Trang

Thursday, June 21, 2012

VŨ DUY THÔNG: VÌ SAO THƠ MẤT NGƯỜI ĐỌC

Người làm thơ ngày càng nhiều và thơ ngày càng ít người đọc.
Theo một thống kê có tính hành chính, Hội Nhà văn Việt Nam hiện có gần 400 hội viên thơ, nếu kể cả các hội địa phương thì số nhà thơ khoảng gần 2.000. Mỗi năm, các nhà xuất bản nước ta cấp phép cho khoảng 1.000 tập thơ, chưa kể các tập thơ xuất bản trên mạng hay làm vi tính rồi sao chụp, nghĩa là mỗi ngày lại có thêm ít nhất là 3 tập thơ, phần lớn từ các nhà thơ ấy.
Nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Số người làm thơ và "say thơ" lớn hơn nhiều. Nếu cần chứng minh thì xin dẫn một thí dụ: Chỉ trong một vài năm, câu lạc bộ những người yêu thơ nọ đã chiêu tập được trên 6.000 "câu lạc bộ viên" (không có từ nào khả dĩ hơn) từ các chi nhánh trong cả nước. Đáng ngạc nhiên là, họ in sách, ra tạp chí đều đặn và bán hết. Số tiền lãi từ bán các ấn phẩm đủ trang trải cho nhiều sinh hoạt, đôi khi rất linh đình và tốn kém của mình.

Một thí dụ nữa: Lần về quê vừa rồi, tôi kinh ngạc khi biết họ nhà tôi có đến vài chục người làm thơ. Các tổ, nhóm, câu lạc bộ thơ có hệ thống dọc từ xóm, thôn đến xã, huyện và sinh hoạt rất đều đặn, rất đầy đủ. Đầy đủ và đều đặn hơn cả rất nhiều tổ chức có vai vế khác. Các "tác phẩm" của họ đều là những câu văn vần có nội dung giãi bày tâm sự, răn dạy con cháu hay ghi lại một cảm xúc, kỷ niệm nào đó nhưng số người hưởng ứng rất đông, rất nhiệt thành.

Trong khi đó cũng là một thực tế, công chúng văn học ngày càng thơ ơ với thơ. Tại Trung tâm sách Tràng Tiền và cả phố sách Tràng Tiền giữa Thủ đô Hà Nội hiếm có quyển thơ nào được bày bán và nếu có bán cũng không mấy người hỏi. Hàng chục cửa hàng trên các phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ nổi tiếng về sách gần như cũng không bày bán tập thơ nào. Trước còn in nghìn cuốn, gần đây, để đỡ tốn tiền, phần nhiều các nhà thơ chỉ in 500 cuốn đủ biếu tặng, thậm chí như thế vẫn còn thừa. Ai nói rằng mình bán được thơ sẽ nhận được tiếng xuýt xoa khâm phục. Đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp thấy chất đống trên nóc tủ, góc nhà những "dây sách" thơ đã phủ bụi. Một thời cả nước đọc thơ, mong ngóng chờ đợi buổi phát thanh "Tiếng thơ" trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 22 giờ hàng tuần, cho thơ vào balô mang ra mặt trận. Giờ đây, một biên tập viên của buổi phát thanh này cho biết dù cải tiến đến mấy, vẫn không có nhiều người nghe. Trên mặt báo, thơ vắng dần. Đến nhà thơ cũng ít đọc thơ nhau. Một nhà thơ cỡ trung bình đã trả lời báo chí một câu ráo hoảnh: Ông chỉ đọc khoảng 15 nhà thơ mà ông quen biết, còn thì không đọc. Dù thơ được biếu, tặng rất nhiều. Ngày xưa cứ trách Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… ít đọc thơ trẻ, giờ ngẫm lại mới thấy các ông ấy bị trách hơi oan.

Nhiều người đã nói đến một cuộc khủng hoảng thơ, thơ đang mất dần người đọc, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Nhưng vì đâu có tình trạng này trong khi mọi "dây trói" đã được mở, việc in ấn đã thuận lợi hơn rất nhiều, những đệ tử của thơ không ít? Câu trả lời được mọi người đồng thuận không dễ có ngày một ngày hai nhưng may ra, có thể tìm nó ở một số điều: Đó là thơ đang gặp những thử thách lớn trước sự thay đổi tư duy trong lối sống hiện đại, khi nhu cầu thông tin đang đổi khác; trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện nghe nhìn…Nhưng có lẽ thơ đang mất dần người đọc chính từ sự lệch chuẩn, sự tự xa rời người đọc của thơ hôm nay.

Sự lệch chuẩn, tự làm mình xa rời người đọc, dần dần mất người đọc đó trước hết bởi thơ hôm nay đang mất dần tư cách là người bạn tâm tình, giải đáp và chia sẻ được những suy tư, trăn trở trong cuộc sống; không nói hộ được những khát vọng thầm kín, không lên tiếng bênh vực cho họ trước những bất công, bị chà đạp. Thơ hôm nay ngày càng xa rời hiện thực lớn của số đông, ngày càng đi vào những bi kịch, ẩn ức, xúc cảm cá nhân, chạy trốn vào tình yêu lứa đôi bi lụy, vào sự giáo huấn, vào sự siêu thoát, hư vô hoang lạnh. Tinh tế, thành thực là cần thiết nhưng phẩm chất quan trọng nhất của thơ vẫn là nhờ có thơ người ta tin yêu con người hơn, gắn bó, tin cậy vào cuộc sống hơn. Phai nhạt điều đó, thơ sẽ tự đánh mất mình.

Một nguyên nhân nữa là thơ hôm nay khó hiểu, khó thuộc, khó nhớ quá. Dĩ nhiên vần, điệu, hình ảnh, ngay cả hình thức câu thơ, cú pháp thơ… không phải là tất cả nhưng mất đi tất cả những cái đó cũng là một trở ngại cho việc tiếp xúc với thơ, nhất là với bạn đọc Việt Nam. Trong sự mất bình tĩnh, sốt ruột hoặc quá tự tin, một số người đã chạy theo mô típ thơ xa lạ, các biến tấu ngôn ngữ, cấu trúc thơ… của nước ngoài một cách sống sít, thiếu chọn lọc. Dẫn chứng là khoảng 20 năm nay, ngay với các bạn trẻ, rất ít bài, đoạn, thậm chí câu thơ được thuộc, được nhớ. Hay thơ chỉ được đọc trên sách hoặc được thưởng thức trong các cuộc trình diễn, sắp đặt thôi?
Nhưng dù sao thì đấy cũng chưa phải là câu trả lời cuối cùng. Hãy cứ viết đi, viết như mình muốn, biết đâu, nó chẳng được một cái gì
Vũ Duy Thông
Nguồn: CAND

No comments:

Post a Comment