.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, July 20, 2012

MƯỜI NĂM NGÀY MẤT THI SĨ LÃNG THANH

 
 
Lãng Thanh (1977 - 2002) tên thật là Lê Quốc Tuấn, quê ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ, tốt nghiệp cùng lúc Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại thương rồi về công tác tại một ngân hàng ở Việt Trì, Phú Thọ - quê hương anh. Ngày 20/7/2002, lưỡi dao oan nghiệt của một tên nghiện là người họ hàng đã giết chết cả hai bố con Lãng Thanh ngay tại gia đình anh.
Sau khi anh mất, di cảo của anh được in trong hai tập sách: Hoa (thơ) và Hoa và những trang viết để lại, đều của NXB Thanh niên. Năm 2003, “Hoa” được khoảng 30 tờ báo viết bài và là một trong những tác phẩm đoạt giải B (không có giả A) - Giải thưởng Văn học 2004 của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ một người vô danh, Lãng Thanh trở thành người của công chúng, nhưng khi đó thì anh đã về thế giới bên kia...

LÃNG THANH ƠI 10 NĂM...

Giữa mùa hè mà lòng như tê lạnh khi nghĩ về Lãng Thanh. Ôi, Lãng Thanh ơi, đã 10 năm… Thời gian lạnh lùng rắc bụi lên đời người, lên lòng người. Thời gian len lỏi xóa mờ những vết hằn trong não, biết bao điều đã đến và đi. Vậy mà, cái ngày ấy giờ vẫn cứ hiện rõ mồn một trong tâm trí mình.
Chiều 20 tháng 7 năm 2002, Việt Hưng đến gõ gõ vào cánh cửa ải mục của mình. Hai anh em ngồi lặng dưới sân có giàn hoa giấy rực đỏ. Việt Hưng nhìn mình và nói nhỏ: “Lãng Thanh mất rồi”… Mình bàng hoàng bấm  điện thoại cho mọi người. Lúc sau thì anh em Chí Tâm nườm nượp kéo đến.
“Sao? Lãng Thanh bị làm sao?”
Mọi người cùng một câu hỏi. Việt Hưng nói, Lãng Thanh chết oan. Khi từ cơ quan về nhà chủ nhật, bị một kẻ nghiện, một kẻ bất lương đến nhà đâm chết. Cả bố Lãng Thanh cũng thế.
“Trời!”
Tất cả chỉ thốt lên được thế rồi lặng đi. Hầu như ai cũng nước mắt lưng tròng. Đến tận tối hôm đó, Thái Việt vẫn còn ngồi cạnh mình mà khóc. Một đêm thức trắng. Sáng hôm sau, tất cả anh em cùng nhau lên Việt Trì. Em Thúy Hạnh còn mang theo cả một bó hoa dại màu tím để đặt lên quan tài Lãng Thanh.
Mình không còn được nhìn thấy bạn.
Nắp quan tài đóng lại.
Xe tang lăn…
Nước mắt đã chảy nhiều trong lúc ấy. Mình hứa sẽ cùng anh em Chí Tâm cố gắng in tập thơ mà Lãng Thanh gửi lại. Đó chính là phần hồn lãng Thanh gửi lại cho thế gian này. Mình vẫn nhớ, lúc ấy hương bùng lên thành ngọn lửa đỏ. Cả ngôi mộ đầy hoa trắng như xao động.
Rồi tập thơ ấy cuối cùng đã được in ra vào đầu năm 2003.
Ở Việt Trì, Thúy Phượng và Thanh Thủy quyên tiền từ các bạn cùng lớp, mỗi người một chút, gửi xuống Hà Nội cùng với Chí Tâm in thơ cho Lãng Thanh. Hồi ấy bọn mình nghèo. Vừa mới ra trường, khó khăn thế mà lòng yêu thơ thanh khiết. Tình bạn da diết thế…
Một ngày nắng đẹp. Mình và Việt Hưng lên Việt Trì, cùng với Thúy Phượng và Thanh Thủy mang tập thơ mới in đốt trên mộ Lãng Thanh. Ngọn lửa đỏ bén vào giấy trắng và tàn tro cuốn xoáy bay lên cao. Xa xa là tiếng chim thảng thốt…
Thế rồi, như được chắp một đôi cánh thần tiên, thơ Lãng Thanh đã đến với người đọc ở mọi phương trời. Em Thúy Hạnh cùng các em gái trong Chí Tâm đã đưa tập thơ đi tặng ở Hội nhà văn, ở tạp chí Văn Nghệ quân đội và nhiều tờ báo khác. Anh Từ Khôi đã mở một địa chỉ trên báo Tiền Phong Chủ nhật để tặng thơ Lãng Thanh cho mọi người. Tập thơ “Hoa” trở thành một sự kiện văn học, được hàng chục tờ báo đưa tin và biết bài bình luận. Sau đó tập thơ được giải Hội nhà văn Việt Nam năm 2004.
10 năm.
Đã 10 năm rồi.
Lãng Thanh giờ ra sao? Mình có lần nằm mơ thấy Lãng Thanh về căn nhà nhỏ của mình. Lãng Thanh cười, nói nhẹ: “Anh, em vẫn về thăm anh đấy.” Giờ đây, khi viết những dòng này, vẫn có cảm giác Lãng Thanh đang bên cạnh. Dường như Lãng Thanh đang nói bằng một giọng nói khác, trong lặng lẽ mênh mông của đêm đen.
10 năm, đủ để khẳng định thơ Lãng Thanh không dễ gì trôi tuột đi khỏi cái thế giới còn nhiều hỗn độn và đớn đau này. Thơ Lãng Thanh đã in đến lần thứ 3. Những bài tản văn, những bức thư pháp, những bức họa, những bản nhạc của Lãng Thanh cũng được in ra. Thúy Phượng không còn giữ những bài thơ của Lãng Thanh trong sổ tay nữa, mà đồng ý để mình in ra, chia sẻ với mọi người. Chị Cần, một người chị ở ngân hàng đầu tư và phát triển Vĩnh Phúc nơi Lãng Thanh công tác vì lòng thưởng cảm lớn lao và muốn thơ Lãng Thanh được lưu truyền mà cũng góp phần với Chí Tâm để tiếp tục in thơ cho Lãng Thanh. Những tấm lòng đẹp đẽ ấy sẽ còn lay động mãi. Hình ảnh Lãng Thanh sẽ vẫn sống trong tim những người thân yêu.
Giá như ở hai thế giới âm dương con người có thể trở lại thăm nhau. Giá như những tiếng lòng kỳ diệu có thể xuyên qua thời gian và không gian, qua những ranh giới của cõi người…
Mình có thể hình dung bây giờ Lãng Thanh đang mỉm cười. Mong ước lớn nhất của một thi sỹ là đem được thơ mình đến với mọi người, và dù có muộn màng, mình tin, Lãng Thanh vẫn là một người hạnh phúc.
“Lời của tôi đang nói trên môi em”. Câu thơ ấy của Lãng Thanh như một lời chứng nghiệm.

Hà Nội 3-7-2012
Thiên Sơn
 _______________________

THƠ LÃNG THANH
(Trích trong tập thơ HOA) 

Thư pháp

Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió,
Con phiêu đãng cùng non tận thủy,
Nhưng những đóa hoa đánh con đau quá,
Con trở về nhà băng vết máu đầy tay.
Ngòi bút của con điên cuồng như gió:
Vị ái danh hoa để tử cuồng”.

Mẹ ơi! Khóc sau lưng mẹ!
Con hái trộm nhiều hoa Chămpa thả trôi sông xanh
Nhưng con muốn tên dòng sông chảy về cửa bể
Con đổ cả nghiên mực rồi, cùng giỏ hoa Chămpa buổi mai
Ơi những cánh hoa bé bỏng!
Bất tận Trường Giang cổn cổn lai”.

Mẹ nói đi, không phải mẹ buồn vì cha của con đâu,
mẹ khóc vì con làm vỡ chiếc bình thuỷ tinh...
Xưa những ngày đói ăn con đâu biết quê mình nghèo quá,
Con ngỡ mẹ độc ác giấu bánh của con, cặp sách của con...
con căm ghét mẹ...
En Lenvol fou des mots

Trái tim con nghiêng giấc ngủ về phía mặt trời
Đất mẹ ơi, có nhận ra con đang say sưa hát theo khúc ca của
Rabindranath Tagore
Con yêu những khúc ca phương Đông
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Buổi sớm mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông

Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ,
Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ
Cánh tay dịu dàng của thơ bao la như biển mẹ
Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay...
Chữ phương mô ngậm hồn trong bóng nguyệt:
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.

                                                                        3/1/2000


Những mảnh vỡ

Tôi đã yêu những mảnh trăng nằm lạnh đáy sông;
Yêu ánh xà cừ cựa mình trên giấy điệp;

Những lăng tẩm ngả nghiêng đền đài hoang vỡ;
Mảnh gương đồng soi nửa mặt người; gốc gỗ lũa nham nhở kỳ dị;
Bức tranh cổ rã bong tàn tạ, vài mảnh ghép ngây ngô;
...Và chiếc lông chim rơi chậm hơn những giọt mưa thánh thót.

Tôi trầm ngâm dạo trong nhà bảo tàng,
Nghe hàm răng đã cười sáu nghìn năm trong miệng đất,
Tiếng loảng xoảng gươm khua, tiếng hát ru từ các bộ xương.

Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời,
Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà,
Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi.

Tôi không nỡ đổi nửa đồng xu mẻ đặng lấy đồng bạc nguyên đâu!

Tôi chạy vùng vằng quanh cánh đồng nứt nẻ quê tôi,
Rón qua những con mương đục như bát đất,
Những ô cửa méo xệch như sắp rơi.
Ủ vào lòng những mảnh ký ức quê tôi.

Tôi muốn làm con sông chia hai bờ thương
Lại muốn làm con sông nối hai đầu nhớ.

                                                                        23/05/2000


Mùa thu I
Tặng Hoàng Nghĩa Cảng
I

Nước cọ bầy rêu, đá núi nhăn mày Phật;
Lá sen tàn là hoa nở đầu thu.

Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc.
Cỏ thu xa vuốt ve đôi mắt đẹp.
Chiều có thể nghiêng, mưa có thể buông, đá có thể khóc.
Trăng rớt giữa mặt, và xuống hố.
Con ong nâu rơi chết sau lùm cỏ,
cái chết của nó là một lỗ rò rỉ,
nơi sự sống đang chực ùa vào.

Nhổ khóm hoa vàng để mà được vục vào với bụi, với phân, với đất.
Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn.
Bông hoa thả chân trong bình cổ,
Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân.
Sắc mùa thu ấm hơn màu tình ái.

Nhà có người con gái đi mãi không về,
Cửa gỗ nhỏ không mọc răng mà day day rứt rứt.

Nắng ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương...
Chén quỳnh say, rời rợi trăng Đường, Tống.
                        Cảm sầu chinh phụ canh chầy,
            Đầu khăn máu chảy, lệ đầy góc khăn.

II

Gió ôm theo khói rơm tươi và mùi phân bò.
Khi vòm cây ùa tràn tia sáng như một bầy trẻ.
Đôi mắt em vừa ngoi lên sau một hơi ngụp lặn dưới hồ.

Cánh cửa màu đỏ xóa bớt một số ngôi nhà.
Núi thôn xa muôn đời nhắm mắt, núi thôn xa ngửa mặt lên trời.
Ngôi sao xấu xí - cô dâu xấu xí - ngôi sao xấu xí...

Đêm xuống như một giọt mực rơi.
Chiếc áo dài trắng em đang mặc dính nhiều dấu vết khỏa thân.
- Cho tôi một vò nước lạnh!

Mặt hồ cứng đờ như giấy báo cũ nhăn nheo,
Những con sóng nở nang, vuông góc.
Tôi chia tay em để chấm dứt một mưu đồ.

Lặng lẽ đi đến một ngôi mộ cũ - cô đơn -
Không có tình yêu, không có danh vọng;
Ứ hự đôi câu: “...mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại,
Riêng một khu thanh son...”

                                                                   2000 – 2001


Bài ca phương Đông

Em hát hỏng bài ca cũ phương Đông:
Gái tinh chiên e lấm hơi lầu son,
Phơ phất thu già lúa nghẹn đòng.
- Cắt ruột cho lòng thiếp xanh!

Bầu trời cố hương lành như Bụt.
Em ngủ ôm đầu gối, vàng võ,
Bát cơm nàng hộc máu và nước.

... Nửa sau câu chuyện cổ tích làm căn nhà ấm hơn,
Tôi đọc sách, em học uống thuốc,
Em hát hỏng bài ca cũ phương Đông lần thứ hai.

Đoàn dân Israel hành hương về NHỮNG BỨC TƯỜNG KHÓC...

Em hát hỏng bài ca cũ phương Đông lần thứ ba.
Mưa cuối thu là cơn mưa nước ngọt,
Không còn nhà thông thái đục thơ lên bia mộ;
Hạt mưa phẩy rời rạc như sao bản mệnh.

Lối nhỏ nở đầy hoa Trạng nguyên,
Con đường đất bẩn như ruột gà,
Côn trùng khoe những bụng tròn -
Sáng tinh như mắt gã hề va vào răng khán giả.

... Chiến tướng đêm trăng gối xương ngựa.
Này giấc lá hươu động đậy trong nôi,
Hài nhi khóc - những hạt nước vô tội,
Đôi mắt là hai hột nước đẹp nhất thế gian.

Không thể tin trái tim người không ở giữa ngực,
Lại chẳng hề chia: có đất, có trời,
Những thứ gọi là sông bởi chưa từng chảy,
Chữ cái bao giờ cũng thích đứng lẻ loi.

                                                                        8/1999

Nhật ký

I

Niềm im lặng thẳm sâu trong trái tim đang chống đỡ
                                                                        tiếng huyên náo,
                                                                                    tiếng la huýt,
                                                                                                tiếng cãi vã,
                                                                                                            tiếng kẻng xe...
Ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí,
Đi trên đường như bước giữa hàng họng súng.

Gờ môi, vầng trăng,...
            đều trùng khớp với đường cong nguệch ngoạc bởi nét cọ sơn dầu -
Sự liên tưởng như một chai rượu bị bàn tay trẻ thơ dốc ngược.

*          *
*

Mẹ ơi! Con là Niềm tự do của mẹ!
Là con thuyền thả xuống bến sông quê.

Ngắm trăm hoa, bẻ một cành
Mẹ đang choàng chiếc khăn mười sáu tuổi
Niềm tự do vĩ đại lớn trong nỗi cô đơn.

*          *
*

Sông chảy dài như oan hồn
Mảnh trăng hóa thạch.

II

Con tép chết bom ưỡn bộ xứơng lên mặt nước,
Cá vàng ngủ dưới hoa
Lại đối chất một mùa hè cân đối, uy nghi

Len theo các đường cong chậm rãi, sự lãng quên trườn lên thang gác trọ,
như những bông hoa tím nhỏ...
(Vai nàng ấm từng giọt mồ hôi, đôi mắt nàng trong như mới khóc)
Nuông chiều tình yêu như đang nâng niu chiếc bình gốm cổ: đẹp và lười biếng.
Lũ lộc vừng nằm khoanh dưới bầu trời no bụng.
Vậy còn hơi thở nào buốt giá, tim óc lạnh như thép?
Em ngắt khỏi cây bông hoa đẹp nhất,
Đó cũng là cách em tin vào tình yêu của anh.

Cỏ đang bắt rễ vào nhau, nắng vẫn lục tìm ô cửa.
Lời của tôi đang nói trên môi em,
Tình yêu như đường thẳng đi qua hai điểm.

                                                          2001 – 2002

No comments:

Post a Comment