.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, May 23, 2013

“BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG MỘT TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG CHỈ LÀ ĐỊNH TÍNH”

(Toquoc)- Văn học các dân tộc thiểu số lâu nay là mảnh đất đầy tiềm năng và cần khai phá. Chia sẻ thêm một số vấn đề liên quan đến văn học các dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số- Nông Quốc Bình đã dành cho báo điện tử Tổ Quốc cuộc phỏng vấn.


PV: Thưa ông Nông Quốc Bình, chỉ riêng trong chuyên ngành văn học thì hiện nay có những điểm gì đáng quan tâm mà ông muốn chia sẻ với độc giả?
- Đội ngũ tác giả cho đến bây giờ còn hoạt động và sáng tác đã có một bước nối tiếp đáng kể. Họ không chỉ nối tiếp, họ còn mở rộng làm cho văn học các dân tộc thiểu số có vị trí xứng đáng trong đời sống văn học chung của cả nước. Số lượng tác giả nổi bật cũng chưa phải là nhiều so với thế hệ hình thành trong kháng chiến chống Pháp nhưng rõ ràng thế hệ hôm nay có trình độ hơn, được đào tạo bài bản hơn và có ý thức về bản sắc dân tộc, tiếng nói dân tộc. Các thế hệ đi trước như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu… đã có những đóng góp nhất định cho thời kỳ đó. Còn các tác giả thời kỳ đổi mới sau này có thể kể đến các tác giả theo khu vực, ở Tây Nguyên ít hơn, đội ngũ tác giả miền Bắc, Tây Bắc có nhỉnh hơn có thể do những điều kiện như giao lưu văn hoá, cội nguồn cái nôi cách mạng như Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn. Văn xuôi thì có Cao Duy Sơn… Đặc biệt các tác giả văn xuôi thời kỳ trước còn rất ít, nhưng gần đây thì bứt lên nhiều khuôn mặt hơn, quy mô lớn hơn, thậm chí đã đi vào loại hình “công nghiệp nặng” của văn học - đó là tiểu thuyết. Tuy là bước đầu thôi nhưng cũng là mở ra một hướng đi để cho ai quan tâm đến văn học các dân tộc thiểu số thấy được niềm tin hơn, tin vào một lực lượng mới hơn.
Dù sao nói thế thì cũng chỉ là điểm qua. Còn một điều quan trọng nữa mà tôi muốn nói tới đó là vấn đề đào tạo và bồi dưỡng. Nếu được học ở trường chính quy ra thì tốt, có học có hơn. Mặc dù được học rồi chưa chắc trở thành tác giả. Muốn trở thành tác giả và đi được dài trên con đường văn chương thì có rất nhiều yếu tố, như tài năng, môi trường, vốn sống… nhưng chắc chắn phải được đào tạo. Như một số nhà văn dân tộc thiểu số được học qua lớp Viết văn Nguyễn Du ở Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam đã trưởng thành từ đây. Và trường Viết văn Nguyễn Du khi còn là trường riêng, chưa trở thành một khoa của trường Đại học Văn hoá cũng đã có một số nhà văn dân tộc thiểu số trưởng thành. Theo tôi, để trở thành tác giả thì người viết phải có vốn sống, ngoài kiến thức được học còn phải có kiến thức tự học.
Hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số mong muốn có thể mở được những lớp bồi dưỡng ngắn hạn về văn học cho những cây bút dân tộc thiểu số có triển vọng. Trong tay Hội thì có nhân lực thầy thợ nhưng cơ sở vật chất thì không có.
PV: Vậy Hội có giới thiệu và gửi những cây bút dân tộc thiểu số có triển vọng sang lớp bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay đang mở hàng năm?
- Có, chúng tôi có làm. Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số cùng với Hội Văn nghệ Bắc Kạn đã khích lệ các cây bút tham gia. Nhưng một lớp học riêng dành cho đối tượng là các cây bút của các dân tộc thiểu số thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
PV: Ông vừa nhắc đến cái gọi là “Bản sắc dân tộc”. Vậy chúng ta nên hiểu “Bản sắc dân tộc” ở đây là xét theo góc độ nào, hình thức - tức ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số hay nội dung viết về cuộc sống, con người dân tộc thiểu số mà ngôn ngữ vẫn là tiếng Kinh?
- Ngôn ngữ chỉ là một phần thôi. Viết song ngữ là quan trọng. Ví dụ về thơ. Thơ tiếng Tày truyền thống thì nó có những niêm luật của nó, thế mà giờ làm theo kiểu tự do thì nó không phải hoặc chỉ thoả mãn đáp ứng cho một bộ phận người đọc thôi. Còn đi đến đồng bào thì chưa được chấp nhận. Thơ của cụ Bàn Tài Đoàn được người Dao đi chợ xuống và xin là vì thơ đã nói theo cách nói của đồng bào. Đồng bào đọc được, chấp nhận được. Văn xuôi viết bằng tiếng dân tộc thì chưa có nhiều. Cũng có một số người thể nghiệm viết văn xuôi bằng tiếng Tày nhưng để nói được cái lòng tác giả, cái hồn cốt thì hơi khó. Hiện nay có dân tộc Khơme họ vẫn làm thơ theo kiểu của họ với suy nghĩ, tư duy dân tộc Khơme. Còn người Chăm và người Tày thì có cái riêng.
Viết bằng tiếng dân tộc chỉ là một trong những biểu hiện của bản sắc thôi. Nghĩa là anh vẫn còn làm được thơ, viết được văn bằng tiếng mẹ đẻ. Để đánh giá bản sắc dân tộc trong một tác phẩm văn chương chỉ là định tính thôi chứ không thể định lượng được. Tức là đọc ra hồn cốt, con người vùng đất ấy.
PV: Văn học Việt Nam nói chung có rất ít tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Trong khi ngược lại, văn học thế giới được dịch ở Việt Nam lại rất nhiều. Ông có thể cho biết đã có những tác phẩm văn học dân tộc thiểu số nào được dịch ra tiếng nước ngoài?
- Tôi có nghe anh Cao Duy Sơn nói tập truyện “Ngôi nhà xưa bên suối” được dịch ra tiếng Thái Lan không biết đã xong chưa. Những năm 70 thế kỷ trước thì có Nông Quốc Chấn được dịch giới thiệu ở Pháp, Đức. Nói chung là các tác giả dân tộc thiểu số được dịch tác phẩm ra tiếng nước ngoài gần như là chưa có.
PV: Ông có biết trường hợp tập thơ “Mảnh mảnh mảnh” của Lê Anh Hoài được dịch ra 5 ngôn ngữ, là Khơme, KHo, Lô Lô, Nôm và Kinh?
- Tôi có biết.
PV: Vậy đã có những tác phẩm văn học nào của dân tộc thiểu số có cách làm tương tự tập thơ “Mảnh mảnh mảnh” chưa ạ?
- Chưa có. Nhưng mà theo người trong nghề và những độc giả dân tộc thiểu số đánh giá thì tập thơ đó chưa thực sự chất lượng, đạt được kỳ vọng của họ. Nội dung tập thơ ấy cũng bình thường. Tập thơ chỉ được cái lạ là về hình thức độc đáo thôi.
PV: Thế đã có độc giả nào người dân tộc thiểu số khi đọc tập thơ ấy và nói với ông trên cương vị Chủ tịch Hội rằng, lâu lắm rồi mới có một tập thơ viết bằng ngôn ngữ của họ, hay cần phải có nhiều những tập thơ như thế này để cộng đồng dân tộc thiểu số đọc không ạ?
- Không có. Tập thơ này không đi vào đồng bào đâu, nó “lọt thỏm” trong số các tác phẩm viết về dân tộc thiểu số.
PV: Vậy ở Hội mình các tác phẩm văn học dân tộc Kinh có được dịch ra ngôn ngữ các dân tộc khác không ạ?
- Không có. Có mấy lý do sau: Bà con chưa có nhu cầu đọc. Phải nói thẳng là cuộc sống cơm áo gạo tiền nó lớn lắm. Mà trong trường phổ thông không dạy tiếng dân tộc. Đối tượng chính nhất là các em học sinh đều học tiếng Kinh. Có Triệu Lam Châu người Tày nhưng giờ sinh sống trong Phú Yên dịch Nhật ký trong tù của Bác Hồ. Nhưng có lẽ tác giả dịch bằng một tâm thế khác chứ không phải vì văn chương.
PV: Còn ngược lại, có tác phẩm nào tiếng dân tộc thiểu số được dịch ra tiếng Kinh không?
- Cái này thì có nhưng không nhiều. Thường là các tác giả lúc đầu tự viết bằng tiếng dân tộc của mình rồi sau đó tự dịch ra tiếng Kinh. Chưa có một đội ngũ chuyên dịch. Ngay cả công tác nghiên cứu, sưu tầm thì cũng là tự dịch. Thực tế hiện nay thì vấn đề ngôn ngữ cũng rất đáng bàn, vì bản thân các tác giả tiếng Kinh thì chưa thành thục, còn tiếng dân tộc mình thì đang bị mai một.
PV: Trong tạp chí Văn hoá các dân tộc có nhiều tác phẩm song ngữ không?
- Có, nhưng không nhiều và chủ yếu là tác phẩm thơ.
* Cảm ơn ông!
Hiền Nguyễn thực hiện


No comments:

Post a Comment