.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, May 4, 2012

ĐỂ BÁO CHÍ VĂN NGHỆ LUÔN “HAY – ĐẸP VÀ NHANH”

Chúng tôi đã từng có một số ý kiến bàn về nâng cao chất lượng biên tập, quảng bá ấn phẩm báo chí văn nghệ trong thời kỳ mới trên diễn đàn một số Hội nghị và được đăng tải trên báo chí văn nghệ mấy năm gần đây. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin được nói gọn và tập trung vào mấy điểm căn cốt với kỳ vọng báo chí văn nghệ (loại hình in, viết) tiếp tục được phát triển, luôn “Hay - Đẹp và Nhanh”(1) như ý kiến của đồng chí Trường Chinh.

Cần nhận rõ thực trạng xuống cấp và sa sút tính chuyên nghiệp của báo chí văn nghệ để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục dần. Nguyên nhân của thực trạng.

Báo chí văn nghệ (loại hình báo viết, in) sau Cách mạng tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có lịch sử hơn 60 năm(2). Từ chỗ lúc đầu chỉ có 01 tờ tạp chí duy nhất cho toàn giới, sau hơn 60 năm hình thành và phát triển nhịp với sự lớn mạnh của mặt trận Văn học Nghệ thuật (VHNT) cả nước, đến nay 10 Hội VHNT chuyên nghành TƯ và 63 Hội VHNT tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, mỗi Hội đều có ít nhất 01 tờ báo (ra hàng tuần hay bán nguyệt san); hoặc 01 tờ tạp chí (ra hàng tháng hay 2, 3 tháng/1 kỳ) là cơ quan ngôn luận chính thức và chủ yếu của Hội. Tổng số đầu báo, tạp chí của Hội VHNT ở TƯ và các tỉnh, thành phố trong cả nước là hơn 90 tờ.
Nhìn chung, báo chí văn nghệ, qua từng giai đoạn cách mạng, đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nền văn nghệ dân chủ mới, tiến lên nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, với tính chất dân tộc, tiên tiến và nhân văn, đáp ứng một phần nhu cầu của công chúng khát khao văn hóa đọc.
Nhưng bước vào thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do sự phát triển mạnh mẽ của thông tin - truyền thông, bên cạnh văn hóa đọc truyền thống còn có văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng internet, chúng ta đã chưa chú ý đúng mức để lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phát triển hài hòa với các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội. Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 khóa VIII (7/1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X (6/2008) với định hướng “xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã bước đầu kịp thời khắc phục tình trạng trên.
Song trên phạm vi báo chí văn nghệ (in, viết) một khu vực quan trọng của báo chí nói chung, nơi vừa thuộc sự quản lý nghề nghiệp của cơ quan báo chí vừa thuộc cơ quan Hội văn nghệ chủ quản về nội dung và tổ chức hoạt động - thì ở cấp vĩ mô, có lẽ vẫn chưa có một văn bản riêng nào do Đảng và Nhà nước ban hành cho thấy sự chỉ đạo rốt ráo từ cơ quan lãnh đạo và quản lý cao nhất của đất nước đối với một lĩnh vực nhạy cảm, đặc thù, kết hợp đồng thời cả hai loại hình tư duy: báo chí - tuyên truyền và sáng tạo văn học - nghệ thuật trong một loại kiểu ấn phẩm như báo chí văn nghệ.
Có thể nói trong định hướng ngày càng sáng rõ về sự nghiệp báo chí, văn hoá, văn nghệ (nói chung) đã được thể hiện qua các văn kiện Nhà nước, Nghị quyết của Đảng thì những trang, những dòng đề cập đến báo chí văn nghệ quả thực là còn quá ít ỏi, sơ sài, hình như thả nổi cho sự quản lý của mỗi bên: cơ quan báo chí và cơ quan Hội văn nghệ. Vì thế sự đầu tư, hỗ trợ từ nguồn kinh phí Nhà nước cho báo chí văn nghệ mới rơi vào “bó cứng” suốt hơn 20 năm nay (mỗi cơ quan báo chí cấp TƯ, qua Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng/năm, kể từ 1991) hoặc tùy tiện (mỗi Hội chủ quản ở TƯ hoặc địa phương, tùy theo hạn mức kinh phí Nhà nước cấp tổng thể cho Hội mà san sẻ, phân bổ lại một phần cho tờ báo, tờ tạp chí mà mình quản lý trực tiếp, tối đa chỉ bằng 1/10 kinh phí ít ỏi của toàn Hội). Tờ báo, tạp chí nào muốn được kinh phí nhiều hơn thì về tổ chức phải tách ra độc lập, trực thuộc tỉnh, thành phố để UBND tỉnh, thành phố có căn cứ làm đầu mối trực tiếp cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tờ báo, tạp chí đó.
Rồi việc bố trí người làm báo chí văn nghệ theo kiểu tư duy nhiệm kỳ quan phương và thiển cận, nhất là ở các tỉnh và thành phố, nhìn chung là chưa đủ cơ số biên chế, lại tùy tiện, không đạt tiêu chuẩn là văn nghệ sĩ chuyên trách, là nhà báo chuyên nghiệp đã được đào tạo ít nhất ở bậc Đại học. Lại nữa, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cho báo chí tác nghiệp nhanh, đảm bảo chất lượng cao, nhìn chung là chưa đạt, còn lạc hậu, nghèo nàn, cũ kỹ.
Trong tình hình lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp quản lý, hỗ trợ kinh phí, sắp xếp nhân sự, trang thiết bị vật chất... như vậy, nên chất lượng báo chí văn nghệ bị giảm sút: một số báo chí văn nghệ địa phương bằng lòng với việc trở thành loại ấn phẩm định kỳ tập hợp sáng tác văn học là chủ yếu; với bài vở, tin, ảnh có chất lượng trung bình yếu hoặc thấp; trình bày mỹ thuật, ma-két bìa và các trang ruột thiếu chuẩn mực quốc gia, không đảm bảo tính chuyên nghiệp của ấn phẩm báo chí; tia-ra phát hành thấp, dồn kỳ, ít trang nên dung lượng mỏng, nghèo nàn; nhuận bút trả thấp không thu hút nhiệt tình và tâm huyết gửi bài của cộng tác viên là văn nghệ sĩ tên tuổi...
Tình hình sa sút của báo chí văn nghệ đã đến mực báo động khẩn cấp, không thể lùi, tụt dốc hơn được nữa; cần phải dừng lại chấn chỉnh, vực xốc báo chí văn nghệ vươn lên.

Một số biện pháp khắc phục
Đảng và Nhà nước cần khảo sát, tiến tới ban hành một văn bản chính thức (ở cấp độ phù hợp: Pháp lệnh, Thông tư, Quy định hoặc Hướng dẫn thực hiện...) cho thấy sự quan tâm thiết thực, sâu sát với quan điểm, chính kiến rõ ràng về định hướng nhiệm vụ, chức năng, phân cấp quản lý, chăm chút báo chí văn nghệ, xếp báo chí văn nghệ vào loại hình tương đương đơn vị công lập, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí phần lớn. Có như vậy báo chí văn nghệ mới có hành lang pháp lý rõ ràng để đủ điều kiện hoàn thành sứ mệnh thực thi các nhiệm vụ chính trị - xã hội - nghề nghiệp được giao phó, thoát khỏi cảnh chạy vạy, xin xỏ hết cửa này đến cửa khác.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần nhận rõ đặc điểm của báo chí các ngành, tổ chức, để tránh rập khuôn(3). Vậy chúng ta cần quán triệt để các cấp (tổ chức Đảng, chính quyền, Hội văn nghệ) nhận rõ đặc điểm chức năng của báo chí văn nghệ (vừa là người tuyên truyền bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai; vừa làm nghề nghệ thuật hướng về cái hay và cái đẹp); đặc điểm của ngôn ngữ báo chí văn nghệ (kết hợp giữa ngôn ngữ tân văn, chính luận của báo chí với ngôn ngữ tự thân, riêng của từng chuyên nghành văn nghệ); đặc điểm của người làm báo văn nghệ (hai trong một: vừa là nhà báo, vừa là văn nghệ sĩ hay nói cách khác là văn nghệ sĩ làm báo theo kiểu của văn nghệ).
Như vậy cần tạo những điều kiện tối thiểu, cần và đủ, để báo chí văn nghệ hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn bằng tác phẩm văn nghệ là chính yếu, trong đó kết tinh phẩm chất, tài năng, góc nhìn và phương pháp nghệ thuật tiếp cận đời sống xã hội của văn nghệ sĩ, hướng con người tới những mục tiêu của Chân - Thiện - Mỹ.
Nhà nước cần xem xét lại việc đầu tư hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho báo chí văn nghệ; về tổ chức biên chế nhân sự; về cơ sở vật chất trang thiết bị tác nghiệp, truyền thông hiện đại... cùng với xây dựng các chính sách, chế độ đối với cơ quan báo chí văn nghệ và người làm báo chí văn nghệ, một cách khả thi, trên cơ sở tham khảo các ý kiến đề xuất, tư vấn từ hai cơ quan Bộ Thông tin - Truyền thông và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Về phía cơ quan chủ quản báo chí văn nghệ là các Hội VHNT chuyên ngành TƯ, các Hội VHNT tỉnh, thành phố cần rà soát, chấn chỉnh việc bố trí sử dụng cán bộ thuộc Ban chấp hành Hội, cơ quan Hội là văn nghệ sĩ làm báo chuyên trách trên các cương bị chủ chốt: Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, Trưởng ban biên tập, Thư ký Tòa soạn... theo đúng quy trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn cương vị phụ trách. Với Tòa soạn, tuyệt đối không phân công kiêm nhiệm quản lý, chức danh không đúng ngạch bậc Luật Báo chí quy định, không phải là cán bộ có sở trường chuyên môn về văn nghệ và báo chí.
Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về việc sử dụng các loại cán bộ nhân viên khác (biên tập viên, phóng viên, họa sĩ, nhân viên vi tính, nhân viên sửa morát, nhân viên phát hành - văn phòng, kế toán, thủ quỹ, lái xe...) sao cho đảm bảo phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động mọi mặt của báo văn nghệ.
Từng tòa soạn báo chí văn nghệ cần chủ động xây dựng quy hoạch và kế hoạch hoạt động dài hạn, từng năm, từng quý và hàng tháng, đảm bảo ấn phẩm hay, đẹp và ra đúng kỳ, nhanh đến tay người đọc: chú trọng chất lượng các loại bài vở; tranh ảnh, tin tức, hài hòa giữa sáng tác thuộc các thể loại và chuyên ngành với bài nghiên cứu - lý luận - phê bình; bài diễn đàn, phỏng vấn, trao đổi ý kiến về các vấn đề chính trị - xã hội - nghề nghiệp hữu quan và bức xúc. Đồng thời coi trọng nghệ thuật thể hiện mang bản sắc văn hóa vùng miền, mang phong cách riêng của tờ báo Hội mình (qua đặt tên báo và măng-sét, lo-gô, qua sắp sắp xếp các chuyên mục, ma-két trình bày các trang bìa, trang ruột, sửa mo-rát kỹ lưỡng...)
Duy trì mạng lưới cộng tác viên nòng cốt trong và ngoài Hội, trong và ngoài tỉnh cho từng chuyên mục, thể loại; thực hiện chi trả nhuận bút hợp lý, nhanh gọn; từng bước mở rộng mạng lưới phát hành đến các vùng địa bàn và các loại đối tượng người đọc ở trong và ngoài nước.
Thành thực tự phê bình và tiếp thu phê bình từ phía độc giả đối với báo, Tạp chí của Hội mình, nghiêm túc khắc phục các bất cập, sửa các lỗi do yếu kém để báo chí văn nghệ đáp ứng mạnh mẽ yêu cầu phát triển của các chuyên ngành văn học nghệ thuật, của phong trào VHNT của tỉnh, thành phố.
*
Tóm lại báo chí văn nghệ là loại hình báo chí loại biệt và đặc thù, vừa tuyên truyền đấu tranh bảo vệ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, vừa quảng bá tác phẩm VHNT tốt, lành mạnh tới đông đảo người đọc, xây dựng nền tảng tinh thần tốt đẹp của xã hội, nâng cao thị hiếu và năng lực thẩm mỹ của con người hiện đại, văn minh. Báo chí văn nghệ cần hay, đẹp, được công chúng hào hứng đón nhận và bổ ích đối với họ, để đời cho mai sau.
Cần hoàn thiện sự lãnh đạo, quản lý với cơ chế, chính sách phù hợp để báo chí văn nghệ tiếp tục tồn tại và phát triển, là loại hình báo chí chứa đựng những thông tin thẩm mỹ và giá trị thẩm mỹ cao quý mà không loại hình báo chí nào thay thế được. Sự hiện diện của báo chí văn nghệ là không thể thiếu được, góp phần làm phong phú đời sống tư tưởng, tinh thần, tình cảm và đáp ứng khát vọng cảm thụ cái Đẹp của mỗi con người.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
---------------------
(*) Bài viết nhân Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc, họp tháng 4/2012, tại TP. Huế.
Tiêu đề do tác giả đặt là "Nhận rõ đặc điểm riêng, để báo chí văn nghệ (in, viết) luôn hay và đẹp, đến nhanh với người đọc"
(1) Trường Chinh - Về văn hóa và nghệ thuật, tập II, Nxb. Văn học, H., 1986, tr. 225
(2) Tính là 67 năm, nếu kể từ số 1 Tạp chí Tiên phong của Hội Văn hóa cứu quốc phát hành 12/1945; tính là 64 năm, nếu kể từ số 1 Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam, phát hành 3/1948.
(3) Hồ Chí Minh - Về công tác văn nghệ, Nxb. Sự thật, H., 1971, tr. 43.

1 comment: