Quê Hồng Nhu ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú
Lộc. Bố anh nguyên là một thầy khóa. Thuở nhỏ anh thường nghe ông cụ kể nhiều
chuyện nhưng anh thích nhất là chuyện về đời sống tâm linh của bà con Đầm Phá.
Những câu chuyện đó cùng với ký ức tuổi thơ bỗng nhiên thức dậy trong anh. Và
bằng trí tưởng tượng phong phú của một nhà văn có nghề, anh đã tái hiện lại
phần nào đời sống tâm linh ở vùng đầm phá với bao nhiêu câu chuyện huyền bí,
bao nhiêu tập tục lạ lùng.
Lễ hội ăn mày là lễ hội mà thời ấu
thơ anh từng chứng kiến. Lễ được tổ chức ở chợ Cồn, vào giờ Thìn, ngày mồng hai
tết. Mâm cỗ được bà con bưng ra từ sáng sớm. Những người ăn mày trong vùng tụ
tập đông đủ, ngồi vào mâm cỗ “họ ăn một cách đàng hoàng, đĩnh đạc như ăn cỗ ở
nhà mình”. Đây là một lễ hội đầy tính nhân văn. Tiếc là bây giờ đã không còn
nữa.
Lễ nhập vạn đò thì diễn ra “đơn sơ
mà tráng lệ” giữa trời phá mênh mông. Trong chậu nước đặt đầu mũi thuyền có một
con tôm hoặc con cá ngạnh (cá tượng trưng cho bản mệnh của người con trai, tôm
tượng trưng cho bản mệnh của người con gái nhập vạn). Người nhập vạn được ném
xuống đầm, tiếng càng to càng gọn thì “Thần Phá vui lòng”. Tiếng rơi nhỏ lại bị
xòe ra là “Thần Phá không ưng”, phải làm lại vào một dịp khác.
Lễ hợp cẩn cũng là một nghi lễ hết
sức đặc biệt trong đời sống tâm linh của bà con vùng đầm phá. Nghi lễ được tái
hiện qua ngòi bút của nhà văn Hồng Nhu vừa hoang dã vừa trang nghiêm. Chủ lễ là
bố chú rể. Ông thắp hai cây hương to và một nắm hương nhỏ (tượng trưng cho hai
vợ chồng và đàn con) cắm vào bát nhang đặt đầu mũi thuyền. Thắp hương khấn vái
xong, ông dõng dạc hô: Xuống đầm! Đôi trai gái mỗi người ngậm một con cá, trút bỏ
quần áo, cầm tay nhau nhảy xuống nước. Giao phối xong, hai người há miệng thả
cá dâng Thần Đầm. Có lẽ trên thế gian này không có nơi nào tổ chức lễ hợp cẩn
lạ lùng như vậy.
Lễ hạ thủy thì diễn ra ngày tối
trăng. Đêm đầu tiên của mùa trăng sau lễ hạ thủy là tục ngủ trăng mui (cả gia
đình leo lên mui ngủ dưới trăng). Nhà văn tìm hiểu đến từng chi tiết nhỏ nhất
mà ngay cả những người chuyên nghiên cứu phong tục, tập quán cư dân đầm phá
cũng ít ai để ý. Chẳng hạn như chi tiết: khi nằm trên mui trong đêm ngủ trăng
thì “không được nằm ngang, phải nằm dọc”; hay chi tiết: trong lễ cúng Thần Đầm
dịp rằm tháng giêng, sau khi hành lễ xong chủ thuyền phải nhảy xuống đáy đầm
“lạy Hà Bá hai lạy như người ở trên cạn vẫn lạy”...
Nhà văn Hồng Nhu còn cho biết: Dân
đầm phá thời trước không phải đi hỏi vợ mà là đi “cướp vợ”. Họ lân la nơi chợ
búa, gặp cô nào thất cơ lỡ vận thì lập mẹo bắt. Khi bắt, họ nhét củ khoai hoặc
cục cơm vào mồm cô gái chứ tuyệt đối không nhét giẻ, sợ Hà Bá trừng phạt. Bà
Mận vợ ông Vui trong truyện Vịt trời lông
tía bay về và nhân vật Đào trong truyện Lễ
hội ăn mày đều bị những người đàn ông đầm phá cướp về làm vợ như thế. Nếu
không cướp thì có cô gái trên cạn nào dám tình nguyện lấy những người nghèo khổ
lại sống bấp bênh trên sông nước bao la, tít mù như họ?
Hồng Nhu đan cài đời sống tâm linh
và đời sống thường nhật, đan cài quá khứ và hiện tại. Tất cả cùng đồng hiện
trong những trang viết của anh. Dựa vào đời sống tâm linh, Hồng Nhu khai thác
những chi tiết gây sự chú ý, kích thích trí tò mò của người đọc. Chẳng hạn như
cái giếng của nhà Lệ vì sao có tên là giếng loạn? Những câu chuyện, sự việc,
hiện tượng... chung quanh giếng loạn cứ hư hư thực thực hết sức bí hiểm. Ví như
hiện tượng nước trong giếng dù nắng hay mưa cũng không hề thêm hoặc bớt một
giọt nào. Đôi cá thia nhỏ bằng ngón tay út thả trong giếng đã bao nhiêu năm vẫn
không lớn thêm. Rồi chuyện chị em Lệ có lần đến chơi bời, vầy đất, vầy cát ở đó
dẫn đến việc Lệ bỏ nhà ra đi càng làm cho người đọc hồi hộp theo dõi. Có thật
là giếng loạn thiêng đến thế không? Câu chuyện kết thúc hết sức bất ngờ: Lệ trở
về với niềm hạnh phúc gia đình tự mình lựa chọn. Lúc đó mọi người mới vỡ lẽ
giếng loạn tức là giếng yên như tục ông bà ngày xưa đặt tên gọi thường ngày cho
con cái thật xấu để mong con cái gặp điều tốt đẹp. Nội dung không có gì mới
nhưng nhà văn triển khai câu chuyện hết sức tài tình. Phải có tay nghề cao và
vốn sống thật phong phú mới viết được những thiên truyện ngắn đặc sắc như Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày, Cổ
tích làng, Giếng loạn...
Anh Nguyễn Khắc Phê trong bài viết Hồng Nhu tuổi hồi xuân, in trên báo Văn
nghệ có tổng kết: ở Hội Nhà văn Huế, Hồng Nhu là người cao tuổi nhất, sáng tác
truyện ngắn và làm thơ đều tay nhất, nhận nhiều cú đúp giải thưởng nhất (ba lần
giải thưởng Hội LHVHNT Việt Nam, hai lần giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội,
ba lần giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô)… Mới đây anh được tặng Giải thưởng
Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012)... Bạn bè văn nghệ ở Huế vẫn gọi đùa Hồng
Nhu là nhà văn Đầm Phá.
Mai Văn Hoan
Nguồn: VHQN
No comments:
Post a Comment