Trang

Monday, February 4, 2013

THÁM HIỂM THÁNH ĐỊA PHÁP SƯ ĐÔNG NAM Á - KỲ 2: HỘI LUYỆN PHÉP VÀ 36 NGÔI MỘ NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐỈNH TÀ LƠN

Ngoài dấu tích chùa Năm Thuyền, tại đỉnh Bokor còn rất nhiều địa chỉ mang tên thuần Việt như điện Minh Châu, điện Bình Thiên, điện Bàn Ngự, điện Tứ Giao… Đó là dấu tích của những người Việt xưa tu luyện phép thuật nơi này. Ngày nay, những cái tên đó đều được người bản địa "Kh'mer hóa" thành Mik Clau (Minh Châu), Bin Thi (Bình Thiên).
Cho đến tận bây giờ, người Kh'mer vẫn tin rằng, những "lục tà" người Việt có công khai mở thánh địa phép thuật vẫn còn "trụ trì trong không gian". Còn các pháp sư khu vực Đông Nam Á vẫn chọn nơi đây làm "trường thi tốt nghiệp" hàng năm.

>> Thám hiểm thánh địa pháp sư Đông Nam Á
Lễ hội luyện phép vặt sa
Nhận ra tôi là đồng hương, lại có "tín vật" đồng môn, ông Vang vui vẻ bắt chuyện. Ông Vang đưa tôi trở lại "kham maya kul" tức quần thể hang động luyện phép thuật. Chúng tôi vạch lá, len khe đá để đi mất nửa giờ đồng hồ mới đến nơi.
Trên đường đi, Vang "khai ngộ" cho tôi. Vang nói: "Khi Nam Tông Phật giáo đồ kết thúc mùa kiết hạ vào ngày rằm tháng 9 thì giới pháp sư bắt đầu vào mùa vặt sa. Vặt sa gần giống với nghĩa kiết hạ của Phật giáo. Vặt sa kéo dài 45 ngày kể từ rằm tháng 9 âm lịch đến kết thúc tháng 10 âm lịch hàng năm. Từ ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch là vào lễ vai xu pa na di ka, mà một số người gọi tắt là vai xu. Ông biết tại sao pháp sư chọn kết thúc mùa kiết hạ mới vào mùa vặt sa không? Bởi thời điểm đó, các hồn ma âm binh vừa được thấm nhuần đường tu. Tranh thủ lúc đó, mình lôi kéo họ về phủ phục dưới trướng mình".
Vang dẫn tôi qua khỏi khu vực hang mà tôi từng biết rồi tiến thật sâu vào "kham maya kul",  đến tận mép một thung lũng sâu hun hút. Xuống đến lưng chừng thung lũng, trước mặt tôi là một quần thể hang động đầy vết tích con người: Chân nhang, tàn thuốc lá, chai nhựa, giấy vàng mã, tiền âm phủ vương vãi khắp nơi giống như vừa trải qua một đám tang tập thể. Vang giải thích: "Bãi kham bên ngoài dành cho những pháp sư mới đến luyện phép lần đầu. Ở đây chỉ có những pháp sư cao tay ấn luyện. Yếu nghề lò mò vào đây mà không có sư phụ đi kèm, ngồi 1 giờ là hồn xiêu phách lạc, bỏ chạy ngay. Đã từng có người chịu không nổi âm khí bị điên luôn".
Tôi vờ tin những lời Vang nói. Từ một cửa hang nhìn ra ngoài, kẻ không tin tâm linh cũng sởn gai ốc chứ đừng nói đến những người tín ngưỡng tà thuật. Vực thẳm sâu hun hút, vách núi dựng đứng, Thỉnh thoảng mây từ dưới thấp dâng lên bao trùm khiến không gian tối sầm. Gió len vào khe đá tạo thành âm thanh như ma rên, quỉ khóc… Nếu tịnh tâm không tốt, không điên mới là lạ.
Có lẽ e ngại tôi bị quỷ nhập, Vang xòe hai bàn tay ra trước mặt rồi cong ngón cái và ngón giữa lại như sắp búng lỗ mũi ai đó trong khoảng không, miệng hô chú thật lớn. Âm thanh vọng xuống thung lũng dội lên như phát ra từ cõi vô hình: "An xáng bang da màm a căm căm ú bà da da ba xa to bà ti ka rit xà mì..ì..ì". Sau này, tôi mở băng ghi âm nhờ một nhà sư Kh'mer trụ trì chùa Ph'nom Phi ở Tri Tôn (An Giang) dịch dùm: "Hỡi những thần linh, chánh thần, tà thần. Nếu nghi ngờ điều gì thì mong các ngài chỉ bảo".
Vang cho biết, đây là lần thứ 5 ông tham dự hội vặt sa ở đỉnh núi thiêng này. Nhiều người cho rằng, hội vặt sa Tà Lơn là một cuộc thi đấu tay đôi phép thuật của những pháp sư. Vang chưa từng biết những cuộc đấu đó nhưng vẫn khẳng định: Không thể có. Đã thi đấu tranh tài cao thấp thì không nhất thiết phải đến đỉnh Tà Lơn này. Đã đến đây, hận thù trần gian phải được rũ bỏ.
Đối với giới pháp sư, ngoài chuyện Tà Lơn là nơi có dấu tích những bậc Phật, thánh đạt chánh quả, còn có yếu tố "chính huyệt" của khu vực Đông Nam Á. Họ cho rằng, nơi đây là điểm tập trung linh khí trời đất nên con người dễ hấp thu đầy đủ tinh, khí, thần của vũ trụ. Vì những yếu tố đó, các sư phụ luôn đưa đệ tử lên đây để kiểm tra khả năng tu luyện. Nếu vượt qua được kỳ vặt sa, kể như đạt cấp đại sư, đủ trình độ làm thầy. Với những người đạt bậc đại sư cũng đến đây để tôi luyện một món "đồ" (Bảo bối có ẩn chứa phép thuật) hoặc nâng cấp một tuyệt kỹ phép thuật nào đó.
Thông thường, những người dự hội mời một vị cao tăng Campuchia (nước chủ nhà) đứng ra chủ trì "trường thi". Trước khi vào hội, các pháp sư tự chọn và đánh dấu một cái hang rồi mời vị cao tăng chủ trì đi từng hàng làm phép trấn ếm. Sau khi trấn ếm xong các hang, vị cao tăng này phối hợp cùng các sư phụ cộng lực, đồng loạt bày trận địa phù phép, "giăng lưới" khắp bầu trời để truy tìm những ác quỷ, yêu tinh ẩn nấp, "trói" lại nhốt chung vào một cái chum sành có nắp. Vị chủ trì sẽ đem cái chum đó về chùa của mình làm "chiến lợi phẩm". Đám ác quỷ, yêu tinh sẽ được vị cao tăng đó trì chú đến khi thuần phục mới được thả ra làm ôsin "phần âm" cho chùa.
Khi đã trấn ếm an toàn, các sư phụ lùa đệ tử vào từng hang bắt đầu tu luyện. Mỗi đệ tử chỉ được phép mang theo 1 lít nước và một số củ ngải làm thực phẩm. Trong thời gian 45 ngày, nếu bước ra khỏi động, xem như bỏ cuộc thi và bị đánh rớt. Người nào vượt qua được, xem như "tốt nghiệp". Người nào hóa điên được cao tăng chủ trì rước về chùa nuôi suốt đời để trục vong. Họ cho rằng, người yếu tay ấn sẽ bị ác quỷ, yêu tinh nhập vào người khiến điên loạn. Người nào chết luôn trong động, xem như đã đạt cực đỉnh thông tuệ. Cả hội xúm lại trì chú tôn người chết làm thánh, thần.
Trong 5 lần tham dự "đại hội", Vang từng chứng kiến 2 trường hợp "hóa thánh" và 3 trường hợp hóa điên. Trong đó có 1 người Thái Lan chết và 2 người Kh'mer hóa điên. Số còn lại thuộc về người Việt Nam.
Kết thúc hội vặt sa, người nào "tốt nghiệp" sẽ được cao tăng chủ trì trao một "ấn vật" và một giấy chứng nhận có con dấu của Tổng hội Phật giáo Vương quốc Campuchia. Với giấy chứng nhận đó, pháp sư sẽ trở thành thượng khách của bất kỳ ngôi chùa nào trên đất Thái Lan, Myanmar, Campuchia,… trừ Việt Nam và Lào.
Chiều cùng ngày, Vang đưa tôi đi thăm một quần thể 36 mộ người Việt đã "hóa thánh" tại đỉnh núi linh thiêng này.
36 ngôi mộ bí ẩn
36 ngôi mộ nằm thành 3 cụm riêng biệt nhưng gần nhau. Cụm trong cùng nằm lưng chừng thung lũng có 4 ngôi mộ nằm thành 2 lớp. Lớp trong, sát vách đá có 1 ngôi mộ, phía ngoài là 3 ngôi mộ. Cách đó không xa là một cửa động, trên vách đá có chạm một hàng chữ Hán "Động Kim Quang". 
Ông Vang cho biết, những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở An Giang đều khẳng định đó là mộ Vua… Hàm Nghi và 3 tướng cận vệ. Họ truyền miệng nhau rằng, khi Pháp xâm lược Việt Nam, Vua Hàm Nghi thật không bị Pháp bắt đày đi Algerie. Người bị bắt là một Hàm Nghi giả. Vua Hàm Nghi thật đã lẩn trốn về vùng Thất Sơn (An Giang) gặp Cử Đa. Ông Cử Đa đã đưa Vua Hàm Nghi sang Tà Lơn ẩn trú và chết tại đây. Tại ngôi chùa Phi Lai - Là nơi khai mở đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - các tín đồ dành hẳn một bàn thờ trang trọng có đặt di ảnh Vua Hàm Nghi. Họ không căn cứ vào bất kỳ tài liệu lịch sử nào mà chỉ dựa vào lời tiên tri qua thơ của Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi, Cử Đa và những… giấc mơ.
Ông Vang khẳng định: "Điều đó trái với lịch sử nên tôi không tin. Tôi nghĩ rằng, đó là ngôi mộ của những thành viên hội kín Phan Xích Long". Những điều ông Vang khẳng định có vẻ khả tín hơn.
Căn cứ vào sử liệu, năm 1912, Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) tự xưng là Đông cung Thái tử, con trai Vua Hàm Nghi. Ông tự tôn mình làm "hoàng đế", khởi nghiệp kháng Pháp bằng cách lập hội kín. Trước đó, Phan Xích Long đã từng sang Tà Lơn luyện bùa phép. Những pháp sư Kh'mer gọi động Kim Quang là "khăm Lơn", gọi núi Bokor là "Tà Lơn", tức ông Tà Thần tên Lơn. Có thể họ đã gọi tên ngọn núi theo tên "Long" thành "Lơn".
Phan Xích Long đã dùng tín ngưỡng và bùa chú để thu hút thành viên hội kín (Theo tập 2, sách “Đại cương Lịch sử Việt Nam”). Một trong những phó tướng của Phan Xích Long có người tên Nguyễn Hữu Trí (quê Cần Giuộc, Long An bây giờ) đã lấy Tà Lơn làm đại bản doanh chỉ huy hội viên gài bom, tấn công chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của Pháp tại Sài Gòn, Chợ Lớn vào đêm 23, rạng sáng 24/3/1913. Pháp phát hiện và truy lùng. Kế hoạch tấn công bị bại lộ, Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí cùng các hội viên đào tẩu. 
Nguyễn Hữu Trí chạy thoát. Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết và bị bắt ở đó. Pháp đem Phan Xích Long về giam ở Khám lớn Sài Gòn cùng với 57 hội viên.
Năm 1916, nhân Pháp bại trận trong Thế chiến I, khoảng 300 hội viên của các hội kín ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Cần Đước... cùng bí mật phá tù cứu Phan Xích Long. Nguyễn Hữu Trí chọn núi Cấm làm bản doanh bàn kế hoạch giải cứu "hoàng đế". Đêm 14 rạng ngày 15/2/1916, với khẩu hiệu "Cứu Đại ca" (tức Phan Xích Long), Nguyễn Hữu Trí chỉ huy hàng trăm hội viên ẩn mình trong những chiếc tàu buôn đậu trên sông cầu Ông Lãnh đồng loạt tấn công dinh Thống đốc và Khám Lớn. Họ đeo bùa chú, tay cầm binh khí thô sơ chia làm ba nhóm xông lên. Cuộc giải cứu thất bại, Nguyễn Hữu Trí tử trận. Một số hội viên kịp cướp xác Nguyễn Hữu Trí đào thoát.
Ngày 22/2/1916, thủ lĩnh Phan Xích Long cùng một số nghĩa sĩ bị Pháp tử hình tại Đồng Tập Trận. Sau đó, các đệ tử của ông bí mật đào mộ cướp xác đưa đi mất.
Họ đã đem thi thể Phan Xích Long và Nguyễn Hữu Trí sang núi Tà Lơn an táng tại động Kim Quang. Tướng cướp Đơn Hùng Tín một thời ngang dọc khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời kháng Pháp là một trong những đệ tử thân tín của Phan Xích Long.
Chúng tôi tiếp tục khám phá những ngôi mộ còn lại. Hai cụm mộ còn lại gồm 32 cái nằm rải rác bên ngoài. Những ngôi mộ này là của những người thế hệ sau Phan Xích Long đến đây tu luyện rồi "hóa thánh".
Tất cả các ngôi mộ đều phủ những phiến đá đánh dấu. Có một ngôi mộ chất đá rất sơ sài không bia mộ. Ông Vang cho biết, vào khoảng năm 1970, những người luyện phép đến đây đã phát hiện một bộ xương khô vẫn còn ngồi trong tư thế thiền. Họ để nguyên tư thế của người chết rồi phủ đá lên.
 Trong số 36 ngôi mộ chỉ có một vài ngôi được dựng bia khắc chữ. Có lẽ đó là mộ của những người giữ miếu, giữ am nên người ta biết rõ danh tính. Một ngôi mộ có đề bia: "Năm 1942 phựng ưu bà di Nguyễn Thị Quan, pháp danh Như Cẩm Nhứt, Vị giác linh. Hạn: Nhâm Ngọ Niên, cửu nguyệt, nhị thập nhất". Số còn lại, chết trong các hang đá, không danh tính nên những người đến sau chôn cất phủ đá đánh dấu.
Ở một số hang đá dưới sâu tận cùng đáy vực vẫn còn chứa một số xương cốt người tu luyện chết rũ không được chôn cất, không được nhang khói. Để leo đến đó phải mất hơn 20 giờ đồng hồ. Thời gian không cho phép tôi tiếp tục thám hiểm.
Điều ông Vang băn khoăn là, khu du lịch Bokor đang tiếp tục thi công mở rộng nhiều hạng mục. Một số di tích người Việt xưa rơi vào khu quy hoạch, đã bị Kh'mer hóa. Những quần thể mộ người Việt, những quần thể "khăm" có thể bị khu du lịch san phẳng, trong đó có những ngôi mộ của nghĩa quân Phan Xích Long. Nếu các nhà khoa học lịch sử không kịp thời nghiên cứu, những di tích đó sẽ biến mất vĩnh viễn, một góc nhỏ lịch sử dân tộc Việt sẽ mai một
NÔNG HUYỀN SƠN

No comments:

Post a Comment