Trang

Saturday, August 18, 2012

BÁO THỂ THAO VĂN HÓA - SÓNG GIÓ QUANH THI VÂN YÊN TỬ: HÃY TRANH LUẬN NHƯ “ĐẠO HỮU”, “VĂN HỮU”

(TT&VH) - Những tranh luận sau hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử do tạp chí Nhà văn tổ chức diễn ra hôm 8/8 tại Hội trường Hội Nhà văn đã làm “nóng” văn đàn trong suốt tuần qua. Đáng chú ý là tập thơ Thi vân Yên Tử của GS-TS Hoàng Quang Thuận được luật sư Nguyễn Minh Tâm phát hiện có “xuất xứ” từ cuốn sách của tác giả Trần Trương, nhưng Trần Trương khẳng định ông không hề bị vi phạm bản quyền.

Qua trao đổi, ông Trần Trương, nguyên Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (hiện nay là Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh) tác giả cuốn sách Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng cho biết giữa ông và Hoàng Quang Thuận có mối quan hệ tâm giao, đồng điệu từ lâu.
Ông Trần Trương lên tiếng
Hai người thân thiết và thường xuyên gặp gỡ nhất là ở chùa Hoa Yên, cùng đàm đạo, quý mến và trân trọng nhau. Và khi có sự đồng điệu trong tâm hồn, thì việc cùng nhau trao đổi viết văn, làm thơ, sử dụng ngôn ngữ chung để nói về một điều gì đó chẳng có gì lạ. Cũng về một đề tài, tôi diễn đạt thành văn, anh Thuận diễn đạt thành ngôn ngữ thơ, thì sự trùng lặp đó không thể gọi là “đạo văn” của nhau được.
Ngay từ năm 1998, tôi đã rất vui khi đọc Thi vân Yên Tử của anh Hoàng Quang Thuận, thật ý nghĩa khi chúng tôi đã cùng cất lên một tiếng nói thành tâm về vùng đất thiêng. Hàng ngàn du khách, phật tử đã được tặng sách và đọc những vần thơ về Yên Tử của anh Hoàng Quang Thuận nên mừng chứ.
Giải mã một hiện tượng văn học
Chiều ngày 16/8, trả lời câu hỏi “việc tổ chức hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử tại trụ sở Hội Nhà văn có cần thiết hay không?” Nhà thơ Hữu Việt khẳng định “đây là hội thảo mở, mọi khen chê đều có ý nghĩa nhất định đối với ban tổ chức”.
Với tư cách là người tham dự, người viết nhận thấy rằng nhiều tham luận trong hội thảo rất nghiêm túc, khi chỉ ra cả những vấn đề còn hạn chế trong thơ Hoàng Quang Thuận. Thế nhưng sau hội thảo lại có một số thông tin lan truyền trên các trang mạng theo kiểu trích dẫn không đầy đủ, một chiều hoặc quy chụp một cách vội vã, thiếu cơ sở lý luận.
Chỉ tiếc một chút, giá như có thông tin của luật sư Nguyễn Minh Tâm trước hội thảo thì hay quá. Đó cũng là một ý kiến rất chừng mực, điềm đạm trong đó luật sư Tâm cũng chỉ nêu vấn đề là anh Thuận lấy văn liệu làm nguồn cảm hứng để sáng tạo. Câu chuyện đơn giản, không có gì và Minh Tâm cũng không đặt ra vấn đề “đạo văn”. 
Việc có những ý kiến bài xích cá nhân đối với nhiều người có tham luận trong hội thảo và nhà thơ Hoàng Quang Thuận đã đẩy vấn đề đi quá xa, và vượt khỏi phạm vi của văn chương.
Việc tạp chí Nhà văn đã tiên phong và chủ động trong việc hội thảo về các tác giả được dư luận quan tâm, mà cụ thể hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử là rất đáng khuyến khích và nhân rộng. Chỉ có hội thảo, qua đó lý giải một phần nào về các hiện tượng văn học, tìm ra chân lý thông qua những tranh luận học thuật và lành mạnh, đó là phương cách tốt nhất để nhận diện các giá trị văn chương.
 “Theo đuổi chân lý không cho phép bạo lực với đối phương”
Trong nhiều năm, việc tổ chức hội thảo, tọa đàm về văn chương ở ngôi nhà số 9 (trụ sở Hội Nhà văn) còn ít, chủ yếu là những buổi ra mắt, giới thiệu sách khá đơn điệu và nhàm chán. Nhưng bây giờ với đời sống công nghệ thì sự tương tác giữa độc giả - tác giả là rất lớn, nên việc tổ chức hội thảo về một tác giả luôn gây được chú ý, tạo ra tranh luận nhiều chiều.
Đúng như đánh giá của PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học trong tổng kết hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử: “Với 21 bản tham luận và những ý kiến góp ý, tranh luận sôi nổi cùng quan tâm đến đời sống văn chương và cụ thể với tập Thi vân Yên Tử đã là một thành công của hội thảo. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo lần này, các vấn đề không phải đã khép lại mà chính là cần tiếp tục được mở ra, giúp chúng ta làm quen và chủ động trước mọi hiện tượng văn học, trong đó có hiện tượng Thi vân Yên Tử, vì thế lời kết luận ở đây cũng là lời kết mở”.
Được biết, theo quy định thì hội viên đều có quyền mượn hội trường Hội Nhà văn để tổ chức ra mắt sách, tọa đàm, hội thảo. Ngay cả Trung tâm Hội nghị quốc gia, Trung tâm Hội nghị quốc tế thậm chí còn được cho thuê để tổ chức đám cưới hoặc các sự kiện về âm nhạc, mỹ thuật… Ngay cả điện Kremlin cũng được cho vào để biểu diễn. Việc “linh thiêng hóa” trụ sở Hội Nhà văn, cho nó là một “thánh đường” bất khả xâm phạm, chưa mạnh dạn để sinh hoạt, trao đổi về các hiện tượng văn học là tư duy cũ, lạc hậu và không phù hợp với đời sống hiện đại.
Tôi trộm nghĩ, phải chăng hội thảo lần này (và những lần sau) sẽ mở ra những ô cửa tranh luận đầy tinh thần đạo hữu, văn hữu trong việc đánh giá các hiện tượng văn học để tìm ra bến bờ chân lý. Hành trạng văn chương đó đầy cam go, thử thách và không dành cho những người yếu đuối, như Mahatma Gandhi đã khẳng định “Công cuộc theo đuổi chân lý không cho phép bạo lực với đối phương”.
Đoàn Diệp Anh

No comments:

Post a Comment