Lê Tuấn Huy
Về chuyên môn, sơ bộ, một số khía cạnh của Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã được TS. Vũ Thị Phương Anh nêu ra trong bài “Về nhóm Mở miệng và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism)”, và có thêm ý kiến qua cuộc phỏng vấn của RFA [i]. Về pháp lý, nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã nêu quan điểm tại báo Pháp luật TP. HCM.
Thật ra, việc Đỗ Thị Thoan
bị cắt hợp đồng, PGS, TS. Nguyễn Thị Bình bị cách chức có thể được những người
ra quyết định biện minh “hợp lý” bằng cách viện dẫn thẩm quyền nội bộ và lý do
chuyên môn nào đó ít nhiều không liên quan, mà lời của người ngoài chỉ được
tiếp nhận một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng khi ta kêu gọi nếu có “thẩm định” Luận
văn thì phải đúng mực về mặt khoa học (vấn đề giữa hai hội đồng) và pháp
lý (về trình tự và chứng lý), là đã rơi vào cái bẫy mà những người muốn tiêu
diệt nó đang tìm cách giăng ra để hợp lý hóa cho việc làm ấy.
Thực tế, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sỹ nào.
Thực tế, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sỹ nào.
Văn bản pháp lý hiện hành
liên quan đến học vị Thạc sỹ là Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban
hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai 2011. Theo đó, chỉ có thẩm quyền về việc
thẩm định kết quả tuyển sinh (Điều 19), chứ không có thẩm quyền về việc thẩm
định kết quả chấm luận văn hay thẩm định hội đồng chấm luận văn.
Điều 26 của Quy chế
này đã bao hàm toàn bộ vấn đề đánh giá một luận văn. Nội dung đó, chỉ có các
vấn đề về thành lập hội đồng đánh giá luận văn, nhóm họp hội đồng và tiêu chí về
kết quả của luận văn. Ngoài ra, hoàn toàn không có một điều nào, khoản nào, ý
nào cho phép lập hội đồng thẩm định để đánh giá lại một luận văn đã có kết quả
đánh giá.
Cách duy nhất để có thể
chặn lại một luận văn là bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học (Điều 25,
khoản 4, điểm c), nhưng điều này chỉ thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đưa luận
văn ra đánh giá, chứ không phải để tái thẩm.
Kể cả những nội dung về
thanh tra, kiểm tra (Điều 30), và khiếu nại, tố cáo (Điều 31) cũng không thể
vận dụng được để làm công việc đó. Trong nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo
được quyền thanh tra, kiểm tra (Điều 30, khoản 2), chữ “quản lý đào tạo” mang nội
hàm của công việc quản lý hành chính đối với học viên và
chương trình đào tạo (việc chấp hành quy chế đào tạo, xét điều kiện thỏa mãn để
đưa luận văn ra bảo vệ, điều tiết chương trình, điều động giảng viên, xét gia
hạn thời gian bảo vệ luận văn, khen thưởng, kỷ luật…), mà không bao hàm việc
đánh giá kết quả luận văn, vốn là công việc khoa học độc lập và cụ thể
của mỗi hội đồng chấm luận văn (và đã được quy định trọn trong Điều 26).
Như vậy, việc lập hội đồng
thẩm định Luận văn của Đỗ Thị Thoan – nếu có – là phi pháp.
Phải chăng đây là sơ hở của
pháp luật, do những người làm Quy chế đã không lường hết tình huống?
Không phải như thế. Đơn
giản là, về điểm này, Quy chế đã được xây dựng phù hợp với đặc trưng
của giáo dục sau đại học.
Khác giáo dục phổ thông –
cấp phổ cập kiến thức cơ bản, khác với giáo dục đại học – cấp truyền thụ kiến
thức và phương pháp chuyên môn, giáo dục sau đại học truyền đạt kiến thức và phương
pháp nghiên cứu chuyên sâu. Về chuyên môn, khác biệt giữa bậc thạc sỹ và tiến
sỹ là ở bậc sau, tiêu chí là cái mới về mặt khoa học cùng với giá trị lý thuyết
(lý luận) và thực tiễn của nó, trong khi ở bậc trước chỉ chú trọng vào phương
pháp nghiên cứu, sự riêng biệt về ý tưởng cùng với tính hệ thống và logic về
nội dung và trình bày.
Do khác biệt đó mà ở cấp
phổ thông, học sinh có thể làm bài giống nhau, một đề có đáp án chung tất cả,
ai có chức năng và chung bộ môn, chung phạm vi đều có thể chấm bài. Do có chuẩn
định về nội dung, thẩm quyền về chấm phúc khảo, phúc tra được đặt ra. (Tất
nhiên, giữa hệ thống giáo dục thiên về áp nội dung với hệ thống thiên về mở nội
dung, những điều vừa nói có biến thiên.)
Đến bậc đại học, trọng tâm
là hướng dẫn để sinh viên tự trang bị kiến thức và nhắm vào một hệ thống kiến
thức mở, nên dù vẫn còn chuyện sinh viên làm bài tương đối như nhau, thì mức độ
độc lập của người học và người đánh giá đã có, bởi vậy việc phúc khảo và phúc
tra không còn là thẩm quyền cố định.
Ở bậc sau đại học, sự giống
nhau dù vô ý hay cố ý đều bị xem là đạo văn, và là tiêu chí (cấm) tuyệt đối duy
nhất về nội dung. Ngoài ra, người làm luận văn, người hướng dẫn, người phản biện,
người chấm, người nhận xét luận văn, với tư cách những người nghiên cứu khoa
học độc lập, hoàn toàn có quyền độc lập nhau về quan điểm, phương pháp (miễn có
nền tảng phương pháp luận phù hợp) trong trình bày và đánh giá. Không có chuẩn
pháp lý hay giáo (dục) lý về nội dung cho các luận văn vốn đã khác biệt nhau.
Cho nên, chỉ có hội đồng chấm luận văn lần hai dành cho học viên không đạt ở
lần bảo vệ đầu, chứ không cần có hội đồng phúc khảo cho luận văn đã có kết quả
không đạt. Lần bảo vệ sau mà vẫn không đạt, theo quy chế, học viên không có
quyền trình bày luận văn lần thứ ba. Do đó – xuất phát từ tính độc lập nghiên cứu
khoa học của học viên, tính độc lập của hội đồng chấm (từng) luận văn, và từ
quy trình quyết định trực tiếp đối với kết quả việc bảo vệ luận văn – càng
không cần gì đến hội đồng phúc tra.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sau
đại học không phải là hoạt động tư pháp mà cần đến thẩm quyền phúc thẩm hay tái
thẩm của cấp cao hơn khi học viên hay thành viên hội đồng chấm luận văn chống
lại kết quả đã chấm (giống như hai bên bị hại – bị cáo, nguyên đơn – bị đơn có
thể chống lại phán quyết). Cũng vậy, nghiên cứu sau đại học không nhằm bảo vệ
công lý tư pháp mà cần đến thẩm quyền giám đốc thẩm khi có những bên bất kỳ
“phát hiện tình tiết mới” và yêu cầu trình tự xử lý mới từ đầu.
Các bên thứ ba – không phải
học viên, không phải thành viên hội đồng chấm luận văn – có thể có thẩm
quyền công luận, thẩm quyền khoa học trong việc nhận xét nội
dung và phương pháp, nhưng không có thẩm quyền khoa học trong việc phán
xét kết quả, càng không có thẩm quyền pháp lý trong việc định
đoạt hay thúc đẩy định đoạt kết quả chấm luận văn.
Những người chống đối, với
tư cách thành viên của xã hội dân sự, có thể phản bác từng điểm một của luận
văn, có thể tập hợp lại, ra tuyên bố phủ nhận nội dung của nó, nhưng đó quyết không
phải là quan điểm quyết định hay có thẩm quyền quyết định đối với kết quả luận
văn [ii].
Tất nhiên, trong một xã hội
cai trị bằng sắc lệnh dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp (từ luật định giới
hạn lại hiến pháp, rồi nghị quyết, nghị định, thông tư, công văn, cho đến cả thư
tay), thì việc ban hành thông tư khác thay cho thông tư đang có hiệu lực về đào
tạo thạc sỹ, mở đường hợp pháp hóa việc tiêu diệt Luận văn của Đỗ Thị
Thoan và diệt cả từ trong trứng nước những luận văn theo hướng độc lập trong
tương lai, là việc làm hết sức dễ dàng. Nhưng mong rằng tất cả những người liên
quan hãy cân nhắc những điều sau đây:
1. Đối với Thạc sỹ Đỗ Thị Thoan và Phó giáo sư Nguyễn Thị
Bình, nếu vào lúc cần thiết mà không tự vệ khoa học trên cơ sở pháp lý cho
phép, để phủ nhận bất cứ thẩm quyền phi pháp và phi lý nào đối với mình, thì đó
không chỉ là cái nhược về khoa học vì không biết bảo vệ những gì tâm đắc của
chính mình, mà có thể còn tạo tiền lệ cho việc đầu hàng của giới nghiên cứu
trong môi trường hàn lâm khi có sự xâm phạm từ bên ngoài.
2. Đối với giới khoa bảng, nếu im lặng để chấp nhận sự thay đổi theo hướng tước bỏ quyền bất khả xâm phạm của việc đánh giá kết quả khoa học trong đào tạo, xin các vị hãy thử hình dung một tương lai không xa, là bên cạnh các hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ sẽ là những “hội đồng giám sát (của) nhân dân” hoặc “hội đồng tư vấn (của) nhân dân” mà thành viên sẽ là đại diện của quân đội nhân dân, công an nhân dân, lão làng nhân dân, đoàn thể nhân dân, và cả địa phương nhân dân; hoặc có thể, họ sẽ là thành phần chính thức trong cơ cấu của hội đồng chấm luận văn của các vị.
3. Đối với những người làm chính sách giáo dục, nếu có thay
quy chế để cho phép quyền phúc tra, thẩm tra đối với kết quả luận văn, xin đừng
quên một điều hợp lý gắn liền, là phải quy định công khai hóa tất cả luận văn
thạc sỹ, tiến sỹ từ thời điểm 10, 15 năm qua (thời gian mà Việt Nam đã hóa siêu
rồng trong đào tạo sau đại học), để toàn bộ nhân dân có thể thực thi quyền yêu
cầu “giám đốc tra” đối với luận văn của bất cứ ai.
4. Đối với các nhà lãnh đạo, nếu muốn khoa học phủ phục
trước chính trị, thì xin trước hết ôn lại hai bài học sau đây ở nơi từng là đất
nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất:
Thứ nhất là một trường hợp
trong khoa học tự nhiên. Đó là sự thao túng tư tưởng hệ đối với sinh học ở Liên
Xô cho đến tận giữa những năm 1960. Nhà sinh học Trofim Lysenko (1898-1976) được
sự đồng tình của giới lãnh đạo, đã kiên quyết phủ nhận thuyết di truyền học
Mendel-Morgan, khăng khăng về cuộc đấu tranh ý thức hệ của sinh học [iii]. Hậu quả của việc cưỡng
bức khoa học quỳ gối, là trong khi các ngành vật lý, hóa học, thiên văn Xô Viết
có độ phát triển ngang tầm Phương Tây, thì các ngành thuộc sinh học như di
truyền học, sinh nông học, sinh y học, sinh dược học cho đến tận thời nước Nga
ngày nay vẫn chưa bắt kịp kẻ thù ý thức hệ khi xưa.
Thứ hai là chính ngay
trường hợp của khoa học lý luận. Nó phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ đạo chủ
quan về ý thức hệ khi xây dựng triết lý về một chủ nghĩa xã hội đã ở giai đoạn phát
triển hoàn thiện, chuẩn bị tiến vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản, mà hậu quả
là không có sự báo động của lý luận khoa học về một xã hội trì trệ mọi mặt, và
vực thẳm mà nó sắp rơi xuống thay cho thiên đường “đáng lý” phải bay lên.
Quay về Việt Nam, gần gũi
với vấn đề ở đây, xin các vị thử nghĩ xem, văn học phải quy buộc vào cái chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đạt được thành quả nhân loại nào không, dù chỉ
so với người anh em cùng ý thức hệ cận kề?
29-30/07/2013
© 2013 Lê Tuấn Huy &
pro&contra
[i] Một trình bày ít nhiều có
tính chuyên môn khác, là bài “Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học
thuật…” của PGS, TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Tuy nhiên, với nhận định
mang thái độ miệt thị ngay từ đầu, rằng “Trong cái mớ xô bồ lý thuyết từ Âu –
Mỹ dội vào, ảnh hưởng vào nước ta…”, thì tác giả này đã thiếu ngay đến cả năng
lực khách quan tối thiểu. Đó là chưa kể, ở cuối bài, dù ông kêu gọi
rằng những người có “vai trò liên đới trách nhiệm” của luận văn này “cần được
nhìn nhận thấu đáo, có lý, có tình” thì đó chỉ là [cách đề xuất xử lý cả về
hành chính lẫn chính trị] theo “Luật Công chức và theo tinh thần Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng”. Đó cũng là chưa kể ông đã cố tình đánh
lộn sòng, từ việc hiển nhiên là thơ của nhóm Mở Miệng tuyệt đối không
thể nào xuất hiện trên các kênh “chính thống”, lại trở thành “họ không dám xuất
hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, photocopy, tự xuất bản theo
kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất bản Samizdat”.
[ii] Cần nói thêm, Luận văn
Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan không phải là văn học mà là nghiên cứu khoa học về văn
học (dẫu là văn học bên lề), nên không phải là đối tượng cho những người phê
bình theo kiểu đọc văn, đọc thơ rồi khen chê về văn phong, hình tượng, giá trị
tư tưởng của tác phẩm.
[iii] Gần gũi với đề tài sinh
học, có thể tìm đọc cuốn Những vấn đề triết học của y học (Nxb Khoa
Học, HN, 1966), là tài liệu dịch của Liên Xô, ta sẽ thấy buồn cười vì những lý
lẽ ý thức hệ kỳ quặc của những phê phán về sự duy tâm và siêu hình trong y học,
vì những yêu cầu về nhận thức luận và biện chứng trong chẩn đoán…
No comments:
Post a Comment