.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, May 13, 2012

LIỆT SĨ VỀ BÁO MỘNG VÀ CÂU CHUYỆN TÌNH CHÔN CHẶT 60 NĂM

Tôi không tin vào Thánh Thần ma quỷ, chuyện bói toán báo mộng cũng không. Hồi nhỏ tôi hỏi bà ngoại tôi, người có cả “kho” chuyện ma là: “Bà đã thấy tận mắt con ma nào chưa?”. Bà ngoại bảo: “Chưa”. Tôi cũng hỏi Cụ Nguyễn Văn Khuông, người lính Tây Tiến 92 tuổi đã từng hoạt động nhiều năm ở vùng rừng thiêng nước độc Tây Bắc - Thượng Lào xem Cụ đã gặp ma chưa? Cụ chưa gặp, và cũng không tin là có ma. Nhưng sau chuyến đi tìm bốc mộ liệt sĩ đầu năm trên đất Thượng Lào, cụ đã nằm mơ...


Như bài trước tôi đã viết, khi tìm ra và đưa các anh về, dân bản Lào Khô và chúng tôi chỉ biết tên một liệt sĩ là Nguyễn Tín, còn liệt sĩ thứ hai, chúng tôi chỉ biết tên Lào của anh là Khăm Nhọt, còn tên Việt là gì, quê quán ở đâu, ko ai biết. Phải chăng lòng thành của đồng đội đã thấu đến trời xanh, làm cảm động người đã khuất nên anh đã trở về. Sau đây là lời kể của Cụ Khuông: “Tối về ngủ ngon, không có chuyện gì. Tối hôm sau cũng ngủ ngon. Khoảng 1h30 chợt có tiếng nói ngay bên tai: “Đồng chí Khuông ơi, cảm ơn đồng chí nhé. Nếu muốn biết tôi là ai thì cứ hỏi em Sầm”. Chỉ thế thôi, nhưng Cụ Khuông đã thao thức cả đêm hôm ấy, lục lọi bộ nhớ 92 năm của mình để tìm ra “em Sầm”, lại tìm ra cách liên lạc để biết được bây giờ “em Sầm” đã là một cụ bà 80 tuổi, đang sống ở Hòa Bình. Nhóm CCB tự nguyện đi tìm đồng đội lại lặn lội đến tìm bà. Làm sống lại một câu chuyện đau thương tưởng chừng “sống để dạ, chết mang đi” đã 60 năm...

Tôi đã gặp Cụ Nguyễn Thị Sầm trong buổi lễ mừng năm mới của Đại sứ quán Lào và thuyết phục Cụ viết về chuyện tình của mình với liệt sĩ Khăm Nhọt. 8 trang giấy viết tay đặc kín những dòng chữ run run của Cụ tôi đưa lên để chia sẻ cùng bạn bè. Chỉ còn một điều tôi và các đồng đội băn khoăn: biết tên tuổi, quê quán của liệt sĩ Khăm Nhọt, tức Phạm Ngọc Bân, nhóm CCB đã về tận quê anh, Kim Động, Khoái Châu, Hưng Yên nhưng vẫn không tìm thấy họ hàng, con cháu anh. Nếu ai đó đọc được những điều này, có thể giúp một thông tin, làm một điều gì đó cho liệt sĩ, để có thể mang nắm xương tàn của anh về quê hương bản quán, thì kì diệu biết bao...

Thư của Cụ Nguyễn Thị Sầm:

Tôi sinh ra tại Mường Ét - Xiềng Khọ thuộc tỉnh Sầm Nưa - Hủa Phăn - Lào vì thế cha mẹ đặt tên tôi là Sầm. Cha tôi là người Việt Nam, mẹ tôi là người Lào. Cha mẹ tôi sinh được ba người con, dưới tôi còn hai em trai nữa. Khi cách mạng bùng nổ, nhiều gia đình Việt kiều từ Mường Ét trở về Việt Nam. Tôi được về quê cha ở Hải Dương, học hết lớp 4 và đỗ “sơ học yếu lược".
Đầu năm 1945, cha tôi bị ốm, chết ở Sơn La, tôi phải thôi học. Đó cũng là năm Tầu Ô, Nhật Pháp lũng đoạn nước ta. Bỏ của chạy lấy người, bốn mẹ con tôi tản cư về huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ là quê hương cô em gái nuôi của cha tôi lấy chồng tại đó. 



Chúng tôi mượn đất của cô ấy, dựng túp lều cạnh đường cái, bên sông Thao, sống lần hồi bằng tiền vàng dành dụm của những năm làm ăn về trước. Một chiều mùa đông năm 1947, có đoàn bộ đội ghé nghỉ chân, xin nước uống. Mẹ tôi nói tiếng Lào: “Con lấy nước mời bộ đội”. Có anh trong đoàn hỏi: “Bà là người Việt Nam sao lại biết tiếng Lào?”. Mẹ tôi thong thả đáp: “Tôi là người Lào Mường Ét, chồng tôi là người Việt Nam ở tỉnh Hải Dương. Bây giờ đâu đâu cũng bị Pháp chiếm đóng, cuộc sống khó khăn quá, đành ở tạm đây”. Sau này tôi biết anh là trưởng đoàn, tên gọi Đông Tùng. Hiểu gia cảnh nhà tôi, anh Đông Tùng nói: “Bà có cho cô bé đi công tác cùng chúng tôi không? Chúng tôi đang cần người biết tiếng Lào”. Mẹ tôi đáp liền: “Cháu mới 16 tuổi, bé nhỏ lại là con gái, tôi không cho cháu đi đâu.” Anh Đông Tùng nói: “Xin đảm bảo với bà chúng tôi sẽ chăm lo cho cô bé như con em của chúng tôi. Sang đó cô ấy có thể liên lạc với họ hàng ở Mường Ét thì càng tốt”. Mẹ tôi đắn đo suy nghĩ lâu lắm, bà hỏi tôi: “Các anh ấy nói thế, con có đi không?”. Tôi sợ hãi nói: “Con không dám đi đâu”. Vài hôm sau, các anh đi qua lại vào bảo: “Có cả chị Đông Tùng cũng đi công tác trên ấy mà”. Nghe nói vậy tôi nửa tin nửa ngờ, phần thì thương mẹ, nhớ em. Anh Đông Tùng lại nói lời bảo đảm lần thứ hai. Tôi sực nghĩ thù giặc Pháp làm tan cửa nát nhà, mẹ góa con côi không nơi nương tựa... nên tôi quyết tâm theo cách mạng, dù gian khổ cũng thử sức. Lúc đó là đầu năm 1948. Khi tôi lên đường, mẹ ôm tôi khóc nức nở, dặn dò tỉ mỉ từng chút. Hai em tôi nước mắt lã chã, nhìn như muốn níu chân tôi lại. Tôi thầm nghĩ: “Đã nhận lời đi lại đánh tháo sao được. Vả lại, cũng phải đi làm cách mạng để trả thù đế quốc đang gây tang tóc lầm than khắp nơi”. Long tôi buốt như kim châm nhưng vẫn nén lòng bình tĩnh nói với mẹ: “Con sẽ an toàn trở về với mẹ và em đàng hoàng”. Mẹ tôi nước mắt đầm đìa, chạy theo đưa cho tôi chiếc chăn Lào mỏng để che thân.
Vậy là bắt đầu cuộc hành trình gian khổ của tôi theo các anh, thật là cơ cực. Đường tắt đi qua những cánh rừng rậm không dấu chân người, nào gai góc, nào muỗi vắt, nào cỏ gianh cao quá đầu người... Các anh động viên: “Chịu khó nhé cô em, nếu ta đi đường thẳng thì gần hơn, nhưng lại dễ chạm trán địch”. Vô tình, câu nói đó lại làm tôi sợ hãi thêm. Chốc chốc các anh lại động viên tôi, sắp đến địa điểm rồi.
Hai ngày đi ròng rã, chúng tôi đã đến căn cứ tại Lào Bắc. Anh Đông Tùng giới thiệu tôi với mọi người: “Đây là cô bé Lào lai sinh ra ở Sầm Nưa, tên là cô Sầm”. Một anh thốt lên: “Thế thì có lợi cho hoạt động của ta với đồng bào Lào”. Về sau tôi biết người nói câu đó là anh Bân. Chợt thấy một người phụ nữ mặc quần áo chàm, tôi mừng quá, đoán ngay là chị Đông Tùng. Sau đó anh Đông Tùng giới thiệu những người có mặt để tiện công tác. Bên phía Lào có anh Bẩy tức anh Kay Son, đảng Cộng sản Đông Dương; anh Bun Thăn, anh Phong Phết, anh Si Sa Vát. Bên Việt Nam có anh Phạm Ngọc Bân, tức Khăm Nhọt; anh Bùi Tín; anh Phúc Sàng và một số người nữa tôi không nhớ hết. Anh Kay Son đặt tên Lào cho tôi là Nang Bun Su.
Nghỉ một ngày, tôi bắt đầu nhận công việc giao liên đi liên lạc với các tổ nằm vùng trong những hang đá, nương ngô, nương thuốc phiện của người Mông, người Xá, người Puộc. Chỉ có người dẫn một ngày. Những ngày sau, tôi phải đi một mình. Cải trang bằng váy áo Lào, búi tóc Lào, công văn giấy tờ giấu trong ống cơm lam, tôi đi “nắm trung kiên” từng bản. Tức là nắm những người trung thành với cách mạng. Khi đó đồng bào rất thiếu muối ăn, tôi dân vận bằng muối trắng, nói với đồng bào khi nào trong bản có người lạ thì dấp cành cây ở đầu bản, chúng tôi sẽ không vào. Hàng ngày, dân góp gạo góp rau nuôi cán bộ, chỉ việc bỏ vào hang đá, tôi lại mang về cho đồng đội. Tôi thường xuyên đi một mình xuống các vùng Xe Lép, Lao Măng, Phiêng Sa, Lao Xung... đưa thư từ công văn cho các cán bộ nằm vùng trong những hang đá hiểm trở. Sau đó, mở rộng địa bàn hoạt động sang bên kia sông ? tới vùng Mường Lọng, Xiềng Khọ, Sốp San, Mường Ét. Vượt qua bao thử thách, tôi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, qua thời gian dự bị, tôi được công nhận là Đảng viên chính thức. Sang năm sau, anh Đông Tùng chuyển công tác khác. Anh Kay Son khi đi khi về chỉ đạo chung.
Lãnh đạo trực tiếp khi đó là anh Phạm Ngọc Bân tức Khăm Nhọt. Tôi chỉ ham mê công tác, không biết người chỉ huy đã để ý đến mình. Khi anh Bân ngỏ lời, bị bất ngờ, tôi đã từ chối vì anh hơn tôi 13 tuổi. Sau đó anh em đồng đội thuyết phục tôi nhiều lần. Tôi băn khoăn suy nghĩ. Trước khi đi anh Đông Tùng đã hứa với gia đình, giờ tôi biết nói sao với mẹ. Anh Bân nói: “Ngày gần đây về họp anh sẽ xin phép mẹ”. Tôi thấy anh quá tha thiết và thâm tâm cũng nhiều điểm khâm phục anh nên nhận lời. Khi anh Kay Son về qua đơn vị, anh Bân báo cáo và được anh Kay Son đồng ý làm chủ hôn.
Ngày cưới chúng tôi không có hai họ, không có phông màn, rượu chè, chỉ có cơm xôi, thịt bò và rau rừng. Anh Kay Son tuyên bố xong, nắng chiều còn oi ả, mọi người lại tản đi làm việc trong các hang đá. Phòng tân hôn của chúng tôi là một túp lều tranh trong rừng sâu thẳm, vừa tránh kẻ thù vừa tránh nắng.
Lúc đó anh Bân tâm sự với tôi, anh không ở quê, anh ra tỉnh Hưng Yên làm thợ may “tây”. Tôi tò mò hỏi: “Sao anh ghét Tây, đi làm cách mạng lại còn may quần áo cho Tây?”. Anh cười: “Cô này ngây thơ thật, may “tây” là may áo quần các kiểu, kiểu gì cũng may cắt được.”
Anh nói tiếp: “Tôi được giác ngộ cách mạng từ trước năm 1945 cùng anh Song Hào và anh Trần Huy Liệu. Bây giờ tôi được biệt phái sang đây, giúp ba nước Đông Dương Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia đánh giặc, giải phóng dân tộc, giác ngộ chính trị cho nhân dân.”Tôi thầm nghĩ tức là giác ngộ cả cho tôi, người con gái ngây thơ chưa biết gì.
Tôi lại hỏi tiếp: “Quê chính anh ở đâu?” Anh đáp “Quê anh ở xã Kim Động, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Anh có anh trai là Phạm Ngọc Liệu, con trai anh Liệu là Phạm Ngọc Bảo”. “Thế anh Liệu làm gì?” “Anh Liệu làm lục lộ”. Tôi lại hỏi “Lục lộ là gì?”. Anh bảo: “Là giao thông công chính”. Anh hỏi tôi: “Mẹ em ở Mường Ét, Sầm Nưa thì cha ở đâu?”. Tôi trả lời: “Bố ở xã Gia Tân, Gia Lộc, tỉnh Hải Dương”. Anh lại bảo: “Thế thì như duyên trời se, hai tỉnh gần nhau đấy”
Đầu năm 1952, Ban cán sự Thượng Lào có lệnh triệu tập cán bộ về “Piềng Mướp đất Mường” Hồi Xuân thuộc tỉnh Thanh Hóa để học tập chính trị, tức “chỉnh huấn”. Học xong tôi xin về thăm mẹ ở Xuân Đài, tỉnh Phú Thọ.
Anh Bân nói anh Trần Quyết cho tôi đi cùng vợ chồng anh vì chị Hảo vợ anh Quyết là người Thái Sơn La, cũng thạo đường. Lúc đó anh Trần Quyết là Bí thư tỉnh ủy Sơn La trong thời kì bí mật. Chia tay nhau, anh Bân nói với tôi: “Em về thăm mẹ khoảng năm ngày thôi nhé. Trở lại phân khu sẽ có người đón em lên theo đoàn, rất cần em đấy nhé.”
Về nhà, tôi thấy mẹ đang ốm. Em thứ hai đã làm việc ở Văn phòng tỉnh ủy Sơn La, còn em bé mới lên 8 tuổi. Hết năm ngày phép, tôi trở lại phân khu thì nhận được tin sét đánh: Anh Bân đã hi sinh. Tôi như cái xác không hồn, không ngờ chia tay hôm ấy cũng là ngày tôi mất anh vĩnh viễn. Lúc đó Ban Cán sự Thượng Lào có các anh Đoàn Hồng, anh Khải Ca và anh Hồng Kỳ đều hết sức thương cảm và an ủi. Các anh bảo tôi ở lại Phân khu làm hành chính, không lên Thượng Lào nữa, nguy hiểm lắm. Tôi cố kìm chế, nhưng vẫn không ngăn được nước mắt chảy dài. Hôm tôi dứt áo ra đi, mẹ vẫn nằm trên giường bệnh, em thơ nước mắt lưng tròng nhìn như cầu cứu chị. Chỉ vì nghĩ đến công việc mà đi, ai ngờ chồng lại hi sinh, nhỡ mẹ cũng hấp hối rồi chết nốt...
Trời đất hay kẻ thù đã dồn tôi vào bước đường cùng, tôi như người điên dại, không biết nương tựa vào đâu, thân con gái bơ vơ chìm nổi như chiếc lá giữa sông mùa lũ. Tôi ôm hận chạy thẳng về nhà, không cần giấy tờ, không một đồng trợ cấp, không một xu dính túi bởi ngày đó hoạt động không có lương. Mẹ mất, nhà lại bị cháy một cái bát ăn cơm cũng không còn, thật xiết bao cay đắng. Tôi đã bỏ sinh hoạt Đảng từ đấy để về mò cua bắt ốc nuôi em ăn học. Nhưng cuộc sống chưa yên. Giặc Pháp bắn phá liên tục, ban ngày thì bom bi bom tấn, ban đêm thì pháo sáng trắng đường. Thù nhà nợ nước, tôi lại cùng chị em trong phố Xuân Đài đi dân công tải gạo phục vụ chiến dịch Điện Biên mỗi tháng một tuần. Năm 1954 giải phóng Điện Biên cũng là lúc tôi được cử vào UBND huyện Mộc Châu đánh máy chữ, hàng tháng có lương. Cuộc sống của chị em tôi cũng dần ổn định.
Cuối năm 1955 tôi được chuyển sang ngành văn hóa, làm việc ở hiệu sách nhân dân huyện Mộc Châu. Vừa làm, vừa học văn hóa, từ Cửa hàng trưởng, tôi được đề bạt làm Chủ nhiệm Quốc doanh phát hành sách báo toàn tỉnh Sơn La cho đến lúc về hưu năm 1986. Tôi cũng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ hai. Em sau tôi là Nguyễn Dung, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã ốm chết năm 1993. Em út tôi là Nguyễn Kim Sơn, Ty Văn hóa thông tin tỉnh Thái Bình ốm chết năm 2000. Chồng tôi là Trần Huy Khôi nay đã về hưu trí. Chúng tôi đã có cháu gọi bằng ông bà.

Hơn 60 năm tôi ngậm ngùi ôm chặt mối tình đầu trong lòng, không cho chồng con biết. Hơn 60 năm tôi âm thầm theo dõi trên báo, đài, tivi, rồi tiết mục “Đi tìm đồng đội” nhưng không hề nghe ai nhắc đến anh Bân, cũng không biết tin tức anh em họ hàng gì...
 
Bỗng một ngày tất cả bùng nổ. Ngày 1/4/2012, tôi đang nằm trong bệnh viện tỉnh Hòa Bình vì bệnh cao huyết áp, thì thấy em gái con cô ruột tôi tên Tâm đưa bác Nguyễn Văn Khuông, anh Nguyễn Đức Mai và anh Quảng đến thăm tôi. Các anh đưa tôi về nhà, chiếu ca-mê-ra cho cả gia đình tôi xem cảnh các anh bốc mộ ông Khăm Nhọt, tức người chồng cũ của tôi là Phạm Ngọc Bân. Qua câu chuyện của dân địa phương, tôi tin chắc đó chính là anh vì năm xưa chúng tôi thường xuyên đi lại, hoạt động ở địa bàn đó. Nước mắt đầm đìa, tôi cố nhìn kĩ từng nắm đất, mong thấy lại hình hài anh, người chồng cũ của tôi.
Chồng tôi, các con cháu tôi hết sức sửng sốt, ngỡ ngàng. Càng kinh ngạc hơn khi biết tôi tìm được anh do một lời báo mộng. Bác Nguyễn Văn Khuông đã lựa lời nói với chồng con tôi hãy coi đây là một niềm vinh dự. Lịch sử bản thân tôi trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, năm năm làm giao liên trên đất Thượng Lào tôi cũng muốn quên đi. Duy chỉ có anh, mối tình đầu của tôi, người chồng cũ của tôi là mãi còn trong tâm tưởng...
Hòa Bình 15/4/2012
Nguyễn Thị Sầm

1 comment:

  1. Giác quan thứ 6 có thể làm được những gì mà ngủ quan ở người không thực hiện được. Cao quý thay mối tình đầu không bao giờ lai nhạt.

    ReplyDelete