.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, December 14, 2012

NGUYỄN BÙI VỢI TỪNG LÀM THƠ TẶNG BÍ THƯ KHOÁN HỘ KIM NGỌC: “TAY CẦM LÕM SẸO CÀY NÊN ÔNG THẤU LÒNG DÂN”


Có câu chuyện kể rằng, khi lập mộ cho ông bí thư khoán hộ Kim Ngọc, người thân của ông hỏi ý kiến Nguyễn Bùi Vợi, xin khắc đá bài thơ ông viết về ông Kim Ngọc trước mộ ông. Nguyễn Bùi Vợi có nói rằng, ở đời chẳng có ai được  trăm người quý cả trăm, khắc bài thơ ông lên đó, lỡ mai sau có người họ ghét ông, họ đòi đục bỏ bài thơ của ông thì sao? Và như vậy là làm đau Kim Ngọc đến hai lần. Ông Kim Ngọc làm đến bí thư tỉnh ủy còn bị đối xử bất công, mãi đến khi ông qua đời rồi người ta mới hiểu ông. Cũng là người từng bị đối xử bất công nên thơ Nguyễn Bùi Vợi viết về ông thật cảm động:

Sách không làm nên đời mà đời làm nên sách
Tay cầm lõm seo cày nên ông thấu lòng dân
Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ
Êm ấm mọi nhà, cay đắng một mình ông

Nằm dưới đất, ngực còn thơm Huân chương Độc lập
Nghe xôn xao đất nở những mùa vàng
Cánh đồng nào cũng thơm hồn Kim Ngọc
Người lặng lẽ đi về trong chuyện kể dân gian


Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi
 __________________________
Tạp chí Nhà văn Online - Nguyễn Bùi Vợi là người viết giai thoại trong làng văn khá nổi tiếng. Giai thoại là những chuyện lưu truyền trong dân gian, người viết lượm lặt đây đó rồi tập hợp lại. Cái tài của người viết là biết chọn những chi tiết đời sống để nói ít, viết ngắn mà chứa đựng trong nó cả cái bi, cái hài, có khi chỉ là của một người nhưng nói được cả những xa xót của một thời kỳ nào đó của lịch sử. Nhiều giai thoại trong làng văn do Nguyễn Bùi Vợi kể có sức lan tỏa rộng lớn và sống mãi với thời gian.
LÊ HUY MẬU NHỚ NGUYỄN BÙI VỢI
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có lần bảo tôi: Em có về quê nên tranh thủ ghé thăm mấy anh lãnh đạo huyện. Các anh ấy tốt lắm! Anh em mình  giúp được gì cho quê hương thì ráng giúp! Ông tâm sự, trước đây, ông về quê nhiều lần nhưng chưa bao giờ ghé huyện. Có lần ông nói chuyện, đọc thơ ở nhà máy đường sông Lam cạnh cơ quan huyện, huyện có mời ông ghé thăm, ông cũng không sang. Về cuối đời ông tỏ ra ân hận. Ông bảo tôi đừng mắc lại sai lầm của ông.  Ông đã sửa sai bằng cách viết hẳn một trường ca về Thanh Chương. Lúc tặng tôi tập trường ca này, ông bảo, anh chạy đua với thời gian, nên có nhiều chỗ bị dễ dãi. Thôi, mình cứ viết hết lòng còn được đến đâu hay đến đó!
Tôi và ông chỉ gặp nhau ở quê có đúng một lần. Hôm ấy ông và chị Từ về dự đám cưới con trai của cháu gái ông ở xã tôi. Lâu ngày gặp nhau, ông rủ tôi đi bách bộ nói chuyện. Hai anh em đi vòng quanh xóm, chuyện đang say thì người nhà gọi về. Không ngờ đó là lần tôi và ông song hành hít thở không khí quê hương duy nhất.
Nguyễn Bùi Vợi có bài thơ viết về Tiếng Nghệ nổi tiếng. Bài thơ ông dịch tiếng Nghệ sang tiếng phổ thông cho vợ là chị Từ người Hà nội nghe.

Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…

                             (Tiếng Nghệ)

Đằng sau những câu chữ dung dị ấy của ông là cả một tấm lòng với quê hương. Ông tự hào là người Thanh Chương. Và, dù sống giữa thủ đô, và vợ là người Hà nội gốc, ông vẫn giữ “chất Nghệ” của mình. Tôi thường nói đùa với Võ Thanh An, có hai ông anh Thanh Chương “kết tủa” giữa thủ đô. Gàn và khái thì Võ Thanh An và Nguyễn Bùi Vợi là không ai bằng! Ngày xưa, anh em đồng hương chơi với nhau hay bị coi là cục bộ, địa phương. Nhưng đó là chốn công quyền. Còn với anh em văn nghệ, thì mặc. Thích nhau quý nhau là chơi, bất chấp hết!
Anh Vợi gặp tôi lần đầu là tại hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ ba tại Hà nội (12/1985). Bấy giờ ông là nhà thơ nổi tiếng, đã có thơ được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường, còn tôi mới lớ ngớ đến với văn chương. Nguyễn Bùi Vợi người to cao, có mái tóc dày, để dài rất ấn tượng. Ông nhờ tôi chở ông từ trụ sở Hội nhà văn về cơ quan ông. Sau lần gặp nhau hỏi han trò chuyện đó, ông thường để ý đến các sáng tác của tôi. Tôi nhớ, ông là người đầu tiên giới thiệu tập thơ của tôi trên báo Văn nghệ. Tôi thích bài giới thiệu của ông, bởi, ông viết giới thiệu lời lẽ rất chừng mực, ông còn chỉ ra  những vụng về mà tôi thường gặp phải trong thơ. Tuy nhiên, đằng sau những câu chữ thuần túy nghề nghiệp của ông, tôi vẫn đọc thấy tấm lòng ưu ái ông dành cho tôi.
Nguyễn Bùi Vợi không uống rượu. Là nhà thơ, nhà phê bình văn học khá nổi tiếng nhưng ông sống mô phạm. Mỗi lần gặp ông, tôi thu lượm được khá nhiều thông tin, có những thông tin từ ông về giới văn nghệ tôi sống để dạ, chết mang theo chứ không kể với ai. Ông là người say chuyện. Tùng Bách kể, Võ Văn Trực hay đến nhà Nguyễn Bùi Vợi chơi. Anh Trực ngồi suốt buổi không nói câu nào, chỉ im lặng ngồi nghe bạn nói. Lúc anh Trực về rồi, chị Từ mới nhỏ nhẹ bảo ông: Anh nói ít thôi, phải để cho anh Trực nói với chứ. Lần sau anh Trực đến, ông ngồi im, chờ mãi cũng chẳng thấy anh Trực nói gì, lúc anh Trực về rồi, chị Từ bảo: Các anh hôm nay có chuyện gì à? Ông bảo chị Từ: Bà thấy không, tôi có nói mất phần của nó đâu. Nó không nói thì tôi mới phải nói đấy chứ!
Tôi đến thăm  nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tất cả là ba lần.  Nhưng hai lần là đến lúc ông đã ngã bệnh. Ngôi nhà khu Hồ Tây của ông thật khó tìm. Có địa chỉ nhà do ông ghi cho mà tìm vã mồ hôi. Ông bảo có được ngôi nhà này là do con ông đi làm ăn ở nước ngoài mang tiền về mua đất và xây cất lên. Tài sản của ông chỉ có sách, mà ông bảo, con ông chẳng có đứa nào theo nghề bố cả, ông định sau ngày ông mất, ông sẽ hiến toàn bộ sách về cho địa phương- xã Cát Văn quê ông. Hai lần sau thì một lần là thăm ông trong bệnh viện, và một lần là thăm khi ông về dưỡng bệnh tại nhà con gái gần nhà nhà thơ Hoàng Cát. Tiếp tôi hai lần sau là chị Từ vợ ông. Chị Từ là một phụ nữ có gương mặt phúc hậu. Tôi đã đọc bài viết của ông, biết được mối tình của ông và cô học trò xinh đẹp, yêu văn chương và yêu thầy Vợi nhưng bị tổ chức cản ngăn vì gia đình bà là địa chủ. Nguyễn Bùi Vợi chấp nhận kỷ luật  để giữ vẹn mối tình với bà.
Cuộc đời ông đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, từ Hà nội lên Phú thọ, từ Phú Thọ lại trở về Hà nội. Từ nhà giáo viết văn, viết lý luận phê bình, đến cán bộ ngành văn hóa thông tin, rồi biên tập viên chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Việt nam, ở đâu ông cũng để lại dấu ấn nghề nghiệp được mọi người kính nể. Đặng Anh Dũng- phó bí thư thường trực huyện ủy Thanh Chương có gửi tôi bài viết: Nguyễn Bùi Vợi- nhân cách một người Nghệ. Bài viết ghi lại khá đầy đủ tính cách con người Nguyễn Bùi Vợi, cứng rắn cương nghị nhưng cũng  rất dễ xúc động, mủi lòng. Mặc dầu xa quê từ rất lâu, nhưng ông luôn giành cho quê hương tình cảm sâu nặng.
Ông nhớ quê, quý trọng và thương những con người ở quê. Khi nhắc đến những con người, những kỷ niệm ở quê, ông thường rưng rưng nước mắt. Theo tác giả bài viết, ông “Nghệ hơn nhiều người Nghệ”. Chất Nghệ- hiểu nôm na là tính cách Nghệ. Người Nghệ nào cũng có chất Nghệ trong mình. Nó là tổng hợp nhiều yếu tố từ ngôn ngữ, giao tiếp, phong cách sinh hoạt đặc trưng của người Nghệ nhưng biểu hiện rõ nhất trong chất Nghệ là sự thẳng thắn, không úp mở quanh co. Ông viết về mình và người Nghệ:

Đã nói khi nào cũng nói to
Đã nhìn ai thì nhìn thẳng mặt
Biết bao nhiêu bận bị mất lòng
Đánh chết cũng không chừa thói thật


Vì cái sự thẳng thắn, cương trực của mình mà nhiều người ngán ngại ông. Và ông thường bị đối xử thiếu công bằng trong công tác.

Nguyễn Bùi Vợi là người viết giai thoại trong làng văn khá nổi tiếng. Giai thoại là những chuyện lưu truyền trong dân gian, người viết lượm lặt đây đó rồi tập hợp lại. Cái tài của người viết là biết chọn những chi tiết đời sống để nói ít, viết ngắn mà chứa đựng trong nó cả cái bi, cái hài, có khi chỉ là của một người nhưng nói được cả những xa xót của  một thời kỳ nào đó của lịch sử. Nhiều giai thoại trong làng văn do Nguyễn Bùi Vợi kể có sức lan tỏa rộng lớn và sống mãi với thời gian. Nhà văn, cũng tùy theo quan niệm mà đến với độc giả, và lưu lại trong lòng độc giả bằng một cách nào đó. Tài năng là thứ không thể bình đẳng trước mọi người bởi nó tiên thiên, bên ngoài ý muốn chủ quan của con người.
Nhưng tài năng nếu chỉ được sử dụng cho mục đích vinh thân phì gia thì người đời cũng chẳng mất thời gian quan tâm đến làm gì. Chỉ khi tài năng được sử dụng để phụng sự cho cộng đồng, cho xã hội thì mới được xã hội ghi nhận. Tôi có cảm giác như Nguyễn Bùi Vợi có được cái gì quý giá nhất của mình thì đem phụng sự hết cho nghề nghiệp, cho cộng đồng, cho quê hương, đất nước. Ông làm gì cũng nhiệt huyết , cũng thành tâm cả. Nhưng trớ trêu thay, không phải lúc nào ông cũng được ghi nhận, được đối xử công bằng với những gì mình đã cống hiến.  Là giáo viên dạy giỏi, được bộ trưởng khen, nhưng  chỉ vì thật, vì ngang, vì thành phần gia đình người yêu là địa chủ mà bị đình chỉ công tác. Hết lòng cho việc thành lập Hội Văn nghệ, nhưng chính mình thì lại không có tên trong cơ cấu Ban chấp hành. Cả một đời cầm bút chỉ có thương yêu mà lại bị nghi là có vấn đề về chính trị…Nhưng ông vẫn sống lạc quan, ông vẫn sáng tác, vẫn hết lòng cho sự nghiệp chung, cho những người mà ông yêu thương, quý trọng.
Nói về thơ Nguyễn Bùi Vợi, có người cho rằng, thơ ông khi tập hợp vào một tập nó cứ na ná nhau, bình bình. Đúng là thơ ông không có sự bứt phá trong ngôn từ, trong hình thức, trong cách tân, đổi mới. Thơ ông là sự dung dị, là tiếng nói từ trái tim đa cảm của ông. Đòi hỏi ở nhà văn những cái gì không thuộc phong cách sáng tác của họ là hết sức phi lý. Đến với lòng người có muôn vạn nẻo. Ông có triết lý sáng tạo của mình. Một “ Tiếng Nghệ”, một “Qua Thậm thình”, một “Bến cũ”… cũng đủ làm nên chân dung một tâm hồn thơ. Không có cuộc đua tranh nào ở đây cả. Mỗi tác phẩm tự tìm cách đi vào lòng công chúng, không có điều kiện gì hết. Người già thì ai cũng phải trải qua tuổi trẻ, chứ người trẻ thì còn lâu mới có được cái trải nghiệm cuộc đời như họ. Có rất nhiều người sợ người đời sẽ nhanh chóng lãng quên mình nên vội vàng kết thân với trẻ, tự ỉ ôi cái thời mình, cái văn chương già cỗi của mình . Vâng, có quy luật của sự đào thải tất yếu của lịch sử, nhưng đau thương thì bền vững dài lâu. Ba trăm năm sau Nguyễn Du, Truyện Kiều vẫn nức nở đó thôi!
Có câu chuyện kể rằng, khi lập mộ cho ông bí thư khoán hộ Kim Ngọc, người thân của ông hỏi ý kiến Nguyễn Bùi Vợi, xin khắc đá bài thơ ông viết về ông Kim Ngọc trước mộ ông. Nguyễn Bùi Vợi có nói rằng, ở đời chẳng có ai được  trăm người quý cả trăm, khắc bài thơ ông lên đó, lỡ mai sau có người họ ghét ông, họ đòi đục bỏ bài thơ của ông thì sao? Và như vậy là làm đau Kim Ngọc đến hai lần. Ông Kim Ngọc làm đến bí thư tỉnh ủy còn bị đối xử bất công, mãi đến khi ông qua đời rồi người ta mới hiểu ông. Cũng là người từng bị đối xử bất công nên thơ Nguyễn Bùi Vợi viết về ông thật cảm động:
Sách không làm nên đời mà đời làm nên sách
Tay cầm lõm seo cày nên ông thấu lòng dân
Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ
Êm ấm mọi nhà, cay đắng một mình ông

Nằm dưới đất, ngực còn thơm Huân chương Độc lập
Nghe xôn xao đất nở những mùa vàng
Cánh đồng nào cũng thơm hồn Kim Ngọc
Người lặng lẽ đi về trong chuyện kể dân gian



Sau ngày Nguyễn Bùi Vợi mất, tôi có ý định một ngày nào đó về quê, tôi sẽ lên Cát văn quê ông để được nghe kể về thời ấu thơ của ông, để ra bến sông mà thuở nhỏ ông vẫn cho trâu đằm và tắm sông ở đó. Ông tắm phía thượng nguồn, còn tôi tắm phía dưới, có thể nghe được cả tiếng cười đùa nghịch ngợm của trẻ con hai xã Tiên Hội quê tôi và Cát văn quê ông. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ đó. Quê ông nhiều mít, trám và quả gai (quả dứa). Quả gai chín thì tôi đã từng được ăn, nhưng quả gai xào thịt bò thì tôi được ăn lần đầu là ở Cát văn quê ông. Bấy giờ tôi là Liên đội trưởng thiếu niên của xã về dự hội nghị thiếu niên toàn huyện họp tại xã ông. Tôi và ông cùng trong tổng Cát ngạn. Cùng chung nhau một ngọn gió Lào thổi rạc bờ tre. Cùng chung nhau một dải sông Lam vắt ruột mình thành dải lụa . Vâng lời ông, tôi đã gặp các anh lãnh đạo huyện, đã thành cộng tác viên cho tờ tin của huyện nhà. Giúp được gì cho quê hương anh em mình rán giúp ! Tôi và ông chẳng có của nả gì để giúp, chỉ có tấm lòng và những cuốn sách gom góp cả đời.- Cái vốn làm người đó em cũng xin được tặng lại cho quê hương như anh đã làm. Anh Vợi ạ!
Người Thanh Chương đi ra “ăn nên làm nổi” cũng nhiều. Tôi đã gặp Hội những nhà doanh nghiệp quê Thanh Chương tại Hà nội. Thật cảm động khi được ăn món quê từ giữa lòng Hà nội. Trám Cát văn, cá Mát sông Giăng, nhút Thanh Tiên… Trong buổi gặp gỡ thân tình của người quê giữa thủ đô Hà nội, Đặng Anh Dũng- Phó bí thư thường trực huyện ủy đọc lại bài thơ nhớ quê của Nguyễn Bùi Vợi: Nhớ quê cả bốn mùa/ không riêng gì mùa mít. Nghe thơ ông, tôi chợt thấy bồi hồi. Cát văn hay Thanh Chương nói chung nhiều mít thật. Nhưng sao tuổi nhỏ của mình vẫn thèm mít chín thế? Là tại vì, hồi ấy mình thiếu ngọt. Mà mít thường là để luộc ăn trừ bữa, chứ mít chín chỉ ăn chơi, không trừ bữa được, nên có mấy khi được ăn mít chín đâu mà chả thèm!
Đời người ta có khi chỉ mươi, mười lăm năm đầu đời là sống ở quê, còn thì phiêu dạt làm ăn sinh sống nơi đất khách quê người cả cuộc đời, nhưng không có gì có thể làm phai mờ được ký ức tuổi thơ cả. Quê hương không chỉ là nơi sinh, nơi chôn rau, cắt rốn mà quê hương thấm đẫm trong lòng mỗi người bằng văn hóa, bằng ký ức tuổi thơ sâu đậm. Đấy chính là miền đất sáng tác suốt đời của nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Bùi Vợi. Tôi nghĩ, ông đã quan niệm đúng, đã sống đúng và viết đúng, không có gì có thể thay được sự thành tâm, cả trong cuộc sống cũng như trong trang viết. Đó chính là triết lý mà tôi rút ra được từ chính Nguyễn Bùi Vợi- Người anh đồng hương mà tôi rất quý mến!
Viết ngày 23/8/2012
LÊ HUY MẬU

No comments:

Post a Comment