Trang

Tuesday, December 18, 2012

GẦN BA NĂM ĐÃ TRÔI QUA KỂ TỪ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ GIỚI THIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM, VIỆC QUẢNG BÁ VĂN HỌC VIỆT NAM RA THẾ GIỚI CHƯA ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐÁNG KỂ



Chiều ngày 4/12/2012 vừa qua, Ban giám khảo giải thưởng văn học châu Á The Man Asian Literary Prize đã công bố danh sách các tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo giải thưởng năm 2012.
Được thành lập cách đây 5 năm, The Man Asian Literary Prize hiện là giải thưởng văn học hàng đầu châu Á, nhằm vinh danh một tiểu thuyết xuất sắc nhất của một nhà văn châu Á viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh, với số tiền thưởng dành cho tác giả tương đương với 620 triệu đồng và 100 triệu đồng cho dịch giả (nếu có).
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai
Trong khi danh sách sơ khảo năm nay điểm danh các nhà văn của nhiều nước châu Á như Ấn độ, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, và Malaysia, các tác giả mang quốc tịch Việt Nam tiếp tục vắng mặt. Tác phẩm duy nhất “dính dáng” đến Việt Nam được lọt vào vòng sơ khảo là bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết Ru của nhà văn Kim Thuý, một Việt Kiều sống ở Canada và viết bằng tiếng Pháp. Như vậy, văn học Việt Nam thực sự tiếp tục vắng mặt ở giải thưởng quan trọng này. Và trên thực tế, từ năm 2007, không có tác phẩm Việt Nam nào có mặt ở vòng sơ khảo của giải thưởng The Man Asian Literary Prize.
Cơ hội cho văn học Việt Nam?
Từ mùa hè năm 2011, tôi chuyển sang sống và làm việc ở Manila, thủ đô của  Philippines. Hơn một năm nay, tôi đi nhiều hơn, được tham gia một số các sự kiện văn học quốc tế, và có nhiều dịp để tiếp xúc với các nhà xuất bản, các đại diện văn học, nhà văn, bạn đọc nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia, nhưng có một câu hỏi mà họ hay đặt ra cho tôi là: Tại sao ít thấy các tác phẩm văn học của các tác giả đang sống ở Việt Nam xuất hiện trên đất nước họ?
Còn nhớ, tại Liên hoan Văn học Quốc tế Manila 2011, ông Ravi Mirchandani (tổng biên tập nhà xuất bản Atlantic Book, Anh quốc), bà Rachel B. Kahan (phụ trách biên tập nhà xuất bản Putnam, Mỹ), bà Jayapriya Vasudevan và bà Priya Doraswamy (đại diện văn học của nhiều tác giả châu Á) đã nói với tôi rằng họ đang “săn lùng” các tác phẩm văn học hư cấu và phi hư cấu của Việt Nam viết bằng tiếng Anh hoặc đã được dịch sang tiếng Anh. Năm nay, cũng tại Liên hoan văn học hết sức chất lượng này, tôi gặp cô Juliet Grames, biên tập của nhà xuất bản Soho Press, Mỹ. Biết tôi đến từ Việt Nam, cô hồ hởi kéo tay tôi “Tôi rất cần các tiểu thuyết hình sự của các tác giả Việt Nam, chị biết tác phẩm nào hay thì gửi ngay cho tôi nhé”. Thấy tôi ngạc nhiên vì thường các nhà xuất bản Mỹ không thích làm việc trực tiếp tác giả mà thông qua đại diện văn học, cô bảo “Tôi rất yêu quý Việt Nam, và muốn các kệ sách ở Mỹ có các tác phẩm Việt Nam. Tiểu thuyết hình sự hiện nay rất ăn khách, và tôi nghĩ đó là một ngưỡng cửa đang mở cho văn học Việt”.
Càng đến những nước đang phát triển, tôi càng thấy rằng người dân ở các nước này đang hướng về châu Á và dõi theo những biến chuyển kỳ diệu của châu lục chúng ta. Một số nhà xuất bản Mỹ và châu Âu cũng đang rậm rịch thành lập các chi nhánh ở châu Á để thu hút các bản thảo chất lượng của các nhà văn nơi đây. Vậy mà, văn học Việt Nam dường như đang dửng dưng trước các cơ hội mở đó. Những nỗ lực cá nhân vẫn cho ra đời lẻ tẻ thảng hoặc một vài tác phẩm dịch, được in ấn và phát hành với số lượng hạn chế. Vì thế những tác phẩm dịch này mất hút vào dòng chảy của văn học thế giới, hầu như không để lại một vết tích sâu đậm nào về sự hiện diện của văn học Việt Nam.
 Những người bắc cầu cho văn học Việt
Tôi tin rằng, Việt Nam không thiếu những tác phẩm văn học xuất sắc mà chỉ thiếu một cây cầu dịch thuật để đưa những tác phẩm ấy hội nhập với dòng chảy của văn học thế giới. Cây cầu đó chỉ có thể xây được bằng trí tuệ, công sức và tâm huyết của các dịch giả. Thật tiếc, lực lượng dịch giả, nhất là những người có khả năng chuyển ngữ văn học Việt sang các ngôn ngữ khác, đang vô cùng mỏng manh và cô độc. Mỏng manh vì dịch văn học là một công việc khó khăn, mạo hiểm, dễ bị bắt lỗi và dễ bị phê phán nên ít ai dám liều lĩnh dấn thân. Mỏng manh vì những người thông thạo hai hoặc nhiều thứ tiếng có thể sử dụng trí tuệ của mình để làm những công việc khác dễ dàng hơn, có thu nhập cao hơn. Còn cô độc là vì các dịch giả tham gia dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài phải tự mày mò học hỏi, tự vấp ngã, tự đứng lên và bước tiếp. Trong hơn ba năm tham gia dịch các tác phẩm văn học Việt Nam, tôi  hiểu mình dịch chưa giỏi, còn nhiều sai sót, vì thế đã cố gắng bồi dưỡng và trau dồi kiến thức. Nhưng dù hết sức tìm kiếm, tôi chưa thể tìm thấy tài liệu nào hướng dẫn kỹ năng dịch văn học Việt Nam, và cũng chưa thấy một hội thảo sẻ chia và trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng dịch thuật nào để lớp dịch giả đến sau trong đó có tôi được học hỏi từ những người đi trước.Thật may mắn là bên cạnh lực lượng dịch giả mỏng manh trong nước, chúng ta còn có một đội ngũ dịch giả nước ngoài như Chúc Ngưỡng Tu, Điền Tiểu Hoa (Trung Quốc), Ahn Kyong Hwan (Hàn quốc), Petr Komers (Séc), Guenter Giesenfeld, Marianne Ngo (Đức), Kevin Bowen, Lady Borton, Fred Marchant, Martha Collins, Bruce Weigl, Jennifer Fossenbell và Hilary Watts (Mỹ)… Họ là những người đã tham gia dịch văn học Việt hầu như tự nguyện, vì tình yêu và sự ngưỡng mộ dành cho văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều dịch giả kể trên ngày càng lớn tuổi và chưa tìm được một đội ngũ kế nhiệm. Thêm vào đó, chính họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nhà xuất bản, in ấn và phân phối các tác phẩm văn học mà họ chọn dịch.
Nguyễn Phan Quế Mai với bạn bè quốc tế
Hội nhà văn và trọng trách quảng bá văn học ra nước ngoài
Hơn hai năm trước, giới văn chương “xôn xao” với thông tin Hội nhà văn sẽ thành lập một trung tâm dịch thuật để giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Ngay trước đó, Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam đã diễn ra vào đầu tháng 1/2010 với sự hiện diện của hàng trăm nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà xuất bản đến từ nhiều quốc gia. Hội nghị thể hiện sự cam kết và nỗ lực của Hội nhà văn trong việc quảng bá văn học Việt Nam. Là người tham gia giúp công tác dịch thuật cho hội nghị, tôi thấy những nhà văn nhà thơ trong ban tổ chức đã rất vất vả và cố gắng hết sức mình. Tiếc rằng, sau hội nghị, vẫn chưa có một lực lượng nòng cốt của hội chuyên về quảng bá văn học ra nước ngoài. Những tham luận của hội nghị được viết ra, được đọc, được in ấn thành kỷ yếu. Rồi tất cả nằm im trong ngăn tủ. Những háo hức, kỳ vọng cũng nguội dần cùng thời gian. Là người tham gia giúp công tác dịch thuật cho Hội nghị, tôi đã trăn trở trong một thời gian dài sau đó. Ước gì hội nghị đã giảm đi về mặt hình thức, chú trọng hơn về mặt nội dung. Và ước gì, chúng ta đã tổ chức ăn uống tiết kiệm hơn, cắt bỏ các tiết mục văn nghệ đầy màu sắc, cắt bỏ những chuyến đi dã ngoại tốn kém … để dành số tiền tiết kiệm ấy cho việc dịch thật chất lượng và bài bản một số tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc. Ước gì những ý kiến đóng góp rất xác đáng cho việc quảng bá văn học Việt Nam trong hội nghị đã được tổng kết ngay thành một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam, với những kế hoạch và bước đi cụ thể. Ước gì sau hội nghị, ban tổ chức đã không ngừng “giữ lửa” lòng nhiệt huyết của các dịch giả, bằng cách liên lạc với họ thường xuyên, động viên tinh thần, cập nhật cho họ thông tin về văn học Việt Nam, và hỗ trợ kịp thời cho các dự án dịch văn học Việt của họ.
Gần ba năm đã trôi qua kể từ Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, thật tiếc là vì nhiều lý do, việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới chưa đạt được những bước tiến đáng kể. Trung tâm dịch thuật Việt Nam vẫn chưa thể đi vào hoạt động và chưa thấy một kế hoạch toàn diện nào để đưa nhiều hơn các tác phẩm đại diện cho văn học Việt Nam đến với bạn đọc thế giới. Trong khi đó, ngày càng nhiều hơn các tác phẩm văn học của các nước châu Á khác được dịch ra tiếng nước ngoài. Các nhà văn Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… thi nhau dành các giải thưởng quốc tế trong khi các tác phẩm văn học đương đại Việt Nam xuất sắc, nóng hổi tính thời sự vẫn chưa thể “qua cầu” để ra khỏi biên giới nước Việt.
Hội Nhà văn Việt Nam vừa trải qua 55 xây dựng và trưởng thành. Trách nhiệm còn bộn bề, nhưng tôi tin rằng cam kết của ban lãnh đạo Hội nhà văn trong việc quảng bá văn học Việt Nam vẫn còn cháy bỏng. Và tôi mong rằng một trong những mục tiêu ưu tiên của chặng đường phía trước sẽ là việc xây dựng một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam. Chiến lược ấy cần bao gồm những hoạt động cụ thể và nghiêm túc trong việc bồi dưỡng và phát triển đội ngũ dịch giả, xây dựng quan hệ với những đại diện văn học và các nhà xuất bản, đồng thời hỗ trợ các dự án dịch thuật khả thi. Chiến lược ấy nhất thiết phải loại trừ những hội nghị hoành tráng, tốn kém và loại trừ việc lựa chọn những tác phẩm văn học mờ nhạt về nghệ thuật và nội dung nhưng nổi trội vì mối quan hệ quen biết của tác giả.
Và tôi mong rằng chiến lược quảng bá văn học Việt Nam sẽ không bỏ qua một lực lượng dịch giả quan trọng: đó là những dịch giả Việt Kiều đang sống ở nhiều nước trên thế giới. Trong thời gian qua, những tác phẩm dịch của Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Bá Chung, Andrew Phạm, Nguyễn Đỗ (Mỹ), Đoàn Cầm Thi (Pháp)… đã gây được tiếng vang. Không chỉ có khả năng dịch, những dịch giả Việt Kiều này còn có những mối quan hệ mật thiết với những nhà xuất bản và có thể giúp đưa nhiều hơn các tác phẩm văn học Việt Nam ra với thế giới.
Cần lắm sự đoàn kết, chung tay
Nhớ có một lần, khi tôi nói rằng Hội nhà văn đang thành lập trung tâm dịch thuật để quảng bá văn học Việt Nam, một đại diện văn học người Anh đã phẩy tay “Tôi cần sự giới thiệu của một đơn vị độc lập, phi chính trị. Tôi không tin lắm vào sự giới thiệu của một cơ quan như Hội nhà văn”. Thế mới biết việc giới thiệu văn học Việt nam không hề đơn giản. Thế mới biết, sự ra đời của các đơn vị môi giới văn học độc lập trong nước như ChiBooks là một điều cần thiết và rất đáng khích lệ.
Nhưng, mặc cho ý kiến của người đại diện văn học kia, tôi vẫn mong và tin rằng Hội Nhà văn có thể đóng vai trò then chốt trong việc quảng bá văn học Việt Nam. Tận dụng được sức mạnh, uy tín và mạng lưới của mình, Hội Nhà văn hoàn toàn có thể quy tụ được những tấm lòng, tâm huyết và tri thức của những người yêu văn học Việt Nam, đoàn kết họ, để xây dựng một cây cầu dịch thuật, để vẻ đẹp của văn học Việt Nam được toả sáng cùng bạn bè thế giới, để những giải thưởng văn học danh giá của thế giới xướng tên Việt Nam trong thời gian gần nhất.
NHÀ THƠ NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Nguồn: VNT/  - Phong Điệp

No comments:

Post a Comment