Trang

Wednesday, November 7, 2012

CUỘC TRÒ CHUYỆN CUỐI CÙNG VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI: TRỞ THÀNH TÁC GIẢ TRONG LÒNG BẠN ĐỌC LÀ ĐIỀU CỰC KHÓ


VĂN NGHỆ -  LTS: Nhà báo Xuân Đài gửi đến tòa soạn bài ghi chép lại cuộc trò chuyện của ông với nhà văn Nguyễn Khải, được ghi lại vào ngày 12 - 08 - 2008. Chúng tôi cho đây là bài trò chuyện cuối cùng trước lúc Nguyễn Khải qua đời. Trong bài viết này, nhà báo Xuân Đài viết: "Nguyễn Khải không hề nghe những lời chia sẻ của tôi, vẫn viết rất thành thật, tâm huyết như anh đã khẳng định, trong hai bài Đi tìm cái tôi đã mất Nghĩ muộn...".

Sau khi hai bài viết trên đây của Nguyễn Khải được công bố, đã có những bài viết phê phán Nguyễn Khải rất nặng lời và tác giả không ký tên dù chỉ là cái nickname, rồi photo phát tán khắp nơi mà không gửi bài này đăng báo, hoặc đưa lên mạng để mọi người cùng thảo luận với nhau về cái đúng và cái chưa đúng của Nguyễn Khải; trong khi thực tế, có rất nhiều người đồng tình với Nguyễn Khải và cũng không ít người chưa hoàn toàn đồng tình với ông...

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì với một nhà văn, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao có được một vị trí trong lòng bạn đọc. Nguyễn Khải rất thấm thía điều đó, và ngay trong cuộc trò chuyện khi quỹ thời gian không còn được bao nhiêu này, ông cũng không quên nhắc đến điều đó. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi xin giới thiệu một phần cuộc trò chuyện thú vị này.

* Thưa nhà văn Nguyễn Khải…
- Gì mà trịnh trọng thế, ông sợ bạn đọc cho là thất lễ hả (cười). Không có việc gì trên đời qua mắt được bạn đọc đâu. Ông cứ trò chuyện bình thường như mọi lần chúng ta gặp nhau.

* Vâng, nếu thế thì cho tôi xin bắt đầu: niềm vui của ông trong năm nay là gì?
- Ra mắt được hai cuốn sách, nói chính xác là hai tập truyện dày hơn 500 trang, do người - anh - em vốn là chiến hữu đã xuất ngũ bỏ tiền ra in giúp.

* Có niềm vui nào lớn hơn điều ông vừa nói không?
- Nói là vui lớn thì hơi quá lời, nhưng hơn 20 ngày đi thực tế ở tỉnh Thái Bình, thấy cuộc sống bà con nông dân thực sự đổi mới nên rất vui. Nhờ khoán 10 và nhờ “kinh tế thị trường” ông ạ!

* Từ ngoài đó vào, chắc ông ngồi vào bàn ngay và viết được nhiều?
- Cũng không được nhiều lắm. Tuổi đã già, văn đã… lão, không dám “thi nhan sắc” với các cây bút trẻ. Nhà văn trẻ bây giờ sung sức lắm. Tôi cặm cụi viết vài cái ký, vài truyện ngắn gửi cho báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Người Lao Động… Hú họa thôi ông ạ, chẳng biết người ta có đăng cho không. Đăng thì vui, không đăng cũng…buồn chứ!

* Nhân ông dùng chữ buồn, vậy cái gì là điều buồn nhất của ông?
- Buồn ư, có chứ. Hai điều. Một là người trong nghề, đàn anh có, đàn em có… cứ lần lượt về với ông bà, bỏ chúng mình mà đi. Hai là nạn “đạo văn” coi mòi phát triển hơn mấy năm trước. Văn xuôi, thơ phú, cả lý luận phê bình nữa đều bị thuổng một cách trắng trợn, hồn nhiên...
Còn cái này không buồn lắm đâu, nhưng cứ tâm sự với ông: tôi bước qua tuổi thất thập mấy năm rồi, như vậy “quỹ thời gian” còn rất ít mà chưa viết được cái gì cho ra ngô ra khoai như những cây bút cùng lứa và đàn em. Thật lòng đấy ông ạ, không phải khiêm tốn giả vờ đâu…  

* Lứa đàn em là những ai?
- Như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng và một vài anh chị em khác. Ba cây bút tôi vừa kể tên tràn trề năng lực, bản lĩnh trong thể hiện chủ đề. Và viết rất có văn, rất có nghề, đọc cứ bàng hoàng. Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi ở họ toàn “bích”, còn cái này cái nọ cần bàn thêm. Nói cho cùng, cả các thiên tài nhân loại nếu ta “vạch lá” thì vẫn tìm “ra sâu”.

* Vừa rồi ông nhắc tới ba cây bút “binh chủng hạng nặng” là tiểu thuyết, còn các khuôn mặt truyện ngắn thì sao?
- Các cây bút truyện ngắn, lớp trẻ, sắc sảo hơn lứa chúng tôi nhiều. Họ thông minh, nhạy cảm với cuộc sống, những chuyện đời thường tưởng là vụn vặt, dưới con mắt họ và ngòi bút họ trở nên sống động, đọc rồi muốn đọc lại, mỗi lần đọc lại ngấm thêm một ít. Họ làm “thầy đời” thật sự bằng văn chương chứ không bằng phương tiện khác.

* Đó là những ai vậy ông ?
- Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Ấm, Tạ Duy Anh, Phạm Hoa, Lại Văn Long, Ngô Tự Lập… đông đảo đến mức không thể kể hết được. Nhân đây, ông cho tôi nói điều này: lớp đàn anh tôi vẫn kính phục Tô Hoài, ông già sống chết với văn chương, ngoài 80 rồi mà cách viết vẫn trẻ, vẫn hoạt, hay, rất hay. Cát bụi chân ai “lợi hại” lắm. Còn lứa tôi (cười) cách nghĩ mòn rồi, pháp thuật tung ra hết rồi, chỉ còn hy vọng vào lớp kế cận như Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Lê Lựu, Trung Trung Đỉnh… và lứa thật trẻ như tôi vừa kể trên (ngẫm nghĩ). Còn chuyện này nữa, cách đây mấy năm, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy và tôi xuống đồng bằng Sông Cửu Long gọi là tham gia “khảo sát văn học”. Tôi đọc 4 truyện ngắn của anh Lương Hiệu Vui, cả 4 truyện đều làm tôi thích thú đến kinh ngạc. Đợt đi ấy, tôi nhận ra một điều: lực lượng văn xuôi Nam Bộ là rất “đáng gờm”. Rất nhiều cây bút trẻ chưa hề xuất hiện trên báo, đọc họ xong, tôi chỉ ước… viết được một truyện như thế! Tôi không “bốc” đâu!

* Ông thấy “phê bình văn học” gần đây ra sao? Có người cho là quay lại như cũ, ông đồng ý không?
- Nói là quay lại như cũ, hơi quá, nhưng hiện tượng phê bình mang tính chỉ trích cá nhân, đố kỵ… lâu lâu lại xuất hiện. Lâu lâu thôi nhé. Không đáng ngại lắm đâu, bạn đọc tinh tường, họ phân biệt đúng sai có khi còn hơn cả cánh cầm bút. Gần đây, tôi đọc một số bài của các nhà phê bình thấy thích thú, sáng ra, họ viết nghiêm túc, khoa học, đầy tinh thần trách nhiệm trước bạn đọc, như ông Văn Tâm chẳng hạn.

* Văn chương nhập cuộc "kinh tế thị trường” ông có lo ngại gì không?
- Không. Văn chương nào có loại bạn đọc đó. Mặt tốt vẫn là chính. Những tác phẩm hay đều xuất hiện gần đây, không ai chối cãi được điều ấy.

* Tôi hỏi thật ông điều này, nếu ông không muốn trả lời cũng chẳng sao. Có phải ông là người luôn luôn tự nhận mình là hèn?
- Có gì ghê gớm mà không dám trả lời ông. Tôi luôn luôn tự nhận mình là thằng hèn, không những hèn mà còn nhát nữa!

* Ông Khải ạ, người đời không bao giờ khinh người nghèo, người khốn khó mà chỉ khinh những đứa hèn nhát. Có cái gì lấn cấn, làm ông tự nhận có đủ hai đức tính này?
- (Cười) câu hỏi của ông tôi cũng đã được nhiều người hỏi, thường tôi tránh trả lời, thay bằng cái cười nhạt. Hôm nay, với ông, bạn bè gần nửa thế kỷ, quá biết về nhau, tôi xin nói thật: tôi hèn, tôi nhát là để tồn tại trong xã hội quá nhiễu nhương.

* Những người trung thực, nghĩ, nói và viết bao giờ cũng nhất quán họ có sao đâu?
- Ông khẳng định như thế, theo tôi, ông là người từng trải, nói vậy là chưa đúng với suy nghĩ trong đầu ông, phải không?

* Ông đã nói vậy, tôi cũng xin thành thật. Những nhà văn nhà thơ đều là bạn ông từ thời vừa cầm súng vừa cầm bút đánh giặc như Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Vũ Bảo… họ đã “lâm nạn” vì không muốn làm kẻ hèn nhát.
- Nói thật với ông, bây giờ ở tuổi “xưa nay hiếm”, mỗi lần nghĩ đến họ là tôi xấu hổ! Chắc ông còn nhớ, tôi cũng là cây bút hăng hái đánh nhân văn giai phẩm, chắc ông chưa quên bài tôi phê phán tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bảo, sau đó Vũ Bảo gọi tôi là “dũng sĩ diệt đồng đội” (cái thời mà báo chí hay ngợi ca các dũng sĩ diệt Mỹ). Cách đây ít lâu tôi đã viết một lá thư khá dài xin lỗi Vũ Bảo, sau khi tôi đọc bài trả lời trên báo của anh ấy. Vũ Bảo viết thư hỏi tôi, Nguyễn Khải có đồng ý cho mình công bố là thư của Khải lên báo không? Qua điện thoại, mình nói với Vũ Bảo, ông muốn đăng báo nào cũng được, kể cả việc ông in vào sách của ông. (Ngồi trầm ngâm một lúc, Nguyễn Khải bảo tôi có làm chút rượu để mình đi lấy, nhà mình dạo này, lúc nào trong tủ lạnh cũng có đủ các loại bia rượu tiếp bạn. Tôi lắc đầu. Thực sự tôi ngạc nhiên, người bia rượu suốt ngày như ông mà lại từ chối. Hay là ông đọc cho tôi nghe vài bài thơ coi như nghỉ giải lao).

* Nếu thực lòng ông muốn nghe thơ, thứ thơ không có thép của tôi thì vào đưa rượu ra đây, Quốc Lủi nhé, còn rượu Tây tôi không thích….
- Đế Bắc Ninh chính cống! Thứ mà Phùng Quán làm thành thơ “tăm tăm tình bạn, chếnh choáng tình đời, nôn nao thân phận”.

*(Chiều Nguyễn Khải tôi vừa uống vừa đọc thơ). Khải vừa nghe vừa gật gù lại còn khen hay nữa! Tôi tin hôm nay ông không khen đãi bôi, dù ông bị một số người nói, ông chẳng chê ai bao giờ, ông chỉ khen. Họ bảo, ông từng “tuyên bố”: “thằng nào thích khen thì khen cho nó chết”(Cười vui) Ông tự nhận mình hèn nhát cho đến chết à? Có người bảo tôi, mỗi lần ông nhận hèn, sau đó lại hèn hơn.Ông nghĩ sao về lời “phán xét” này?
- Không, nhất định không, tôi sẽ không làm thằng hèn nhát nữa. Ông tin tôi đi, tôi đã và đang viết một số bài thật với những điều mình suy nghĩ, về đất nước, về chủ nghĩa xã hội và những điều nhân dân trăn trở bức xúc. Tôi sẽ làm người nói, viết, nhất quán và dũng cảm. Ông tin tôi đi

* Ông còn nhớ có lần một người bạn của cả ông lẫn tôi bảo với ông trước mặt tôi: cậu đừng nghe thằng Đài, nó là đứa ngang xương! Ông trả lời, Xuân Đài chưa bao giờ xúi dại tôi một cái gì cả, tôi đâu là con nít mà dại dột ăn cứt gà, tôi là tôi, Đài là Đài, nhưng tôi và Đài có một điểm chung là thương nhau, thương người nghèo và thương nước…
(Nguyễn Khải đứng lên rút trên giá sách đưa cho tôi hai tập bản thảo của hai bài viết, dặn, ông không nên đưa cho người thứ ba đọc nhé, vì đây chỉ mới là bản nháp lần đầu).

* Hóa ra ông vẫn chưa thoát ra khỏi cái hèn và cái nhát.
(Nguyễn Khải cười) Ông cứ đọc xong xem tôi còn hèn và nhát nữa không?
*
 Chiều hôm sau tôi đến nhà Nguyễn Khải và trao đổi với ông về hai bản thảo. Ý kiến tôi dài dòng về những gì Nguyễn Khải viết, tóm lại là tôi lưu ý Nguyễn Khải nên nhẹ lời một chút, tức là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như ông bà mình dạy. Nguyễn Khải gật gù và phán mấy câu: ông đúng là Poisson Bois (cá gỗ) chính hiệu...
Rồi Nguyễn Khải nói sang chuyện khác                
- Tôi đi bộ đội lúc còn ở tuổi vị thành niên, làm y tá, cán bộ tuyên truyền, làm báo quân khu… trở thành nhà văn không phải do thực tài mà nhờ kiên trì, chịu học, chịu viết. Mấy chục năm cầm bút, tôi đã in hơn 20 đầu sách, nhưng vẫn cảm giác chưa là một  tác giả. Trở thành tác giả trong lòng bạn đọc là điều cực khó, vẫn là trong ước mơ của tôi.

* Ông nói vậy chứ, đã từ lâu, trong lòng bạn đọc ông là tác giả có tầm cỡ của họ.
- Được thế thì còn gì vui bằng (cười). Cảm ơn sự quá lời của ông.    

Thấy Nguyễn Khải xoa ngực, chắc tim ông không ổn, tôi dù muốn hỏi thêm vài điều nữa nhưng thấy thương ông quá lại thôi. Lúcbắt tay chào ra về, Nguyễn Khải còn dặn với theo  
 - Lâu lâu ông nhớ sang tôi chơi nhé! Còn mình bây giờ, vợ con không cho đi đâu cả. Quá là thằng tù!            
Đoạn ông cười mếu máo…

Xuân Đài
(thực hiện)
Nguồn: Văn nghệ

1 comment:

  1. Ông Nguyễn Khải "đánh mất cái tôi" vì hèn, vì mắc chứng bệnh "teo hòn dái", Hơn nữa ông đã Phạm Tội Ác - vì miếng cơm manh áo, vì uy tín cá nhân, đưa ngòi bút của mình quá đà, làm hại người khác. Nếu những người cầm bút ở VN tiếp tục hèn như Nguyễn Khải thì chúng ta còn phải đọc tâm sự "Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất" dài dài nhưng ở những dạng khác, dưới những cái tên khác.
    Cũng với cái ý đó, xin góp một bài thơ.

    BỆNH NAN Y


    Khám tổng quát
    cho nhân viên một công ty
    bác sĩ thấy hầu hết
    mắc một chứng bệnh lạ kỳ
    bệnh Teo Hòn Dái

    Người bệnh ăn ngủ, ỉa đái
    vẫn bình thường
    không nhiễm trùng
    không sốt
    không nhức xương
    không đau bắp thịt
    đi đứng nằm ngồi
    cũng giống như bao người khác
    chỉ trong lúc làm ra và giới thiệu sản phẩm
    mặt tái xanh
    tim đập nhanh
    mắt nhìn quanh lấm lét

    Lúc ấy hòn dái teo đét
    chỉ bằng hạt tiêu
    trên người
    mồ hôi vã ra như tắm

    Công ty ấy
    không sản xuất hàng công nghệ
    không kinh doanh hàng ăn
    mà chỉ làm ra tượng tranh
    và nhiều mặt hàng
    liên quan đến chữ viết

    Đó chính là Hội Nhà Văn
    Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

    Trên đường giao lưu thơ văn
    gặp các cây bút đến từ Việt Nam
    các bạn tôi
    bắt tay người này
    khen chữ dùng sang cả
    vỗ vai bác kia
    khen tứ hay ý lạ
    có sáng kiến làm mới thể thơ

    Riêng tôi
    gặp họ
    chỉ thích nắn sờ
    hai hòn dái

    Phạm Đức Nhì


    ReplyDelete