Trang

Monday, December 17, 2012

SAO PHẢI LÀ KHÁNH LY?

Tên tuổi Khánh Ly gắn liền với những ca khúc Trịnh Công Sơn để trở thành “thương hiệu kép” nổi tiếng hàng đầu trong nhạc sử Việt Nam [*]. Cô vẫn được cho là “sinh ra để hát nhạc Trịnh Công Sơn”. Nhưng vì sao?      
 Diva này từng “bị tố cáo” là “không hát”, mà chỉ dùng chất giọng “sương mù lạnh ẩm” của mình để “xướng âm” theo cách “chân phương” nhất: “Không biểu cảm”, “không cao trào/thấp trào” - “không điều chỉnh cường độ âm thanh” gì hết (khác hẳn với Thái Thanh hay Lệ Thu: “biểu cảm” phong phú, “to/nhỏ, lên/xuống” đúng mực - khi “êm khẽ dịu dàng”, lúc “mãnh liệt dữ dội”). Ngoài ra, giọng cô cũng bị xem là “lạnh lẽo”, “hững hờ”, và “bải hoải” (so với cái “nóng bỏng”, “da diết”, hay “sôi nổi” của hai diva kia), còn phát âm của cô thì “lười lĩnh”, “nhòe cạnh”, và “buông lỏng” (chứ không “dụng công”, “sắc bén”, và “chắc nịch” như của hai “đỉnh cao” còn lại)! Chưa hết, người ca sĩ này còn đứng yên “như pho tượng”, nét mặt cũng “như pho tượng”, chỉ hai môi là buộc phải “động đậy” [**] (trong khi Thái Thanh thường “sống động, còn Lệ Thu cũng có “chuyển động”, tuy không nhiều). Tôi tin nếu thủ đắc được thuật “phát âm bằng bụng”, cô cũng sẵn lòng cho hai môi “bất động” ngay tức thì?!

Ấy nhưng mà, thật lạ lùng và thú vị, toàn bộ những gì Khánh Ly bị “tố cáo” hóa ra lại là những “công phu”, những “bí quyết” độc nhất vô nhị - chưa (và sẽ không) ai thực hiện thành công được như thế ngoại trừ chính cô. Thật vậy, bạn có thể “thách” bất kỳ ai khác “hát như không hát”, “biểu cảm như không biểu cảm”, nhả chữ “lạnh lẽo, hững hờ, uể oải, lười lĩnh, nhòe cạnh, buông lơi”, và đứng yên “như một pho tượng” (mà không được để cho khán/thính giả “ngoảnh tai”, “rời mắt”, hay “dợm chân bỏ đi”, tất nhiên rồi)? Tin chắc đi: Bạn sẽ thắng cả trăm phần! Nhưng, một lần nữa, tại sao?
Vậy thì đây, vâng, lời đáp chính xác - lí do quan trọng nhất: Trên hết cả mọi thứ, chất giọng “mù sương ẩm lạnh” của người ca sĩ này không “hay”, mà là “quá hay”, “quá liêu trai”! Phát âm/cấu âm của cô thật “chuẩn xác”, mà cũng thật “độc đáo”, “hút hồn” - chỉ một lần nghe qua, bạn sẽ không thể quên, cũng không thể nào nhầm với ai khác nữa.

Chính Trịnh Công Sơn đã chọn Khánh Ly làm người “chuyển tải” các “thông điệp” của ông; ông biết rõ cô sẽ đáp ứng tốt nhất những “yêu cầu”, những “‎í đồ nghệ thuật” của mình. “
Đúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất”, ông trả lời phỏng vấn. [***]
Trịnh Công Sơn được cho là đã tạo ra một “cõi ảo” với mảng “tình ca” của ông; phải chăng chỉ chất giọng “sương ẩm lạnh mù” của Khánh Ly mới có thể “ướp” cho cái “cõi” kia được nguyên vẹn “ảo” như thế (chứ nếu là “nắng” (dù có “sáng đẹp”) với “nóng” (dẫu là “ấm áp”) - như Thái Thanh hay Lệ Thu chẳng hạn - thì cái “ảo” ấy rất có thể sẽ bị làm cho “bốc hơi” đi ít nhiều)? Còn bản thân Khánh Ly? Hẳn cô cũng phải “kềm” không cho “thân nhiệt” vượt quá cái “ngưỡng … X độ bách phân” nào đấy; bằng không, chất giọng sẽ không còn đủ “lạnh” và sẽ “làm hỏng” tất cả? Mà còn cách “kiềm nhiệt” nào hiệu quả cho bằng “cử động ít nhất có thể”?
Nhưng đâu chỉ thế? Họ Trịnh đâu chỉ có “cõi ảo” với mảng “tình ca”, ông còn một “cõi rất thật” - “Việt Nam chiến tranh” - với mảng “ca khúc da vàng”, mà ở đó, giọng ca vị “ngôn sứ” của ông dù vẫn thế - không đổi - song thay vì “ướp” cho nguyên vẹn một “cõi ảo”, thì lần này cái làn “sương lạnh ẩm mù” ấy lại chở theo “hiệu ứng” khác hẳn - “nhuốm” cho nó - cái “cõi rất thật” ấy - một “màu khăn sô”, bằng “tiếng khóc khô” của một “tử thi sống” - nghe “chai sạn”, “rã rời”, và “hoang dại”. Mà cũng vậy, chẳng có lí nào một “tử thi” lại được phép “cử động” hay “biểu cảm”?!  
Dù sao, tôi vẫn tưởng Khánh Ly - qua Trịnh Công Sơn - còn tham vọng hơn thế? Cô muốn không chỉ khẳng định một “phong cách” hay một “thái độ”, mà định hình hẳn một “loại hình nghệ thuật”, trong đó người thể hiện phải tuân thủ các đòi hỏi gần như “qui luật”, hay có thể còn hơn cả thế - như những “nghi thức” - nghiêm ngặt mà tinh vi? Bạn hãy khoan bĩu môi - tôi muốn hỏi bạn đã từng “pha/uống trà Tàu” như nhà văn Nguyễn Tuân? Từng hiểu về “Trà Đạo” của người Nhật? Hay đã từng xem “tuồng Nô” (cũng của người Nhật, ở đấy diễn viên không được phép “để lộ facial expression” nào)? Hay, tốt hơn, bạn có từng nghe/nhìn “ca Trù Bắc Bộ”? [****]
Thế thì, Khánh Ly - với nhạc Trịnh Công Sơn - không chỉ là một “giọng hát”, mà còn là một “phong cách”, một “thái độ” trình diễn; qua đó, một “loại hình nghệ thuật mới” được thiết lập? Lười chữ và nghèo liên tưởng nhất, tôi chỉ gọi nó là “ca Trù Sài Gòn - ca Trù Khánh Ly/Trịnh Công Sơn”.
Hôm nay, nhiều ca sĩ khác cũng hát nhạc của họ Trịnh (tất nhiên với “phong cách” và “thái độ” riêng của mỗi người, và cũng chưa hẳn đã là“dở”), chỉ có điều không ai “biết đứng yên” để hát loại “ca Trù” mới này, cũng không ai có thể trả lại cho cả “cõi ảo” lẫn “cõi rất thật” của ông cái “ẩm lạnh mù sương”, nguyên sơ và “huyền thoại”, như Khánh Ly đã làm ngày ấy nữa.
 ______________________
     [*] Trong số các bài hát của Khánh Ly ở “trang” này, tác phẩm của Trịnh Công Sơn chiếm chủ yếu. Không phải vì cô không hát nhạc ai khác, càng không phải cô hát những “người ấy” không hay, mà chỉ bởi cô không phải là người hát “hay nhất” những bài của họ, và chỉ vậy.
     [**] Như trong hai clip này: Ru Ta Ngậm NgùiĐêm Cuối Cùng. 
     [****] Được biết vào khoảng những năm cuối thập niên 90 (thế kỷ trước), có đoàn nghiên cứu văn hóa của Đức đến Hà Nội, nhân dự buổi “giao lưu” có tiết mục “ca Trù”, đã (nhỏ nhẹ) nhận xét: Hình như đây không phải là Ca Trù “chính thống” của quí vị? Bởi họ thấy các “nghệ nhân” cứ “lúng la lúng liếng”, “đong đa đong đưa”…, mà theo chỗ họ hiểu về loại hình nghệ thuật (quí hóa) này của Việt Nam, thì các “đào nương” phải “đứng hoặc ngồi nghiêm”, “nét mặt cũng nghiêm”! Song “chủ nhà” có cho vàng cũng chả dám thú thật với “khách quí” rằng thì là vâng ạ, quả đấy là “hàng giả” - chả là các em văn công gái “đóng thế vai” - để “phục vụ nóng” cho “yêu cầu giao lưu tại chỗ”, chứ biết đào đâu ra “hàng thật” - là thứ đã kịp tuyệt chủng từ thời “Cải Cách Ruộng Đất” - bây giờ?


ẤU LĂNG

No comments:

Post a Comment