Trang

Thursday, January 31, 2013

NHÀ VĂN CHU LAI: “HÃY ĐỂ NHÀ VĂN LÊN TIẾNG, DÙ CÓ SỰ VA CHẠM ĐAU LÒNG, ĐÊN LÚC ĐỘC GIẢ PHẢI BIẾT ĐƯỢC CÁI THỰC TRẠNG XẤU XA ẤY”

Tự nhận mình là người ngoài cuộc của những lùm xùm này nhưng nhà văn Chu Lai cũng không giấu nổi sự bức xúc. Ông nói: "Hãy để cho các nhà văn lên tiếng đi, dù sẽ có những sự va chạm đau lòng, nhưng đã đến lúc độc giả phải biết được cái thực trạng xấu xa ấy".

Bao giờ mới có sự công bằng?
Hiện tượng nhiều tác giả từ chối giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam gần như không làm ai bất ngờ, thậm chí nhiều người xem đó như một sự mặc định. Trước câu chuyện của nhà văn Y Ban, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, và mới đây là bức thư ngỏ của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức đề nghị phế truất giải thưởng của tập thơ Giờ thứ 25 (tác giả nhà thơ Phạm Đương) còn có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tài ba cũng từng từ chối giải thưởng của hội. Đầu tiên phải nhắc đến nhà văn Hồ Anh Thái. Năm 2003, tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày của anh được hội Nhà văn Việt Nam trao giải Tặng thưởng. Tuy nhiên, nhà văn này đã thẳng thừng từ chối với lí do theo anh là "không nên nhận".
"Sự thực đúng là như thế!", một nhà văn nổi tiếng (xin được giấu tên) khẳng định. Ông cho rằng, nếu giải thưởng đó là công bằng, văn minh, trong sạch thì chẳng ai dại gì đi từ chối: "Cơ chế xin - cho, sự cả nể đã làm cho một giải thưởng danh giá vào loại bậc nhất nhì về văn chương lại trở nên bất công và lố bịch. Bao giờ mới có sự công bằng nếu cứ chấm giải theo kiểu cảm tình, cảm tính. Người có tác phẩm dự thi vẫn có mặt trong danh sách hội đồng sơ khảo. Như thế khác gì tự giới thiệu, tự bình xét rồi tự đánh giá tác phẩm của mình. Chưa kể đến hiện tượng con hát mẹ khen trong hội đồng giám khảo".
Trở lại với câu chuyện mới đây nhất cùng nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả cuốn tiểu thuyết Thế kỷ bị mất, người từ chối bằng khen do hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2012. Ông cho biết, nội bộ hội Nhà văn Việt Nam như một cái đáy sông sâu, chẳng ai có thể biết được dưới đó có những gì: "Đơn giản là việc xét giải thưởng phải theo tiêu chí nghệ thuật chứ không thể vì những tiêu chí khác, ngoài nghệ thuật. Ví dụ như nói tác phẩm này, tác phẩm kia có tiêu đề nhạy cảm là không được. Nói cụ thể hơn là phải xem tác phẩm đó hay hay dở. Tất nhiên, hay hay dở còn tùy thuộc vào cái gu của mỗi người.
Để hình thành được cái gu này, cần phải có rất nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, trình độ, hoàn cảnh, sự trải nghiệm của bản thân. Nhưng vấn đề ở chỗ là những yếu tố này hội tụ trong một con người sao cho đạt đến cái mẫu số chung của cộng đồng. Tức là ở cấp độ được nhiều người công nhận nhất. Cho nên phải hết sức thận trọng khi đánh giá một tác phẩm văn học, nhất là với tiểu thuyết, một thể loại văn học mở. Nó khác hẳn với truyện ngắn. Khi xếp chung truyện ngắn vào với tiểu thuyết để đánh giá giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó rồi trao giải, gọi chung là văn xuôi như cách làm của hội Nhà văn Việt Nam hiện nay là chưa hợp lý, rất buồn cười, chẳng ở đâu có cả".
Như một lời kết buồn cho bức tâm thư tuy ngắn ngủi nhưng lại hàm ý và ẩn chứa nhiều điều, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam viết: "Tất cả mọi hoạt động bình xét của hội Nhà văn Việt Nam đều cần phải thay đổi nhiều. Tôi nghĩ ai cũng thấy như vậy, cũng biết như vậy. Nhất là các vị trong ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam, họ biết rất rõ, họ thấy rất rõ nhưng có ai thật tâm muốn thay đổi đâu. Nếu muốn, chỉ cần sau một đêm là họ làm được. Làm được nhưng họ không làm và sẽ mãi mãi không bao giờ làm".
Nỗi lòng người trong cuộc
Mất năm năm để “thai nghén” và hoàn thành tác phẩm Thế kỷ bị mất, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cho rằng chưa bao giờ ông nghĩ tới chuyện viết ra để mang đi tranh giải. Chỉ đến khi người bạn thân thiết của ông là nhà văn Thái Bá Lộc đọc nó và khuyên rằng nên gửi dự giải. Nhưng cũng phải đến lần thúc giục thứ ba của bạn, ông mới mạnh dạn gửi sách với suy nghĩ đơn giản: "Đây là dịp tốt giúp tác phẩm của mình có cơ hội cọ xát với các đàn anh, đàn chị của nó ở nơi "phủ chúa"".
Tin tưởng và lạc quan là vậy nhưng có lẽ những gì nhà văn này nhận được chỉ hoàn toàn là sự hoài nghi lẫn thất vọng. Phạm Ngọc Cảnh Nam đã chọn cho riêng mình một giải pháp, ông lại trở về với sự lặng lẽ của mình, hàng ngày dành thời gian cho công việc viết lách. Niềm vui thú ấy như ông đã ví von, đó là một trò chơi đầy trách nhiệm: "Điều duy nhất tôi mong muốn qua sự việc này, đó là hội Nhà văn Việt Nam hãy tự nhìn lại mình, đừng có múa gậy vườn hoang mãi. Nếu còn quan niệm văn mình vợ người, tức là còn chưa đạt được đến cái mẫu số chung của cộng đồng thì nên chọn một việc làm khác hơn là ngồi chấm một giải văn học cả nước".
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, tác giả của truyện ngắn Cánh đồng bất tận từng gây nhiều tranh cãi, khẳng định: "Đã rất lâu rồi, tôi không quan tâm đến các giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam. Đơn giản vì tôi muốn tập trung cho công việc sáng tác. Những giải thưởng này hay giải thưởng kia đều không tạo cảm hứng và động lực cho tôi. Với một nhà văn, giải thưởng lớn nhất của họ phải là sự yêu mến của độc giả".
Chu Lai, Nguyễn Ngọc Tư hay những người khác chỉ là một số hội viên trong rất nhiều hội viên khác. Họ không thể đại diện được hàng trăm cái tên khác, nhất là khi mỗi một cái tên trong hội Nhà văn Việt Nam đều chứa đựng một cái tôi rất lớn. Điều đáng quý mà người viết muốn nhắc đến đó là sự dũng cảm của họ, là tiếng nói được cất lên đúng lúc trong một thời điểm được xem là nhạy cảm.
Nhưng còn những tiếng nói khác, được bày tỏ đâu đó trên các diễn đàn, nhẹ nhàng, khách quan và cẩn trọng hơn. Nhưng chừng đó cũng đủ khẳng định một điều rằng: Hội Nhà văn Việt Nam và nhất là người có trọng trách đứng đầu không thể im lặng được nữa. Đừng khư khư giữ lấy những giả thuyết đã cũ kỹ, lạc hậu. Không thể nói mãi về câu chuyện: Trao giải cho ai là quyền của Hội và từ chối giải thưởng ấy là quyền của mỗi người. Đã đến lúc độc giả và dư luận cần một câu trả lời rõ ràng và mạch lạc hơn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có nhiều nhà văn bất mãn với chính tổ chức của mình như thế? Họ từ chối giải thưởng nghĩa là từ chối sự tôn vinh. Một nhà văn chối bỏ quyền lợi và "hồng phúc" do chính hội Nhà Văn trao tặng? Điều đó chỉ xảy ra khi bản thân sự tôn vinh đó đang chứa đựng những vấn đề còn bất cập.
Tự nhận mình là người ngoài cuộc của những lùm xùm này nhưng nhà văn Chu Lai cũng không giấu nổi sự bức xúc. Ông nói: "Hãy để cho các nhà văn lên tiếng đi, dù sẽ có những sự va chạm đau lòng, nhưng đã đến lúc độc giả phải biết được cái thực trạng xấu xa ấy. Ở cái nơi người ta lâu nay vẫn nghĩ rằng nghệ thuật sẽ được lên ngôi, được tôn vinh thì câu chuyện buồn ấy lại hoàn toàn khẳng định điều ngược lại".
Trả lời phỏng vấn của người viết, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội cho biết: "Sự mập mờ và cách làm việc thiếu nghiêm túc đã vô tình giết chết văn chương. Khi niềm tin đã mất đi thì có nghĩa là chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ nữa. Đừng mải tô vẽ và khen ngợi lẫn nhau. Hãy để độc giả làm điều đó. Còn với các nhà văn lớn, khi đã được trao trách nhiệm vào tay, công việc của họ phải là sự công minh".

Đào Bích
Nguồn: Người Đưa Tin

No comments:

Post a Comment