Nhà văn Hoàng Minh Tường |
Cơn sốt báo Văn Nghệ, bắt đầu từ năm 1987 và lên đến cao trào năm 1988. Mỗi tuần, vào sáng thứ 7, chiếc xe Uoat cà tàng do tài xế Đào Chi lái, chở báo từ nhà in báo Nhân Dân về tòa soạn 17 Trần Quốc Toản, lập tức bị vây bủa bởi hàng chục đầu nậu phát hành. Mọi người hối hả chất báo lên xe đạp đi bỏ mối ở các quầy. Số lượng phát hành từ bưu điện, từ các đại lý, tăng từng tuần, từng tháng. Đến khi tôi chính thức chuyển từ báo Người Giáo viên Nhân Dân về làm việc ở báo Văn Nghệ thì con số phát hành báo đã lên tới hơn 70.000 bản/ kỳ. Một con số kỷ lục mà cho tới nay, 65 năm tờ báo tồn tại, chưa bao giờ và sẽ ít cơ hội có được.
Báo Văn Nghệ, vốn là nơi tụ hội những cây bút uy tín. Thời nhà văn Nguyên Ngọc về làm Tổng biên tập, đội ngũ biên tập viên khá hùng hậu. Về thơ có Hoàng Minh Châu, Võ Văn Trực, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy,Trần Ninh Hồ, Bế Kiến Quốc,Võ Thanh An, Phạm Đình Ân. Lý luận phê bình và nghệ thuật có Ngọc Trai, Thiếu Mai, Hồng Phi, Triều Dương, Mai Nhi, Thế Hùng, họa sỹ Thành Chương và Phạm Minh Hải. Dịch thuật có Nguyễn Văn Viễn và Nguyễn Đăng Bẩy. Riêng ban Văn xuôi có mỏng hơn: Nhà văn Hoài An vừa nghỉ hưu, chỉ còn nhà văn Ngô Ngọc Bội. Thêm tôi, và hai tháng sau Trần Huy Quang từ báo Cứu Quốc mới giải thể về, là ba. Ai cũng bảo, hai chúng tôi là quân của ông Nguyên Ngọc, bởi chính ông thân hành sang hai cơ quan xin chúng tôi về, sau khi Trần Huy Quang trình làng bút ký “Vua lốp”, về sự khốn khổ của một doanh nghiệp tư nhân muốn ngoi lên trong cơ chế bao cấp, còn tôi mới đăng phóng sự “Làng giáo có gì vui ?”, về sự khốn khó của hàng triệu giáo viên đang đứng trên bục giảng mà lòng đã bỏ nghề.
Trước đó, từ khi nhà
văn Nguyên Ngọc chuẩn bị về “nắm” tờ báo, ban Văn xuôi đã có một cuộc “xé rào”,
ấy là việc đề xuất cho in truyện ngắn “ Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp.
Công đầu thuộc về nhà văn trưởng ban Ngô Ngọc Bội.
Văn xuôi báo Văn Nghệ
đã khai hỏa phát súng đầu tiên báo hiệu một thời kỳ lột sát, đưa trang văn từ
trong tháp ngà buồn tẻ và khô cứng, giáo điều, đi vào đời sống, áp sát đời sống
nóng bỏng và nghiệt ngã đang chuyển động cuồn cuộn ngoài đời.
Từ đây, trên từng “ô ruộng”
của tờ báo đồng loạt mở ra những hoa tươi quả lạ: Trang phê bình là những cuộc
thảo luận bàn tròn về các tác phẩm “có vấn đề”, các ý kiến thẩm bình về văn học
nghệ thuât mà tranh cãi sôi nổi nhất là sự kiện quanh lá thư của ông Đặng Bửu,
một độc giả ở Quảng Nam; trang văn xuôi, ngoài “sê ri” truyện như nhập đồng của
Nguyễn Huy Thiệp, có thêm những truyện ngắn của cây bút nữ Phạm Hoài Nam ( nhà
văn Ngô Ngọc Bội sợ độc giả nhầm, đề nghị tác giả đổi bút danh thành Phạm Thị
Hoài), và đặc biệt là sự trẻ lại của các nhà văn tên tuổi Nguyễn Minh Châu,
Xuân Thiều, Nguyễn Quang Thân, Mai Ngữ…Riêng trang bút ký phóng sự, có sự bứt
phá hoành tráng với một loạt tác giả mới và cũ: Phùng Gia Lộc, Vũ Bão, Vũ Đình
Minh, Hoàng Hữu Các, Nguyễn Thị Vân Anh, Lê Khắc, Trần Quang Quý, Trần Huy
Quang, Hoàng Minh Tường…
Công việc của Ban Văn
xuôi thời kỳ này là đọc bản thảo, đọc đến mụ mị. Và đi, viết. Gãi đúng chỗ
“ngứa” của đời sống, mỗi tuần hàng trăm bút ký phóng sự của các cây bút từ mọi
miền đất nước gửi về. Chúng tôi chia nhau đọc tưởng muốn… vỡ đầu. Nhiều phóng
sự ngồn ngộn tư liệu, nhưng chưa tìm ra mạch văn chương, in thì chưa được,
nhưng bỏ đi thì quá tiếc. Ban Văn xuôi bàn nhau, phân công trực tiếp trao
đổi với từng tác giả hoặc viết thư cho những tác giả ở xa. Bút ký “ Khách sạn
Kim Liên và bà giám đốc ăn trầu” của Hoàng Ngọc Sơn, phóng sự “ Đá đỏ” của Thái
Chí Thanh, phóng sự “ Đường tàu” của Tô Phán là những trường hợp như thế. Thái
Chí Thanh quê ở vùng đá đỏ ở Quỳ Châu, Nghệ An, thông thạo nghề đào mỏ như một
“ bưởng” trưởng, nhưng viết còn dàn trải, rời rạc. Ba lần anh sửa chữa bản
thảo. Lần thứ tư đã hoàn chỉnh một phóng sự ba kỳ được bạn đọc háo hức chào
đón. Hoàng Ngọc Sơn còn kỳ công hơn, tự anh sửa chữa tới lần thứ sáu thì lừng
lững chân dung một bà giám đốc khách sạn chặng đầu đổi mới.
***
***
Cuối năm 1988, nhà thơ
Hữu Thỉnh được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cử về lam Tổng biên tập
báo Văn Nghệ.
Ngày ấy Hữu Thỉnh cao
gầy, hay vận bộ quân phục xanh lá mạ. Buổi bàn giao đầu tiên khi Tổng thư ký
Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Chính Hữu xuống báo Văn Nghệ tuyên đọc quyết định,
anh khiêm tốn ngồi thu mình tận góc phòng họp tầng hai, như muốn lẫn vào với
các anh chị em trong tòa soạn. Có người thì thào: “ Liệu anh lính từng lạc “tới
thành phố” này có chèo lái được con tàu “ Văn Nghệ” đang cưỡi sóng ở bão
biển cấp 12 không?”
Cái đêm “bàn giao” nhớ
đời ấy, tôi và họa sỹ Phạm Minh Hải về nhà họa sỹ Thành Chương ở Cống Quỳnh
uống rượu. Ba anh em thức trắng đêm. Không ngờ hai họa sỹ tài danh của
báo Văn Nghệ còn yêu tờ báo, yêu văn chương hơn cả tôi. Các anh thở dài thườn
thượt, riêng Phạm Minh Hải còn khóc nữa khi không biết tương lai tờ báo yêu quí
của chúng tôi đi về đâu?
Cả nước chú mục vào
báo Văn Nghệ những ngày ấy. Họ nghĩ rằng báo Văn Nghệ rồi sẽ “nhạt” trở lại.
Nhưng không. Đúng như
ông bà ta đã nói: “ Con chị nó đi, con dì nó lớn”, đầu những năm 90, báo Văn
Nghệ vẫn là tờ báo hàng đầu được bạn đọc yêu mến. Tia-ra vẫn ngất ngưởng 50.000
– 60.000 bản/kỳ.
Trang bút ký, phóng sự
có “nguội” đi đôi chút do thời thế đổi chiều, do “thực đơn” không còn nóng sốt
như trước. Nhưng bù lại, truyện ngắn lại ào ạt chiếm lĩnh độc giả. Quyết tâm
của tòa soạn đẩy mạnh chất lượng sáng tác được kỳ vọng ở cuộc thi truyện ngắn
năm 1991. Chưa bao giờ ban Văn xuôi và ban Sơ khảo ( gồm Ngô Ngọc Bội, Trần Huy
Quang, Hoàng Minh Tường ban Văn xuôi, cộng thêm nhà văn Lê Minh Khuê được mời )
đọc “sướng” như ở cuộc thi này. Đủ các thể hệ nhà văn háo hức dự thi, từ các
văn lão gia: Vũ Bão, Nguyễn Quang Thân, Xuân Thiều, Đặng Quang Tình, Nguyễn
Quang Hà, Triệu Bôn, Vi Hồng, Chu Lai, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Dậu, Cao Tiến Lê,
Nguyễn Bản… đến những cây bút thời thượng Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang
Lập, Tạ Duy Anh, Trần Thị Trường, Phạm Hoa, Đỗ Bảo Châu, Kiều Vượng, Hữu
Phương. Và ẩn số là những cây bút mới xuất hiện: Quý Thể, Lại Văn Long, Hòa
Vang, Nguyễn Minh Dậu, Nguyễn Thị Ấm, Trần Kỳ Trung, Tạ Nguyên Thọ vv…
Nhà văn Nguyễn Khải, thành viên Ban chung khảo Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 1991, từ Sài Gòn đã viết thư gửi TBT Hữu Thỉnh và Ban tổ chức cuộc thi:
Nhà văn Nguyễn Khải, thành viên Ban chung khảo Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 1991, từ Sài Gòn đã viết thư gửi TBT Hữu Thỉnh và Ban tổ chức cuộc thi:
… “ Đọc rải rác
từng truyện trên báo thì thấy buồn lắm, rằng hay thì thật là hay, đọc xong cứ
thấy đắng cay thế nào. Nhưng cái vị cay ấy, cái buồn ấy không phải tự văn chương
mà là tự cuộc đời. Văn huyễn tưởng, văn quái dị, văn ngụ ngôn, văn hài hước vẫn
không thoát ra khỏi cái vui cái buồn của đời thường. Mà đời thường lại chưa
thấy gì làm thật vui. Dẫu sao tôi vẫn muốn bám víu vào lòng tin nơi con người,
cái cao cả, cái độ lượng, cái hy sinh, lòng thương yêu nơi con người. Vì con
người dẫu trong hoàn cảnh tuyệt vọng vẫn không ngừng muốn sống, muốn làm việc,
muốn yêu thương và cống hiến. Chỉ có kẻ điên mới thích tự phá phách mình đến
triệt để mà thôi. May mắn thay, đọc một mạch trong hai ngày cả 30 truyện có
trong tay ( truyện ngắn lọt vào chung khảo – HMT), thấy niềm tin của mình là
rất có lý…”
Nhà văn Nguyễn Khải
kết luận: “Có điều chắc chắn, là cuộc thi lần này có nhiều truyện hay, hay
thật, hay về cách viết, hay về ý tưởng. Ba chục truyện này in thành một tập
truyện rất quan trọng, bán được, bán đắt chứ không sợ ế. Chúng ta có thể chúc nhau
về sự thành công lần này.”
Nữ văn sỹ Lê Minh
Khuê, cây truyện ngắn số một bộc bạch: “ Và ý nghĩ đọng lại nhất sau khi đọc sơ
khảo của tôi là làm sao để mình cũng viết được những truyện như mình vừa đọc…”
Cuộc thi thành công
hơn cả mong đợi của TBT Hữu Thỉnh và Ban Văn xuôi báo Văn Nghệ, với bộ giải
thưởng mĩ mãn: một giả nhất ( “ Kẻ sát nhân lương thiện” của Lại Văn Long); hai
giải nhì (“ Nhân sứ” của Hòa Vang, “ Vũ điệu của cái bô” của Nguyễn Quang
Thân); chín giải ba (“Ánh trăng” của Nguyễn Bản, “Mùi cọp” của Quý Thể, “Đùa
của tạo hóa” của Phạm Hoa, “ Người hùng trường làng” của Tạ Nguyên Thọ, “Chị
Thìn” của Nguyễn Quang Huy, “ Hạnh” của Nguyễn Minh Dậu, “Lời nguyền thuở ấy”
của Trần Tài,”Người vãi linh hồn” của Vũ Bão, “Thợ may” của Phạm Hải Vân).
Mười năm được làm việc
ở báo Văn Nghệ, là những năm thấm đẫm văn chương. Được đi, được viết, được đọc
bạn bè để bồi đắp cho mình.
Giống như nhà văn Xuân
Cang một thời làm báo, tôi cám ơn những ngày thường đã cháy lên ấy.
Hà Nội, tháng 4/2013
HOÀNG MINH TƯỜNG
Nguồn: Báo Văn nghệ
Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết rất hay và chi tiết
ReplyDelete..........................
Huyền Sport
Cuồng Nhiệt Cùng Hot Girl
bong88 l bong88