Trang

Tuesday, June 19, 2012

CHUYỆN BẾP NÚC CỦA CÁC TRƯỞNG BAN VĂN HÓA: NẶNG VỀ VĂN HÓA HAY NẶNG VỀ GIẢI TRÍ

 (CL)- Các chuyện mục văn hóa - giải trí của các báo mạng hay báo giấy “nóng” hơn nhờ có khá nhiều câu chuyện tranh cãi xung quanh cách đưa thông tin quá nặng về giật gân câu khách, chạy theo thị hiếu mang tính bề nổi. Dưới đây là cuộc trao đổi với các trưởng ban văn hóa Chu Thu Hằng (Báo Văn hóa), Ngô Bá Lục (báo điện tử Vnmedia), Đào Gia Long (VTC News)- những người chịu trách nhiệm tổ chức bài vở cũng như biên tập, kiểm soát thông tin văn hóa- giải trí trên các báo… 

 


Làm sao để dung hòa được 2 yếu tố “chính thống” và “giải trí”

+ Thời gian gần đây, các trang báo văn hóa là một lựa chọn để các báo tăng số lượng phát hành hay lượng truy cập. Anh (chị) khi được giao phụ trách mảng này đã hướng phóng viên của mình phải làm như thế nào để luôn hấp dẫn độc giả?

- Chu Thu Hằng: Với Báo Văn Hóa, chúng tôi xác định đối tượng độc giả là các nhà quản lý, các nhà làm văn hóa, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và các độc giả quan tâm đến văn học- nghệ thuật nước nhà. Theo đó, phóng viên văn hóa-văn nghệ được định hướng phải cập nhật, phản ánh toàn diện, chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ VHTTDL để những người hoạt động trong lĩnh vực này có điều kiện tiếp cận nhanh nhất những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình hoạt động. Tất nhiên, cách viết phải thổi được hơi thở của đời sống với nhịp của cảm xúc ái, ố, hỉ, nộ. Nói cách khác, phải viết đúng, đủ nhưng vẫn phải mềm, ngọt, hấp dẫn.

- Đào Gia Long: Tôi thiết nghĩ, cái gì gần gũi với cuộc sống bao giờ cũng là thứ cần thiết và hấp dẫn. Cùng với slogan Hơi thở cuộc sống của báo điện tử VTC News, chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả bằng con đường ấy. Trang văn hóa vẫn đầy ắp các sự kiện thời sự của văn hóa, giải trí, đời sống showbiz, những câu chuyện hậu trường của sao… Hút độc giả bằng con đường riêng, tạo ra những nét mới, độc đáo trong từng đề tài so với các báo khác là câu chuyện hàng ngày được chúng tôi nhắc tới.

- Ngô Bá Lục: Thực ra thì trong thời buổi cạnh tranh thông tin khốc liệt như hiện nay, mỗi báo sẽ có một cách làm riêng, đó là tạo bản sắc, ở VnMedia, Văn hóa cũng là một thế mạnh. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất của tôi là làm sao để dung hòa được 2 yếu tố “chính thống” và “giải trí”. Kiểu làm “nửa nạc nửa mỡ” này rất khó, bởi nếu không có giải trí thì lượng người đọc sẽ tụt thê thảm, mà nếu không có “chính thống” thì lại bị cho là “lá cải”, vì thế, việc cân đối là điều rất quan trọng. Chúng tôi luôn chọn 60/40 tỷ lệ cho “chính thống”/ “giải trí”.

+ Là những nhà kiến tạo nên trang văn hóa của báo mình, để không bị coi là chạy theo thông tin giải trí mà bỏ qua văn hóa thì các anh (chị) tổ chức bài vở như thế nào?

- Chu Thu Hằng: Cách kiểm soát hiệu quả là định hướng tiếp cận và khai thác đề tài cho phóng viên đúng với tôn chỉ, mục đích của báo mình. Sự định hướng này không đồng nghĩa với “đóng khung” cách tư duy, cách viết mà trên cơ sở định hướng, tạo hành lang thông thoáng để phóng viên chủ động, sáng tạo. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích phóng viên phát hiện những đề tài riêng, khuyến khích những phong cách viết riêng để có thể tạo nên thương hiệu cho cây bút của họ.

- Ngô Bá Lục: Như đã nói ở trên, chúng tôi phân công 2 người làm giải trí, trong khi đó có tới 4 người làm văn hóa “chính thống”. Tuy nhiên, một thực tế buộc phải nhìn nhận, dù nó khá “đau” đó là chỉ 2 bạn làm giải trí nhưng luôn có lượng người đọc bằng 4 phóng viên kia cộng lại, thậm chí cao hơn rất nhiều, nếu đó là scandal. Tuy nhiên, chỉ có chúng tôi làm quản trị thì mới nắm được điều đó, còn trên trang báo, đương nhiên những tin văn hóa phải là những tin chiếm nhiều diện tích ở chuyên mục, bởi báo chí không chỉ có nhiệm vụ đưa thông tin phụ vụ độc giả, mà còn mang tính định hướng nữa. Vì thế những bài viết về điện ảnh, âm nhạc của Vnmedia được chú trọng và đầu tư khá nhiều.

- Đào Gia Long: Thực tế, khi làm việc, chúng tôi không bỏ qua bất kỳ một sự kiện văn hóa lớn nào. Cụ thể về văn học, sân khấu, điện ảnh, các hoạt động lớn của ngành, phát hiện khảo cổ học… Nhưng, những sự kiện như thế này thường là ít xuất hiện và nằm lọt giữa các thông tin giải trí khiến nhiều người hiểu lầm chúng tôi chỉ làm giải trí. Hơn nữa, lượng bạn đọc quan tâm đến vấn đề này không đủ lớn để tạo một hiệu ứng. Vì thế, dễ dẫn đến tình trạng nhìn mặt báo chỉ thấy chuyện hậu trường nghệ sỹ. Đây là một điều đáng tiếc. Nếu so sánh một bài viết về văn hóa nghiêm túc và một bài viết về hậu trường nghệ sỹ sẽ thấy lượt đọc những bài viết kiểu văn hóa nghiêm túc rất ít. Như vậy, chúng ta thấy độc giả đang cần gì, muốn đọc như thế nào. Tôi cho rằng, việc chỉ trích các báo điện tử lá cải, chạy theo hit là không xác đáng. Trên mặt bằng chung, việc một tờ báo có làm hấp dẫn để kéo người đọc vốn phải là chuyện đúng đắn nhất, và không thể chỉ nhìn vào những bài viết dạng hậu trường nghệ sỹ có nhiều người đọc mà cho rằng chúng tôi đang chạy theo hit không định hướng.

Có thể HOT nhưng tôi không sử dụng, nếu nó vi phạm nguyên tắc…

+ Những thông tin mang tính bề nổi về giới showbiz luôn hút độc giả hơn các sự kiện văn hóa nghệ thuật có giá trị cao. Đứng giữa ranh giới này, các anh chị phải thường xuyên điều chỉnh trang, chuyên mục văn hóa để luôn cập nhật các sự kiện giải trí nổi bật, đồng thời cũng có được những nhận định, chính kiến của các nhà báo hay đôi khi chỉ chọn một trong hai cách để đưa tin bài, chứ không cùng lúc cả hai?

- Ngô Bá Lục: Thực ra về giải trí thì lại phụ thuộc nhiều vào các sự kiện “bất thường” của showbiz, đơn cử như vụ Cao Thái Sơn hay Người đẹp Mỹ Xuân... vừa rồi. Còn Văn hóa thì mình hoàn toàn có thể lên các kế hoạch từ trước để tiếp cận và tác nghiệp các sự kiện, những sự kiện văn hóa thường được lên kế hoạch đầu năm như các cuộc thi sắc đẹp, thi hát, các show truyền hình thực tế. Vì thế, chúng tôi luôn lên kế hoạch từ đầu năm để đầu tư thời gian và công sức vào những sự kiện nào mà dự đoán là sẽ “hot”, lên dàn ý để tác nghiệp sự kiện đó theo chuỗi ý tưởng, tạo sự hấp dẫn qua cách khai khác ở những khía cạnh mới, góc nhìn mới. Vnmedia có trang Văn hóa riêng và Giải trí riêng nên không bị “giẫm chân” lên nhau.

- Đào Gia Long: Chúng tôi chọn cách đi bằng hai chân giải trí và chính thống. Sự phong phú thông tin để phục vụ độc giả là mục đích mà chúng tôi luôn ghi nhớ để làm việc. Thực tế, chúng tôi chưa từng đứng nghiêng về bên nào cả.

Có rất ít người hài lòng với những gì mình đã làm được…

+ Hàng ngày mở trang báo của mình, anh (chị) thấy đã hài lòng với cách mình đưa thông tin chưa, hay thực sự thấy buộc phải làm theo “gu” của độc giả?

- Ngô Bá Lục: Tất nhiền là có lúc hài lòng, có lúc không, nhất là những khi showbiz quá im ắng, không có các hoạt động. Chúng tôi luôn đi song song hai khía cạnh: Một là bám theo sự kiện, hai là phân tích, tạo góc nhìn mới ở những câu chuyện cũ... Đôi khi cũng đo độ quan tâm của độc giả, xem họ cần gì để mình đáp ứng (theo quy định).

- Chu Thu Hằng: Trong bối cảnh làm báo hiện nay, để giữ đúng tôn chỉ mục đích của báo mà vẫn thu hút được số đông độc giả với những người làm báo thực sự khó. Nó giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây vậy. Vì vậy, có lẽ rất ít người hài lòng với những gì mình đã làm được, kể cả những phóng viên được giao viết bài.

+ Có một nhà báo chuyên viết những bài văn hóa nhiều công phu, mang tới quan điểm cũng như các giá trị văn hóa khá thú vị nhưng ít độc giả quan tâm và không bán được báo nói với tôi thế này “mình như kẻ lạc thời ấy” vì giờ đây chị rất khó viết, khó hòa nhập với thị hiếu của nhiều báo và độc giả. Anh (chị) nghĩ sao về điều này?

-Ngô Bá Lục: Tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá chú tâm vào cái “chính thống” một cách cứng nhắc. Tôi lấy ví dụ, một sản phẩm âm nhạc hay mà không quảng cáo thì không ai biết, nhất là trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay. Viết báo cũng vậy, cực đoan cũng tốt vì nó tạo nên cá tính, nhưng tôi nghĩ cũng cần phải thay đổi tư duy cho bắt kịp với nhịp sống. Một bài báo hay (về chuyên môn) nhưng ít người đọc, thì không thể đổ lỗi 100% cho độc giả được. Tôi nghĩ là cần sự gần gũi, dễ hiểu đối với độc giả thì sẽ lấy lại được người đọc thôi.

- Đào Gia Long: Tại sao không làm phong phú mình lên mà lại ngồi than vãn nhỉ? Nếu cứ giữ cho mình một thái độ thì đương nhiên là sẽ buồn rồi. Có lẽ, chị ấy nên vừa viết văn hóa, vừa viết giải trí nhỉ. Thực ra, mảng giải trí cũng có nhiều cái thú vị, vậy tại sao phải giữ chữ sang cho mình để ngồi như kẻ lạc như thế?

- Chu Thu Hằng: Điều đó đúng. Lớp đại học của tôi có rất nhiều người làm báo. Trong số đó, có người rất thành công với tư cách là lãnh đạo của một tờ báo ăn khách vào bậc nhất nhì làng báo hiện nay. Cũng có những người coi mỗi bài báo là tâm huyết, là những lời gan ruột... nhưng chưa khi nào là những bài báo “hot” được nhiều người tìm đọc. Khi trao đổi với nhau về điều này, người đó nói: “Chúng mình không dám nhận đã có những bài báo hay mà chỉ có những bài báo tử tế. Vì viết báo tử tế nên chúng ta luôn nghèo”.
Tuy nhiên, vấn đề đau đầu nhất của tôi là làm sao để dung hòa được 2 yếu tố “chính thống” và “giải trí”. Kiểu làm “nửa nạc nửa mỡ” này rất khó, bởi nếu không có giải trí thì lượng người đọc sẽ tụt thê thảm, mà nếu không có “chính thống” thì lại bị cho là “lá cải”, vì thế, việc cân đối là điều rất quan trọng. Chúng tôi luôn chọn 60/40 tỷ lệ cho “chính thống”/ “giải trí”. NB Ngô Bá Lục

Trong bối cảnh làm báo hiện nay, để giữ đúng tôn chỉ mục đích của báo mà vẫn thu hút được số đông độc giả với những người làm báo thực sự khó. Nó giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây vậy. Vì vậy, có lẽ rất ít người hài lòng với những gì mình đã làm được, kể cả những phóng viên được giao viết bài. NB Chu Thu Hằng

Trên mặt bằng chung, việc một tờ báo có làm hấp dẫn để kéo người đọc vốn phải là chuyện đúng đắn nhất, và không thể chỉ nhìn vào những bài viết dạng hậu trường nghệ sỹ có nhiều người đọc mà cho rằng chúng tôi đang chạy theo hit không định hướng. NB Đào Gia Long

 
Nhà báo Dương Phương Vinh- Báo Tiền phong: “Lỗi tại người làm văn hóa viết chưa hay, chưa tới”

+ Giữa những lúc “văn hóa” trong mỗi bài báo ít, thiếu thì cũng là cơ hội để các nhà báo viết văn hóa thực sự tâm huyết vào cuộc. Thời gian qua thấy khá nhiều bài ký tên chị, toàn bài có vấn đề đụng chạm, cần chính kiến của nhà báo cũng như để độc giả hiểu hơn bản chất sự việc?

- Mỗi khi có vấn đề nổi cộm, được nhiều người quan tâm thì ngoài tuyến bài kịp thời phản ánh vấn đề do phóng viên trẻ viết, người phụ trách cần bộc lộ chính kiến của mình, cũng là quan điểm của bản báo để chốt vấn đề. Nói chung, văn hóa hiện nay vẫn được coi như món điểm xuyết trên một tờ báo chính trị xã hội, trong khi lẽ ra nó phải có vai trò quan trọng hơn. Lỗi cũng tại người làm văn hóa viết chưa hay, chưa tới. Chứ anh mà hay xem, ai có thể không đọc?

+Lối khai thác riêng là quan trọng nhất, vậy chị hướng trang văn hóa báo Tiền phong đi riêng như thế nào?

- Báo nào thì cũng phải hướng đến vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Nhưng chính vì được mọi người quan tâm nên đề tài dễ bị trùng, sáng ra mở báo nào cũng thấy. Vậy phải có cách thông tin vừa chuẩn xác lại vừa có nét riêng. Văn hóa dễ viết, khó hay. Phóng viên văn hóa phải có khẩu vị tốt, có cá tính, giọng điệu, chứ bây giờ độc giả bội thực thông tin, cái họ tìm kiếm ngoài thông tin còn phải là góc nhìn riêng của nhà báo, bản báo.

+ Không chạy theo giải trí thì bị mất một lượng độc giả lớn, mà nặng về văn hóa cũng không hấp dẫn?

Trước hết phải tạo độ cân bằng trong trang văn hóa. Ví dụ trong khuôn khổ chỉ có một trang báo chúng tôi cố gắng đưa xen kẽ giải trí với văn học, triển lãm tranh ảnh, tạp văn, sổ tay văn hóa… Thông tin giải trí phải có nhưng như người ta thường nói, vấn đề không phải là làm gì mà làm thế nào? Showbiz có thể lôi kéo hoàn toàn độc giả báo mạng chứ báo giấy, chỉ một phần thôi. Sự kiện văn hóa nghệ thuật có giá trị cao mà tít hấp dẫn, ảnh đẹp, viết hay thì quý quá, chỉ sợ không có.

+ Chủ động trong sắp xếp bài vở như chị vừa kể nghĩa là chị đã hài lòng với trang văn
hóa của báo mình?

Chưa thể hài lòng, luôn luôn “lực bất như mưu”.

Hằng Nga- Minh Nhật (Thực hiện)

No comments:

Post a Comment