Trang

Saturday, August 11, 2012

TỪ HIỆN TƯỢNG HOÀNG QUANG THUẬN NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THỜI GIAN

Dịch giả, Nhà thơ Thái Bá Tân cùng với Giáo sư, Tiến sĩ David G Lanoue của Hoa Kỳ đã bỏ bao công sức dịch cả tập thơ sang tiếng Anh. Ngày 05 tháng 9 năm 2008, Tham tán Đại sứ quán Ngô Tiến Long đã đến Viện hàn lâm Thụy Điển tại Stockholm gặp bà Ulrika Kjellin, Trợ lý Tổng thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển để trao tập thơ cùng thư giới thiệu của Nhà thơ Hữu Thỉnh để tranh giải Nobel văn học cùng năm châu bốn biển… Chẳng hiểu vì lí do gì mà “Thi vân Yên Tử” lại không đoạt giải Nobel?
Trong một loạt bài tranh luận trên lethieunhon.com giữa Triệu Từ Truyền - Nguyễn Hoàng Đức – Vương Trọng, xoay quanh vấn đề Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, qua đó các nhà thơ bàn về sự tụt hậu kém cỏi của cả nền văn học Việt Nam so với thế giới. Câu chuyện thật hấp dẫn với nhiều lí luận sắc bén, nhiều khái niệm mới mẻ, nhiều tầm chương trích cú vô cùng kinh điển và sâu sắc… Trong bài viết của mình, Nguyễn Hoàng Đức đã đưa ra nhiều quan điểm mới lạ như: thơ là nghệ thuật của thời gian; âm nhạc giống thi ca, cũng là nghệ thuật thời gian; so với Đông Nam Á thì thơ văn Việt Nam đang đì đẹt ở tốp cuối…
Nói về Truyện Kiều, Nguyễn Hoàng Đức nhận định: “Giờ hãy ngắm Nguyễn Du, sự sáng tạo của ông trong Truyện Kiều không quá 5% so với bản gốc hạng hai của Thanh Tâm Tài Nhân, giờ lại so với đại văn hào, đại thi hào của nước Nga (Puskin), một cường quốc văn chương, rồi hãy ngắm thêm cái cảnh rất nhiều nhà văn ta lục tục sang trường Gorky học làm văn nữa, so thế có khác nào mấy quả pháo bông của làng pháo Bình Đà so với tên lửa vũ trụ của Nga?! Nền văn hóa Việt còn tiểu nông bé nhỏ, chữ quốc ngữ mới hình thành hai thế kỷ nay, có chút tinh hoa rượu dâng lên đỉnh chai là Truyện Kiều, nhiều người cứ cố bám lấy làm cứ điểm văn hóa cho mình”. Ý kiến tranh luận của Nguyễn Hoàng Đức đã gợi cho độc giả nhiều vấn đề rất đáng phải suy nghĩ.
Thơ là nghệ thuật của thời gian
Nhận định đó của Nguyễn Hoàng Đức làm người ta không thể không liên tưởng tới một “hiện tượng thơ Việt – Hoàng Quang Thuận” được rất nhiều báo chí hết lời ca ngợi, nhiều nhà thơ nổi tiếng như Hữu Thỉnh, Dương Kỳ Anh phải phục lăn phục lóc. Hoàng Quang Thuận là Giáo sư, Tiến sỹ - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam),  suốt 50 năm cuộc đời chưa bao giờ làm được một câu thơ, bỗng nhiên qua tuổi tri thiên mạnh lại xuất thần vụt phát thi ca chói lọi. Nhà thơ Dương Kỳ Anh kể về người bạn thân là Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận làm thơ sau một đêm hành hương lên Yên Tử như sau: “Đêm ấy, anh cùng vài người ngủ lại trong một ngôi chùa ở Yên Tử. Một giấc mơ kỳ lạ. Và một chuyện kỳ lạ đã đến với anh! Anh là một nhà khoa học, không phải một nhà thơ, thế nhưng sáng ra, thi hứng đến với anh dạt dào. Chỉ mấy ngày ở Yên Tử anh đã làm được cả một tập thơ. Tập “Thi vân Yên Tử” có 143 bài đã được xuất bản”. Vâng, tập thơ “Thi vân Yên Tử” có 143 bài thơ Đường luật, viết trong có mấy ngày, một kỉ lục chưa từng có trên toàn thế giới, nên đã làm chấn động văn giới nước nhà.
Dịch giả, Nhà thơ Thái Bá Tân cùng với Giáo sư, Tiến sĩ David G Lanoue của Hoa Kỳ đã bỏ bao công sức dịch cả tập thơ sang tiếng Anh.
Ngày 05 tháng 9 năm 2008, Tham tán Đại sứ quán Ngô Tiến Long đã đến Viện hàn lâm Thụy Điển tại Stockholm gặp bà Ulrika Kjellin, Trợ lý Tổng thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển để trao tập thơ cùng thư giới thiệu của Nhà thơ Hữu Thỉnh để tranh giải Nobel văn học cùng năm châu bốn biển…
Chẳng hiểu vì lí do gì mà “Thi vân Yên Tử” lại không đoạt giải Nobel? Dù không đoạt giải quốc tế, nhưng đến nay “Thi vân Yên Tử” đã kịp lập một kỉ lục mới, đó là cuốn sách to nhất, dày nhất, nặng nhất Việt Nam, vừa viết thơ bằng quốc ngữ, vừa vẽ thơ bằng chữ Việt để hiến tặng cho Thiền viện Trúc Lâm.
Tài năng thiên bẩm của Hoàng Quang Thuận chưa dừng lại ở đó. Trong chuyến đi du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính, Nhà thơ Dương Kỳ Anh được chứng kiến sự ứng nghiệm để rồi Hoàng Quang Thuận nhả ngọc phun châu. Trong đêm tối chưa đầy 4 tiếng đồng hồ, Hoàng Quanh Thuận viết liền tù tì được 121 bài thơ thiền theo thể Đường luật, mỗi vần thơ là một “Tuyệt tác Phượng hoàng bay trên Bái Đính”.  Tên tập thơ là “Hoa Lư thi tập”.
Trong số 121 bài thơ của “Hoa Lư thi tập”, đa phần là 8 câu với 56 chữ mỗi bài, thỉnh thoảng có bài 12 câu với 74 chữ. Làm nhẩm phép tính nhân chia lớp ba sẽ thấy ngay, mỗi giây Hoàng Quang Thuận viết được một vần thơ. Nhà thơ Dương Kỳ Anh vì thế mà ngạc nhiên tự hỏi “không biết những nhà thơ nổi tiếng, những thi tiên, thi thánh như Lý Bạch, Đỗ Phủ thời xưa có được nhập đồng về thơ, có làm được một đêm hàng trăm bài thơ không?”. Xin thưa với Nhà thơ rằng, cả thế giới từ cổ chí kim chưa ai làm được như thế cả! Và nếu như Hoài Thanh ngày xưa từng nói đến chuyện sinh ra chiếc máy đúc thơ cho năng suất thì chắc chắn cái máy ấy phải thua Giáo sư Hoàng Quang Thuận thời nay sản xuất thơ. Thơ đúng là nghệ thuật của thời gian…

Thơ Việt có ở tốp cuối so với thế giới?
Nói về cái hay cái đẹp trong thơ Hoàng Quang Thuận thì báo chí và các nhà thơ đã ca ngợi quá nhiều, độc giả có thể tìm đọc đủ cả tiếng Việt – Anh – Pháp, thiết nghĩ chẳng cần kể ra đây mất thời gian. Chỉ xin dẫn một câu nói của Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam: thơ Hoàng Quang Thuận là những phút chấn động linh giác của nhà khoa học…
Trở lại với nhận định của Nguyễn Hoàng Đức, liệu nhà thơ có vẻ vội vã khi nhận định thơ Việt Nam đang đứng ở tốp cuối so với thế giới?
Nếu nói về văn như vậy thì còn có lí. Nhưng bảo thơ Việt quá kém thì chưa thuyết phục. Đây là chủ đề lớn, không thể nói hết được trong phạm vi một bài viết nhỏ. Nhưng có thể nói rằng, người Việt yêu thơ nhất thế giới, ai ai cũng thuộc thơ. Đó là một trong những điều kiện tối quan trong để sinh ra những nhà thơ xuất chúng. Giống như âm nhạc: nếu một quốc gia có đông công chúng yêu nhạc cổ điển thì quốc gia đó sẽ có nền âm nhạc bác học phát triển; còn như Việt Nam, đa số công chúng chỉ biết nghe ca khúc quần chúng thì số người viết khí nhạc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và chắc chắn sẽ bị lực lượng viết ca khúc quần chúng đè bẹp.
Ngược dòng lịch sử, khi chữ quốc ngữ chưa ra đời, dân tộc Việt cũng từng có nhiều các nhà thơ với những áng thơ bất hủ như thơ thiền đời Trần, thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Du với Truyện Kiều được ví là kho tàng ngôn ngữ thơ Việt…
Là con dân nước Việt, không thể không tự hào với “Tụng giá hoàn kinh sư”, một bài thơ chỉ có bốn câu thơ ngắn ngủi vừa tròn 20 chữ của Chiêu Minh Đại Vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, một khúc khải hoàn ca hào sảng. Hay như bài thơ khuyết danh “Nam quốc sơn Hà” nổi tiếng trong lịch sử, giúp Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống...
Năm 2001, chùm thơ của Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn “vô tình” tham dự Festival thơ quốc tế lần đầu tiên ở Đài Bắc đã để lại tiếng vang trong lòng độc giả Trung Quốc, Đài Loan, Singapo, Malaysia… Những bài thơ đó đã được tuyển chọn giới thiệu vào các trang Giáo dục Văn học của Trung Quốc, được các trang mạng nổi tiếng nhất Trung Quốc đăng tải với ước tính khoảng 20 nghìn trang tiếng Hoa.
Vậy tại sao thơ Việt lại chưa được thế giới biết đến, chưa có giải Nobel? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian?
Đây quả là một khái niệm tưởng như rất mới mà không mới, được một số nhà “âm nhạc học” tiếp thu từ nền lí luận phê bình âm nhạc Nga?
Thử lí giải theo kiểu gọt chân cho vừa giày xem như thế nào? Hiện nay, có nhiều nhạc sĩ viết ca khúc thị trường cực nhanh, họ sản xuất ca khúc đảm bảo với tốc độ không thua kém Giáo sư Hoàng Quang Thuận viết thơ là mấy. Khi có ca sĩ đặt hàng, nhạc sĩ viết chỉ trong vòng một hai tiếng đồng hồ là xong, bán đứt tác phẩm cũng được mươi mười lăm triệu, buôn bán gì cho lại? Nghệ thuật âm nhạc kiểu ấy không chỉ là chạy đua với thời gian nữa, mà còn chạy đua với cả tiền bạc. Làm thế nào để viết được ca khúc nhanh như vậy? Rất đơn giản, chỉ cần nghe xem Rock – Rap, Hip – Hop của thế giới họ gào thét quay cuồng thế nào, lấy mỗi thứ một tí “đuôi”, nhào nặn lộn tùng phèo, chú ý đừng bao giờ lấy cái “đầu” (giống như Nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức nói đừng có dại lấy bốn tiếng gõ cửa của Beethoven mà phạm tội ăn cắp), thế là xong đủ loại tác phẩm theo ý muốn.
Không ít nhạc sĩ có tên tuổi nhìn vào cảnh tượng đó mà cảm thấy sốt ruột. Một PGS TS âm nhạc sĩ chưa nổi danh, chưa có tác phẩm để đời vì bao năm bận bịu nhiều chuyện không thuộc lĩnh vực sáng tác. Một ngày đẹp trời, nhạc sĩ lên chùa tầm sư học đạo, thời gian sau ngộ ra mình đến lúc phải viết nhạc thiền, nhạc thiền là căn duyên, là linh giác, là định mệnh. Thế rồi nhạc sĩ bắt tay vào viết: ca khúc thiền đầu tiên nghe đặc âm hưởng dân gian Nga; ca khúc thứ hai hệt như nhạc phim cổ trang Tàu, nhạc sĩ khác phối khí giúp thấy vậy liền cho thêm vài tiếng đàn Bầu để ca khúc có chút hơi hớm Việt Nam.
Cứ như thế, các ca khúc tiếp theo của nhạc sĩ nọ lần lượt ra đời hết Yên Tử lại đến Bái Đính nhưng càng nghe càng thấy giống nhạc Tàu… Chưa khi nào nhạc thiền lại nở rộ như bây giờ. Các nhà sư cũng đua nhau viết nhạc thiền với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Nhiều ca khúc là một đoạn kinh Phật biến thể được phối khí hẳn hoi cho một ca sĩ nổi tiếng hát. Có những bài lấy nguyên phần giai điệu từ dân ca, điển hình như bài “Lý cái mơn” bỏ toàn bộ phần lời dân ca, thay lời mới bằng duy nhất một câu “A di đà Phật”, vì thế mà khi nghe hát có những câu nhạc chuyển hẳn ca từ “Phật” thành “Phân”. Mấy bà mấy chị ít việc nghe chán ở chùa thì mang về nhà vừa nghe vừa hát theo, lâu dần trẻ con cũng bắt chước mà hát, cứ thế thành quen.
Tại sao nhạc thiền, hay đúng hơn là ca khúc có gắn chữ “thiền”, lại lên ngôi ồ ạt như thế? Câu trả lời có thể là do thiền đang đi vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội, cả tích cực lẫn tiêu cực. Mấy năm trở lại đây, đâu đâu cũng thấy sùng bái chuyện xá lị. Chùa chiền là chốn cửa Phật tôn nghiêm, khiêm nhường. Thế mà người ta lại đi xây những ngôi chùa thật to để thờ mấy viên xá lị thật nhỏ. Còn bố trí cả dàn xe siêu sang rước xá lị mới lạ. Xá lị là gì? Chắc chắn chưa ai trả lời được chính xác. Y học mới chỉ biết trong cơ thể con người bị bệnh thì có sỏi mật màu đen, sỏi thận màu vàng, sỏi tụy màu trắng, sỏi phân màu xỉn... Chẳng biết xá lị các nhà sư có thuộc mấy viên sỏi ấy hay không? Nhưng chắc chắn việc tốn kém tiền của để xây chùa thật to, thuê xe thật sang, lễ lạt thật lớn thì ai ai cũng biết.
Và nữa, sư không chỉ sáng tác nhạc thiền, sư còn đến tận nhà dân cúng để lấy tiền làm nhạc. Một nhạc sĩ mời sư nổi tiếng về cúng giải hạn, cúng xong sư nhồm nhoàm ăn đủ các loại thịt cá, uống rượu, uống bia, hút thuốc lá, còn thêm cả cái khoản nhà nghỉ nữa. Người ốm mà giao thân thể của mình cho một bác sĩ dốt thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng; cúng giải hạn mà mời sư hổ mang thì cả gia đình sẽ rước họa vào thân…
Đức Phật từ bi hỉ xả, chỉ hướng chúng sinh làm những việc thiện, Phật chẳng bao giờ hại chúng sinh. Bởi thế nên có nhiều người lợi dụng Phật, đem đủ thứ xấu xa của cuộc sống vào cửa Phật, rồi đến bây giờ lại đem cả những thứ “rác nhạc” vào thiền mà Phật cũng không trừng phạt. Nhưng cái giá phải trả cho những việc làm tùy tiện ấy thì thật đắt, nó làm hại chính tâm hồn mình, hại tâm hồn và thể xác con cháu mình mai sau. Không thể có được tâm hồn minh mẫn, không thể có được cơ thể cường tráng khi xã hội càng ngày càng xuất hiện nhiều những rác phẩm như thế. Đầu óc càng mụ mị thì càng dễ bị lừa gạt.
Nhớ lại một thời cả nước sôi sục chuyện uống nước đái vì tin đồn đó là “niệu liệu pháp”, nhạc sĩ uống càng nhiều nước đái càng sáng tác được nhiều bài hát hay, nhà thơ uống càng nhiều nước đái càng viết khỏe. Cả nước bị lừa, càng giáo sư tiến sĩ càng uống nhiều nước đái, văn nghệ sĩ thi nhau uống, quan chức là người uống nhiều nhất, vừa uống vừa đặt lên bàn thờ cho tổ tiên cùng uống. Nếu cái đà văn hóa càng ngày càng tụt hậu, âm nhạc càng ngày càng biến thái , thi ca được coi là công cụ hữu hiệu để ai đó thành danh như hiện nay, thì chưa biết chừng sẽ còn có ngày xã hội lại bị lừa nặng hơn như thế.
Bàn thêm về việc đưa Truyện Kiều lên sân khấu
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cho rằng, việc chuyển thể Truyện Kiều của Nguyễn Du đưa lên sân khấu là để để tôn vinh Nguyễn Du. Phải chăng đó là lời nói ngụy biện cho một mục đích nào đó của riêng Nguyễn Thiện Đạo? Truyện Kiều với những vần thơ lục bát là tinh hoa rất đáng tự hào của dân tộc Việt, nhưng chuyển thể Truyện Kiều thì rõ ràng đó là cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chứ không còn của Nguyễn Du nữa, nghĩa là làm công việc tôn vinh Thanh Tâm Tài Nhân, tức tôn vinh Tàu. Thế nên Nhà nước bỏ tiền ra chi cho việc chuyển thể Truyện Kiều là không hợp nhẽ, khi mà ngành âm nhạc đang cần đầu tư kinh phí cho rất nhiều công việc khác thiết thực và hữu ích hơn. Rất tiếc Truyện Kiều đã được chuyển thể và đã được công diễn ở sân khấu Nhà hát lớn, được nhiều báo chí hết lời ca ngợi!
TRẦN VĂN PHÚC
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn

No comments:

Post a Comment