Những năm 70, báo Văn nghệ đã trải qua chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ. Đầu cửa vào trụ sở 17 Trần Quốc Toản vốn nhỏ hẹp khi ấy, chúng tôi phải cho xây một hầm trú ẩn nổi cũng bé nhỏ tối tăm, mỗi người được mua một cái ghế gỗ (giá hai mươi đồng, do phòng hành chính trị sự quy định) để ngồi bệt trong hầm khi báo động. Mỗi phóng viên chính của báo được cấp một mũ sắt; bác Nguyễn Tuân là cộng tác viên đặc biệt cũng được cấp mũ sắt, với chiếc mũ này bác Nguyễn đã xông xáo viết những bài ký nổi tiếng Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.
Lái xe Đinh Xuân Châu đã
nhiều lần gan góc trương cờ “báo chí” cho xe commăngca đít vuông vượt cầu phao
sông Hồng trong khi máy bay Mỹ gầm rú. Sau này, năm 1973, Châu đã đưa một đoàn
gồm tôi, chị Cẩm Thạnh, các anh Bùi Hiển, Ngô Văn Phú vào vùng Quảng Trị mới
giải phóng. Nhớ lại ngày đó có đoạn gặp phải đoạn đường nhiều mìn, Châu phải
lái chậm, căn theo vết xe đã đi trước, rất căng thẳng. Sau này anh Đinh Xuân
Châu đã mất vì bệnh ung thư. Hôm đến nhà thăm khi anh bệnh nặng, bụng trướng
to, anh nắm tay tôi trào nước mắt. Tôi không khi nào quên những kỷ niệm đối với
anh Châu cũng như các đồng chí lái xe khác ở Hội Nhà văn sau này.
Đấy là kỷ niệm trong chiến
tranh. Còn về mặt nghề nghiệp, báo Văn nghệ khi đó đã gặt hái được những thành
tựu đáng kể. Mở cuộc thi thơ mà những người được giải cao đều ở chiến trường,
gia đình và bạn bè lĩnh giải hộ. Đó là Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm… Nguyễn
Duy từ xa đã đọc thơ dự thi qua điện thoại cho Hữu Nhuận chép. Tổ thơ hồi đó
gồm nhà thơ Phạm Hổ là tổ trưởng, các biên tập viên khác có anh Vĩnh Mai và chị
Xuân Quỳnh... Thời gian nghiệt ngã đã tiễn đưa tất cả các thành viên tổ thơ ngày
ấy về với vĩnh hằng. Tổ văn xuôi năm 1970 gồm anh Võ Huy Tâm là tổ trưởng, cùng
các anh chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, Xuân Trình, Hoài An, Trần Hoài Dương, Văn Ngọc,
Ngô Ngọc Bội là các biên tập viên. Cho đến hôm nay chỉ còn lại chị Ngọc Tú yếu
đau và anh Ngô Ngọc Bội vẫn khoẻ. Riêng anh Văn Ngọc ở Nam Bộ xa xôi, tôi không
có liên lạc, chỉ nhớ hồi đó anh nhiều tuổi, sức yếu, rất hiền lành và tận tuỵ
công tác.
Tổ lý luận - phê bình do
anh Khái Vinh là tổ trưởng, có chị Thiếu Mai và anh Trang Nghị. Nhiều người làm
báo Văn nghệ thời đó hẳn vẫn nhớ tiếng cười hơ hớ của Trang Nghị khi có chút
rượu vào... Còn tôi vẫn nhớ tiếng cười của anh vào một đêm trăng năm ấy, khi
mấy anh em theo thuyền câu mực ở vịnh Hạ Long. Thuyền ra tít biển xa, chúng tôi
vừa câu vừa ăn mực, uống rượu…
Thời gian khắc nghiệt lại
đã “xoá sổ” tổ lý luận - phê bình, cắt đứt tiếng cười hả hê của Trang Nghị và
những lo toan công việc của Thiếu Mai, Khái Vinh.
Các anh Nguyễn Tuân (mỹ
thuật), Nguyễn Thành Đại (sân khấu), Hồng Phi (sân khấu), Trung Sơn (điện ảnh),
Phan Thanh Nam (âm nhạc) luân phiên nhau phụ trách tổ nghệ thuật. Công việc rất
đều đặn hàng tuần. Hiện nay chỉ còn anh Trung Sơn tóc bạc phơ lủi thủi một mình
(vợ anh là chị Đoan ở phòng hành chính trị sự báo, mất đã lâu) và nhạc sĩ Phan
Thanh Nam ở tận Sài Gòn. Tổ mỹ thuật trình bày có hoạ sĩ Nguyễn Bích là tổ
trưởng, các anh Phạm Hữu Trí, Lê Chính làm mise, và chị Kim Oanh. Anh Phất
(khắc gỗ) và anh Nguyệt Diệu (chụp ảnh) ở ngoài biên chế báo. Vài năm gần đây,
tôi thường được gặp anh Diệu ở cuộc liên hoan báo đón xuân mới. Anh Nguyễn
Bích, chị Kim Oanh… đã mất, còn các anh chị khác không thật rõ tin tức. Tôi vẫn
nhớ từng nụ cười của các anh.
Tổ thời sự do nhà thơ trào
phúng Nguyễn Đình làm tổ phó. Có thêm các anh Hữu Nhuận và Ngô Sinh Nhựt. Hữu
Nhuận cho đến nay vẫn bền bỉ sưu tầm, tìm kiếm tư liệu văn học. Còn anh Nguyễn
Đình đã mất vì bệnh ung thư, không kịp chờ đến ngày giải phóng miền Nam. Tôi
nhớ mãi hình ảnh anh Nhựt, là thương binh, cụt một tay, rất tận tuỵ công tác.
Nhắc đến phòng hành chính
trị sự của báo là nhớ trưởng phòng Phan Thắng, cán bộ tập kết, sống lẻ loi xa
gia đình. Anh là người đã lo cơm áo gạo tiền cho anh chị em, lo nhà in và giấy
in cho báo. Sau giải phóng, anh đã về miền Nam đoàn tụ gia đình. Phòng hành
chính trị sự thời ấy còn có các chị Thịnh, chị Đoan, chị Nhi, chị ả. Các chị
đều hiền lành, chăm chỉ làm việc. Anh Địch và anh Quyền đánh máy cho báo; hồi
ấy làm gì có máy vi tính! Các anh đánh máy thật giỏi. Người làm công tác liên
lạc cho báo là anh Văn Kim Từng, người dân tộc thiểu số. Anh rất thật thà, chăm
chỉ. Với chiếc xe đạp tòng tọc, anh đi khắp nơi quanh Hà Nội. Anh thường cười
nheo nheo đôi mắt, xưng “mình” với tôi và bác Hoài Thanh. Có lần anh bảo tôi:
“Mình vừa ở chỗ Hoài Thanh về”(!) Mỗi lần anh đến nhà, tôi thường mời anh ăn
kẹo và uống trà. Anh ăn uống hồn nhiên như trẻ thơ. Thế mà Văn Kim Từng sau này
đã có cái chết bi thảm vì bị bệnh trầm cảm. Cơ quan thương tiếc anh, nhận con
gái anh vào làm việc sau đó.
Thời gian trôi qua thật
nhanh. Ban phụ trách báo Văn nghệ năm 1970, nay chỉ còn tôi và chị Cẩm Thạnh.
Bác Hoài Thanh và anh Đào Vũ đã ra đi cả rồi. Mới ngày nào, mùa đông 1972, tôi
còn trẻ đội mũ sắt trực chiến cùng anh em báo trong 12 ngày đêm chống B52. Đến
nay tôi đã 85 tuổi. Trí nhớ đã kém đi, phải nhờ đến nhật ký mới hình dung lại
được những năm 70 ấy. Nhưng với các anh các chị đã cùng làm báo với tôi, dù đã
mất hay đang sống, tôi luôn nhớ tới với lòng biết ơn chân thành và sự quý mến
của tình đồng nghiệp.
Mỗi đời người có sự đóng
góp không ai có thể thay thế. Mỗi con người mang những niềm vui và khổ đau
chẳng giống với ai. Tôi thường nghĩ về bạn bè như vậy.
VŨ TÚ NAM
(Nguồn: Văn nghệ số 16/2013)
No comments:
Post a Comment