.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, September 16, 2012

TRẦN KỲ TRUNG: LẦN ĐẦU ĐƯỢC DỰ MỘT HỘI NGHỊ QUỐC TẾ, CŨNG THẤY VUI VUI, THẤY GÌ GHI NẤY

Không biết mọi người nghĩ sao, mình lại thấy hơn lãng phí. Một ông đã từng dự nhiều cuộc như thế này nhận xét:“ Mỗi suất ăn thế này, tớ cam đoan, cỡ một triệu, một người.”. Đói bụng, mệt, buồn ngủ... mà ăn sang,  sao không thấy ngon? Vì đơn giản, Nhà văn Việt Nam mấy khi được chiêu đãi như thế này, nên không quen miệng. Đến miếng thịt cừu nướng, cầm lên, xoay ngang, xoay dọc không biết bắt đầu ăn như thế nào? Dai, nhiều mỡ, trông như còn sống, ăn hơi ghê ghê... đó là cảm giác của mình khi cắn vào miếng thịt cừu nướng, nghe đâu cũng cả trăm ngàn.


CHUYỆN BÊN NGOÀI HỘI NGHỊ NHÀ VĂN BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG – Ghi chép

Lần đầu được dự một hội nghị quốc tế, cũng thấy vui vui, thấy gì ghi nấy, âu cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Mới đầu mình tưởng Hội nghị này chỉ là nơi gặp gỡ các nhà văn ba nước, gặp gỡ trò chuyện rồi thì... liên hoan. Té ra, không phải. Có thư của thủ tướng ba nước chúc mừng, quá ghê! Đã thế, các nhà văn của các nước Lào, Căm Phu Chia, Thái Lan, Ấn Độ ăn vận sang trọng, comlê, thắt caravát, quần áo dân tộc rất đẹp. Riêng đoàn Việt Nam quen tác phong “ giản dị” chỉ áo bỏ trong quần, có ông đeo kính đen, đầu hói trông như thầy bói.
Nhìn kỹ, cũng có vài người ăn vận comlê, nhưng do ngồi đoàn chủ tịch như Nhà văn Lê Quang Trang, hoặc giả như tăng thêm phần oai phong của dáng đi bệ vệ như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu. Điều mình ngạc nhiên là hai trưởng đoàn của đoàn nhà văn Lào và Căm Phu Chia, có thể trao đổi với các nhà văn Việt Nam bằng tiếng Việt chính hiệu.  Đấy Là điều may cho trưởng đoàn Việt Nam, nhìn các vị ấy hỉ hả, nói chuyện không phải “ bằng tay” thế là thấy tiếng Việt của mình cũng có giá với quốc tế.
Thâm tâm, cứ mong tiếng Việt thành ngôn ngữ phổ biến toàn thế giới, đỡ phải học ngoại ngữ. Hiện nhà văn Việt Nam biết nhuần nhuyễn tiếng Anh như kiểu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong HNV Việt Nam, đếm trên đầu ngón tay, khéo vẫn còn thừa. Mình chứng kiến, khi mấy nhà văn Căm Phu Chia, Lào lên đáp từ nhận giải thưởng bằng tiếng Anh, vì phát biểu ngẫu hứng, người phiên dịch không dịch kịp, khi kết thúc mình vỗ tay rất to,  một ông ngồi cạnh nói nhỏ vào tai mình, tưởng mình biết tiếng Anh: “ Ông ấy nói gì, mày biết không?”. Mình lắc đầu “ Thấy kết thúc bài phát biểu bằng câu “ Thanh kiu” nên em vỗ tay”. Ông ấy cười: “ Sao mày giống anh thế!”.
Trong bài phát biểu đáp từ có chuyện vui, đấy là bài phát biểu của Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung mà anh em nhà văn gọi đùa ông là “tướng về hưu”. Tuổi cao, sức yếu, chân đau, nói chậm đã vậy bài phát biểu của ông ghi ra giấy cũng hơn bốn trang A4. Ông vừa đọc, lại có người vừa phiên dịch nên chiếm rất nhiều thời gian. Thời gian đã gần trưa, Thiếu tướng – nhà văn Nguyễn Chí Trung cứ đọc nhẩn nha, đủ thứ chuyện trên đời, bên Căm Phu Chia thời Pôn Pốt. Mà những chuyện như thế này mọi người đều biết cả. Tất cả mọi người dự khán đều mệt mỏi, cứ mong cho bài phát biểu của Thiếu tướng – nhà văn mau kết thúc.
Đến khi Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung kết thúc bài phát biểu, một người chạy lên đỡ ông đi xuống, các nhà văn ngồi bên dưới thở ra nhẹ nhõm và... hình như, từ đây bắt đầu hình thành câu thành ngữ : “ Dài như Nguyễn Chí...”. Rõ nhất, Nhà văn Tô Đức Chiêu, thay mặt những nhà văn Việt Nam lên đáp từ về việc nhận giải. Vừa đọc, vừa có người dịch, thời gian đang đến gần “ngọ” nên mọi người cảm thấy dài. Khi về đến chỗ ngồi, nhà văn Tô Đức Chiêu được mọi người gọi lại, nói nhỏ vào tai, rồi tất cả cùng cười. Mình chẳng hiểu chuyện gì. Đến khi Nhà văn Tô Đức Chiêu về lại ngồi cạnh mình, đưa cho bài đáp từ vừa đọc, nói: “ Mày xem, tao viết ngắn thế này thế mà thằng L, thằng T..., chúng nó bảo tao là “ Nguyễn Chí Chiêu” nghe có bực không ?”. Nói thế, nhưng không hiểu sao Ông cười có vẻ thích thú.
Nói chung, theo mình, ấn tượng nhất trong hội nghị này là mấy ông nhà văn, nhà thơ Ấn Độ. Đoàn nhà văn Ấn Độ tham dự hội nghị này với tư cách là khách mời. Các Ông ấy nhiệt tình, vui vẻ, thân thiện... mỗi tội hay đứng một mình vì trong đoàn nhà văn Việt Nam, như nói ở trên, rất ít người biết tiếng Anh. Mình chỉ thấy một lần, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đứng nói chuyện với ông ấy, được ông ấy tặng cho một tập thơ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào hội trường nói với mình: “ Ông ấy mừng lắm, nói, may quá tôi lại tưởng nhà văn Việt Nam không có người biết tiếng Anh. Thế là ông ấy nói, nói vô hồi kỳ trận, cứ như chưa được nói bao giờ...”. Rồi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều góp ý : “ Ông cũng nên học tiếng Anh đi! Để còn nói chuyện với người ta.” Mình rất cũng đồng ý với ý kiến này, nhưng cũng giống như nhà văn Thái Bá Lợi từng nói: “ Đi nước ngoài không biết tiếng Anh, thấy xấu hổ nhưng về đến Việt Nam lại hết xấu hổ, vì thấy xung quanh ai cũng giống mình, giỏi tiếng Việt nên không cần học tiếng Anh.”. Một nhân vật được các nhà văn Việt Nam chú ý là ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ồng tham dự với tư cách khách mời, nhưng trên thực tế, Ông gần như tham dự hết nội dung chương trình từ phát biểu chào mừng, trao phần thưởng, đến giao lưu với các nhà văn Việt Nam. Trong buổi liên hoan, mình mời Ông đến gặp một số nhà văn Việt Nam. Ông sốt sắng đến ngay. Nhà văn Đình Kính, Nhà thơ Lê Huy Mậu, Nhà văn Tô Đức Chiêu... bên ly rượu vang có những cuộc trao đổi chân tình, cười vui, không có khoảng cách, tuy có người đây là lần đầu gặp Ông. Qua cuộc nói chuyện, Nhà thơ Lê Huy Mậu nhận xét: “ Tay này phải làm đến thủ tướng mới xứng đáng.”
Buổi chiêu đãi của UBND Thành phố Đà Nẵng phối hợp với khách sạn Purama diễn ra trong một nhà hàng quá sang trọng, lần đầu tiên mình dự. Không biết mọi người nghĩ sao, mình lại thấy hơn lãng phí. Một ông đã từng dự nhiều cuộc như thế này nhận xét:“ Mỗi suất ăn thế này, tớ cam đoan, cỡ một triệu, một người.”. Đói bụng, mệt, buồn ngủ... mà ăn sang,  sao không thấy ngon? Vì đơn giản, Nhà văn Việt Nam mấy khi được chiêu đãi như thế này, nên không quen miệng. Đến miếng thịt cừu nướng, cầm lên, xoay ngang, xoay dọc không biết bắt đầu ăn như thế nào? Dai, nhiều mỡ, trông như còn sống, ăn hơi ghê ghê... đó là cảm giác của mình khi cắn vào miếng thịt cừu nướng, nghe đâu cũng cả trăm ngàn.
Nghĩ lại tiếc, vừa mới trưa ngày hôm trước, mình với nhà văn Trần Đức Tiến,  Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà thơ Ngân Vịnh làm một bữa thịt chó đầm đà, ngon miệng, đầy bản sắc dân tộc.. .giá cả lại vừa phải có lẽ chỉ gần bằng giá hai miếng thịt cừu nướng này, mà thấy ngon đến lạ. Giá như buổi chiêu đãi này tổ chức ỏ một nhà hàng dân tộc, vừa nhiều món ăn như bún măng, cao lầu, phở... vừa ngon, vừa rẻ, vừa dễ nói chuyện... hay hơn. Nhà văn vốn thích thế. Không gian giản dị, khoáng đạt, chân tình có khi chỉ là bãi cỏ, sân trời, mênh mông của gió thế là bao nhiêu chuyện có thể kể, nghe. Còn ở trong một nhà hàng sang trọng, không gian không quen, đến cả cầm ly rượu vang còn ngập ngừng, ngồi nói xã giao với quan khách, có lúc thấy gượng gạo thế nào ấy.
Buổi chiều các nhà văn dự Hội Nghị vào tham quan Hội An và dự chiêu đãi của Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong không gian rộn tiếng đàn ca, với các món ăn dân tộc như cao lầu, cơm hến, bánh cuốn...cộng với sự tiếp đón chân tình của các bạn trong Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam, mọi khoảng cách hầu như không còn. Các Nhà văn, nhà thơ của các nước tham dự đều vui. Chẳng thế, khi lời bài hát dân ca Lào “ Hoa chămpa” vừa cất lên, “ Bác” Chánh văn phòng Hội Đỗ Hàn vội lên sân khấu múa “ lăm tơi” với chị Phiêulavăn, trưởng đoàn nhà văn Lào.  Lại vui hơn, ba cô diễn viên khuôn mặt xinh, da trắng hơn tuyết, má hồng của đội Văn nghệ phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hội An hóa thân vào thành ba vũ nữ đẹp như tiên lồ lộ đùi, tay, bụng... trong một điệu múa Chăm, tất cả nhà văn, nhà thơ không phân biệt quốc tịch có máy ảnh, camêra vội tiến sát đến sân khấu cách các cô gái này múa đâu chỉ có... một mét chen chúc để chụp ảnh, để quay phim. Chỉ tội cho các nhà văn, nhà thơ ở phía sau không có điều kiện để tiến sát sân khấu, chỉ xem điệu múa này qua tiếng nhạc đệm và gáy, lưng, đầu của mấy nhà văn, nhà thơ đang quay phim, chụp ảnh, còn hình các cô gái đang múa đành... tưởng tượng!
Đoàn đại biểu nhà văn ba nước còn đi thăm Huế, Bà Nà. Đi tham quan những địa danh này, mình không ghi lại, mọi người cũng biết, nhưng điều mình muốn viết, rất ấn tượng là đêm chia tay “ giã bạn” của các đoàn nhà văn. Lần đầu tiên mình chứng kiến nhà thơ Văn Công Hùng làm MC, may mà ông ấy không biết tiếng Anh, chứ biết tiếng Anh, chắc còn vui hơn nữa. Nhà thơ Văn Công Hùng hoạt náo, gần như cuộc vui không dừng lại, ai cũng muốn lên hát, lên đọc thơ. Nhà thơ Văn Công Hùng giới thiệu mình lên đầu tiên. Đã lẩm nhẩm trong đầu bài hát gần như mình rất thuộc: “ Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” thế mà lên hát, cũng quên trước, quên sau chỉ được mỗi tội “rống” rất to. Trước khi hát, một kỷ niệm lớn ập về.
Năm 1972, mình hành quân qua Stungcheng, Crachiê rồi Mimốt...( Căm phu chia) cái câu ca bằng tiếng Căm Phu Chia thành câu cửa miệng của bộ đội Việt Nam hồi đó: “ Việt Nam – Căm Phu Chia, xa ma ky, xi bò hót, ót xờ bai, bê năm hai, banh ót rọt” (  Mình nhớ đại ý: Việt Nam, Căm Phu Chia cùng đoàn kết, ăn mắm bò hóc, không sợ gì cả, đến bê năm hai của Mỹ, ném không trúng). Mình đọc câu này lên cho các bạn nhà văn Căm Phu Chia nghe, các bạn vỗ tay, cảm động. Mình còn nhớ cả câu bộ đội Việt Nam đi “tán gái” hồi ấy: “ On xơ lanh bòn tê?” ( Em có yêu anh không ?” ), nay mình đọc lại câu này, nhưng nói: “ Đến bây giờ chúng tôi, các nhà văn Việt Nam vẫn rất yêu người Căm Phu Chia, đất nước Căm phu Chia.”. Mình nói thật lòng, các bạn Căm Phu Chia lại vỗ tay. Tất cả những điều này mình không chuẩn bị trước, nhưng trong sâu thẳm, những năm tháng ác liệt của chiến tranh trên chiến trường Căm Phu Chia thủa ấy, đã để lại cho mình nhiều kỷ niệm không thể quên, Gặp các bạn Căm Phu Chia, nghe tiếng Căm Phu Chia kỷ niệm ấy như có ai kéo mạnh lên, sống dậy, hiển hiện.
Trong cuộc vui tạm biệt này mới thấy tiềm năng ca hát của nhà văn, nhà thơ Việt Nam là vô tận. Cứ tưởng “ bác” Đào Thắng cục mịch, đi đứng chậm rãi, ai ngờ! Hát rất hay. “ Bác” đứng nghiêm, một tay buông thẳng, còn tay kia, “ bác” cầm micrô đưa ngang miệng, giọng ophêra cất cao không khác NSND Trung Kiên là mấy, hai bài liền, toàn bài có chất lượng: “ Bài ca bên cánh võng” và “ tình ca”. Không khí sôi nổi, dào lên hơn sóng biển, thế là tất cả cùng hát.
Đoàn nhà văn Thái Lan hát chung một bài tiếng Thái, do Ông trưởng đoàn cầm giấy lĩnh xướng. Đoàn nhà văn Lào  cùng với một nhà văn Việt Nam biết tiếng Lào hát chung bài: “ Nước Lào tự do”. Đến cả đoàn nhà văn Ấn Độ cũng lên, hai ông hát chung bài tiếng Anh, vì không biết tiếng Anh nên mình đoán,  chắc nội dung bài hát đó là cảm động, nói đến chia tay mà không nỡ... Sao nghĩ vậy? Vì mình thấy mắt các ông lim dim, lời bài hát lên bổng, xuống trầm, rồi ôm nhau như không dứt ra được và khi các ông buông nhau ra ... “ thanh kiu” là mình hiểu, vỗ tay, tất cả vỗ tay. Cảm động quá!!!
Cuối cùng, rất giống các cuộc mít tinh trong nước, kết thúc là bài hát “ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” tất cả, không phân biệt nhà văn nước nào, tay cầm tay, quây tròn cùng hát cho đến tận câu cuối: “ Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Hồ Chí Minh...”.
Thế mới biết là:
                 Bác là Bác của chúng ta
           Cũng là Bác của cả nhà Đông Dương...

TRẦN KỲ TRUNG
Nguồn: Trankytrung.com

No comments:

Post a Comment