.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, December 29, 2012

NHÀ PBVH NGUYÊN HOÀNG ĐỨC – NHÂN CÁCH VÀ TÀI NĂNG CỦA NHÀ VĂN MẬU DỊCH


“Sao lại không, nhiều đằng khác! Chẳng hạn như chuyện của Hội nhà văn Việt Nam, mỗi năm có nửa nghìn người đòi vào Hội, người ta xét được vài chục người. Sự kết nạp đó dựa trên định lượng và định tính nào? Và có bao nhiêu người vào hội phải kèm theo đôi giầy Italia, vé du lịch ăn chơi tỉnh nhà, rồi thứ vốn giời trồng được. Nhà thơ kia năm ngoái được bỏ 14 phiếu nhưng xướng lên là zero to tướng, năm nay lên đầu bảng vì sợ bị kiện.

Có người phản pháo lại đó là tin thất thiệt vậy việc trước kia nhà văn Hồ Anh Thái, dự giải, lúc sơ khảo được hầu hết phiếu, lúc chung khảo lại rớt thì sao? Còn thình lình một ông ngang nhiên bước vào phòng hội đồng xét tuyển nữa, ông vào với tầm vóc gì hay là có khả năng can thiệp? Tóm lại, từ giải thưởng, đến kết nạp hội viên, chẳng có định tính, định lượng gì. Đã đến lúc nên nói: chính ban giám khảo phải được “kết nạp” trước khi chấm người khác. Nếu ông là phở mậu dịch ninh thuốc bắc vài chục nước liệu có thể nếm được món yến sào không? Ông là kèn lá thổi tì tèo trên miệng chưa hết một bài đã héo quắt lại, ông lấy thước đo nào để đo giàn hợp xướng?
Nhà PBVH Nguyễn Hoàng Đức

PV: Thưa anh Nguyễn Hoàng Đức, bài trước chúng ta có đề cập đến văn học mậu dịch, nói chung là hàng đồng loạt kém chất lượng. Như vậy có thể võ đoán quá chăng? Khi nói về tài năng và nhân cách của những người khác, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ phải chăng cũng cần rất thận trọng?
NHĐ: Tại sao lại không thận trọng?! Câu nói “phở mậu dịch, kịch ti vi” đâu có phải của tôi, mà của giới văn bút, của nhân dân và xã hội đấy chứ. Ngày nay, khi toàn bộ xã hội đã đổi mới gần ba mươi năm, trong khi cơ chế bao cấp của văn học mậu dịch vẫn dậm chân tại chỗ, chẳng phải giới văn học tem phiếu là lực lượng văn bút nhưng lạc hậu nhất xã hội sao? Vả lại cả xã hội đang muốn thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp bởi lý do nhà nước không thể ôm đồm làm tốt được việc kinh tế, nhà nước chỉ nên quản lý thôi. Chỉ có để cho kinh tế tư nhân phát triển thì kinh tế toàn quốc mới tăng trưởng. Để không võ đoán dẫn đến cái nhìn lệch lạc bất công, hôm nay tôi nghĩ chúng ta nên bàn thật sâu mang tính nguyên lý về cái gọi là nhà văn mậu dịch.
PV: Hay quá, thế thì còn gì bằng! Tôi xin lắng nghe!
NHĐ: Tôi xin kể một câu chuyện thực 100%, nó rất giản dị nhưng ngay cả  nếu được lựa chọn hay bỏ phiếu vẫn khó có cái gì cướp được giải quán quân của nó. Nó hiện diện như một phép lạ.
PV: Tôi hồi hộp quá! Nó như thế nào?
NHĐ: Hồi cuối những năm tám mươi thế kỷ trước, có một quán phở ở ngay phố Ngô Quyền nơi gần giáp phố Tràng Tiền (nếu tôi nhớ không nhầm). Đó là quán đặc trưng mậu dịch, với khách hàng lờ phờ ra vào, nhân viên lừ đừ đi lại, một mùi ẩm mốc như thứ gì bị ruồng bỏ, hoang vắng như sa mạc. Nói ngắn gọn: một cửa hàng ở nơi đắc địa bậc nhất mà rất điêu tàn. Để cứu vãn cửa hàng đó đã mời một chuyên gia bán phở ở ngoài tới làm cửa hàng trưởng kỹ thuật (tất nhiên cửa hàng trưởng thật phải là bí thư chi bộ và được nhà nước ban cho con dấu). Mọi người kể câu chuyện về chuyên gia này mắt trố ra vì kinh ngạc, những người nghe mắt cũng mở to không kém. Đó là chuyên gia này đặt ra yêu cầu: nồi nước dùng cho 500 bát phở chẳng hạn, nó được cho vào bao nhiêu cân xương loại nào, bao nhiêu mì chính,  bao nhiêu muối và nước mắm. Khi bán hết 500 bát, sẽ không có chuyện đổ nước lã thêm vào nồi.
Có nhiều lần, khi vài người xếp hàng đến lượt thì hết nước dùng, họ năn nỉ hãy đổ nước lã vào bán thêm cho họ mấy bát thôi mà, “vì dù có đổ thêm nước lã, phở của ông vẫn ngon hơn phở người khác”. Chuyên gia nấu phở thẳng thắn trả lời “tôi không thể làm được việc đó, mấy đồng lãi của vài bát phở không thể đổi lấy uy tín một đời của tôi”. Trời ơi, câu chuyện quả là huyền thoại. Huyền thoại thứ nhất, đó là người bán phở cũng đòi sống danh dự như chữ “tín” thường hằng. Huyền thoại thứ hai, mọi người giật mình vì lần đầu người ta được đánh động về “định tính và định lượng”. Cái lâu nay chẳng hề có khái niệm mà tất cả mọi người đều nghĩ, xếp hàng đến nơi được mua là may lắm rồi! được xin cho là may lắm rồi! ai dám nhà nghèo còn đòi xôi gấc. Câu chuyện thật giản dị, nhưng ngay đến bây giờ tôi vẫn tin nó có giá trị như một huyền thoại.
PV: Câu chuyện đó có liên quan gì đến ngày nay không?
NHĐ: Sao lại không, nhiều đằng khác! Chẳng hạn như chuyện của Hội nhà văn Việt Nam, mỗi năm có nửa nghìn người đòi vào Hội, người ta xét được vài chục người. Sự kết nạp đó dựa trên định lượng và định tính nào? Và có bao nhiêu người vào hội phải kèm theo đôi giầy Italia, vé du lịch ăn chơi tỉnh nhà, rồi thứ vốn giời trồng được. Nhà thơ kia năm ngoái được bỏ 14 phiếu nhưng xướng lên là zero to tướng, năm nay lên đầu bảng vì sợ bị kiện. Có người phản pháo lại đó là tin thất thiệt vậy việc trước kia nhà văn Hồ Anh Thái, dự giải, lúc sơ khảo được hầu hết phiếu, lúc chung khảo lại rớt thì sao? Còn thình lình một ông ngang nhiên bước vào phòng hội đồng xét tuyển nữa, ông vào với tầm vóc gì hay là có khả năng can thiệp? Tóm lại, từ giải thưởng, đến kết nạp hội viên, chẳng có định tính, định lượng gì. Đã đến lúc nên nói: chính ban giám khảo phải được “kết nạp” trước khi chấm người khác. Nếu ông là phở mậu dịch ninh thuốc bắc vài chục nước liệu có thể nếm được món yến sào không? Ông là kèn lá thổi tì tèo trên miệng chưa hết một bài đã héo quắt lại, ông lấy thước đo nào để đo giàn hợp xướng?
PV: Hình ảnh tổng quát của mậu dịch là gì?
NHĐ: Tổng quát nhất, đó là cảnh xếp hàng. Xếp hàng có khi chỉ để mua nước lã tráng qua hàng xương. Nhưng vẫn phải xếp hàng, vì chỉ có xếp hàng thì cái cửa hẹp chen chúc mới đẻ ra quyền hành. Chẳng hạn, đóng dấu công chứng là thứ hiển nhiên nhưng cũng bị bắt xếp gạch rồng rắn, từ đó mới có cò công chứng. Tại cửa Hội nhà văn mới đây, người ta không thể cãi nổi việc có rất nhiều cò bu đen bu đỏ đòi “giúp đỡ” đánh quả. Và xếp hàng cũng tạo ra những hứa hẹn, nào “hãy đợi đấy”. Trước kia, vé xe vừa bán đã hết vì người ta tuồn vé cho con phe để hai bên cùng xơi. Ngày nay cũng chẳng khác mấy, có xếp hàng thì mới thấy độ quan trọng của quyền lực, mới có hứa hẹn, mới có sắp xếp. Hẹn đợt này thì phải sang năm. Hẹn sang năm thì lùi thêm vài năm nữa…
PV: Anh từng nói sáng tạo văn học là cái thuộc tư duy cá nhân. Tại sao nhiều người lại hám vào Hội đến thế, việc vào đó có làm cho văn của họ lớn lên đâu?
NHĐ: Tôi vừa bàn việc này với nhà thơ Lương Tử Đức. Anh ta khá thạo món Trung Hoa học. Anh có nói: Người Trung Quốc quan niệm, trong lục súc tranh công, tức muôn loài tranh công thì có 4 nấc:
1-     Thấp nhất là loại tranh ăn. Giống muông thú rồi người ta cạnh tranh nhau giành miếng ăn để sinh tồn, hay như người Việt nói “ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn”.
2-     Cao hơn một tí, nhưng vẫn thấp là loại tranh công danh. Là người mong có tí danh ở đời như “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Nhưng loại cầu danh để kiếm lợi như hội viên ở tỉnh có khi xin được nhà, ở trung ương thì gần gũi nên làm cò để đánh chặn đứa ở xa về.
3-     Loại cao hơn là tranh làm. Đó là những người tranh làm việc khó, để người khác được nhàn. Người Việt nói “thế gian chuộng của chuộng công, nào ai có chuộng người không bao giờ”.
Xét vào giới thơ thẩn Việt thấy rõ một điều là hầu hết họ chỉ tranh nhau làm việc dễ, một bài thơ mấy câu làm trong mấy chốc, rồi thì cũng thi thố, đội vòng nguyệt quế, rồi vào hội để mơ ngày chấm người khác, hay làm cò đánh chặn?
        4-Loại cao nhất là tranh khổ, như chúa Jesus tranh đóng đanh trên thập giá để cứu chuộc loài người, Đức Phật ngồi trơ xương dưới gốc bồ đề để tạo ra con đường giác ngộ chúng sinh, hay thánh Gandhi chân trần áo thụng lăn xả vào gươm giáo để đòi độc lập cho dân Ấn Độ…
Xét vào các nhà văn thơ mậu dịch, thì họ mới chỉ có vài tác phẩm ăn theo tuyên truyền, hội hè nức nở chúc tụng vui vầy, đâu có thấy những cơn trăn trở của bất công đau khổ, như chính họ đã thú nhận “chúng ta không có tác phẩm ngang tầm thời đại, chỉ có bé và vừa”. Vừa rồi có người còn thú nhận “chúng ta chỉ là tép”. Mậu dịch chỉ có phở nước nhạt! Và có thể nói, mậu dịch cũng chỉ có thể tạo ra những con tép văn chương. Những con chim sẻ vào hội bay theo đàn mà không thể là đại bàng bay cô độc. Đó là một giàn quen hát đồng ca, khó mà tìm thấy một người biết hát đơn ca.
PV: Theo anh trình độ văn học của mậu dịch ở cấp nào?
NHĐ: Tất nhiên ở mức tranh công danh rồi, họ đâu có thể tranh việc làm bởi vì phóng sự bây giờ rất thiếu, họ không muốn viết cái gì phải vất vả, họ đâu có thể tranh khổ, vì họ muốn được “thích đủ thứ” mà.
PV: Nếu thế thì khó mà có tác giả và tác phẩm lớn?
NHĐ: Câu hỏi đó đã là câu trả lời rồi.
PV:Cám ơn anh, đề tài này tôi nghĩ vẫn còn nhiều cái để nói.
NHĐ: Tất nhiên! Chúng ta đã bàn về vấn đề nguyên lý đâu.
PV: Hẹn anh lần sau. Xin cám ơn!
.
28/12/2012
Hữu Lý
thực hiện

LÊ THÀNH NGHỊ - TINH THẦN CỦA LỊCH SỬ TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT


Đề tài lịch sử trong văn học, nghệ thuật, cả văn học, nghệ thuật thế giới cũng như Việt Nam đã không còn xa lạ với người sáng tạo cũng như với công chúng tiếp nhận. Hình như bất cứ thể loại nghệ thuật nào từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến kịch nói, kịch balê, phim ảnh… cũng đều đã có những tác phẩm phản ảnh đề tài lịch sử. Trong văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây đề tài lịch sử lại đang được chú ý, quan tâm nhiều hơn.
Bàn về đề tài lịch sử trong sáng tạo của nghệ sỹ là một vấn đề rộng lớn và cũng không còn mới mẻ; sự nhất trí, đồng thuận cũng như những khác biệt cũng không còn mới mẻ. Bài viết này xin nêu một vài quan niệm rút ra từ thực tiễn sáng tác của các nhà văn về đề tài lịch sử.
Lê Thành Nghị

Hiện thực lịch sử như là một đối tượng đặc thù

Nguyên lý phản ảnh hiện thực là một trong những nguyên lý cơ bản của văn học - nghệ thuật đã được lịch sử mỹ học xác nhận. Nhưng hiện thực là một phạm trù rộng, có hiện thực đang diễn ra, hiện thực đã lùi trong quá khứ, hiện thực của tâm trạng... Lịch sử là hiện thực đã diễn ra trong quá khứ, có thể là quá khứ gần, quá khứ xa, nhưng là một hiện thực như là đối tượng đặc thù của phản ảnh nghệ thuật không còn đồng hành với người nghệ sỹ. Nó là lớp trầm tích trong sương mù thời gian của đời sống văn hóa mỗi dân tộc. Muốn nhận thức và phản ảnh nó, người nghệ sỹ buộc phải đặt mình trong một không gian, thời gian khác với những gì họ đang trải nghiệm. Những nhận thức có được của người nghệ sỹ về một giai đoạn lịch sử đã xảy ra trong quá khứ thường qua những tài liệu gián tiếp, có thể là qua sử sách, qua những câu chuyện kể dân gian, qua những hiện vật lịch sử còn lại. Người nghệ sỹ chứng kiến một cách gián tiếp hiện thực đời sống của quá khứ qua nhận thức và chính kiến của nhà viết sử, của người nghệ sỹ kể chuyện dân gian, qua ngôn ngữ của hiện vật lịch sử. Nhận thức này có đúng với nhận thức của người nghệ sỹ hôm nay không, chính kiến của người xưa có phù hợp với chính kiến của người nghệ sỹ hôm nay không... đó là những câu hỏi thường xảy ra trong quá trình sáng tạo của người nghệ sỹ cũng như của người đọc, người xem hôm nay. Muốn hay không khi tiếp cận với một tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử những liên tưởng so sánh với quá khứ luôn luôn xuất hiện trong quá trình tiếp nhận của công chúng. Bởi vậy, nghệ sỹ không chỉ là nghệ sỹ, khi phản ảnh đề tài lịch sử nghệ sỹ còn là một nhà sử học, chịu trách nhiệm trước công chúng về những kiến thức lịch sử, về những phán xét lịch sử, về những giải mã lịch sử nếu có, về những luận giải lịch sử nếu cảm hứng sáng tạo của anh ta đang hướng đến. Những điều này có thể không thật quan trọng, hay ít ra không phải là sự quan tâm hàng đầu của người nghệ sỹ khi phản ảnh những đề tài đương đại. Bởi vậy có thể nói, lịch sử là hiện thực đặc thù của văn học nghệ thuật.
 
Tiếp cận đề tài lịch sử
 
Đã có nhiều cách viết khác nhau về lịch sử. Có tác giả chỉ giữ lại tinh thần, hồn cốt của những sự kiện lịch sử tạo cho họ cảm hứng nghệ thuật, là cớ để nhà văn đối thoại với lịch sử như Nguyễn Đình Thi trong kịch Rừng trúc. Cũng vậy, Nguyễn Huy Tưởng thường suy nghĩ bằng lịch sử, trình bày lịch sử để chiêm nghiệm, để nhận thức, đắm mình trong cảm thức thời gian với lịch sử, cầm bút chẳng qua là cùng một bệnh với Đan Thiềm (kịch Vũ Như Tô) trong Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Cột đồng Mã Viện... Chu Thiên qua tiểu thuyết Bóng nước hồ Gươm muốn dựng lại những nhân vật lịch sử như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương với lòng yêu nước cao cả, anh dũng chống lại bọn thực dân xâm lược Pháp, trong khi những kẻ bán nước ôm chân đế quốc như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ... cam tâm làm tay sai cho giặc. Nguyễn Huy Thiệp có khá nhiều truyện ngắn về những nhân vật lịch sử: Kiếm sắc viết về quan hệ giữa vua Gia Long và Đặng Phú Lân, Vàng lửa viết về Nguyễn Phúc Ánh và những người Pháp sang xâm lược vơ vét của cải về nước, Phẩm tiết viết về vua Quang Trung và người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, Nguyễn Thị Lộ viết về mối tình giữa Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi. Có tác giả lại muốn chuyển tải những kiến thức lịch sử qua những trang sách văn học. Chẳng hạn, nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết hơn 1000 trang Bão táp triều Trần, và 3000 trang Tám triều vua Lý muốn truyền đạt những kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ, muốn bạn đọc học lại lịch sử qua những trang văn học của ông. Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly muốn dựng lên một nhân vật lịch sử từng có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Nguyễn Quang Thân trong Hội thề ngoài việc nêu bật thiên tài quân sự của Nguyễn Trãi trong việc dụ hàng tướng giặc Vương Thông để kết thúc chiến tranh không làm tổn thất thêm xương máu của hai bên, lại muốn thông qua tính cách nông dân của các nhân vật để lý giải những biến cố lịch sử sẽ tiếp diễn không lâu sau đó. Lưu Văn Khuê trong Mạc Đăng Dung lại như đặt ngòi bút trong cảm hứng phản đề lịch sử khi ông lý giải việc lên ngôi của Mạc Đăng Dung như một tất yếu. Hà Văn Thùy trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ muốn chứng minh nguyên nhân xảy ra vụ án Lệ chi viên, một trang đen tối nhất của lịch sử, một nghi án bị che lấp bởi rất nhiều nguyên nhân. Thái Bá Lợi trong Minh sư lấy cảm hứng từ ý chí hơn người của chúa Nguyễn Hoàng với những năm tháng đầy gian truân mở đầu triều Nguyễn. Gần đây qua cuộc thi truyện ngắn hai năm 2011-2012 của báo Văn nghệ, nhiều tác giả như Văn Chinh qua hai truyện ngắn Ghi chép của ngài Appin về con ngựa hãn huyết và Thị, hoặc Nguyễn Năng An qua truyện ngắn Lời thề chân lý, Lê Hoài Nam qua truyện ngắn Bữa tiệc ly... lại muốn mượn xưa nói nay, rút những bài học lịch sử trả lời những vấn đề bức thiết của đời sống đương đại. Như vậy lịch sử đang được người nghệ sỹ đề cập đến từ nhiều góc độ khác nhau, với nhiều sắc thái cảm hứng sáng tạo khác nhau. Công chúng có thể đồng tình hoặc không đồng tình với người nghệ sỹ ngay cả ở những thái độ phân tích, phản biện, nhận thức lại những sự kiện đã phủ bụi thời gian, nếu họ không cảm thấy lịch sử đang bị bóp méo, bôi nhọ, thần tượng lịch sử không bị hạ bệ. Chỉ khi nào có sự bóp méo cố ý, có sự xuyên tạc, hạ bệ... trái với tinh thần lịch sử lâu nay vốn được tồn tại như những chân lý, công chúng sẽ lên tiếng bởi vì những khi đó văn học nghệ thuật đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ, vốn được hình thành dài lâu trong thời gian.
 
Nhưng ở đây cũng cần lưu ý một luận điểm vốn tồn tại cùng quá trình  lịch sử. Đó là lịch sử tuy chỉ có một, xảy ra chỉ một lần, chỉ có một chân lý, nhưng quá trình nhận thức lịch sử, chép sử lại có thể có nhiều thái độ khác nhau phụ thuộc vào ý thức hệ của những con người xuất thân từ những giai cấp khác nhau. Cùng một nhân vật lịch sử, cộng đồng người này nhìn nhận đó là những người anh hùng, cộng đồng người khác lại nhìn nhận như giặc cỏ, như Hoàng Sào (nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào – truyện Kiều) là bởi vì do/bị những thiên kiến giai cấp khác nhau quy định. Hành động lên ngôi của Mạc Đăng Dung trong con mắt những nhà chép sử thời Lê là thoán nghịch, nhưng theo lý giải của Lưu Văn Khuê là một sự thay thế cần thiết, bởi vì triều đình nhà Lê lúc đó đã hết sức mục ruỗng, triều chính lúc đó nhấp nhô những kẻ hèn mạt, thiên hạ lúc đó nhân tài như lá mùa thu, Mạc Đăng Dung như là một sự lựa chọn của lịch sử. Những ai có thể đồng tình với Lưu Văn Khuê, sẽ thấy phản đề mà ông đưa ra trong cuốn sách được cân nhắc khá kỹ, được lý giải với tinh thần phản biện lại những mặc định của lịch sử một cách thuyết phục. Những ai không đồng tình với Lưu Văn Khuê sẽ có quyền nghi ngờ. Nhưng chắc chắn không một ai có thể quy kết tác giả đã bẻ cong lịch sử. Từ những thao tác như thế, có thể nói luận giải lịch sử cũng là một trong những khả năng của người nghệ sỹ khi lựa chọn đề tài này. Phải chăng đó là một khoảng không gian sáng tạo rộng rãi của văn học phản ảnh hiện thực lịch sử?
 
Cũng thường gặp trong văn học nghệ thuật cổ kim đông tây những cách tiếp cận đề tài lịch sử để mượn xưa nói nay, rút bài học lịch sử về nhân thế, về đạo đức, về kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đấu tranh giữ nước cho người đọc hôm nay từ câu chuyện ngày hôm qua. Chẳng hạn nhà viết kịch Nhật Bản Chikamatsu Monzaemon (1653-1725) mượn lịch sử đời Minh Trung Quốc để gửi gắm những tình cảm yêu nước của nhân dân Nhật Bản qua vở kịch lịch sử Côcưdenya Caxen nổi tiếng. Nhà viết kịch cổ điển Pháp Pierre Corneille (1606-1684) lấy đề tài từ lịch sử Tây Ban Nha và lịch sử La Mã cổ đại để giáo dục tình cảm cho công chúng Pháp lúc bấy giờ về lòng dũng cảm, ý chí tự do, tình yêu và nhiệm vụ, dục vọng và ý chí... trong các vở kịch như Le Cid, Orax... William Shakespeare (1564-1616) cũng có nhiều vở kịch lịch sử mượn đề tài xưa đưa ra những lời giáo huấn về tình cảm cho công chúng Anh thời đại của ông, như các vở kịch Henry VI, Risơc III, Risơc II, Vua Giôn, Henry IV...

Tinh thần, hồn cốt của lịch sử trong văn học, nghệ thuật
 
Dù có nhiều cách thức khác nhau khi tiếp cận đề tài lịch sử, nhưng có một nhận thức chung cho tất cả những cách thức này đó là cần phân biệt văn học và nghệ thuật không phải là lịch sử, nghệ sỹ không phải là nhà sử học. Nếu nhà sử học viết sử theo cách của nghệ sỹ thì lịch sử sẽ không còn sự chuẩn xác cần thiết. Ngược lại nếu nghệ sỹ sáng tạo tác phẩm về lịch sử như một nhà viết sử thì lúc đó nghệ thuật sẽ trở nên không có cánh bay. Tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật về một giai đoạn lịch sử nào đó, điều trước tiên công chúng muốn biết là số phận của những con người, gương mặt tinh thần của những con người cụ thể qua những biến cố, những sự kiện lịch sử, những điều làm nên cái đẹp của hình tượng nghệ thuật. Diện mạo của lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật chỉ hiện lên một cách gián tiếp qua những hình tượng nhân vật cụ thể, có tính cách và nội tâm phong phú. Văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử chỉ nên giữ lại, hoặc chỉ nên nêu bật tinh thần của lịch sử, hồn cốt của lịch sử khi khái quát hiện thực một giai đoạn lịch sử, khi đề cập đến một giai đoạn lịch sử nào đó thông qua tính cách và tâm hồn của những con người tham gia vào sự kiện lịch sử đó. Quan niệm văn - sử... bất phân trước đây có thể gây sự bó buộc trong tâm lý sáng tạo của người nghệ sỹ trong phản ảnh đề tài lịch sử. Sự xâm thực biên giới của văn học và lịch sử trong quan niệm truyền thống đôi khi gây ra những lúng túng khi xác định chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật trong một hình tượng nghệ thuật. Trước một sự kiện, nhà viết sử luôn đặt mình trước yêu cầu của sự chân xác. Lời văn của nhà viết sử, văn trong sử đòi hỏi tính chân xác, tính khoa học, tính khách quan trong khi nghệ sỹ viết về sự kiện ấy lại muốn đạt đến sự chân xác theo quan niệm của văn chương nghệ thuật, có thể qua ẩn dụ, phúng dụ, qua ngôn ngữ hình ảnh, qua hư cấu nghệ thuật, qua sự giễu nhại, qua sự mờ tỏ của chi tiết theo một ý đồ nghệ thuật không hề có sẵn trước đó. Lịch sử và văn học, rõ ràng cùng tiếp cận một hiện thực nhưng phương thức lại khác nhau, cho dù hai loại hình khoa học ấy cuối cùng đều phụng sự chân lý lịch sử. Chân lý lịch sử của nhà viết sử chân chính thông qua sự chân xác của ngôn từ; chân lý lịch sử của nghệ sỹ thể hiện qua hình tượng nghệ thuật, qua sự biểu cảm của ngôn ngữ. Và như thế trong bản thân hình tượng nghệ thuật chứa đựng chân lý lịch sử. Nói cách khác, nghệ sỹ phản ảnh đề tài lịch sử là sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật để cuối cùng tiệm cận đến chân lý lịch sử toàn diện một cách gián tiếp, chứ không phải phiên từ lịch sử ra một vấn đề, một sự kiện, một nhân vật. Nếu nghệ sỹ sáng tạo tác phẩm của mình theo cách của nhà viết sử thì hà tất nhân loại cần thêm một kiểu người như nghệ sỹ, đấy là chưa nói sẽ là một nhà viết sử tồi nếu nghệ sỹ muốn dùng văn chương, nghệ thuật để phản ảnh lịch sử theo cách của nhà viết sử. Vì vậy, trong văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, người nghệ sỹ chỉ nên tuân thủ phần cốt lõi nhất của lịch sử, đó là tinh thần của lịch sử, hồn cốt của lịch sử chứ không phải là bản thân lịch sử. Nhiều người nhắc lại lời của A.Tolstoy khi ông cho rằng lịch sử là chiếc đinh để nghệ sỹ treo lên đó bộ trang phục đầy màu sắc của nghệ thuật, có lẽ là vì vậy.
 
Hư cấu nghệ thuật và đề tài lịch sử
 
Quan niệm trên đây cho phép nghệ sỹ mở rộng không gian sáng tạo của mình khi tiếp cận đề tài lịch sử mà một trong những vấn đề xưa nay nhiều người lưu tâm là vấn đề hư cấu nghệ thuật. Chúng ta đều biết hư cấu nghệ thuật là một trong những đặc điểm của hình tượng nghệ thuật, của sáng tạo nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật những nhân vật lịch sử cũng có thể mang những đặc điểm của hư cấu nghệ thuật, với mục đích là để sinh động hơn, điển hình hơn, khái quát hơn, nghĩa là mang những đặc điểm thẩm mỹ để chân thực hơn. Hư cấu là một hoạt động có tính chất sáng tạo (1). Lịch sử có khi chỉ viết vài dòng ngắn gọn, nghệ thuật đi xa hơn trong không gian và thời gian. Chỗ lịch sử dừng lại là bước sáng tạo tiếp theo của văn chương nghệ thuật. Hư cấu nghệ thuật trong trường hợp này tuyệt nhiên không phải là phóng đại, bịa đặt, gán ghép cho nhân vật lịch sử những chi tiết về tính cách, tình cảm, tư tưởng xa lạ, ngược lại hư cấu này luôn được kiểm soát bằng logic của nghệ thuật và lịch sử. Một hư cấu dễ dàng, không suy nghĩ công phu, không bao giờ tạo ra được một tác phẩm có giá trị lâu dài (2). Hình tượng nghệ thuật nói chung và của những tác phẩm về đề tài lịch sử nói riêng không phải là sự sao chép các sự kiện lịch sử mà là sự tái tạo, sự nhào nặn, sự chưng cất đặc biệt từ sự kiện lịch sử ấy theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Nghệ sỹ sáng tạo hình tượng nghệ thuật hiện thực lịch sử dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ, công chúng lĩnh hội những thành quả nghệ thuật ấy theo kinh nghiệm cá nhân của mỗi người tiếp nhận. Chỉ khi nào có sự trùng hợp kinh nghiệm của nhà văn với kinh nghiệm của người đọc mới có được chân lý nghệ thuật – sự thuyết phục đặc biệt của văn học vốn là cội nguồn của sức ảnh hưởng của nó đối với con người (3).
 
Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là hư cấu tưởng tượng. Nó khác về bản chất với sự tùy tiện, bịa đặt đã đành, nó còn khác với những hư cấu tưởng tượng không tuân thủ theo logic của cái đẹp toát ra từ hình tượng nghệ thuật. Cho nên lao động nghề nghiệp của người nghệ sỹ đòi hỏi sự khác biệt của tài năng và sự phong phú của trí tưởng tượng. Những chi tiết trong một hình tượng nghệ thuật phản ảnh đề tài lịch sử có thể là những gì đã xảy ra nhưng cũng có thể là những gì có thể xảy ra trong lịch sử. Logic của hình tượng nghệ thuật, tính chân thực lịch sử và tính chân thực nghệ thuật cho ta những nhận thức ấy khi tiếp xúc với văn bản nghệ thuật. 
 
Cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của nhân dân Nga năm 1812 được mô tả trong tác phẩm vĩ đại Chiến tranh và hòa bình một cách trung thực đúng như bản thân cuộc chiến tranh ấy đến mức các bảo tàng lịch sử sau đó đã căn cứ vào sự miêu tả của L.Tolstoy để phục dựng lại từng chi tiết của cuộc chiến tranh qua ngòi bút của nhà văn thiên tài. Nhưng Chiến tranh và hòa bình là một tác phẩm nghệ thuật của ngôn từ, được sáng tác theo nguyên tắc hư cấu nghệ thuật. Đó là bản anh hùng ca về lòng yêu nước của nhân dân Nga dưới nhiều góc độ trong tư duy sáng tạo của nhà văn. Hình ảnh Pie Bêdukhôp tiêu biểu cho người trí thức Nga trong chiến tranh, trong hòa bình là một trong nhiều sáng tạo độc đáo trong tác phẩm. Đại úy Tusin, một sỹ quan pháo binh vô cùng quả cảm, tiêu biểu cho những người hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến tranh yêu nước cũng là một hình tượng văn học đậm tính hư cấu. Lãnh tụ cao nhất của cuộc chiến tranh của nhân dân Nga Cutudôp với những lần ngủ gật trong các cuộc tranh luận vô bổ về chiến thuật chiến tranh do Bagrachiôn chủ trì cũng là những hư cấu độc đáo của L. Tolstoy không hề có sắc thái bịa đặt, tùy tiện. Người đọc mọi thời đại đều có thể chấp nhận những hư cấu nghệ thuật ấy trong Chiến tranh và hòa bình. Sự bất hủ của tác phẩm bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó hư cấu nghệ thuật của một ngòi bút thiên tài làm nổi bật chân lý lịch sử mà không một ai có thể phủ nhận. Cũng vậy, nhà văn Balan H.Sienkievich chỉ giữ lại một vài đặc điểm của lịch sử La Mã những năm đầu công nguyên trong khi tập trung nêu bật tính cách tàn bạo của Nêrô trong việc khủng bố đẫm máu các tín đồ Thiên Chúa giáo hồi ấy, cũng như nhiều nhân vật khác được hư cấu như Pêtrônius, Vinixius, Khilon... để phục vụ cho chủ đề này trong tiểu thuyết nổi tiếng Quo Vadis. T.Martinez, nhà văn Achentina trong tiểu thuyết Thánh nữ Evita tập trung miêu tả lòng nhân từ cao cả của Evita đối lập với sự độc tài của Juan Pêrôn, qua đó nêu lên một trong những trang sử đau xót nhất của đất nước ông v.v…
 
Các nhà tiểu thuyết Việt Nam cũng từng sử dụng hư cấu nghệ thuật khi viết về đề tài lịch sử. Nguyễn Huy Tưởng với các nhân vật như Nguyễn Mại, Bảo Kim trong Đêm hội Long Trì hoặc như Trần Văn, Trinh, Quốc Vinh... và khá nhiều nhân vật đại diện cho các tầng lớp nhân dân thủ đô hồi bấy giờ trong Sống mãi với thủ đô đều là những nhân vật hư cấu. Chu Thiên trong tiểu thuyết Bóng nước hồ Gươm cũng xây dựng khá nhiều nhân vật hư cấu, tiêu biểu trong số đó là cụ cử Tam Sơn, Đồ Uẩn, bác Hai Phúc... với ý đồ nêu bật lòng yêu nước của nhân dân ta thời kỳ đầu đất nước bị giặc Pháp xâm lược. Nguyễn Xuân Khánh trong tác phẩm Hồ Quý Ly đã sáng tạo ra khá nhiều nhân vật hư cấu chung quanh những nhân vật lịch sử. Quận chúa Quỳnh Hoa, người vợ quá cố của Hồ Nguyên Trừng là nhân vật hư cấu để mô tả những trắc ẩn của họ Hồ trước sự thăng trầm của cuộc đời. Hồ Quý Ly cũng mang những nét hư cấu nghệ thuật như cảnh ông kiên nhẫn chờ vợ cầu kinh trước bàn thờ Phật để mô tả con người thiện tâm của ông trước thời cuộc. Người vợ cướp được của quan Tổng binh Vương Thông trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân cũng là nhân vật được hư cấu phục vụ cho ý đồ của nhà văn khi miêu tả tính cách của nhân vật này. Trong tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi, bên cạnh những nhân vật lịch sử như Nguyễn Hoàng, Mạc Cảnh Huống là những nhân vật hư cấu như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Chế Mô, Phạm Dữ... châu tuần chung quanh Nguyễn Hoàng, để nêu bật sức hút mãnh liệt của ông đối với quần chúng nhân dân, một trong những phẩm chất đưa ông đến thành công trong sự nghiệp. Nguyễn Thế Quang trong tiểu thuyết Nguyễn Du đã dựng lên một trường đoạn hấp dẫn với chi tiết hư cấu khi Nguyễn Du trở về Tiên Điền, lập ra một lầu hồng trên bến Giang Đình để đêm đêm đọc thơ cho bè bạn và dân làng nghe... Hư cấu là một trong những sức mạnh của nghệ thuật, nhưng những nhân vật, những chi tiết hư cấu trong các tác phẩm viết về lịch sử thường là nơi dễ bị bắt bẻ nhất. Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn Phẩm tiết đã từng bị bạn đọc phản đối vì chi tiết sau đây: Nhà vua (Quang Trung) bỗng mất đột ngột. Khi lâm chung có Vinh Hoa đứng hầu bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm. Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra là mắt vua lại mở trừng trừng. Đến cả Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại được. Sau đấy chỗ ngón tay út của Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch. Rõ ràng đây là một chi tiết hư cấu để miêu tả phẩm tiết của cô gái đẹp Vinh Hoa mà ngay cả vua Quang Trung cho đến chết cũng không thể khuất phục được nàng, cho dù nhà vua đầy uy quyền rất muốn thành thân với nàng. Truyện ngắn Phẩm tiết được Nguyễn Huy Thiệp viết năm 1988, chỉ vài năm sau Đổi mới, lúc đó có những người đọc cho rằng viết như thế là phạm thượng tới vua Quang Trung, vốn vẫn được tôn sùng trong tâm thức nhân dân! Nguyễn Quang Thân trong tiểu thuyết Hội thề đặt vào miệng những nhân vật như Lê Sát, Lê Ngân những lời khá thô thiển, tục tĩu với mục đích cá thể hóa ngôn ngữ của những nhân vật nông dân ít học này, những điều rất có thể có trong tính cách của họ. Thế nhưng có người đọc phản đối, cho rằng Nguyễn Quang Thân bôi nhọ nghĩa quân Lam Sơn. Thực ra Nguyễn Quang Thân muốn chứng minh rằng sự thô lỗ, ít học này của những kẻ cầm đầu nghĩa quân Lam Sơn sẽ là nguyên nhân của những bi kịch tiếp theo trong cung đình nhà Lê ít lâu sau khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh thành công. Nhân vật cô gái Việt, người vợ cướp được của quan Tổng binh Vương Thông cũng là một nhân vật hư cấu. Ý đồ của nhà văn là muốn qua nhân vật này nói về tính cách đa tình, khát dục nhưng cũng còn chút ít ân nghĩa của tên tướng giặc trước khi hắn biết là sẽ chia tay mãi mãi với người vợ hờ đã chung chăn gối hơn một năm qua. Nhưng có người đọc cho rằng nhà văn chiêu tuyết cho kẻ thù, cụ thể ở đây là làm đẹp cho Vương Thông. Nhà văn lại có thể nghĩ khác. Phải chăng ông cho rằng Vương Thông cũng là một con người, một kẻ có học, cho nên y không hề xa lạ với những tình cảm của con người. Phải chăng đã qua cái thời viết về kẻ thù một cách đơn giản mà văn học trong quá khứ vẫn luôn luôn mắc phải. Chi tiết văn học là của nhà văn, sự đồng tình hay phản bác là quyền của bạn đọc. Vậy làm thế nào để sự hư cấu trở nên hợp lý là bí mật thuộc về tài năng của mỗi chủ thể sáng tạo. Vấn đề đặt ra ở đây phải chăng các tác giả cần cân nhắc, lựa chọn sao cho phù hợp với logic nghệ thuật và logic lịch sử. Không thể hư cấu tùy tiện, gán ghép một cách sống sít, bất chấp việc vi phạm tính thống nhất trong một chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật. Và về phía người đọc cũng không nên “bẻ hành, bẻ tỏi”, đặc biệt là quy kết làm trói buộc sự sáng tạo của người nghệ sỹ.
 
Nhưng không chỉ có hư cấu, nhà nghệ sỹ có thể sử dụng các biện pháp nghệ thuật hữu hiệu khác để tìm cách nhận thức lịch sử một cách sâu sắc hơn. Những truyện dã sử, những truyền thuyết sống trong tâm thức cộng đồng, những huyền thoại lưu truyền qua lớp sương mù thời gian... đều có thể trở thành những ý niệm thẩm mỹ của nhà nghệ sỹ. G.Marquez sử dụng huyền thoại trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn như một thủ pháp nghệ thuật để khám phá lớp sương mù huyền ảo lịch sử của dòng họ Buenđa, của ngôi làng Macônđô. Tác giả Phùng Hy lấy cảm hứng từ huyền thoại năm 499 trước công nguyên, nhà Chu suy thoái, Lão Tử cưỡi trâu xanh đi về phía tây, kết cục ra sao không ai biết, để dựng nên truyện ngắn Phương Nam (phụ bản báo Văn nghệ số tết Nhâm Thìn) tạo ra một cuộc gặp gỡ (tưởng tượng) thú vị giữa Lão Tử và Vua Hùng, qua đó nói lên Đạo an vi trong văn hóa và minh triết của người Việt. Cuộc gặp gỡ kia chưa từng xảy ra trong lịch sử nhưng lại có thể xảy ra trong lịch sử. Cũng có thể dựa trên truyền thuyết như truyền thuyết nỏ thần trong văn hóa dân gian của người Việt để viết tác phẩm, như An Dương Vương xây thành ốc của Nguyễn Huy Tưởng...
 
Cùng với hư cấu, những bút pháp nghệ thuật khác nhau cũng đã được các nghệ sỹ sử dụng khi phản ảnh đề tài lịch sử. Có tiểu thuyết chương hồi hấp dẫn như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái, có bút pháp hiện thực cổ điển như Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy, Pie đại đế của A.Tolstoy, Aivanhô của W.Scott, Tarat Bunba của N.Gogol, hoặc Thánh nữ Evita của T.Martinez, có lối viết tôn trọng cao độ sự chân xác của lịch sử nhưng lại đạt đến trình độ nghệ thuật tự sự mẫu mực như Sử ký của Tư Mã Thiên..., có bút pháp hiện thực huyền ảo với sức tưởng tượng trác tuyệt như Trăm năm cô đơn của G.Marquez, lại có bút pháp trào lộng, hài hước, giễu nhại sâu sắc như Nữ hoàng Macgô, Bá tước Môngtê - Critxtô của A.Dumas (cha) v.v…
 
Hư cấu nghệ thuật là đặc trưng của văn chương, nghệ thuật ngay cả với đề tài lịch sử. Nó không hề làm vi phạm đến chân lý lịch sử, ngược lại để tôn vinh lịch sử nếu lịch sử đáng tôn vinh và quy kết lịch sử nếu lịch sử đáng quy kết. Hư cấu nghệ thuật như một quy luật của điển hình hóa trong nghệ thuật để càng nhận thức sâu hơn bản thân lịch sử, làm cho sự sáng tạo của người nghệ sỹ trở nên bay bổng hơn, tự do hơn trong lao động nghệ thuật, như bản chất của sự sáng tạo của văn chương, nghệ thuật vẫn luôn luôn như một đòi hỏi thường trực đối với nghệ sỹ, để hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc hơn.
 
Như vậy, tuy là một đối tượng mang tính đặc thù của phản ảnh nghệ thuật, nhưng đề tài lịch sử cũng như bất cứ đề tài nào của văn học nghệ thuật đều không hạn chế khả năng sáng tạo của người nghệ sỹ. Tài năng là yếu tố quyết định trong mọi trường hợp, riêng trong trường hợp sáng tạo về đề tài lịch sử, tài năng lại càng không thể có gì thay thế. Trong tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, nghệ sỹ vừa phải có kiến thức uyên bác và phẩm chất trung thực của nhà viết sử lại cần phải có tài năng của một nhà trần thuật nghệ thuật. Hai phẩm chất ấy sẽ là hai cánh bay của tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử
 
LÊ THÀNH NGHỊ
——-
(1), (2): Hêghen, Mỹ học, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, H., 2005, tr.293, 294.
(3): M.Gorki, Bàn về văn học, T.2, NXB Văn học, H., 1965, tr.283.
Nguồn: VNQĐ

GÓC CHIẾU GIỮA LÀNG THƠ

Chỉ vì câu chuyện lúc trà dư tửu hậu mà tôi nể trọng ông. Có một thi sĩ già ở đất Hà thành. Nổi tiếng từ thời chống Pháp. Thơ hay mà có khí phách lắm. Người ấy đã về hưu được mấy niên. Từ dạo cáo quan về nhà, không thấy làm thơ nữa. Có cái bếp giột nắng giột mưa cũng không dọi lại được. Để giúp bạn, ông bèn chọn một chùm thơ cũ đăng báo. Gọi là một chút nhuận bút cho vui. Hẹn ngày trao tại nhà. Đó là một ngày hè nắng sắp đổ về chiều. Khi người ta bước vào tuổi 80 trời làm cho ngơ ngác. Không còn sinh khí nữa. Đến muỗi đốt trên mặt cũng chẳng buồn xua. Khi nhấc nắp ấm pha trà lên, thấy chặt cứng. Gia chủ đã quá lâu không có khách đến chơi nhà. Mốc xanh, mốc đỏ thi nhau mọc dài ra trên chút bã chè tội nghiệp ở dưới đáy… Một thời gian sau đấy, người ấy lặng lẽ qua đời.

Sách Luận Ngữ ở bên Tàu có chuyện người đi bán rọ tre đựng cỏ. Nghe Khổng Tử đánh khánh ở nước Vệ đã than rằng: kẻ đánh khánh kia ắt phải là người có Tâm. Ông và vị thi sĩ già đều là bậc tiên chỉ có góc chiếu giữa làng thơ Việt tự lâu rồi. Tôi chỉ như người đi bán rọ tre đựng cỏ. Làm gì dám đánh bạn với ông? Tôi trọng ông cũng bởi vì cái tâm trước đã. Bởi thế, khi được mời đến nhà đàm đạo văn chương thì vinh hạnh lắm.
Phố Lý Nam Đế vốn là phố nhà binh. Xe chạy một chiều. Phải đi theo phía vườn hoa hàng Đậu đi vào. Qua vài bước chân. Ngôi nhà số 4. Nơi sản sinh ra bao nhiêu nhân tài làm nghề nghiên bút ở đây. Đến một đoạn ngắn nữa thì tới ngõ 12B. Cái đoạn ngắn buồn tẻ này, ông đã có một bài thơ đầy ẩn ức. Từ nhà sang cơ quan! Cơ quan chính là nhà số 4 đấy.
                        Từ nhà sang cơ quan chào hai cây đại già
                        Thả từng chùm hoa rơi trắng đất
                        Mình đi quẩn quanh ngày này sang ngày khác
                        Thời gian trôi qua từng đốt trăng gầy
                        Vậy mà đã cạn năm đầy tháng
                        Mùa qua mùa, mình có được như cây?
Cuối ngõ 12B nương náu một tập thể nhà binh cao 4, 5 tầng. Đi theo cầu thang xi măng. Cứ một khoảng tối rồi lại một khoảng sáng. Đến khoảng sáng thứ 3 thì tới nơi. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đứng ở cửa đón khách. Đó là căn hộ khoảng 3 buồng. Thêm  buồng nhỏ nữa được cơi nới ra mà dân Hà Nội thân ái gọi là “chuồng cọp”. Chẳng hiểu sao lại nghĩ. Không biết nhà tập thể này có phải là hình mẫu Bảo Ninh tả trong Nỗi buồn chiến tranh hay không?
Nguyễn Đức Mậu bảo chẳng phải mình ông mà còn cả mấy chàng lính làm  thơ, nhà ở cứ hay thích kiểu Liên xô. Đất không lấy lại đòi bằng được căn hộ. Càng trên cao càng oách. Có ông còn ‘’khôn” đến mức vội vàng bán xuất đất của mình như thể để tý nữa nó sẽ thiu mất. Rồi nhanh nhảu mua mấy trăm gạch hoa Thạch Bàn gia công lát kín nền căn hộ trên tầng cao cho sang… Chả cái dại nào giống cái dại nào. Họ mu mơ giữa bao tráo trở và bất trắc của kinh tế thị trường. Xã hội nửa tỉnh nửa mơ vào sâu trong cái chợ ấy rồi. Chả có mấy ai đi xe đạp và ăn chè đỗ đen nữa. Thì đi làm xe ôm. Đầu đường đại tá làm thơ, cuối đường thiếu tá đứng chờ…khách quen.
 Căn hộ không có phòng khách riêng. Liền nhau một dải cho thoáng. Bộ bàn ghế uống nước độc một chiếc ghế dài cũ màu cánh gián. Trong căn hộ này, đêm đến, không hiểu ngài đại tá có còn bố trí quân ta ngủ theo đội hình đánh giặc nữa hay không?
 Năm 2010, Nguyễn Đức Mậu cho xuất bản tuyển thơ về chiến tranh. Từ trong lòng cuộc chiến. Thơ có 99 bài. Không phải một tuyển thơ đầy đủ. Cũng là duyên nợ một đời thơ. Người ta mua bản quyền này trong vòng một năm 10 triệu đồng. Tính từ bài thơ viết sớm nhất năm 1966 đến năm 2010 là bao nhiêu năm? Bao nhiêu nhân tình thế thái từ trong lòng cuộc chiến này. Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc. Nắm mộ và cây trầm. Những vỏ đạn còn lại. Hoa lau đường 9. Bắc Lào gió nóng. Đêm thành cổ 1972. Khúc bi tráng ngã ba Đồng Lộc. Tiếng trẻ khóc nơi bản Lào lửa cháy. Trong lòng đất Củ Chi. Trên hầm Đờ Cát. Đêm ở Đồng Tháp Mười… tất, tất cả. Chỉ 10 triệu đồng thôi. Có người băn khoăn cho là rẻ. Nguyễn Đức Mậu chỉ cười và cười thôi. Cái nòi thi sỹ. Như những cô gái trong trẻo chưa chồng. Họ tình nguyện cả đời làm người lái đò nhân hậu đưa khách qua sông. Từ cổ xưa rồi, thi ca là cõi lòng trắc ẩn nhất của loài người để lại cho hậu thế trên con đường dài gian nan đi tìm hạnh phúc. Thi sỹ hàng nghìn đời nay chẳng có ai làm thơ với cái đích kiếm tiền.
 Nguyễn Đức Mậu viết nhiều thể loại. Ký sự. Truyện ngắn. Tiểu thuyết. Thơ. Ông nổi danh và được người ta nhắc đến hơn cả là tước hiệu nhà thơ. Có người bảo. Lịch sử sẽ không quên một ai. Nhưng lịch sử có quyền lựa chọn. Thời chống Pháp. Người làm thơ đông đến một tiểu đoàn. Sau 100 năm nữa. Tiểu đoàn ấy còn lại tên tuổi một tiểu đội, khoảng 12 người. Thời chống Mỹ. Có đến một trung đoàn làm thơ. Sau 100 năm nữa. Trung đoàn ấy cũng còn lại tên tuổi hơn một tiểu đội, khoảng 20, 25 người. Nhiều ý kiến chia giai đoạn thơ theo thời gian lịch sử. Lấy mốc 1945 và 1975. Phân kỳ thơ. Tiền chiến 1930-1945, kháng chiến 1945-1975, hậu chiến 1975 đến nay. Chỉ là ước lệ thôi. Dòng thơ không phải lúc nào cũng hòa lẫn vào dòng lịch sử. Đôi khi nó âm thầm vòng ra xa để ngắm nhìn những khúc quanh nhân thế. Dòng thơ lai láng thảnh thơi để làm êm dịu đi sóng gió cuộc đời. Nó tự do, phóng khoáng, nghiền nghẫm và chiêm nghiệm có khi quên mất cả nhịp gõ thời gian. Nó giữ gìn tiếng họa mi hót ban mai giữa lúc đại bác gầm. Nó tràn qua bờ đê của quá khứ hiện tại và tương lai để dự báo những mùa màng tốt đẹp. Ào ạt như dòng lũ mùa xuân. Tươi trẻ và bát ngát dâng đầy bãi bờ của hoài niệm. Chảy ngược lại để đằm mình vào những gì đã qua của quá khứ, làm sâu sắc và mến yêu hơn hiện tại.
Thi ca dạy con người niềm hy vọng ngay cả trong thời khắc lịch sử cay đắng nhất. Sau 1975 một thời gian ngắn, lửa khói cam tuyền lại đốt đỏ thức mây ở hai đầu đất nước. Những người lính cầm súng bảo vệ non sông lại đi thêm gần 20 năm nữa. Một người trong số họ mặc áo trấn thủ vệ quốc đoàn từ mùa đông năm 1946 đi liên tục đến 1991, 1992 hỏi đã bao nhiêu lần tóc bạc? Người lính già ấy ít nhất cũng thất thập cổ lai hy mới cởi giáp trở về nhà. Tuổi của thi ca, dựa trên lý thuyết dòng chảy không song hành kia thì đâu phải 70 năm? Có thể hàng trăm năm… Không gian thi ca Việt nam mở rộng đầy biển cồn bão tố. Thơ Việt nam hiện đại hầu hết được thi sỹ của thời đại chúng ta viết trên mình ngựa chiến như cách nói của bậc tiền nhân. Đó là khúc ca bi tráng nhất trong lịch sử của đất nước này.
 Hậu thế và thời gian sẽ công bằng thêu những câu thơ hay nhất trên lụa điều để ngàn đời treo dưới mái khuê văn. Ai trong số 25 người cùng thời với Nguyễn Đức Mậu được ghi tên? Rồi hậu thế sẽ thắp sáng lửa đèn trên dãy Trường sơn, trên đỉnh núi còn mây phủ ở biên thùy phía Bắc, trên bạt ngàn lúa chín phương Nam để tôn vinh những người lính đã sống và đã chết, những thi sỹ một đời dâng hiến, cho thế kỷ 20. Tủ sách Tinh hoa thơ Việt in năm 2007 đã chọn 10 nhà thơ thời chống Mỹ. Nguyễn Đức Mậu được in 25 bài. Tôi nghĩ có thể chọn thêm 10 nhà thơ nữa của thời đó.
Thơ Nguyễn Đức Mậu có tiếng nói riêng. Không trộn lẫn với người khác được. Đây rộn rã mà vang xa Phạm Tiến Duật. Đây tài hoa mà đằm thắm Hữu Thỉnh. Đây nho nhã mà kiêu sa Bằng Việt. Đây bảng lảng xa xăm mà dịu hiền Thanh Thảo. Thơ Nguyễn Đức Mậu chân chất mặn mà, giằu tính tự sự, kỷ niệm và một tấm lòng nhân ái trang trải trên hầu hết các trang thơ. Ông tự sự đến mức có cả những tên người cụ thể trong không ít các bài thơ. Không ngại nói đến nấm mồ chết chóc giữa khói lửa chiến tranh. Không thi vị hoá mà trân trọng nâng niu những gì sâu lắng nhất, bé bỏng mà thơ ngây đến tội nghiệp con đò ẩn hiện giữa hai bờ lau sậy hoang sơ hay một ổ gà con mới nở giữa khoảng trống hố bom trong rừng chiều chiêm chiếp hoàng hôn. Cái chất lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu thật rõ rệt. Nguyễn Đức Mậu đã dựng lên bức tranh khái quát và trần trụi về chiến tranh, về người lính gây bao xúc động cho người đọc.
- Mặt trận miền Tây
Sáu mươi cây số trời
Mặt trận miền Tây
Sáu mươi cây số đất
Mặt trận miền Tây
Sáu mươi cây số người.

- Nếu tất cả trở về đông đủ
Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn.

- Người hóa đá trọn đời nhan sắc
Anh sẽ về cho đá lại là em.

- Mùi tóc cháy mùi thịt da khét lẹt
Ngọn gió qua đồi hóa ngọn gió mồ côi
Khuôn mặt cháy đen chỉ đôi mắt nhìn tôi không chịu khép
Như hai hốc đất sâu hai vết thủng vòm trời.

- Mười khẩu súng mười vùng quê dập nát
Đã vùi sâu trong gạch vỡ cổ thành.

- Qua nhiều dòng suối sâu tôi tìm được một viên đá nhỏ
Qua nhiều đêm rừng tôi nhặt về khắc khoải giọng từ quy
Qua bãi bom ngổn ngang bới đất sâu tôi tìm được
Cái cúc áo người phá bom trong vàng sắc hoa quỳ.

- Năm người sập hầm chỉ riêng mình sống sót
Mình là ngón tay thừa trong thương tật bàn tay.

Nói chân chất là nói dòng chủ đạo. Nguyễn Đức Mậu không thiếu   những câu thơ tài hoa. Hãy xem ông viết về các loài hoa thế nào. Đâu phải là hoa. Là người đấy. “Biết đâu sợi tóc trong đêm bạc. Lại trùng với khắc nụ thành hoa”. Là tâm hồn nhẹ như phấn thông vàng của thi nhân.

- Một sớm sông Hồng mười bảy tuổi
Hoa gạo rơi trong nỗi nhớ nhà.

- Thương loài hoa muộn rừng sâu
Mong manh cánh mỏng có màu nắng mưa.

- Em thay áo, con đường Thu chợt sáng
Bước em qua hoa cúc nở trăng rằm.

- Em bỏ vườn quê sang xứ khác
Hoa ngẩn ngơ buồn trên luống mưa
Gom bao thương nhớ mà xa cách
Cúc vàng ơi vẫn cúc vàng xưa.

Đứng chân ở dòng thơ lấy tự sự làm chủ đạo là một con đường sáng tạo không dễ dàng. Dễ ít véo von bay bổng. Dễ kể lể dài dòng khó tập trung để đắp nổi những hình tượng thơ độc đáo. Nguyễn Đức Mậu vượt qua được cái rào cản đầy khó khăn đó. Ông đã viết lên những bài thơ có sức sống lâu bền. Nấm mộ và cây trầm. Chuyện nhỏ trong rừng. Gạch vỡ thành cổ. Cánh rừng nhiều đom đóm bay…
Tự sự nhưng khi cần tâm tình, cần “đào bới hư vô, tuôn chảy hư vô”, Nguyễn Đức Mậu cũng già tay lắm. Hãy xem thi sỹ với những dòng thơ quyện đầy khói lửa chiến tranh giãi bày một chút lẻ bóng ra sao.
            - Dòng sông trắng một bờ đau
            Mây bay nhuộm trắng một màu núi xa
            Trắng thuyền trăng khuyết riêng ta
            Trắng đêm lẻ bóng vào ra một mình.

            - Bến quê một  nhánh sông gầy
            Một con đò nhỏ chở ngày và đêm
            Chở anh về phía không em
            Bao xa vắng cứ đầy thêm đò chiều
Nếu Phạm Tiến Duật đã thắp sáng ngọn lửa đèn trong thi ca để soi tỏ khuôn mặt ngàn năm của những người ra trận thì Sự mất ngủ của lửa đâu phải là của riêng Nguyễn Quang Thiều. Đó là sự mất ngủ của thi ca, sự mất ngủ của thời đại, của thân phận con người. Sự mất ngủ của những nụ tầm xuân trên bờ đê heo hút dọc các triền sông, của gánh hàng rong cô lẻ mẹ ta đã gánh trong tĩnh mịch của ngõ vắng chiều xưa… Là thi nhân, Nguyễn Đức Mậu cũng đã mất ngủ như thế. Tâm sự của vị tướng về hưu: “Huân chương xếp vào góc tủ. Nay hàm tướng tá làm chi. Tuổi già công danh xem nhẹ. Cuộc đời như nước trôi đi”. Cảm xúc mùa cày: “Những hòm đạn không còn đạn bắn. Nằm phơi trần con số mồ côi”. Mất ngủ trong tiếng ru tha thiết của hòa bình, tưởng ở cố hương mà lạc giữa cõi người.

            Xa quê biền biệt tháng ngày
            Ngủ rừng , ngủ phố đêm nay ngủ nhà.
            …..
            Có gì xa lắc xa lơ
            Mình như lạc giữa bến bờ nhân gian.  

Cả một thời viết lách, mãi đến năm 2010 Nguyễn Đức Mậu mới cho in tập tiểu luận phê bình đầu tiên với tiêu đề khiêm tốn. Niềm say mê ban đầu. Cả thảy có 43 bài viết ngắn. Tiểu luận của ông như những góc nhỏ tâm tình. Có không ít bài viết về hiếu nghĩa với các bạn thơ đã đi về cõi trăm năm. Nguyễn Bính. Khương Hữu Dụng. Đoàn Văn Cừ. Xuân Diệu. Tế Hanh. Thu Bồn. Phạm Tiến Duật. Duy Khán. Phùng Khắc Bắc. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Mỗi bài viết là một vòng hoa nhỏ rưng rưng xúc động cho người ở chín suối yên lòng. Lắm khi chen vào những kỷ niệm khôn nguôi. Lạ lùng nhất là chuyện kể về tình bạn giữa Nguyễn Đức Mậu với thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm. Ông Mậu chân chất bao nhiêu thì ông Cầm giang hồ lãng tử Yến Thanh bấy nhiêu. Cầm như vương tôn công tử đi qua rừng. “Những cây nấm màu nâu, màu nâu già. Tự dưng thức dậy bên vòm lá.” Và “Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi. Chày mùa thu gõ mãi lời nước non”. Mang mác, tiêu dao quá Cầm ơi! Ấy vậy mà sự khác nhau ấy của tâm tính và thi ca lại làm cho họ là bạn của nhau. Những tay giang hồ gặp nhau nơi bến vắng.
Một bậc thức giả ở phố hàng Bạc có lời nhắn: “Tình bạn giữa Mậu và Cầm gợi nhớ đến sự đồng điệu trong sự khác biệt giữa Tô Hoài và Xuân Diệu. Tô Hoài giỏi giang đến mức được phong thánh trong giáo phận văn chương nước Việt rồi sao mà ông ấy còn… ác thế. Đọc Chiều chiều, Cát bụi chân ai… mà ghê cả người. Rõ là ma xó trong làng văn. Thôi thì chiêu tuyết cho Phan Kế An, Nguyễn Hải Trừng, Trinh Đường, Quang Dũng, Kim Lân, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo… được rồi. Sao lại nỡ kể cái chuyện yêu nhau trong màn mùi mẫm hồi ở chiến khu Việt Bắc làm chi. Chả gì người ta đã trở thành thiên cổ rồi!” Biết nói làm sao để bênh cụ Tô Hoài đây. Làm cái nghề văn chẳng bao giờ giữ được lâu cái gì trong bụng. Biết mà không nói đôi khi cũng có lỗi với nhân duyên. Nói ra cho nhẹ cái người trước khi đi gặp Mãn giác Thiền sư. Làm cái nghề phê bình và nghề cầm bút cầm kéo biên tập văn thơ ở các tòa báo cũng… bạc lắm. Cắt bỏ, thêm vào nhiều khi mặt nặng, mặt nhẹ, mất anh, mất em. Có lẽ tiểu luận phê bình của Nguyễn Đức Mậu đã tránh được điều khó xử ấy chăng?
Phần lớn các bài viết của ông đều mang giọng tâm tình. Có hai bài viết mang tính chất sơ kết ở các trại sáng tác dưới tỉnh. Bài viết về thơ trên bia đá của Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Quang Dũng… rất có tâm trạng. Về chuyện bếp núc trong nghề thơ cũng có một số bài. Một lần ông nói với tôi: Làm thơ khó nhất là cái kết. Tôi bảo: Nếu khó thì tìm cách không có kết nữa? Ông đưa ra một ví von thật di dỏm. Nhiều bài thơ đã có kết lâu rồi nhưng tác giả vẫn cứ sợ chưa đủ. Chẳng khác gì đã mời khách vào nhà rồi lại mời ra. Thơ cần bùng nổ mà dây cháy chậm dài quá.
Hôm nay, sực nhớ gió bấc gửi đi trước những đám mây đen bồng bềnh lướt nhẹ qua thành phố lúc rạng đông. Để rồi đến đêm nó sẽ tới, vừa đi vừa hát bài hát tha phương không có tuổi. Lại một mùa đông nữa đến rồi. Thơ ca ngẫm đến cùng cũng chẳng phải là cành nguyệt quế có thật ở trên đầu. Để có một góc chiếu giữa làng thơ xứ Việt này, người ta đã phải trả giá một đời người mà vẫn chưa xong.
Nắm tay tạm biệt ông, tạm biệt ngõ 12B Lý Nam Đế, lòng tôi bâng khuâng nghĩ về sứ mệnh của người thi sỹ trên cõi đời này; Nghĩ về những câu thơ tâm sự nghiệp làm thơ của Nguyễn Đức Mậu.
                        Khi mọi buồn vui trong lòng vơi cạn
                        Khi con tằm thiếu lá dâu xanh
                        Tôi lo ngại những hạt soàn giả tạo
                        Những câu thơ tự trang điểm cho mình.
KHUẤT BÌNH NGUYÊN