Trang

Tuesday, July 16, 2013

CRAIG FEHRMAN: CHỈNH SỬA LẠI SÁNG TÁC – MỆNH LỆNH TRƯỚC NHẤT CỦA VĂN CHƯƠNG

Thật khó để khiến một căn phòng đông đúc các nhà văn đồng thuận về bất cứ điều gì – loại rượu ngon nhất, vở kịch hay nhất của Shakespeare, thời gian tốt nhất trong ngày để làm việc. Có lẽ, tín niệm duy nhất mà các nhà văn bây giờ chia sẻ là: để có được những trang viết chất lượng, bạn cần phải chỉnh sửa.
Nguyên tắc này xuất hiện ở mọi nơi – trong các lớp học, trong những phòng biên tập tin tức, trong sách hướng dẫn viết lách, và đặc biệt, trong những bài phỏng vấn các tác giả. “Tôi đã viết đến 20 hoặc 30 bản thảo của cùng một truyện”, Raymond Carver có lần đã nói với tờ The Paris Review, “Chưa khi nào ít hơn 10 hay 12 bản thảo.” Joyce Carol Oates, nhà văn viết rất khỏe, khiến các tác giả khác phải lắc đầu, cũng từng nói: “Tôi chỉnh sửa mọi lúc, mọi ngày.”. Ngay cả Jim Gaffigan – cây bút hài kịch, tác giả của cuốn sách mới: Bố thì mập, gần đây đã cố thuyết phục các thính giả của đài NPR: “hãy cứ quay lại và viết lại mọi thứ để khiến nó sáng rõ”.
Dễ dàng giả định rằng, những tác giả vĩ đại nhất trong lịch sử chính là những nhà biên tập vĩ đại nhất. Nhưng điều ấy không phải bao giờ cũng vậy. Cách đây khoảng một thế kỷ, theo nhiều nhà viết tiểu sử và phê bình, văn học phát triển với những bản thảo viết tay, hầu như chỉ trải qua sự chỉnh sửa ở quy mô nhỏ.
Rồi mọi thứ thay đổi. Trong một cuốn sách mới: Công việc chỉnh sửa, Hannah Sullivan, giáo sư ngôn ngữ Anh ở Đại học Oxford, cho rằng: việc chỉnh sửa theo như ta hiểu – ở đó, các tác giả, trước khi công bố thứ gì, sẽ có vài tuần lược đi rồi lại thêm vào – là một sáng tạo của thế kỷ 20. Chỉ đến các nhà văn hiện đại có nhiều ảnh hưởng như Ezra Pound, T.S. Eliot, and Virginia Woolf, hoạt động này mới trở nên thật sự cần thiết để tạo nên những tác phẩm hay. Sullivan viết: Các tác giả ấy là những người đầu tiên “chỉnh sửa một cách công khai, nhiệt tình, và ở nhiều chỗ trong suốt quá trình tồn tại các văn bản của họ”.
Điều gì đã khiến những nhà văn này đặt niềm tin vào việc chỉnh sửa như một bí quyết để có được những tác phẩm văn học hay. Một phần, là do lý thuyết của Chủ nghĩa hiện đại – cho rằng: một tiểu thuyết hay bài thơ cần phải thách thức độc giả, đoạn tuyệt với truyền thống, và, theo từ ngữ của Pound, “làm mới nó”. Nhưng Sullivan, người thuộc trào lưu các nhà nghiên cứu mới, nỗ lực tìm hiểu văn học thông qua những thực tại lịch sử và vật chất của quá trình sáng tạo ra nó, nhận thấy rằng: ý nghĩa việc chỉnh sửa của chúng ta cũng được dẫn dắt bởi những thứ khác : đó là chiếc máy đánh chữ.
Có thể là kỳ quặc khi nghĩ rằng, chúng ta có được thứ văn phong cao cấp của Chủ nghĩa hiện đại (với ý niệm: ngay cái nhan đề cuốn sách Bố thì mập bắt buộc phải điều chỉnh lại) từ một cái máy đánh chữ. Tuy nhiên, cuốn Công việc chỉnh sửa đã gợi ra: thứ ta viết thường chuyển thành cách ta viết. Việc chỉnh sửa cẩn thận không hề có tính máy móc, ngay cả máy móc hữu ích. Và theo cách đó, khi công nghệ chuyển đổi lần nữa, thì phong cách văn chương ấy có thể sẽ biến đổi sang hình thức khác.
***
Điều đầu tiên khiến Sullivan suy nghĩ về vấn đề chỉnh sửa là việc bắt gặp một bản thảo của Ernest Hemingway, mà trước đó, bà chưa từng thấy. Khi là nghiên cứu sinh năm thứ nhất ở trường Havard, Sullivan đã ghé Thư viện Tổng thống John F. Kennedy và tiếp xúc kho lưu trữ về Hemingway ở đấy. Bà kinh ngạc trước những tư liệu của nhà văn nổi tiếng – những bức thư của ông, những album ảnh gia đình ông, thậm chí, cả những tấm vải đấu bò. Nhưng một thứ có ý nghĩa đặc biệt đối với bà: bản đánh máy tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc của nhà văn. Nó cho thấy Hemingway đã thay đổi đáng kể tác phẩm của mình từ bản đầu tiên đến bản sau này. Những độc thoại biến mất, tất cả các chi tiết không còn, và ở phần kết, ông đạt tới một hình thức tiểu thuyết súc tích, khó hiểu, đã trở thành một phần của điển phạm văn học Mỹ. “Phong cách Hemingway mà ta đã quen thuộc, không có ở bản thảo đầu tiên,” Sullivan nói, “Nó là một sản phẩm của sự chỉnh sửa”.
Phương pháp của Hemingway gợi cho Sullivan nhớ đến phương thức mà T.S. Eliot gọt giũa tác phẩm Đất hoang hết trang này sang trang khác trên bản viết tay, cho đến cuối cùng, rút xuống còn 434 dòng thơ. Bà nhận thấy, những tác giả như thế có chung một bổn phận sâu sắc đối với hiệu năng của sự điều chỉnh, và bổn phận này, tự nó, đáng được nghiên cứu. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu văn học tìm hiểu phương thức các tác giả biên tập tác phẩm của chính họ, họ hiếm khi so sánh các nhà văn với nhau qua các khám phá của mình, hoặc so sánh thời kỳ này với thời kỳ kế tiếp. Bằng việc tiến hành những so sánh như thế, Sullivan nhận thấy: Các nhà văn hiện đại là những người đầu tiên thực hiện những dạng thức chỉnh sửa như hiện thời. Bà cũng biết được việc chỉnh sửa đóng góp như thế nào vào kỹ thuật viết đặc biệt của họ. “Chúng ta thường cho rằng: phong cách bắt nguồn từ hư vô.” Bà nói. “Tuy nhiên, phong cách được hình thành thông qua sự chỉnh sửa, và sự chỉnh sửa này không phải là điều mà các nhà văn tiến hành một cách tự nhiên”.
Dĩ nhiên, sự điều chỉnh không phải bắt đầu từ những nhà văn hiện đại, nhưng các vết dấu trên trang giấy cho thấy: các tác giả đó, từ quá khứ xa hơn, đã làm việc này rất khác so với cách chúng ta tiến hành ngày nay. Chẳng hạn, vào năm 1637, John Milton – nhà thơ có lẽ là tinh tế nhất trong lịch sử ngôn ngữ văn học Anh, đã lấy một vài tờ giấy và viết bản thảo đầu tiên của khúc bi ca nổi tiếng, Lycidas. Nhờ có những bản viết tay hiếm hoi còn lại ở Cambridge, những chuyên gia về Milton biết được rằng tác giả đã chỉnh sửa lại, gạch xóa những dòng thơ và các cụm từ, rồi viết những dòng và cụm từ thay thế ở mép lề hay ở cuối trang giấy. Một bông hoa “mà nỗi muộn  phiền làm héo úa” trở thành một bông hoa “khoác nỗi muộn phiền”. Nhưng ở phần lớn tác phẩm, Milton đã lược đi nhiều chỗ, thay vì chỉnh lại thật nhiều tác phẩm của mình.
Phương pháp như vậy cũng áp dụng với các nhà văn vĩ đại của chúng ta. Ben Jonson, nhà soạn kịch thời Phục hưng, đã từng một lần nhận xét về Shakespeare là: “bất cứ thứ gì ông viết, ông chẳng bao giờ xóa đi dòng nào”. Jonson có phần chế giễu sự sùng bái Shakespeare, và dĩ nhiên, điều Johnson nói có thể đúng, với một cái tủ cũ ở đâu đó chứa những bản thảo đã hoàn thiện của các vở kịch Shakespeare. Tuy nhiên, điều ấy có lẽ không thể xảy ra. Trong thời đại của Shakespeare và Milton, giấy là một thứ xa xỉ phẩm; gạch xóa đi vài dòng là một chuyện, nhưng chép lại bản thảo từ các bản nháp sẽ là chuyện hoàn toàn khác. Các nhà văn cũng chẳng chỉnh sửa trong suốt quá trình xuất bản. Việc in ấn diễn ra chậm chạp, lộn xộn, và hiếm khi một nhà văn được nhìn thấy bản in thử tác phẩm của mình – đó là, một bản in mẫu văn bản tác phẩm, sắp đặt giống một cuốn sách – và nhà văn phải đích thân tìm đến nơi xuất bản, chẳng hạn như ở London.
Tất cả các yếu tố đó cho thấy: việc chỉnh sửa không phải là điều diễn ra trên trang giấy. Chắc chắn, suốt thế kỷ 19, các nhà văn lãng mạn đã biến việc cưỡng lại sự chỉnh sửa trở thành một phẩm tính. Họ tin rằng, thứ văn chương tuyệt vời bắt nguồn từ những hoạt động sáng tạo đầy bản năng và tự phát. “Tôi giống như con hổ (theo nghĩa thơ ca),” Byron viết trong một bức thư. “Nếu tôi nhớ mùa xuân đầu tiên – Tôi gầm gừ trở lại khu rừng của mình. Chẳng có lần thứ hai. Tôi chẳng thể thay đổi được nữa.”.
Nhưng rồi mọi thứ sớm thay đổi, với những nhà văn như Hemingway và Eliot, họ luôn yêu cầu không phải là cơ hội lần hai, mà là lần thứ ba, thứ tư, thứ năm. Sullivan biện luận rằng, sự thay đổi này, phần nào được quy định bởi những lý thuyết mới về một tác phẩm hay. Các nhà văn hiện đại muốn kiến tạo nền văn học cách tân – văn học giảm thiểu tính tự phát và đam mê so với tính bất ngờ và mơ hồ. Trong một cuộc phỏng vấn cho tờ Paris Review, Hemingway mô tả rất hay “nguyên lý tảng băng trôi” của ông: “Có bảy phần tám của nó chìm dưới nước cho một phần nổi lên. Bất cứ thứ gì bạn biết, bạn có thể xóa đi và điều đó sẽ làm kiên cố thêm tảng băng của bạn”
Sullivan đề xuất một lý do nữa của sự thay đổi này, đó là sự chuyển đổi trong công nghệ ấn loát. Vào năm 1850, Vương quốc Anh sản xuất mỗi năm được 100.000 tấn giấy, đến năm 1903, con số này đã tăng lên 800.000. Các thợ in bắt đầu xếp chữ bằng máy, vốn nhanh gấp năm lần so với việc xếp chữ bằng tay, và cho phép những bản in thử dễ dàng được chia sẻ và hiệu chỉnh. Trước đó rất lâu, các tác giả công bố tác phẩm của họ qua một quá trình phức tạp và lâu dài: mới đầu là bản viết tay, sau đó là bản đánh máy, rồi có lẽ là loạt bài đăng tạp chí, cuối cùng là các bản in thử tác phẩm. “ Điều không thuận lợi cho sự chỉnh sửa với bản thảo viết tay là những thay đổi về cấu trúc ở phạm vi lớn” Sullivan nói, “Một số nhà văn rút gọn tác phẩm của họ đi rất nhiều, một số lại mở rộng thêm nữa”.
Trong tất cả những điều này, công nghệ quan trọng nhất có lẽ là chiếc máy đánh chữ. Ngày nay, ta đánh đồng bàn phím với tốc độ, cách nhanh nhất để gõ chữ, nhưng như Sullivan lưu ý rằng, không phải lúc nào cũng như thế. Thực ra, những bản thảo đánh máy có khả năng làm chậm lại. Hầu hết những nhà văn hiện đại, như Hemingway với tác phẩm Mặt trời vẫn mọc, vẫn viết bằng tay rồi cẩn thận đánh máy lại bản thảo. Việc này tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng việc nhìn thấy tác phẩm của họ trong những hình thức khác biệt như vậy – viết trong một quyển sổ tay, đánh máy trên giấy, in thành bản mẫu – thúc giục họ chỉnh sửa nó một cách hăng hái. W.H. Auden viết, “Dù ghét máy đánh chữ đến đâu, tôi cũng phải thừa nhận rằng nó giúp ích cho việc tự phê bình. Bản thảo đánh máy có tính phi cá nhân và thật khó chịu để nhìn vào nó, nếu tôi đánh máy một bài thơ, thì bỗng dưng tôi thấy những khuyết điểm mà tôi đã bỏ sót khi tôi xem nó qua bản viết tay,”
Những thay đổi này kết hợp lại để hình thành một cách tiếp cận thú vị và mới mẻ đối với việc hiệu chỉnh văn chương. Hãy xem xét về Ezra Pound và bài thơ nổi tiếng của ông, Trong ga tàu điện ngầm. Một ngày vào năm 1912, ông rời khỏi tàu điện ở Paris, và như ông đã viết trong một tiểu luận sau này, “bỗng dưng thấy một khuôn mặt đẹp, và rồi những khuôn mặt đẹp khác.”. Pound ngay lập tức viết, giống như một nhà thơ lãng mạn thường làm, một bài thơ nắm bắt được “cảm xúc bất chợt” ấy. Tuy nhiên, khi Pound hoàn thành bài thơ 30 dòng, ông cảm thấy không hài lòng. Sáu tháng sau, ông lại cố gắng, sáng tác bài thơ ngắn đi một nữa so với bài thơ trước, song cũng không thích nó. Cuối cùng, hơn sáu tháng nữa, ông hoàn thành bản cuối cùng, một bài thơ hai câu: “Sự xuất hiện những khuôn mặt ấy trong đám đông;/Những cánh hoa, trên nhành cây đen, ẩm ướt.” Nó thật giàu gợi mở, súc tích và trữ tình.
Dần dần, văn phong cao cấp và tham vọng của Chủ nghĩa hiện đại được nâng lên như một quan niệm văn chương mới mẻ. James Joyce không thể ngừng mở rộng thêm cuốn tiểu thuyết Ulysses, và sau chót, ông còn gọi điện đến chủ nhà in để chỉnh sửa lần cuối. Khi chỉnh sửa phần viết nổi tiếng “Thời gian trôi” trong tác phẩm Tới ngọn hải đăng, Virginia Woolf đã sáng tạo sự đa bội điểm nhìn để thách thức độc giả. Mỗi nhà văn hiện đại sáng tạo theo những phương cách khác nhau, nhưng họ thống nhất ở niềm tin: một bản chỉnh sửa cẩn thận và toàn diện, về cơ bản, sẽ tạo nên tác phẩm văn chương hay nhất.
***
Niềm tin ấy, ngày nay, vẫn còn tồn tại nơi chúng ta. Có một vài phản ứng theo kiểu lãng mạn, chống lại sự chỉnh sửa – chẳng hạn, từ nhóm Beat – những người thường sáng tác với tốc độ nhanh sửng sốt, và cho rằng, theo cách nói của Jack Kerouac, các nhà văn nên “không bao giờ nghĩ lại để “cải thiện” hay chuyển hoán những cảm giác.” Song, với đại bộ phận tác phẩm văn hóa văn học, việc chỉnh sửa đã trở nên quan trọng, cũng như cảm hứng.
Tuy nhiên, trong khoảng 30 năm qua, khoa học kỹ thuật đã lại thay đổi, và quan niệm của chúng ta về sự viết và chỉnh sửa cũng đang thay đổi theo. Ngày nay, phần đông chúng ta sáng tác trực tiếp trên máy vi tính. Thay vì tạo ra những trang viết tay, hết trang này đến trang kia, mà sau đó, ta có thể đọc và sắp xếp lại, giờ đây, ta tạo nên một tài liệu sinh động, có thể mở rộng thêm, không hề được in ra cho đến khi trở thành một sản phẩm được ấn hành sau cuối. Trong khi điều này giúp việc tự biên tập trở nên dễ dàng hơn, Sullivan cho là: thật nghịch lý, nó có thể đưa đến hàng loạt chỉnh sửa, thứ làm cho việc nghiền ngẫm lại tác phẩm một cách nghiêm túc thành ra khó khăn hơn. “Môi trường lý tưởng cho sự chỉnh sửa là nơi bạn có thể lưu lại một số phiên bản khác nhau của cùng một văn bản, Sullivan nói. Với chỉ một bản thảo đang thực hiện trên máy tính, chúng ta đánh mất những dấu vết từng khiến các nhà văn hiện đại quay về và chỉnh sửa tác phẩm của mình. Sullivan nói, “Chính thời khắc đánh máy thứ gì đó đưa đến sự bất ngờ thật sự và những thay đổi đầy sáng tạo,” “Nhà văn quay trở lại văn bản của họ, tuy nhiên nó có vẻ thật lạ lẫm.”
Như vậy, tại sao chúng ta tiếp tục bênh vực cho việc chỉnh sửa? Sullivan cho rằng, phần nào là do những tính chất và quan niệm văn chương mà ta được thừa hưởng từ các nhà văn hiện đại. Bà cũng lưu ý đến sự chuyên nghiệp hóa của việc viết lách - điều đã thúc đẩy những nhà văn như Carver và Oates đến giảng dạy tại các trường đại học. “Các nhà văn cần được xem như các giáo sư và trao đổi về quá trình lao động cần mẫn của họ,” Sullivan nói. “Chúng tôi không thể dạy bạn sáng tác như thế nào, nhưng chúng tôi có thể dạy bạn làm sao để chỉnh sửa. Và đó là một nhiệm vụ quan trọng.”
Mặc dầu vậy, khi ta mất đi những sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, vốn trước hết, giúp ta hình thành nên hình thức thức chỉnh sửa của mình, có khả năng, bổn phận của ta với điều ấy sẽ mờ mạt dần. Giờ đây, ta chỉnh sửa trong một thời gian hạn định, làm những điều giống như Milton thêm thắt ở lề trang giấy hơn là như Hemingway đánh máy lại tác phẩm của ông. Có lẽ, điều này đã cổ vũ những hình thức cởi mở và giàu có tính đối thoại hơn của việc sáng tác văn học.
Dù lịch sử của việc chỉnh sửa đã cho ta thấy rõ, tuy nhiên, có nhiều phương cách để tạo nên một tác phẩm văn học xuất sắc, và Sullivan, về phần bà, có lẽ không quá lo lắng trước những gì sẽ đến. Sullivan nói: “Chúng ta rất hy vọng về những thành tựu của việc chỉnh sửa,”, “việc làm thế nào nó chuyển một bản thảo xoàng xĩnh ban đầu thành một kiệt tác.” Bà nói thêm: Tuy vậy, sự chỉnh sửa luôn đi kèm với một cái giá nào đó. “Nó cũng tiềm ẩn sự phá hoại”, bà cho biết, “và tôi nghĩ, chúng ta đã đánh mất tầm nhìn về một điều có vẻ hiển nhiên với những thế hệ trước – sự chỉnh sửa có thể đi quá xa, biến thứ gì đó trở nên tồi tệ, thay vì giúp nó hay hơn.”
Lê Minh Kha
dịch từ Revising your writing again? Blame the Modernists; Craig Fehrman, The Boston Globe, June 29, 2013.
Nguồn: PHONG ĐIỆP/Văn nghệ Trẻ

No comments:

Post a Comment