.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, November 28, 2012

NGUYỄN TRỌNG TẠO – THÁI NHÃ VÂN: “XẬP XÌNH XANH ĐỎ EM THÀNH NÀNG DÂU”

“Rồi mây đi đâu? Qua miền ngà ngọc
Một tấm khăn nâu vấn tròn suối tóc
Một vòng tay gió ôm choàng lưng ong
Hai gót chân trần lội sóng sang sông”
Người đẹp Thái Nhã Vân

MÂY MẶC YẾM NÂU
Tặng người đẹp Thái Nhã Vân
Ngang qua làng anh mây mặc yếm nâu
Tuổi căng ngực nắng váy bay qua cầu
Rì rào đồng quê lúa non ngậm sữa
Mây dấu nụ cười chúm chím hoa ngâu
Mây qua đầm sâu sen nâng váy lĩnh
Trắng trắng hồng hồng thức miền yên tĩnh
Dải yếm nhiệm mầu buộc trái tim anh
Cái lúm đồng tiền chết đuối trời xanh
Rồi mây đi đâu? Qua miền ngà ngọc
Một tấm khăn nâu vấn tròn suối tóc
Một vòng tay gió ôm choàng lưng ong
Hai gót chân trần lội sóng sang sông
Anh nhìn đằng đông mặt trời đã tỏ
Mây qua đằng tây nhập vào thành phố
Xập xình xanh đỏ em thành nàng dâu
Anh nhớ thắt lòng mây mặc yếm nâu…
Hà Nội, 11.2012
NGUYỄN TRỌNG TẠO

VỀ MỘT BÀI THƠ TRONG “NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM”

Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được in ra cho tới nay đã 7 năm. Cứ mỗi lần tới ngày sinh của người Anh hùng liệt sĩ - bác sĩ này, tôi lại đọc và ngẫm suy những dòng viết của chị.
Đến nay, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra 18 thứ tiếng trên thế giới.
Trong ảnh: Bản dịch quốc tế ngữ của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”

Và lần này, nhân 70 năm ngày sinh của Đặng Thùy Trâm (26.11.1942 - 26.11.2012), tôi nghĩ về những dòng ghi vào ngày 7.1.1970. Đó là một bài thơ - những dòng “xuất bút thành thơ” của chị.
Bài thơ này viết cách thời điểm chị hi sinh 166 ngày (7.1.1970 - 22.6.1970). Nhưng ta nên đọc vài đoạn ghi ngay trước đó (6.1.1970): “…Hãy rèn giũa phẩm chất của một người Đảng viên nghe Th. (tức là Thùy, tiếng Thùy Trâm tự xưng; viết tắt trong nguyên bản - TG). Cuộc đời Th. là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Xin Th. hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng. Hãy hứa trước tòa án lương tâm đi Th. nhé. Th. sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý của một người Đảng viên, một người trí thức…”.
Tiếp ngày hôm sau, có lẽ mọi việc cơ quan tạm đã xong, mọi người đã đi ngủ, còn lại mình chị với ngọn đèn dầu giữa miền rừng núi với gió lạnh trong đêm. Giờ thì người bác sĩ trẻ dốc bầu tâm sự của mình với những trang giấy.
Chị nhớ lại từng người thân, bạn bè đang ở trên khắp đất nước, trên đất miền Nam, ở giữa lòng thủ đô… Hình ảnh thân thương quý yêu nhất vẫn là người chiến sĩ giải phóng quân trên đường ra trận.
Chị đau đáu lo lắng cho anh em, đồng bào, đồng chí trong suốt những đêm thâu; lòng quặn đau khi bom đạn chiến tranh tàn phá hủy diệt quê hương, giết chóc nhân dân mình.
Tôi đứng đây giữa núi rừng lộng gió
Mưa đan dày trùm cả rừng cây
Nghe gió mùa đông bắc thổi về đây
Lòng bỗng thấy nhớ thương da diết.
Ơi những người thân yêu ở nơi xa có biết
Tôi nghĩ gì trong giá lạnh chiều nay
Chiều nay…
Ai đi giữa hàng cây
Trên những con đường thênh thang của trái tim Tổ quốc.
Ai đi giữa công viên Thống Nhất
Nhìn bóng dừa nghĩ đến miền Nam
Và những bóng hình tha thiết yêu thương
Bỗng đang về đây giữa lòng Hà Nội.
Như những đêm nào Hồ Gươm dạ hội
Vai kề vai vui đón xuân sang.
Chiều nay…
Giữa đỉnh Trường Sơn
Người giải phóng quân trên đường ra trận.

Có nghĩ gì chăng hỡi người thương mến
Khi nhìn về dãy núi phương Nam
Sóng biển Sa Huỳnh vẫn mặn nhớ thương
Vẫn dạt dào đêm ngày vẫy gọi
Vẫn chờ anh với chiến công chói lọi.
Và hẹn ngày đất nước yên vui
Ta lại cùng nhau tay nắm trong tay
Đi đón mùa xuân giữa niềm hạnh phúc.
Chiều nay…
Trong căn nhà giữa xóm thôn quen thuộc
Ai nghĩ gì mà đôi mắt long lanh
Mưa nắng dãi dầu trên mái tóc còn xanh
Vẫn không phai trong lòng tình thương cao đẹp nhất.
Có những đêm dài trên đường công tác
Lòng bồi hồi khi trở lại đường xưa
Cũng đường này ta đã tiễn đưa
Trong những buổi chia tay nặng tình ruột thịt.

Ai biết chăng dù ta có chết
Cho ngày mai, cho đất nước tự do
Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ
Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy.
Chiều nay…
Trong nghìn suy nghĩ
Ai khẽ thở dài thoáng nét lo âu
Ta thấy rồi trong những đêm thâu
Một đôi mắt đen vẫn còn chưa nghỉ
Ai lo cho đồng bào, anh em, đồng chí
Ai đau lòng khi bom đạn còn rơi
Ôi những người thân thiết của tôi ơi.
Giữa chiều nay tôi bay về sum họp
Tôi hôn những người thân và lệ tràn trong mắt

Giọt lệ chảy dài thắm mặn yêu thương
Đường đi bao nỗi gian nan
Bàn chân lội suối băng ngàn ta đi.
Chông gai nào có sá gì
Mắt nhìn vẫn một hướng về ngày mai.
Và ai có biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”.
Có lẽ những dòng “xuất bút thành thơ” này đã thể hiện bao quát được tâm tư, tình cảm, ý chí và nghị lực của người anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Thùy Trâm trong những năm tháng máu lửa.
Nguyễn Hữu Dy
Nguồn: TP

LÊ DỤC TÚ: ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN VIẾT TRUYỆN NGẮN ĐƯƠNG ĐẠI

Có thể nói rằng sự khởi sắc của truyện ngắn Việt Nam đương đại không chỉ là ở sự hiện diện của các cây bút trình làng những tác phẩm đầu tiên của mình từ sau Đổi mới mà trước hết có lẽ là sự lột xác của chính những cây bút gạo cội đã được bạn đọc biết đến từ lâu trên văn đàn. Bởi vậy, nhắc đến đội ngũ người viết truyện ngắn đương đại không thể không nhắc đến các gương mặt quen thuộc xuất hiện từ lâu như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Dậu, Vũ Bão, Nguyễn Kiên, Mai Ngữ, Đỗ Chu, Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa, Xuân Thiều... Nét nổi bật đáng ghi nhận của các nhà văn gạo cội này là họ đã thực sự có ý thức đổi mới ngòi bút của mình để bắt kịp với những biến chuyển của thời cuộc.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu sau khi viết Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa đã cho ra đời những truyện ngắn đột phá, mở đầu cho một kiểu tư duy mới về hiện thực và con người, như các truyện Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát. Với Bức tranh, Nguyễn Minh Châu đã chính thức mở màn cho kiểu nhân vật “tự thú, sám hối” của văn học đổi mới; còn với Phiên chợ Giát người đọc đã thấy những dấu hiệu của cảm quan hậu hiện đại trong việc thể hiện thân phận của con người qua nhân vật lão Khúng.
Ma Văn Kháng cũng gây ấn tượng cho người đọc khi cho ra đời các tập truyện Ngày đẹp trời, Trăng soi sân nhỏ và sau đó là Một mối tình si. Một mối tình si tiếp tục ghi nhận những nỗ lực tìm tòi của Ma Văn Kháng khi dấn thân vào mảng đề tài thế sự, khai thác những va đập của của nền kinh tế thị trường với sự thống trị đầy quyền lực của đồng tiền. Ngoài ra tác giả còn thâm nhập vào một miền đất mới khi đi sâu khám phá bản năng phồn thực của con người, đặc biệt là chú ý miêu tả vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ gắn với bản năng tính dục của họ, đem lại sự mềm mại, hấp dẫn cho những trang viết.
Sau nhiều tiểu thuyết có tiếng vang, Nguyễn Khải tiếp tục ghi dấu những thành công của mình ở thể loại truyện ngắn với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 cho Tập truyện ngắn và tạp văn. Truyện ngắn của Nguyễn Khải chủ yếu đề cập đến những chuyện thường ngày và những trăn trở trong chuyện nghề, chuyện đời. Sức lôi cuốn của truyện ngắn Nguyễn Khải là những phát hiện sắc sảo, tính luận đề, tính triết luận cộng với sự lôi cuốn của giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh mà có duyên.
Xuân Thiều cũng là một cây bút quân đội đã có khá nhiều truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh. Những truyện ngắn của ông viết trong vòng hơn một thập niên sau chiến tranh (in trong tập Xin đừng gõ cửa) đã quan tâm và đề cập đến những vấn đề về số phận con người trong và sau chiến tranh với một cái nhìn đổi mới. Những lưu lạc, sự hờ hững vô trách nhiệm, lòng tham, sự hèn kém, sự hãnh tiến hay nỗi cô đơn của con người được nhà văn thể hiện bằng sự trải nghiệm và bản lĩnh của một người lính đã từng đi qua những năm dài chiến tranh. Chất trữ tình tươi mát cộng với những tinh tế trong việc thể hiện tâm lý là mặt mạnh trong ngòi bút Xuân Thiều đã tạo sức cuốn hút cho tác phẩm của ông.
Nguyễn Kiên sau hàng loạt những truyện ngắn chuyên tâm về đề tài nông thôn đã cho ra đời tập truyện Những mảnh vỡ ghi nhận những đổi mới của nhà văn khi quan tâm đến những vấn đề thế sự. Với tập truyện ngắn này, người đọc thấy một Nguyễn Kiên vẫn phát huy sở trường ở bút pháp hướng nội, ở chất từng trải, hiểu lẽ đời, đã pha thêm chất tươi mới, dạt dào cảm xúc và ngồn ngộn chất sống của cuộc sống đương đại.
Đỗ Chu với Một loài chim trên sóng lại thêm một lần nữa làm mới ngòi bút của mình để thích ứng với sự đổi mới của hiện thực và tâm lý của công chúng bạn đọc, nhưng vẫn cố gắng giữ cái “tạng” của mình. Với Một loài chim trên sóng người đọc thấy một Đỗ Chu vẫn đầy chất trữ tình và một niềm tin chất chứa vào tình yêu con người song cũng đầy chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời, về thân phận con người trước những đổi thay của thời cuộc.
Vũ Bão ra mắt bạn đọc với tập Truyện chọn lọc tập hợp những truyện ngắn viết trong thời kỳ đổi mới. Với sự kết hợp tư duy sắc sảo nhanh nhạy của một nhà báo và sự mẫn cảm, tinh tế của một nhà văn, truyện của Vũ Bão vẫn tiếp tục chinh phục bạn đọc ở giọng điệu giễu nhại, tự trào của lối văn trào lộng với tiếng cười nhân bản, hồn hậu, ở khả năng sử dụng đắc địa ngôn ngữ dân dã, đời thường và cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên.
Với Chuyện như đùa, Mai Ngữ - một nhà văn đã từng nhiều năm khoác áo lính và viết về chiến tranh cũng đã chuyển kênh sang một vùng đề tài mới, phản ánh kịp thời những đổi thay của thời cuộc. Các tình huống bi hài của cuộc sống được ông chú ý khai thác trên khía cạnh nhân văn khiến người đọc vừa cười một cách dí dỏm vừa phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Cách kể chuyện ngắn gọn với lượng thông tin cao là nét mới của ngòi bút Mai Ngữ so với những truyện viết về chiến tranh trước đây.
Các gương mặt truyện ngắn của thế hệ tiếp theo xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của văn học đổi mới đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả bởi những đột phá trong bút pháp. Đó là Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Sương Nguyệt Minh, Phan Triều Hải... Truyện ngắn của các cây bút này là tiếng nói của một thế hệ nhà văn đã thật sự có những chuyển hướng trong tư duy với những khám phá mới về hiện thực và con người.
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đã lập tức tạo nên một “hiện tượng”. Nhà văn của miền sơn cước và nông thôn đã thu hút một lượng lớn độc giả và cùng với nó là một “trào lưu” phê bình về các tác phẩm của ông. Lời đánh giá sau đây của nhà văn Nguyên Ngọc sẽ cho bạn đọc thấy một cách đầy đủ những đóng góp của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vào nền văn học Việt Nam đương đại: “Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trong trào lưu văn học đổi mới của Việt Nam, là một hiện tượng tiêu biểu nhất của trào lưu đó. Tuy nhiên trong khi văn học đổi mới đang hăng hái làm công việc phơi bày, tố cáo những hiện tượng xã hội phức tạp thì Nguyễn Huy Thiệp không lao vào dòng chảy chung đó.
Anh đi theo một con đường khác: rất sớm, từ nhiều góc độ khác nhau, đa dạng, lắm lúc khiến ta kinh ngạc, khi trực tiếp, khi qua nhiều khúc xạ phong phú, khi quyết liệt dữ dằn, thậm chí trắng trợn, khi đằm thắm giàu chất thơ, anh cố lần ngược lên cho đến ngọn nguồn của những hiện tượng xã hội ấy, gợi ra những căn nguyên tiềm ẩn lâu dài... Anh đưa văn học hiện đại Việt Nam đến một bước chuyển rất quan trọng: một nền văn học có ý thức mạnh mẽ làm chức năng là tấm gương tự soi mình của dân tộc, và của con người”.
Sau Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh cũng là cây bút gây được sự chú ý trong dư luận khi trình làng hai truyện ngắn nổi tiếng Bước qua lời nguyền và Xưa kia chị đẹp nhất làng. Với tập Bước qua lời nguyền, Tạ Duy Anh đã “báo hiệu một tấm lòng lớn, một tầm nhìn xa”. Truyện của anh, dù viết dưới góc nhìn nào, cũng đều thể hiện sự trăn trở của nhà văn về số phận con người: số phận của người nông dân dưới áp lực của những thù hận, những u tối của cơ tầng văn hóa cổ hủ lạc hậu, bi kịch của con người do chiến tranh hay do hậu quả của căn bệnh hình thức, quan liêu, bệnh thành tích, giả dối... Với giọng văn da diết, nhức nhối và cách khai thác hiện thực từ chiều sâu nhân bản, truyện của Tạ Duy Anh là “tín hiệu của một dòng văn học mới, dòng văn học bước qua lời nguyền” (Hoàng Ngọc Hiến).
Là cây bút đến nay đã cho ra đời 6 tập truyện ngắn với nhiều giải thưởng, Sương Nguyệt Minh đã định hình được một phong cách riêng ổn định nhưng cũng không ngừng đổi mới. Từ những truyện ngắn như Người ở bến sông Châu, Đi qua đồng chiều đến các tập Mười ba bến nước, Chợ tình, đặc biệt gần đây là Dị hương, nhà văn đã “viết khác mình”: “Trước nay, cái tên Sương Nguyệt Minh thường gắn liền với những câu chuyện viết về đề tài chiến tranh và nông thôn bằng ngòi bút dữ dội vẫn lung linh, trữ tình nên việc ra đời những truyện ngắn ma mị và nhiều tính dục với bút pháp huyền ảo và giả tưởng trong tập Dị hương khiến nhiều người đọc lạ lẫm bất ngờ” (Di Li).
Phạm Ngọc Tiến cũng là một trong những cây bút truyện ngắn có nhiều năm khoác áo lính. Tập truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông của anh được tặng giải B của Hội Nhà văn Việt Nam (1994) đề cập đến nhiều mảnh đời và số phận khác nhau (kể cả số phận của người lính trong và sau chiến tranh). Truyện của Phạm Ngọc Tiến không chỉ cuốn hút bạn đọc ở tính nhân văn thấm đẫm mà còn ở sự kết hợp nhiều phương thức thể hiện: quá khứ đan xen hiện tại, hiện thực xen lẫn huyền thoại với âm hưởng vừa phê phán, vừa ngợi ca.

Nhà văn Hồ Anh Thái
Xuất hiện muộn hơn một chút nhưng cái tên Hồ Anh Thái lập tức gây được sự chú ý trên văn đàn khi các tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày và Bốn lối vào nhà cười ra mắt bạn đọc. Đối tượng trong sáng tác của Hồ Anh Thái là cuộc sống thời mở cửa với những vấn đề của giới trí thức, sinh viên, công chức nhà nước, của giới trẻ. Sự xuống cấp trong nhân cách, lối sống, đạo lý, văn hóa của họ phần nào phản ánh sự xuống cấp của xã hội đương đại nhiều phức tạp và bất ổn. Tất cả những hệ lụy đó được nhà văn phô diễn trong một chất giọng khách quan, lạnh lùng, đậm chất trào phúng hài hước. Vốn tri thức phong phú cùng nghệ thuật kể chuyện và dẫn chuyện sinh động cũng là những mặt mạnh trong bút pháp trần thuật tạo nên sức hấp dẫn trong tác phẩm của Hồ Anh Thái.
Tiếp bước thế hệ của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái là một loạt gương mặt cá tính ở thế hệ 7x, 8x như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Phan Việt, Cấn Vân Khánh, Keng, Nguyễn Quỳnh Trang, Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Thị Cẩm... và một số gương mặt mới toanh xuất hiện trong các tác phẩm gần đây, mỗi người một dáng vẻ, một giọng điệu. Đây thực sự là những gương mặt mà ngay ở những tác phẩm đầu tay đã tạo được ấn tượng bởi những lạ lẫm trong khám phá hiện thực, bởi những táo bạo trong cách phơi trải tâm hồn, với cách viết đầy ngẫu hứng luôn có sự kết hợp giữa tài năng thiên bẩm và vốn tri thức văn hóa mới mẻ. 
Thế hệ này được sống trong một môi trường văn hóa có nhiều ưu thế hơn hẳn so với các thế hệ đàn anh, với sự giao lưu văn hóa toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Điều đáng ghi nhận ở thế hệ này là ý thức vươn tới những thể nghiệm mới mẻ, lạ hóa cách viết truyền thống. Nhu cầu “viết khác đi” dường như là nhu cầu chung của thế hệ này, cho dù những thể nghiệm đó có thể thành công hay thất bại để rồi cuối cùng họ không còn tái xuất hoặc sẽ vững vàng hơn trên văn đàn. Tác phẩm của lớp nhà văn này, dù đề cập đến vấn đề gì (cuộc sống chật chội trong những căn phòng ở đô thị hay bản năng gốc của con người) thì cuối cùng vẫn là để cho người đọc thấy rằng họ “đang sống với thời hiện tại và hình như trong vô thức đã mang trách nhiệm nói hộ những câu chuyện riêng tư của thế hệ mình”.
Nói đến đội ngũ nhà văn viết truyện ngắn đương đại, không thể không nhắc đến đội ngũ nhà văn nữ vừa đông đảo về số lượng vừa đa dạng về tiềm năng xuất hiện từ sau Đổi mới. Đó là những gương mặt tạo nên bản sắc nữ, ghi một dấu ấn đậm nét trên văn đàn và tạo nên diện mạo mới cho văn xuôi với những “thương hiệu” từ lâu đã đi vào lòng công chúng như Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Ấm, Y Ban, Lý Lan… và gần đây là Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Cẩm, Từ Nữ Triệu Vương, Cấn Vân Khánh, Niê Thanh Mai...
Nhận diện về sự xuất hiện của những cây bút văn xuôi nữ thời kỳ đổi mới, lời giới thiệu tuyển tập Truyện ngắn của 50 tác giả nữ đã cho rằng “Sự tăng lên đến mức đột biến của các cây bút văn xuôi nữ đã làm cho những ai quan tâm đến văn chương Việt Nam đương đại không khỏi ngạc nhiên và thích thú”. Sự xuất hiện đông đảo của các cây bút nữ không chỉ đem lại cho văn chương cái Mới lẫn cái Lạ mà còn là sự khẳng định ý thức nữ quyền khi người đàn bà không còn chỉ quẩn quanh nơi xó bếp mà đã hướng đến những khung trời rộng lớn. Hành trình viết văn của họ cũng là hành trình thể hiện bản lĩnh của người cầm bút khi dám chấp nhận sự sáng tạo đơn độc và trả giá cho những niềm tin riêng của mình về cái Đẹp.
Là những cây bút nữ, nên điều các nhà văn nữ quan tâm nhiều nhất trong sáng tác của mình là thân phận của những người cùng giới được đan cài trong những câu chuyện thường ngày với những vui buồn được mất giữa cho và nhận, bất hạnh và hạnh phúc. Họ đã viết về những mảnh đời bất hạnh bằng tất cả sự thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của con người trong nhiều trạng huống khác nhau. Bên cạnh những nét chung đó, mỗi cây bút nữ lại có những bản sắc riêng khó lẫn, tạo nên cá tính và phong cách khác nhau mà chúng ta có thể nhận diện qua một số chân dung cụ thể tiêu biểu sau.
Đoàn Lê là một gương mặt nữ đã ít nhiều tạo được phong cách nghệ thuật của mình trên văn đàn sau 1975. Nhiều truyện ngắn của Đoàn Lê đã được giải thưởng và hai tập truyện ngắn được dịch ra tiếng Anh là Trinh tiết xóm chùa và Nghĩa địa xóm chùa. Dù truyện ngắn Đoàn Lê vẫn nằm trong ranh giới của truyền thống và hiện đại nhưng đã có nhiều cách tân về mặt thi pháp với một phong cách đa dạng và một văn phong tươi mới. Nhận xét về Đoàn Lê, Tạp chí Nghiệp đoàn ở Mỹ cho rằng truyện ngắn của nữ nhà văn “đã có một cái nhìn sâu vào bên trong văn hóa Việt Nam sau đổi mới” và đó là những tác phẩm “khảo sát tất cả những gì bí ẩn, tinh tế của trái tim con người”.
Truyện của Đoàn Lê được viết bằng một thứ ngôn ngữ dịu dàng, nền nã nhưng cũng đầy chất hài hước, hóm hỉnh và thấm đẫm chất triết lý sâu sắc. Sau Đoàn Lê một chút, Lê Minh Khuê được công chúng biết đến khi tập truyện ngắn Cao điểm mùa hạ với điểm nhấn là truyện Những ngôi sao xa xôi ra đời. Các tác phẩm xuất sắc của Lê Minh Khuê đã được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Nhật, Malaysia), đặc biệt tập truyện The Stars, the Earth, the River – Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1998) của Lê Minh Khuê đã được tặng giải thưởng quốc tế Byeong - Ju Lee với lời đánh giá: “Tác phẩm thời hậu chiến của bà quan tâm đến hậu quả chiến tranh đối với đất nước mình, những vấn đề sau khi thống nhất đất nước, sự nghèo đói và tình trạng xói mòn văn hóa và tinh thần khi đất nước chuyển đổi sang một xã hội tiêu thụ. Những vấn đề này được thể hiện bằng một văn phong đẹp, chua xót và trang nghiêm”.
Hiện diện như là một trong những đại diện xuất sắc của các cây bút cách tân từ chặng đầu tiên của văn học đổi mới, Phạm Thị Hoài nhanh chóng được bạn đọc chú ý khi chị trình diễn một lối viết hoàn toàn mới, khác hẳn với truyền thống. Tiểu thuyết Thiên sứ và sau đó là tập truyện ngắn Mê lộ đã cho thấy một phong cách văn chương khác lạ. Trong khát vọng canh tân văn học, văn chương của Phạm Thị Hoài là một cuộc dấn thân vào “trò chơi vô tăm tích”.

Nhà văn Phạm Thị Hoài
Trong cảm quan của Phạm Thị Hoài, thế giới con người là một thế giới vô cảm vô hồn, thậm chí là những thây ma, nhiều nhân vật không có tên tuổi, địa chỉ, diện mạo, thậm chí chỉ còn là những ký hiệu... Thế giới diễn ngôn của nhà văn cũng là thế giới hỗn loạn của một thứ ngôn từ “phi thẩm mỹ” mang tính phức điệu. Tiếp nhận và ảnh hưởng nhiều luồng tư tưởng phương Tây, tác phẩm của Phạm Thị Hoài là một bản hợp âm của cuộc sống trong đó có sự đan xen giữa vô thức và bản năng tính dục, giữa những buồn nản, phi lý và khát vọng hướng về cái đẹp. Truyện của chị chưa phải đã chinh phục được số đông độc giả nhưng đã chinh phục được những độc giả khát khao đổi mới văn chương.
Cùng thế hệ với Phạm Thị Hoài còn có các gương mặt truyện ngắn sáng giá như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo. Nguyễn Thị Thu Huệ được chú ý từ cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Hậu thiên đường. Cũng như nhiều cây bút nữ khác, truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ chủ yếu đề cập đến những vấn đề thường nhật của cuộc sống như tình yêu, hôn nhân và gia đình nên phần lớn nhân vật của chị là nhân vật nữ; họ luôn trăn trở trong sự kiếm tìm tình yêu đích thực và hạnh phúc nhưng đó luôn là những ảo ảnh xa vời, bởi vậy họ dễ rơi vào bi kịch. Khám phá cuộc sống ở những điều bình thường, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tỏ ra là một cây bút nữ sắc sảo khi nhìn cuộc đời theo con mắt của riêng mình. Hiện thực cuộc sống và con người được chị tái hiện không chỉ qua những trạng huống tâm lý tinh tế mà qua cả vốn ngôn ngữ miêu tả thế giới cảm giác phong phú đầy mẫn cảm, điều đó đã tạo nên dấu ấn riêng cho những tác phẩm của chị...
Y Ban lại chinh phục độc giả bằng bằng sự táo bạo và quyết liệt ở ngay những truyện ngắn đầu tay. Với 9 tập truyện ngắn đã công bố, trong đó nhiều truyện đã được giải thưởng (như truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và tập truyện Người đàn bà có ma lực), Y Ban là một cây bút được bạn đọc yêu thích bởi tác phẩm của chị luôn gây ra những luồng dư luận trái chiều. 
Cùng khai thác đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình, nếu Nguyễn Thị Thu Huệ chú ý đến vấn đề lương tâm và trách nhiệm đối với con cái, Trần Thùy Mai hướng đến những điều bình dị ấm áp, giàu tình yêu thương thì Y Ban lại chú ý khai thác những mâu thuẫn phức tạp giữa vợ chồng, con cái, giữa con người với con người, chỉ ra những bất hạnh, những nỗi đau mà con người phải gánh chịu. Tất cả những điều đó được nhà văn viết bằng một thứ ngôn ngữ tự nhiên, thô mộc với những câu văn tỉnh lược, đầy rẫy những câu hỏi tu từ, đã tạo nên một nét riêng đầy hấp lực. Viết về sex, Y Ban cũng là một trong những cây bút có cách thể hiện táo bạo và quyết liệt. 
Võ Thị Hảo đã được biết đến như một cây bút truyện ngắn có cá tính với tập Biển cứu rỗi được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, trong đó truyện Người sót lại của rừng cười đã gây nhiều chú ý trong dư luận. Truyện của Võ Thị Hảo chinh phục bạn đọc bởi tấm lòng nhân ái của một người đàn bà cầm bút nặng tình yêu con người và cuộc đời với lối viết giàu tư duy hướng nội, nhẹ nhàng mà sắc sảo, riết róng mà đồng cảm. Cũng như nhiều nhà văn nữ khác, đậm đặc trong các trang viết của Võ Thị Hảo là chân dung những người đàn bà với những vui buồn, sướng khổ, được mất của đời người. Họ có thể bất hạnh với nhiều bi kịch ngang trái nhưng vẫn luôn hiện lên với trái tim trong sáng, thánh thiện, giàu đức hy sinh và một tâm hồn nhân ái, bao dung... Cũng như Võ Thị Hảo, mối quan tâm của Võ Thị Xuân Hà là số phận những người đàn bà, nhưng người đàn bà trong truyện của chị có những nét riêng đầy bí ẩn. Ở họ luôn có sự xáo trộn giữa cái tốt và cái xấu, đầy lòng vị tha nhưng cũng ích kỷ, rất tự tin nhưng cũng dễ bị cám dỗ, sống yên phận nhưng không phải ngoan ngoãn chấp nhận số phận đã an bài. Không sắc sảo và bạo liệt như Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban nhưng truyện của Võ Thị Xuân Hà hấp dẫn người đọc bởi giọng văn điềm đạm có phần trầm lắng, bởi cái đậm đà duyên dáng, cay nghiệt mà vẫn dịu dàng, trần trụi khắc nghiệt nhưng lại mơ mộng hư ảo.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh
 Thuộc thế hệ lớp sau, Phan Thị Vàng Anh ngay khi xuất hiện đã trở thành một hiện tượng văn học. Tập truyện ngắn Khi người ta trẻ của chị ra đời đã khuấy động bầu không khí phê bình văn học. Nhà văn Nguyễn Khải đã gọi chị là “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy”. Tuy chỉ mới xuất bản hai tập truyện ngắn Khi người ta trẻ và Hội chợ nhưng Phan Thị Vàng Anh đã sớm định hình một cá tính khó lẫn: ngắn gọn, sắc sảo, thâm thúy, trí tuệ. Cái độc đáo của Phan Thị Vàng Anh là chị đã “biết cách lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những điều tưởng chừng nhạt nhẽo”. Nhiều truyện của chị chỉ là những truyện mini nhưng đã làm cho người đọc phải bất ngờ về ý tưởng mới lạ cũng như giọng điệu - những ý tưởng và giọng điệu chỉ có thể có được “khi người ta trẻ”. 
Sau Phan Thị Vàng Anh, văn đàn Việt Nam một lần nữa lại nổi sóng khi nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện. Nguyễn Ngọc Tư được bạn đọc biết đến lần đầu từ tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt và đã trở thành một cái tên hot được tìm kiếm nhiều nhất trên văn đàn khi cho ra đời truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Khác với các cây bút trẻ khác, Nguyễn Ngọc Tư không chinh phục bạn đọc bằng những cách tân lạ lẫm trong lối viết hay những “đại tự sự” trong truyện của mình. Chị chỉ viết về những mảnh đời bình dị quanh mình - những mảnh đời bất hạnh, hẩm hiu hay những niềm vui giản dị, bé nhỏ của con người Nam Bộ trong cuộc sống thường ngày. Qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, nghèo khó, bộc trực ấy ẩn chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế trong cách đối nhân xử thế… tất cả được thể hiện trong một thứ ngôn ngữ hồn nhiên, thô mộc, đậm đặc chất phương ngữ Nam Bộ.
Con đường đi của truyện ngắn Việt Nam còn đang ở phía trước, sẽ lại còn nhiều thế hệ cầm bút mới kế tiếp. Ghi nhận thành tựu của văn học đổi mới cũng là khẳng định sự đóng góp lớn lao và sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ những người cầm bút. Một sự lớn mạnh dự báo những tín hiệu tốt lành với nhiều bứt phá cho một nền văn học tương lai.

LÊ DỤC TÚ


NHỮNG GIẤC MƠ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN

(Toquoc)- Thuận là nhà văn khi vừa xuất hiện đã gây ngay được tiếng vang, tiểu thuyết đầu tiên của chị, Made in Vietnam, ra mắt bạn đọc vào năm 2003 đã có được những ấn tượng tốt. So với các nhà văn đương thời, đặc biệt là các nhà văn nữ, Thuận được đánh giá là một nhà văn khá nổi bật. Trong tiểu thuyết của mình, Thuận đã có những thể hiện mới mẻ về tâm thức con người thời đại, mạnh dạn, công khai đưa vào trong tác phẩm những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm, tế nhị như tình dục, ham muốn bản năng của con người...


Bài viết này tập trung tìm kiếm ý nghĩa của giấc mơ trong tác phẩm của Thuận. Đó là những giấc mơ phản ánh một thế giới tinh thần bấn loạn tương ứng với một thế giới hiện thực đầy tàn nhẫn được nhà văn thể hiện với một bút pháp biến ảo theo cú pháp huyễn hoặc của chính những giấc mơ.
Nhân vật trong tác phẩm của Thuận thường có một cuộc sống đa đoan, nhiều uẩn khúc trắc trở, mang trong mình những vết thương tinh thần không dễ gì xóa bỏ. Những áp lực cuộc sống không chỉ khiến con người mệt mỏi trong thực tại mà còn theo cả vào trong giấc mơ, nơi vẫn được coi là chốn nghỉ ngơi của tâm hồn. Thuận đã phát huy triệt để vai trò của những giấc mơ trong việc thể hiện trạng thái bất an của con người.
Sự đối xử nghiệt ngã đầy định kiến của dư luận xã hội với người chồng gốc Hoa của nhân vật “tôi” trong Chinatown đã trở thành một ám ảnh thường trực trong tâm trí nhân vật chính. Nó hiện hình trong những cơn ác mộng.“Ác mộng lớn nhất của tôi là không được gặp lại Thụy. Tôi bị ngã trên đường đến trường. Phải nghỉ học ở nhà một tháng. Một tháng liền tôi nằm mơ Thụy ốm. Thụy được đưa đến bệnh viện mà không được chữa.” Giấc mơ ấy chính là bản sao của một hiện thực chưa xa, bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, “tôi” đã mơ hồ hình dung tới một kết cục đáng buồn trong tương lai. Để được sống bên cạnh Thụy, “tôi” đã phải đánh đổi, hi sinh tất cả, vượt qua bao nhiêu rào cản, chấp nhận bao nhiêu thử thách, vậy mà hạnh phúc có được quá mong manh, chỉ chực tuột ra khỏi tầm tay. Nỗi lo sợ, ám ảnh giống như bóng ma vô hình đeo đuổi, bám riết lấy suy nghĩ của “tôi”, bao phủ lên cuộc đời “tôi” một mảng màu u xám. Từng ngày, “tôi” phấp phỏng đợi, chờ cái giây phút định mệnh gõ cửa tổ ấm của mình, bất lực nhìn hạnh phúc nhỏ nhoi bấy lâu vun đắp, gìn giữ tan biến.
Cuối cùng thì dự cảm mà “tôi” tiên liệu cũng trở thành hiện thực, Thụy lặng lẽ ra đi, rời bỏ căn hộ mười tám mét vuông, dứt bỏ quá khứ buồn đau với mặc cảm trĩu nặng để kiếm tìm cho riêng mình một cuộc sống bình yên. Hạnh phúc của “tôi” chỉ còn lại một nửa, ấy là thằng Vĩnh - kết quả tình yêu của hai người. Đứa con là hiện thân của Thụy, vừa là quá khứ, vừa là tương lai, vừa là niềm hoài vọng, vừa là hi vọng của người phụ nữ bất hạnh. Nỗi sợ hãi như mối họa truyền kiếp, gắn chặt lấy cuộc đời “tôi”, trong những giấc mơ “tôi” lại run rẩy sợ hãi trước những tai họa (tưởng tượng) có thể xảy ra với thằng Vĩnh - đứa con trai giống Thụy như hai giọt nước: “Thằng Vĩnh mới cuốc nhát đầu đã cuốc đúng chân. Thụy phải vác nó trên lưng đến bệnh viện… Nó khóc rất to. Tôi cũng khóc rất to.”
Tình huống diễn ra trong giấc mơ chính là sự phóng chiếu của quá khứ buồn đau cay đắng mà Thụy đã từng phải chịu đựng. Cái gia đình pha trộn hai dòng máu Việt - Hoa giống như con thuyền lênh đênh trên biển cả không nơi neo đậu, họ là những kẻ không có căn cước, vong thân, vong quốc, bị cộng đồng cô lập xa lánh. Ám ảnh thân phận đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm nhân vật tôi, vừa ở hiện thực, vừa thường xuyên hiện hữu trong những giấc mơ.
Trong giấc mơ nếu không có sự hãi hùng, kinh hoàng bởi cái chết của Thụy hay của thằng Vĩnh thì cũng hết sức bi đát. Những giấc mơ ấy chính là hình bóng không xa lạ của một cuộc sống mà gia đình “tôi” đã phải trải qua trong quá khứ - một quá khứ buồn đau bất hạnh đủ để ám ảnh người ta suốt quãng đời còn lại. Trong giấc mơ của mình, nhân vật “tôi” vừa có ước vọng về một gia đình trọn vẹn, vừa có ám ảnh về thân phận lưu vong. Đó giống như là sự lắp ráp của những mảnh vỡ tưởng như không liên quan gì với nhau: câu chuyện của cô Feng Xiao về những người Việt gốc Hoa lưu lạc sang Tứ Xuyên hồi những năm tám mươi, cuộc hành trình tưởng tượng của gia đình “tôi” sang đất Hồ Nam, cuộc sống mưu sinh khốn khó trên miền đất lạ và rồi cả nỗi ám ảnh của những mùa đông nước Nga phải ăn bắp cải triền miên… Cả yếu tố thực lẫn kì quặc hoang đường song song xuất hiện trong giấc mơ. Những giấc mơ là hình bóng của cuộc sống thực đã ghi dấu lại trong cả ý thức và vô thức của con người, đặc biệt là ám ảnh về thân phận lưu vong, về một cuộc sống bất toàn, nhiều cay đắng cả ở quá khứ và hiện tại.
Thuận đã bắt bắt sóng tần số của những dải tần tâm lí trong tâm thức con người đương đại, một trong số đó chính là trạng thái bất an, cảm giác lo sợ, bị đe dọa, tình trạng tồn tại yếm thế, nhỏ nhoi, vô nghĩa trước cuộc đời rộng lớn, trước những hiểm họa cả hữu hình và vô hình đang bủa vây xung quanh.
Trong Paris 11 tháng 8, cuộc sống của những thân phận người bé mọn - cả những người lao động bản địa, và những người đang phải chịu kiếp sống tha hương, được vẽ lên bằng những gam màu xám xịt, mịt mờ. Giấc mơ quái đản của Liên trên chuyến tàu điện ngầm ở một phương diện nào đó đã phản ánh tình trạng sống của con người trong xã hội đương thời: “Giấc ngủ như một trò chơi xếp hình, có khả năng mỗi tích tắc tạo nên một quái đản. Năm phút gục đầu trên thành ghế, hiện ra ba trăm quái đản khác nhau, từng cái một, nhịp nhàng, như thể một máy chiếu vô hình đã lắp sẵn ba trăm tấm phim, rồi vài giây nhả ra một hình ảnh. Quái đản đầu tiên, nửa trên của Tom Cruise, nửa dưới của hà mã. Quái đản thứ hai, tóc và miệng của Pát, mắt của cô thư kí ANPE, mũi của bà gác cổng. Quái đản thứ ba...”
Đó là những hình ảnh người méo mó về nhân dạng, không có một khuôn mặt và bản ngã của riêng mình trong đời sống. Họ giống như một tập hợp quái đản, hỗn loạn, phi trật tự mà người nọ núp sau hình hài của người kia để tồn tại, ranh giới cá nhân bị nhòe mờ. Sự hiện hữu của cá nhân không còn được trọn vẹn nữa mà chỉ còn là một vài dấu hiệu bề ngoài đã bị biến dạng. Phải chăng những giấc mơ ấy chính là một âm bản của bản thân đời sống đương đại? Một cuộc sống mỗi ngày một đẩy nhanh tình trạng tha hóa của chính con người.
Ngay sau giấc mơ ngắn ngủi “Đúng năm phút không giây một tích tắc” diễn ra trên tàu điện ngầm, Liên mở mắt nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi giấc mơ kinh hãi. Trong mắt Liên, người đàn ông vô tình gặp trên đường đang đội lốt hình hài một con gấu. Cuộc giằng co giữa Liên và người đàn ông xa lạ đang diễn ra trong thực tại nhưng lại mang tính chất của một cơn ác mộng: “Liên mở mắt. Đã tưởng phải chứng kiến quái đản thứ ba trăm linh một. Một cục thịt chìm nghỉm trong mũ lông, chừa ra hai lỗ rộng, liên tục phả những làn khói đục... ”
Hư và ảo, mộng và thực nhòe vào trong nhau làm cho tri giác của nhân vật trong hoàn cảnh đó cũng bị đánh lừa một cách ngoạn mục. Thủ pháp ảo hóa hiện thực khiến cho cả nhân vật trong truyện và người đọc đều không có một ý niệm rõ rệt về cả thời gian và không gian.
Trên chuyến xe về Paris cùng người đàn ông xa lạ (con gấu), Liên lại tiếp tục chìm trong một giấc mơ khủng khiếp: “Mùi rượu nồng nặc và tiếng thở phì phò đưa Liên vào một giấc mơ khủng khiếp. Pát nằm trong một căn phòng trắng toát, chăn phủ kín cằm, hai tay giang hai bên, ống truyền ngang dọc. Trên đầu là hai chai chất lỏng lộn ngược, màu sắc rùng mình.”
Cũng giống như “tôi” trong Chinatown luôn bị ám ảnh về sự ra đi của người chồng, nỗi lo sợ của Liên biến hình thành những cơn ác mộng trong mơ, đó chỉ là ảo giác hay là một điềm báo cho số phận bi thảm mà Pát có thể phải gánh chịu trong hiện thực? Liên không thể giải đáp được. Chất liệu cấu thành nên những giấc mơ ấy là tổng hòa của nỗi ám ảnh, lo lắng sợ hãi luôn tồn tại trong suy nghĩ của Liên từ ngày Pát mất tích và những mảng kí ức về Pát mà Liên vẫn còn giữ nguyên vẹn trong trí nhớ.
Nhân vật “tôi” trong Chinatown là một người phụ nữ có đời sống hôn nhân không trọn vẹn, người chồng, vì không chịu được những áp lực của cuộc sống mà đã lặng lẽ ra đi chỉ sau một năm chung sống. Kể từ ngày đó, từng ngày từng giờ chị sống trong sự chờ đợi khắc khoải, vô vọng. Thụy đã ra đi nhưng kí ức thì mãi tồn tại. Khát khao, mong mỏi gia đình được sum vầy, vợ chồng đoàn tụ luôn hiện hình qua những giấc mơ triền miên của “tôi” suốt mười hai năm xa cách. Những giấc mơ đã trở thành liều thuốc an thần, giúp “tôi” vượt qua những cơn giông bão của hoài nghi, khát khao, mong nhớ. Giấc mơ là mong ước giản dị của “tôi” về một mái ấm gia đình trọn vẹn. Chính bởi vậy mà “tôi” chủ động tạo ra những giấc mơ như là cách lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, như một thế giới riêng khi nhân vật muốn tách mình ra khỏi cuộc sống phức tạp, nhiều hệ lụy, buồn tủi. “Tôi” sống trong cuộc đời thực như một cái bóng với những công việc đơn điệu buồn chán, chỉ trong những giấc mơ, “tôi” mới lại được là mình với những cảm xúc rất thật.
Trong tiểu thuyết của Thuận, bên cạnh những giấc mơ ám ảnh còn có những giấc mơ thể hiện khao khát yêu đương và ham muốn nhục dục của nhân vật. Mỗi giấc mơ như viên thuốc an thần giúp cho họ lấy lại được sự thăng bằng trong đời sống. Cuộc làm tình chóng vánh với cô y tá Anna đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với nhân vật tôi trong T mất tích. Hình ảnh về cuộc ân ái giữa hai người cứ bám riết lấy đầu óc của anh ta, thậm chí còn trở thành liều thuốc an thần giúp anh ta giải tỏa những căng thẳng do áp lực công việc đem lại.
Với Liên trong Paris 11 tháng 8, một người phụ nữ quá lứa lỡ thì, luôn sống trong mặc cảm vì vẻ ngoài xấu xí thì giấc mơ lại liên quan đến quan hệ nam nữ như sự hiện hữu thầm lặng của những khát vọng hạnh phúc trong tâm hồn tưởng như đã trở nên vô cảm, chai sạn. Tâm trí Liên thường bị ám ảnh bởi những cảnh ái ân của Mèo ốm và Sư tử, những người khách trọ bất đắc dĩ trong căn phòng chật chội của chị. Sau đêm ân ái bất thành với người đàn ông trung niên người Pháp, Liên chìm vào một giấc mơ khác thường - một giấc mơ mà ham muốn tình dục đã bị “biến dạng, bóp méo” đi ít nhiều: “Liên thức dậy khi trời vẫn tối. Giường thênh thang. Còn chăn thì đẫm nước. Đệm vẫn êm ái và có thêm một mùi nữa, cũng chưa bao giờ biết tên. Liên quay mặt vào tường nhớ lại chuyện đêm qua. So sánh với cảm giác bồng bềnh ở Salsa Cuba. Chỉ thấy một bàn tay mềm mềm. Và một cơn mơ khác thường...”
Những giấc mơ trong tiểu thuyết của Thuận đã phần nào khai lộ thế giới vô thức đầy uẩn khúc, trắc trở trong tâm hồn nhân vật, từ đó tái hiện bộ mặt tinh thần của con người. Giấc mơ cũng chính là một cách thức đặc biệt để nhà văn vừa phản ánh hiện thực đời sống, vừa đào sâu mở rộng chiều kích của chính hiện thực đó. Những giấc mơ đã góp phần đáng kể trong thành công của tiểu thuyết của Thuận.
Tâm Đan