Trang

Saturday, June 23, 2012

ĐỖ QUYÊN: ĐÓNG GÓP THƠ CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU (KỲ 2)


IV. Đóng góp của thơ Nguyễn Quang Thiều

IV.1. Có hay không một “chủ nghĩa thơ hiện đại Việt Nam”?
Trong thế kỷ qua, bảng giá trị của các chủ nghĩa hiện đại trong thơ, trong văn học thế giới trên căn bản được phủ sắc màu Âu - Mỹ. (Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh là một hy hữu, nhưng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng các khuynh hướng văn học ngoài Âu - Mỹ).
Thực ra, chúng tôi thấy, đã tồn tại một thực thể thi ca, tạm gọi là, Chủ nghĩa thơ hiện đại Việt Nam có phần sáng tác đủ chất lượng nghệ thuật và tầm vóc về số lượng. Tiếc là phần lý thuyết còn ở trong… đầu các nhà lý luận và nghiên cứu: Với người Việt, chúng ta vốn không có sở trường tự lập thuyết và tự giải mã lý thuyết cho mình; Với người ngoại quốc: thơ Việt chưa đến lúc lọt tầm khảo cứu lý thuyết của thế giới.
Về sáng tác, có ít nhất ba điều tạo nên cái gọi là Chủ nghĩa thơ hiện đại Việt Nam. Một: Thi ca Việt đã có cuộc cách mạng ngoạn mục bằng thời kỳ Thơ mới với đầy đủ các tiêu chuẩn; Hai: Các dòng thơ cách mạng, thơ chiến tranh Việt Nam 1945-1975 và thơ hậu chiến 1975-1986, trong đó có dòng trường ca chiến tranh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn vong của dân tộc và nền độc lập của tổ quốc. Cuộc sống cảm xúc Việt trong những thời kỳ đó không chỉ mang giá trị tinh thần và tư tưởng mà còn có ý nghĩa vật chất và thực tế; Ba: Dòng thơ miền Nam 1954-1975 hòa trong văn học và văn hóa miền Nam vừa mang tinh thần Việt vừa có không khí của thế giới đương thời.
Hầu như không có lãnh vực nào của văn học và nghệ thuật Việt Nam được thành tựu vậy. Lúc này, khó có thể nghĩ tới chủ nghĩa hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam! Với điện ảnh hoặc hội họa Việt Nam càng không thể! Đâu phải vì thi sĩ Việt “giỏi” hơn văn sĩ, họa sĩ hay các điện ảnh gia Việt? Mà, vì thơ là loại hình nghệ thuật mang bản sắc dân tộc hơn hết thảy; vì người Việt đại chúng rất say mê thơ và do đó toàn xã hội Việt Nam dễ được/bị thơ chinh phục khi cần; vì thơ là nghệ thuật ngôn từ và chữ quốc ngữ ngay khi vừa làm chủ đời sống tinh thần Việt đã kéo theo cuộc cách mạng thơ – thay đổi toàn bộ hệ thi pháp của cả mấy ngàn năm thơ Việt.
Thơ Nguyễn Quang Thiều có gần đủ các yếu tố để dự phần vào cái gọi là Chủ nghĩa thơ hiện đại Việt Nam, ở cả sáng tác và “lý thuyết” (dù khuynh hướng sáng tạo này có được gọi tên hay không). Tức là, có thể chọn các trang thơ ấy như “ống nhòm” để quan sát bầu trời thơ Việt, ít nhất từ sau 1975.
IV.2. Thi pháp Nguyễn Quang Thiều trên các bậc thang thơ Việt
Với thơ Nguyễn Quang Thiều, thi pháp đồng nghĩa với ngôn ngữ. Phần V. sẽ bàn chi tiết về nghệ thuật thơ này. Cũng như thi pháp thơ Thanh Tâm Tuyền, thật ra thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều rất…mạo hiểm. Với các tác giả khác, nó tạo cảm hứng thay đổi cách viết. Chịu ảnh hưởng của nó về kỹ thuật, thủ pháp thì tốt, nhưng khó đeo đuổi như một thi pháp. Thành bại dễ thấy ngay trong một vài bài. Có thể thấy vậy qua ngôn ngữ thơ Nguyễn Quyến, Phan Hoàng, Đinh Thị Như Thúy; theo thể tài thơ văn xuôi của Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn; với hình ảnh thơ Nguyễn Lương Ngọc, Phan Huyền Thư, Nguyễn Bình Phương; ở nhịp điệu thơ Vi Thùy Linh, Phan Tường Vân, Đỗ Doãn Phương. Chuỗi tác giả đó, mỗi người mỗi phong cách - giọng điệu khác biệt, và không ai tạo thi pháp mới như/với Nguyễn Quang Thiều.
Thế nhưng hoàn toàn có thể nói, về giao lưu sáng tác và quan hệ văn hữu, khối tác giả này đã hình thành một trường phái văn chương vô danh bất tuyên ngôn phi thủ lĩnh, và nếu muốn, tại đây xin gọi là “Trường phái” Nguyễn Quang Thiều. (Nhiều tháng nay, “ăn theo” một giải thưởng, đã thành quen thuộc cách gọi Các nhà thơ Làng Chùa, cũng là theo tập hợp Các nhà thơ trẻ xứ Đoài trong hai thập niên qua).
Thật ra, trong nghề và nghiệp thơ, rất hiếm tác giả có thi pháp riêng; tức là có phương-pháp-làm-thơ mới và riêng xuất phát từ quan-niệm-về-thơ mới và riêng. Cũng không nên thơ mộng hóa vấn đề thi pháp. Có thể tạm ví, nhà thơ có thi pháp như một nhà khoa học có bằng tiến sĩ mà thôi. Đó là bằng cấp của học vấn chứ không phải bằng cấp của tài năng; càng không phải bằng cấp của thành tựu.
Có những nhà thơ có thi pháp mới, rất mới và rất riêng; nhưng có thể mãi mãi là cách thể nghiệm, một qui trình “chế tạo thơ”. Như các thi pháp của Khải Minh, Nguyễn Tôn Hiệt, Đặng Thân: chỉ tạo ra các bài-thơ, chưa thành thơ như một hình thái.
Các thi pháp của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Nguyễn Thúy Hằng đã tạo thành tác phẩm nhưng chất thể nghiệm vẫn là hồn cốt. Đang nói ở đây nhiều lần về hai chữ “cách tân”, hãy cùng Dương Tường  xác quyết thêm một lần: Trần Dần là nhà cách tân số 1 của thi ca hiện đại Việt Nam!
Có những thi sĩ kiệt xuất mà như không tạo dấu ấn thực sự của thi pháp: Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, và cả Hoàng Cầm rồi Tô Thùy Yên nữa. Đến như Tố Hữu cũng không làm thi sĩ của thi pháp, dù đó là tác giả từng trở thành nguồn cảm hứng và đối tượng nghiên cứu cho phương pháp luận của GS Trần Đình Sử về thi pháp học có thể nói là đầu tiên của lý luận và học thuật văn học Việt Nam từ Thơ mới tới nay.
Có thi pháp thơ Chế Lan Viên. Suýt có thi pháp thơ Nguyễn Đình Thi; nhưng may quá có thi pháp thơ Thanh Tâm Tuyền nối tiếp. Nguyễn Bính là “ca” rất lạ: Nói có, không đúng; nói không, sai; thôi thì nói như Thụy Khuê: thi pháp Nguyễn Bính là không thi pháp. Và không thể quên điều này: Thi pháp thơ Bùi Giáng! Không tính đến “thi pháp thơ Bút Tre”, “thi pháp thơ Xuân Sách”, vì ở đây chỉ là về thơ trữ tình và thơ nghiêm túc.
Lại có một số vị “đi hàng hai” của thi pháp: Nguyên Sa, Đinh Hùng, Bích Khê, Du Tử Lê, Thường Quán, Đỗ Kh., Nguyễn Quốc Chánh, Lưu Hy Lạc, Mai Văn Phấn, Đinh Linh, Nguyễn Đức Tùng…
Có mảng sáng rực của thơ Việt hiện đại sau Thơ mới nhờ không ít tác giả đã làm rung chuyển thi pháp thơ trường ca và ít nhiều thành công cả về thể loại lẫn tư duy trường ca: Nguyễn Quang Thiều cũng trong số này, cùng Trần Dần, Thu Bồn, Thanh Thảo, Cao Đông Khánh - và nhất là ở dòng trường ca hậu chiến - Trần Nhuận Minh, Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu, Tam Lệ, Lê Vĩnh Tài… (Xem tiếp phần VI.)
Không kể phong trào Thơ mới như một chuyển động xã hội, thơ Việt Nam dường như chỉ có năm nhóm văn nghệ, trường phái tạo ra hoặc liên hệ tới thi pháp : Xuân Thu Nhã Tập (Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh…), Nhóm thơ Bình Định/ trường thơ Loạn (Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên), Nhóm Dạ Đài (Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch), Thơ tân hình thức Việt (Khế Iêm, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường, v.v…), và Nhóm Mở Miệng (Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán). Không kể Nhóm thơ Bình Định, bốn nhóm phái còn lại đều có cao vọng - và ít nhiều đã thực hiện - ra khỏi thi pháp Thơ mới.
Thời chiến tranh chống Mỹ, các nhà thơ xuất sắc trưởng thành trong và ngoài quân đội bằng những giọng điệu riêng tạo nên dàn đồng ca của thi pháp thơ cách mạng và hiện thực XHCN. Từng thi sĩ - Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt… - khó có thể có thi pháp riêng, bởi với mỗi người và với tất cả, chiến tranh là thi ca, cách mạng là thi pháp!
Tóm lại, thi pháp Thơ mới trong cuộc cách mạng lần thứ nhất đã lật lịch sử thi ca Việt Nam sang “chương hai”, từ ý niệm thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật thời trung đại sang quan điểm hiện đại cùng các nền thơ khác trên thế giới. Từ đó tới nay, cuộc cách tân thơ Việt về thi pháp với những đại biểu, theo thứ tự và thành tựu là:
1. Nguyễn Đình Thi (1946; tiên phong, dang dở);
2. Thanh Tâm Tuyền (1955; ảnh hưởng lớn, hiệu quả);
3. Trần Dần (1963; ảnh hưởng lớn, thể nghiệm);
4. Nguyễn Quang Thiều (1992; ảnh hưởng đáng kể, còn tiếp tục);
5. Thơ tân hình thức Việt (2000; ảnh hưởng đáng kể, còn tiếp tục);
6. Nhóm Mở Miệng (2001; ảnh hưởng giới hạn; tiếng tăm, tai tiếng ở các vấn đề ngoài thơ).
Nhân đây, xin trình bày lại hành trình sáng tác theo bốn bậc thang đẳng thức thơ:
1. Cách mạng (Cải cách) thơ                  =   Văn hóa (Thời đại) mới + Chủ nghĩa (Triết thuyết) mới
2. Cách tân (tiên phong, mở đường) thơ  = Thi pháp (Khuynh hướng) mới
3. Đổi mới thơ                                      =  Bút pháp mới
4. Sáng tạo thơ                                    =   Phong cách (Thủ pháp) mới

IV.3. Cách tân thủy chung và thấu suốt
Nếu như thơ Mai Văn Phấn cách tân nương theo mọi nẻo đường thì thơ Nguyễn Quang Thiều là độc đạo và thẳng tắp. Loại thơ-đọc-một-lần là vậy! Nếu như thơ cách tân Mai Văn Phấn ít bị phản ứng mạnh thì thơ Nguyễn Quang Thiều đã và đang bị như với không ít tác giả mở đường khác. Loại thơ-cho-các-nhà-phê-bình là vậy. “Thi án cách tân Nguyễn Quang Thiều” kéo dài đã hai mươi năm: Hơn cả thơ Thanh Tâm Tuyền. Nhưng khoảng mươi năm nay (tạm lấy mốc 2001-2002 hình thành văn học mạng ở Việt Nam), Nguyễn Quang Thiều cũng có thể nói: “Tôi không còn cô độc”, với chừng 30 tác giả hậu Đổi mới tạo nên một trào lưu cách tân thơ Việt trên cả hai khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại, với sự “nổi loạn nghệ thuật” nội dung và tư duy, hình thức và thái độ, hơn hẳn thời Nhóm Sáng Tạo và Nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Đến thời điểm này, ngọn cờ tiên phong đang phần phật trên hai, ba tá bàn phím mà 18 vị thuộc về danh sách khả tín của Inrasara , chứ không chỉ ở đôi ba tay bút (Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương) trong thời đầu của thế hệ Đổi mới 1986-2000.
Thế hệ này có nhiều cơ may về thiên thời – địa lợi (chính trị, văn hóa và văn học Việt Nam và quốc tế) cho khát vọng cải cách thi pháp truyền thống và phong cách anh hùng ca thuần túy của thơ chiến tranh. Về tài năng cá nhân, tác giả này cũng như đã tận dụng sự may mắn trời cho và vị thế nghề nghiệp. Anh tỏ ra hiểu điều kiện cần cho những cải cách văn nghệ là khách quan quyết định: Phải do thúc bách chung cả xã hội; Và với thơ cần sự đồng hành của cải cách ngôn ngữ và và văn hóa. Không giống đa số tác giả khác, Nguyễn Quang Thiều cùng hai người - trước vài năm là Dương Kiều Minh, sau dăm năm là Mai Văn Phấn – đã không lấy nội dung thời cuộc làm “thi pháp mới”. Họ không chủ trương “nói cái từng không được nói”, mà là nói cái muôn thuở bằng ngôn ngữ chưa được/biết nói.
Khác Trần Dần và Thanh Tâm Tuyền; Nguyễn Quang Thiều không quấy đảo quan niệm thẩm mỹ quen thuộc. Khác Đặng Đình Hưng và Dương Tường; Nguyễn Quang Thiều không “cầm đèn” cách tân chạy trước “ôtô thơ”. Biến động trong thi pháp thơ của anh - dù có những lớp độc giả không chấp nhận – cho thấy tác giả đã làm thơ trước - cách tân sau. Trong danh sách sáu đại biểu cách tân nêu trên, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Quang Thiều là hai nhà cách tân hồn nhiên với quan hệ nội dung và hình thức không quá căng thẳng như các vị khác.
Rất nhiều bài thơ, tập thơ và trường ca của Nguyễn Quang Thiều hòa trộn cả ba phong cách truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại: Ngay từ năm 1994, bài Thánh ca tĩnh lặng (tr. 130, Châu thổ) đã là một ví dụ vượt thời gian.
IV.3.1. Về quan niệm thẩm mỹ, thơ Nguyễn Quang Thiều kích nâng nền mỹ học truyền thống lên với tư duy và hiện thực hiện đại nhưng vẫn bảo toàn tính chất của nó. Có thể nói Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ nhân bản chủ nghĩa với lý tưởng thẩm mỹ của cái Tôi thời hiện đại. Như thế, thi pháp thơ này khó có thể phóng túng theo các trường phái hiện đại mang hệ mỹ học mới, như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực; và cũng khó cố thủ cùng các chủ nghĩa lãng mạn hay hiện thực đơn điệu. Cũng nhờ thế, Nguyễn Quang Thiều không phải “loay hoay suốt hai thập niên” kiểu Mai Văn Phấn (trích Inrasara). Anh miệt mài trên thi pháp độc đạo của mình.
Ở thơ này, cái Đẹp nhiều khi pha đậm với cái Bi, làm nên cái Cao cả. Cái Đẹp trong thiên nhiên quyết định cái Đẹp trong nghệ thuật và trong xã hội - đó là mỹ quan Nguyễn Quang Thiều. Cái Hùng gần như không có. Làng thơ Việt vốn dĩ “cả làng hùng ca”, thơ Nguyễn Quang Thiều “lạc e” (air) về khoản này. Lại khó hơn thơ Dương Kiều Minh về cú pháp thơ. Tức là khó đơn khó kép. Cái Hài cũng không thấy ở thơ Nguyễn Quang Thiều. Thể tất được, vì đây là của hiếm trong mỹ cảm thơ Việt suốt từ Thơ mới tới thời Đổi mới. Nhưng không có thái độ phúng dụ, biếm hài kết hợp Đông - Tây như Thanh Thảo và Nguyễn Đức Tùng; Bùi Chát và Đặng Thân; không có cái tự trào, vui tếu Đông phương mang Việt tính như Trần Nhuận Minh và Nguyễn Trọng Tạo; Phạm Công Trứ và Nguyễn Anh Nông; thơ Nguyễn Quang Thiều về mỹ quan chưa sẵn sàng với điều kiện hậu hiện đại. (Xem tiếp phần IV.4.)
IV.3.2. Về cảm hứng chủ đạo và nhân vật trữ tình, cái Tôi của thơ Nguyễn Quang Thiều đã dự phần làm cho nền thơ cách mạng và hiện thực XNCH sau chiến tranh ra khỏi cái Ta và khác cái Tôi chủ nghĩa cá nhân của Thơ mới. Cũng khác cái Tôi hiện sinh chủ nghĩa của thơ miền Nam. Đó là cái Tôi của chủ nghĩa nhân đạo trong một xã hội hiện đại thời bình đầy bất trắc và một nông thôn bị đô thị hóa gấp gối. 
Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Quang Thiều là “cách tân từ cách tâm” (trích Hoàng Hưng). Đặng Đình Hưng và Dương Tường: cách tân từ cách trí? Trần Dần thì cách tân cả tâm lẫn trí.
Vẻ ngoài rậm tạp, thơ Nguyễn Quang Thiều tương phản với hình dáng đơn sơ ở thơ Nguyễn Đình Thi, mà  lại giống ở cảm xúc “đa nguyên – dân chủ” trong việc dẫn dắt thơ tự do. Thơ Trần Dần độc đáo cũng vì sự độc đoán duy lý và tuyến tính. Người đọc phải chịu trận dưới chân tường tư duy mà ngước lên. Thơ hay là Chết! Nói như Phạm Thị Hoài, tác giả đánh đồng nhân cách (cái Tôi thi sĩ) và văn cách (thi pháp). Có thể vì chịu cuộc đời khốc liệt. Có thể thi pháp đó thuộc về máu thịt. Có thể do cả hai. Thiển nghĩ, vì Trần tiên sinh không dựa lên một triết luận chắc chắn hoặc thích đáng, trong khi mà phía Nam, cùng khoảng thời gian đó Thanh Tâm Tuyền nhờ triết lý hiện sinh và các phương pháp ẩn dụ hiện đại của nhiều trường phái thi ca phương Tây khiến cảm giác thơ mạnh bạo mà vẫn không nhất nguyên. Kỳ khu là ngữ-pháp-thơ-BaTê: trúc trắc so với ngữ pháp thơ thông thường nhưng không bạo lực đánh thuốc mê (kiểu Xuân Thu Nhã Tập) mà ma thuật bỏ bùa người đọc. Dù cùng trên nền tư tưởng phương Đông ảnh hưởng của cảm hứng trữ tình trong cái Tôi của chủ nghĩa cá nhân phương Tây, nhưng triết học và mỹ học thơ Nguyễn Đình Thi rất khác ở các thi sĩ Thơ mới khiến Đỗ Minh Tuấn từng dè dặt đặt tên - “cái vô ngôn, cái tính Không trong thi pháp” . Một tâm sự của nhà thơ rất có ý nghĩa: “(…) hồi xưa tôi ít đọc Thơ mới, tôi thích triết học hơn. Khi đọc thơ hiện đại của thế giới, tôi thấy nó có cách viết rất tự nhiên và thế là tôi cầm bút viết những dòng thơ không vần như trôi theo dòng tình cảm tự nhiên nó đến.”
Nếu như thơ Nguyễn Quang Thiều có cơ sở triết học thay cho tư tưởng nhân sinh (được hiểu như là ý đồ tải đạo), tin rằng thơ này sẽ bớt “rậm” và thành tựu một cách dứt khoát. Nếu như người thơ Nguyễn Quang Thiều được nén xuống, nén xuống nữa cái nợ kiếp người do bác mẹ sinh thành, với làng Chùa “cát từ mặt… chảy xuống ròng ròng” (Sông Đáy) tin rằng thơ này nhi nhiên và đi đến đông đảo bạn đọc hơn.
Thơ tự do không vần Nguyễn Đình Thi nhẹ ngoài nặng trong, thư thái và sâu thẳm; tức là bảo toàn chất nhi nhiên mà thơ cổ điển niêm luật đã tạo qua hàng ngàn năm. Làm thơ vì chính trị, nhưng Nguyễn Đình Thi không có chính-trị-của-thơ trong thi pháp. Thơ Trần Dần và thơ Thanh Tâm Tuyền chống chính trị hóa trong thơ bằng chính-trị-của-thơ. Thơ Nguyễn Quang Thiều vì con người, vì quê hương, vì trách nhiệm công dân với làng với nước, vì bổn phận làm người trên trái đất. Thơ này rất chính trị mà không vì chính trị. Không xuất phát từ cảm hứng thời cuộc, nó có ý thức chính trị mà không có ý đồ chính trị. Nguyễn Quang Thiều cũng không có chính-trị-của-thơ trong thi pháp. Không kể cả một nền thơ cách mạng và chiến tranh theo phương pháp hiện thực XHCN, không kể dòng thơ miền Nam trước 1975 và thơ hải ngoại sau 1975, chỉ kể trong khuynh hướng Đổi mới đến nay thì rất ít tác giả không có chính-trị-của-thơ trong thi pháp như vậy. Với Nguyễn Quang Thiều thi pháp là ngôn ngữ của cái Tôi thời hiện đại.
IV.3.3. Về ngôn ngữ nghệ thuật, thơ Nguyễn Quang Thiều “tồn tại hay không tồn tại” là ở đây!
Thanh Tâm Tuyền từng tuyên bố: “Tôi đi tìm tiếng nói/ Cho cổ họng của tôi”, và 35 năm sau Nguyễn Quang Thiều cũng đưa ra đường thơ tương tự “Qua cổ họng của buồn đau/ Qua cổ họng của cô đơn/ Qua cổ họng của thẳm lặng cất giấu” (Thánh ca tĩnh lặng), rồi 50 năm sau với Lê An Thế: “vật chất là thời gian…/ là thơ tôi/ đang mất dần ngôn ngữ”.
IV.3.4. Về thể thơ không vần điệu, có chất văn xuôi, Nguyễn Quang Thiều cách tân khác hẳn hai tiền bối Nguyễn Đình Thi và Thanh Tâm Tuyền, trong khi nhị vị này khá giống nhau về hình thức kết cấu. Có thể nói, với ba tác giả, xuất hiện một ngã-ba-thơ-không-vần-điệu thoát hẳn thi pháp thể loại Thơ mới. Trong mươi năm qua, vô tình chứ hoàn toàn không vì ảnh hưởng từ thơ Nguyễn Quang Thiều, những lối viết thơ không vần điệu biến hóa khôn lường khiến hình thể thơ Nguyễn Quang Thiều lùi xuống như là cổ điển. Vô tình là nói tương quan giữa các người viết, thực chất đó là cái hữu ý của một thời đại thơ hiện đại và hậu hiện đại. (Xem tiếp phần V.5.)
IV.3.5. Về quan hệ văn hóa trong thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi cho rằng qua đó sẽ có lý giải về các bất thường và khó hiểu của một loại thơ vốn mang bản sắc vùng văn minh lúa nước châu thổ Bắc Bộ, trong thiên nhiên cũng như trong tâm linh, với các hồi ức, ám tượng, súc vật, đồ vật, kỷ niệm…
Do thiếu khả năng chuyên môn, ở đây chúng tôi chỉ gợi ý về một khía cạnh của thơ Nguyễn Quang Thiều theo cái nhìn từ Thuyết Bất vô  - một thuyết căn bản của văn hóa thuần Việt do thiền sư Đại Huệ (1088-1163) đưa ra, với ý niệm về tương quan hữu cơ hai chiều bình đẳng của những cặp đối lập. Theo GS Lê Hữu Mục, nguyên tắc Bất vô gói gọn trong câu thơ “Bất hợp bất phân li” như là tiêu chí của văn hoá Việt, biểu hiện trong tôn giáo, ngôn ngữ, nhân sinh…
Lâu nay, ngôn ngữ Việt biến đổi đa dạng và có nhịp điệu cân đối là nhờ tính hữu cơ như ở câu đối, ca dao, thơ lục bát, thơ Đường luật, văn xuôi cổ… Tới thời Thơ mới, tiếng Việt gặp khó khăn với văn xuôi hiện đại có suy nghĩ và lối nói theo ngữ pháp của các ngôn ngữ Anh – Pháp vốn ít tính hữu cơ mà thiên về tính khoa học, sự độc lập giữa các thành phần. Thi pháp thơ sẽ chỉ thành tựu khi có những liên hệ ở trong hay ngoài hệ thống văn hóa của ngôn ngữ thơ. Lục bát là nguồn gốc của thơ tiếng Việt, kể cả trong các thể thơ Đường luật và sau này trong thơ không vần, thơ tự do. Ở các phần sau, như V.3, qua phân tích các bài thơ cụ thể, sẽ thấy nhịp điệu không theo sáu-tám của lục bát ở thơ Nguyễn Quang Thiều tuy vi phạm nguyên tắc Bất vô nhưng đã cố giữ sự hữu cơ trong toàn bài thơ bằng thủ pháp hình ảnh. Được mất của thơ cách tân Nguyễn Quang Thiều có lẽ là đây, khi mà tác giả mang tính văn xuôi phương Tây thay đổi nhịp thơ Việt?
Theo tài liệu nêu trên, thiền sư Đại Huệ đã liệt kê 36 cặp “đối pháp” với 5 cặp thuộc “ngoại cảnh vô tình” (5 extérieures inanimés), đó là: Trời-Đất, Mặt trời-Mặt trăng, Bóng tối-Ánh sáng, Âm-Dương, Lửa- Nước. Trong một số phương pháp phê bình văn chương Việt Nam, đã có những tác giả dùng quan hệ biện chứng âm dương; như ở hai thập niên qua với các tiểu luận của GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà lý luận - phê bình Đỗ Lai Thúy, hay trong một loạt khảo cứu của nhà văn Xuân Cang… Chúng tôi cũng để tâm điều này như là một cách hỗ trợ, so sánh khi tìm hiểu tác giả và tác phẩm thơ Việt.
Trong khuôn khổ tham luận, dưới phần Chú thích là phác thảo danh sách 3 dòng thơ Việt hiện đại: dòng thơ âm tính; dòng thơ dương tính; dòng thơ song tính . Tiêu chí hiện chưa thật rõ ràng, tất nhiên theo các yếu tố làm nên thi pháp, có kết hợp tương quan truyền thống - hiện đại, văn hóa Đông - Tây, nhân thân tác giả… Nhận xét ban đầu: Dòng thơ song tính Việt cao nhất về số lượng, có lẽ vì cảm xúc và lãng mạn là phong cách văn nghệ của người Việt, của văn hóa phương Đông; đồng thời chất hùng ca của thơ Việt lại cao do dân tộc phải kinh qua nhiều cuộc chiến giữ nước và dựng nước.
Nếu như nhận thêm ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây như thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi tin thơ Dương Kiều Minh sẽ không chìm sâu loang rộng mãi và lâu đến thế trong cốt cách Đông phương; để mà thêm chút cuồn cuộn hoang dại Trung Mỹ như thơ Nguyễn Quang Thiều, tăng chút kiêu hãnh và lừng lững của nguyên thủy Đông phương như thơ Đinh Hùng, trình diện tư tưởng Đông phương một cách đau đời mà thông minh như thơ Hữu Thỉnh, giải tỏa minh triết theo hướng trực diện và hóm hỉnh như trường ca Trần Nhuận Minh... Được như thế, ánh sáng có giá trị tiên khởi cho một mùa văn học của tập Củi lửa sẽ không chỉ tỏa ngay sau thời Đổi mới mà còn tới tận hôm nay hòa nhịp với các điều kiện hậu hiện đại của xã hội Việt Nam.
Cũng thế về việc tiếp nhận tri thức phía Tây bán cầu “ngay tại bản địa” với Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Hoàng Vũ Thuật, Phan Thị Thanh Nhàn, Bùi Chí Vinh; và cả với một số thi sĩ - tiến sĩ như Tuyết Nga, Phạm Đình Ân... Song, như thế lại khó hợp với Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, nhất là với Nguyễn Duy: tam vị mà “đi Tây ăn học” từ tuổi vị thành niên, e rằng văn học cách mạng - hiện đại Việt Nam sẽ không có ba giọng thơ mang phong thái tươi rói truyền thống Việt nổi chìm bên các suy tưởng tân tiến trong thứ ngôn từ đã điêu luyện lại tự nhiên như là tiếng nói cho một thời đại văn học trong tiếng súng. Còn nữa: May mà Nguyễn Bính chỉ “lên tỉnh” rồi “về” thì mới trở thành “vua nước Bướm”! Nguyễn Bình Phương chẳng cần đi đâu, “ngồi” vầy vậy thôi vẫn điểm xuyết các thi phái Âu - Mỹ trong thái độ văn học Đông phương của mình.
Nguyễn Quang Thiều là minh họa mạnh nhất cho xu thế “Go West” (Đi về phía Tây) cho thơ ca phần phía Đông của trái đất, trong đó Việt Nam. Cũng như Nguyễn Linh Khiếu, anh còn tỏ rõ điều đó qua thơ trường ca hậu hiện đại Việt. Đại diện ba thế hệ thơ Việt đương đại, Trương Đăng Dung, Ngô Tư Lập và Hàm Anh đang là ba minh chứng tốt lành – và có phần thuyết phục hơn Nguyễn Quang Thiều với đông đảo bạn đọc – cho các cảnh quang Đông và Tây hội ngộ của kỷ nguyên toàn cầu hóa.

IV.4. Thơ Nguyễn Quang Thiều với vấn đề thơ hậu hiện đại
Trong tập Châu thổ, không khó lắm để thấy tác giả xếp các sáng tác có thể coi là theo khuynh hướng hậu hiện đại, ở phần trước bài cuối cùng, gồm 16 bài, kể từ 0h17 phút (tr. 345) đến Lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ (tr. 368). Có lẽ hai bài Công việc của tháng Mười Một, Bài ca trước phần mộ Diễm Châu lạc trong loạt bài này? Ngoài ra, và đáng kể, trường ca Lò mổ là một đóng góp độc đáo vào xu hướng trường ca hậu hiện đại Việt Nam đang tung mở trong mươi năm qua. (Xem phần VI.)
Các tiêu chuẩn thông thường của cách viết hậu hiện đại đã hội tụ về tác giả này. Bởi ngay trong lối viết lãng mạn – hiện thực và hiện đại, thơ của anh đã có nhiều phá cách nhờ độ bấp bênh như đã nêu: Giấu nén đề tài ý tưởng bằng ngôn ngữ hình tượng như là một kiểu giải trung tâm; Xóa nhòa nội dung “câu chuyện lớn” khi trộn thể văn xuôi vào thơ; Di chuyển hình ảnh và liên tưởng ký ức nhanh như là một hình thức liên văn bản; Phi tu từ và trần thuật tối đa; v.v…
Như đã nói ở phần IV.3.1. về quan niệm thẩm mỹ, thơ Nguyễn Quang Thiều không có độ hài hước nên khi chủ ý hoặc vô tình viết chệch ra hay đi hẳn vào lối hậu hiện đại, tác giả khó có các sáng tác nổi trội qua các bài thơ bình thường. Khi đề cập một số bài cụ thể, nhất là trường ca Lò mổ, ta sẽ thấy khó bình giá thơ hậu hiện đại của tác giả. Cung cách, giọng điệu không thể thiếu của lối viết hậu hiện đại là giễu nhại. Nó là phần nổi của tảng băng phản tư sâu nặng trong tâm thức hậu hiện đại. Ở 14 bài thơ hậu hiện đại nêu trên, ta như không thấy điều đó; mà chỉ nhận dạng hậu hiện đại qua các kỹ thuật, như mô phỏng, tính trò chơi, phân mảnh từ hình thức đến nội dung, liên văn bản… Cụm 14 bài này là sáng tác ở mức đạt, chưa đủ cá tính sáng tạo, tức là thảy vào biển thơ hậu hiện đại khó nhận ra chủ nhân. Chúng tôi chỉ chịu hai bài Chúc thư (tr. 350) và Những con mồi (tr. 365) là tạm xứng danh Nguyễn Quang Thiều.
Mai Văn Phấn viết không nhiều trong khuynh hướng này mà có vài bài đặc sắc. Thật ra, chuyển hệ thi pháp là điều gần như bất khả với nhiều cây bút. Với hậu hiện đại càng khó khi quán tính tư duy thơ đã mọc rễ theo lứa tuổi, nhất là trong bút pháp và cá tính. Trong các tác giả tạm gọi “cao niên” chuyển hệ thi pháp, chúng tôi thấy có Thanh Thảo là giao hảo nhất với “em chân dài” hậu hiện đại mà không tới mức tai tiếng. Nguyễn Đăng Thường, Thi Hoàng, Nguyễn Đình Chính: khỏi nói, tam vị đã hậu hiện đại từ khi “ăn nằm” với “chị ngực nở“ hiện đại. Thi Hoàng khi phát biểu thì ăng-ti hậu hiện đại, nhưng vẫn vô thức ẵm vào sáng tác một số biểu lộ hậu hiện đại.
Các sáng tác mới, khác khuynh hướng lãng mạn - hiện thực và tỏ ra theo hướng hậu hiện đại của Bằng Việt, Đỗ Trung Quân, Trần Hữu Dũng đều có vẻ không tới. Cũng như Nguyễn Quang Thiều; Bằng Việt và Trần Hữu Dũng thiếu hài giễu và phản tư. Trần Hữu Dũng đang là tác giả “cao niên chuyển hệ” sung nhất thi đàn lúc này không chỉ số lượng (công bố tác phẩm mới gần như hàng tuần, có khi hàng ngày!) mà cả tư duy lẫn hình thức thơ. Đỗ Trung Quân khi phản tư hơi chao đà, còn hài giễu chưa đủ đô. Riêng về độ giễu nhại hậu hiện đại, dù chưa hoàn chỉnh Lê Vĩnh Tài đang là tay số 1 khuynh đảo thi đàn; nhuyễn hơn Lý Đợi, Bùi Chát nhiều; và quan trọng: thơ hơn. Nhưng về thi pháp, thơ Nguyễn Đức Tùng mới là cách tân hoàn toàn về chất giễu nhại mà có thể nói là thi ca Việt chưa từng có; ngặt nỗi, thi pháp này đảo lộn cả quan niệm thơ nên chắc phải mất khoảng thời gian không ngắn mới hòa vào mạch thơ trữ tình Việt đang có. Chúng tôi vừa mới đọc được ba bài đáng giá của giọng khôi hài xám trong thơ đương đại toàn cầu: Bản đồ - tác phẩm cuối cùng của Nobel 1996 vừa qua đời, nữ sĩ Ba Lan W. Szymborska (Lê Bá Thự chuyển ngữ); Ánh sáng ban đêm của nữ sĩ Mỹ N. Willard (Lê Đình Nhất Lang chuyển ngữ); và Toán cấp 1 của nam (thi) sĩ Việt Nam Thanh Thảo.
Khiếu thẩm mỹ (chẳng chịu cười trong thơ!) trời sinh ra thế, và cũng có thể bởi Nguyễn Quang Thiều từng đốt cháy mùa lãng mạn, không kinh qua giai đoạn anh hùng ca cũng như thời “hiện thực hồng” mà “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” vào thời hiện đại với cái Bi làm trọng. Thơ của anh hiện đại ngay sau khi xuất hiện không lâu.
Lý do sâu hơn: các bài thơ hậu hiện đại của Nguyễn Quang Thiều hình như buông lỏng ý đồ văn hóa phổ cập. Tác giả vẫn mải “làm thơ”, trong khi sáng tác hậu hiện đại là… làm văn hóa! Văn-hóa-thơ. Phong cách hậu hiện đại là biết quên tính nội tại của mình hoặc làm loãng nó trên bề mặt văn bản, giả vờ và hồn nhiên khiêu khích độc giả bởi thẩm mỹ truyền thống bị động chạm, xúc phạm. Vờ thế thôi, để di chuyển tam giác Chân - Thiện - Mỹ sang hệ quy chiếu mới, tức là tâm thức tồn tại và điệu kiện sống còn mới. Trực diện hơn, chân thực hơn. Đó là “giá trị tiêu dùng” của sáng tạo hậu hiện đại.
ĐỖ QUYÊN

No comments:

Post a Comment