Trang

Tuesday, June 19, 2012

NGHỀ THƯ KÝ TÒA SOẠN – CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐI TRÊN DÂY

(CL)- Báo chí hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong cạnh tranh thông tin, thách thức trong việc giành thị phần độc giả… Tất cả những điều này đang trở thành gánh nặng trên vai Thư ký tòa soạn- những người được giao quyền “Bếp trưởng” tại các Tòa soạn.


Nhà báo Hải Thành, Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên:
Có sự hỗ tương thú vị giữa báo chí và mạng xã hội
Nếu chỉ thuần túy xét về mặt kỹ thuật, nghề báo hiện đại tất nhiên thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Cuộc cách mạng trong thế giới số đã tác động sâu sắc đến tác nghiệp của phóng viên và hoạt động của các tòa soạn. Từ trang thiết bị hỗ trợ phóng viên, đến sự ra đời của các hệ thống máy tính làm nền tảng xây dựng mạng thông tin nội bộ, tra cứu dữ liệu, tổ chức các tòa soạn điện tử, đa phương tiện... Thời gian cho ra đời sản phẩm báo chí hoàn chỉnh đã được rút ngắn đáng kể và đó là tiền đề để một loạt cơ quan báo chí mạnh dạn tăng trang đồng thời phát triển thành nhật báo.

Về "báo chí nhân dân" với diễn đàn trực tuyến, blog, mạng xã hội như facebook, twitter... Tôi chưa muốn dùng từ "cạnh tranh" ở đây mà cho rằng, đang có một mối quan hệ hỗ tương thú vị giữa báo chính thống và "báo chí nhân dân". Báo chính thống cung cấp thông tin để "báo chí nhân dân" mổ xẻ, bình luận (mà trong hầu hết trường hợp là... rất thoải mái). Từ đó, các nhà báo có thể nắm được vấn đề đó được bạn đọc quan tâm đến mức độ nào và nên tiếp tục phát triển theo hướng nào. Ngược lại, nhiều trường hợp "báo chí nhân dân" đã cung cấp những thông tin ban đầu hết sức đáng giá để báo chí chính thống khai thác thành những bài viết tác động mạnh đến dư luận. Ví dụ gần đây nhất là các clip quay cảnh gian lận trong thi tốt nghiệp THPT ở Bắc Giang được tung lên mạng, sau đó đã được báo chính thống đồng loạt khai thác.

Cũng chính vì sự ra đời của "báo chí nhân dân", một sức ép khủng khiếp đang đè nặng lên báo chí chính thống. Trước đây, bạn viết sai một điều gì, có thể không nhiều người biết. Ngày nay, một quan điểm sai lệch, một lỗi dù nhỏ cũng ngay lập tức được đưa lên "báo chí nhân dân", lan truyền với tốc độ ánh sáng và người ta sẽ "chém" bạn cùng tờ báo của bạn không thương tiếc.

Việc phân công lĩnh vực phụ trách cho các phóng viên vẫn được thực hiện thường xuyên ở các tờ báo lớn. Và trong quá trình cọ xát với thực tiễn, các nhà báo phải liên tục học hỏi kiến thức chuyên môn, tự hoàn thiện mình. Tuy nhiên, do sức ép tin, bài -đặc biệt ở những nhật báo có cả ấn bản điện tử - mà nhiều cây viết đã trở nên "đa năng" hơn để đáp ứng yêu cầu của tòa soạn. Nếu chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực, có lẽ họ không đảm bảo được định mức công việc, trong khi tòa soạn chỉ có một số lượng phóng viên cơ hữu nhất định. Bù lại, trong xu hướng "xã hội hóa" báo chí ngày nay, hẳn bạn cũng đã thấy nhiều tòa soạn đã giao hẳn một hay nhiều chuyên mục cho các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực phụ trách, hoặc cộng tác thường xuyên.
Văn Ký-Thường An (ghi)
Nhà báo Lê Xuân Trung, Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ: Phụng sự bạn đọc hay kiếm sống? 


Có người bảo rằng làm báo thời kỹ thuật số quá tiện lợi. Nhà báo chỉ cần một chiếc điện thoại hơi xịn một chút là có thể chụp ảnh, quay phim, viết tin và gửi ngay về tòa soạn để “bắn” một phát lên mạng coi như xuất bản xong một tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh chỉ giúp cho việc làm báo dễ hơn về kỹ thuật, chứ không dễ hơn về nội dung nếu không muốn nói ngược lại. Báo mạng đưa tin quá nhanh. Mạng xã hội và các trang web cá nhân có thể công bố ngay tất cả mọi chuyện. Ai cũng có thể làm báo và chuyện gì cũng có thể đưa ngay lên báo. Và như vậy, bạn đọc báo giấy ngày càng chán báo giấy hơn vì chẳng những đã chậm hơn mà còn “né” nhiều hơn. Đó là cái khó của nghề báo hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng buộc báo giấy phải thay đổi để thích ứng với thời thế. Có báo tổ chức lại hoạt động tòa soạn để có thể cạnh tranh bằng nhiều loại hình báo chí. Có báo chỉ đầu tư làm báo mạng để “đánh nhanh thắng nhanh”, đặc biệt là những báo ra đời vào thời Internet. Có báo ra thêm phụ bản “giải trí” để lấy tờ báo phụ nuôi tờ báo chính. Có báo bán trang cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dưới dạng bài báo….
Sự thay đổi muôn hình vạn trạng như thế để các báo tồn tại và phát triển hay để phục vụ cho bạn đọc nhiều hơn, tốt hơn? Có lẽ ý đầu đúng hơn vì độc giả bây giờ ngập chìm trong thông tin mà trong đó không ít là vô bổ. Nhà báo chạy đua về số lượng hơn chất lượng, tác nghiệp dễ dãi hơn, ngại đột phá vào những đề tài khó, đặc biệt là các đề tài điều tra nguy hiểm… Đó là nghịch lý giữa sự đi lên về công nghệ và đi xuống về nội dung trong làng báo chúng ta hiện nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết nghịch lý ấy nếu còn muốn phụng sự công chúng chứ không chỉ kiếm sống bằng nghề báo!
Bích Phượng (ghi)
Ông Nguyễn Đức Hiển, Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM: Thiếu vắng những cây bút có thương hiệu
So với ngày xưa, báo chí ngày nay thuận lợi hơn trong tác nghiệp. Nhờ công nghệ thông tin, nhà báo có thể xử lý ngay hình ảnh, thông tin đưa về tòa soạn. Cũng chính sự phát triển công nghệ thông tin đã thay đổi và ấn định tập quán tác nghiệp của nhà báo. Báo in đang phải cạnh tranh khốc liệt với “báo chí công dân”, báo điện tử, đặc biệt là các blogers. Viết báo và xuất bản nó không còn là độc quyền của nhà báo, nhưng cũng nhờ “báo chí công dân” mà nhà báo có thêm nguồn tin để khai thác. Các tòa soạn thay đổi theo hướng hội tụ nhiều loại hình báo chí thì nhà báo phải tự hoàn thiện mình để đáp ứng sự thay đổi ấy. Không chỉ viết bài và chụp ảnh, nhà báo phải thông thạo kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, videoclip… Vấn đề kiểm chứng nguồn tin cũng trở nên vất vả khi công nghệ thông tin phát triển.
Thời buổi “nắm được thông tin trước thì sẽ thắng”, nhà báo phải chạy theo thời sự, tìm thông tin nóng. Áp lực này khiến họ không có thời gian nghiên cứu chuyên sâu, gia tăng giá trị thông tin cho bản tin của mình. Điều này dẫn đến việc ngày nay có rất ít cây bút trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Do bị cuốn vào thời sự, các tòa soạn đang thiếu vắng những cây bút thương hiệu. Khoảng trống này so với báo chí ngày xưa khó mà khỏa lấp.
Văn Ký-Thường An (Ghi)
Nhà báo Đình Chúc - Trưởng ban Thư kí tòa soạn báo Lao Động: Thư kí toà soạn như người đi trên... dây!
Công việc của người thư kí tòa soạn ở một tờ báo hàng ngày và cũng khá lớn như báo Lao động quả thực vô cùng áp lực về cả thời gian lẫn nội dung. Mà căng thẳng nhất có lẽ là áp lực về nội dung. Người thư kí toà soạn tham gia vào việc định hướng thông tin cho các số báo. Thông tin đối với báo ngày muốn hay phải thời sự, phải độc đáo. Độc đáo là cùng một sự kiện mình khai thác hướng nào, khía cạnh nào. Quan trọng nhất phải dự đoán được các tờ báo “địch” đang cạnh tranh với mình sẽ làm như thế nào. Mình phải tìm hướng khác đi chứ không thể làm như họ. Sau nữa là những trăn trở tìm ra “quả đấm thép” trong số báo. Đó là các bài đinh, chân trang các vấn đề “nóng” sẽ tung ra ngày hôm sau. Độc giả không dành thời gian đọc hết toàn bộ tờ báo, họ chỉ chọn lựa một số ít và chúng ta cần “níu” chân họ bằng các tin tức hay, hấp dẫn.
Nghề thư kí như người đi trên dây vậy, nếu đi nhanh quá cũng ngã, đi chậm quá cũng ngã, dừng lại cũng ngã, hụt chân cũng ngã. Thư kí tòa soạn giỏi là phải cố gắng đi nhanh nhưng không được ngã…Cứ tưởng tượng như vậy thì thấy nghề thư kí tòa soạn nhọc nhằn, nguy hiểm và nhiều áp lực đến thế nào… Đó là khi họ xử lí các vấn đề nhạy cảm. Các vấn đề liên quan đến đối ngoại, tiêu cực, an ninh… nếu không “chắc tay” sẽ rất dễ vi phạm và nhầm lẫn. Nhiều vấn đề có thể nói là đòn "cân não", đưa nhanh thì cạnh tranh cao hơn nhưng lại dễ sai sót, còn chậm thì thông tin nguội, nguy hại cho tờ báo.
Hà Vân (ghi)

No comments:

Post a Comment