Svetlana Sherlaimova(*)
Nếu tin theo các nhà phê bình, sản phẩm nghệ thuật hiện đại
được chia thành văn hoá đại chúng, những ốc đảo nhỏ của chủ nghĩa truyền thống
đã già cũ không thể nào cưỡng lại được và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đối với phần
đông các tác giả, cái sau cùng là câu trả lời tương xứng cho các yêu cầu của thời
gian, là sự phản ánh chính bản chất của thời đại chúng ta đang sống qua. Nếu
khoảng hai mươi năm trước người ta không ngớt tranh luận về đề tài “chủ nghĩa
hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì”, thì bây giờ trong tất cả các ấn phẩm có liên
quan đến văn học, tại tất cả các hội nghị khoa học, mọi câu chuyện lại xoay
quanh chủ nghĩa hậu hiện đại là gì. Trong khi đó văn học và tư tưởng mỹ học vận
động lên trước không chỉ theo đường ray của những quan niệm phổ quát được thừa
nhận rộng rãi (tính cho đến thời điểm này). Một trong những hiện tượng độc đáo
đáng được chú ý hết sức nghiêm túc trong văn học châu Âu hiện đại, có thể nói
một cách chắc chắn, đó là các tiểu thuyết và tiểu luận về tiểu thuyết của Milan
Kundera.
Thực tế là tất cả những gì ông
viết ra, kể từ những tập thơ đầu tiên xuất bản vào những năm 50, đều thu hút sự
chú ý của độc giả và làm dấy lên những cuộc tranh cãi phê bình, mặc dù nhìn
chung thơ của ông, cũng như vở kịch Người giữ nguồn nước (1962) từng
gây tiếng vang, vẫn nằm trong khuôn khổ những quan niệm vốn có hồi ấy về văn
học xã hội chủ nghĩa, còn những xung đột tình yêu từng được coi là mạnh bạo
trong tập thơ Độc thoại (1957) đến hôm nay cảm thấy là thường. Nhưng
tận trong tính cách và tài năng của Kundera ngay từ đầu đã có tính phi chuẩn
mực, tính luận chiến, chúng sẽ được bộc lộ đầy đủ trong văn xuôi và các bài
luận lý thuyết của ông.
Hiện tượng Kundera
Nhà văn không cho phép in lại hiện nay
những sách ông viết ra trước tiểu thuyết Chuyện đùa (1967): “Trong
số những sách tôi đã viết ra, cái duy nhất tôi coi trọng, đó là các tiểu thuyết”.
Ngoài các tiểu thuyết ra, ông còn xếp vào đây “biến thể phóng tác” của mình về
đề tài tác phẩm Jacques, anh chàng theo thuyết định mệnh của Diderot
dưới dạng vở kịch Jacques và ông chủ. Tưởng nhớ Denis Diderot (1970),
tập truyện ngắn Những chuyện tình vui nhộn (1970) và hai tập tiểu luận
lý thuyết Nghệ thuật tiểu thuyết (1986), Những di chúc bị phản bội
(1993).
Ngay bài phát biểu đầu tiên của Kundera về các vấn đề của
lý luận văn học đã gây tiếng vang lớn trong xã hội Czech. Năm 1955 trong bài
viết “Quanh những cuộc bàn cãi về di sản” ông đã hăng hái ủng hộ một cách đầy
thuyết phục Vitezslav Nezval, người đã từng tuyên bố sẽ không có thơ thế
kỷ XX nếu thiếu Guillaume Apollinaire.
Đó là sự mở đầu vang dội của việc khôi phục lại dòng thơ
tiền phong chủ nghĩa mà ở Czech nó đã bị rút phép thông công vì sự toàn thắng
của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng việc bảo vệ phái tiền phong
không phải là đề tài duy nhất trong bài viết của Kundera. Ông khẳng định rằng
trong văn học thế giới có chỗ cho mọi khuynh hướng khác nhau. Kundera không đi
theo sự phân chia thơ ra thành thơ truyền thống và thơ tiền phong, ông có các
tiêu chí phân loại khác. Thứ thơ gần gũi nhất với mình ông gọi là “thơ
ca của cuộc sống trần thế”: Rimbaud – Apollinaire – các nhà vị lai Nga –
Nezval thời trẻ. Nhưng ông cũng thừa nhận các đại diện của thứ thơ “triết
học tư tưởng” mà ông xếp vào đó Mallarmé – Valéry – Rilke – Pasternak –
Holland, thừa nhận thứ thơ chính trị bậc cao. Luận điểm chính trong
quan niệm của ông là cần phải trên cơ sở những thành tựu đã có tiến tới sự tổng
hợp: “… nghệ thuật của chúng ta đang dần dần bước vào một thời đại lịch sử
rực rỡ của chủ nghĩa hiện thực cổ điển mới”. Sau này Kundera sẽ rút ra kết
luận về tác động nguy hại của thứ thơ chính trị đối với xã hội, sẽ có nhận
xét tiêu cực về thơ “trữ tình”, sẽ tẩy hẳn khỏi vốn từ của mình khái niệm “chủ
nghĩa hiện thực”, nhưng vẫn giữ lại và củng cố cái nhìn bao quát về hệ vấn đề
văn học, sự chối bỏ các sơ đồ nghiên cứu văn học thông dụng, khát vọng thường
xuyên tìm đến một hình thức mới thu nạp vào mình tất cả những gì tốt
nhất đã có.
Vào những năm đó Kundera bắt đầu giảng dạy văn học thế giới
ở Viện Hàn Lâm điện ảnh Praha, nơi trong số các thính giả của ông có nhà đạo
diễn nổi tiếng sau này Milos Forman. Gắn với hoạt động giảng dạy này là cuốn
chuyên luận của Kundera Nghệ thuật tiểu thuyết. Con đường của Vladislav
Vanchura đi đến sử thi lớn (1960) thông qua sự đối chiếu cuốn tiểu thuyết
cỡ vừa Anh thợ bánh mì Jan Margoul của nhà văn lớn thuộc phái tiền
phong Czech với kiểu tiểu thuyết Balzac để nêu lên quá trình tiến triển của thể
loại tiểu thuyết – từ phác hoạ chân dung xã hội đến phản ánh con người riêng
rẽ.
Trên đất nước Tiệp Khắc dấy lên phong trào đấu tranh vì dân
chủ, vì một
thứ “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người”, phong trào về sau được gọi
bằng cái tên ẩn dụ là “mùa xuân Praha”. Kundera trở thành một trong những nhân
vật hàng đầu của cánh văn học trong phong trào này, có chân trong ban lãnh đạo
Hội nhà văn Tiệp Khắc.
Xã hội Tiệp Khắc xôn xao khi xuất hiện tiểu thuyết Chuyện
đùa của Kundera với nội dung đánh giá lại một cách mỉa mai “thời kỳ xây
dựng cơ sở của chủ nghĩa xã hội” và bài phát biểu của ông tại đại hội nhà văn
lần thứ IV
(1967), một đại hội có ý nghĩa trọng đại đáng nhớ trong cao trào của phong trào
dân chủ, trong đó ông khẳng định rằng “đầu tiên là sự chiếm đóng, sau đó là
chủ nghĩa Stalin” đã hạ thấp văn học Czech xuống mức một thứ “chủ
nghĩa tuyên truyền trống rỗng”, rằng sự phồn vinh của dân tộc nhất thiết
phải phụ thuộc vào cao trào văn hoá được khởi lên từ những năm 60. Năm 1968
danh tiếng nhà văn bắt đầu lan khắp châu Âu: Chuyện đùa được dịch ra
tiếng Pháp với lời của L. Aragon: “Đây là cuốn tiểu thuyết tôi cho là tuyệt
vời”, năm 1969 bản dịch tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm này xuất hiện, v.v…
Cuộc đổ bộ bằng xe tăng của quân đội Xô viết vào Tiệp Khắc
ngày 21 tháng Tám 1968 Kundera xem như một đòn đánh nặng nề chứ không phải là
sự thất bại của mùa xuân Praha. Ông cho rằng thành công lớn của dân tộc là
trong vòng nửa năm ở Tiệp Khắc Đảng cộng sản đứng đầu là Aleksandr Dubseck vẫn
duy trì được sự lãnh đạo như trước, báo chí đối lập tập trung lên án “quân
chiếm đóng”, còn các xe tăng Xô viết từ các đường phố và làng mạc bị dồn vào
các doanh trại biệt lập. Trong số ra dịp Giáng Sinh của tuần báo Những
chiếc lá của Hội nhà văn Tiệp Khắc, Kundera đã viết một bài ca ngợi tinh
thần bất khuất của dân tộc Czech: “Có niềm tự hào của những dân tộc huênh
hoang với những cuộc hành binh của các Napoleon và Suvorov của mình, nhưng cũng
có niềm tự hào của những dân tộc không bao giờ xuất khẩu những Suvorov hung bạo”
– và bày tỏ hy vọng vào sự kiên cường của nhân dân Czech có học thức và
biết suy nghĩ… Nhà viết kịch trẻ nổi tiếng hồi ấy là Vazlav Havel đã lên tiếng
phản đối lại Kundera, ông kêu gọi “đừng sưởi ấm nhau bằng những hồi ức về
các thành công trong quá khứ”, đừng bàn luận dài dòng mà hãy bắt tay vào
những công việc cụ thể để tổ chức sự phản kháng.
Ý kiến của Havel về những mối hiểm hoạ và sự cần thiết phải
đấu tranh khi đó Kundera thấy có vẻ như là một sự phô trương, một thứ chủ
nghĩa cấp tiến vô căn cứ, nhưng cuộc trao đổi quan điểm sau đó giữa hai người
với nhau, mà những tiếng vọng của nó đến nay vẫn còn có thể nhận thấy trong các
tiểu thuyết của Kundera, đã bị gián đoạn do sự thay đổi đột ngột của tình hình
đất nước. Tháng Tư 1969 G. Husak lên nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Tiệp Khắc
và thời kỳ “quy phạm hoá” bắt đầu: siết chặt báo chí, thanh đảng, đàn áp những
người khác chính kiến. Kundera bị khai trừ khỏi đảng, mất việc làm, bị cấm in
ấn, các sách của ông bị loại ra khỏi thư viện. Các tiểu thuyết mới của nhà văn
– Cuộc sống không phải ở nơi đây, và Điệu van giã từ, cũng
như những cuốn sau này viết ở nước ngoài Sách cười và lãng quên, Nhẹ
kiếp nhân sinh v.v… – thoạt đầu xuất bản qua bản dịch tiếng Pháp, chỉ sau
đó mới được in bằng tiếng Czech tại một nhà xuất bản lưu vong ở Toronto.
Trong một lần sang Pháp giảng bài Kundera bị tước quốc tịch
Tiệp Khắc, đành phải sống lưu vong. Sau “cuộc cách mạng nhung” năm 1989 ông
không trở về nước. “Tháng Mười Một 1989 - ông thú nhận – tôi cảm
thấy trào dâng niềm vui sướng khi sự chiếm đóng đã chấm dứt, nhưng đồng thời
cũng lại buồn bã: đối với tôi cuộc chuyển biến này diễn ra quá muộn, tôi không
còn đủ sức để thay đổi quê hương một lần nữa”.
Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông Chậm rãi
(1995) và các sách tiểu luận lý thuyết ông viết bằng tiếng Pháp.
Nhà nghiên cứu người Czech K. Hvatik đã có nhận xét đúng đắn:
“Cái chế độ muốn bắt Milan Kundera im tiếng, ngược đời sao, lại đã tặng cho văn
học châu Âu một trong những nhà tiểu thuyết lớn nhất thế kỷ XX”. Chúng ta có
thể nói thêm: không chỉ cho văn học châu Âu. Các bản dịch tiểu thuyết của
Kundera thuộc vào danh mục các sách bán chạy và được trao nhiều giải thưởng uy
tín không chỉ ở các nước Tây Âu, mà còn ở Mỹ – ở đấy đã có bốn tập chuyên khảo
và một tập bài viết về sáng tác của ông, một bộ phim quay theo cuốn Nhẹ
kiếp nhân sinh có tiếng vang lớn (nhà văn cho bộ phim đó không thành công
và từ bỏ nó, nhưng hiển nhiên là bộ phim đã góp phần thêm cho danh tiếng của
ông). Các sách của Kundera còn được dịch ra tiếng Nhật Bản, Trung Quốc, Triều
Tiên và các
thứ tiếng châu Á khác.
Tất cả các tiểu thuyết của Kundera đều mang đậm khuynh
hướng chống chủ nghĩa toàn trị theo kiểu Stalin, như nó từng tồn tại ở Tiệp
Khắc những năm 50, và theo kiểu “quy phạm hoá” của Husak – chúng phê phán gay
gắt Liên Xô, chế độ Xô viết và học thuyết xã hội chủ nghĩa. Nhưng tất nhiên
không thể lý giải sự thành công của chúng bằng vào quan điểm chính trị như thế,
loại quan điểm rất tiêu biểu cho phần lớn tác phẩm của thứ văn học
ly khai và lưu vong. Có biết bao tác phẩm “văn xuôi sôi sục” mang tính tố cáo
xuất hiện vào những năm 70-80, đến nay đã hoàn toàn bị quên lãng! Các sách của
Kundera có nhiều chất khiêu dâm, nhưng đến nay còn ai ngạc nhiên về điều đó?
Thực chất là ở chỗ các cuốn tiểu thuyết cô đọng của Kundera, mỗi cuốn đều đáng
được phân tích cặn kẽ, mang lại cho độc giả một cái nhìn độc đáo về thế giới
hiện đại và vị trí của con người trong đó, một thứ triết
học riêng về cuộc sống và các quan hệ liên cá nhân. Trong chúng chủ đề sắc sảo
và các tính cách con người sinh động được kết hợp với những suy tư về các đề
tài triết học và hiện sinh mang tính toàn cầu, còn những bài tiểu luận lý
thuyết của ông được viết bằng một văn phong không kém phần hấp dẫn và đặc sắc
so với các tác phẩm nghệ thuật.
Căn cứ vào những bài viết của nhà văn được tập hợp trong
hai cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội,
vào các cuộc phỏng vấn của ông, vào những lời ông bình chú các tác phẩm của
mình và những suy nghĩ của tác giả gài đặt trong các văn bản tiểu thuyết, có
thể nói về một lý thuyết tiểu thuyết độc đáo như là một tiếng nói mới trong sự
phát triển của tư tưởng mỹ học hiện đại.
Về tiểu thuyết châu Âu
Tiểu thuyết đối với Kundera – đó là tiểu thuyết
châu Âu, ở đây thuật ngữ “châu Âu”, cũng như ở Husserl, mang nội dung
tinh thần chứ không phải địa lý, nó chỉ sự thuộc về một kiểu văn minh nhất định.
Lịch sử tiểu thuyết này ông dẫn từ Cervantes, đến Diderot mà ông đặc biệt kính
trọng, Balzac, Flaubert, Tolstoi, Joyce, còn trong thế kỷ XX ông tách riêng ra
“truyền thống Tây Âu” được đại diện bởi những tên tuổi Kafka,
Hasek, Broch, Musil, Hombrovich. Hạt nhân quan niệm này là ở chỗ Kundera xem
tiểu thuyết không phải như một trong các thể loại văn học giữa các thể loại
khác, mà như một kiểu phương pháp phức hợp nhận thức cuộc
sống đưa lại những kết quả đáng tin cậy hơn các nghiên cứu khoa học,
có khả năng vượt lên trước chúng: “Tiểu thuyết biết đến tiềm thức sớm
hơn Freud, biết đến đấu tranh giai cấp sớm hơn Marx, nghiên cứu hiện tượng học
sớm hơn các nhà hiện tượng học”.
Khái quát kinh nghiệm tích cực của các nhà văn kể trên,
cũng như của T. Mann, E. Hemingway và một số người khác, khước từ kinh nghiệm
tiêu cực của sự phát triển văn học trong hoàn cảnh độc tài tư tưởng nghiệt ngã,
cũng như tiếp tục suy xét những bài học từ sáng tác của chính mình, Kundera nêu
lên những yêu cầu mà tiểu thuyết cần phải đáp ứng để có khả năng hoàn thành
được sứ mệnh cao cả của mình. Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh
thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm
các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực
mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người.
Kundera không thể thoả mãn với quan niệm về tiểu thuyết như về sự phản ánh hiện
thực, đối với ông đó trước hết là “sự tổng hợp trí tuệ lớn”, tự do thu
nhận vào mình những suy tư về bất kỳ đề tài nào: “Không cái gì có thể đưa
ra suy luận mà lại bị loại ra khỏi nghệ thuật tiểu thuyết”. Đó không phải
là những đoạn tiểu luận ngoại đề, mà là tư tưởng tiểu thuyết mang tính động lực
chung bao trùm tất cả, nó gần gũi với tư tưởng triết học thực nghiệm của
Nietzsche: “Nếu như tôi là người ủng hộ sự có mặt trí tuệ trong tiểu
thuyết, điều đó không có nghĩa là tôi thiện cảm với cái gọi là “tiểu
thuyết triết học”, trong đó tiểu thuyết theo đúng nghĩa của nó bị phụ
thuộc vào triết học, tự sự – phụ thuộc vào các tư tưởng chính trị và đạo đức.
Tư tưởng tiểu thuyết đích thực (tiểu thuyết sau Rabelaire đã biết đến
nó) bao giờ cũng mang tính phi hệ thống, vô kỷ luật, nó giống như tư
tưởng của Nietzsche mang tính thực nghiệm, tất cả các hệ thống tư tưởng hiện có
đều thông tiếp được với nó, nó nghiên cứu (thông qua trung gian các
nhân vật) tất cả các cách thức tư duy khi cố đi đến tận cốt lõi mỗi cách thức đó”.
“Thông qua trung gian các nhân vật” nghĩa là gì?
Câu trả lời cho câu hỏi này – cả trên cấp độ thực tiễn nghệ thuật, cả trên cấp
độ công thức
– có thể tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kundera Nhẹ
kiếp nhân sinh. Tiền đề triết học xuất phát điểm của nó được biểu hiện
bằng câu cách ngôn: “Einmal ist Keinmal” (“Một lần – đó không phải là một lần”,
tiếng Đức), bởi vì cuộc sống con người là duy nhất và không lặp lại. “Đời
người diễn ra chỉ một lần, vì thế chúng ta không bao giờ có thể xác định được
trong các quyết định của chúng ta cái nào đúng, cái nào sai. Trong hoàn cảnh đó
chúng ta chỉ có thể quyết định được một lần duy nhất, và chúng ta không còn có
cuộc đời thứ hai, thứ ba, thứ tư để
mà có khả năng đối chiếu các quyết định đã đưa ra”. Khả năng như thế không
đơn giản mà tính được. Nhưng cuốn tiểu thuyết, mà nhân vật trong đó là một dạng
“cái tôi thực nghiệm” của tác giả, dường như cho thấy nhãn tiền kết quả của
những quyết định đã đưa ra. “Các nhân vật cuốn tiểu thuyết của tôi – đó là
những khả năng riêng của tôi mà không thực hiện được. Vì thế tôi yêu mến tất cả
chúng như nhau và cũng kinh sợ tất cả chúng như nhau, mỗi cái trong số đó đã
bước qua giới hạn mà bản thân tôi chỉ dám đi vòng qua. Chính cái giới hạn phạm
tội này (giới hạn mà đằng sau đó cái “tôi” của tôi
kết thúc) đã lôi cuốn tôi. Chỉ ở phía sau nó mới bắt đầu những sự bí
ẩn mà tiểu thuyết cần phải dò hỏi. Tiểu thuyết – không phải là một thứ tôn
giáo của tác giả, mà là sự nghiên cứu cuộc sống trong cái cạm bẫy do thế giới
biến thành”. Lời thú nhận này nhà văn có thể lặp lại cho mỗi cuốn tiểu
thuyết của mình.
Điều làm Kundera băn khoăn là độc giả hiện đại thích đọc
các sách viết về những chuyện đồn đại trong cuộc đời các nhà văn nổi tiếng, chứ
không phải là các tác phẩm của họ. Theo ý ông, trong tiểu thuyết – “thứ văn xuôi
tổng hợp lớn dựa trên trò chơi với các nhân vật hư cấu” – tác giả, khi đưa
ra những đòi hỏi, những quyết định có thể hay không thể của mình để thử thách
các nhân vật đó, tỏ ra tự do và cởi mở hơn rất nhiều so với qua thư từ, nhật
ký, hồi ức. “Trò chơi với các nhân vật hư cấu” không nhằm mục đích đạt
đến sự giống như thật, nhưng cũng không mâu thuẫn với những sự tìm kiếm chân
lý, ngược lại, nó kết hợp với những suy ngẫm tạo thành cơ sở của sự nghiên cứu
tiểu thuyết đối với cuộc sống.
Cách thức suy luận theo lối tiểu thuyết đòi hỏi sự
tiếp nhận theo lối tiểu thuyết từ phía độc giả. “Chỉ có một cách hiểu các
tiểu thuyết của Kafka. Đọc chúng như các tiểu thuyết. Đừng tìm cách xem nhân
vật K. là chân dung của tác giả, còn những lời của K. là bức thông điệp bí mật
được mã hoá, mà hãy chăm chú dõi theo hành vi của các nhân vật, các ý đồ và tư
tưởng của chúng, cố hình dung tất cả mọi việc như đang diễn ra trước mắt anh”.
Cái cười ác quỷ và thiên thần
Kundera dành một vai trò hết sức quan trọng cho sự mỉa mai
khi ông đối lập cái cười “ác quỷ” mang tính tra vấn, khiêu khích và do đó đưa
tới nhận thức,
với cái cười “thiên thần” mang tính phụ hoạ, tán dương, dẫn đến sự cảm nhận sai
lệch về thế giới. Vốn là người bắt đầu văn nghiệp của mình như nhà thơ của thời
xã hội chủ nghĩa, bây giờ ông hết sức phê phán lối “trữ tình”, coi đó như sự
thể hiện của “cái cười thiên thần” khác biệt với lối sử thi mỉa mai mà sự chế
nhạo “ác quỷ” của nó không cho phép các chân lý đã được tìm ra bị trôi vào quên
lãng. Trong tiểu thuyết Cuộc sống không phải ở nơi đây ông nhạo báng
cái cách cảm thụ trữ tình đối với thế giới như là một lối thích nghi điên rồ,
cùng chung một duộc với các trại tập trung khổ sai (Gulag). Nói về Tiệp Khắc
trong khoảng giao thời giữa hai thập niên 40 và 50, khi diễn ra những vụ án đẫm
máu chống lại “kẻ thù của nhân dân” nhưng đồng thời cũng có vô số tập thơ dở
đầy hồ hởi lạc quan được xuất bản và có tiếng vang, ông viết trong tác phẩm
trên: “Bức tường mà phía sau đó những người bị bắt phải chịu cực hình được
xây bằng những câu thơ, quanh bức tường đó người ta nhảy múa”. Còn trong
sách Những di chúc bị phản bội ông khẳng định: “Đối với cuộc cách
mạng Nga thiên tài của Maiakovski cũng tối cần thiết như cảnh sát của Zerginski”.
Trong tiểu thuyết của Kundera có nhiều khiêu dâm. Một số
nhà điểm sách có xu hướng cho đó là sự chiều theo thị hiếu của độc giả đại
chúng. Còn bản thân tác giả thì nhất quyết cho rằng khiêu dâm là một thành phần
tất yếu của sự suy xét triết học đối với thế giới. K. Hvatik, nhà nghiên cứu
tinh tế đã nói ở trên, chuyên gia về Kundera, đồng ý với cách đặt vấn đề như
vậy, ông viết về cuốn Nhẹ kiếp nhân sinh: “Đề tài tình yêu trong tiểu
thuyết của Kundera trở thành tấm gương phê phán thời đại cuối thế kỷ, thời đại
của sự hoài nghi và sự lừa dối tập thể, của sự thao túng con người và tư
tưởng”.
Kundera xác lập các yêu cầu đối với các hình thức mới
trong nghệ thuật như sau: “1) vứt bỏ triệt để tất cả những cái gì không
quan trọng - để nắm bắt lấy sự phức tạp của hiện sinh trong thế giới
hiện đại, mà vẫn không làm mất đi sự rõ ràng của thuật kiến trúc; 2) “sự
đối âm tiểu thuyết” – để thống nhất triết học, tự sự và tưởng tượng
thành một dòng chảy âm nhạc duy nhất; 3) lối tiểu luận đặc thù của
tiểu thuyết – nói cách khác: thay vì nêu lên những câu châm ngôn mang
tính tất yếu, hãy nói những lời giả định, vui nhộn hoặc mỉa mai”. Theo
niềm tin chắc của ông, tiểu thuyết kiểu mới hầu như sẽ tự động mang theo mình
vấn đề phức điệu. Ông nhấn đi nhấn lại bản chất tra vấn của tiểu thuyết, khả
năng hoài nghi tất cả của nó. Chính dựa vào đó, theo Kundera, nhà tiểu thuyết
mới có khả năng tiến sát đến việc khám phá ra điều bí ẩn duy nhất mà hắn phải
quan tâm, – “điều bí ẩn của hiện sinh mà chỉ hắn và nghệ thuật tiểu thuyết
của hắn mới khám phá ra được”.
Sự trùng hợp một số điểm trong các quan niệm của Kundera
với lý thuyết của Bakhtin đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra, nhưng tôi không
dám quả quyết nói thẳng về ảnh hưởng của nhà bác học Nga. Đây có thể là sự
trùng hợp thuần tuý “loại hình”: bởi Kundera trong các cấu trúc lý thuyết tiểu
thuyết của mình, khác với Bakhtin, dựa phần nhiều vào các quan điểm mỹ học của
các nhạc sĩ tiền phong chủ nghĩa thế kỷ XX. Kundera thường nhắc đi nhắc lại
rằng ông viết về tiểu thuyết với tư cách nhà thực hành chứ không phải nhà lý
thuyết. Điều quan trọng đối với ông là xác định vị trí của mình trong hàng ngũ
các nhà tiểu thuyết, chứ không phải các nhà lý thuyết. Theo ý tôi đóng vai trò
lớn ở đây là sự ác cảm của nhà văn đối với lối làm ra vẻ hàn lâm khoa học, với
những trò tập luyện ngôn từ trừu tượng quanh các đề tài văn học, tách khỏi quá
trình phát triển sống động của nó.
Trong sách Những di chúc bị phản bội Kundera kể
một câu chuyện theo quan điểm của ông là buồn cười, nhưng lại có ý nghĩa tiêu
biểu đối với tình trạng hiện thời của tư tưởng phê bình văn học, chuyện đó xảy
ra do đọc không đúng một tình tiết trong cuốn tiểu thuyết Sách cười và lãng
quên: “Sau Joyce chúng ta đã biết rằng sự phiêu lưu lớn nhất trong
cuộc sống chúng ta - đó là không có sự phiêu lưu nào cả… Chàng Odysée
của Homer đã chuyển chỗ vào bên trong con người”. Các nhà phê bình coi câu
nói đó là tín điều của Kundera, thán phục sự quan sát tinh tế và sâu sắc của
ông. Bản thân Kundera đã gọi bài nói của một giáo sư là “sự triết lý hão
đần độn” và viết thêm: “Vào những năm bảy mươi tôi thường nghe thấy
quanh mình trò ba hoa hỗn hợp đó, nó được may lại từ những đoạn cắt của cấu
trúc luận và tâm phân học”. Cũng do những nguyên nhân đó nên Kundera không
hào hứng gì với những cuộc tranh luận về chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhà văn kiên
quyết chống lại việc liệt ông vào hàng các nhà hậu hiện đại, mặc dù trong các
tác phẩm của ông thực tế có thể dễ dàng nhận thấy tất cả các thủ pháp gắn với
thuật ngữ này.
Tiểu thuyết học
Khi xây dựng quan niệm tiểu thuyết của mình, Kundera không
quan tâm đến các sơ đồ nghiên cứu văn học đã được thừa nhận. Ông rất thản nhiên
đối chiếu, chẳng hạn, Vụ án của Kafka và Chiến tranh và hoà bình
của Tolstoi, cả hai cuốn đối với ông hoàn toàn không phải thể hiện sự đối lập
“chủ nghĩa hiện thực – chủ nghĩa hiện đại”, mà là đều thuộc về nghệ thuật tiểu
thuyết bậc cao. Kundera chứng minh rằng mỗi một cuốn đó đã khám phá theo cách
của mình những tính quy luật toàn cầu của sự sinh tồn của con người và cả hai
cuốn đều có cảm giác thơ ca cố hữu. Chúng ta cần lưu ý rằng khái niệm “thơ ca”
ở đây không phải là một định nghĩa thể loại, không có gì chung với loại “trữ
tình” mà ông đã nhắc đến và bác bỏ ở trên – nó tương quan với các khái niệm
“tính thơ” và “vẻ đẹp”. Kundera viết rằng “không thể đi xa hơn Kafka trong
Vụ án, nơi ông đã sáng tạo nên hình tượng đặc biệt có tính thơ về một thế
giới không hề thơ mộng chút nào”. Và tiếp: “… những ô cửa sổ mở ra
trong cuốn tiểu thuyết của Kafka trông ra phong cảnh của Tolstoi, ra cái thế
giới mà ngay cả vào những thời khắc khủng khiếp nhất các nhân vật vẫn giữ được
quyền tự do quyết định, nhờ đó mang lại cho cuộc sống niềm vui bất ngờ – cái
tạo nên nguồn thơ”.
Kundera đối lập các tiểu thuyết của Kafka và Tolstoi với
các tác phẩm của Dostoievski và Orwell, nơi cái vượt trội không phải là thơ ca
mà là hệ tư tưởng. Theo ý ông “bản sắc các nhân vật của Dostoievski là nằm
ở hệ tư tưởng cá nhân của chúng, hệ tư tưởng này trực tiếp hay gián tiếp quy
định trước hành vi của chúng… nhưng trong đời thực liệu con người có phải là sự
phóng chiếu của hệ tư tưởng của mình không?”. Ông càng thấy khó chấp nhận
hơn nữa các tiểu thuyết của Orwell khẳng định những tư tưởng đã được biết đến
từ trước. Trong Nghệ thuật tiểu thuyết ông viết: “Cái Orwell nói
với chúng ta thì cũng có thể nói được như thế (thậm chí còn hay hơn
nhiều) qua tiểu luận hay văn đả kích”. Trong Những di chúc bị
phản bội ông khẳng định rằng “sự tiến bộ chính trị” không thể
biện hộ cho sự định kiến tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật. Về tiểu thuyết 1984
ông viết: “Tác động tiêu cực của cuốn tiểu thuyết này là ở chỗ rút gọn quá
đáng hiện thực chỉ về phương diện chính trị của nó, còn bản thân phương diện
này thì lại bị rút gọn chỉ về nội dung phủ định của nó. Tôi bác bỏ lối biện hộ
cho loại sản phẩm như thế bằng cách cho rằng nó có thể có ích về mặt tuyên
truyền trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa toàn trị xấu xa… Cuốn tiểu
thuyết của Orwell, bất chấp ý đồ của ông ta, tự nó đã biến thành cái mang tinh
thần chủ nghĩa toàn trị, tinh thần tuyên truyền”.
Đến đây chúng ta đã đi sát gần tới luận điểm nền tảng trong
lý thuyết tiểu thuyết của Kundera thể hiện ở sự đối lập dứt khoát với tính định
sẵn về chính trị và tư tưởng của nghệ thuật thông qua các quan niệm mỹ học
chính thống của thời đại xã hội chủ nghĩa và thu nhận vào mình kinh nghiệm đã
được suy xét về sự tham gia của cá nhân ông vào các cuộc tranh luận
và xung đột chính trị, kinh nghiệm về những đam mê, hy vọng dân chủ và những đổ vỡ cay đắng
mà ông đã trải: thoạt đầu là vào khả năng cải cách chủ nghĩa xã hội, sau đó là
vào bản thân hệ tư tưởng. Ông đi đến kết luận rằng nhà tiểu thuyết không nên
gắn mình với bất kỳ một học thuyết nào dù là về chính trị, tư tưởng, tôn giáo
hay thậm chí đạo đức. “Chính kiến là gì? – ông suy luận – Đó là tư
tưởng đã bị dừng lại, bị đông cứng, “người có chính kiến” đó
là con người bị giới hạn. Tư tưởng thực nghiệm (mà tiểu thuyết cần
phải xây lên trên đó - S.Sh) không nhằm thuyết phục, mà nhằm gây hứng,
đánh thức
sự phát triển của tư tưởng khác, làm cho tư tưởng đó chuyển động: nhà tiểu
thuyết chỉ đơn giản có bổn phận phi hệ thống hoá một cách hệ thống tư tưởng của
mình, phá đổ những rào cản mà bản thân hắn dựng lên quanh TƯ TƯỞNG của mình”.
Mệnh lệnh tư tưởng tất yếu sẽ dẫn đến cái chết của tiểu thuyết, điều này, theo
ý Kundera, đã xảy ra ở Liên Xô thời kỳ Stalin, nơi chỉ có thể xuất hiện “những
cuốn tiểu thuyết sau sự chấm dứt lịch sử của tiểu thuyết”.
Trong một cuộc phỏng vấn người ta hỏi Kundera: “Ngài là
người cộng sản, thưa ngài Kundera? – Không, tôi là nhà tiểu thuyết. – Ngài là
phần tử ly khai? – Không, tôi là nhà tiểu thuyết. – Ngài là tả hay hữu? – Tôi
chẳng tả mà cũng chẳng hữu. Tôi là nhà tiểu thuyết”.
Danh xưng “nhà tiểu thuyết”, theo Kundera, cần phải biểu
đạt một mức độ đặc biệt của sự tự do, sự khách quan và sự vô can. “Xa lánh
các chuẩn mực đạo đức – ông quan niệm - đó không phải là sự vô đạo đức
của tiểu thuyết, mà là đạo đức của nó”. Có thể phản đối rằng sự khách quan
tuyệt đối mà tác giả Nghệ thuật tiểu thuyết nêu lên nói chung là không
tồn tại. Có thể bằng cách phân tích các tiểu thuyết của ông chứng minh rằng bản
thân ông cũng không đủ khả năng, như chính ông đã tuyên bố, yêu tất cả các nhân
vật như nhau, rằng hiển nhiên là ông cũng tìm cách thuyết phục độc giả về một
cái gì đó… Có lẽ, các công thức ông đưa ra quá mang tính cực đoan, nhưng
chúng thấm đẫm niềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật, vào việc văn học cho đến
hiện nay vẫn có thể mang lại rất nhiều cho con người. Theo Kundera, cuốn tiểu
thuyết có tính tra vấn, mỉa mai, thoát khỏi thiên kiến tư tưởng có thể giúp
định hướng trong cái thế giới hiện nay của những sự thật bị bóp méo và những tình
cảm bị trương phình. Nếu như trữ tình với cảm hứng thiếu suy nghĩ chỉ làm cho
tư tưởng bị tê liệt đi, thì tiểu thuyết bằng “sự hiền minh của hoài nghi” sẽ
đánh thức
tư tưởng dậy, giúp hiểu ra sự phức tạp khôn cùng của cuộc sống.
D. Godrova gọi quan niệm của Kundera là “tiểu thuyết học”.
Quả thực, ông gán cho tiểu thuyết những khả năng hầu như vô hạn. Nhưng chúng ta
đừng nên quên rằng đây là quan niệm không phải của nhà lý thuyết, mà của nhà
thực hành “công việc tiểu thuyết”. Cố nhiên chẳng nên tin vào những lời thuyết
phục được nhắc lại nhiều lần rằng dường như ông không hề có ý lập thuyết ở đây.
Nếu thế thì ông cứ cho ra hết cuốn này đến cuốn khác về lý thuyết tiểu thuyết
để làm gì! Nhưng có một điều khác quan trọng hơn: khi thừa nhận cho tiểu thuyết
những khả năng hết sức rộng lớn nhận thức “hiện sinh”, khi khẳng định rằng trong
tình trạng khủng hoảng hiện nay của các hệ thống tư tưởng và triết học, cũng
như của tất cả các khoa học nhân văn, tiểu thuyết vẫn còn cần thiết hơn bao giờ
trước đây, như vậy là Kundera với tư cách nhà thực hành, nhà tiểu
thuyết đã nhận về mình những bổn phận hết sức cao cả. Thật vậy, ông có trách
nhiệm rất cao đối với các văn bản tiểu thuyết của mình, không chỉ về đề tài,
nhân vật, cốt truyện, mà cả về hình thức cũng vậy. Ông sửa chữa rất kỹ lưỡng cấu
trúc, sự tương thông giữa các phần các chương, vứt bỏ tất cả những cái không
quan trọng, vươn tới sự chính xác của từng câu. Mặc dù ông không thú
nhận điều này, nhưng theo tôi cảm thấy, ông lắng nghe nhận xét của các nhà phê
bình, chăm chú theo dõi các bản dịch tác phẩm của mình và trong những trường
hợp nếu có thể được về mặt ngôn ngữ, ông dò soát lại gần như từng từ. Trong Nghệ
thuật tiểu thuyết ông đưa hẳn vào cả một từ điển những khái niệm ông hay
dùng nhất (chương “Sáu mươi ba từ”), giải thích tỉ mỉ ý nghĩa của chúng để các
dịch giả không hiểu sai và không chọn những từ đồng nghĩa thiếu chính xác với
cớ là “cho đẹp âm tiết”. Lẽ dĩ nhiên, có thể nhận ra giữa Kundera-nhà lý thuyết
và Kundera-nhà thực hành có những mâu thuẫn, nhưng sự phụ thuộc làm phong phú
lẫn nhau giữa hai lĩnh vực hoạt động này của ông là điều hoàn toàn rõ ràng.
Cách giải thích của Kundera về lịch sử tiểu thuyết và vai
trò của nó trong thế giới hiện đại có nhiều điều gợi lên ý muốn tranh luận. Đã
có nhiều người lên tiếng phản đối, trong đó có Iosif Brodski, sự đánh giá tiêu
cực của ông đối với sáng tác của Dostoievski. Cũng không thể chấp nhận thái độ
phủ định một chiều của ông đối với “trữ tình”, mặc dù ông đã nắm bắt rất tinh
tế cái xu hướng tiêu biểu của các chế độ toàn trị là dựa vào sự cảm thụ thế
giới một cách nồng nàn hời hợt. Nói cho đúng ra thì bản thân Kundera đã nhiều
lần có nhận xét tốt về các nhà thơ cụ thể; chẳng hạn ông lấy làm kinh ngạc
trước việc những kẻ hiện nay lật đổ Maiakovski lại quên mất thơ trữ tình tình
yêu và “những ẩn dụ khó tưởng tượng nổi” của ông ta. Kundera tin tưởng sâu sắc
rằng loại tiểu thuyết mang tính tra vấn, hoài nghi là thù nghịch hữu cơ với chủ
nghĩa toàn trị, thứ chủ nghĩa này không cần gì đến việc nghiên
cứu các vấn đề của cuộc sống, mà chỉ cần sự tuyên truyền cho những “lời giải”
đã soạn sẵn. Nhưng liệu có thể trên cơ sở này nói về cái chết của tiểu thuyết
được chăng? Không phải tất cả các nhà tiểu thuyết đều chịu làm cái “bàn là tư
tưởng” (chữ dùng của Solzhenitsyn). Ngay cả vào thời kỳ toàn trị vẫn xuất hiện
những tác phẩm của thứ nghệ thuật cao, thậm chí nếu như chúng
không phải bao giờ cũng đến được ngay với độc giả. Một thí dụ điển hình – cuốn
tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov được hoàn thành
trong những ngày ảm đạm nhất dưới thời Stalin, chẳng hiểu sao cuốn này lại lọt
khỏi mắt Kundera. Cũng như ở Tiệp Khắc thời “quy phạm hoá” của Husak vẫn có
những tiểu thuyết xuất sắc được viết ra, thí dụ Anh chàng người Czech mê
ngủ của L. Vatsulick hay Tôi đã phục vụ hoàng đế Anh quốc như thế nào
của B. Hrabal, đấy là chưa nói đến các sách của chính Kundera.
Dành hẳn mấy chương trong các sách viết về tiểu thuyết để
nói về âm nhạc (Ngẫu hứng, tưởng niệm Stravinski, Người chán ngấy
trong gia đình mình – về di sản của Janasek), Kundera đã hào hứng mô tả
thi pháp các tác phẩm của mình bằng các thuật ngữ âm nhạc, dùng chúng để xác
định nhịp điệu, thanh điệu, trường độ của các phần riêng biệt. Ông thích cấu
trúc kiểu “xônát”, thích “chiến lược biến tấu kiểu Beethoven”. Tiểu thuyết
trong quan niệm của ông là sự thống nhất các biến tấu về một đề tài (trong tiểu
thuyết, như ông từng nhấn mạnh, chính đề tài là đặc biệt quan trọng), ông cho
số bảy là con số ma thuật tổ chức nên sự hài hoà. Vốn từ nhỏ đã đắm mình trong
thế giới âm nhạc (ông là con trai của một nhạc công piano và giáo viên dạy
nhạc, lại đã từng học cách soạn nhạc) nên đối với ông tất cả những cái đó đều
chất đầy ý nghĩa, đều hiện diện khi tạo ra tác phẩm như một “mệnh lệnh âm
nhạc”. Tuy nhiên những “nút buộc” âm nhạc thẳng băng này đôi khi có vẻ là
sự tìm tòi cố ý, mặc dù không thể không thừa nhận rằng bản thân sự có mặt của
thế giới âm nhạc trong các sách về tiểu thuyết đã đưa lại cho chúng “dung lượng
văn hoá học”.
Là người cho đến tận gần đây vẫn viết bằng tiếng Czech, đối
với công chúng quốc tế vẫn còn bị coi là người “xứ lạ”, nên Kundera rất quan
tâm đến việc dịch. Chẳng hạn ông đã có riêng một bài viết phân tích việc dịch
một câu của Kafka ra các thứ tiếng khác nhau. Nhưng ngay bài viết đó
cũng không hẳn nói về việc dịch, mà là nói về đặc thù của nghệ thuật tiểu
thuyết. Kundera khuyên: phải đọc các tiểu thuyết thật chậm rãi, chăm chú; thật
ra liền đó ông cũng nói ngay rằng khó mà tìm được một người nào trên đời đọc
sách lại không nhảy cóc từng trang. Nhưng thực chất là ở chỗ cần phải viết
ra những cuốn tiểu thuyết đáng để đọc chậm.
Tiểu thuyết, theo Kundera, đó là “nghệ thuật mang tính
châu Âu nhất trong tất cả các nghệ thuật”, nếu – xin nhắc lại – hiểu châu
Âu ở đây “không phải như lãnh thổ, mà như văn hoá”. Nó có những phẩm
chất “siêu cá nhân”, và “các tiểu thuyết vĩ đại bao giờ cũng mang
nhiều tính trí tuệ hơn các tác giả của chúng”, còn hình thức trong
nghệ thuật “đó bao giờ cũng lớn hơn chỉ là hình thức”.
*
Xa lánh chính trị và hệ tư tưởng, Kundera thực chất tin
tưởng vào thiên chức xã hội, nhân văn cao cả của nghệ thuật tiểu thuyết. Khi
đưa lại cho con người sự nhận thức phù hợp nhất về ý nghĩa của sinh tồn, nó
đối lập lại với các phương tiện thông tin đại chúng, những cái không để cho con
người được đối diện với chính mình, tước mất của con người ký ức lịch sử, đè
nén cá tính của con người: “Cuộc sống thường xuyên bị ngốn nuốt bởi các “sức
mạnh thoái hoá”, và công việc của nhà văn - đó là những
nỗ lực Đông Ky Sốt bảo vệ con người khỏi sự thoái hoá, là khát vọng tạo ra một
thế giới tưởng tượng nhỏ bé có sự tươi mới của một câu hỏi bất ngờ”. Vào
một thời kỳ khủng hoảng, bất lợi cho nghệ thuật như hiện nay, Kundera – với tất
cả sức mạnh lôgích, tầm học vấn rộng lớn và tài năng văn chương – kiên trì tư
tưởng về vai trò đang tăng lên của văn học: “Nếu quả thật những biến cố lớn
lao đang tới gần, tôi không biết có gì cần thiết cấp bách hơn việc kéo dài cuộc
sống của văn học và sự độc lập hoàn toàn của nó. Trong trường hợp ngược lại
chúng ta sẽ bị nghiến nát bởi cỗ máy của sự tầm thường về chính trị và tư
tưởng, cỗ máy này vào những thời kỳ “biến cố lớn lao” thường
quay nhanh đáng sợ”.
Lý thuyết tiểu thuyết của Kundera, tương ứng với những sự
yêu thích của ông, không nhằm đưa ra lời đáp, mà là đặt câu hỏi. Được trình bày
với độc giả theo lối châm ngôn mỉa mai, nó buộc phải hoài nghi cái đã được chấp
nhận rộng rãi, nó khiêu khích, nó gợi mở tư tưởng. Không bắt buộc, mà cũng
không thể đồng ý với ông về tất cả các vấn đề, còn niềm tin của ông vào sứ mệnh
cứu vớt của tiểu thuyết có thể ai đó sẽ coi là quá ảo tưởng. Nhưng biết đâu ông
lại đúng ở điều chính yếu thì sao?
NGÂN XUYÊN dịch
từ nguyên bản tiếng Nga, báo “Điểm
sách”, phụ trương của “Báo độc lập”, 21. 08. 1997.
* TS
ngữ văn – Viện Slavơ học và Bancăng học, Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Nguồn:
Tạp chí Nghiên cứu văn học số 6 – 2005. Copyright © 2012
- PHÊ BÌNH
VĂN HỌC
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete