thì "sao cũng
được", ông không cần một chỗ "hoành tráng" để làm oai, ông cũng
không muốn phiền bạn bè. Điều mà Lê Văn Thảo tâm huyết và dành cho nhiều tình
yêu nhất đó là trang văn và cậu con trai nhỏ.
Lê Văn Thảo lấy vợ hơi muộn, nghe
nói vợ ông người Hà Nội, vốn là diễn viên điện ảnh. Hai vợ chồng có một cậu con
trai, nhưng hai người chia tay khi cậu bé mới lên 5 tuổi (nghe nói sau đó bà vợ
cũ của Lê Văn Thảo định cư ở Đức). Từ đó, Lê Văn Thảo một mình gà trống nuôi con.
Năm nay, nhà văn Lê Văn Thảo đã 72 tuổi, nhưng con trai của ông mới ngoài hai
mươi. Đó là một anh chàng cao hơn 1m8, rất đẹp trai, đang làm việc tại Hàn
Quốc. Con trai Lê Văn Thảo học Bách Khoa và làm việc trong môi trường chẳng có
liên quan dính líu gì tới văn chương. Tôi không rõ hai cha con ông có khi nào
nói chuyện văn chương với nhau không, chỉ biết ngày xưa Lê Văn Thảo có nuôi một
con chó rất khôn, rất trung thành và ông đã từng lấy con chó làm nhân vật,
thông qua đó nói về nỗi cô đơn của một gã đàn ông.
Tôi chưa bao giờ hỏi chuyện vợ con
Lê Văn Thảo, mà ông cũng không kể. Tôi chỉ biết, vốn rất mê rượu và đàn bà,
nhưng từ lâu ông chọn cuộc sống độc thân. Ông luôn tìm một người giúp việc ban
ngày (ngày đến làm, đêm về nhà) và đó bao giờ cũng là một người đàn bà nhà quê
chất phác. Lê Văn Thảo giao luôn chìa khóa nhà cho người giúp việc mà không bao
giờ lo lắng điều gì.
4.Mãi sau này, khi ông Dương Văn
Diêu mất (năm 2006), tôi mới biết là "ông già" của Lê Văn Thảo có một
biệt thự to ở đường Trương Định (quận 1). Cũng dần dà tôi mới biết, anh em nhà
Lê Văn Thảo hầu hết đều có số "làm quan": Em ông là Lê Văn Duy từng
làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu; bà Dương Hồng Lam là Tổng Giám đốc
Công ty bánh kẹo Vinabico Kotobuki; bà Dương Cẩm Thúy là Phó Chủ tịch Hội Điện
ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh Tp HCM…
Trước đây, Lê Văn Thảo ở căn nhà
trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), cách tòa soạn Tuần báo Văn nghệ TP.Hồ Chí
Minh chỉ chừng trăm mét. Sau này ông chuyển về sống ở khu biệt thự Bình Lợi
(Bình Thạnh). Có thể nói Lê Văn Thảo là người may mắn được sống trọn vẹn với
văn chương, được xê dịch khắp nơi mà không phải vò đầu bứt tai chuyện cơm áo
gạo tiền. Cho nên, khi Lê Văn Thảo "đương kim" Chủ tịch Hội Nhà văn
Tp HCM , dù khi có chuyện lùm xùm, chẳng hạn như việc kết nạp hội viên, cũng
không ai nghĩ là ông Thảo có "ăn tiền" người này người nọ. Những
chuyện lùm xùm tiền bạc hay chạy chọt kiếm chác, thì Lê Văn Thảo bị loại ngay
khỏi vùng nghi vấn. Đó là một điều hạnh phúc, một sự sang trọng mà không phải
nhà văn nào cũng có được. Tất nhiên, vẫn có chuyện nhà giàu ăn bẩn. Nhưng một
nhà văn tự chủ được đời sống của mình như Lê Văn Thảo thì đấy cũng là một cách
để có thể ứng xử với trang văn một cách tử tế và nghiêm túc nhất.
Biết cách trộn lẫn giữa fiction (hư
cấu) và non fiction (phi hư cấu), với chất humour (hài hước) đặc thù Nam Bộ mà
không dùng phương ngữ, Lê Văn Thảo là một trong số ít nhà văn Việt Nam viết
truyện ngắn đạt đến trình độ "như không". Viết như không và sống như
chơi. Mà, có lẽ cũng đừng nghĩ chuyện viết là gì ghê gớm lắm, mà chỉ như một
lần trèo lên đỉnh núi cao lùa mây, nhốt mây, rồi thả mây. Chơi vậy thôi!
Trần
Nhã Thuỵ
No comments:
Post a Comment