Tiếp sau Xuân Thu nhã tập (1942), nhóm Dạ Đài (gồm Trần Dần, Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương…) là bước tìm tòi đổi mới cuối cùng của phong trào Thơ Mới. “Với tinh thần tiên phong và ước vọng cao đẹp về sự đổi mới của thi ca Việt, Dạ Đài đã đưa ra những quan niệm thơ mới lạ và giàu ý nghĩa. Nhưng do nhiều lý do, hoàn cảnh nên lâu nay hiện tượng văn chương này chưa được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học. Nó không được xếp vị trí chính thức trong tiến trình văn học Việt Nam thế kỷ XX.” (Hồ Thế Hà)(1)
Khởi điểm của Dạ Đài là Bản tuyên ngôn tượng
trưng năm 1946 với những quan niệm thơ mới mẻ, độc đáo được tiếp biến từ
lý luận văn học phương Tây. Đây cũng là đóng góp lớn nhất của nhóm vì sau khi
ra được số đầu tiên ngày 16/11/1946, số 2 chưa kịp ra mắt thì kháng chiến toàn
quốc bùng nổ. Cùng với Bản tuyên ngôn tượng trưng, Dạ Đài in
sáu bài thơ của Trần Dần, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn
Tậu (một bút danh của chính Trần Mai Châu). Tập thơ Một mùa địa ngục (Une
saison en enfer) của Rimbaud gợi cảm hứng cho cái tên Dạ Đài. Và cái
tên như vận vào số kiếp, Dạ Đài là “ngọn nến bùng lên cuối một thời
thơ nhiều hứng khởi và bứt phá. Ngọn nến đó sớm tắt vì hoàn cảnh không cho phép
“dung hợp được thực và hư bằng hình tượng” (Huỳnh Như Phương)(2).
Trần Dần |
Có thể thấy, từ năm 1936 trở đi, phong trào Thơ Mới đã
hình thành những đứt gãy của thơ lãng mạn do sự ảnh hưởng, tiếp thu chủ nghĩa
tượng trưng của phương Tây. Trường thơ Loạn ở Bình Định xuất hiện đã đưa Thơ Mới
sang một giai đoạn mới (đầu thập niên 1940, thơ của các thi sĩ lãng mạn đăng trên
các cơ quan ngôn luận của Tự Lực văn đoàn như báo Phong hóa, Ngày
nay kém dần sức hấp dẫn đối với độc giả trẻ). Bản tuyên ngôn tượng
trưng của Dạ Đài tiếp nối hướng đi của Trường thơ Loạn và Xuân
Thu nhã tập, đã phê phán lối thơ mòn sáo, “dễ dãi” (từ của Baudelaire) của
thơ ca thuộc khuynh hướng lãng mạn duy lý (kiểu giãi bày tâm trạng, thể hiện tình
cảm, cảm xúc trực tiếp với một thế giới quá thực): “Chúng tôi không còn
khóc, không còn muốn khóc – vì người ta đã khóc mãi ái tình, công danh và thế
sự. Chúng tôi không còn nhìn mây, không còn muốn nhìn mây – vì người ta đã nhìn
mãi mây chiều cùng nắng sớm”.
Dạ Đài luôn
đặt mình trong sự đối sánh với thơ lãng mạn để xác định xu hướng cách tân: “Bởi
vậy chúng ta chẳng còn là cái chúng ta quá vãng đơn sơ thuần phác nữa: chúng ta
đã góp gom hình ảnh tinh cầu và lòng chúng ta đã đầy lên châu ngọc.
Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi có
nói cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân, của những thời nhân đã có ngày
cô độc”.
Những thi sĩ Dạ Đài ảnh hưởng sâu sắc các nhà
thơ tượng trưng Pháp nhất là Rimbaud và Verlaine. Như đã nói ở trên, xu
hướng thơ tượng trưng trong Thơ Mới đã có từ trước, nhất là với Trường thơ Loạn
(gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê…), Xuân Thu nhã tập (gồm Nguyễn
Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh…), nay lại tiếp tục mở một lối thơ theo
hướng tượng trưng cho nhóm Dạ Đài: “Thế cho nên, chúng tôi – thi
sĩ tượng trưng – chúng tôi cố gắng đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ
ở trong lòng nhân loại. Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở về, chúng tôi cố
trở lại cái chúng tôi với tấm lòng khi trời đất khai lập”.
Một lần nữa, họ tuyên ngôn: “Thế cho nên chúng tôi –
thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ
ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân
mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa”.
Có đến bốn lần cái mệnh đề “chúng tôi – thi sĩ tượng
trưng” được lặp đi lặp lại để khẳng định, nhấn mạnh xu hướng cách tân thơ
Việt theo trường phái tượng trưng. Tuy vậy, cũng như Xuân Thu nhã tập trước
đó, Dạ Đài vừa vươn tới tư duy thơ tượng trưng Âu Tây lại vừa trở về
với cội nguồn, về với sự “uẩn súc, huyền ảo” (từ của nhóm Xuân Thu)
của thơ Á Đông. Thi sĩ Dạ Đài cũng muốn nối nay và xưa, muốn thâu tóm
tất cả tinh hoa thơ ca cổ kim, Đông Tây về một mối, rồi nhào nặn lại thành
những giá trị ưu tú nhất: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu linh hồn của những ca dao,
tục ngữ. Chúng tôi sẽ tượng trưng hóa cái sức rung động của trẻ em trước một
chuyện cổ tích hoang đường và cái sức rung động của gã nông phu trước những bản
đồng dao thuần phác”, “Chúng tôi sẽ nối lại: nghiệp dĩ của một Baudelaire
– tâm sự của một Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của một Rimbaud – nỗi cô đơn
của những nhà thơ lãng mạn”.
Tuyên ngôn tượng trưng Dạ Đài đã đưa ra những quan niệm về những yếu
tố của thơ ca như thế giới nghệ thuật của thơ, nhà thơ, người tiếp nhận thơ khá
độc đáo theo huynh hướng tượng trưng. Thơ, theo họ, không thể “nông hẹp”,
“nông cạn”, “đơn nghèo”, “nhạt nhẽo”… như trước: “Hãy
để cho tiền nhân những cảm giác đơn nghèo. Để cho bọn đồ nho cái công việc ẩn
giấu nỗi lòng nhạt nhẽo của họ trong nỗi lòng chung thiên hạ hay trong gió
nước, cỏ cây. Để cho bọn đàn bà con trẻ cái công việc than khóc thảm thương
trên một kỳ hoa tạ, trên một giấc mộng dở dang. Để cho những thế hệ đã nằm yên
cái tôi nông cạn ấy”. Muốn vậy, thơ không nên và không thể “đắp
lên trên cái trật tự đơn thuần, cái lý trí”, thơ phải là “tất cả một
vũ trụ muôn chiều”, phải “góp gom hình ảnh tinh cầu”, từ đường
lên “quỹ đạo của trăng sao” tới “đường về trên cõi chết”; từ
“quay về thế tục” đến “lấn sang cả bến bờ u huyền”; là “cõi
mộng và cõi đời đã thâm nhập và đã thấm trộn cùng nhau trong một cuộc giao hòa
bí mật”. Thơ phải “đi giữa bến bờ U Huyền và Hiện Thực”, trong
thơ sẽ “hiện lên những đường lối u minh”, thơ “sẽ kể lại những
cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật”.
Thơ là cả một thế giới thực và ảo không chỉ không gian mà
còn cả thời gian: “Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở về, chúng tôi cố trở
lại cái chúng tôi với tấm lòng khi trời đất khai lập”. Và đây nữa, “thơ
phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ,
phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy”.
Thế giới thơ Dạ Đài vì thế mà rất “lạ”
– lạ từ cái đã có trong thực tại đến cái ẩn sâu và ẩn sau muôn nghìn thực tại –
là “muôn trùng biển lạ”: “Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng
bóng người qua lại. Chúng tôi lạ từng sắc nắng bình minh đến màu chiều vàng
vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cả. Và chúng tôi đã thấy những cái người ta chẳng
thấy. Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng
những năng khiếu nông gần”.
Dạ Đài quan niệm
làm thơ là “bản năng”, kết quả của lối viết “thả lỏng đam mê và
khoái lạc”: “Người ta tìm mãi Đạo Lý ở đường lên: ghìm giữ bản năng
kham khổ ở nhục hình. Chúng ta sẽ tìm Đạo Lý ở con đường xuống: thả lỏng thiên
năng đam mê và khoái lạc. Những triết nhân đã chẳng kêu gọi sự quay trở lại đó
ư? Và những phong trào xã hội? Chúng ta chẳng nhận thấy rằng người ta đương sức
trả lại con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc,
sông núi hoang sơ? Chúng ta hãy trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ
những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cảnh sống âm thầm. Hãy đánh thức hư
không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ”.
Khi thơ là tiếng nói tự động tâm linh, là “bài ca
huyền mặc” thì nhà thơ tượng trưng không chỉ cảm thâu thế giới bên ngoài
mà còn phải có cái nhìn “thấu thị” (từ của Rimbaud) thế giới bên trong, không chỉ
nắm bắt cái “hiện thực” mà còn cảm thấy cái “u huyền”, bí ẩn,
vô hình của cả thế giới hữu thức lẫn thế giới vô thức, một thế giới cao siêu và
vĩnh cửu. Lúc đó, nhà thơ dường như không phải là người làm thơ nữa mà là “sống
thơ” (từ của Hàn Mặc Tử) hay nói như Chế Lan Viên là “bị thơ làm”. Bởi vì, theo
họ, “thi cảm phải gây trong thực tại” nhưng “phải gây nên cả hai
không khí hoang đường và hiện thực. Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã
có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng những cái gì có thể có và cả những
cái gì không có nữa”, “phải xáo trộn cả thực hư”.
Thơ, đối với Dạ Đài, tác động đến người đọc như
một đấng toàn năng sáng tạo ra cả muôn nghìn thế giới khác, làm rung chuyển
muôn nghìn thế giới khác: “Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng –
chúng tôi sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng
trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ
phải vô cùng linh động”.
Quan niệm nghệ sĩ phải là người tinh nhạy cả thế giới
thực và ảo bằng cả hồn và xác, cảm hứng nghệ sĩ phải từ cái đã có, cái chưa có
và cả cái không có, Dạ Đài cho rằng thiên chức của nhà thơ là tạo nên
những “cuộc giao hòa bí mật” giữa cõi thực và hư, cao hơn phải làm cho
“trần gian phải hư lên vì sự thực”: “Chúng ta cũng không thể tách
lập được hẳn thực hư, và chia đôi địa trấn bằng một bờ sao rõ rệt. Cõi mộng và
cõi đời đã thâm nhập vào nhiều nơi, và ở nhiều nơi đã thấm trộn cùng nhau trong
một cuộc giao hòa bí mật. Có ở cõi đất chúng ta không: những đường lối cố đô,
những vì sao huyền ảo! Nhiệm vụ thi ca là phải khai thông con đường giao cảm
ấy. Một đầu phố cô đơn, một con đường thăm thẳm: tất cả những phong cảnh trần
gian sẽ phải hư lên vì sự thực”.
Từ quan niệm thơ có tính huyền ảo, bí ẩn, các thi sĩ
tượng trưng Dạ Đài xem nội dung của thơ không cần gò bó đề tài, chủ
đề: “Đến cái hình thức cao nhất, thơ không còn lý luận, và cũng không còn
phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt. Chỉ cần có những phút mà Im Lặng rung
lên. Vì trong im lặng có tất cả: những thành quách đang xây, những tinh cầu
đang đổ vỡ. Thơ chỉ cần bắt được cái âm điệu khởi hành của một bài ca nào huyền
mặc”.
Khi nội dung thơ đã không theo “chuẩn” thì hình thức thơ
cũng “lệch chuẩn”: “Chúng tôi đã không cần tới thi đề, vì thi đề của chúng
tôi là tất cả một vũ trụ muôn chiều, và thi liệu của chúng tôi là tất cả mớ
ngôn từ rộng rãi”. Cái “mớ ngôn từ rộng rãi” mà Dạ
Đài nói ở đây đó chính là thi pháp thơ tượng trưng: ngôn từ của biểu tượng
và của nhạc tính.
Dạ Đài cũng như Xuân
Thu nhã tập vốn rất tâm huyết thơ tượng trưng, trường phái thơ biểu tượng
(symbolisme) giàu sức ẩn chứa và sức gợi ấn tượng. Để tôn trọng điều bí ẩn
trong thơ, các nhà thơ tượng trưng tránh sự miêu tả trong thơ mà dùng những
biểu tượng để nói về “một sự thống nhất sâu xa và khó hiểu” (Baudelaire) giữa
vũ trụ và con người. Vai trò chủ đạo trong nhận thức và sáng tác nghệ thuật của
chủ nghĩa tượng trưng là trực giác, vô thức được đồng nhất với sự bừng ngộ thần
bí, với trạng thái kích động, thăng hoa.
Dạ Đài vạch ra
hướng đi cho thơ là dùng những biểu tượng biến ảo được xây dựng bằng trực giác:
“Chúng ta chỉ có một con đường đi để thoát khỏi mê đồ. Chúng ta chỉ có thể dung
hợp được thực và hư bằng hình tượng (…) Mỗi một thế giới sẽ nằm trong một tầng
lớp của tượng hình: tất cả trần gian sẽ đổi thay trên bề mặt, những cảnh giới
hoang vu sẽ nằm giấu bên trong. Thực tại và u huyền đã gặp nhau và chỉ gặp nhau
ở thể hình duy nhất đó. Chúng ta đã cứu vãn được: cõi đất chúng ta, cứu vãn
được: những cõi đất ngoài kia, và cứu vãn được bằng sức gợi cảm âm thầm hình
tượng”, hoặc: “Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi
sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của
những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới
âu sầu đây nữa”.
Các nhà thơ tượng trưng chủ nghĩa cho rằng giữa vũ trụ và
con người có những mối liên hệ siêu việt. Để nắm bắt và thể hiện những “tương
giao bí ẩn” đó, Baudelaire, nhà tiền bối của trường phái tượng trưng, nhấn mạnh
sự tương ứng giữa màu sắc, âm thanh và hương thơm:
Les parfums, les couleurs et les son se répondent
(Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng)
(Tương ứng, Correspondences)
Mallarmé thì nhấn mạnh ý nghĩa thần bí của từ ngữ trong
thơ. Rimbaud nêu ý nghĩa của mỗi nguyên âm và phụ âm có tính chất bí ẩn: “Tôi
đã sáng chế ra màu sắc các nguyên âm: A đen, E trắng, I đỏ, O tím, U xanh. Tôi đã
điều chỉnh hình thức và sự vận động của mỗi phụ âm, và với những tiết điệu có
tính chất bản năng, tôi tự hào đã sáng chế ra một ngôn ngữ thơ có thể phù hợp
cho tất cả các giác quan”. Còn Verlaine yêu cầu thơ “trước hết phải có nhạc
tính”.
Dạ Đài cũng rất
đề cao tính nhạc huyền diệu của thơ. Theo họ, âm nhạc của một bài thơ phần lớn
là do ở sức rung động tâm lý bài thơ ấy chứ không chỉ là do sự kết hợp của “những
cú điệu số học, những luật lệ bằng trắc”. Và nói đến âm nhạc trong thơ là
phải nói đến “sức khêu gợi của chữ”: “Và những hình tượng còn tạo
tác được những âm thanh huyền diệu nữa. Âm nhạc trong thơ không phải chỉ kết
hợp hoàn toàn bởi những cú điệu số học, những luật lệ bằng trắc. Biết bao nhiêu
câu thơ niêm luật rất tề chỉnh mà vẫn tắt ngấm ở mang tai sau khi chữ cuối cùng
vừa đọc hết. Chỉ một sự nhận thức đó cũng đủ chứng tỏ rằng âm nhạc của một bài
thơ là do ở sức rung động Tâm Lý của bài thơ ấy. Nói đến âm nhạc trong thơ là
phải nói đến sức khêu gợi của chữ. Vì những hình tượng mang nặng những ý tình nên
âm nhạc gây nên cũng mang đầy âm sắc. Câu thơ đọc xong sẽ còn đi mãi trong từng
ngõ vắng linh hồn và sẽ tắt nghỉ ở tận đáy sâu Tiềm Thức”.
Muốn như vậy, ngôn ngữ thơ phải “tân kỳ”, là thứ
ngôn ngữ từ trong cuộc đời nhưng là ngôn ngữ chưa từng có trong cuộc đời: “Phải
lập lại ngôn ngữ trần gian, phải gột bỏ cho mỗi chữ cái tâm tình dung tục cũ.
Một câu thơ sẽ có một ý nghĩa – cái ý nghĩa rất thường – nhưng sẽ mang nặng
biết bao nhiêu ý nghĩa âm u và khác lạ”.
Xuân Thu nhã tập đã từng đề cập đến quan
niệm về mối quan hệ tác giả - độc giả: “Thi sĩ làm xong bài thơ, có thể
nói: bản đẹp chưa thành. Vì nó còn chờ tác giả thứ hai: người đọc” (Thơ).
Quan niệm về tiếp nhận của Dạ Đài cũng đề cao vai trò và trực giác của
bạn đọc. Họ đã ảnh hưởng sâu sắc quan niệm của Mallarmé: “không nắm bắt và
trình bày ra hết, mà chỉ gợi bằng những hình ảnh có tính chất ám thị… gọi tên
đối tượng có nghĩa là phá hủy sự hưởng thụ bài thơ… khêu gợi, đó là mơ ước và
mục đích”:
“Cảm thâu những bài thơ siêu thực, chúng ta không
được dùng lý trí, không được dùng cảm tình, nghĩa là không được chỉ dùng một
quan năng tách bạch của chúng ta – dù là quan năng nào đi nữa. Hãy đem tất cả
linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách của tâm tư mà lý hội. Trận gió sẽ lên: tức khắc
và đột nhiên, vì thơ đã không cần lý luận.
Thói xấu của phần đông những người đọc thơ là tìm nghĩa
trước khi tìm cảm giác. Họ đã tự tay đóng cửa lâu đài; đêm có xuống họ chạnh
than và kêu gọi.
Và kẻ tiếp nhận thơ sực tỉnh, có nhớ lại cũng chỉ còn nhớ
là mình đã tỉnh một cơn mê. Vì hai bến bờ im lặng đã giao nhau và quãng thời gian
xao động không còn di rớt lại một khe hở tâm tư, những giây phút đã vỡ ra không
còn một minh xác”.
Quan niệm thơ ca của Dạ Đài in đậm dấu ấn của trường phái thơ tượng
trưng của phương Tây thế kỷ XIX, là những quan niệm khá trừu tượng đối với thơ
Việt Nam bấy giờ. Nó có nhiều điểm tương đồng với tuyên ngôn Xuân Thu nhã
tập “mặc dù không hệ thống và sâu sắc bằng quan niệm của nhóm Xuân Thu”
(Lê Lưu Oanh)(3). Đóng góp của Dạ Đài chủ yếu là lý thuyết,
sáng tác của họ mới ở mức dạo đầu. Tiếp cận một vài bài thơ đầu tay của Trần
Dần như Hồn xanh dị kỳ (1944), Chiều mưa – trước cửa (1944),
nhất là bài thơ Về nẻo Thanh Tuyền đăng trên Dạ Đài năm 1946[**],
chúng ta thấy trân trọng những nỗ lực của nhà thơ trẻ tuổi nhất nhóm nhưng là
người đã chấp bút cho Bản tuyên ngôn tượng trưng Dạ Đài ra đời.
Người anh em sữa của Trần Dần là nhà báo, nhà thơ Vũ
Hoàng Địch (hai người ở cùng một khu phố, cùng bú một bầu sữa mẹ nên Trần Dần
gọi Vũ Hoàng Địch là “người anh em sữa”) kể lại: “Trần Dần lúc ấy là người chấp
bút tuyên ngôn Dạ Đài, trẻ tuổi nhất nhưng là người đứng ra kêu gọi
anh em cùng chí hướng. Lúc đó chúng tôi quan niệm làm Thơ là phải mang một
nghĩa khác cho câu chữ, mỗi từ phải mang lại một nghĩa chưa từng có – nghĩa ấy
phải khác nghĩa trong tự điển. Làm thơ là Tác Nghĩa, đem lại một cách viết
khác. Câu phải là câu của anh, không ai viết được, không ai tạo ra được nghĩa
ấy với cùng từ dùng của anh! Đó là quan điểm về thơ tượng trưng của Dạ Đài,
nó không công nhận thuyết phản ánh của chủ nghĩa hiện thực thịnh hành lúc đó”(4).
Trần Dần không buộc người đọc phải hiểu nghĩa của thơ,
nói đúng hơn, ông cố tình đưa người đọc vào một thế giới chưa từng nhận thức,
chưa từng chiêm cảm. Trong Bản tuyên ngôn tượng trưng, nhóm thơ Trần
Dần quan niệm: “Đã có: Vạn Lý Trường Thành, A Phòng Cung, Kim Tự Tháp. Có
thể và không có: thuyền bến Thanh Tuyền, đèn nơi Thiên Cảnh. Hãy nằm dưới một
trời sao mà trông về thế tục. Hãy ca lên trong kẽ núi và hát giữa bình sa”.
Ở bài thơ Về nẻo Thanh Tuyền (chú thích [**]),
Trần Dần thác lời một hồn ma đã từng uy quyền trên thế gian, nay mất nước, mất
hình hài, nằm dưới thủy cung nhưng muốn nổi loạn, muốn làm loạn xứ ma, muốn chuyển
gió vần mây, hét vỡ hành tinh, muốn đảo lộn tất cả tinh cầu trên cao, dập tắt
ánh tà dương, làm lu mờ trăng sao…Hồn muốn thoát tử trấn về đòi lại cố đô nhưng
lại muốn thoát kiếp luân hồi và cũng không muốn lưu chốn Cửu trùng. Muốn thoát
hẳn mê đồ, mơ vọng một bến Thanh Tuyền với người con gái rơi châu trên khoang
thuyền đắm là giấc mơ miên viễn trong một thế giới mênh mang huyễn ảo và huyền
diệu. Đó là thế giới thực - huyễn, bí ẩn tâm thức - huyền hoặc tâm linh trong
quan niệm nhà thơ tượng trưng Dạ Đài.
Trước đó một hai năm, nhà thơ trẻ Trần Dần mang vào
thơ ảnh hưởng từ thần tượng - nhà thơ tượng trưng Pháp Rimbaud. Trần Dần ngưỡng
mộ Rimbaud cả đời sống phiêu bạt, tinh thần tự do vượt ngoài mọi khuôn khổ, tính
triệt để cách tân và cả những dự định, ước mơ “quá cỡ” về thơ. Hồn xanh dị kỳ
là một nỗi buồn đi hoang, nỗi buồn cô lẻ trong sự trở về một không gian đô thị
lạnh lẽo, nỗi cô đơn trong giấc mơ - cô đơn với chính mình:
Ta từ biển vắng về đây mộng
Gặp lúc Thăng Long lụi ánh đèn
Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh
Đời đương yên giấc – biết ai tìm?
Ôi kẻ xa chơi lẻ trúc đình
Quê nhà ai khóc? Lệ ai xanh?
Hồn em mây chở về đâu nhỉ?
Có gặp Buồn trong cuộc lữ trình
Kìa núi Cô Sơn hờn tuế nguyệt!
Kìa vầng trăng héo nẻo ra đi!
Nửa đêm trở giấc trong phòng lạnh…
Chợt thấy hồn xanh đến dị kỳ!
Bài thơ Chiều mưa – trước cửa là cả một bè sầu.
Khi đối diện với trời đất, với vũ trụ (chiều mưa, nắng lỡ thì vàng
vọt, vì sao, triền nước), con người thấy nhỏ nhoi, lạc
loài, mênh mang một nỗi buồn nhân thế. Cái tôi trở về bấu víu cuộc đời thì phố
thị là cả một màn đen, bấu víu hiện tại thì quê nhà lặng lờ, cái tôi ngây
dại mất hết phương hướng, vương vương nỗi buồn thời thế. Không còn bâng
quơ đi tìm tình yêu, đời là cả một lữ trình buồn; phòng lạnh, hồn ta lạnh,
cái tôi tê tái với chính mình càng ngẩn ngơ một nỗi buồn thân thế:
Chiều mưa - trước cửa
I.
Anh đã đợi những chiều mưa – trước cửa
Nắng – lỡ thì vàng vọt tựa tình yêu…
Ngày gặp mơ trong đôi mắt lệ kiều
Anh khóc trước… thương lòng anh dại.
Chiều hạnh ngộ… anh là chàng Do Thái
Vẫn lang thang trong những phố không đèn
Anh đi theo hồn vì sao hiền!
Để cầu nguyện cho bài ca – đầy đủ.
Nhưng em ạ tình đến ngày lỡ dở
Từ hôm nay trong cặp mắt em xanh
Từ hôm nay trong cặp mắt xuân tình
Chàng Do Thái hết bâng quơ tìm mộng…
II.
Gã thường sống trong hồn ngôi nhà cổ
Thường thả ngày theo triền nước về xuôi
Xóm quê nhà ngây dại mặc đời trôi!
Hồn du mục lang thang chiều tái tạo.
Gã thường sống trong hồn ngôi nhà cổ
Phòng gã lạnh – ai đốt giùm ngọn lửa?
Thôi em ạ!
Thôi em ạ!
Phòng gã lạnh – ai đốt giùm ngọn lửa?
Thôi em ạ!
Anh đã đợi những chiều mưa – trước cửa. (1944)
Bài thơ là một sự cách tân về âm thanh, nhạc điệu, một trong những yếu tố hàng
đầu của thơ tượng trưng. Thi đề có một dấu gạch ngang khá lạ “chiều mưa – trước
cửa” bao chứa một không-thời gian ngưng đọng sau sự trở về, rồi cũng chính biểu
tượng ấy kết thúc bài thơ như một chờ đợi cái gì không biết, không rõ, không
dứt, cứ tái tạo từ chiều này qua chiều khác. Cả bài thơ đếm được bảy
cái gạch ngang như thế, khác gì những nấc nghẹn? Kết cấu những khổ thơ không
đều nhau về số câu, lượng thơ không đều đặn giữa các dòng, nhịp thơ không theo
một điệu có sẵn, những điệp khúc dài (những câu dài “Anh đã đợi những chiều mưa
– trước cửa”, “Phòng gã lạnh – ai đốt giùm ngọn lửa?”, “Từ hôm nay
trong cặp mắt…”) – điệp khúc ngắn (câu ba tiếng Thôi em ạ!) lặp và xen
kẽ nhau, khi thì như tiếng thở dài, khi lại như tiếng nức thầm trong một âm
hưởng chung là triền miên thất vọng.
Nỗi buồn đau, sự cô đơn, niềm tuyệt vọng trong ba bài thơ
không phải ngẫu nhiên mà ẩn sâu trong cùng một biểu tượng - “hồn”: hồn em,
hồn ta, hồn xanh dị kỳ, hồn vì sao hiền, hồn du
mục, hồn ngôi nhà cổ… “Hồn” là cả một thế giới tâm hồn-linh hồn,
hữu thức-vô thức, ý thức-tiềm thức hòa nhập; “hồn” xáo trộn dĩ vãng-hiện
tại-tương lai, “hồn” đi về chốn Dạ Đài-bến Thanh Tuyền…đúng với thế giới thơ
của bản tuyên ngôn.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946 đã làm gián
cách quan niệm thơ Dạ Đài và sáng tác Trần Dần. Về sau, Trần Dần tiếp
tục theo đuổi hướng cách tân thơ Việt theo lối “làm chữ” (Cổng tỉnh, Mùa
Sạch, Jờ Joạcx…). Bởi thế, tiếp nhận thơ Trần Dần là một sự “dãi
dầu”:
“Một VIẾT dãi dầu sinh ra một ĐỌC dãi dầu. Thơ cổ lai
đặt ở tứ lạ - lời hay - hình ảnh đẹp - âm điệu ru hồn. Tôi giản dị đồng nhất
THƠ vào CHỮ. ĐỌC cũng số nhiều như VIẾT số nhiều.
(…) Tôi viết – tức là tôi để con CHỮ tự mình làm
NGHĨA” (Thơ mini - Trần Dần).
Thơ Trần Dần khó đọc vì khó hiểu, như nhà thơ Dương Tường
nói: “Thơ Trần Dần đương nhiên là khó hiểu. Nhưng chính ông ấy cũng nói về sự
khó hiểu một cách hết sức giản dị: “Tất cả mọi giá trị chân thiện mỹ đều là khó
hiểu”(5). Tuy vậy, ý kiến sau đây của một nhà nghiên cứu không phải
là không công bằng: “Những nỗ lực suốt năm mươi năm sau của Trần Dần chưa cho
thấy thơ ông vươn tới được cái muôn đời hay cái thâm u, huyền bí của thơ ca”
(Lê Lưu Oanh)(6).
Trở lại với ước nguyện của Dạ Đài: “Cho nên
buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thưở
trước”. Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài có thể được
coi là bước nỗ lực cách tân cuối cùng của phong trào Thơ Mới. Tuy chưa đủ sức
và cũng không có những điều kiện thuận lợi để đi đến đích, song những quan niệm
của họ đã thể hiện tính tiên phong và đổi mới trên hành trình thơ ca dân tộc.
Đúng như lời thừa nhận của nhà thơ Vũ Hoàng Địch: “Sau mấy chục năm, nhìn lại
tôi càng thấy con đường mà Dạ Đài mở ra là đúng. Dạ Đài đã
nghĩ rất xa khỏi thời của mình, nhưng vì tuổi trẻ nên những sáng tác của chúng
tôi không đủ tầm như mơ ước”(7).
CHÚ THÍCH:
[*] Những trích dẫn từ “ Dạ Đài - Bản tuyên ngôn
tượng trưng” ghi theo sách Trần Dần – Thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008,
trang 53 – 59
[**] Theo www.thica.net
Về nẻo Thanh Tuyền
I.
Đời bỏ ta nằm dưới thủy cung
mờ đi! ơi ánh nguyệt vô cùng
hồn ta qua xứ ma làm loạn
nên thác trong đường trận hỏa công
trải mấy thu dài trên Tử trấn
ta về nghe thế sự tàn vong
ngoài ta ai đón trăng huyền lặn
mà dẫn đi qua khỏi Cửu trùng?
II.
Trăng đi về nẻo Thanh Tuyền
từ đêm ta mất uy quyền thế gian
với ta đời có hờn oan
thì nghe gió chuyển mây vần mà nguôi
hồn ta mất mảnh thi hài
về trên thế tục ta đòi cố đô
tắt đi! ánh nguyệt mờ lu
để ta trốn khỏi mê đồ này đây
kìa trông! thế cục vần xoay
vì ta đã bắt đầu say mất rồi
sống cho hết thuở này thôi
rồi xem nét mặt mờ phai thế tình.
III.
Vỡ đi! này hỡi hành tinh
bỏ ta nằm dưới chân thành này ư?
tiếng ta than động giăng mờ
từng đêm ta gọi lá cờ Nữ vương
tắt cho ta! ánh tà dương
để ta về nấm mồ hoang đốt đèn
cùng ta đắm nửa khoang thuyền
giữa thu người gái Thanh Tuyền chìm châu
mờ đi! ơi ánh tinh cầu
bỏ ta nằm dưới chân thành này ư?
tiếng ta than động giăng mờ
từng đêm ta gọi lá cờ Nữ vương
tắt cho ta! ánh tà dương
để ta về nấm mồ hoang đốt đèn
cùng ta đắm nửa khoang thuyền
giữa thu người gái Thanh Tuyền chìm châu
mờ đi! ơi ánh tinh cầu
chẳng xem ta thác đêm nào ngoài khơi
thôi thôi! trời bỏ ta rồi
ngày sau ta trốn luân hồi mà đi.
(1) Hồ Thế Hà – Quan niệm về thơ của Dạ Đài -
Nhìn từ sự tiếp biến lý luận văn học phương Tây – In trong Những
khoảnh khắc đồng hiện, Nxb Văn học, 2007
(2) Huỳnh Như Phương – Trần Mai Châu: làm thơ, dịch
thơ và bàn về thơ – www.phebinhvanhoc.com.vn
(3), (6) Lê Lưu Oanh – Quan điểm nghệ thuật tượng
trưng của nhóm Xuân Thu và Dạ Đài – www.leluuoanh.wordpress.com
(4), (7) Theo Quỳnh Hương – Trần Dần và câu chuyện
“chôn” Thơ Mới – www.tuoitre.vn
(5) Trần Dần – www.wikipedia.org
No comments:
Post a Comment