.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, August 18, 2012

BÁO CAND - “HOÀNG QUANG THUẬN VỚI NON THIÊNG YÊN TỬ”: CHẠM ĐẾN THƠ, VÌ LÒNG THÀNH THỰC

Hoàng Quang Thuận dường như không mấy quan tâm, câu nệ về niêm luật, cấu trúc của Đường luật, bởi lẽ ngay từ đầu ông không có ý định “làm thơ”, mà ông chỉ mượn ngôn ngữ thơ để ghi lại tâm tịnh, cảm xúc của mình ở chốn Thiền định này thôi.
Hơn 20 tham luận của các nghiên cứu, lý luận, phê bình v.v… gửi đến, đủ thấy sự quan tâm của giới chuyên môn dành cho Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn tổ chức ngày 8/8, tại Hà Nội.
Dự hội thảo còn có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục Tổng cục XDLL CAND, Tổng Biên tập Báo CAND; TS Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo TW và nhiều chính khách, nhà văn, nhà thơ, nhà báo v.v…
15 năm trước, đặt chân đến Yên Tử, nhà thơ, GS.TS Hoàng Quang Thuận đã bất ngờ được đất Phật “khai tâm”. Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử, chỉ ba ngày đêm anh lưu lại ở vùng non thiêng, 63 bài thơ đã ra đời. Ba năm sau, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp 80 bài và “Thi Vân Yên Tử” gồm 143 bài ra đời, khiến mọi người ngỡ ngàng. Vì thế, mong muốn lý giải phần nào hiện tượng làm thơ của Hoàng Quang Thuận chính là mục đích của hội thảo này.
Mỗi tham luận đem đến một cách cảm, cách nghĩ riêng, nhưng tất cả đều ghi nhận sự xuất hiện của “Thi Vân Yên Tử” như một hiện tượng văn học, bởi tự nó đã có một số phận, một đời sống lịch sử riêng, bởi những kỷ lục về số lượng in, khổ sách, mức độ phổ cập ở trong cũng như ngoài nước và số lượng các bài nghiên cứu, phê bình, trao đổi suốt thời gian qua.
Vấn đề nổi bật được hội thảo quan tâm là khả năng sáng tạo của nhà thơ Hoàng Quang Thuận thuộc dòng thơ tâm linh, viết như lên đồng, viết trong vô thức vv… nhưng cuối cùng, giới nghiên cứu vẫn chưa có được lời giải thích thỏa đáng. Nhiều ý kiến tập trung vào bàn luận “Thi Vân Yên Tử”, trong đó nhấn mạnh khía cạnh ngọn nguồn cảm hứng thiền, tâm thế thiền và xác định các đặc điểm trong thơ thiền Hoàng Quang Thuận, còn một số ý kiến khác lại dè dặt khi nói về cảm thức tâm linh.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, cho rằng: Điều này cho thấy những băn khoăn và cách hiểu với nhiều mức độ khác nhau trong việc định giá thơ Hoàng Quang Thuận thực sự là thơ thiền, hay là thơ mang cảm quan Phật giáo, thơ viết về vùng đất Phật Yên Tử? Nhưng nếu không phải là thơ thiền thì là thơ gì?
Một nội dung khác được hội thảo quan tâm tìm hiểu là thể thơ và hình thức nghệ thuật của “Thi Vân Yên Tử” với nhiều ý kiến khác nhau: Trong khi nhà phê bình Nguyễn Hòa phản biện, thì Đỗ Ngọc Yên lại cho rằng: Hoàng Quang Thuận đã khai phá một hướng đi mới cho thơ Việt. “Thi Vân Yên Tử” hầu hết được viết theo thể Đường luật biến thể, vì các bài thơ đều không thuộc thời gian, không gian mà chính thể Đường luật đã trở thành một hình mẫu.
Mặt khác, Hoàng Quang Thuận dường như không mấy quan tâm, câu nệ về niêm luật, cấu trúc của Đường luật, bởi lẽ ngay từ đầu ông không có ý định “làm thơ”, mà ông chỉ mượn ngôn ngữ thơ để ghi lại tâm tịnh, cảm xúc của mình ở chốn Thiền định này thôi. Nhà phê bình Nguyên An bày tỏ: “Trong cả hơn trăm bài đã được đọc (và săm soi, và trầm trồ, rồi nghĩ thêm nữa), anh có thấy là chúng, phần lớn, đều thuộc loại thơ vịnh cảnh? Loại thể thơ này đã sống khỏe trong quá khứ, đang có mặt trong hôm nay một cách đàng hoàng, được vì nể, trân trọng...”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phấn khởi khi hội thảo này làm đa dạng hóa cuộc trao đổi về thơ đang sôi nổi thời gian qua. Trong lúc đời sống đang có dấu hiệu tầm thường hóa, thì nhà thơ Hoàng Quang Thuận lại thiêng liêng hóa, thanh khiết hóa tâm hồn-một đóng góp làm cho vượng khí tinh thần dân tộc phát triển. Một người đến thăm và làm hơn 100 bài thơ về Yên Tử, nghĩa là tác giả đã đến, sống và hòa mình vào cảnh sắc, vào các giá trị của dân tộc.
Hoàng Quang Thuận vừa làm thơ về Yên Tử, vừa mượn Yên Tử để làm thơ, để gửi một thông điệp đến cho con người và đó là phẩm chất của thi ca. Anh công phu, kỹ càng và rung bật không bỏ qua một sự tích nào. Thơ anh có đủ yếu tố của thơ thiền, một sự hòa quyện say đắm giữa cảnh, sự và tình. Tất cả tạo nên những bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy. Hoàng Quang Thuận đặt vào đấy tất cả phần hồn, phần cảm của mình, thả bút theo dòng xiết của tâm hồn. Anh làm thơ như kẻ vâng lệnh của tâm hồn, của lòng thành thực. Vì thành thực, anh đã chạm đến thơ.
Đọc thơ về Yên Tử của Hoàng Quang Thuận, nhà thơ Dương Kỳ Anh trầm trồ: “Những vần thơ nghe như của một thiền sư, của một người thoát tục, của tự ngàn xưa vọng lại chứ đâu biết rằng đó là thơ của một GS.TS, Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông. Quả là những câu thơ hay đến lạnh người, những câu thơ mà tôi đồ rằng nó đã nhập vào Hoàng Quang Thuận như người ta nhập đồng. Bởi khi đọc lại các bài cổ thi của các nhà thơ Việt Nam, các bài thơ của các nhà thơ đời Đường... Tôi khó mà phân biệt đâu là xưa, đâu là nay, đâu là cổ, đâu là tân, nó như là một sự ám ảnh của tâm linh”.
Người con của đất Quảng Ninh, nhà thơ Trần Nhuận Minh tấm tắc: “Những câu thơ thể hiện tấm lòng yêu mến và những cảm xúc không hề nguôi cạn của tâm hồn tác giả với đất thiêng Yên Tử. Cái duyên gì đã đưa ông về Yên Tử và điều gì ở danh sơn này đã biến một nhà khoa học thành một nhà thơ hào hoa và đặc biệt, đã viết suốt đời mình về Yên Tử, dành riêng cho Yên Tử, góp công làm cho một ngôi chùa, một ngọn tháp, một ngọn núi... ở đây thành một vang hưởng tâm hồn và bay xa… Đó là phúc địa của Yên Tử, phúc trạch của tỉnh Quảng Ninh từ ngàn đời.”
TS Lê Thị Bích Hồng chia sẻ: “Thơ Hoàng Quang Thuận thấm đẫm chất thiền trong cảnh, trong mây, trong tâm thức, không chỉ là những vần thơ tả cảnh sắc, thơ anh còn động thấu đến thế sự…”
Xin được kết bằng ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nhà phê bình văn học, chủ trì cuộc hội thảo: Những ý kiến tranh luận sôi nổi cho thấy thành công của hội thảo. Hy vọng, qua hội thảo lần này, các vấn đề không phải đã khép lại, mà cần tiếp tục mở ra, giúp chúng ta làm quen và chủ động trước mọi hiện tượng văn học, trong đó có “Thi Vân Yên Tử”.
THANH HẰNG

No comments:

Post a Comment