Trang

Thursday, July 18, 2013

NGUYỄN VIỆT CHIẾN – NHÀ THƠ CỦA “TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN”

- Gặp Nguyễn Du trên sông đêm, là bài thơ trong tập Trăng và thơ đọc chậm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012. Ở bài thơ này tôi đặc biệt chú ý đến lời vấn an của Đại thi hào dành cho người thơ Nguyễn Việt Chiến: “Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình…”. Qua lời vấn an có phần khẳng định này, phải chăng anh đã và đang có những bài thơ, tứ thơ hay nhất cuộc đời mình?
Nguyễn Việt Chiến
+ Tôi nghĩ là như vậy, và có thể nói thơ của tôi trong Những đêm mưa lớn của đời người và trong thời gian hoạn nạn ấy, đã có một cái nhìn sâu rộng hơn vào chính bản thể đời sống của con người với những nỗi khổ đau, bất hạnh thật sự và hy vọng thầm lặng thắp lên từ những tháng ngày ấy đã mang lại cho nhiều bài thơ của tôi một dư chấn khác, một tâm thế khác, một đời sống khác, một ám ảnh thơ ca khác, một cứu rỗi khác…đã làm thay đổi nhịp điệu tâm hồn tôi và phần nào đó làm thay đổi ngôn ngữ thơ tôi. Giấc mơ gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm là một giấc mơ có thật trong chuỗi ngày hoạn nạn gặp “tai nạn nghề nghiệp báo chí” của tôi.
Cũng từ giấc mơ kỳ lạ đêm mưa lớn ấy, tôi viết được bài thơ lục bát Gặp Nguyễn Du trên sông đêm với những câu thơ không thể viết được lần thứ hai trong đời. Sau này khi đọc bài thơ của tôi in trên báo, một nhà thơ nói vui: “Mình cũng muốn vào trong ấy ít ngày để thử viết một bài thơ như vậy xem có được không?”. Tôi cười bảo: “Ấy là ông nói vui như vậy, chứ vào thì cũng khó lắm mà ra thì còn khó hơn nhiều!?”. Đúng ra, lời khuyên của cụ Nguyễn Du đối với tôi trong giấc mơ đêm ấy như một sự động viên, vỗ về, an ủi đối với một người thơ đang gặp hoạn nạn, tôi nghĩ như vậy và có vẻ nó cũng giống như một lời tự vấn về nghề văn, bởi tôi cho rằng nỗi đau lớn thường sinh ra những bài thơ lớn. 
- Vâng, chính từ hiện thực đời sống đã tạo nên ở anh nhiều bài thơ thân phận rất đậm chất Nguyễn Việt Chiến. Nhưng đọc những bài thơ anh viết trong giai đoạn này tôi nhận thấy rằng: dù thân phận ấy có phải trải qua những cơn mưa lớn trong đời người thì những hình ảnh của trăng,của hoa sen, Đức Phật hay tình người… vẫn tỏ rạng. Dường như anh đang muốn hướng thơ mình tới những vùng sáng của cuộc đời. Điều tôi nhận thấy là như thế, còn với anh thì sao?
+ Đúng vậy! Thơ của tôi qua mấy chục năm cầm bút đều nhất quán như  vậy, luôn hướng về đời- sống- thiên- nhiên và những vùng sáng của cuộc đời. Ngay cả trong thời gian hoạn nạn, tôi vẫn cố giữ được cho thơ mình cái nhìn hồn nhiên - tự tại vốn là bản ngã sống của phong cách thơ tôi. Tôi có cảm tưởng trong những ngày đau khổ ấy, tôi luôn được che chở bởi người mẹ thân yêu của mình qua hình ảnh một ngôi chùa trong đêm: “Mẹ ơi! đám mây lành kia là con trai của mẹ/ dẫu ánh ngày đã tắt/ mẹ vẫn nhận ra con dưới mái nhà này/ mẹ vẫn nhận ra con/ mùi mồ hôi bé bỏng quen thuộc/ khi con chạy về từ một tuổi thơ xanh xao còm cõi vì chiến tranh/ cho đến ngày đám mây lành kia/ dừng lại/ trước một ngôi chùa/ Một ngôi chùa/ lặng lẽ nở trong đêm/ như một đoá sương trong vắt /khi những bông sen/ như búp tay nhân từ của Đức Phật/ đang lẳng lặng vén bóng đêm u ám/ trên gương mặt nhẫn nhục của con người/ trong một tiếng chuông sâu”.
Và cho đến giờ, tôi vẫn mang trong đời sống tinh thần mình hình bóng một ngôi chùa trong đêm như thế. Ở một bài thơ khác viết về “Trăng nơi đáy sâu” tôi đã viết như sau: “Ta đã chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn/ không ai đến được với ta/ nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia/ ta vẫn nhận thấy hơi ấm của em/ vị mằn mặn của ánh trăng/ thứ ánh sáng không bị huỷ hoại bởi bùn tối của những đáy sâu/ và có lẽ ta đã được cứu thoát bởi chất muối ấy…”. Đây là một bài thơ tình tôi viết ở giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời cầm bút của mình.
Em trong bài thơ này được ví với ánh trăng, với cái đẹp và dĩ nhiên được ví với thơ. Nhưng có lẽ chỉ có nhà thơ nào buộc phải sống “ở nơi tận cùng của đáy sâu kia” mới có thể cảm nhận được vị mằn mặn của ánh trăng, thứ ánh sáng không bị hủy hoại bởi bùn tối của những đáy sâu. Và như tôi đã tâm sự trong bài thơ này, khi ở nơi tận cùng đáy sâu kia, tôi đã được cứu thoát bởi chất muối ấy.
- Gần đây, có tờ báo đã gọi anh là: Nhà thơ của “Tổ quốc nhìn từ biển”. Được biết, anh cũng vừa hoàn thành một trường ca hàng trăm trang có cái tên này, và trường ca này còn tham gia chương trình đầu tư sáng tác của Bộ Quốc phòng. Anh có thể nói đôi chút về tác phẩm này? Có phải nền tảng của nó chính là bài thơ cùng tên?
+ Sau thành công của bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” tôi bắt tay ngay vào việc sáng tác một trường ca về biển đảo với cái nhìn ở các chiều kích sâu rộng, bao quát hơn về đời sống của con người và biển cả. Qua trường ca này, tôi cũng mong muốn góp phần dựng lại cái không khí tráng ca của một thời trận mạc mà dân tộc Việt Nam đã trải qua qua 2 cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Cũng ở trường ca này, tôi muốn dựng lại một phần không khí sử thi và tinh thần quật khởi của cha ông trong suốt hai ngàn năm giữ nước. Sau khi viết xong, tôi quyết định đặt tên cho tập trường ca này là “Tổ quốc nhìn từ biển” (không phải vì nền tảng của trường ca là bài thơ đã in) mà bởi tên gọi ấy gợi lên tâm thế của những người Việt Nam yêu nước hôm nay đang đối mặt với muôn vàn gian lao, khó khăn để trụ vững nơi “Đầu sóng ngọn gió” bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng này. Tập trường ca sắp in của tôi viết về đê tài biển đảo Tổ quốc, chiến tranh cách mạng và người lính với hơn 1000 câu thơ gồm 10 chương: Tổ quốc ở Trường Sa, Đất mẹ, Ký ức biển, Tổ quốc nhìn từ biển, Cỏ và thuốc súng, Thưa mẹ! con sẽ về, Từ sông Hồng, Đến Thăng Long, Mẹ -Tổ quốc, Ta là con của Việt Nam. Đây là tập trường ca mang tính sử thi đậm chất tráng ca với các thể loại thơ từ tự do đến tám chữ, từ lục bát đến năm chữ… với nhiều thể nghiệm thơ mà tôi rất tâm đắc.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến Sinh năm 1952 tại Thạch Thất, Hà Nội.
Tác phẩm đã xuất bản: Mưa lúc không giờ (1992); Ngọn sóng thời gian (1998); Cỏ trên đất (2000); Những con ngựa đêm (2003); Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân (2007); Trăng và thơ đọc chậm (2012). Giải thưởng: Giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1989-1990; Giải nhì cuộc thi “Thơ hay về biển” năm 1992; Giải nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000; Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004; Tặng thưởng thơ Hội Nhà văn VN năm 2004; Giải ba cuộc thi thơ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010; Giải nhì cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam” năm 2012.
- Nhân nói đến thể nghiệm thơ, Nguyễn Việt Chiến vẫn được xem là nhà thơ có thiên hướng tìm tòi cách tân đổi mới nhưng trong một vài sáng tác vốn không có nhiều dấu hiệu của sự cách tân đổi mới như bài Tổ quốc nhìn từ biển thì lại được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận. Anh nghĩ sao về điều đó?
+ Đấy là một thực tế, bởi những tìm tòi cách tân, đổi mới trong thi ca từ xưa đến nay không phải bao giờ cũng được dư luận chấp nhận ngay mà phải có một thời gian để người đọc làm quen dần với một cách đọc thơ mới, làm quen dần với một lối tư duy thẩm mỹ mới. Thật ra, với bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tôi, nhịp điệu thơ tám chữ không có gì mới, nhưng cái mới làm xúc động đông đảo bạn đọc chính là cách nhìn mới thông qua những hình tượng sâu sắc hơn, và những suy tưởng khái quát hơn về lịch sử và nỗi đau biển đảo đang thao thức, trằn trọc trong tâm hồn những người Việt Nam yêu nước hôm nay. Đây là bài thơ mang một tinh thần mới, một tâm thế mới…nên đã nhận được sự cộng hưởng tri âm của hàng triệu người đọc trong và ngoài nước.
- Vậy anh quan niệm đổi mới đối với thơ là gì? Và mục đích của đổi mới rốt cuộc là vì nhu cầu của người sáng tạo hay vì nhu cầu của bạn đọc?
+ Theo tôi, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt và khu biệt nhất, để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương- mặt- thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc hoạ trong một trường-thẩm-mỹ nào. Và mục đích của đổi mới thi ca cũng phải nhằm tới sự hòa quyện nhu cầu của người sáng tạo với nhu cầu của  số đông người đọc. 
Trăng và thơ đọc chậm
- Anh từng nói rằng ở Trăng và thơ đọc chậm có rất nhiều bài viết theo kiểu thơ - đọc - chậm. Vậy nhà thơ có thể giải thích cho bạn đọc rõ hơn về kiểu thơ  - đọc - chậm mà anh đã sử dụng?
+  Tên đề tập thơ của tôi là Trăng và thơ đọc chậm với ý tưởng: Trăng là cái đẹp, thi ca nhiều khi cũng mang vẻ đẹp của trăng và cách sống chậm, đọc chậm, cảm nhận chậm… khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của trăng và thi ca có lẽ sẽ giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều thú vị hơn nhất là trong đời sống đô thị công nghiệp ngột ngạt, xô bồ hôm nay. Trong những bài thơ lục bát của tập Trăng và thơ đọc chậm tôi thường dùng dấu chấm để tạo nhịp điệu cho mỗi câu thơ. Những năm qua, người đọc đã quen với lối thơ lục bát mới, thường bẻ câu, xuống dòng để tạo nhịp điệu ví như đoạn thơ sau: 
Đêm
Mưa
Gặp Nguyễn
Trên sông
Đầu đội nón lá
Chân không mang giày
Ông ra câu cá
Sông này
Một chiếc cần trúc
Phất đầy mưa đêm
Với kiểu thơ lục bát bẻ câu, xuống dòng như trên, nó cũng đã tạo ra một hiệu ứng “làm mới không gian thơ lục bát”. Tương tự như thế, nhưng tôi không bẻ câu, không xuống dòng, tôi vẫn giữ nguyên khổ thơ truyền thống “trên sáu chữ, dưới tám chữ” và dùng dấu chấm để ngắt và biến đổi nhịp thơ theo kiểu:
Đêm. Mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông
Đầu đội nón lá. Chân không mang giày
Ông ra câu cá. Sông này
Một chiếc cần trúc. Phất đầy mưa đêm.
Với những câu thơ lục bát dạng này, người đọc thường phải “đọc chậm” lại vì mỗi một đơn vị chữ khi đứng độc lập lại thường có sự “ngân vang” và liên tưởng riêng của nó. Và tôi coi đấy như một thủ pháp mới của mình để “làm mới” thơ lục bát. Vì thực ra, với thể thơ cổ điển này, sự mòn mỏi quen thuộc về mặt nhịp điệu thi pháp trong cả trăm năm qua cũng đã đến lúc cần phải có những chuyển đổi mới về mặt cấu trúc nhịp điệu câu thơ để có thể tạo ra một âm hưởng làm tươi mới thơ lục bát mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp quyến rũ truyền thống của nó.
Không chỉ ở những bài thơ lục bát, trong nhiều bài thơ khác của tập Trăng và thơ đọc chậm, tôi đã dùng thủ pháp “làm chậm” lại nhịp điệu thơ ở các bài viết theo thể thơ tự do không vần điệu, người đọc bình thường khó phát hiện được điều này, bởi tôi chỉ làm một thao tác giản đơn là ngắt câu và ngắt nhịp khi diễn đạt những suy tưởng thơ. Và theo tôi, đây chính là một phần nghệ thuật của sự tinh tế trong thi ca hiện đại mà không ít nhà thơ chuyên nghiệp đã từng áp dụng        
ĐOÀN VĂN MẬT
Văn nghệ quân đội

Không chỉ đọc nhanh, chỉ đọc lướt qua, chẳng hạn các đầu đề và một số câu gần như tình cờ, thì tôi đã có trong đầu cái điều mà tôi định nói về thơ Nguyễn Việt Chiến, không phải về tất cả, vì nó rất phong phú, mà chỉ về cái phần mà tôi quan tâm nhất, ấy là:
Nguyễn Việt Chiến là một người sống và làm nghề có ý thức. Những vấn đề cấp thiết của đời sống - mà một số trong đó mang tính vĩnh cửu - được anh quan tâm nồng nhiệt, luôn giành cho chúng vị trí hàng đầu trong thơ mình. 
Đó là những suy nghĩ và cảm xúc mang tính công dân, mang phẩm chất của con người xã hội. Ở đây, Nguyễn Việt Chiến vừa tiếp tục làm công việc của các thi sĩ thuộc thế hệ chiến tranh trước đây, vừa đề cập kịp thời đến những vấn đề nóng bỏng của đất nước và dân tộc hôm nay. Và bằng chất giọng sử thi vốn có, chỉ với một bản tráng ca Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến đã cắm lên một ngọn cờ trang trọng, trong rừng cờ của thơ ca đang tung bay trên ngọn sóng Biển Đông, vào thời khắc mà cả Trời, Đất, Biển Cả của Tổ Quốc đang cần đến tiếng lòng của tất cả chúng ta hơn bao giờ hết.
Đó còn là ám ảnh về cái cách con người đi qua cõi đời này:
Tiếng mưa đêm lăn vào giấc ngủ
có một người bị ướt
                                      thức trong ta
không có lẽ nước mắt nhiều đến thế
Có phải chính số phận con người làm cho các nhà thơ luôn mất ngủ, xưa đã thế và nay vẫn thế, dù là Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… hay ai ai đi nữa.
Có phải vì thế mà cuộc đời cần đến thi ca, và thi sĩ của “trăng và thơ…” đã phải hơn một lần băn khoăn nghĩ về Nguồn gốc của Thi ca:
bởi con lạc – đà – thi – ca
đã từng cõng
                         một cơn khát trên lưng
đi qua bóng đêm
của một cơn khát lớn hơn
để vượt qua hoang mạc
Cứu được một cơn khát, nhưng liệu có cứu được thơ ca, khi Thơ đang bị lãng quên?... Phải làm gì đây, để thơ ca vừa cứu được đời vừa luôn luôn là chính nó?...
Tôi thật có trong lòng bao điều muốn nói, với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, với mọi người và với chính mình…. Nhưng dĩ nhiên không thể và không phải ở đây, vào lúc này.
Nhà thơ Anh Ngọc

No comments:

Post a Comment