Trang

Friday, August 17, 2012

BÁO DÂN VIỆT: “HIỆN TƯỢNG THƠ NHẬP ĐỒNG” HAY LÀ TRÒ SAO CHÉP, LỪA ĐẢO?

(Dân Việt) - Thông tin tập thơ “Thi vân Yên Tử” của tác giả Hoàng Quang Thuận được gửi đi tham dự giải Nobel kèm theo lá thư giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh đang khiến dư luận xôn xao...

Có hay không lá thư giới thiệu?
Sau khi kết thúc Hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8.8, rất nhiều những diễn đàn liên quan đến văn học, các trang web của các nhà thơ, nhà văn như lethieunhon.com, trannhuong.com… đều “nóng hổi” chuyện tập thơ “Thi vân Yên Tử” được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và gửi đi dự giải Nobel.
Chuyện tập thơ này được đi dự giải Nobel là chuyện có thực, chính ông Hoàng Quang Thuận cũng từng khẳng định với phóng viên Dân Việt, chỉ có điều băn khoăn là liệu có phải tập thơ được nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn giới thiệu đi dự giải Nobel hay không mà thôi.
Theo như nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết trong bài “Chuyện kỳ lạ ở Yên Tử” đăng trên báo điện tử Tamnhin.net ngày 18.8.2011: “Trong công văn số 62 sqvn của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển gửi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn có ghi: “Về tập thơ viết về Yên Tử của nhà thơ Hoàng Quang Thuận gửi Viện Hàn lâm Thụy Điển để ứng cử giải Nobel Văn học, Đại sứ quán xin báo cáo như sau: … Đồng chí Ngô Tiến Long - Tham tán công sứ của Đại sứ quán đã đến Viện Hàn lâm Thụy Điển tại Stockholm gặp bà Ulrika Kjellin - trợ lý Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển để trao tập thơ cùng thư giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh…”.
Nếu như quả thực trong công văn gửi tập thơ của tác giả Hoàng Quang Thuận đi dự giải Nobel có lá thư giới thiệu của ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN thì lại là chuyện to tát hẳn hoi. Bởi vì từ trước tới nay, Hội Nhà văn chưa từng giới thiệu một tác phẩm nào đi dự giải Nobel, chuyện này cũng chưa từng được đề cập tới trong đời sống văn nghệ nước nhà.
Sáng 14.8, trao đổi với phóng viên, ông Hữu Thỉnh cho biết: “Chuyện gửi thơ đi dự giải Nobel là chuyện riêng của ông Thuận, Hội Nhà văn hoàn toàn không có liên quan. Từ trước tới nay, Hội Nhà văn chưa từng giới thiệu một tác phẩm nào đi dự giải thưởng danh giá này. Nếu có giới thiệu thì vấn đề phải đưa ra Thường trực Hội, phải thành lập hội đồng chứ không phải muốn đưa tác phẩm nào đi cũng được. Tôi khẳng định thông tin nói có lá thư giới thiệu của tôi để tập thơ đi dự giải Nobel là chuyện hoàn toàn bịa đặt”.
Giấc mơ quá cỡ?
Chuyện một người yêu thơ, yêu vùng đất linh thiêng Yên Tử để trong vòng 3 đêm sáng tác tổng cộng 141 bài thơ về vùng đất này là chuyện có thể chấp nhận được bởi người VN vốn yêu thơ, hầu như ai cũng có thể làm được thơ. Thế nhưng điều khiến những nhà thơ, nhà văn phải bất bình là bằng cách nào đó, tập thơ này đã có thể đàng hoàng tuyên bố đi tham dự giải Nobel trong khi giải này không chấp nhận sự tự ứng cử mà chỉ lựa chọn tác phẩm thông qua việc giới thiệu của các thành viên Hội đồng của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển?
Quay lại với vấn đề tập thơ, giá như nó chỉ dừng ở mức sáng tác của một người yêu thơ, yêu Yên Tử thì có lẽ cũng ổn, nhưng vì cái cách mà người ta làm rùm beng về tập thơ, nào là “hiện tượng nhập đồng”, tổ chức hội thảo, lại thêm cả chuyện gửi dự giải Nobel khiến cho người ta không thể không đặt vấn đề: Phải chăng tác giả đang mơ một “giấc mơ quá cỡ”?
Giá như tác giả Hoàng Quang Thuận cứ giữ riêng “cõi thơ” ấy cho mình, đừng hội thảo rùm beng, đừng Nobel gì cả, thì có lẽ tác phẩm của ông không phải hứng chịu những “làn roi” sự thật quá đau lòng này.
Chính vì mơ cái giấc mơ quá cỡ này mà “Thi vân Yên Tử” cũng như tác giả của nó đã phải hứng chịu những phản ứng gay gắt từ dư luận, đặc biệt ngày 12.8, luật sư Nguyễn Minh Tâm – một người xưng là bạn của tác giả Hoàng Quang Thuận đã công bố một sự thật động trời: Các bài thơ trong tập “Thi vân Yên Tử” đã sao chép từ những bài viết trong cuốn “Chùa Yên Tử, Lịch sử- Truyền thuyết di tích và danh thắng” của tác giả Trần Trương- Trưởng ban Quản lý Yên Tử (1992-2003) rồi đặt thêm vần vào theo kiểu “diễn văn xuôi thành văn vần” với rất nhiều bằng chứng rõ ràng và thuyết phục.
Nhà thơ Trần Trương (Hội Nhà văn VN) cho biết: “Theo tôi, đây là một hành động lừa đảo, tôi đặt dấu hỏi nghi ngờ tại sao ông Thuận nói “tiền nhân mượn bút” mình để viết mà lại chuẩn bị sẵn hàng trăm tờ giấy cho nhà thơ Dương Kỳ Anh ký vào làm bằng chứng? Giờ lại có người khẳng định ông Thuận đạo văn thì càng chứng tỏ sự lừa đảo đó”.
Mai An
Nguồn:

No comments:

Post a Comment