.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, August 25, 2012

NGUYỄN TRỌNG TẠO – KHÚC ĐỒNG DAO CỦA NHỮNG KHÁT VỌNG


Hà Nội những năm đầu sau đạn bom tràn ngập những người lính trở về. Họ không còn trẻ nữa nhưng đầy hào hứng và tự tin trước cuộc sống mà nếu không có chiến tranh họ đã được sống ở tuổi hai mươi. Trong số những người lính ấy có một chàng sĩ quan trẻ. Anh làm những người yêu thơ phải ngạc nhiên vì cú “hattrick” đầy ấn tượng trên thi đàn vào năm 1978. Những người yêu nhạc cũng đã phải ngỡ ngàng về anh, vì chỉ với kiến thức âm nhạc tự học, ngay từ sáng tác đầu tay anh đã được đón nhận vào hàng những nhạc sĩ chuyên nghiệp. 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Phong cách nghệ thuật độc đáo, cá tính sống gai góc, thái độ nhiệt thành và mẫn cảm, đôi chút cực đoan, trước các xu hướng “nóng” trong đời sống văn nghệ đất nước đã làm anh thực sự là một tên tuổi đầy ấn tượng.
“NHỮNG LÈN ĐÁ MARATHON CÂU HỎI” 
Sông Hương hoá rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say…  [1]
Đó là “một tay giang hồ chí cốt, nhìn đời như một khu vườn hoan lạc, nơi đó gã sa đà theo những cuộc vui với một tâm thức cóc cần nhẹ nhõm” và rồi trở thành “hiện thân của ý thức lưu lạc” (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường). Đó là con người “ngỡ là từng trải, từng trải qua chiến trường, qua cả tình trường mà không hề chai sạn, cứ run rẩy như thuở mới vào đời” (nhà thơ Trịnh Thanh Sơn). Một người “ngả nghiêng với những khát vọng cách tân nghệ thuật… ứa nghẹn những bức bách đời thường” (nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha) hay “ngậm đau mà nói ra bằng con chữ” (nhà thơ Hoàng Cầm). Một con  người “thỉnh thoảng tung ra một vì sao để soi rạng cõi người” (nhà báo Pháp – Thuỵ Khuê)…
Người ấy tự trích ngang:
                  …một đời say
                                 một cây si
                                                   với
                                                           một cây bồ đề
                      …một đời thơ
                                        một lênh đênh
                                                        một dại khờ
                                                                        một Tôi
                                                                           (Chia)
        Trong những cuộc chơi, cùng với rượu, giữa những người bạn là doanh nhân, trí thức, cả các quan chức nữa… anh là một người thật quyến rũ.
 Những câu chuyện tiếu lâm văn nghệ đôi khi hàm chứa những minh triết của anh là một thứ thức nhắm nhiều dư vị. Giọng hát anh sâu lắng. Sau những xã giao, chúc tụng, chia sẻ rủi may của một cuộc hội ngộ, khi rượu bắt đầu làm chùng xuống những tâm hồn ngỡ như đã được lập trình chỉn chu, những bài thơ, những ca khúc của anh lập tức được nhớ tới. Có anh, họ năn nỉ van nài anh đọc hoặc hát. Vắng anh, họ tự đọc, tự hát với nhau rồi mở điện thoại di động bắt anh lắng nghe… “Bạn bè ơi nếu mà không các bạn / ta như chai rượu đã cạn rồi”.
       Trong những cuộc ngồi, cũng với rượu, giữa những đồng nghiệp bạn bè văn nghệ, anh là một người đầy cá tính.
Bản lĩnh quyết liệt, sự sòng phẳng không nhân nhượng, ý thức coi sự trung thực lớn hơn sự lịch duyệt thông thường trong ứng xử nơi các ý kiến của anh đối với những sự kịên – nhân vật của đời sống văn nghệ, thường làm giật mình những người yếu bóng vía. Có anh, họ tranh luận, chia sẻ, tán thưởng hoặc phản bác. Không anh, họ nhắc để tán đồng, để ngẫm ngợi, có người để chê bai… “Bạn bè ơi nếu mà không các bạn / những lúc lang thang ta về đâu ?” 
       Còn trong ngôi nhà của mình, anh là người đàn ông gương mặt phong trần, cái nhìn trầm buồn, lặng lẽ. Chiếc máy tính được mở sẵn với bức hoạ bìa sách đang dở dang; phòng khách ngổn ngang bản thảo cộng tác viên gửi tới những tờ báo anh đang làm, bản thảo bạn bè nhờ anh đọc; bàn làm việc bề bộn những trang viết chưa được sắp đặt lại của chính anh; rồi cuộc điện thoại ngắn với người mẹ còn đang ở quê, bữa cơm chờ cậu con trai đi học muộn về…
                    Một ly nhỏ whisky
                     một thơm thầm hoa huệ
                    một chút thiền khép đôi cánh đam mê
                
                    Một trẻ nhỏ trong ta cầm đèn giấy
                    đêm chân trần quanh năm mặt hồ thu
                    một con thú bị thương về hang ổ
                    liếm vết thương bằng âm nhạc sương mù
                                                                                   ( Một mình)
Đó là người đàn ông có tiếng yêu nhiều, chơi nhiều, nhưng lại là người chồng phải đằng đẵng sáu bảy năm trời ly thân đầy dằn vặt mới có thể chia tay người vợ đã làm đảo lộn đường đi của cuộc đời mình; là người anh vào thời khốn khó của những năm đầu thập kỷ 80, đã lặn lội vào tận Tây Nguyên nói chuyện thơ kiếm tiền để cứu đứa em gái bị bệnh hiểm nghèo ở đấy đưa ra tận Hà Nội chạy chữa. Một người đàn ông suốt đời chu toàn các bổn phận của mình bằng đồng tiền duy nhất kiếm được từ việc làm thơ, sáng tác nhạc, viết tiểu luận và vẽ bìa sách.
Anh ào tới các cuộc nhậu để uống để hát đến tràn đêm, đôi khi không phải vì thích, vì vui mà chỉ giản đơn vì muốn khỏi phải nghĩ ngợi. Một người luôn có khả năng và sẵn sàng ngay lập tức gọi tới một nụ cười, đơn giản chỉ để không phải một mình khi chiều xuống, để thấy mình còn trẻ… hay đôi khi chỉ để quên, để khỏi nặng lòng với một đôi mắt khác.
Đó là một con người đa mệnh, đa tài, đa hệ luỵ, con người có cái tên Nguyễn Trọng Tạo. Thơ anh có câu: “Tin thì tin không tin thì thôi”. 
“ĐỪNG GỬI TÔI CHO TRĂNG RẰM”
Nguyễn Trọng Tạo sinh ra và lớn lên ở làng Tràng Khê, Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An trong một gia đình bị quy sai ngày cải cách ruộng đất, khi được minh oan thì tài sản mấy đời căm cụi đã chẳng còn gì. Cha anh là một ông đồ thạo chữ Nho, chữ Pháp nhưng lại làm đủ nghề từ cày ruộng, thợ mộc, thợ xây.
Không biết anh đã lớn lên ra sao trong cái không gian của đất của lúa, của làng, của con đường mòn và những cái quạt mo đã trở thành người bạn duy nhất chứng kiến những nỗi niềm của người cha thân yêu, chỉ biết rằng cái miền quê thơ ấu ấy đã thành một thứ “mộ Tổ”. Nó, cùng với những khát khao không cùng về đời sống, về kiếp người, đã sớm làm nên một cõi ảo mờ nhiều vơi vai trong tâm thức của anh, làm một kẻ ngang tàng kiêu bạc như anh đôi khi phải “ngơ ngác rơi giọt nước mắt cuối năm không rõ buồn vui / xe bỗng chậm lại trên đường không rõ sẽ về nơi chốn nào ”.     
Vào thời hậu chiến, không khí văn chương thật sôi động. Nguyễn Trọng Tạo đã xuất hiện như một hiện tượng trên văn đàn. Gần như cùng một lúc anh được ba tờ báo lớn nhất nước ta lúc bấy gìơ là Nhân dân, Văn nghệVăn nghệ quân đội tặng giải thưởng thơ hay của năm 1978. Rồi anh sáng tác nhạc, bốn lần dự thi âm nhạc cả bốn lần đều đoạt  giải. Những bài hát của anh như Làng quan họ quê tôi, Con dế buồn, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang… là những bài hát thuộc nằm lòng của nhiều người yêu nhạc. Năm 1981 hai tác phẩm thơ Tản mạn thời tôi sống & Thơ tình của ngưòi đứng tuổi đã đưa Nguyễn Trọng Tạo lên hàng những tác giả được ngưỡng mộ nhất đương thời, nhưng cũng đem đến cho anh một thách thức rớm máu.        
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi, câu trả lời không dễ dàng chi”. Đó là điệp khúc xoáy vào lòng người đọc trong bài thơ Tản mạn thời tôi sống. Một không gian nghệ thuật đa chiều lấm láp chất đời thường(điều hiếm trong thơ lúc bấy giờ) bắt đầu xuất hiện dưới ngòi bút Nguyễn Trọng Tạo. Từng mảnh nhỏ hiện thực xù xì và tương phản… như ẩn chứa một thái độ đòi phản biện. Và như vậy là anh đã ít nhiều “đụng tới những thứ nguỵ tín dầm dề của một thời” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Cái gì sẽ đến đã đến, con người khát khao học hỏi và tràn ngập nhiệt huyết sáng tạo đã ngay lập tức bị buộc phải rời khỏi trung tâm văn hoá lớn nhất đất nước để về lại vùng đồi miền Trung heo hút.
Trong ký ức bạn bè thuở thiếu thời, Nguyễn Trọng Tạo là một gương mặt không thể nào quên được. Anh sớm bộc lộ là người có cá tính mạnh, nhiều tài năng. Biết vẽ, biết làm thơ từ khi còn nhỏ, từng vẽ tranh cùng bạn đem bán lấy tiền và từng tự mình làm ra hẳn một cây đàn violon để kéo chơi. Lên 10 tuổi đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ bị hành hạ trong oan ức. Suốt thời kỳ học phổ thông luôn đứng đầu lớp, thi tốt nghiệp đạt điểm rất cao nhưng không được cấp bằng (và vì thế không được vào đại học) chỉ vì đã chép bài cho bạn. Hai lần đi thi học sinh giỏi toàn quốc nhưng không đoạt giải. Năm 1969 nhập ngũ, khi đã bước vào tuổi 30, anh mới được bước chân vào trường đại học, nhưng sau gần 4 năm học, chuẩn bị tốt nghiệp thì lại bị Quân đội buộc thôi học “đi nhận nhiệm vụ mới”.
Cứ như là những sự lật mình của số phận vậy. Ngọn nguồn của ý thức riết ráo, của tâm thế không yên, của những phá cách ngang tàng, pha chút gây hấn… đựơc khởi thuỷ từ đây chăng ? Nhưng kết cục “những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”. 
NHỮNG “VẾT NỨT CỦA BỨC TƯỜNG NGÔN NGỮ” 
Nguyễn Trọng Tạo tuyên bố: “Tôi không sợ phải công khai những bí mật của hồn mình”. Quả thật, những bí mật của anh lộ thiên lớp lớp đằng sau những “vết nứt của bức tường ngôn ngữ”.
Bí mật một người lính:
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá
                                                  (Tản mạn thời tôi sống)
Trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang thế giới
mặt nạ bày bán khắp nơi
trên sân bay trên xe con trên bàn tròn bàn vuông bàn chữ U chữ nhật
trên đạn bom trên lợi nhuận
trên âm mưu mong cứu rỗi con người
                                                               (Mộng du)
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
                                                  (Đồng dao cho người lớn)
Bí mật một thi nhân:
Không có số đo chuẩn mực cho tình yêu buồn thương thù hận
anh viết văn làm thơ theo chuẩn mực nào đây
nàng sẽ để tuột anh nếu tay nàng năm ngón
                                                              (Cái đẹp sáu ngón)
Ta khao khát một điều gì xa lắm
xa hơn cả tương lai
xa hơn quá khứ Người
                           (Chiều thứ tư của không gian)
Một khối đá câm
tạc thành ngôn ngữ
một đối thoại câm
thốt ra con chữ
               (Người phiên dịch chính mình)
Mai kia tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi
                                                                   (Không đề)
Bí mật một người tình:
Em mười chín tuổi nghìn năm trước
Sao đến bây giờ mới hai mươi
Môi mềm ngực nõn vòng tay xiết
Anh là đá tảng cũng tan thôi
                                    (Thiên thần)
 Em dần mão thân mùi hay tuất hợi
Tử vi em không tuổi giữa hồn anh
Ngày không mùa người không tuổi tình không tên
                                                     (Không tuổi)
Ta không sống khi yêu
Ta chết khi yêu
                  (Tội đồ của thời gian) 
Đằng sau vẻ tưng tửng, ngang tàng, đôi chút bông lơn; đằng sau nét ngả nghiêng, lãng đãng, đôi chút ma mị… là người lính với khát vọng đã trở nên nhức nhối về niềm tin, về chân  lý, về sự thật; là thi nhân với những xác tín nội tâm rạn vỡ và những quả quyết, bất cần; là người tình bạo liệt, đam mê đến… mắc nợ. Anh viết: “Điệu rock hồn tôi rùng rùng bão cát”, “chẳng chết đi chẳng bất tử chẳng hư vô / tình ướp trong biển mặn” và cuối cùng: “ Buồn đừng đi Buồn đừng tan / mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi”!
“KHÔNG THỂ KHÔNG TIN GÌ MÀ VIẾT” 
Ngôn ngữ Hàn Mặc Tử đã làm bàng hoàng tư duy thơ ca của tôi”. “Với tôi thơ là những ám ảnh tâm hồn”, “Thơ là một chớp sáng”, “Thơ được làm bằng máu, thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười”.
“Nếu thơ thoả hiệp với những thành tựu của quá khứ cũng có nghĩa là nó không có gì để tồn tại”.  “Những nhà thơ lớn bao giờ cũng tạo được một từ trường cực mạnh, họ hút các nhà thơ bé như nam châm hút sắt. Anh muốn trở thành nhà thơ lớn ư ? Trước hết, anh hãy tìm cách thoát khỏi từ trường của kẻ khác”.
Tôi chấp nhận mọi trường phái, phong cách… nhưng tôi thích những gì làm cho tôi bàng hoàng và bừng thức”. “Muốn con đường văn học mở ra, phải để cho cách tân trình thị”. “Muốn cho văn học khỏi nhợt nhạt, chỉ có con đường không né tránh sự thật”.
Tôi núp dưới cái bóng của tên tôi”. “Tôi làm báo để sống, làm thơ để chết, làm nhạc, vẽ bìa sách, uống rượu… để vui”. “Tôi sẽ đề nghị dựng tượng người phát minh ra Rượu bên cạnh tượng Nàng Thơ và người phát minh ra nguyên tử”…        
Hà Nội một ngày cuối đông. Cái rét đã nhạt. Anh nói: Chẳng có gì quan trọng !” và tôi thấy như cả một chân trời vừa chìm xuống.       
Kiếp người dẫu chẳng phải cuộc chơi, chẳng có những trò con trẻ, thì hồn ta vẫn cần những khúc đồng dao, để làm gì bạn biết không ? để có thể tiếp tục, để không bị đứt quãng…
                                                                                               Hà Nội, 2004
NGA LINH NGA
___________
[1] Tất cả những dòng in nghiêng trong bài là thơ và lời của Nguyễn Trọng Tạo

No comments:

Post a Comment