Trang

Monday, August 27, 2012

CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA KHI “CAO THỦ ĐẦU MƯNG MỦ” - MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH THẬP THÒ TRONG “AM MÂY TÍA” CHỬI VĂNG MẠNG HÀNG CHỤC TỜ BÁO TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG

“Có một vị giáo sư mê say ngồi dịch nó mặc dù tuổi cao sức yếu vì không thể cưỡng lại “chất Thiền” ở trong đó. Có một ngài nguyên Tổng giám đốc đài nghe nhìn, đọc thơ của ông Thuận đã cảm hứng thốt lên bằng một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tuy không đúng niêm luật, lại tán thơm: “Tôi tưởng theo anh thăm Yên Tử/ Nào ngờ lạc bước chốn thi vân/ Hoàng Quang cửa Phật soi câu chữ/ Thuận dòng rửa sạch chốn bụi trần”. Đến nay hiện đã có hàng chục tờ báo ở trung ương và địa phương, từ báo Nhân Dân, Hà Nội mới, Sài Gòn Giải phóng đến các báo Hạ Long, Quảng Ninh, Thể thao - Văn hóa... đều đã có bài đăng tải về “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”. Thậm chí có người “cho lên mây xanh” nhưng dựa trên nền thực trạng bát nháo thơ Việt hôm nay”

HOA TÀN, MƯA TẠNH, NON YÊN LẶNG

Hiện tượng thiên tài thơ, siêu việt thơ, thần thánh thơ... của GSTS Hoàng Quang Thuận - Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông Việt Nam - qua hai tập “Thi vân Yên Tử” và “Ngọa Vân Yên Tử” mà tạp chí Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức hội thảo với những bài tụng ca vi vút tận trời xanh, xem như “dòng thơ Thiền non thiêng Yên Tử” và người ta đã gởi đi dự giải Nobel văn học, người ta đã tặng cho đất Phật Yên Tử cuốn sách độc bản với kích thước 125cm x 80cm x 16cm nặng 120 ký đạt kỷ lục châu Á; lại nghe tin hành lang là người còn dự định cho khắc chạm “thơ Thiền này” khắp núi non Yên Tử nữa!

Hiện tượng ấy như là một cái gì cần phải “chau mày suy nghĩ” đối với nền văn học nước nhà, nhất là văn học Phật giáo. Người ta muốn quảng cáo như thế nào, đạt được kỳ vọng gì là quyền của người ta, nhưng ca tụng thái quá hai tập thơ ấy như là “thơ Thiền non thiêng Yên Tử” là một cái gì thiếu nghiêm túc, thiếu cẩn trọng cần phải được báo động:
- Thơ của Hoàng Quang Thuận có phải là “thơ thiền”  hay không?
- Một người Phật tử hay là một người mộ Phật, cảm xúc về Yên Tử có thể làm được “thơ thiền” chăng?
- Thơ “nhập đồng” hay là kiểu mượn bút viện cớ là của tiền nhân có phải là tinh thần Phật giáo không?
- Làm thơ mà “đạo văn” của người khác - dù bạn bè đã gắng gượng đính chính chỉ là “mượn văn” - cái tâm ấy có thể sáng tác ra “thơ thiền” được chăng?

Hỏi, dường như đã có câu trả lời. Một người Phật tử bình thường cũng cảm nhận, cũng ý thức được đấy là chuyện “không thể”. Thế nhưng, tại sao, thiên hạ chẳng thấy đó là chuyện “không thể”, lại làm một trò đùa hơi quá đáng để “tụng ca, tán thán ca” bằng một bè hợp xướng, một giàn đồng ca ”tươi vui xôm trò” như thế?

Cái hiện tượng thơ Thiền ấy tạo nên một cao trào “rôm rả” mà ta có thể tóm lược như sau:
- Hai tập thơ đã được in và tái bản bốn lần bằng tiếng Việt và cùng ba thứ chữ Việt-Pháp-Anh với số lượng in lên đến 25.000 bản. Và người ta đã làm đầy đủ hồ sơ hai tập thơ và dịch ra tiếng Anh gửi tham dự giải Nobel văn học.
- Có một vị giáo sư mê say ngồi dịch nó mặc dù tuổi cao sức yếu vì không thể cưỡng lại “chất Thiền” ở trong đó.
- Có một ngài nguyên Tổng giám đốc đài nghe nhìn, đọc thơ của ông Thuận đã cảm hứng thốt lên bằng một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tuy không đúng niêm luật, lại tán thơm: “Tôi tưởng theo anh thăm Yên Tử/ Nào ngờ lạc bước chốn thi vân/ Hoàng Quang cửa Phật soi câu chữ/ Thuận dòng rửa sạch chốn bụi trần”.
- Đến nay hiện đã có hàng chục tờ báo ở trung ương và địa phương, từ báo Nhân Dân, Hà Nội mới, Sài Gòn Giải phóng đến các báo Hạ Long, Quảng Ninh, Thể thao - Văn hóa... đều đã có bài đăng tải về “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”. Thậm chí có người “cho lên mây xanh” nhưng dựa trên nền thực trạng bát nháo thơ Việt hôm nay: “Giữa thời buổi thơ in ra nhan nhản, chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu hoặc co vào suy tưởng chiêm nghiệm cá nhân, đôi khi rốitắc tị… thì  “Thi vân Yên Tử” và “Ngọa Vân Yên Tử” như một áng mây lành, thoát tục, trong trẻo đến lạ lùng dắt người đọc vào chốn Bồng Lai, rũ bỏ bụi trần trở về với bản ngã thiện tâm trong mỗi con người...”
- Tập thơ đã có tiếng vang thật là “quốc tế”, có lẽ do không tiếc công quảng cáo, tiếp thị, “ưu thế quan hệ” và cả cái gì đó khó hiểu nữa - đến đổi Tổng Thống Pháp đã khen ngợi, Tổng Thống Mỹ gởi lời cảm ơn và hoàng cung Thụy Điển đánh giá là cao siêu và sâu sắc!
- Trước sự động viên cổ vũ của “giàn đồng ca”, ông Thuận đã tự mình - hay ai đó xúi giục - gửi hai tập thơ ấy đi tham dự giải Nobel văn học; và có người còn đẩy “giá trị thơ thiền” ấy đi quá xa, rằng là: “Được giải hay không chẳng quan trọng bằng việc hai tập thơ đã là sách gối đầu giường của nhiều bạn đọc hôm nay và mai sau, đặc biệt đối với những ai yêu thích ‘dòng thơ Thiền’ với những trải nghiệm tâm linh cực kỳ thú vị”.

Còn nữa, chúng ta còn có duyên may mắn ngàn năm một thuở được nghe khúc hòa tấu vang vọng lên tận non thiêng Yên Tử, nó động đến, làm giật mình những hồn thơ cổ xưa, cổ kính của sơ tổ Trúc Lâm, tam tổ Huyền Quang và cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Ngạn nữa...
Để có thêm tư liệu dẫn chứng, tôi xin trích bài “Thi vân Yên Tử - tác phẩm và dư luận” của GD&TĐ Online đã đúc kết đại lược là: Sau Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 8/8/2012, có rất đông người yêu thơ phản hồi bày tỏ tình cảm quan tâm, trân trọng những vần thơ đẹp lạ, rất thanh khiết mà dung dị mang đậm chất Thiền.
Đại diện cho Hội Nhà văn, ông Hữu Thỉnh nói rằng: “Thơ anh - Hoàng Quang Thuận - là một bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy!”
Những ai quan tâm đến nội dung buổi hội thảo mà GD&TĐ đề cập để biết cái “thanh khiết mà run rẩy” của Hữu Thỉnh muốn nói là cái gì - thì có thể đọc bài của ông:  “Một hồn thơ sau những bức tranh tôn giáo”. Tiếp theo, những ai muốn nghe những “vần thơ đẹp lạ, rất thanh khiết mà dung dị mạng đậm chất Thiền” ấy ra sao thì cứ nhờ chú Google dẫn đường để xem thêm một số bài khác:
- Lạc đạo tùy duyên cùng Thi Vân Yên Tử (Đỗ Ngọc Yên). Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử (Hữu Việt). Cảm hứng thiền trong thơ Hoàng Quang Thuận (Ngô Hương Giang). Dấu tích vua Phật Trần Nhân Tông ở Yên Tử trong lòng thi nhân (Đặng Hiến). Vẻ đẹp cõi Phật trong Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận (Nguyễn Toàn Thắng). Cảm thức tâm linh trong thơ Hoàng Quang Thuận (Dương Kỳ Anh). Thiền vị trong Thi vân  Yên Tử  của Hoàng Quang Thuận (Trần Thị Thanh). Về Yên Tử đọc thơ Hoàng Quang Thuận (Đăng Lan). Cảnh vật trong cảm thức thiền tông (Phạm Quang Trung). Không gian “Thiền” trong Thi vân Yên Tử (TS. Hà Ngọc Hòa). Yên Tử qua thơ Hoàng Quang Thuận (Thu Phong). Chữ tâm trong Thi Vân Yên Tử (Mộc Lan). GS. Hoàng Quang Thuận: "Tiền nhân mượn bút tôi viết thơ " (Dương Tử Thành). Có một nhà thơ danh sơn Yên Tử (Trần Nhuận Minh). Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận - Một chân dung thơ -  Phật tính hiền truyền (Hoàng Trung Hiếu). Tình yêu đất nước và chất thiền Thi Vân Yên Tử (Thế Trung). Thi vân Yên Tử của tác giả Hoàng Quang Thuận như một hiện tượng văn học (PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn).
Tuy nhiên, có điều đáng mừng là không phải ai cũng chạy theo phong trào ca tụng ấy, quả thật đã có những người đã tỏ vẻ hoài nghi thiên tài thơ thiền ấy, họ đã biết đặt những vấn đề:
- Thi vân Yên Tử “nhập đồng” hay “đạo” thơ? (SGGP Online). Trong đó nhà văn Võ Thị Xuân Hòa: “Hội Nhà văn Việt Nam sẽ làm rõ nghi án ‘đạo’ thơ”. Còn nhà phê bình Nguyễn Hòa: “Liệu nó có đúng là thơ không và có đúng với những gì mà ông Thuận nói là thơ của tiền nhân không, vì theo đánh giá của tôi, đó chỉ là văn bản thơ hạng xoàng!”
- “Thi vân Yên Tử” của Hoàng Quang Thuận có phải là thơ nhập đồng? của luật sư Nguyễn Minh Tâm. Trong đó, người viết đã rất trung thực phân tích và chứng minh rõ, thơ ấy không phải là thơ nhập đồng, cũng không phải tiền nhân mượn bút - mà chính Hoàng Quang Thuận đã lấy ý từ quyển sách “Chùa Yên Tử, lịch sử - truyền thuyết, di tích và danh thắng” của tác giả Trần Trương để “biên soạn lại thành thơ”.
- “Hiện tượng thơ nhập đồng” hay là trò sao chép, lừa đảo? của Mai An đăng ở báo Dân Việt, trong đó tác giả nói trong ba đêm mà sáng tác 141 (sic) bài thơ và dự giải Nobel phải chăng là “giấc mơ quá cỡ”? Rồi Mai An trích câu nói của nhà thơ Trần Trương, hội Nhà văn VN: “Đây là một hành động lừa đảo...”
- Dấu hiệu đạo văn của “nhà thơ nhập đồng” - tác giả Nguyễn Việt Chiến đăng trong tạp chí Văn học và Ngôn ngữ.
- “Hiện tượng thơ nhập đồng”: Sớm làm rõ “nghi án” đạo văn; và “Ai tiếp tay cho nhà thơ nhập đồng Hoàng Quang Thuận dự giải Nobel” - Lê Tâm thực hiện. Trong đó tác giả bảo có nhiều người muốn biết ai viết giấy giới thiệu? Và nổi bật ý kiến: “Dự giải Nobel là một điều khôi hài”.
- Và mới đây là bài “Cái lưỡi... đa nhân cách và những phát ngôn” của Kỳ Duyên đăng tại Báo Mới.com - trong đó tác giả sau khi phê phán khá nặng nề ... và viết lơ lửng “Xấu chàng, hổ... Tạp chí Nhà văn”, đã nói là ông Thuận phải trả giá đắt cho sự nông nổi của mình chỉ vì hai chữ lợi danh tai quái; ông muốn đạt tới “ngộ” nhưng có lẽ tục lụy còn quá nhiều, tham, sân si còn quá lớn nên “ngộ nhận” chăng?

Có lẽ liệt kê như thế cũng tạm đầy đủ. 
Đầu tiên, tôi xin góp ý một cách đúng đắn và khách quan rằng, cả hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận là loại thờ tả cảnh, tự sự, cổ tích, sử tích, huyền thoại vào loại bình thường. Tôi nói là bình thường - chớ không dám nói thẳng thừng như nhà phê bình Nguyễn Hòa gọi là “hạng xoàng!” Đối với tôi, nếu “được gọi là thơ” thì thơ Quang Thuận chưa phải là “thơ hay” vì nó thiếu “chất thơ”, tức là thiếu vắng ngôn ngữ nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật. “Chất thơ” thì nó không nằm nơi ý nghĩa bề mặt câu chữ của văn bản mà nó phải ở ngoài hoặc ở phía sau bề mặt câu chữ của văn bản. Cố gắng đọc vài chục bài thơ của ông, tôi đã thấy chán - vì nó “chẳng có thơ” và dĩ nhiên, đích thực là “chẳng có Thiền”! Tôi thấy đâu đó chỉ là sự lắp ghép ý tứ, câu chữ, lựa dáng, tìm vần... nhưng mà cũng chưa chỉnh, chưa “giỏi”  lắm!  Và ý nghĩa của nó chỉ có một, nó nằm “chết”, nằm “bất động” nơi bề mặt câu chữ của văn bản mà thôi. Ta hãy khảo sát một số bài:

1. “Cổ thụ vươn cao xòe tán rộng
Rừng già nóng lọt đốm hoa rơi
Dây leo chằng chịt vắt cành lá
Chìm rừng líu lót với hương trời”.

2. “Viên gạch Hoa Cúc đời nhà Trần
Phù điêu sư tử sứ hoa vân
Vẫn ba gốc đại ngày xưa ấy
Bao năm xa cách vẫn thấy gần”.

3.“ Từ bỏ ngôi vua để tu hành
Từ cái nhất thời, cái hữu danh.
Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến
Yên Tử trường xuân hóa đất lành”.

4. “Vòng cung uốn lượn tựa mình rồng
Vươn mình thế núi hướng biển Đông
Ẩn sâu khúc lượn trong lòng đất
Đầu rồng ngoảnh lại hướng Thăng Long”.

5. “Dựng xây cung điện đế triều nghi.
Định đế xưng vương lập thành trì.
Đại Hoàng cổ Việt Trương Yên phủ.
Hào sâu núi hiểm bất khả tri”

Cả năm bài tứ tuyệt, nếu là tứ tuyệt nghiêm túc thời trung đại thì bài nào ở đây cũng thất niêm luật cả (những chữ gạch đáy, đổi trắc thành bằng, bằng thành trắc mới đúng); và ý nghĩa của nó chẳng khác gì thông tin của một văn bản điện tử, hiểu ngay, nắm bắt được ngay! Đây là loại “văn xuôi có vần!” Rất tầm thường! Mới tập làm thơ cũng làm được. Nếu ai đó nói là có tâm thì đúng vậy, nó chỉ có tâm! Nhưng ngay cái tâm ấy cũng chưa nắm bắt căn bản tư tưởng Phật học khi nói “vĩnh hằng và trường xuân” ở nơi bài 3 - vì “vĩnh hằng” là cõi của nước Chúa, còn “trường xuân” là cảnh giới luyện tinh thành khí để đạt “trường xuân bất lão” của Đạo gia! Còn về thơ tứ tuyêt như trên thì nhà phê bình Nguyên Hòa cười mỉm: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật thì ngay cái việc cố gắng ép thơ vần cũng đã đưa lại ý tứ khôi hài...”

Đấy là chúng ta khảo sát về cái gọi là thơ thì thơ Quang Thuận chỉ là “văn xuôi có vần!”, chưa phải là thơ thứ thiệt! Còn về cái mà người ta gọi là “thơ Thiền” của Quang Thuận, thì hãy nghe nhà phê bình Nguyên Hòa nhắc nhở: “Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đá, mây trời, trăng treo, tiếng hạc... là bài thơ có chất Thiền! Xin hãy hiểu rành rẽ về Thiền và thơ Thiền rồi hãy viết, kẻo lại rơi vào cảnh ngộ ‘vẽ rắn thêm chân’!” Nói vậy, rõ là ông Nguyên Hòa đã rất thận trọng “về Thiền và thơ Thiền”. Thận trọng là đúng. Tuy nhiên, nếu là tôi, là một tu sĩ có học Thiền, có tu Thiền và cả dạy Thiền, tôi sẽ mạo muội xin phép viết lại mệnh đề cuối như sau:“Xin hãy tu tập Thiền, chứng nghiệm Thiền, sống Thiền rồi hãy làm thơ Thiền, kẻo lại rơi vào cảnh ngộ ‘đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương’! (1)” Vì vậy, hai tập thơ của Quang Thuận viết về Yên Tử mà được mọi người gọi là thơ Thiền thì quả là hơi nóng vội, có cái gì đó thiếu chân xác, cần phải đính chính lại.

Tại sao tôi lại dám nói vậy? Vì thật sự là thơ Thiền thì phải được cảm hứng từ trực giác tâm linh của những Thiền sư đạt ngộ, của những hành giả đã từng miên mật công phu định tuệ (2) trên non cao, động thẳm, trong những tu viện xa vắng, tịch liêu. Các vị ấy đã nhảy qua hố thẳm phạm trù của lý-trí-thức-tri-nhị-nguyên-sai-biệt, đã giải quyết trọn vẹn “tử sinh đại sự”, đã cất tiếng cười lạnh giá cả sao Ngưu, sao Đẩu, đã cởi bỏ tất thảy mọi xiềng xích buộc ràng của bản ngã với những mặt nạ hư dối, đã trang bị cho mình con mắt thứ ba của “tuệ nhãn” nhìn xuyên thủng hư vô bị che chắn dập dờn bởi khói sương mê lầm, vọng huyễn.
Cuộc đời các vị ấy là một chân dung mô phạm khả kính. Họ có đời sống giới luật nghiêm túc, có đạo hạnh tôn quý, có tuệ giác khinh linh siêu thoát. Họ sống thiền trong từng hơi thở, từng sát-na nên mới có thẩm quyền về thiền, nói về thiền, mới có thể “thở ra thơ thiền” được. Còn tác giả của những tập thơ Yên Tử này là ai? Một Phật tử hay đơn thuần chỉ là một người mộ Phật? Hoặc chỉ là một người kính yêu non thiêng Yên Tử? Là một con người bình thường có gia đình vợ con? Một cư sĩ trí thức hay một vị quan đang “đại ẩn” tại triều trung? Và nếu gồm tất thảy những con người ấy, với những “hành trạng” như thế thì người ta chỉ có thể làm thơ tức cảnh, tức tình, về tự sự, về cổ tích, về danh thắng hay về huyền thoại... nhưng thơ ấy không thể gọi là thơ thiền! Tôi nghe biết tác giả là một GSTS, một viện trưởng, một nhà khoa học; tuy nhiên, cho dẫu một trí thức uyên bác cũng không thể nào với tới thế giới tâm linh trực giác, là lãnh địa ở ngoài mọi kiến thức và trí năng? Có thể nào trí thức bác học hiện nay trên thế giới ai cũng có thể liễu giác, chứng nghiệm thiền, sống thiền trong một vài sát-na tư duy đốn ngộ và có thể làm được thơ thiền cả thảy? Điều này là bất khả. Điều này là vẽ lông cho rùa, chắp thừng cho thỏ.

Còn nữa. Còn một chuyện nữa. Như người ta nói, và chính tác giả cũng có nói là mình làm trong ba đêm liền tập “Thi vân Yên Tử” gồm 143 bài trong trạng thái như “nhập đồng’, do tiền nhân mượn bút nên khó lý giải được. Đầu tiên, xin được đính chính, là cái kiểu “nhập đồng, mượn bút” kia không phải là tinh thần của nhà Phật chánh tông, nó hơi “tà” rồi đấy! Có người lại suy luận, có lẽ do nhập định sâu mới làm thế được. Xin thưa, “nhập định sâu” (3) thật sự thì phải đóng hết cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); trong trạng thái ấy, hành giả đâu có thể khởi tư duy mà làm thơ được?! Hàng ngàn người tu thiền định thứ thiệt họ biết rõ điều đó; nói chuyên môn một chút là phải xuống “cận hành định” mới khởi “tầm và tứ” tức là khởi ý niệm và suy nghĩ được! Riêng chuyện nhập thần, mượn bút thì có thể có - nhưng “tiền nhân” này là ai? Tiền nhân này sao lại có đọc quyển sách “ Chùa Yên Tử, lịch sử, truyền thuyết, di tích và danh thắng” của tác giả Trần Trương? Cứ dựa theo sách của người ta, đổi văn xuôi thành văn vần để biến ra cái gọi là thơ thiền? Tiền nhân này sao lại “mượn văn” của tác giả đang sống hiện nay một cách vô ngại thời gian như thế?
Và nếu có thật chuyện đó thì tiền nhân này không phải là Phật, là thần, là Trần Nhân Tông, là các vị thiền sư, là các đại bút danh sĩ rồi! Tại sao? Vì Phật thần thì không có cái tâm xiêng xẹo, cong vênh như thế! Và nếu là các tác gia thời trung đại thì “đại bút” của các vị ấy đã rơi xuống “tiểu bút” rồi, thi hương cũng không đỗ đâu! Còn nếu là Trần Nhân Tông, Huyền Quang, các vị thiền sư giáng bút thì sao thơ quý ngài lại “xuống cấp” đến vậy, “tầm thường thơ” đến vậy, chẳng có tuệ, có thiền, có trao truyền mật chỉ tâm ấn gì cả?! Tiền nhân này là ai vậy? (4) Chúng ta phải tìm cho ra cái khuôn mặt của ông ta - để giải bớt cái oan khuất cho tất thảy thiền sư, danh sĩ thời Lý, Trần mà văn học sử thường xem như đấy là thời đại đỉnh cao của văn học, là cái “nôi” hàm tàng mọi giá trị mỹ học, thiền học cũng như tinh túy văn hóa bản sắc của cha ông. Tiền nhân nhập bút ấy là ai mà Nguyễn Hòa đã than: Nếu thực sự “tiền nhân mượn bút” của Hoàng Quang Thuận để “viết thơ” thì xem ra thơ của “tiền nhân” đã sa sút đến mức thê thảm... Với các bài thơ chưa đúng niêm luật ... mà được gọi là “nghệ thuật Đường thi trác việt” thì đúng là hết thuốc chữa!

Quả đúng là hết thuốc chữa!
Vì “trăm năm duyên kiếp” như thế này mà cũng là thiền sao:
“- Trăm năm duyên kiếp còn lưu lại
Lối cũ đường xưa ngập cỏ cây”.
Và đây cũng gọi là thơ, là thiền sao:
“- Ba tên kẻ cướp nhảy chặn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương!”
Và đây nữa:
“- Hoa Lư kinh thành của Đế vương
 Mây bay phủ núi luỵ biên cương
Hoàng Long dậy sóng ngàn năm ngủ
Long Mã truy phong thượng đạo đường”.
Bài nào cũng thất niêm luật, không những không phải thơ, không phải thơ thiền mà còn không hiểu tác giá đưa thông tin “bí mật” gì ở nơi chỗ “lụy biên cương” và cái “thượng đạo đường”?
Vậy là quá đủ.
Xin chư vị thức giả thẩm định cái gọi là “tiền nhân nhập thần mượn bút” ấy cho!

Tôi không tu Thiền theo thiền phái Trúc Lâm, không phải là đệ tử, thân hữu, cũng không quen biết các ngài, các Sư, Ni ở trong tông môn đó. Tôi thuộc Theravāda, chỉ là một tu sĩ yêu thơ, có nghiên cứu thơ văn của Trúc Lâm tam tổ và các danh sĩ làm thơ có ảnh hưởng thiền thời Lý, Trần. Thơ, thơ thiền, thơ có tư tưởng thiền và thơ có liên hệ đến non thiêng Yên Tử của các vị ấy, vào thời trung đại ấy... tôi nghẹn chữ, không biết nóí sao. Tôi chỉ muốn ví von - dù biết ví von nào cũng khập khễnh - là nó như là hạt tuyết trắng trinh tuyền trên non cao. Nó là đóa hoa tinh khôi, diệu vợi u hương trên đầu núi. Mà bút khí, bút lực, bút trí, bút tâm của thế gian là bút của chợ triền, ở dưới này, thường không vói tới! Nó khác, nó rất khác, nó khác xa so với tất cả thơ mạo nhận là thơ thiền hiện nay.
Tảng đá tịnh định, trầm mặc trong vườn thiền hôm kia cũng toát mồ hôi. Lau cỏ quêa dân dã, an nhiên sáng nay bên hiên chùa cũng run lẩy bẩy. Hiện tượng phẩm bình hơi quá bút về thơ thiền của Hoàng Quang Thuận làm cho “đá cỏ trong vườn thiền” cũng phải lên tiếng đính chính một vài chỗ cần thiết. Tuy nhiên, thật may mắn thay cho Phật giáo chúng ta, và cả cho những ai yêu non thiêng Yên Tử cùng cốt cách “cam lộ lưu phương (5)” của Hương Vân đầu-đà - là các nhà học giả nghiêm túc, các nhà nghiên cứu có đạo đức tri thức đã đồng loạt phản bác, phê phán nghiêm khắc, đã nhìn ra “chân tướng”, đã chỉ ra cái “bản lai diện mục” của cái trò chơi hơi “quá đà” kia rồi! Chỉ một chút xíu “quá đà” thôi, chớ không nên nói khá nặng lời như ai đó đã xem như là một hiện tượng vĩ cuồng! 
Để kết luận, tôi xin chép ra đây bài thất ngôn tứ tuyệt “Sơn phòng mạn hứng” có niêm, đối, vần, luật chỉnh chu của thiền sư thi sĩ Trần Nhân Tông:
“ Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi, tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận, vũ tình, sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu, hựu xuân tàn”.
Tạm dịch:
“- Phải, trái niệm rơi hoa rạng sớm 
Lợi danh lòng lạnh mưa thâm đêm
Hoa tàn, mưa tạnh,  non yên lặng
Còn tiễn xuân tàn, một tiếng chim!”

Hy vọng rằng, những hiện tượng phù du như vậy rồi sẽ qua đi. Chuyện phải, chuyện trái nó rơi theo hoa buổi sớm rơi. Cái tâm về lợi danh nó lạnh ngắt giống như trận mưa lạnh ngắt đêm rồi! Và ngay cái rơi, cái lạnh ấy cũng không còn nữa, nó rụng, nó tạnh hết rồi, chỉ còn lại non yên lặng mà thôi.
Và ở nơi cái “thực tại non yên lặng” ấy, một tiếng chim vừa hót lên...Cũng vậy, cái gì không phải thơ, không phải thiền thì nó sẽ rơi, sẽ rụng đi - nhưng sự an tĩnh và thanh khiết của hồn thơ, hồn thiền non thiêng Yên Tử sẽ còn mãi với thời gian. Mong vậy thay!

Am Mây Tía 20/8/2012
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

1 comment:

  1. Tại sao không trang nào đăng những bài tham luận tham dự Hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận, ngoài một bài của Nguyễn Hòa. Đề nghị Văn chương+ công bố những tham luận đó, để độc giả biết đâu là nhà lý luận-phê bình chân chính, đâu là bọn bồi bút.

    Hoàng Chinh.

    ReplyDelete