Trang

Tuesday, June 19, 2012

BÁO CHÍ HIỆN ĐẠI & HAI MẶT CỦA TẤM HUY CHƯƠNG

(CL)- Sẽ không có gì là quá nếu cho rằng, nhờ có sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và dũng cảm của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng nên thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và xử lý. Nhưng đó chỉ là một mặt lấp lánh của tấm huy chương dành cho báo chí. Để thực sự phát triển lành mạnh, đã đến lúc làng báo Việt Nam phải thẳng thắn đối diện với mặt trái của tấm Huy chương.

 
1. Qua báo chí, những ý kiến tham vấn xác đáng về những “lỗ hổng” của cơ chế, chính sách đã phần nào giúp cho các nhà quản lý kịp thời khắc phục, hoàn thiện chúng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước. Có thể kể ra đây hàng loạt vụ tham nhũng tiêu cực được báo chí phanh phui trong những năm qua như vụ việc ở Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, vụ việc ở PMU 18... Cũng nhờ báo chí mà nhiều mảnh đời chìm nổi, oan sai đã thoát khỏi vòng lao lý như câu chuyện của bà Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu.

Mới đây nhất đó là sự vào cuộc của báo chí trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Sau kết luận hôm 10/2 của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc nêu trên, đã có một thống kê “bỏ túi” được nhiều tờ báo thực hiện: Chỉ tính riêng vụ việc này đã có tới hơn 1.000 bài báo thuộc đủ các loại hình được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt 35 ngày từ khi xảy ra “sự kiện Tiên Lãng”. Để có một kết luận vừa thấu tình, đạt lý vừa chứng tỏ được sự thượng tôn của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể và kể cả quan chức, trước hết cần phải khẳng định đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của MTTQ Việt Nam... Và, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của báo chí. Nói cách khác, nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí thì những sai phạm trong quản lý đất đai ở Tiên Lãng sẽ còn rất lâu mới bị “lật tẩy”.

Ghi nhận những đóng góp của báo chí, khi kết luận về vụ việc Tiên Lãng, Thủ tướng đã hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này. Sự ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ là “phần thưởng” cho những tờ báo, nhà báo biết đứng về phía chính nghĩa. Đây cũng chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm báo; giúp họ có thêm niềm tin để đi đến tận cùng trong cuộc chiến chống tiêu cực.

2. Công thì rõ ràng như vậy. Nhưng “tội” của báo chí là ở chỗ: Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép. Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài nhất, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Không ít báo đưa thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin. Đây là dạng sai phạm có tác động xấu đến dư luận xã hội, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc. Thậm chí có báo thông tin bịa đặt hoàn toàn, như bịa đặt bài phỏng vấn khi không phỏng vấn. Rồi “biến” từ tin đồn, tin từ mạng xã hội không được kiểm chứng thành tin chính thức trên báo chí. Tình trạng đưa tin quá nhiều về các vụ án, vụ việc tiêu cực trên một số báo, trang báo, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội có xu hướng không giảm.

Có những vụ việc bình thường xảy ra ở một địa phương nhưng báo chí cả nước đồng loạt đưa tin với mức độ như nhau, không phân biệt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích khác nhau, có khi dồn dập hàng trăm tin, bài tạo ra cảm giác vụ việc quá khủng khiếp gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội. Khi các trang mạng, báo điện tử trả cho phóng viên mức lương và nhuận bút bèo bọt thì thật khó mong phóng viên giữ được bản lĩnh ngòi bút khi quanh họ luôn đầy rẫy cám dỗ, khi nhiều đồng nghiệp đã "hiên ngang" tậu nhà, sắm xe. Từ bao giờ chẳng biết, những chiếc phong bì kẹp trong thông cáo báo chí tại các buổi họp báo hay khoản tiền “tip”, những món quà sau khi bài báo đăng tải đã được xem là một nguồn thu và dần là nguồn thu chủ lực trang trải cho cuộc sống của một số phóng viên. Có quá lời không nếu bảo rằng một số tòa báo hiện nay đang đẩy phóng viên của mình vào vị thế “đi ăn mày”?

Một khía cạnh khác, khi một người viết báo không chỉ sống nhờ nghề báo mà kiêm nhiệm thêm nghề bầu show, quản lý, PR... thì sự công tâm của họ thực sự bị thử thách. Đã mắc vào guồng máy ấy, khi một scandal nổ ra, phóng viên phải ra tay đỡ đòn cho nghệ sĩ, doanh nghiệp. Làng báo chẳng đã nhiều hơn một lần chứng kiến cuộc chiến của các phe nhóm để bảo vệ lợi ích cho “thân chủ” rồi sao. Từ chuyện mẹ con bà Ngọ đại chiến công ty truyền thông BHD trong khuôn khổ cuộc thi Vietnam’s Got talent, chuyện Hà Anh và Đỗ Mạnh Cường đấu nhau chuyện chân dài tham dự Tuần lễ thời trang quốc tế, đến chuyện kinh doanh từ thiện của mì Gấu Đỏ... cánh phóng viên cũng chia phe “choảng” nhau. Giữa một ma trận chồng chéo các mối quan hệ, những nhà báo viết bài trong tâm thế vô vụ lợi trở nên thật hiếm hoi. Lúc này, đương nhiên sẽ cần đến tài năng và bản lĩnh của các biên tập viên, trưởng ban, những thư ký tòa soạn... và trên hết là khả năng gác cửa của tổng biên tập nếu muốn giữ uy tín cho cơ quan mình. Là những người nhiều kinh nghiệm, bộ phận “hậu đài” tại các tòa báo phải có khả năng nhận ra những bài viết có dấu hiệu bất thường và kịp thời can thiệp, để sản phẩm cuối cùng xuất hiện trên mặt báo vẫn đảm bảo được sự tin cậy, độ chính xác và hấp dẫn.

3. Từ câu chuyện ở Tiên Lãng một lần nữa cho thấy, trách nhiệm của báo chí trước xã hội lớn đến đâu. Nếu chỉ đơn thuần vin vào câu chuyện chống tham nhũng, tiêu cực lấy đó để làm tin “hot” thì chẳng thể tránh khỏi kiểu đưa tin giật gân, thổi phồng, làm nhiễu thông tin mà Thủ tướng cũng đã thẳng thắn nhắc nhở là cần “Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân”. Đó có thể chỉ là một sự lạc điệu nhất thời. Lạc điệu là bởi; rất có thể họ có được lợi ích kinh tế trước mắt nhờ việc tăng số lượng phát hành, tăng số lượng người “click” vào trang mạng của mình mà quên mất lợi ích lâu dài đó là thương hiệu của tờ báo ở trong lòng độc giả.

Đáng mừng trong câu chuyện ở Tiên Lãng, những tờ báo như thế đã trở nên lạc điệu và không có nhiều. Điều đáng mừng nữa, từ sự việc ở Tiên Lãng, chắc chắn, nhiều nhà báo sẽ thêm yêu cái nghề nguy hiểm này, sẽ tự đòi hỏi phải luôn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trau dồi về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh khi “trót” mang lấy nghiệp vào thân. Và, tràn đầy hy vọng các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, quản lý, sẽ tăng thêm lòng tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Khánh An

No comments:

Post a Comment