Trang

Saturday, August 18, 2012

BÁO GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI - PGS.TS NGUYỄN HỮU SƠN: HỘI THẢO ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐÚNG “HIỆN TƯỢNG” THƠ HOÀNG QUANG THUẬN

 
(GD&TĐ) - PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, người điều hành Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” nói về những phản ứng của dư luận sau khi Hội thảo diễn ra. Theo quan điểm của ông Sơn, thơ Hoàng Quang Thuận đúng nghĩa là một “hiện tượng” trong đời sống văn học.

* Việc tổ chức hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” vừa qua gây nhiều dư luận trái chiều, theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do đâu?
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Tôi tham gia hội thảo trong tư cách người thẩm định các tham luận và viết báo cáo tổng kết. Văn bản báo cáo tổng kết hội thảo cũng đã được “văn hành công khí”. Về những dư luận trái chiều, tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do những đặc điểm của chính thơ Hoàng Quang Thuận (vị thế tác giả; màu sắc truyền kỳ gắn với sự ra đời các bài thơ và tập thơ; nội dung và hệ thống chủ đề gắn với non thiêng Yên Tử; quá trình xuất bản, tái bản, truyền bản ở trong nước và nước ngoài; các kỷ lục về cân nặng và số lượng phát hành; vai trò các nhà thơ, nhà phê bình và độc giả nói chung đã góp phần tạo nên dư luận trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua, v.v…).
Có thể nói hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận đã nằm trong “tầm đón đợi” với rất nhiều dự cảm và đánh giá khác nhau của dư luận bạn đọc. Thứ hai, từ chính những đặc điểm của thơ Hoàng Quang Thuận đã dẫn đến những cách tiếp nhận, cảm nhận, lý giải và đánh giá khác nhau, thậm chí đúng là “gây nhiều dư luận trái chiều”. Thực tế qua hội thảo về thơ Hoàng Quang Thuận, tôi thấy các nhà phê bình đã không chỉ một chiều tung hô mà còn có nhiều ý kiến khác chiều, trái chiều. Những ý kiến khác biệt, trái chiều này thể hiện ngay ở các tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo chứ không phải chỉ ở dư luận sau hội thảo, “hậu” hội thảo. Nói trộm thế này, tôi rất lấy làm ngại về những hội thảo khoa học mà chỉ có sự đồng thuận, đồng ý, đồng tình, ca ngợi một chiều…

* Có ý kiến cho rằng, thơ ông Thuận không xứng đáng để hội thảo, ông thấy thế nào? Và theo ông thơ như thế nào thì “được” tổ chức hội thảo?
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Đây là một trong những vấn đề mấu chốt mà chúng ta cần thẳng thắn đối thoại, luận bình. Cá nhân tôi cho rằng thơ của nhà thơ Hoàng Quang Thuận là một “hiện tượng” đúng nghĩa, đã xuất hiện trên văn đàn từ 14 năm nay, dài gần bằng cả quãng đời 16 năm lưu lạc của Thúy Kiều. Như chúng ta đều biết, thơ Hoàng Quang Thuận tự nó đã có một số phận, một đời sống riêng và được dư luận chú ý. Cần khẳng định rằng hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận hoàn toàn có quyền bình đẳng với nhiều hiện tượng thơ khác (thơ hình thể, thơ trình diễn, thơ xếp đặt, thơ hú hét, thơ loạn, thơ viết trên thúng, mủng, giần, sàng…). Việc tổ chức hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận chính là nhằm đặt thơ ông trên bàn nghị sự, đưa thơ ông ra trước dư luận để mọi người cùng phân tích, lý giải, chỉ rõ mức độ những hạn chế, đúng sai, được mất. Chỉ có qua hội thảo (và dư luận “hậu hội thảo”) thì công chúng bạn đọc mới dần đánh giá đúng hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận.

Đã đến lúc chúng ta không nên đánh đồng việc “được” tổ chức hội thảo như một sự tung hô, vinh danh một chiều. Thực tế cho thấy đối tượng “được” tổ chức hội thảo còn tùy thuộc vào “tính vấn đề” của đề tài. Ở đây, “tính vấn đề” của hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” là nhằm lý giải hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận cả về phía chủ thể sáng tạo cũng như phía người tiếp nhận đã tồn tại trong suốt mười mấy năm qua. Bạn đọc theo dõi câu chuyện thời sự “hậu hội thảo” thơ Hoàng Quang Thuận mới rõ thêm các vấn đề thơ thiền và thơ mang cảm quan Phật giáo, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, sự thật Hoàng Quang Thuận “đạo văn” hay không “đạo văn”?… Nhìn rộng ra, tác giả nào, tập thơ nào thực sự có “tính vấn đề” thì đều có thể bình đẳng trở thành đối tượng của các cuộc hội thảo…

* Phần lớn các tham luận dự hội thảo cũng được cho là “bốc thơm” tác giả, là người phụ trách việc thẩm định bản thảo tham luận, ông nói gì?
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Như tôi đã nói, chính vì thơ Hoàng Quang Thuận có “tính vấn đề” nên đã nảy sinh nhiều ý kiến khác biệt và trái chiều. Bản thân hiện tượng “gây nhiều dư luận trái chiều” trong hội thảo này cũng chính là một vấn đề có “tính vấn đề” cần phải giải quyết. Ở đây thực sự có nhiều ý kiến “bốc thơm” và đồng thời cũng có nhiều ý kiến phê phán, phản bác, chê bai đến tan tành xác pháo. Điều này có lý do bởi mỗi nhà phê bình sẽ tùy thị hiếu, tùy cơ duyên và sự khế hợp, “thông kênh” với chất thơ Hoàng Quang Thuận mà có cách định vị khác nhau. Ngay với từng câu, từng bài thơ và cả tập thơ, có người cho là hay và tuyệt hay, có thể đưa vào tuyển thơ thế kỷ và dự giải Nobel, nhưng có người lại cho là thứ thơ bắt vần, nhảm nhí, chẳng phải tiền nhân ban cho, cũng chẳng phải thơ thiền, chẳng phải Đường luật chi ráo.
Thơ Hoàng Quang Thuận, nếu được 100% người “bốc thơm” thì may chăng có thể đưa dự giải Nobel; nếu bị 100%  người đồng thuận chê thì chắc chắn đã không thể có hội thảo khoa học này. Trên tư cách người thẩm định các tham luận, tôi tôn trọng các ý kiến riêng và cố gắng tổng thuật một cách khách quan các nội dung chính, bao gồm cả khen và chê.

* Việc cư xử với tham luận do Ban tổ chức “đặt hàng” và các tham luận tự do gửi đến có gì khác biệt?
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Trên tư cách người thẩm định bản thảo và tổng kết hội thảo, tôi thấy không có gì khác biệt và “cư xử” thật sự bình đẳng với mọi tham luận.

Xin cám ơn ông!

Phúc Thiện Nguyên (thực hiện)

No comments:

Post a Comment