Trang

Monday, August 5, 2013

LÊ QUANG ĐÔNG: XAO XÁC NHỮNG HOÀNG HÔN TRUYỀN THUYẾT

Lê Quang Đông  Sinh năm 1965 tại Cai Lậy-Tiền Giang
Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Hiện đang công tác ngành bảo hiểm y tế TP Hồ Chí Minh
Anh đã đoạt được nhiều giải thưởng về thơ:
Giải nhất thơ: Tình Bạn, Tình Yêu Và Mùa Xuân do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1992
Giải thưởng thơ Quận 3 TP Hồ Chí Minh 1992
Nhà thơ Lê Quang Đông được chọn lọc tuyển thơ vào nhiều Thi tuyển . Nhiều bài thơ xuất sắc hiện diện trên nhiều Weblogs và các tạp chí văn học nghệ thuật trong vào ngoài nước với nhiều bình luận nhận đinh Lê Quang Đông đang vững chải bước vào giai đoạn hoạch định một hướng mới rực rỡ trong dòng thi ca của Anh….
Tác phẩm đã xuất bản:
·                  Con chim lạc sóng (thi phẩm, NXB Văn Nghệ, 1998)
·                  Tử tuyệt trung du (thi phẩm, NXB Văn Nghệ, 2007)
·                  
_______________________
.
Khẳng định bản thân tri thức và thẩm thấu lòng hoài niệm với hồn thiêng, phải chăng là hình ảnh bạch diện sĩ phu? Trải qua nhiều giai đọan làm thơ, đoạt nhiều giài thưởng danh vọng, nhưng trong lúc nầy, thơ Lê Quang Đông xoay ngược những âm vọng của dòng thơ một thuở. Những kỷ niệm phôi thai bước vội trên tuổi trẻ, thi ca đột nhiên hiện đến như những tinh hoa phải có của người nặng nghiệp văn chương. Trong quá trình gần 30 năm rong ruỗi trên thi phú, những hình ảnh đời thường thời thượng vẫn còn vương vấn nhẹ nhàng trên nếp áo. Chính vậy, thơ Lê Quang Đông không tách biệt được những tư tưởng xu hướng như những nhà thơ đồng tuổi. Thơ Ông loanh quanh trong những suy tư của trôi nổi thế sự, vằng vặc bên những cảm nhận đơn biệt, trong những giây phút mà thời gian trao cho Ông sự hạnh ngộ bắt gặp và làm thơ. Thơ bùng vỡ trong những thi hứng của một bạch sĩ đang cô đơn bước vội trên đường đời. Bởi sự độc hành đó, còn chưa tiếp giáp hạnh ngộ với vầng trăng văn khúc xa vời trên đỉnh đầu. Những vụn rời từ bất chợt thơ rơi cũng chỉ đưa người hàn sĩ dậm bước đầu tiên trên sân vườn sáng hóa của nghệ thuật. Tử Tuyệt Trung Du là một minh chứng sức sáng tạo phong phú của những người nghệ sĩ, đang vượt thoát khỏi khuôn sáo tuổi quê, mà như con chim hồng hộc cố vượt trời xanh phóng mình vào vũ trụ bao la. Sức lực của loài chim quý không thể hiện chân phương cho dòng thơ nối tiếp, nối tiếp bước đường khuynh khoái trước mặt, hay lại bị rào đón trong một dòng tư thức chìm nghẹn trong nỗi nước non xưa?

Lê Quang Đông thừa hành một kiến tri thức độc đáo của một sĩ phu, đầy đủ bản năng sinh tồn trong thơ cả trong đời sống. Mà những biến dịch chung quanh cuộc đời bên Ông, bên Người, bên quê hương, phải chăng đã bất chợt động lòng khí phách mấy ngàn năm văn sử trải qua. Bất chợt, tha nhân đang thẩn thờ trước lẽ sống bất chợt ngoảnh lại, trước những ngôn ngữ bạch sĩ mà thơ Lê Quang Đông bỗng nhiên hoác ngộ một cách sáng tạo, khiến thơ Ông mở hoác một hướng trời mới đậm đặc tinh huyết thi ca.
khi mực xanh chảy vào sử sách
người về ngược trăm năm
bia đá bi hùng
những hình cờ long ly qui phụng
phất vào nguyên khí núi sông
(Nam Quốc Sơn Hà Đối Mặt Trời Xanh)

Nhiều bài hành, bài phú tự cổ chí kim vang vọng những tâm hướng bức phá của thi nhân, trên những phát biểu tâm can với hiện thực. Chứa đựng những thao thức, bức nén dồn ép quanh cân não người thừa sử bạch diện thời xưa. Sự bày tỏ như những thống thiết trước những huyển hóa hắc bạch, trong suốt hóa trình gần năm ngàn năm lập nước theo mệnh trời, mà bài hịch Nam Quốc Sơn Hà cùa Lý Thường Kiệt là bản tuyên ngôn cổ sử khai nguyên.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tịch nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (*)

Ngoài bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì thần khí tổ tiên ngàn đời bất di bất dịch, kẻ sĩ phu cũng âm ấp trong hồn những chánh khí tổ tiên.
Tôi yêu tiếng nước tôi
từ khi mới ra đời
Phạm Duy ngồi hát trong mê vọng
Khóc cười theo vận nước nổi trôi

Truyện Kiều còn tiếng Việt còn
Tiếng Việt còn nước Việt ta còn
Phạm Quỳnh ứa mắt thương sông núi
Máu nhuộm hoàng sa đỏ sắt son
( Ru Non Nước )

Một thời máu nhuộm trong kinh sử /Xác núi hồn sông u uẩn đau, nhưng tại sao những bi thống của nhà thơ lại trang trải thẩn thờ trong nỗi ước vọng đơn thuần: Ai gom nước mắt cha ông/ Mượn bình bát Phật mà đong nỗi buồn / Để gió nam non rờn ải bắc/Nghìn tay nghìn mắt rợn quê hương.
Quả thật, nhà thơ đã gom tụ được những phù sa sông Hồng, sông Cửu Long mà trải dài trên vuông đất tri thức của người làm thơ. Cái diệu vợi trong thi tập mới nhất của Lê Quang Đông gói ghém những hóa thân tuyệt vời của hàn sĩ bạch y, mà khí tiết trung trinh là điều hệ trọng bậc nhất của sĩ phu. Người ta bước đi gập ghềnh trên những đoạn đường chông gai, điều tâm huyết chỉ mong hướng tới phút hoằng dương chánh pháp. Đạo làm người trong một vũ trụ hỗn man, mà lòng người trăm người trăm hướng, lạc lõng như đứng trước mê cung…
Lê Quang Đông trầm tích trong tư tưởng vừa chếch bóng trong những buổi chiều tự kỷ, ngồi ôm những nỗi bâng khuâng và hỏi đáp chính mình.
Dù sao, những sáng tác mới trực diện du hành trong hồn sử, Lê Quang Đông vương vấn trong tâm bởi nhân bản thiêng liêng của một loài người đang sừng sững có mặt, đứng vươn mình
trước mênh mông ân điển quê hương.
bất khuất trong tim Việt sử bi hùng
nghe linh khí Cửu Long cuộn sóng
có dáng Trường Sơn trùng trùng khí trận
Nam quốc sơn hà đối mặt trời xanh
(Nam Quốc Sơn Hà Đối Mặt Trời Xanh )

Thật sự, nhà thơ Lê Quang Đông đã đem trọn vẹn trái tim hồng, bày lên đĩa ngọc tràn đầy khí thiêng. Thêm cho sử thi chút tinh anh của những hồn thơ đậm đặc nỗi niềm hoài vọng…

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Mùa phong vũ, 2013

( * ) Chú thích: Hịch Nam Quốc Sơn Hà

 Bản Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt !
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Lý Thường Kiệt


Vua Nam cai trị nước Nam ta
Ranh giới sách trời đã vạch ra
Quân giặc, cớ sao sang cướp phá ?
Bọn ngươi chuốc lấy nhục thua mà !...
Thích Đức Nhuận (dịch)

 Sông núi nước Nam Vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
(Bài dịch trong sách giáo khoa)

THƠ LÊ QUANG ĐÔNG

Nam Quốc Sơn Hà Đối Mặt Trời Xanh

Khi mực xanh chảy vào sử sách
Người về ngược trăm năm
Bia đá bi hùng
Những hình cờ long ly qui phụng
Phất vào nguyên khí núi sông…

Phất vào tiếng ru đất mẹ
Những triều vua đổ máu lắm nhân tài
Những triều vua truy sát người ở lại
Ngậm ngùi vạ gió tai bay…

Ngậm ngùi đế vương vô đạo
Những trầm luân khanh tướng gian thần
Những hèn nhân lạy thờ phương bắc
Phải trả bằng máu nhuộm phương nam!...

Ôi những hình cờ ám ảnh nghìn năm
Sử xanh đau đớn lắm
Trời biển cha ông máu xương thăm thẳm
Tội đồ nào mãi quốc cầu vinh

Kìa những anh hùng lẫm liệt uy linh
Khí phách vang danh sông núi
Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc
Sử xanh hương khói vi thần

Bất khuất trong tim Việt sử bi hùng
Nghe linh khí Cửu Long cuộn sóng
Có dáng Trường Sơn trùng trùng khí trận
Nam quốc sơn hà đối mặt trời xanh

Gửi lại nghìn sau đất nước thanh bình
Trong kinh sử đồng bào không là giặc
Hỡi những hiền tài năm xưa còn mất
Hãy tìm về đất mẹ hồi sinh
Hãy tìm về thắm lại sử xanh.

No comments:

Post a Comment