Trang

Sunday, December 16, 2012

GIÁM ĐỐC NXB HỘI NHÀ VĂN TRUNG TRUNG ĐỈNH ĐÁ ĐỂU NGƯỜI ĐẸP DI LI, NỨC NỞ KHEN NHÀ VĂN LÊ KIỀU NHƯ - TÁC GIẢ DÂM THƯ “SỢI XÍCH” VÀ TẬN LỰC CHÊ CÁCH NHÌN CỦA MỘT SỐ NHÀ BÁO


Chẳng gì anh cũng thu hoạch khá trên cánh đồng văn chương, vị trí ổn, giải thưởng nối nhau. Cứ nghe cách một số người “mát mẻ” Trung Trung Đỉnh khi anh “rinh” giải thưởng văn học Đông Nam Á 2012 mới đây (Tôi thì nghĩ, nên chúc mừng tác giả nhận giải. Dù sao cũng là giải Đông Nam Á cơ mà), đủ thấy “sống khó hơn là chết”, nên dại gì ngất ngưởng?
 
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
qua đường nét của Nguyễn Xuân Hoàng

NHÀ VĂN TRUNG TRUNG ĐỈNH: TÔI RẤT BẬN, BẬN CẢ ĐI CHƠI NỮA
Nửa tiếng trôi qua, câu chuyện chẳng đi đến đâu, tôi hoang mang vì không thể làm cho “đối phương” mang gương mặt cười. May thay “hòn đá tảng” ngăn cách chúng tôi cũng được đẩy đi với giải pháp “nâng li” của Trung Trung Đỉnh.
Cuối cùng, “người đàn ông nhỏ bé, mái tóc hung rối bù, nước da sạm đỏ” – như lời của một nhà nghiên cứu nước ngoài - đã đồng ý gặp tôi vào buổi chiều tàn cuối năm.
Nhà văn tự thú, thời trẻ uống khá, còn bây giờ “lai rai” (có vẻ anh khoái chữ “lai rai”, sách bán “lai rai”, uống rượu đạt cỡ “lai rai”). Chỉ vài li đã thấy “mặt trời” xuất hiện nơi anh và những câu trả lời kiểu vặn vẹo, cứng nhắc của Trung Trung Đỉnh cũng theo rượu mà bay. Anh bỗng hiền lành, dễ chịu khiến tôi chợt nghĩ vẻ mặt “cau có đau khổ” của anh có khi chỉ là “mặt nạ”?
Trong truyện ngắn “Lời chào quá khứ” nhà văn đã mở màn thế này: “Thực ra câu chuyện không phức tạp như những lời đồn đại, mà nó giản đơn tới mức không ngờ”.
Như việc anh giải thích bút danh ấn tượng của mình: “Tôi họ Phạm nhưng truyện ngắn đầu tiên chẳng biết do đánh máy nhầm hay sao khi in ra lại là Trung Trung Đỉnh, giòn giã quá, thế là nhất trí thôi. Nó là định mệnh”.
Nhớ tới lời của nhà điêu khắc Lê Công Thành, người tự tin biết tác giả “Lạc rừng” từ “chân tơ, kẽ tóc”. Ông nói thế này: “Đỉnh tốt. Nhưng luôn thích đứng nép sau ai đó, rất khiêm nhường”.
Nhà điêu khắc già tỏ ý nghi ngờ: “Có tài nhưng không tin ở tài của mình hay sao?”. Tôi nghĩ khác, Trung Trung Đỉnh đủ biết mình ra sao, có điều cái “vỏ” khiêm nhường (hay bản chất khiêm nhường?) bao giờ cũng là lá chắn tốt.
Chẳng gì anh cũng thu hoạch khá trên cánh đồng văn chương, vị trí ổn, giải thưởng nối nhau. Cứ nghe cách một số người “mát mẻ” Trung Trung Đỉnh khi anh “rinh” giải thưởng văn học Đông Nam Á 2012 mới đây (Tôi thì nghĩ, nên chúc mừng tác giả nhận giải. Dù sao cũng là giải Đông Nam Á cơ mà), đủ thấy “sống khó hơn là chết”, nên dại gì ngất ngưởng?
Tôi không thuộc thơ tôi
Trung Trung Đỉnh khoe có tới ba trường ca, chưa in thành sách, chỉ xuất hiện một số trích đoạn nhỏ lác đác trên vài tờ báo. Gợi ý tác giả “Lạc rừng” đọc vài câu cho vui, anh mở máy tính, bảo tôi tự đọc. Lý do hồn nhiên: “Tôi không thuộc thơ tôi.
Đã thử đọc đi đọc lại mà vẫn không thuộc nổi”. Hỏi: “Không thuộc thơ thì chắc anh cũng không nhớ nổi văn mình”. Anh bảo: “Có thuộc vài câu”. Một đời dành phần lớn cho truyện ngắn, tiểu thuyết, anh ưu ái văn xuôi hơn cũng phải.
Nhân lúc anh cởi mở, tôi “tấn công”: “Chắc anh hài lòng với những “đứa con” của mình?” và nhận được câu trả lời không diêm dúa: “Khi đọc lại, cũng có lúc tôi tự hỏi, sao mình viết được thế nhưng cũng có khi ngạc nhiên, sao mình ngớ ngẩn thế?”.
Rượu làm anh tươi hơn nhưng vẫn còn nguyên tỉnh táo để không “bật mí” chi tiết về cảm giác “ngớ ngẩn” của mình.
Lại nói về trường ca. Chẳng biết Trung Trung Đỉnh có hãnh diện không mà cứ “đẻ” xong lại mang “con” giấu. Thỉnh thoảng trong cuộc rượu mới gọi chúng ra hầu bạn bè, nên hầu như không ai biết anh làm thơ (?!). Hiện trạng ba trường ca của Trung Trung Đỉnh đều thất thoát chút ít: “Tôi chưa tìm được hết”.
Trách anh quản lí tài sản kém, anh bảo: “Tôi có quản lí gì đâu. Như sách in ra cũng thế, tặng hết, có giữ được quyển nào đâu”. Trong ba trường ca của Trung Trung Đỉnh, có tới hai trường ca dành cho tình yêu của anh - Tây Nguyên.
Trường ca còn lại dành cho cao nguyên đá Đồng Văn. Không đặt cho trường ca những cái tên ngạo nghễ, trường ca về Đồng Văn mang tên mộc: “Đá và Em”.
Điều đặc biệt, mỗi chương trong trường ca là một bát rượu. Đây là một vài câu trong “Bát thứ hai”: “Chẳng lẽ đá sinh ra rượu/ Chẳng lẽ em ngồi như đá với lòng em/ Chẳng lẽ tim người là đá/Sao mà ta không hoá được thành men/Nếu anh hoá thành men đựơc/ Em sẽ say như gió của miền cao/ Nhưng gió cũng có khi lẩn trốn/ Để chiều buông ngọn khói đứng im lìm…”.
Vất vả khi thai nghén tác phẩm văn xuôi: “Tôi viết quyển nào cũng công phu, quyển nào cũng viết ít nhất năm lần, viết đi viết lại. Nếu tính viết đi viết lại có khi mất tới chục năm, không có quyển nào viết một lần ăn ngay”. Thế nhưng với trường ca lại mau mắn, như trường hợp “Đá và em”, “viết nhanh lắm, viết cả trong khi say”.
Nếu giành Nobel may ra sách tôi mới chạy
Nói về truyện ngắn đầu tiên được in trong tạp chí, Trung Trung Đỉnh hào hứng: “Hình như là năm 72 hay sao ấy, truyện ngắn đó được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cảm giác thật tuyệt vời”. Còn bây giờ, giải thưởng văn học Asean 2012 chỉ làm anh “vui một lúc”.
Đến nay, nhà văn của Tây Nguyên đã sở hữu “gia tài” với 7 cuốn tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn. Cũng do tính “mải chơi không làm nổi đồ sộ” mà tiểu thuyết của Trung Trung Đình chỉ rơi chừng 200-300 trang, chưa có tác phẩm nào đứng trong “trường phái hòn gạch”.
Nhưng điều này bỗng dưng phù hợp với thị hiếu của độc giả thời bận rộn. Anh quan niệm: “Đồ sộ làm gì? Đâu phải viết dài mới là đồ sộ”.
Bây giờ nhiều độc giả ngại sự “hoành tráng” của tiểu thuyết nhưng dạng vừa vừa như tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh cũng không vì thế mà đắt hàng: “Sách của tôi không hot, chưa bao giờ hot. Chúng không làm cho các nhà làm sách in lấy được, bán lấy được như sách của nhiều tác giả khác, cứ lai rai trên thị trường thôi”.
Nhưng sự “lai rai” ấy cũng khiến nhiều nhà văn thèm: “Cuốn “Lạc rừng” đến nay đã tái bản khoảng 13, 14 lần”. Trung Trung Đỉnh nhận mình “cũ rồi”, có phải vì thế nên anh không biết cách tạo ra “hot”: “Tạo thế nào được.
Tôi không có khả năng làm việc ấy. Tôi chưa bao giờ tự mình bán được một cuốn sách. Nhiều người giỏi chuyện này lắm, thế mới đúng. Loại chúng tôi cũ rồi. Bây giờ bảo đi bán sách, thấy ngượng”.
Cuốn tự truyện của cô diễn viên múa nổi tiếng một thời họp báo ầm ĩ nhưng những tác phẩm nhào nặn chục năm của Trung Trung Đỉnh lại bước ra lặng lẽ, bây giờ như thế (chắc sau này cũng vẫn thế): “Tôi không bao giờ họp báo.
Tôi không giỏi quảng cáo sách, không có khả năng nói năng”. “Biết đâu giải thưởng văn học Asean vừa qua lại giúp sách anh bán chạy hơn?”, anh bông đùa: “Chưa thấy dấu hiệu gì chứng tỏ bán chạy cả. Nếu được Nobel thì tương lai sáng sủa hơn chăng?”.
“Ngựa già còn ham rong ruổi”
Ghế giám đốc NXB Hội Nhà Văn mà người ta thường nhắc khi nhớ tới anh, không mang lại lợi ích vật chất: “Giám đốc? Oai gì”. Anh tiết lộ giá trị giải thưởng văn học Đông Nam Á: “Khoảng 2 ngàn đô”, tương đương với năm tháng lương của giám đốc NXB. Nhuận bút từ việc in sách ở ta vẫn “bèo”, ngay cả những người đã thành danh.
Trung Trung Đỉnh xoay sang viết kịch bản: “Nhiều khi tôi phải ngừng lại để viết kịch bản kiếm ăn. Việc viết kịch bản giúp tôi kiếm ăn khá tốt so với viết truyện ngắn, tiểu thuyết”.
Dù viết kịch bản chỉ giữ nhiệm vụ “cần câu cơm” nhưng nhà văn vẫn không dành tình yêu và chút tự hào cho nó: “Nếu tính ra từng tập, tôi đã làm khoảng dăm bảy chục kịch bản phim”.
Anh viết kịch bản phim và ngược lại tiểu thuyết của anh cũng thành “chất liệu” cho phim truyền hình. Bộ phim “Ngõ lỗ thủng” được khán giả yêu thích chính là sự chuyển thể khéo léo từ hai cuốn tiểu thuyết từng gây tiếng vang của Trung Trung Đỉnh: “Tiễn biệt những ngày buồn” và “Ngõ lỗ thủng”.
Đã bước qua cái tuổi 60 nhưng “con ngựa già còn ham rong ruổi”: “Tôi rất bận, bận cả đi chơi nữa. Tôi đi đây đi đó, đi liên tục, nếu có điều kiện. Khắp nước, tỉnh nào tôi cũng có bạn.
Toàn bạn lăng nhăng, thế thôi”. Bận chơi nhưng anh vẫn không quên nhiệm vụ: “Trước đây trong ba lô của tôi lúc nào cũng có cuốn sách đang viết dở. Bây giờ cũng thế”.
Trung Trung Đỉnh bật mí, anh đang tập trung vào mấy truyện ngắn, “trả nợ” cho vài tờ báo tết. Mỗi mùa báo tết nhà văn cũng “gặt” một vài chục triệu đồng.
Chắc phân nửa trong số đó thế nào cũng được anh dành cho việc đánh chén với bạn văn.Trong một truyện ngắn liên quan tới tình, tiền, anh viết: “Hãy giữ ấm đôi chân và lạnh cái đầu”. Giữ cái đầu lạnh - với Trung Trung Đỉnh, xem ra còn khó hơn việc đi bán sách.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
“Tôi chưa bao giờ tự mình bán được một cuốn sách. Nhiều người giỏi chuyện này lắm, thế mới đúng. Loại chúng tôi cũ rồi. Bây giờ bảo đi bán sách, thấy ngượng”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
 
Chớ đụng vào “Sợi xích”
“Sợi xích” của ca sỹ, diễn viên Lê Kiều Như từng quá ồn ào cách đây vài năm. Nó được “ra lò” từ NXB Hội Nhà Văn. Đụng đến “Sợi xích” Trung Trung Đỉnh bùng nổ: “Sợi xích không tồi tệ như cách nhìn của một số nhà báo”.
Anh cho rằng, về mặt văn chương, rõ ràng “Sợi xích” chỉ ở tầm nghiệp dư, không có gì đáng nói nhưng ý tưởng giải phóng phụ nữ không tồi.
Vị giám đốc vẫn chưa nguôi bực mình: “Tôi ngại gì chuyện này, nó đã xảy ra cách đây mấy năm rồi, nói lại dơ lắm”. Nhà văn cảnh báo: “Đừng nói chuyện “Sợi xích” với tôi, nói là cãi nhau đấy”.
Trung Trung Đỉnh cho biết, công việc ở nhà xuất bản cũng chiếm của anh nhiều thời gian nhưng không ảnh hưởng tới việc sáng tác vì anh biết thích nghi “bận việc thì thôi, không bận lại sáng tác”.
Gần 40 năm trong quân đội nhưng tính kỷ luật chưa lấn lướt sự tự do, phóng túng của con người nghệ sỹ trong anh: “Gần 40 năm trong quân đội. Tôi chả làm gì đúng giờ cả. Chỉ có hẹn với ai thì đúng giờ thôi”.

HỒNG DIỆU
- Nguồn: Tiền Phong

No comments:

Post a Comment