Tin: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu - 08-08-2012 12:39:10 PM
VanVN.Net – Sáng 8/8/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Đến dự hội thảo có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội NVVN; Nguyễn Di Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ ngoại giao; Lê Trần Trường An – Chủ tịch, tổng giám đốc sách Kỷ lục VN; PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; TS. Lê Thị Bích Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước – Tổng cục Phó Tổng cục XDLL, Bộ Công an; các vị hòa thượng tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử; các Ủy viên BCH Hội NVVN; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo cùng đông đảo bạn đọc quan tâm tới thơ Hoàng Quang Thuận.
Hội
thảo mở đầu bằng chương trình văn nghệ, những bài thơ tiêu biểu
rút từ tập “Thi vân Yên Tử” của nhà thơ tác giả Hoàng Quang Thuận được các nghệ
sỹ biểu diễn qua hình thức ngâm thơ.
Điều
hành hội thảo:
nhà thơ Hữu Thỉnh, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện văn học, dịch
giả Nguyễn Văn Dân – Chủ tịch Hội văn học dịch, TBT Tạp chí Văn học
nước ngoài, nhà thơ Hữu Việt.
Nhà
thơ Hữu Việt đọc lời đề dẫn: “Yên Tử là một địa chỉ tâm linh quá lớn, một vùng
đất thiêng, mà từ lâu đã trở thành miền hành hương của hàng triệu người Việt
vào tất cả các mùa trong năm, đặc biệt là vào mùa xuân. Mang trong lòng mình cả
thực thuyết lẫn truyền thuyết, Yên Tử quyến rũ không chỉ bởi mây biếc non bồng
mà còn chinh phục khách hành hương bằng hào khí của một vương triều quật cường
và trí tuệ, nhân văn và kiêu hãnh; nơi một vị vua anh minh đã khai mở thiền
phái riêng của người Việt, mang tên rừng trúc (Trúc Lâm) được ví như cốt cách của
người quân tử bao phủ khắp núi non Yên Tử!... Cách đây đúng 15 năm, có một người
đầu tiên đến Yên Tử, đã bất ngờ được Yên Tử “khai tâm”. Đó là Hoàng Quang Thuận,
sinh năm 1953 tại Quảng Bình, là GS., TS. thuộc lĩnh vực công nghệ viễn thông.
Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử, chỉ
trong vòng ba ngày đêm lưu lại ở vùng nong thiêng, anh đã viết một mạch 63 bài
thơ in thành tập “Thi Vân Yên Tử”. Sau đó ba năm, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp
“Ngọa vân Yên Tử” với 80 bài. Đến năm 2010, anh gộp lại thành tập 143 bài lấy
tên chung là “Thi Vân Yên Tử”… Qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn
sẽ được lý giải phần nào hiện tượng làm thơ với số lượng nhiều trong thời gian
rất ngắn của Hoàng Quang Thuận.”
Nhà
phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên với tham luận “Lạc đạo tùy duyên cùng Thi Vân Yên
Tử” (đã đăng trên VanVN.Net)
Nhà
thơ Trần Nhuận Minh đến từ Quảng Ninh, người rất am hiểu về vùng đất Yên Tử,
ông bày tỏ sự trân trọng đối với tâm huyết của nhà thơ Hoàng Quang Thuận đã viết
nên những bài thơ ca ngợi vùng đất thiêng Yên Tử.
Cư
sỹ Đăng Lan (TP. HCM) đọc tham luận “Về Yên Tử đọc thơ Hoàng Quang Thuận”
Nhà
thơ, nhà phê bình Vũ Bình Lục: rất kính trọng tấm lòng của Hoàng Quang Thuận với
Yên Tử và với thơ.
Nhà
thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Khi tôi đọc lại những tập thơ của Hoàng Quang
Thuận để tìm những câu thơ hay cho tập sách mà tôi đang tuyển
chọn, tập “Những câu thơ hay đến lạnh người” (tuyển chọn thơ hay Đông,
Tây, kim, cổ), trong tôi bỗng ngân lên:
... Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng...
Quả
là những câu thơ hay đến lạnh người, những câu thơ
nằm trong tiềm thức của tôi, tôi đã thuộc lòng, những câu thơ mà tôi
đồ rằng nó đã nhập vào Hoàng Quang Thuận như người ta nhập đồng. Bởi
khi đọc lại các bài cổ thi của các nhà thơ Việt Nam, các bài thơ
của các nhà thơ đời Đường... Tôi khó mà phân biệt đâu là xưa, đâu là
nay, đâu là cổ, đâu là tân, nó như là một sự ám ảnh của tâm linh.”
Ông
Nguyễn Di Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: “Tôi rất ngạc nhiên về nhà thơ
Hoàng Quang Thuận, tuy là một nhà khoa học nhưng anh lại làm thơ thiền. Thơ của
Hoàng Quang Thuận làm tôi yêu thích cảm mến, bị lôi cuốn…”
Nhà
báo, nhà thơ Đặng Hiển đọc tham luận “Dấu tích vua Phật Trần Nhân Tông ở Yên Tử
trong lòng thi nhân” có đoạn: “Thi Vân Yên Tử không kết thúc như một
thiên du ký mà như một khúc tưởng niệm như trên đã nói, nét đậm nhất của Thi
Vân Yên Tử là dấu tích của vua Phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử nhưng là dấu
tích trong lòng người, trong lòng thi nhân. Có tấm lòng ấy mới có thơ. Tấm lòng
ấy trong bài nào, trong chi tiết nào cũng thể hiện và rõ nhất, khái quát nhất
là trong ba bài Luận đời (tr. 158), Cảm thán (tr.
45) và Yên Tử trường xuân (tr. 19). Bài Luận đời coi
như lời tổng luận bằng thơ cả tập thơ của nhà khoa học, nhà thơ, Phật tử Hoàng
Quang Thuận "Đời giống mây trời trên đỉnh núi/ Phù Vân tán tụ một kiếp
người/ Vinh hoa phú quý vòng tục luỵ/ Bể khổ trần gian kẻ đầy vơi/ Hào quang toả
sáng đỉnh Phù Vân/ Ngọa Vân Yên Tử theo ngày tháng/ Linh Sơn đất Phật mãi trường
xuân".
Có
điều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà Phật học Hoàng Quang Thuận là nhà thơ nên
những cảm nghĩ của ông về Yên Tử, trước hết, trên hết và sau hết là sự rung động
của con tim, sự rung động đó lại ngân lên bằng vần điệu, bằng hình tượng nghệ
thuật để cuốn hút chúng ta theo bước của thi nhân vào cõi thiêng, cõi đẹp của Đất
nước, của tâm linh Việt.”
Nhà
thơ Hoàng Quang Thuận bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm của các nhà LLPB văn
học, các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc đối với hai tập thơ. Ông nói về sự ra đời
kỳ lạ của hai tập thơ vào những khoảnh khắc kỳ diệu và đọc những bài thơ tâm đắc
của mình.
Nhà
văn Văn Chinh: “Hoàng Quang Thuận là người khắc kỷ và hướng thiện. Anh đã viết
được những câu thơ mang tinh thần Phật giáo, mang triết lý nhân sinh rất sâu sắc.
Góp ý với tác giả: Giá như 3 đêm 3 ngày ở Yên Tử anh chỉ làm 3 bài thơ thôi,
thì có lẽ những bài thơ sẽ có sức nặng hơn.”
TS.
Lê Thị Bích Hồng: “Thơ Hoàng Quang Thuận thấm đẫm chất thiền trong cảnh, trong
mây, trong tâm thức, không chỉ là những vần thơ tả cảnh sắc, thơ anh còn động
thấu đến thế sự…”
Nhà
thơ Hữu Thỉnh nhận định: “Thời gian gần một năm nay, không khí thảo luận thơ của
chúng ta rất sôi nổi, trong không khí đó, cuộc hội thảo này đã làm đa dạng hóa cuộc
trao đổi về thơ. Trong lúc đời sống hiện nay đang có dấu hiệu tầm thường hóa
thì nhà thơ Hoàng Quang Thuận chống lại xu hướng đó bằng việc đề cao sự thiêng
liêng, thanh khiết của tâm hồn. Đây là một đóng góp làm cho vượng khí tinh thần
dân tộc được phát triển lên. Vì thế mà thơ Hoàng Quang Thuận nhận được sự đồng
tình và những đồng cảm. Thực ra trong văn học, số lượng không nói lên điều gì
nhưng một người đến thăm và làm hơn 100 bài thơ về Yên Tử, có nghĩa tác giả đã
đến, sống và hòa mình và cảnh sắc, vào các giá trị của dân tộc. Có hai cấp độ về
thơ ca: cấp độ 1 là làm thơ về Yên Tử; cấp độ 2: mượn Yên Tử để làm thơ mới là
nhà thơ, mới chạm được đến thế giới thi ca. Qua Phật, qua trời đất để gửi một
thông điệp đến cho con người mới là phẩm chất của thi ca. Hoàng Quang Thuận đã
đạt tới cả hai cấp độ này. Anh đến Yên Tử, làm thơ không phải để so tài với ai
mà chỉ làm một việc: ghi lại những chấn động trong tâm hồn mình một cách chân
thực, thành kính. Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ ca. Sau tất cả các
bài thơ, chúng ta bắt gặp con người Hoàng Quang Thuận với đầy đủ diện mạo tinh
thần của người làm thơ.”
PGS.
TS Nguyễn Hữu Sơn tổng kết hội thảo: “Với 21 bản tham luận và những
ý kiến góp ý, trao đổi tranh luận sôi nổi thể hiện sự quan tâm đến tập Thi
Vân Yên Tử. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo lần này, các vấn đề không phải
đã khép lại mà chính là cần tiếp tục được mở ra, giúp chúng ta làm quen và chủ
động trước mọi hiện tượng văn học, trong đó có hiện tượng Thi Vân Yên Tử.”
Nguồn: Vanvn.net
No comments:
Post a Comment