CHRISTOPHER
HITCHENS
Phạm Vũ
Lửa Hạ dịch
Vẫn bị nhiều chế độ
trên thế giới cấm đoán, Trại súc vật
(Animal Farm) luôn là khối thuốc nổ chính trị – đến nỗi suýt chút nữa tác phẩm
này đã không bao giờ được xuất bản. Christopher Hitchens bàn về “truyện cổ
tích”vượt thời gian, siêu việt của George Orwell.
Trại
súc vật, theo lời của chính tác giả,
“là cuốn sách đầu tiên mà trong đó tôi đã cố hòa quyện mục đích chính trị và
mục đích nghệ thuật thành một, và tôi hoàn toàn ý thức rõ mình đang làm gì”. Và
quả thực những trang sách của tác phẩm này tổng hợp nhiều chủ đề trong số những
chủ đề mà xưa nay chúng ta đã đúc kết là “mang tính Orwell”.[i] Trong số những chủ đề này có nỗi căm ghét
bạo chúa, tình yêu thương loài vật và miền đồng quê nước Anh, và sự ngưỡng mộ
sâu sắc đối với những truyện ngụ ngôn trào phúng của Jonathan Swift. Ta có thể
lồng thêm vào danh sách này ước nguyện thiết tha của Orwell muốn nhìn đời từ
góc độ của tuổi thơ ấu trong trắng: ông vẫn hằng mong được làm cha và, do sợ
mình bị vô sinh, ông đã nhận một cậu bé làm con nuôi trước khi người vợ đầu của
ông qua đời rất lâu. Cái tiểu đề có phần châm biếm của cuốn tiểu thuyết này là
“Truyện cổ tích”, và Orwell rất vui khi nghe những người bạn như Malcolm
Muggeridge và Sir Herbert Read kể con họ rất thích đọc cuốn sách này.
Giống như phần lớn những
tác phẩm về sau của ông – đáng chú ý nhất là cuốn Một chín tám tư
(Nineteen Eighty-Four) cay nghiệt hơn – Trại súc vật là sản phẩm
của việc Orwell tham gia cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trong cuộc xung đột đó,
ông chiến đấu trong hàng ngũ phe chống phát xít và bị thương rồi bị phe ủng hộ
Stalin rượt đuổi khỏi Tây Ban Nha. Những kinh nghiệm từ cuộc chiến đó đã khiến
ông tin rằng đa số quan điểm “phái tả” là sai lầm, và Liên Xô là một dạng địa
ngục mới, chứ không phải một thiên đường utopia sắp mở ra. Ông mô
tả căn nguyên của ý tưởng này trong một trong hai lời giới
thiệu cuốn sách này:
… trong mười năm qua,
tôi đã tin rằng rất cần phá bỏ huyền thoại Xô viết nếu chúng ta muốn hồi sinh
phong trào xã hội chủ nghĩa. Lúc hồi hương từ Tây Ban Nha, tôi đã nghĩ đến việc
vạch trần huyền thoại Xô viết bằng một câu chuyện mà gần như bất cứ ai cũng dễ
dàng hiểu được… Tuy nhiên, những tình tiết thật sự của câu chuyện này mãi về
sau mới nảy ra trong đầu tôi. Một hôm (lúc đó tôi đang sống ở một làng nhỏ),
tôi thấy một cậu bé, chừng mười tuổi, đánh chiếc xe ngựa lớn trên con đường
chật hẹp, thẳng tay quật roi mỗi khi con ngựa cố rẽ ngang. Tôi chợt nghĩ rằng
chẳng may mà những con vật đó biết rõ sức mạnh của chúng, chúng ta đừng hòng
chế ngự được chúng, và nhận ra rằng con người bóc lột loài vật hệt như kiểu
người giàu bóc lột giai cấp vô sản.
Tôi bắt tay vào phân
tích học thuyết của Marx từ góc độ của loài vật.
Tính đơn giản của khái niệm
này dễ bị hiểu lầm theo nhiều cách. Khi dấn thân vào một việc như vậy, Orwell
chọn con đường can dự vào một cuộc tranh luận phức tạp và quyết liệt về cuộc
cách mạng Bolshevik ở Nga: thời đó là một vấn đề gây tranh cãi nhiều hơn hiện
nay. Trại súc vậtcó thể được hiểu rõ hơn nếu được tiếp cận theo
ba đề mục khác nhau: bối cảnh lịch sử của tác phẩm; cuộc đấu tranh xung quanh
việc xuất bản tác phẩm và chuyện về sau tác phẩm được dùng như một vũ khí văn
hóa trong Chiến tranh Lạnh; và việc đến tận ngày nay tác phẩm vẫn hợp thời.
Cuốn sách được viết ở thời
kỳ cao điểm của Chiến tranh Thế giới thứ hai, và ở thời điểm hiệp ước giữa
Stalin và Hitler đã bị thay thế đột ngột bằng một liên minh giữa Stalin và đế
chế Anh. London đang bị Đức Quốc xã ném bom, và bản thảo cuốn tiểu thuyết này
phải được cứu ra khỏi đống hoang tàn sau khi căn nhà của Orwell ở phía bắc
London bị san bằng.
Lối hành xử tráo trở khi
Stalin chuyển từ phe này sang phe kia chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với
Orwell; lúc đó ông đã quen với sự bất lương và tính tàn bạo của chế độ Xô viết.
Điều đó khiến ông nằm trong một nhóm nhỏ thiểu số, cả ở nước Anh chính thống
lẫn trong phái tả ở Anh.
Với một vài thay đổi nhỏ về
trình tự của các sự kiện, diễn biến câu chuyện gần giống với số phận của thế hệ
1917 ở Nga. Như vậy kế hoạch cách mạng vĩ đại của con lợn kỳ cựu Thủ Lĩnh [Old
Major][ii] (Karl Marx) thoạt đầu được gần như tất cả
các loài vật nhiệt tình áp dụng, dẫn đến việc lật đổ Nông Dân Jones (Nga
hoàng), việc đánh bại những người nông dân khác đến chi viện cho ông Jones
(những cuộc xâm lấn Nga của phương Tây trong hai năm 1918–1919 mà hiện nay
người ta đã quên) và việc thành lập một nhà nước kiểu mẫu mới. Trong một thời
gian ngắn, những con vật mới thông minh hơn và tàn ác hơn – đương nhiên chính
là lũ lợn – đặt những con vật khác dưới sự cai trị độc tài của chúng và sống
thụ hưởng như quý tộc.
Lũ lợn tất yếu sẽ đến lúc
có bất đồng nội bộ. Có thể dễ dàng nhận ra những lực lượng xã hội được đại diện
bằng những con vật khác nhau – con tuấn mã Chiến Sĩ [Boxer] là hiện thân của
giai cấp lao động, con quạ Moses là Giáo hội Chính thống Nga– cũng như những
nhân vật dễ nhận diện do những con lợn khác nhau đóng vai. Sự kình địch giữa
Napoleon (Stalin) và Tuyết Tròn [Snowball] (Trotsky) kết thúc bằng việc lưu đày
của Tuyết Tròn, và sau đó là nỗ lực xóa sổ Tuyết Tròn khỏi ký ức của trại súc
vật. Stalin đã cho người sát hại Trotsky đang lưu vong ở Mexico chưa đầy
ba năm trước khi Orwell bắt tay vào viết cuốn sách này.
Một số chi tiết nhỏ hơn
chính xác đến tỉ mỉ. Do tình thế cấp bách của chiến tranh, Stalin đã có nhiều
nhượng bộ mang tính cơ hội. Ông đã thu phục Giáo hội Chính thống
Nga về phe với mình, để càng dễ khoác lên mình cái áo yêu nước, và ông sẽ từ bỏ
“Quốc tế ca” vì bài hát chính thức từ xưa của phong trào xã hội chủ nghĩa có vẻ
quá khiêu khích đối với những đồng minh tư bản chủ nghĩa mới của ông ở London
và Washington. Trong Trại súc vật, con quạ Moses được phép lên
tiếng trở lại khi khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, và đám dê cùng lũ ngựa
cùng đàn gà nghèo khổ bị bóc lột được bảo là bài ca chúng hằng yêu quý “Súc sinh
Anh quốc” [Beasts of England] sẽ không còn được phép hát nữa.
Tuy nhiên có một sự bỏ sót
rất đáng chú ý. Có lợn Stalin và lợn Trotsky, nhưng không có lợn Lenin. Tương
tự, trong Một chín tám tư, ta chỉ bắt gặp Anh Cả Stalin và một
Emmanuel Goldstein Trotsky. Dường như lúc đó chẳng ai chỉ ra điều này (và có
thể nói, kể từ đó đến nay, chẳng có ai ngoài tôi chỉ ra điều đó; tôi mất nhiều
năm mới nhận ra điều rành rành trước mắt như thế).
Việc cuốn tiểu thuyết này
suýt bị xếp xó không được xuất bản thật đáng suy gẫm. Sau khi thoát được trận
oanh tạc của Hitler, bản thảo tơi tả được gởi đến văn phòng của TS Eliot, lúc
đó là một biên tập viên quan trọng của nhà xuất bản Faber & Faber. Eliot,
một người quen khá thân thiện của Orwell, là người bảo thủ về chính trị và văn
hóa, nếu không muốn nói là phản động. Song, có lẽ chịu ảnh hưởng của liên minh
giữa nước Anh và Moskva, ông đã từ chối cho in sách với lý do là sách quá nặng
“tính Trotsky”. Ông cũng bảo Orwell rằng việc Orwell chọn lũ lợn làm kẻ cầm
quyền là lựa chọn đáng tiếc, và độc giả có thể kết luận rằng cần phải có “thêm
những con lợn có tinh thần phục vụ công chúng”. Nhận xét này có lẽ không ngu
xuẩn bằng lời từ chối mà Orwell nhận được từ nhà Dial Press ở in New York; họ
trịnh trọng thông báo với ông là truyện về súc vật không có thị trường ở Mỹ. Mà
đó lại là nhận xét từ xứ sở của Disney…
Tình đoàn kết thời chiến
giữa Đảng Bảo thủ Anh và Đảng Cộng sản Liên Xô cũng nhận được sự bảo vệ tích
cực của Peter Smollett, một quan chức cao cấp trong Bộ Thông tin, và người sau
này bị vạch trần là gián điệp cho Liên Xô. Smollett tự thân khuyến cáo một số
nhà xuất bản từ chối bản thảo, vì thế Trại súc vật không được
chấp nhận ở những hãng xuất bản danh tiếng của Victor Gollancz và Jonathan
Cape. Có lúc Orwell đã nghĩ đến việc tự in sách với sự giúp đỡ của người bạn
Paul Potts, nhà thơ cấp tiến người Canada; nếu vậy, đó có lẽ là một trường hợp
tiên phong của trào lưu tự xuất bản hay samizdat (in và phát hành
lén lút) chống Liên Xô. Ông thậm chí còn viết một tiểu luận đầy phẫn nộ với tựa
đề “Tự do Báo chí” (The Freedom of the Press), dự kiến đưa vào làm lời giới
thiệu: tiểu luận này mãi đến năm 1972 mới được phát hiện và in. Rốt cuộc, danh
dự của ngành xuất bản được cứu vãn bởi công ty xuất bản nhỏ Secker &
Warburg: năm 1945, công ty này ấn hành một số lượng rất hạn chế và trả cho
Orwell 45 bảng Anh.
Rất có thể câu chuyện này
đã có kết cuộc đáng thất vọng như vậy, nhưng hai diễn biến về sau đã giúp cho
tiểu thuyết này có vị trí trong lịch sử. Một nhóm những nhà xã hội chủ nghĩa
Ukraina và Ba Lan, lúc đó đang sống trong các trại tị nạn ở Châu Âu hậu chiến,
tìm thấy một bản tiếng Anh và thấy cuốn sách là một truyện ngụ ngôn thể hiện
gần như hoàn hảo kinh nghiệm của chính họ không lâu trước đó. Ihor Sevcenko,
thủ lĩnh biết tiếng Anh nhờ tự học và dịch giả của nhóm này, tìm được địa chỉ
của Orwell và viết thư xin phép ông cho dịch Trại súc vật sang
tiếng Ukraina. Ông nói với Orwell rằng nhiều nạn nhân của Stalin vẫn tự xem
mình là người của phe xã hội chủ nghĩa, và không tin tưởng một trí thức của
phái hữu nói lên cảm xúc của họ. “Họ vô cùng xúc động trước những cảnh như cảnh
những con vật hát vang bài ‘Súc sinh Anh Quốc’ trên đồi… Họ rất cảm kích trước
những giá trị ‘tuyệt đối’ của cuốn sách”. Orwell đồng ý cấp bản quyền xuất bản
miễn phí (ông cũng làm vậy đối với những ấn bản về sau bằng nhiều ngôn ngữ Đông
Âu). Thật cảm động khi hình dung những cựu quân nhân và cựu tù nhân đã chai lì
qua trận mạc, sau khi vượt qua được bao thiếu thốn của mặt trận phía đông, nay
lại mủi lòng trước hình ảnh những con vật ở nông trại nước Anh cất tiếng ca bài
hát được xem là phiên bản của bài “Quốc tế ca” đã bị bãi bỏ, nhưng đây chỉ mới
là một ví dụ ban đầu của tầm ảnh hưởng mà cuốn sách sẽ có đối với độc giả. Giới
chức quân sự Mỹ ở Châu Âu thì không dễ mủi lòng đến thế: tìm được bản in nào
của cuốn Trại súc vật là họ gom hết rồi giao cho Hồng quân để
đốt. Liên minh giữa những người nông dân và lũ lợn, được mô tả đậm nét đến mức
ám ảnh ở những trang cuối sách, vẫn còn hiệu lực.
Nhưng ở cảnh kết thúc có phần
chua cay, thường được người ta nhớ nhất về chuyện không thể phân biệt được đâu
là người đâu là lợn, Orwell đã tiên đoán, cũng nhưng trong những dịp khác, rằng
tình bạn giả tạo bề ngoài giữa Đông và Tây sẽ không tồn tại được lâu sau khi
chủ nghĩa phát xít bị đánh bại. Chiến tranh Lạnh, cụm từ mà chính Orwell là
người đầu tiên dùng trong sách in, nhanh chóng tạo ra một bầu không khí ý thức
hệ khác hẳn. Điều này lại quyết định cách tiếp nhận Trại súc vật
ở Mỹ. Ban đầu bị Angus Cameron, người có cảm tình với cộng sản ở nhà xuất bản
Random House, từ chối, tác phẩm tưởng đã chìm vào quên lãng được Frank Morley
của nhà Harcourt, Brace, cứu vớt. Khi thăm nước Anh, Frank Morley tình cờ bắt
gặp cuốn tiểu thuyết này trong một hiệu sách ở Cambridge, và ông rất mê. Việc
xuất bản [ở Mỹ] lại gặp hai cái phúc: Edmund Wilson viết một bài điểm sách đầy
thiện cảm cho tạp chí The New Yorker, so sánh tài năng trào phúng
của Orwell với tác phẩm của Swift và Voltaire, và Câu lạc bộ Sách tiêu biểu
trong tháng đã chọn Trại súc vật là đầu sách chính, nhờ đó sách
được in tới gần nửa triệu bản. Bất chấp sự ngu xuẩn của nhà xuất bản Dial
Press, công ty Walt Disney đề xuất chuyển thể sách thành phim. Phim này đã
không được dựng, dù về sau CIA có sản xuất và phát hành một bộ phim hoạt hình Trại
súc vậtdùng để tuyên truyền. Đến lúc Orwell mất vào tháng Giêng năm 1950,
sau khi vừa mới viết xong Một chín tám tư, ông rốt cuộc đã có
danh tiếng quốc tế và nhiều lần phải viết lời phủ nhận trách nhiệm về việc phái
hữu ở Mỹ sử dụng tác phẩm của ông.
Có lẽ câu nổi tiếng nhất từ
tiểu thuyết này là việc lũ lợn phủ nhận khẩu hiệu ban đầu “Mọi con vật sinh
ra đều bình đẳng” bằng cách thêm ý mới “Nhưng có một số con bình đẳng
hơn những con khác”. Khi chủ nghĩa cộng sản ở Nga và Đông Âu càng ngày
càng lộ rõ bộ mặt của một hệ thống “giai cấp mới”, với những đặc quyền phi lý
đến lố bịch dành cho giới chóp bu cầm quyền trong khi đa số thường dân cắn răng
sống lê sống lết cho hết một kiếp tầm thường, ảnh hưởng đạo đức của tác phẩm
Orwell – đơn giản đến mức rất dễ hiểu và dễ dịch, đúng y như ông đã hy vọng –
trở thành một trong nhiều động lực không thể định lượng được làm xói mòn chủ
nghĩa cộng sản cả về mặt hệ thống lẫn về mặt ý thức hệ. Ảnh hưởng này dần dần
lan sang Châu Á. Tôi nhớ một người bạn cộng sản của tôi gọi điện cho tôi từ
Trung Quốc khi Đặng Tiểu Bình công bố “những cải cách” mà sau này đã khơi mào
cái mà bây giờ chúng ta gọi là chủ nghĩa tư bản Trung Quốc. “Nông dân phải giàu
lên”, vị lãnh tụ Đảng tuyên bố, “và một số người sẽ giàu hơn những người khác”.
Đồng chí của tôi gọi điện nói rằng có lẽ Orwell suy cho cùng cũng có lý. Đến
nay, Trại súc vật vẫn chưa được xuất bản hợp pháp ở Trung Quốc,
Miến Điện hay vùng hoang tàn về đạo đức Bắc Triều Tiên, nhưng rồi sẽ đến ngày
tác phẩm này xuất hiện ở cả ba xã hội này, nơi mà nó chắc chắn sẽ được chào đón
với cảm giác sửng sốt khi người ta nhận thấy nó vẫn còn có khả năng tạo cảm
hứng.
Ở Zimbabwe, khi ách cai trị
của bè lũ tham nhũng thối nát của Robert Mugabe ngày càng trở nên quá sức chịu
đựng, một tờ báo đối lập nắm lấy cơ hội in lại Trại súc vật dưới
dạng truyện nhiều kỳ. Tờ báo đăng truyện mà không bình phẩm gì, ngoại trừ
trường hợp một trong những hình minh họa kèm theo vẽ tên độc tài Napoleon mang
cặp kính có gọng sừng đen đặc trưng của chính nhà lãnh đạo Zimbabwe. Tòa soạn
tờ báo này ít lâu sau đó bị đánh bom, nhưng chẳng bao lâu nữa trẻ em Zimbabwe
cũng sẽ có thể thưởng thức cuốn sách này đúng như bản chất của nó.
Ở thế giới Hồi giáo, nhiều
nước tiếp tục cấm Trại súc vật, với lý do bề ngoài là sách nhấn
mạnh đến lợn. Rõ ràng đây không thể là toàn bộ lý do – nếu chỉ vì bè lũ lợn
được khắc họa với một sắc màu rất thiếu thiện cảm – và dưới chế độ chuyên chế
thần quyền của Iran, sách bị cấm vì những lý do liên quan đến thông điệp “cách
mạng bị phản bội” trong sách.
Câu chuyện nhỏ này có một
tính chất vượt thời gian, thậm chí siêu việt. Tính chất này được thể hiện khi
Thủ Lĩnh [Old Major] kể cho đám thính giả trầm lặng và buồn bã gồm những súc
vật đã làm việc quá sức về một thời xa xưa, khi loài vật biết đến khả năng có
một thế giới không có các ông chủ, và khi trong một giấc mơ nó nhớ lại lời và
điệu nhạc của một bài hát tự do gần như đã bị lãng quên. Orwell có cảm tình với
truyền thống cách mạng Tin Lành ở Anh, và lời biện minh ưa thích của ông được
trích từ John Milton, người đã bày tỏ quan điểm “Theo những quy luật đã
biết của quyền tự do cổ xưa”.[iii] Trong tâm trí tất cả mọi người – có lẽ
đặc biệt là trong tâm trí trẻ em – có một cảm nhận là cuộc sống không nhất
thiết phải luôn luôn như thế, và những người Ukraina thiếu ăn sống sót qua
chiến tranh, khi phản ứng trước tính xác thực của những vần thơ đó và trước
điều gì đó ‘tuyệt đối” về tính chính trực của cuốn sách này, đang nghe câu thơ
hùng hồn của Milton bất luận họ có hiểu trọn vẹn câu thơ đó hay không.
______
Ảnh: Lừa và lũ lợn trong bộ
phim Trại súc vật năm 1954. Ảnh: Halas & Batchelor
Nguồn: “Christopher Hitchens re-reads Animal Farm”, The
Guardian, 17/4/2010
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm
Vũ Lửa Hạ & pro&contra
[i] Cũng như nhiều tính từ phát sinh từ tên
riêng của tác giả/học giả/nhân vật lịch sử, ví dụ như “Machiavellian” và
“Freudian”, từ “Orwellian” mang nhiều nội hàm ngữ nghĩa và không thể dịch bằng
một từ duy nhất trong tiếng Việt. Do ảnh hưởng lớn từ các tác phẩm của George
Orwell, đặc biệt là Một chín tám tư và Trại súc vật,
từ “Orwellian” thường dùng để mô tả một chế độ/nhà nước toàn trị và những nỗi
kinh hoàng, và những tính chất hủy hoại cuộc sống an lành của một xã hội mở và
tự do. (N.D.)
[ii] Tên các nhân vật lấy theo bản dịch Trại
súc vật của Phạm Minh Ngọc (ở đây). Để tiện theo dõi, tên tiếng Anh được
để trong dấu [].(N.D.)
[iii] Câu thơ này (By the known rules of
ancient liberty) là câu thứ hai trong bài Sonnet XII của nhà thơ Anh John
Milton (1608-1674). George Orwell trích lại câu này trong tiểu luận “Tự do Báo
chí”. (N.D.)
No comments:
Post a Comment