.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, June 22, 2012

PGS TS HỒ THẾ HÀ: THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU NHÌN TỪ MẪU GỐC


PGS Hồ Thế Hà
Mỗi nhà thơ đích thực, có thân phận và số phận của riêng mình khi bị ám ảnh bởi những hình tượng đặc biệt nào đó từ trong hiện thực cuộc sống - nhưng là những hình tượng đã trở thành hữu thức và vô thức, có cả vô thức tập thể mà mình không hay biết để trở thành thi giới lung linh, huyền ảo, làm thành bản mệnh thơ và bản mệnh người, đồng nghĩa với phong cách cá nhân, thi pháp cá nhân - điều mà nhà thi pháp ngữ học R. Jakobson gọi là chất thơ (poétique) cần phải có ở mỗi thi sĩ. Từ đó, có thể quy chiếu trường hợp Nguyễn Quang Thiều, theo cách khái quát của chúng tôi, đó là những mẫu gốc (hay còn gọi là cổ mẫu - archétypes) mà nhà thơ cảm nhận, kiến tạo và hóa thân thành máu thịt từ thuở ấu thơ cho đến cả hành trình sống, bỗng một ngày chúng bừng thức, cựa quậy trong suy nghĩ, trong những thao thức đêm của anh. Và rồi cuối cùng, chúng hiện lên thành hình hài những con chữ chập chờn, hư ảo - thành tiếng vọng thi ca, thành những hình tượng nổi trội (dominant) của vô thức và hữu thức sáng tạo.
*
Là nhà thơ hiện đại, Nguyễn Quang Thiều đã chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi một thế giới bất an và đầy ám ảnh đối với mỗi thoáng chốc hiện sinh đời người, trong đó, nhà thơ là chủ thể thẩm mỹ nhạy cảm nhất, muốn nói lên thành tiếng nói cũng ám ảnh và tổn thương, làm thành vết sẹo trong tâm hồn và tạo thành chấn tích thi ca về một khách thể thẩm mỹ riêng, có sức lay động và day dứt, như là chứng chỉ khai sinh của anh khi trái tim anh lặn sâu vào đáy vực tâm hồn.
Hình tượng mẫu gốc ám gợi nhất trong thơ Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa - nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi mà anh - với tư cách một nhà thơ đã tự cho phép mình phải tuyên ngôn về nó như một tình cảm và mệnh lệnh tối thượng mà anh gọi là Bản tuyên ngôn của giấc mơ. Tuyên ngôn của anh là bài hát trong đêm lặng thầm chỉ riêng anh đối diện với chính mình dưới “những vì sao ướt đẫm” để được nghe tiếng vọng từ xa lắc của “Những ngọn gió hoang mê dại tìm về”. Cũng lúc ấy, mọi hiện thực đồng hiện, tương giao.
Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức một mình
Và đặc biệt là dưới ngọn đèn dầu có sức ám gợi tuổi thơ anh - ngọn đèn do ông bà anh, cha mẹ anh để lại mà anh gọi là “Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn - Thuở tôi vừa sinh ra - Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi - Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc”. Lửa đèn, ngọn lửa như Bachelard đã ám ảnh và mộng mơ, giờ xao động trong tâm tưởng  Nguyễn Quang Thiều. Lửa đèn leo lét gợi nhắc niềm mộng mị, sự cô đơn, khắc khoải. Lửa đèn tự do nhưng quầng tụ thành ngọn, thành một cái gì đó cố định, để chống lại sự rét mướt và xua tan bóng tối. Đó là ngọn lửa của làng Chùa - một phần bản mệnh cuộc đời anh. Mẫu số chung của thơ Nguyễn Quang Thiều chính là cái làng Chùa - mẫu gốc của sáng tạo thơ, bừng ngộ thơ nơi anh. Làng Chùa trở thành niềm sầu xứ (nostalgie) khôn nguôi, cứ kéo dài mãi trên hành trình yêu thương và hoài vọng. Cố hương là bài ca bất tận, là báu vật có tên gọi nỗi buồn đồng hiện trong thơ:
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy ròng ròng

Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi.

Mẫu số chung làng Chùa lặp đi lặp lại thành những ám ảnh thơ, hình tượng thơ đa phân trong thi giới Nguyễn Quang Thiều. Đó là những cánh đồng, khu vườn, là ông bà và bố mẹ, là thế giới của côn trùng và loài vật, cỏ cây hoa lá, là những người đàn bà quê tần tảo và những đứa trẻ dáng nâu, là dòng sông Đáy dạt dào trong tâm thức, là những bãi tha ma và nấm mồ hoang lạnh... Đó chính là thế giới hiện thực hiển minh và trầm tích, làm thành văn hóa, phong tục trong thơ Nguyễn Quang Thiều để bật lên thành tiếng gọi: “nỗi buồn - báu vật cố hương tôi” mà anh nguyện suốt đời canh giữ như một sở hữu, một mẫu thiêng, một hoài hương vĩnh cữu.
Dòng sông Đáy là ám gợi da diết, dòng sông chảy trong tâm thức làng Chùa mà Nguyễn Quang Thiều đã tắm suốt tuổi thơ, tắm cả trong những giấc mơ mộng mị. Để giờ đi xa còn nhói buốt những nỗi buồn.
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.


Dòng sông như khúc ruột của làng. Nước sông xanh mát, tưới thắm ruộng đồng. Nước bao giờ cũng vậy, mềm dịu, nhẹ nhàng. Nước đàn bà. Nước ẩm ướt. Nước nuôi dưỡng linh hồn người. Nước khởi thủy là nước ối trong lòng mẹ. Nước làng Chùa từ cội nguồn sông Đáy lặn sâu vào lớp đá ong chảy mát xanh như suối lệ trong hồn Nguyễn Quang Thiều. Hơn thế, sông còn là nơi hò hẹn, là nơi tình yêu đầu đời khẽ rung lên những dư chấn nhẹ nhàng và xốn xang lồng ngực. Vậy mà ngày trở lại làng Chùa, dòng sông như quặn đau trong mắt người xa xứ, bởi vì em đã sang ngang, những bãi bồi đã khác. Và “Mẹ tôi đã già như cát bên bờ - Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi - Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt - Tôi khóc - Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng” (Sông Đáy).
Vậy là, xuất phát từ làng Chùa, Nguyễn Quang Thiều đã có nơi bám víu và nương tựa để liên tục gọi về những ký ức quê hương, những trầm tích của tâm hồn mà tôi gọi là những tái sinh từ mẫu gốc. Đó là người bà bất hạnh, người đánh thức những vô thức tuổi trẻ trong anh, để giờ nó bật lên thành tiếng nói thi ca, thành tâm thức sáng tạo như anh đã thú nhận trong Thay lời tựa của tuyển tập Châu thổ  “Những câu chuyện được bà tôi kể liên miên trên giường bệnh trong suốt bốn năm lại không chỉ kể về bà tôi mà còn kể về những câu chuyện ám ảnh và trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đời sống tinh thần của người. Bà tôi không hề có ý mù mờ hoá quá khứ của mình. Ngược lại, bà tôi đã dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình. Hiện thực này, theo tôi, nó giống như hiện thực của một bài thơ.
... Có một lần tôi đã nói rằng, bà tôi - một nông dân không biết chữ - là nhà văn đầu tiên và vĩ đại của tuổi thơ tôi.
... Và qua chính giọng nói ấy của bà tôi, tôi đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của tôi. Một đời sống mà chẳng bao giờ mất đi như ta tưởng. Một đời sống làm chúng ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ. Một đời sống đã hoá giải dục vọng của chúng ta. Nó đôi lúc mang đến cho tôi một cảm giác nếu tôi chém vào không gian một nhát dao thì ở đó một cái cây trong suốt bị đổ gục, một ngón tay trong suốt bị đứt lìa... Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra”. Tôi gọi đó là cứu cánh, là bệ đỡ và là bảo hiểm của thơ Nguyễn Quang Thiều hay có thể gọi là mẫu gốc tâm hồn để anh đồng hiện thành thế giới hình tượng làng quê bền vững nhất. Những cánh đồng rau khúc, những con đường phù sa, những triền sông ngô cỏ và bao hình ảnh khác hiện về cho anh bật khóc “Không có gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng rau khúc - Sương dâng hơi chõ xôi mùa cuối của bà tôi - Những con chuột đồng ướt át và run rẩy gọi tôi - Về xứ sở những lùm dứa dại”. Vậy là, từ hình ảnh người bà, hiện lên bao ký ức làng quê, là chứng chỉ thời gian bền vững và trầm lắng nhất: “Tôi khóc những ngón tay bại liệt của bà tôi không bao giờ chịu tự sát - Tôi khóc những miếng bánh nóng như một cái lưỡi rơi vào bếp tro bụi bặm - Tôi khóc những mùa rau khúc thiêng liêng phủ đầy mưa xuân như phủ đầy cám nếp - Nơi mãi mãi giấu vùi hơi thở của bà tôi”. (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Và hệ hình lây lan từ người bà là người mẹ tảo tần, thương cảm của đời anh, cũng lại đặt trong liên hệ với quê hương, với cát: “Mẹ tôi đã già như cát bên bờ - Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi” (Sông Đáy),
Chẳng còn mẹ và cũng chẳng còn cha cho anh gục mặt khóc một trận đã thèm. Hình ảnh người cha cũng thành ám ảnh thời gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều: “Bao năm sau cha trở về tóc trắng”, ở đó “Tóc cha trắng một tiếng cười ngửa mặt” (Tiếng cười). Có gì nghẹn đắng và uẩn súc lắm!
Và rồi, người cha cũng đã hư vô trước chén trà của đứa con nhiều lỗi lầm tuổi nhỏ "- Cha! - Con có tội một lần một chiều xưa nói dối - Con mang tội suốt đời lời nói thật sáng nay". Để bây giờ, trong thinh lặng, không sao chuộc lại dại khờ.
Con sao tìm lại ấu thơ
Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên
Con từng ba dại bảy điên
Chén trà con rót tràn miền đắng cay
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Chén trà, con có gì hơn
Mời cha rồi muốt tủi hờn sau cha

Thưa cha, con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con
(Dâng trà)


Thơ Nguyễn Quang Thiều là thế giới của hồi tưởng và đồng hiện, với cách thế, anh mới tìm lại thời gian đã mất (à la recherche du temp perdu) của chính mình. Qua sự vực dậy những ký ức ấy, anh mới thức nhận về quê hương một cách bừng ngộ và thiêng liêng, chân thành nhất. Đặc biệt là những người đàn bà mang thiên tính nữ cao đẹp trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ là những người gắn bó với quê hương, sông nước và cỏ hoa, gắn với những gì đồng nghĩa với sự thủy chung, dạt dào và tái sinh mầu nhiệm. Chúng là những biểu tượng lâu đời nhất, giống như những thần thoại, cổ tích - những mẫu gốc làm nên sự sống bền vững và nhân bản của cõi người. Giờ trong ký ức chập chờn nguồn cội, anh như thấy những người phụ nữ ấy hiện về nguyên vẹn sau nửa đời lưu lạc, di thê.
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi lăm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.

Thế mà những thế giới buồn và nhức buốt ấy lại có khả năng hóa giải mọi bi ai để trở thành hiện thực nặng nhọc, trì hoãn mọi vật. Cái đẹp trở nên buồn và đắng như hạnh phúc: "Gió lạnh lồng lộng bốn phía chân trời - Con bò nguyền rủa con đường quá dài - Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm - Người đàn bà lặng lẽ quàng lại khăn - Che bớt gương" (Cái đẹp). Và nhà thơ chỉ còn biết vọng trời cao để cho nỗi buồn có chỗ trú ẩn dưới sao trời.

Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa

Ta như hai đứa trẻ non mềm vừa mới sinh ra
Với hơi thở của người vừa ốm dậy
Ta ôm nhau ngước mắt gọi sao trời.
(Những ngôi sao)
Tôi xin trích lại ý kiến của Charles Simic (nhà thơ Mỹ, Giải Pulitzer 1990) mà Nguyễn Quang Thiều tâm huyết đặt trong Thay lời tựa của Tuyển thơ Châu thổ: "Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ". Thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều là những khoảnh khắc ấy. Chúng không phải là những số cộng giản đơn mà là tan hòa, chuyển hóa trong nhau để thành chất thơ riêng.
Có một biểu tượng nhức nhối khác gắn với quê hương, gắn với làng Chùa là Đất, có khi anh gọi là Đất đai hay Châu thổ cũng thế. Tôi gọi đây cũng là cổ mẫu then chốt, ám ảnh để nhận ra chất thơ riêng của anh. Đất trong thơ anh cũng lạ và được nhìn ngắm từ cội nguồn văn hóa làng quê:

"Đất nâu thẫm hắt lên rười rượi - Mưa luênh loang, ngây ngất đáy chiều" (Cánh đồng).
Trước trái đất đang nóng lên từng độ
Và trái tim con người cứ lạnh dần đi
Thì tôi phải cần em, cần bạn bè cây lá
Cần có một quê hương
để được trở về mình
(Đêm gần sáng)

Có một biểu tượng đáng chú ý nữa trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là nấm mộ. Nấm mộ như biểu tượng về mặc cảm chết (complexe de mort) trong thơ anh, nó có liên quan đến thế giới hiện sinh, những ám ảnh về sự ra đi, sự tan rã vào đất đai, cây cỏ và hư vô.

Chúng ta th­­ường chăm sóc những ngôi mộ

bằng nỗi sợ hãi và tiếc thư­­ơng
Nh­­ưng ít ng­ư­ời chúng ta nhìn thấy
cỗ xe tang lộng lẫy
Trong tiếng trống t­­ưng bừng
Làm thần chết cũng hết phiền muộn

Và tên tuổi chúng ta đư­­ợc khắc
Trên phiến đá lặng im
Lấp lánh và uy nghiêm
Nh­­ư tên các vị thánh
(Thay lời nguyện cầu)
Qua thơ, Nguyễn Quang Thiều đã lưu giữ hồn quê và văn hóa làng quê, làm hiện lên những trầm tích văn hóa vừa tâm linh, vừa phong tục vừa xã hội mà không phải lúc nào, ở đâu, con người cũng nhận ra một cách day dứt, nhất là quá khứ ấy lại là quá khứ nhọc nhằn, lam lũ của một thời không xa lắm của xã hội Việt Nam trong những năm gian khổ, vừa thoát khỏi những ràng buộc của xã hội thực dân nửa phong kiến và chiến tranh dai dẳng.
Trong dòng chảy của đời sống đô thị hiện đại, cả nông thôn và thành thị đều có những thay đổi đa chiều. Những điều tốt đẹp có khi bị ẩn chìm dưới lớp vỏ màu mè, xa lạ, con người không kịp nhận biết về những phân hóa và tan rã của xã hội hiện đại. Trước dòng thời gian cuộn trôi chóng mặt ấy, Nguyễn Quang Thiều đã sâu sắc nhận ra bước ngoặt chuyển mình của hiện thực đời sống và hiện thực tâm lý. Và thơ là hình thái phản ánh chân thật, triết lý và sinh động nhất, thông qua những đối lập, va chạm và phát hiện mới mẻ của nhà thơ, bằng ngôn ngữ cũng giàu hàm ngôn và diệu vợi nhất. Hồn cuộc sống được vực dậy từ những ký ức gần và ký ức xa. Có thể xem Gọi hồn là bài thơ khái quát nhất cho cảm thức về hiện thực mới này.
Dưới ánh sáng những vầng mây mùa đông
     Bên những ngôi nhà cao tầng vừa thở dốc vừa chống gối đứng dậy

Bên những quán đang đổ rượu mê man vào một miền khô trụi
Những đám cỏ vô tình được cứu sống dạt vào nhau
Tôi mang cơn mơ nham nhở của màu xanh
    Suốt tuổi thơ không hay cỏ từng ngày bị săn đuổi

Những con dế bật càng xa, xa mãi
Mưa giêng hai góa bụa khóc sang hè
Tôi đi qua cái chết của màu xanh với 30 năm vừa rũ chiếu vừa khóc
Tôi đi qua những kẻ sát nhân đang bắn vào hơi thở
Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một cỏ
Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm
Chiều nay trên đại lộ bê tông xuyên vào thế giới cuối cùng của cỏ
Một con ngựa trắng đi cúi mặt, rũ bờm
Cỗ xe tang chở cái chết của màu xanh với hai cánh mũi lên cơn sốt rát bỏng
Và tất cả những vệt cơ đang rung lên tiếng hí gọi hồn.

Trong quan hệ phức hợp của đời sống hiện đại, những kinh nghiệm quan hệ mới sẽ xuất hiện trong thơ, giúp con người thức nhận lại cả quá khứ và hiện tại. Điều này được thông diễn học hiện đại gọi là sự vẫy gọi của văn bản, làm cho người tiếp nhận hiểu sâu sắc hơn giá trị của thi phẩm. Nguyễn Quang Thiều là người trải nghiệm và nâng chúng lên thành tư tưởng thi ca. Anh đã bổ sung vào thi giới của mình hiện thực mới nhưng cũng trên cái nền và những ám ảnh mẫu gốc bản chất của thơ anh như đã tìm hiểu. Những quan sát trực quan của anh về xã hội hiện đại nước ngoài, giúp anh có cơ hội nhìn thấu thị xã hội hiện đại Việt Nam, từ góc nhìn tham chiếu, cải biên mẫu gốc. Một khúc xạ hay một đứt gãy ở một nước phương Đông vừa ra khỏi chiến tranh, trong quá trình dựng xây và tiếp xúc với văn minh đô thị thế giới sẽ có cách riêng của mình. Và dĩ nhiên không tránh khỏi những bất cập. Nguyễn Quang Thiều đã đối sánh với những gì mình nạp được từ bản chất cuộc sống hiện đại để nghĩ suy và thức nhận chúng thành tiếng nói thi ca, để hiện hữu làng quê trong sự cảnh báo và níu giữ, trong bất an và minh triết của niềm tin. Những cuộc ra đi cũng chính là cuộc trở về trên hành trình tâm linh sự sống của Nguyễn Quang Thiều càng xác tín một đức tin thi ca dành cho cố hương anh là sâu nặng, bền vững biết chừng nào!
Nhìn trái đất, anh sẽ nghĩ về sự kết thúc và nối tiếp như một quy luật. Và con người cũng không thể khác: "Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự bóc vỏ - Con trai ơi, con sẽ sinh lại cùng ngày với cha ".
Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự nghiền hạt
Con trai ơi, con sẽ sinh lại cùng ngày với tổ tiên con
(Lời trăn trối của tương lai)

Mọi vự vật, hiện tượng đều phải tự bóc vỏ để sinh thành, mọi nỗ lực đều phải chiến thắng những phi lý, nghịch lý và vô nghĩa, bởi con người là một sinh tồn có điều kiện, nếu con người không tự buông xuôi trước sự xâm thực, sự rạn vỡ của vũ trụ - một cảm thức hậu hiện đại xuất hiện trong thơ anh. Và anh đã viết khác như anh tâm sự " Viết là cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc". Viết, với anh còn là "bởi khát vọng được giải tỏa. Chống lại sự giống người khác". Và cả giống lại mình.

Ta thức giấc khi mặt trời chạm vào mặt biển

Và ngoi lên mặt nước
Vây tóc ta bạc trắng
Ta cất tiếng gọi bến bờ của ta bằng tiếng cá
Trong hoàng hôn nước màu huyết dụ
Có một bài ca lưu lạc tìm về
(Xô-nat hoàng hôn trên biển)

Ngay cả trong những nghịch lý của cuộc sống - có thể giả tưởng như vậy - khi không còn những quan hệ hiện thực như vốn có, mà chỉ toàn là nghịch lý, nghịch dị và siêu hình thì một nghịch đảo khác lại hiện lên. Và sự hồi sinh sẽ lại bắt đầu. Thơ Nguyễn Quang Thiều ám ảnh đến triết lý về những điều nghịch lý như thế để chúng ta hiểu trong tận cùng tuyệt vọng thì sự sống lại tự bóc vỏ hồi sinh.
Sự sống bao giờ cũng bắt đầu bằng âm thanh của chính từng sự vật, hiện tượng. Với con người, đó là tiếng khóc chào đời, là giọng nói, đồng nghĩa với sự sinh sôi, như những Nhịp điệu châu thổ mới - tên một bài thơ mà anh đã nhiều lần ẩn dụ, hoán dụ và tượng trưng từ những mẫu gốc làng Chùa.

Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé

Những quả đồi tự xưng tên tuổi thật của mình
Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối
Thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan
Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình

THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI

Giống như những cơn mưa tuyết đổ xuống "lộng lẫy như lời cầu kinh" để hiện dần lên trong đêm "những ngọn núi", "những ngọn cây", "những mái nhà", "những ống khói"...Và rồi mọi vật tưởng bất động, trở thành âm bản. Vậy mà sự sống vẫn ủ mầm chờ đợi sự tái diễn niềm vui, dù khoảnh khắc tuyết có thể vẽ lại thế giới trong mắt nhìn của nhà thơ.

Đổ xuống, tuyết vẽ lại bản đồ thế giới

Và dưới tấm bản đồ trắng kia, vĩnh viễn viện bảo tàng
(Và màu trắng)

Trong mạch cảm quan triết luận về cuộc sống hiện đại này, Nguyễn Quang Thiều có rất nhiều bài thơ hay và độc đáo, trước hết ở tứ thơ, sau đến là ở cách kiến trúc thời gian và không gian cho bài thơ. Bài ca những con chim đêm là một tiêu biểu. Tác giả đã nhìn thế giới bằng giả tưởng và ảo ảnh, ảo giác rằng tất cả mọi vật chỉ còn lại duy nhất là chính nó trong độc lập nhất thể và mất liên hệ với chung quanh. Vậy là nỗi buồn vây phủ. Không gian, thời gian nhạt nhòa, như có như không, vô định và bất ổn. Nhưng bỗng có tiếng con chim đêm vọng lại trong mờ mịt đen đã "Xối vào không gian như máu ngập tràn". Tiếng vọng ấy đã hóa giải mọi bi thương.

Còn một tiếng, con chim đêm, đập cánh và vọng xuống rền rĩ

Bài ca của trời xanh bị thương trên đôi cánh của mình
Còn một tiếng rống lên làm hoảng sợ những vòm cây
Làm phụt tắt ngọn đèn quán ăn khuya hết khách

Rồi mọi vật bỗng hiện dần lên lạnh lẽo, rõ dần như chính số phận an bày như thế. Và liền sau đó, mọi vật tiếp tục biến ảo và bất ổn, hỗn loạn, như những tại họa đang rình rập - một thế giới của cõi âm hiện lên như những oan hồn thở than và run rẩy, có cả lịch sử và con người đang nhìn sâu, lang thang trong quá khứ của mình. Rồi tiếng những con chim đêm tiếp tục vọng lại gấp gáp hơn, rõ và vang hơn, mọi vật lại tiếp tục biến động từ ảo giác, ảo ảnh trở về với hiện thực - một hiện thực đầy khát khao và ánh sáng, hiện hữu và hồi sinh.

Ngước nhìn lên và nhận thấy con đường

Từ xóm nhỏ chạy tới đỉnh đồi sáng lên như một vệt phấn
Người đàn bà câm mang thai, bỗng đẹp lên như một thiên thần, lặng lẽ bước đi
Hai bàn tay đặt dịu dàng lên cơn đau, và mỉm cười lướt hàm răng sáng
Người đàn bà câm đi qua những ngôn từ nguyền rủa
Những ngôn từ khiếp nhược và lừa dối ngày ngày trên đầu lưỡi chúng ta
Câm lặng xòe hai bàn tay phủ che lên mênh mông của nỗi đau chờ đợi.

Nằm trong mạch thi pháp này, Nguyễn Quang Thiều đã thống nhất và đa dạng hóa thế giới hình tượng. Vì vậy mà người đọc khó tiếp nhận ngay lập tức những thông điệp đa phân, biến ảo của thơ anh. Tôi gọi đó là kiểu tư duy tự động tâm linh, viết theo dòng ý thức ảo hóa - thi pháp hiện đại thế giới, nhưng ở Nguyễn Quang Thiều mãnh liệt và ám ảnh mạnh mẽ hơn do cơ chế tâm lý tự vệ của anh đối với những gì sâu đậm nhất, nhưng có nguy cơ tan rã, phân hóa của quê hương làng Chùa chôn nhau cắt rốn của anh. Những bài thơ như Sau bậc cửa ngôi nhà vô hình, Bản tuyên ngôn của giấc mơ, Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ, Nhịp điệu châu thổ mới, Tiếng chó và những ngôi sao, Cây ánh sáng, Mười một khúc cảm... là những thao thức và thường nghiêm sâu sắc, thiêng liêng nhất của anh đối với quê hương mà ở đó là thế giới những con người và thế giới thiên nhiên, loài vật gần gũi, cụ thể của làng Chùa: "Và đêm ấy trong những căn phòng cách xa như sự sống và cái chết - Chúng ta kiệt sức trong chăn chiếu lụi tàn - Nhưng một ngôi sao xa xôi bên ngoài ô cửa - Suốt đêm không hề tuyệt vọng đợi chúng ta thức dậy" (Bên ngoài ô cửa). Bởi vì:

- Còn một hạt giống là còn cánh đồng
- Còn một giọt nước là còn dòng sông
- Còn một người có đức tin là cả thế gian được cứu rỗi
Thi giới Nguyễn Quang Thiều, vọng lại rất nhiều âm thanh - âm thanh của gió, của mưa, của các loài côn trùng, gia cầm, gia súc, âm thanh của dòng sông, của sóng biển, của hoa lá, của tiếng điện thoại, có cả tiếng tru đêm của cõi nào xa lắc vọng lại: "Chúng ta lớn lên bởi âm thanh, bởi nỗi sợ hãi - Bóng tối bồi dần vào ánh sáng phì nhiêu" (Ngôn ngữ tháng tư). Cho dù vậy thì mặt đất và con người vẫn cần có âm thanh hơn là âm thanh cần cho chính nó. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều vang lên âm thanh của con người - tiếng khóc, tiếng than, tiếng cười, giọng nói, có cả tiếng của tiền nhân từ cõi âm vô thức vọng lại. Đấy phải chăng là những giọt nghĩ trong thinh lặng ùa về như những thế giới ước mơ tương hợp tình yêu, sự sống và những khát vọng người muôn thuở từ thuở hồng hoang? Dù cuộc sống hiện đại có đánh thức những nỗi buồn thì con người cũng sẽ tự nghe âm thanh của chính mình để chống lại sự im lặng đến rợn ngợp.

Thành phố câm lặng như­­ tất cả
Đã bỏ đi từ đêm qua
Chỉ còn những đám mây khổng lồ
Bò trên những mái nhà cao tầng

Tôi mang cảm giác bị bỏ quên
Tất cả vội vã ra đi
Như­­ bầy kiến tiên đoán cơn lụt lớn
Và không một ai nhớ
Để đánh thức tôi

Chuông điện thoại vẫn vang lên bền bỉ
Tôi nhấc ống nghe
Và từ đầu dây bên kia ở nơi nào xa lắc
Tôi lại nghe chính giọng nói của mình.
(Tiếng gọi)

Một bức tranh sinh động đang diễn ra, có gì rờn rợn, dù đó là hiện thực của bầy kiến trong đêm đang sinh tồn theo tính năng của chúng. Ở đó, có chú dế mèn hạnh phúc đang hát bài ca cỏ xanh. Những đối lập bản thể ở đây nói lên điều gì? Sự đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật có gì khác với thế giới con người? Thơ Nguyễn Quang Thiều bao giờ cũng tác động vào lý tính trước khi tác động vào tình cảm của người đọc là vậy.
Con người hiện đại hầu như quan tâm nhiều về thời gian. Vì thời gian chính là   giá trị vật chất lẫn tinh thần. Con người dễ trở thành tù nhân của thời gian, nếu họ không tích cực đón đầu thời gian để tồn tại có ích. Nguyễn Quang Thiều ám ảnh thời gian, cả thời gian thường nghiệm và thời gian tâm lý. Tất cả hình như nó đang vụt trôi nhanh đến nỗi con người không kịp nhận ra những moment sống trong từng hồng cầu của mình. Anh đối chiếu và liên hệ với thế giới chung quanh để nhận thức thời gian "Không giờ - Không phút - Không giây - Điểm chết thời gian - Đo bằng hơi thở linh hồn... Không giờ - Không phút - Kém một giây..." (Con bống đen đẻ trứng). Đơn vị tính thời gian, với Nguyễn Quang Thiều không phải là giờ mà là phút, là giây, thậm chí ít hơn thế nữa. Tiêu đề những bài thơ của anh như: 0h17 phút, 0h7 phút, 10h13 phút, 14h43 phút, 17h43 phút... là sự ý thức chiếm lĩnh thời gian của những con người biết sống, biết sự hủy diệt và tàn bạo của thời gian là ghê gớm như thế nào! Con người thời hiện đại không thể tồn tại và hành động theo tuyến tính thời gian mà phải có tư duy và ý thức vượt thoát và đảo tuyến thời gian để phù hợp với từng trạng thái và hoàn cảnh của từng chủ thể hiện sinh. Nhìn chiếc áo của con, anh càng sốt ruột “Chiếc áo sơ sinh của con ta phơi bày ra đó - Cái mỉm cười nhạo báng của thời gian" (Khúc cảm VI). Con người ý thức về thời gian bao nhiêu thì họ càng phải sống không phải bằng thời gian khách quan, thường nghiệm nữa. Mà chính là thời gian của từng giọt máu đỏ tươi, có khi nhập vai sống đồng thời (simultané) với thời gian của thế giới tự nhiên chung quanh mới mong chiến thắng thời gian khách quan để tồn tại có ích.
Tôi là con chim thay lông muộn và đang tập giọng bằng cặp mỏ mềm còn ứ đầy máu loãng
Trong niềm rời rạc hân hoan của nhịp trống chân trời
Đợi bài ca sinh ra từ những hạt cơm vương trong chân cỏ dại
Từ quả trứng buồn vừa bóc vỏ thời gian
(Bài hát)

Thời gian còn là chứng tích trên từng hiện vật u trầm, trên từng nhịp thở thổn thức trong đêm, là giấc mơ đồng hiện những mảnh vỡ ký ức để hoàn nguyên những cảnh vật thân quan, cứu vãn sự trôi chảy của dòng đời tất bật và vô tận. Đó phải chăng là sự đồng hiện để cứu vớt những cổ mẫu: đất, lửa, nước, máu... đã nhạt nhòa? Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ
Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng
Phù sa nhiễu dài - MÁU - chầm chậm và rên rỉ
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, ban mai túa đầy
mí mắt tôi bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.
 (Chiếc bình gốm)

Cao hơn nữa, thời gian đã kiến trúc thành ý thức sống tích cực, nối liền cõi thực và cõi hư vô. Phải vậy không mà người phụ nữ góa bụa có thể sống bằng niềm vui của người yêu đã khuất để được an ủi, vỗ về trong hiện thực trần thế: "Người hàng xóm góa chồng - Trở về từ nghĩa địa - Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình" (Hồi tưởng tháng giêng). Đó là triết lý hiện sinh xuất phát từ trực giác và tâm linh mách bảo để nối liền cõi dương và cõi âm, giữa hiện thực và huyền bí. Chúng tôi cũng bắt gặp những phiên bản mẫu gốc đã trở thành những biểu tượng ám ảnh trong thơ anh giai đoạn sau như thánh đường, con quạ, ngọn đồi... mà chúng tôi chưa kịp tìm hiểu, để may ra, có thể giải thích sự tương liên văn hóa nào giưa phương Đông và phương Tây hay không? Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng ta liên tiếp bị ám ảnh về những biểu tượng như thế.
*
Về thi giới Nguyễn Quang Thiều, đó là sự tích hợp theo kiểu tư duy tương hợp (correspondant) - tương hợp những âm thanh, màu sắc và hình tượng, thông qua thế giới ngôn từ cũng đầy nội lực, biến ảo, lại được thể hiện qua kiểu tư duy phức hợp vừa hiện thực, lãng mạn; vừa tượng trưng, siêu thực, vừa hiện đại, một phần hậu hiện đại, duy cảm kết hợp duy lý, càng về sau tăng cường yếu tố tâm linh, tính dục, ảo giác... tạo thành chỉnh thể nghệ thuật đa phân, lạ hóa, khó nắm bắt ý nghĩa ngay lập tức. Tất cả, theo tôi lại được tư duy bằng hình tượng mẫu gốc làng quê nên luôn đa phân, biến ảo, Vì vậy, nhiều người cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều ảnh hưởng thơ Tây và khó hiểu. Tất cả lại được anh viết bằng lối dồn dập hình ảnh, ngôn ngữ, bằng liên hoàn những đoản khúc, những bài thơ dài nên người đọc có mệt trí và khó bắt kịp cấu trúc chỉnh thể văn bản. Đó có thể xem là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhưng theo chúng tôi, nếu bình tâm đọc và chiêm nghiệm thì không phải như vậy, bởi thơ anh hoàn toàn mang tâm thức Việt, khung cảnh Việt, tâm hồn Việt, cao hơn là văn hóa Việt, thông qua những hiện thực tâm trạng và hiện thực làng quê Việt mà tượng trưng là làng Chùa quê anh nên thật sự đánh thức tâm hồn những người nhà quê trong mỗi chúng ta như cách nói của Hoài Thanh khi nhận xét về thơ Nguyễn Bính cách đây hơn nửa thế kỷ.
Nhưng ở Nguyễn Quang Thiều cao hơn, hiện đại hơn, nghệ thuật hơn nên có sự phân hóa trong người đọc là điều dễ hiểu. Thơ anh tạo ra nhiều kiểu đọc, nhiều văn bản trong tiếp nhận. Và vì vậy, cần đến những nhà phê bình chuyên nghiệp - đồng sáng tạo tài năng mới mong chỉ ra đúng những thành công và hạn chế một cách có căn cứ.
Vì vậy mà trong bài viết ngắn này, chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở nhận diện ban đầu về thành tựu thơ của một tác giả có nhiều cách tân mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng tích cực đối với thế hệ nhà thơ trẻ sau 1975. Nhiều đặc điểm thi pháp đặc sắc khác trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đặc biệt là thi pháp hình thức như ngôn ngữ, giọng điệu hoặc từ góc nhìn văn hóa học, phân tâm học... sẽ có những tiểu luận, những công trình dài hơi khác đề cập mới mong giải mã hết giá trị những ẩn ngữ, ẩn hình và ẩn tứ của thơ anh.
Vỹ Dạ, tháng 4-2012

H.T.H

 Nguồn: TCNV 06-2012
Top of Form
Bottom of Form

No comments:

Post a Comment