Trang

Friday, August 17, 2012

BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY - “HIỆN TƯỢNG THƠ NHẬP ĐỒNG”: ĐỪNG VÌ CHƯA LÝ GIẢI ĐƯỢC MÀ NÓI BẬY BẠ

(Dân Việt) - Theo tác giả Hoàng Quang Thuận, hiện tượng ông được “tiền nhân mượn bút” cũng là một chuyện “khó lý giải nhưng có thể hiểu được” và đừng nên vì chưa lý giải được mà nói về điều đó với ngôn ngữ bậy bạ.

Sau Hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Hội Nhà văn VN tổ chức, những tranh cãi về “hiện tượng thơ nhập đồng” xung quanh tác giả này vẫn chưa kết thúc. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với tác giả Hoàng Quang Thuận.
Thưa ông, có thể nói chưa có bao giờ trong hội thảo về một tác giả, hai luồng ý kiến lại đối chọi nhau mạnh mẽ đến vậy, có thể nói là như nước với lửa. Trong khi một số tham luận gọi thơ trong 2 tập thơ “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi tập” là thơ Thiền và nhấn mạnh đến yếu tố tâm linh thì cũng có những ý kiến cho rằng đây chỉ là những bài thơ vịnh cảnh đơn thuần, thậm chí còn sai vần luật. Là “đối tượng” gây nên cuộc tranh cãi này, ông có ý kiến gì?
- Thực chất tôi không có ý muốn tổ chức hội thảo này vì tôi là một nhà khoa học (GS-TS Thuận hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam- PV), tham gia vào văn chương không phải là lĩnh vực sở trường, nhưng vì Hội Nhà văn và Tạp chí Nhà văn muốn tổ chức. Trong hội thảo có nhiều ý kiến khen nhưng cũng có nhiều ý kiến chê, mà phần lớn tôi thấy các ý kiến chê là vì “cái tôi” của các vị ấy lớn quá. Có vị viết một bài phê phán nhưng lại nói chưa hề đọc “Thi vân Yên Tử”, rõ ràng chưa đọc mà đã chê thì tôi thấy không ổn.
Độ “nóng” của hội thảo này là do yếu tố tâm linh của câu chuyện ông viết 121 bài thơ trong 1 đêm, hay chuyện nhờ gặp thần Kim Xà để 3 đêm liền viết được tập “Thi vân Yên Tử” gồm 143 bài, kể cả việc ông nhất quyết không nhận mình là tác giả của các bài thơ đó. Nhiều người cho rằng liệu đó có phải là cách để ông “huyền thoại hóa” những tác phẩm của mình?
- Tôi xin khẳng định từ trước tới nay luôn nhất quán một điều, tôi không dám nhận mình là tác giả của những bài thơ trong tập “Thi vân Yên Tử” cũng như “Hoa Lư thi tập”, nếu nhận là phạm thượng vì rõ ràng đó không phải thơ của tôi. Việc tôi viết trong 4 tiếng đồng hồ được 121 bài thơ tại Hoa Lư (Ninh Bình) có nhà thơ Dương Kỳ Anh làm chứng.
Nhiều người cho đó chuyện hoang đường nhưng tôi xin hỏi, có rất nhiều chuyện tâm linh kỳ bí mà chúng ta không thể giải thích nổi, ví dụ như trên Youtube có clip cô bé Như Ý 9 tuổi răng còn chưa mọc hết mà có thể thuyết pháp 2 giờ không cần giấy bút, nói những điều cao siêu mà cô chưa từng được học. Vậy thì hiện tượng tôi được “tiền nhân mượn bút” cũng là một chuyện “khó lý giải nhưng có thể hiểu được” như thế, nhưng đừng nên vì chưa lý giải được mà nói về điều đó với ngôn ngữ bậy bạ, vì đụng đến non thiêng Yên Tử là không phải chuyện đùa.
Vậy các tập thơ được ông viết ra trong trạng thái thế nào, ông có thể mô tả chính xác được không?
- Tôi viết khi thấy có một luồng gió mát lạnh thoáng qua, viết trong một trạng thái vô thức, như có một sự điều khiển. Tôi cũng lấy làm lạ vì trong thơ có những địa danh, có những nhân vật lịch sử mà tôi chưa từng được biết, sau này được những người có chuyên môn giải thích thì tôi mới hiểu ra. Nếu không phải là hiện tượng “mượn bút” thì có thể lý giải thế nào đây?
Bên lề hội thảo, có một số ý kiến cho rằng chuyện ông gửi các tập thơ còn đang gây tranh cãi này đi dự giải Nobel là một điều khôi hài?
Nhà phê bình Vũ Bình Lục thẳng thắn nhận định thơ Hoàng Quang Thuận không phải là thơ Thiền, “Thi vân Yên Tử” chỉ là những cảm nhận của một người mê Phật, gần hơn là mê đất Phật Yên Tử. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh lại cho rằng: “Thơ Hoàng Quang Thuận có đủ yếu tố của thơ Thiền, một sự hòa quyện say đắm giữa cảnh, sự và tình, tất cả tạo nên những bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy”.
- Tôi không hề gửi bất cứ tập nào đi dự giải Nobel văn chương mà là những người dịch và giới thiệu tác phẩm làm điều đó. Ví dụ tập “Thi vân Yên Tử” do GS-TS Nguyễn Đình Tuyến dịch sang tiếng Anh và chính ông Tuyến gửi đi dự giải Nobel.
Một hội thảo với hàng chục tham luận đã được tổ chức nhưng vẫn chưa thể đi đến một nhận định cuối cùng để đánh giá về hiện tượng sáng tác thơ của ông, vậy là người trong cuộc, ông muốn nói điều gì với độc giả?
- Tôi chỉ nghĩ thế này, đọc những tập thơ đó, người đọc sẽ thấy nó thấm đẫm một tư tưởng nhân văn để thêm yêu quê hương, đất nước mình. Điều đó tốt chứ. Riêng bản thân câu chuyện của tôi, tôi chỉ muốn thông qua đó để mọi người hiểu được rằng chúng ta không chỉ có một thế giới này mà còn có một thế giới tâm linh, đừng tưởng chết là hết, đừng tưởng mình muốn làm gì thì làm mà không hề phải trả giá. Nếu hiểu được điều đó, xã hội sẽ an lành hơn, con người sẽ sống hướng thiện hơn.
Xin cảm ơn ông!
LÊ TÂM thực hiện
Nguồn: Dân Việt

No comments:

Post a Comment