Có thể tôi bị cho là người lãng mạn khi đưa ra mô hình hoạt
động cho một
Tạp chí chuyên LL-PBVH mới đang còn nằm trong ý tưởng. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ
rằng nếu chúng ta muốn làm thật (chứ không hô hào suông) cho sự chấn
hưng LL-PBVH hiện nay thì cần làm, và có thể làm được. Vâng, tạp chí này bao
gồm hai mảng lý luận và phê bình. Phần lý luận vô cùng quan trọng. Nó
là phần trí tuệ anh minh nhất của phê bình, làm điểm tựa cho phê bình
phát triển. Nó cũng lại luôn được tiếp sức và bổ sung các tư liệu thực tiễn từ phê bình và
lịch sử văn học. Cho nên, không thể và không nên chỉ có riêng
tạp chí phê bình,
hoặc nếu muốn tách riêng, thì đồng thời phải có cả hai: tạp chí lý luận và tạp
chí phê bình.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, làm cho tốt một ấn phẩm mang tên Tạp chí lý
luân- phê bình
văn học đã là một cố gắng lớn.
Dưới đây chúng tôi trình bày 3 ý: thứ nhất, mô hình hoạt động; thứ hai, mô
hình sản phẩm (Tạp chí); và thứ ba, điều kiện để thực hiện chúng.
1.Mô hình tổng quát của Tạp chí LL-PBVH được hình dung 2 loại: mô hình tổ
chức và mô hình hoạt động.
Thứ nhất, mô hình tổ chức: Mô hình này được hình dung qua hai cấp
độ: Ban điều hành chung và Hội đồng giám tuyển các bài báo khoa học.
- Ban điều hành: Ban này thực hiện nhiệm vụ điều hành chung về phương
hướng hoạt động, chiến lược phát triển, các chủ đề của mỗi số, kế hoạch dài hạn
và ngắn hạn. Có một nguyên tắc của Ban điều hành là vị trí của ông Trưởng ban
điều hành không nên thuộc một người duy nhất và cố định, mà phải luân phiên.
Tại sao phải luân phiên? Luân phiên để mỗi người chịu trách nhiệm và phát huy
hết năng lực sáng tạo của mình. Và nhờ vậy, mỗi một người cũng sẽ để lại những
dấu ấn đặc sắc của mình trên mỗi tạp chí mà mình điều hành.
Cách làm này đã có từ thời tờ báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn.
Theo hồi ký của một số nhà báo cho hay: trong các thành viên chủ chốt như
Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, các ông phân công nhau cứ lần lượt,
mỗi ông chịu trách nhiệm tổ chức một số trên cái khung kế hoạch chung đã định
sẵn từ trước. Nhờ vậy, nếu ai đã từng đọc các số Ngày Nay, mỗi số là một
đặc sắc riêng chất lượng, đặc sắc mà vẫn đảm bảo tính thống nhất mang tầm chiến
lược của Tòa soạn. Tại sao chúng ta lại không tham khảo trường hợp này?
- Hội đồng giám tuyển độc lập. Chức năng của Hội đồng giám tuyển này nhằm
đánh giá chất lượng các bài viết, và tư vấn cho các vị cầm chịch điều hành (cao nhất là
ông TBT) quyết định xem có sử dụng hay không. Vị trí Chủ tịch Hội đồng giám
tuyển này cũng hoạt động theo cách luân phiên. Xin lưu ý là cách luân phiên vô
cùng có lợi, nó phát huy được cá tính sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, tinh thần
dân chủ, công bằng, lấy mục đích khoa học làm tối thượng. Nó tránh xa cái thói
chuyên quyền độc đoán, tư lợi, cánh hẩu, đơn điệu, trì trệ như không ít báo chí
của chúng ta hiện nay mắc phải.
Thứ hai, mô hình hoạt động:
-Ban điều hành chịu trách nhiệm cao nhất về tất cả các khâu: đường lối
hoạt động, chất lượng bài vở, hoạt động phóng viên và cộng tác viên, hoạt động
bạn đọc, trị sự, kinh doanh phát hành, đối nội đối ngoại. Ban này, theo cơ cấu
của các tòa soạn hiện nay, ông Tổng biên tập cầm chịch. Nếu theo cách điều hành
luân phiên như trên kia, vai trò ông Tổng biên tập không hẳn là nhẹ đi, mà có
khi còn nặng hơn, bởi vì ông ta phải tìm được người và dám/ tin tưởng trao
quyền luân phiên cho từng người trong Ban điều hành phụ trách
từng số báo.
Thêm nữa, căn cứ vào các hiện tượng và các vấn đề văn học cụ thể trong
thực tiễn văn chương, Ban điều hành phải chủ động hoạch định, lên kế hoạch, tìm
người đặt bài
vở theo cách “chọn mặt gửi vàng”. Làm điều này để giành thế chủ động từ phía
Tạp chí, nhằm bao quát thường xuyên và bắt kịp thực tiễn văn học, tránh bỏ sót
hoặc sa vào những trường hợp không đích đáng.
- Hội đồng giám tuyển gồm các nhà NC, LL-PB và các nhà văn có uy tín
chuyên môn, có tinh thần kỷ luật nghề nghiệp, tinh thần hợp tác, thống nhất ý
chí vì một tạp chí chất lượng cao. Trước một bài báo tòa soạn nhận được, người
điều hành sẽ xem xét, lựa chọn người giám tuyển để giao bài. Người giám tuyển
phải lấy uy tín chuyên môn của mình để thẩm định và trình bày trước Hội đồng
giám tuyển về lý do tại sao lại đề cử đăng hoặc không được đăng. Tùy theo tính
chất và mức độ học thuật của từng bài báo mà quyết định số lượng bao nhiêu giám
tuyển là đủ hoặc phải đưa ra Hội đồng giám tuyển bàn thảo quyết định.
2. Mô hình Tạp chí:
- Thứ nhất, cơ cấu nội dung của tạp chí này chia ra làm 3 mảng lớn:
+Lý luận
+Phê bình
+Tin về hoạt động lý luận- phê bình và đời sống văn học nói chung liên
quan đến lĩnh vực LL-PBVH.
- Thứ hai, trong mỗi mảng trên, nên quan tâm tới cùng một lúc các
tiêu chí như:
+Tiêu chí loại hình: lý thuyết khái quát, lý thuyết ứng dụng, ứng dụng
thực tiễn (thực hành).
+Tiêu chí lịch sử: quan tâm theo trục thời gian, đảm bảo có cả trước kia
và bây giờ.
+Tiêu chí quốc gia, vùng và khu vực: quan tâm tới các nền LL-PB
của các quốc gia, khu vực và châu lục.
+Tiêu chí tộc người: chú ý tới nền LL-PB của/ về các tác giả thuộc các dân
tộc ít người trong địa hạt quốc gia
+Tiêu chí thế hệ: tính đến sự có mặt các thế hệ, nhất là việc phát hiện
một số cây bút trẻ.
+Tiêu chí trong nước và quốc tế: tỉ lệ các tác giả trong nước và ngoài
nước, có chương trình dịch thuật, giới thiệu căn cơ, bài bản các tri thức
LL-PBVH của nước ngoài. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ dịch thuật cho tạp chí
là vô cùng quan trọng.
- Thứ ba, ngoài ra, còn có thể có những số chuyên đề chuyên sâu
dưới nhiều dạng: theo trào lưu, khuynh hướng; theo quốc gia, theo tác giả, tác
phẩm…
3.Điều kiện cần và đủ để cho các mô hình trên đi vào hoạt động:
-Trước hết là dám trao quyền tự chủ và sáng tạo cho tạp chí
này. Hãy tin ở họ. Hãy ràng buộc họ bằng luật pháp chứ không bằng chỉ thị, mệnh
lệnh tùy hứng, tùy tiện.
- Năng lực và uy tín chuyên môn của các thành viên trong Hội đồng là rất
quan trọng. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến Hội đồng giám tuyển. Một tạp chí có
được nhiều bài hay, nhiều tác giả giỏi cộng tác hay không, trước hết là do Hội
đồng này quyết định. Các thành viên của Hội đồng cần phải bao gồm những người
như sau:
+ Nhà nghiên cứu văn học giỏi
+ Nhà chuyên Lý luận VH giỏi
+ Nhà
phê bình VH giỏi
+ Nhà dịch thuật về NC-LL-PB giỏi
Ngoài ra, với từng số, cần phải mời một số chuyên gia thuộc lĩnh vực
chuyên sâu khi cần, thí dụ các chuyên gia về những ngoại ngữ không thông dụng,
về Hán Nôm, về một số chuyên ngành chuyên biệt…Hội đồng giám tuyển có nhiệm vụ
thẩm định các bài vở một cách giỏi giang và công tâm. Trước mỗi một bài, phân
công cho một
người đọc, sau đó thuyết trình giới thiệu, cuối cùng họp công khai toàn thể hội
đồng, quyết định có nên sử dụng hay không (*).
- Điều kiện tiếp theo là ý chí thống nhất, năng lực chuyên môn, lòng yêu
nghề, và cao hơn là khát vọng mưu cầu đóng góp và thúc đẩy nền LLPBVH
phát triển của tất cả các thành viên. Điều này đã nghe nói nhiều, và ai cũng có
thể nói được. Nhưng thực chất khi bắt tay vào làm mới biết. Nếu không có một sự
quyết tâm cao, một lòng tự trọng nghề nghiệp thì không thể thực hiện được.
- Điều kiện cuối cùng là đầu tư, nói khác đi là đồng tiền, là cơ sở vật
chất, là chế độ lương, chế độ nhuận bút. Đây là điều kiện tối quan trọng. Không
phải cứ hễ có tiền là làm được tốt. Nhưng không có tiền, hoặc tiền quá ít ỏi
thì sẽ không làm được gì cả. Như chế độ nhuận bút hiện nay cho các bài
báo LL-PBVH thì không ai có thể yên tâm dốc lòng dốc sức cho nó
được.
+ + +
Như vậy, nhìn lại đề xuất này, tôi nghĩ có thể thực hiện được. Cái còn lại
là lòng quyết tâm, và cả sự công tâm nữa.
Mô hình trên đây chủ yếu dành cho loại ấn phẩm Tạp chí. Tuy nhiên, các tờ
báo cũng có thể áp dụng được phần nào. Đặc biệt, vai trò của Hội đồng giám
tuyển là hết sức quan trọng. Chất lượng bài vở và uy tín chuyên môn của một tờ
báo/ tạp chí trước hết là chất lượng bài vở. Chỉ có như thế, chúng ta mới hy
vọng góp phần xây dựng một đời sống LL-PBVH lành mạnh và có hiệu quả như mong
muốn.
Hà Nội, ngày 30.3.2012
PGS TS VĂN GIÁ
______________________________
(*) Chúng tôi xin giới thiệu quy trình thẩm định và sử dụng các bài báo
khoa học của các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới được chia ra làm 2 loại SCI (Science Citation Index) hoặc SCIE (Science
Citation Index Expanded) để các quý vị tham
khảo.
Xin nói thêm: Science Citation Index
(viết tắt là SCI, tạm dịch Chỉ số Trích dẫn Khoa học) là một danh sách các tạp
chí xây dựng dựa trên tần suất trích của các bài báo đăng trong đó. Danh sách
này do Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI, hiện nay là một bộ phận của hãng
Thomson Reuteurs) lần đầu tiên công bố vào năm 1960. Có hơn 3700 tạp chí nằm
trong danh sách này, bao trùm 100 lĩnh vực khác nhau.
Sau đó, một phiên bản dài hơn của SCI là Science Citation Index Expanded (SCIE, tạm dịch Chỉ số Trích dẫn Khoa học Mở rộng) cũng được công bố, bao gồm hơn 6500 tạp chí trên khoảng 150 lĩnh vực.
Cho đến năm 2010, số lượng tạp chí chính thức nằm trong danh sách SCI là 3791 và SCIE là 8320 (danh sách này được công bố vào giữa năm 2010, sử dụng số liệu thống kê của năm 2009 nên được gọi là SCI 2009, SCIE 2009).
Có thể coi đây là danh sách các tạp chí quốc tế có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vì quy trình xét duyệt rất chặt chẽ, số lượng bài báo có chất lượng cao. Ở Việt Nam, chưa có một tạp chí khoa học nào được lọt vào danh sách hai loại tạp chí trên.
Dưới đây là quy trình cụ thể:
1. Đối với người gửi: Tác giả bài viết gửi cho một
editor có chuyên môn phù hợp với nội dung của bài viết nhất, hoặc cũng có thể
gửi thẳng cho
Maniging editor (phụ trách biên tập) hoặc editor in chief (Tổng
biên tập)
2. Đối với các tạp chí:
Bước 1: Khi nhận được bài, các editor phải sơ duyệt. Khi thấy bản
thảo có tiềm năng để công bố, thì người ta tìm peer-review (hoặc
referee) để thẩm định bài báo (số người từ 1 đến 3 người). Họ có
thể biết tác giả, nhưng tác giả thì không được biết họ.
Nếu bước này không qua thì người ta cũng quyết định tức khắc và thông báo cho tác
giả!
Bước 2: Sau khi nhận đựợc đầy đủ các nhận xét của
các peer-review (hoặc referee) thì người ta bắt đầu ra
quyết định, thường xảy ra các khả năng sau:
- Nếu chỉ cần
1 peer-review (hoặc referee) không chấp nhận bài báo (tất
nhiên phải có lý do), thì có thể bài báo bị từ chối đăng, hoặc người ta tìm một
chuyên gia khác để thẩm định thêm, rồi mới quyết định.
- Thường quá
bán peer-review (hoặc referee) không chấp nhận bài báo
thì người ta quyết định loại bài báo ngay!
- Nếu tất cả các peer-review (hoặc
referee) chấp nhận bài báo, thì bài báo sẽ được quyết định
nhận đăng, với các mức dộ:
+ Phải sửa trước khi chấp nhận( trường hợp này các peer-review (hoặc
referee) phải kiểm tra lại).
+
Chấp nhận và phải sửa lỗi.
+ Chấp nhận mà không phải sửa lỗi nào.
Tuy quyết định cuối cùng là editor phụ trách bài, nhưng thường họ
không bao giờ có quyết định chống lại các peer-review (hoặc
referee).
Quyết định và tổng hợp ý kiến của các peer-review (hoặc referee) sẽ
được gửi tới tác giả.
Bước 3: Công bố! Người ta yêu cầu tác giả gửi các file nguồn. Rồi người ta
gửi cho tác
giả bản in
thử để thống nhất!
+
Có thể công bố online trước, rồi in sau.
+
Có thể không công bố online mà chỉ chờ in ra.
+
Có thể chỉ công bố điện tử mà không in.
Tham luận trình bày tại Hội thảo về phê bình văn học do Hội đồng LLPBVHTƯ tổ chức
No comments:
Post a Comment