.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, February 4, 2013

NHÀ VĂN VALENTIN OVECHKIN HAI LẦN TỰ TỬ BẤT THÀNH

Yury Krotkov

Nhà văn Xô viết nổi tiếng Ovechkin sinh ngày 9 tháng 6 năm 1904 tại Taganrog. Truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản vào năm 1927. Tập “Truyện ngắn nông trang” xuất bản năm 1935 ngay lập tức biến Ovechkin trở thành nhà văn được chú ý. Tiếp đó, hàng loạt truyện, ký - trong đó nổi bật là cuốn “Chuyện thường ngày ở huyện” mà bạn đọc Việt Nam rất mến mộ - đã đưa Ovechkin lên vị trí hàng đầu trong các nhà văn Liên Xô. Ovechkin mất ngày 27 tháng Giêng năm 1968. Bài viết sau đây của nhà văn Yu. Krotkov hé lộ một phần đời tư khá thú vị của Ovechkin. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xét về gốc gác lẫn ý thức, Valentin Ovechkov là người vô sản 100%; thời thanh niên ông từng làm thợ giày, giáo viên bình dân học vụ, sau đó trở thành chủ tịch nông trang, bí thư đảng.

Một thời gian, Ovechkin được lãnh đạo cấp trên ưu ái. Các bài bút ký và truyện ngắn của ông được đăng gần cả một trang báo “Sự thật”. (Vinh dự đó chỉ dành cho một số người như Korneychuk, Simonov, Sholokhov). Các cuốn sách của ông “Chuyện thường ngày ở huyện” (đã được dịch ra tiếng Việt), “Vẫn ở huyện đó”, “Mùa xuân khó khăn” trở nên nổi tiếng khắp nơi. Tác giả đưa ra ý tưởng về các nhà lãnh đạo “tốt” và “xấu”. Ông thường đối lập bí thư huyện ủy thứ nhất quan liêu và dốt nát với bí thứ huyện ủy thứ hai thông minh và nhân hậu. Ovechkin trân trọng ý tưởng này, và dành cho nó rất nhiều tâm huyết.
Vâng, đã một thời Ovechkin được “cất nhắc”. Ông được bầu vào  Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên bang Nga, sau đó là Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô.
Tiếp theo mọi chuyện diễn ra như sau.
 Sau khi củng cố quyền lực, Nikita Khrushchyov bắt đầu áp dụng các “đổi mới” của mình. Điều đó động chạm tới các nông trang. Ovechkin đón nhận những đổi mới này một cách thận trọng, còn sau đó thì phản đối thẳng thừng. Thời kỳ này, ông sống ở thành phố Kursk và là tỉnh ủy viên. Những đổi mới của Khrushchyov cũng khiến cho giới lãnh đạo tỉnh không hài lòng. Không đi sâu vào thực chất vụ việc, chỉ xin nói rằng giới quan chức địa phương vào những buổi chiều thường tụ tập uống rượu hay đi câu cá, ở đó một cách bán công khai, họ bàn luận về “chủ nghĩa phiêu lưu” của Nikita. Ovechkin cũng tham gia các câu chuyện này.
Tôi không nghĩ ông là một kẻ bảo thủ, nhưng ông phản đối Khrushchyov. Hơn nữa, ông dường như lãnh đạo “phái đối lập” địa phương, và vì trước đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ XXII, trong nước đã diễn ra các cuộc hội nghị đảng, nhân dịp này Ovechkin đã đề nghị các bí thư tỉnh ủy và các nhà lãnh đạo địa phương Liên Xô tổ chức một cái gì đấy tựa như cuộc nổi dậy của đảng. Kế hoạch của Ovechkin rất đơn giản, nhưng trong điều kiện của xã hội Liên Xô lúc bấy giờ thật khó tin, nói đúng hơn gần như khó tin. Ovechkin muốn là người đầu tiên phát biểu tại hội nghị đảng bộ Kursk và vén bức màn “sự thật“, ngõ hầu nhận được sự ủng hộ của các bí thư tỉnh đảng bộ Đảng cộng sản Liên Xô, các quan chức cấp tỉnh, v.v…
Ovechkin chân thành hy vọng tất cả các đại biểu khác của hội nghị ủng hộ ông, hơn nữa ông tin rằng tư tưởng của ông được chia sẻ ở các nông trang của tỉnh. Tại một trong những cuộc rượu của các nhân vật cao cấp trong tỉnh, người ta đã thỏa thuận về chương trình hành động.
Giống như Khrushchyov bước lên diễn đàn Đại hội XX của Đảng cộng sản Liên Xô, Valentin Ovechkin tự tin bước lên diễn đàn hội nghị đảng bộ Kursk. Ông đã tuôn ra một bài diễn văn và… Điều gì đã xảy ra tiếp theo?
Tiếp theo đã diễn ra chính điều được mô tả trong truyện ngắn của Yashin “Những cái đòn bẩy”. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” đã phát huy tác dụng: từng người riêng rẽ - phản đối, tất cả tập hợp lại – đồng ý. Nói ngắn gọn, Ovechkin không được ủng hộ. Ngược lại, các sếp trước đó đã “hâm nóng” bầu nhiệt huyết của Ovechkin, hứa cùng nhau “bước lên chiến lũy”, vào phút chót đã dạt ra, và vì những chiếc ghế của mình, đồng lương của mình, chiếc thẻ đảng của mình, đã lẩn trốn. Không, họ không chỉ lẩn trốn, mà còn tấn công Ovechkin và vu cho ông gần như là kẻ phản bội quyền lợi của Tổ quốc.
Trở về nhà, ý thức một cách đầy đủ tai họa của mình, Ovechkin hiểu rằng ông bị tước đoạt hoàn toàn niềm tin vào con người, vào người cộng sản, vào quyền suy nghĩ, phán xét, bày tỏ ý kiến riêng; bỗng nhiên ông hiểu ra rằng tất cả điều đó nằm trong nguyên lý của chế độ, rằng hệ thống tập thể là phản tự nhiên, rằng tập thể bị biến thành giáo điều, tiêu diệt nhân cách con người, chàng Hamlet của Liên Xô tất yếu đặt ra một câu hỏi hợp lý: “Tồn tại hay không tồn tại?!”
- “Không tồn tại!” – ngay lập tức có tiếng nói lương tâm mách bảo ông.
Có thể, giây phút đó, trong quan niệm của Ovechkin đã xuất hiện một cái gì đó lớn hơn tư tưởng cộng sản, hơn nghĩa vụ của đảng, hơn trách nhiệm của nhà văn Liên Xô, thậm chí hơn cả quyền lợi của các nông trang. Có thể, giây phút đó, ông suy ngẫm lại tất cả, và trước hết là cái giá của con người. Có lẽ, giây phút đó, ông nhìn mình và mọi thứ xung quanh hoàn toàn khác, có lẽ, giây phút đó, ông cảm nhận được, theo cách nói của Pasternak, “mùi vị của sự bất tử”. Và, khi nhận ra điều đó, Ovechkin lấy khẩu súng cỡ nhỏ treo trên tường, lắp đạn và nã vào đầu.
Cái chết không đến ngay lập tức, có thể, do tay bị run hoặc khẩu súng cỡ nhỏ không phải là vũ khí giết người. Trong trạng thái bất tỉnh, Ovechkin được máy bay đưa tới Moskva. Ở đây, tại bệnh viện phẫu thuật thần kinh mang tên Burdenko, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ phức tạp, và cuộc sống của Valentin Ovechkin đã được cứu thoát. Nhưng ông bị mất một mắt.
Trong những ngày phục hồi sức khoẻ, theo chỉ thị của chính quyền chỉ có nhà văn Konstantin Simonov, người mà Ovechkin không có thiện cảm và đã nhiều lần nói thẳng về điều đó trước mặt mọi người, được phép vào thăm ông ở bệnh viện.
 Chính quyền tìm mọi cách im lặng và dập tắt “vụ Ovechkin”. Xét về mọi mặt, một người cộng sản như vậy không thể thoát khỏi sự lên án vì  đã chống lại Khrushchyov và vì ý định tự sát. Cả hai hành vi đều thuộc lĩnh vực chống đảng, và cả hai đều bị trừng trị thẳng tay trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi biết những trường hợp chính quyền không cho phép chôn các đảng viên cộng sản tự sát vì họ bị coi là những kẻ phản bội.
Nhưng Ovechkin được đối xử theo cách khác. Trong thời gian ông đang điều trị ở bệnh viện, trên Báo Văn thậm chí đã xuất hiện một bài báo hay bút ký gì đó của ông viết trước đây. Đó là dấu hiệu cho các nhà văn biết rằng nguyên trạng giữa Ovechkin và “trên” đã được thiết lập, rằng ông ta đã có một vị trí xứng đáng, rằng cần phải như vậy. Có thể, Simonov trong chuyện này đóng vai phái viên của đảng. Ít lâu sau, Ovechkin thậm chí còn được tặng thưởng. Sau đó ông được đưa vào ban biên tập tạp chí “Thế giới mới”, còn tại đại hội lần thứ IV nhà văn Liên Xô (năm 1967) ông được “bầu” vào ban chấp hành. Và dường như mọi chuyện đã lắng xuống. Không ai viết gì  về vụ tự sát của Ovechkin, về bài phát biểu của ông tại hội nghị đảng bộ Kursk, về việc ông bị mất một mắt, và tất nhiên không ai nói gì về những điều trao đổi giữa Ovechkin và Simonov, và cuối cùng là về việc chẳng bao lâu sau vụ tự tử bất thành Valentin Ovechkin phải vào nhà thương điên.
Tại sao Ovechkin rơi vào nhà thương điên sau khi được thiết lập nguyên trạng? Phải nghĩ rằng “sự hòa giải” của Ovechkin với Khrushchyov không loại trừ khả năng Ovechkin có thể tự sát một lần nữa. Phải nghĩ rằng những dày vò bên trong, cuộc đấu tranh nội tâm cắn rứt ông. Và chính điều đó đã khiến  ông tìm đến rượu trong một thời gian dài.
Một lần, lên Moskva, Ovechkin nghỉ trọ tại khách sạn “Moskva”, rồi sau khi uống say bí tỉ, ông ta cởi quần áo và định nhảy qua cửa sổ. Ngay lập tức đội cứu hỏa được gọi tới, dưới cửa sổ phòng ông, người ta chăng một tấm vải bạt. Ngay lập tức, tất nhiên, người ta đã gọi điện thoại tới bệnh viện của quỹ văn học, và các bác sĩ đã đến (tất nhiên, theo chỉ thị của cấp trên). Và ngay lập tức Valentin Ovechkin được chuyển từ khách sạn “Moskva” tới bệnh viện tâm thần…
Ngay sau khi kết thúc đợt “điều trị tâm thần”, Valentin Ovechkin rời bệnh viện. Ông được đưa tới thành phố Tashken sống với các con trai của mình.
Tôi không biết Ovechkin có tham dự đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ IV hay không? Ông có đọc bức thư của Solzhenitsyn không? Tôi chỉ nghĩ rằng nếu Ovechkin có mặt tại đại hội nhà văn lần thứ IV thì cũng chỉ với tư cách của một kẻ tàn tật về tinh thần, không còn khả năng đấu tranh vì nhân phẩm. Bởi người ta không thể hai lần tự sát…
Cách đây không lâu, tôi đọc được lời điếu văn từ báo chí Liên Xô về việc nhà văn Valentin Ovechkin “từ trần”. Trong đó có đoạn viết: “Cơn bạo bệnh trong nhiều năm liền đã không cho phép ông nói hết tất cả những điều muốn nói…”
Xin hỏi: Ovechkin bị bệnh gì và ông còn định nói điều gì?
Trần Hậu (dịch)

No comments:

Post a Comment