.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 26, 2013

NGUYÊN MẪU CỦA BA NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN “CHIẾC VÒNG BẠC”


Tôi đã viết được gần trăm truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết, nhân vật dễ đến vài trăm, nhưng nhớ lại chẳng có nguyên mẫu nào ngoài đời. Phần lớn do tôi ghép người nọ vào với người kia, năm người, mười người cộng lại mới nặn ra được một nhân vật. Tình tiết thì càng “bịa đặt”, chủ yếu là bịa từ một ý tưởng đơn giản. Duy có một truyện duy nhất thì tôi có nguyên mẫu thật. Ấy là nhân vật ông Trình, bà Trình trong truyện ngắn “Chiếc vòng bạc”, cả bà vợ hai nữa.
Nhà văn DI LI
Chuyện li kỳ là thế này: Mẹ tôi có nhiều bạn bè, trong đó có một bạn nữ là người họ xa, tạm đặt là bác X. Bác X tính nết đáo để, chẳng chịu thua ai cái gì bao giờ, nghiêm khắc với con cái, với cả chồng nữa. Hồi nhỏ tôi sợ bác ấy lắm. Mỗi lần gặp tôi bác hay nhận xét “con gái con lứa” là phải thế nọ thế kia, rồi bảo mẹ tôi “Cô cứ chiều nó quen, phải con tôi thì...”. Cứ bận nào bác ấy đến là tôi chào rồi lủi mất. Bác X là người truyền thống, cổ hủ, đoan trang, nghiêm ngắn, ghê gớm, khắc nghiệt, nếu cho đóng phim mà nhập vai vợ ông lý trưởng thì cũng hợp.
Năm ấy tôi 8 tuổi. Rồi có một lần, bác kể (với mẹ tôi) bác cho phép chồng lấy thêm vợ hai, và cho phép vợ hai ở chung nhà. Tôi cũng đã được gặp bác vợ hai một lần. Bác vợ hai không giống nhân vật có phần liêu trai trong truyện này (tôi không biết tại sao ngay từ những tác phẩm đầu tay, truyện nào tôi cũng phải đưa vào một nhân vật liêu trai, kỳ dị như thể có người thôi miên bắt mình viết thế chứ trước lúc viết thì không chủ định), trái lại bác da đen, phốp pháp và cười nói linh hoạt, thân thiện với mọi người.
Bác rất dễ mến đối với tôi chứ không khiến tôi “sợ khiếp” như bác X. Qua câu chuyện (nghe lỏm) thì tôi được biết bác vợ hai giàu có và rất mê bác trai. Bác mua chuộc bác X bằng nhiều thứ để được gọi bác X làm “chị cả”. Lâu ngày bác X xiêu lòng. Cả nhà bác X xiêu lòng. Những người con cũng chẳng phản đối gì cả, trái lại cũng yêu quý bác vợ hai. Cần phải chú thích thêm rằng năm ấy còn chưa cải cách. Sống giữa Hà Nội mà nhà nào nhà ấy đói dài. Bác vợ hai người miền Nam, bác giàu có vì bác đeo vàng và có rất nhiều thực phẩm. Mà thực phẩm thì còn quý hơn vàng. Mắm muối quý hơn kim cương và thịt lợn còn quý hơn hồng ngọc. Bác vợ hai giúp cả gia đình no đủ. Và đương nhiên người được lợi nhất là bác trai. Một lần bác X lại đến nhà tôi chơi, bác kể chuyện với mẹ tôi và tôi thì... nghe lỏm được.
Nghĩa là tôi chẳng cần nghe lén bởi vì hai người nói chuyện trước mặt tôi, họ coi đứa bé 8 tuổi như đống rơm, có nói thế chứ nói nữa nó cũng chẳng hiểu gì. Thực ra tôi cũng không để ý đến toàn bộ câu chuyện, chỉ duy nhất một tình tiết khiến tôi... dừng chơi đồ hàng (lúc ấy tôi đang chơi trò bán thịt, một mình đóng hai vai người bán và người mua). Bác kể bằng ngôn ngữ bóng gió của những người bạn nữ với nhau, nói một phần ba câu là người đối diện phải hiểu đủ ý. Đại ý tôi hiểu rằng tối đến, bác trai nằm giữa và hai bà vợ nằm hai bên. Một lần nọ bác đặt tay lên... bụng chồng (đại khái thế), và bắt gặp... tay bác vợ hai. Bác trai tiến thoái lưỡng nan chẳng biết làm thế nào. “Ổng lại hất tay mình ra chứ”, bác X bực bội kể lại thế.
Câu chuyện chỉ có vậy. Và tôi cứ băn khoăn vì nó đến 14 năm sau, khi tôi viết cái truyện ngắn thứ ba là “Chiếc vòng bạc”. Nhiều chuyện tôi viết người ta tưởng thật, nhưng riêng chuyện này chắc tưởng tôi bịa. Đời sống có những bi hài là thế. Tôi không hiểu nổi tại sao một người phụ nữ ghê gớm, khôn ngoan như bác X lại chấp nhận một chuyện mà không một người đàn bà yếu đuối, lành hiền, dại dột nào chịu đựng nổi. Có lẽ giống như vở kịch “Bà tỷ phủ về thăm quê” của Durrenmatt (công diễn lần đầu tiên ở VN năm 2008), khi con người ta đói nghèo cùng kiệt, dễ dàng chấp nhận tất cả (trong vở kịch, vợ và con sẵn sàng bán đứng tính mạng chồng và cha mình để lấy tiền từ chính người tình cũ bị bỏ rơi của ông ta). Cho đến giờ thi thoảng tôi vẫn chưa hết băn khoăn và đặt câu hỏi cho vài đấng mày râu nào đó “Thử hình dung xem, cảm giác của anh thế nào khi nằm giữa hai bà vợ trên một chiếc giường hẹp?”.
Chẳng ai trả lời được câu này vì chẳng thể tưởng tượng ra được.
Tôi tiếc là năm đó tôi viết truyện ngắn này khi còn rất trẻ, chưa nhiều vốn sống, và kỹ thuật viết vẫn còn tập tọe, non tay. Nếu là bây giờ, tôi sẽ đẩy tình tiết lên một kịch tính khốc liệt hơn và vấn đề ẩn đằng sau câu chuyện sẽ đa nghĩa hơn, có tầm cao hơn.
Năm viết câu chuyện này là 2001, cố nhà thơ Bế Kiến Quốc khi đó là tổng biên tập báo Người Hà Nội. Ông nhận in cho tôi, nhưng bảo tôi đổi bút danh đi, đừng để tên thật nghe chẳng có vẻ văn chương chữ nghĩa. Rồi cuối cùng đặt hộ tôi bút danh như hiện giờ. Việc được in một truyện ngắn quan trọng hơn bút danh. Tên gì mà chẳng được. Tôi mừng lắm, tuần nào cũng rình mua báo xem đã in chưa. Bẵng đi chẳng thấy gì mới hồi hộp gọi cho ông để giục. Ông bảo từ từ để thư thêm một số, đang đầu năm mới vui vẻ, in cái truyện này u ám, gay gắt quá. Rồi cũng được in. “Chiếc vòng bạc” là truyện ngắn đầu tiên tôi để bút danh Di Li, và cũng là truyện duy nhất cho đến giờ có nguyên mẫu.
Mẹ tôi sau đọc truyện này khéo cũng giật mình, tôi đoán thế. Cũng như sau khi đọc cuốn hồi ký của tôi (mới hồi năm ngoái thôi), bà bảo trông tôi từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, vô tâm vô tính mà sao cái gì cũng lọt vào mắt. Bà thực sự ngạc nhiên rằng tôi lại có thể nghe-nhìn-phân tích- và nhớ từng ấy dữ kiện khi còn rất nhỏ tuổi. Tôi nghĩ một phần rằng óc quan sát và tư duy phát triển già dặn trước tuổi là thứ bẩm sinh của một người sẽ trở thành nhà văn. Phần nữa, tôi vẫn nhắc nhở tất cả bạn bè rằng có nói chuyện gì chớ có nói trước mặt con trẻ, dù chúng mới 5 tuổi. Trông chúng cứ ngớ ngẩn, ngây ngô thế thôi nhưng dỏng tai lên nghe hết ấy, rồi có ngày chúng đi kể lại cho khắp lượt hàng xóm.
Tôi còn tệ hơn, tôi kể lại khắp lượt bằng giấy trắng mực đen. Dẫu sao câu chuyện đã được hư cấu đi rất nhiều, và nó phần nào gợi nhớ lại một thời ta đói nghèo, đói đến mức tình yêu có lẽ chẳng bằng vài cân ngô khoai vậy.
Nhà văn Di Li
______________________________
Truyện ngắn CHIẾC VÒNG BẠC
 
- Bà ơi, đẹp chưa này.
Thằng Tũn hét lên bằng cái giọng nheo nhéo mà ngoài bà nội và bố mẹ nó ra, ai cũng muốn tống một quả cho nó im đi. Vừa chạy vừa vấp ngã dúi dụi, Tũn vẫn giữ chặt chiếc hộp và giơ ra trước mặt như một chiến lợi phẩm. Bà Trình rụng rời tay chân khi nhìn thấy cái vật trong tay thằng cháu nội. Chiếc hộp bà đã cất kỹ lắm rồi, cất tận đáy chiếc tủ gỗ lim mà nước sơn sẫm màu như trơ lỳ từ đời ông cố nội, phía trên lèn đầy quần áo cũ tồn lại hàng vài chục năm, trên nữa mới là đống quần áo đang được sử dụng. Ðể ở vị trí chính bà cũng không bao giờ mó tới nên bà yên tâm lắm rồi, có ngờ đâu thằng cháu quỷ sứ rình bà mở tủ chui tọt vào trong chơi trốn tìm rồi quen tay lục lọi, mới thấy cái hộp ấy. Bà khiếp vía nhìn những hoa văn vằn vện in trên nền gỗ bóng loáng. Các đường chạm khắc uốn lượn một cách quái dị như đang bay xoắn vào trong óc bà, kéo bà trở về với những hồi ức u ám như buổi chiều ngày bão. Cái tai họa, cái bóng ma ám ảnh bà suốt ngần ấy năm tưởng chừng mờ dần giờ lại đang nhìn chằm chằm vào mặt bà, bắt bà phải đối diện với nó.
Ánh bóng loáng của mặt sàn đá hoa đắt tiền như xám lại, biến thành cái nền xi măng của gần hai mươi năm về trước. Hồi ấy gia đình bà Trình còn chen chúc trong một căn hộ hơn ba chục mét vuông với những sáu nhân khẩu. Ông Trình mới nghỉ làm, lúc nào cũng chỉ mong ngóng cho hết tháng để qua tổ dân phố lĩnh lương hưu trí. Cái khoản còm cõi của một đại tá quân đội về hưu cộng với lương biên chế hai lăm năm công tác của bà khiến ai tình cờ dòm vào ô cửa bé xíu nhà ấy cũng tưởng rằng họ mới cãi nhau hay nhà có đám. Quả thực ông Trình từ hồi không còn phải dậy từ năm giờ sáng để chuẩn bị lên doanh trại cho kịp giờ nữa thì cái mặt ông dường như choắt lại. Ông vốn dĩ đã ít nói, giờ đâm càng lầm lì. Ai lại đi nói cái điều rất bõ xấu hổ đó ra là ông đói, lúc nào ông cũng thèm ăn. Bốn đứa con biết ý, bữa cơm thường nhường bố miếng thịt nạc ngon nhất, song ông lại gắp sang cho bà, bà đẩy cho thằng út. Rút cục đến cuối bữa, miếng thịt dính đầy cơm mà vẫn chưa ai được thưởng thức. Bình thường cái nhà vuông tối tăm ấy lúc nào cũng im im nhưng cứ hễ đến giờ cao điểm lúc mọi gia đình trong xóm đi làm về là y như rằng đinh tai nhức óc. Mặt bà Trình sưng sỉa lên.
- Ông đói, ông mệt thì tôi không biết đói biết mệt chắc. Con này còn đang quần quật ra đây. Bẩy giờ sáng đã phải rúc đầu vào kim với sợi, ở nhà chỉ ăn với ngủ thôi mà cũng kêu. - Rồi bà lẩm bẩm đến cả xóm phải nghe thấy. - Tiên nhân sư cha cụ tổ nhà nó, tao mà ốm ra đấy thì khối đứa biết thân.
Cô con cả đang thất nghiệp vì học xong cấp ba nhất định không chịu đi làm công nhân giống mẹ bị chạm nọc nhảy cẫng lên.
- Khối đứa là đứa nào, dễ mẹ tưởng con ngồi không ăn hết của nhà mẹ chắc.
Lập tức âm lượng của người đàn bà bốn con, từng cãi nhau với tất thảy đồng nghiệp trong nhà máy sợi cũng như thắng thế trong hầu hết các cuộc tranh chấp với hàng xóm ở khu tập thể tăng vọt lên, khiến mái tôn của căn bếp lấn chiếm rung bần bật.
- À, mày ăn tàn phá hại hai mươi mấy năm giời rồi thì bây giờ mày chửi giả. Có giỏi thì tao nằm liệt ra đây cho chúng mày nuôi tao đi.
Vậy là ông bố và ba đứa con còn lại vào cuộc, báo hại lỗ tai hàng xóm. Nhưng rút cục, bao giờ bà cũng là người giành phần thắng, không phải tại cái mồm chua ngoa của bà mà do năm bố con nhìn thấy bàn tay sần sùi vì móc sợi đưa lên khuôn mặt đầy tàn nhang chậm chậm nước mắt.
Nhưng bắt đầu từ khi người đàn bà ấy xuất hiện thì cả cái xóm lao động đông đúc, nhà nọ cách nhà kia một bức tường mười lăm phân không còn bị tra tấn lỗ tai nữa. Hôm ấy, lúc cả nhà còn đang ngồi đùn đẩy nhau miếng thịt nạc như mọi bận thì bỗng nghe thấy cái giọng đàn ông khàn khàn của cô Sinh hàng xóm í ới ngoài cửa. Cô Sinh vào, theo sau là một người phụ nữ trạc ngoài 40. Chị ta không đẹp nhưng có một vẻ quái lạ khiến người đối diện cứ phải bất lịch sự mà nhìn lom lom. Cô Sinh giới thiệu.
- Ðây là chị A Sủng, người quen của chị gái em. Chị Sủng có rất nhiều sản phẩm đặc biệt muốn để rẻ cho chị em mình. - Nói đoạn cô Sinh hối thúc người đàn bà tên Sủng giở chiếc túi cói lấm tấm mốc vẫn khoác trên vai. Rồi cô cười giả lả. - Nói thật với anh chị, chẳng qua đây là chỗ hàng xóm lâu năm em mới giới thiệu chứ không phải người nào chị Sủng cũng muốn cho xem đâu. Toàn là đồ quý hiếm cả.
Bà Trình gác đũa cảnh giác, ai chứ cái con Sinh lẻo mép này cấm có mất công suông bao giờ. Trong vụ này nó không chấm mút vào đấy mươi mười lăm phần trăm thì cứ cho bà nghỉ hưu non đi cho xong. Bà Trình thường tự thề như vậy mỗi khi chắc như đinh đóng cột một điều gì và coi đó là một lời thề độc địa hơn hết thảy mọi lời thề. Ấy thế nhưng bà vẫn không thể không liếc mắt vào những sản vật mà người khách lạ dỡ ra bày lên mặt bàn. Chiếc nhung hươu gói trong lần nhung the đen, chai mật ong rừng vàng óng mà chỉ mới nhìn qua bà đã biết đó là loại thượng hạng, rồi cả những lọ con con đựng chất lỏng sẫm màu. Cô Sinh như vừa chui tọt vào trong đầu bà sờ nắn từng sợi dây thần kinh, miệng liến thoắng.
- Cái miếng cao hổ cốt này quý lắm đây. Chị ngửi đi thì biết, nó phải tanh như thế mới đúng là cao thật. Thứ này chị sắc rượu cho anh uống thì tuyệt, có mà trai ba mươi cũng không khoẻ như thế. - Cô Sinh giúi tiếp chiếc lọ nhỏ xíu miệng nút gỗ vào tay bà - Còn đây là mật gấu. Có cái này chị khỏi phải lo lúc trái gió trở trời nữa nhé, tha hồ mà khoẻ chân khoẻ tay.
Những lời nói xoen xoét quả là có tác dụng. Ông Trình nhìn những thứ cô Sinh vừa quảng cáo bằng ánh mắt thèm muốn. Mấy thứ này ông cũng đã thấy rồi. Xưa mỗi lần đi công cán ông đều được chiêm ngưỡng nhưng chỉ bằng mắt vì cái sự sờ mó và cất đi là phận sự của các sếp. Còn bà thì khỏi phải nói. Nhìn ngó, xem kỹ từng món hàng rồi đưa lên mũi ngửi thử một cách âu yếm như bà mẹ vừa sinh con so. Biết tất cả đều là hàng thật nhưng xong đâu đấy bà lại thở dài đặt lên bàn vờ như không quan tâm lắm. Cô Sinh hiểu ý chặn ngay.
- Ô kìa chị, nào chị Sủng đã nói giá cả thế nào mà chị đã… Chỗ chị em mình với nhau không ai bắt chẹt đâu mà chị ngại.
Bà chẳng ngại nhưng bà không dám, vì dù có là đồ rẻ như bèo, mua tận gốc chứ không phải qua tay con Sinh thì bà cũng chẳng mơ, toàn là thứ xa xỉ cả. Cô Sủng nãy giờ mới lên tiếng.
- Nếu chị thích lọ mật gấu này em để lại cho chị mười nghìn đồng.
Cả cô Sinh lẫn bà Trình nhìn A Sủng trân trối như thể chị ta đã hoá điên. Khi cái cảm giác kinh ngạc ban đầu qua đi thì lúc này tâm trạng mỗi người đã một khác. Bà Trình mừng rỡ tưởng phát sốt lên còn cô Sinh giận dữ ra mặt.
- Ơ cái chị này, lúc nãy chị ra giá với bà Chí thế nào mà bây giờ...
Cô Sủng vội vã thu dọn đồ trở lại vào cái túi cói và thản nhiên.
- Thôi nếu chị có đồng ý thì cho em xin để em còn ra tàu cho kịp giờ.
Bà Trình cuống lên “Có, có” rồi chạy vội vào nhà lấy tiền. Bà ngẩn ngơ đếm đủ mười ngàn đưa cho cô Sủng. Lúc này bà mới có dịp ngắm kỹ dung nhan khách. Khuôn mặt cô Sủng tròn, hơi đẫy và trắng một cách đáng ngạc nhiên. Mắt cô một mí và rất gần nhau. Cặp lông mày rậm rì trông càng nổi rõ trên nước da trắng nhờn nhợt. Tuy nhiên đấy lại là cái may mắn vì người đối diện sẽ bị hút vào điểm sẫm màu ấy mà quên đi chiếc mũi tẹt của cô. Cô Sủng ăn mặc như một người Kinh hành nghề buôn bán. Chiếc áo sẻ bó sát lấy thân hình tròn lẳn của người phụ nữ đang thời hồi xuân. Cô Sủng không đẹp. Hoàn toàn không đẹp, nhưng cô có một vẻ gì đó lạ lắm, khiến người ta phải tò mò mà ngây ra nhìn. Cô Sủng nhận tiền xong từ giã gia đình bà Trình ngay lập tức. Nhưng chỉ độ một tháng sau cô đã quay trở lại. Lần này cô được ông bà đón tiếp như một thượng khách. Cô Sủng dường như xởi lởi hơn trước và trong chiếc bị cói của cô còn có thêm cả vài cânmận hậu lẫn táo mèo. Lũ trẻ nhà bà Trình mê cô như điếu đổ. Nhưng không chỉ có chúng, ông bà Trình cũng mê cô, mê bằng cả tấm lòng sùng kính như đối với một ông tiên ban phép lạ. Những cuộc viếng thăm cứ đều đặn và bà Trình đều đặn mua được những món hàng rẻ, rẻ bằng cho không. Và lần nào cô Sủng cũng không quên biếu ông bà chút quà nhỏ kèm theo câu “Cái này để anh Trình ngâm rượu uống cho khoẻ” hay “Chị sắc lá thuốc này đắp mịn da lắm đấy”. Nhưng dù sao bà Trình cũng là người quen tính toán. Phút giây sung sướng ban đầu qua đi nhường chỗ cho trăm nghìn câu hỏi bắt đầu mọc lên tua tủa trong cái đầu đa nghi. Bà ngờ ngợ “Sao cô Sủng tốt thế, dù sao cô ta cũng là người dưng nước lã, làm thế có lợi gì?”. Rồi bà lật đi lật lại vấn đề, bà nhớ đến những cử chỉ chăm sóc ân cần của cô Sủng. “Thôi chết rồi, khéo lão Trình nhà mình dính đòn rồi cũng nên”. Cái bản tính cố hữu của đàn bà trỗi dậy. Bà khó chịu. Bà bứt rứt. Song một tia sáng chợt loé lên như sự sắp đặt của định mệnh. Bà rình một buổi chiều, khi cô Sủng vừa tay xách nách mang bước vào, hơi thất vọng vì thấy có mỗi bà ở nhà. Cô gỡ túi ra như mọi bận.
- Em ghé qua chơi rồi phải lên tàu ngay bây giờ. Có thứ này tặng anh chị...
Bà dịu dàng ẩy tay cô ra, nói âu yếm.
- Thôi, em cho anh chị nhiều rồi. Ai lại lạm dụng lòng tốt của em quá thế. - Ngừng một chút bà nói tiếp. - Em biết đấy, chị thì vất vả, ba đứa con đi học chẳng ai trông nom, đứa lớn thất nghiệp. Còn anh Trình thì… chị cũng thương anh ấy lắm. Bà thở dài, miệng bà hơi mỉm cười nhưng ánh mắt không cười, chúng có cái vẻ của một con mèo rình chuột.
- Em ơi, chị biết em không vướng bận chồng con, nếu nó là cái duyên cái số, em có muốn ở lại đây bầu bạn với chị, trông nom anh Trình và các cháu giúp chị.
Cái mặt trắng toát của cô Sủng chợt ửng đỏ lên, hai mắt cô long lanh, cô thở hổn hển như vừa phải vượt qua một đoạn dốc rất dài.
- Chị ơi, sao chị tốt thế. Vâng, bấy lâu nay em vẫn mến anh chị, em lại có tuổi rồi nên cũng mong một đứa con.
Tâm trạng bà Trình lúc bấy giờ khá kỳ lạ, trước những lời lẽ thật thà của cô Sủng, bà như người đi câu sung sướng trước một con cá to nhưng nửa muốn mang lên nửa muốn bỏ lưỡi câu thả nó xuống nước. Sau bận ấy, bà vẫn có ý giấu ông Trình. Mãi đến một tối bà mới thủ thỉ lựa lời hỏi ý kiến ông. Bà thanh minh rằng có người vợ nào lại muốn thế nhưng mình bà cáng đáng gia đình không nổi. Những tưởng ông Trình khó chịu phản đối, ngờ đâu ông thản nhiên buông một câu.
- Tuỳ bà, lâu nay trong gia đình bà vẫn là người quyết định.
Bà thấy khó chịu, cái vẻ mãn nguyện trong khoé môi mím mím của ông làm sao giấu nổi bà. Thế là rõ, chúng cắn câu nhau rồi, bà uất ức úp mặt vào tường. Nhưng chuyện người lớn, đùa sao được, bà biết rằng chẳng thể nào thay đổi điều gì nữa. Kể từ sau tết Nguyên Ðán, cô Sủng chuyển đồ đạc đến ở hẳn với gia đình ông bà. tuy nhiên tháng vẫn một hai lần lên ngược để duy trì nghề buôn bán. Những đứa con mới đầu phản đối ra mặt, nhưng lần hồi, sự bù đắp thoả đáng của dì hai khiến chúng quên đi sự tranh giành của những người lớn. Việc đầu tiên là dì Sủng cấp vốn cho cô con gái lớn mở một quầy buôn bán tạp phẩm ngay ki ốt đầu khu tập thể. Sau đó dì tặng bà cả một xâu vàng hơn chục chiếc. Những bữa cơm bố con không còn phải nhường nhau thịt nữa vì lúc nào thức ăn cũng ê hề. Ông Trình bỏ hẳn bản mặt lầm lì, cau có. Bởi vì cái sự ăn uống no đủ, ông tươi lắm. Sáng sáng ông còn được cô Sủng giúi cho dăm trăm một nghìn đi uống cà phê, mua báo. Bàn chuyện thế sự chán chê ông lại rủ các bạn khu phố sang chơi cờ tướng. Còn bà Trình cũng bớt sưng sỉa hơn, lũ trẻ thay thời gian đi xin nước gạo bằng chuyện đi chơi, học bài nên từ đó tiếng cãi nhau bớt hẳn đi. Nhưng lẽ đời có mấy khi xảy ra chuyện trái tự nhiên mà lại suôn sẻ. Chỉ được hai tháng, bà Trình bắt đầu giở chứng. Bà ghen mới chết chứ.
Mới đầu bà còn dằn lòng khi nhìn thấy những gương mặt no đủ phơi phới của chồng con hay mỗi lần giở xâu vàng ra ngắm. Sau, cái con rắn xấu tính cứ quằn quại trong ruột bà, nhất định không để bà yên. Ðôi lúc nó còn lộn lên bóp nghẹt lấy tim bà, chui vào óc múa may làm bà lúc nào cũng như lên cơn sốt. Thủơ cô Sủng mới về, nhà chật, bà kê lùi chiếc tủ đứng ra phía ngoài, đẩy chiếc giường ông bà vẫn nằm vào sát tường, lại thêm cả chiếc ri đô cho kín đáo. Vậy là ông Trình và cô Sủng nằm đó, êm ấm như đôi vợ chồng mới cưới, còn bà Trình chui vào chiếc giường xếp ở góc tường đối diện. Lũ trẻ nằm trên xép. Vài đêm đầu bà hơi trằn trọc, khó chịu trong người, song sau rốt vẫn chìm vào những giấc ngủ đầy mộng mị. Sáng dậy bà còn nhắc các con đi lại ý tứ cho bố và dì hai ngủ. Nhưng mới có vài tuần bà đã gầy xọp hẳn đi. Chỉ duy nhất có bà và cô con gái lớn nhận thấy điều ấy. Giờ đây không đêm nào bà ngủ yên giấc, đi làm thì thôi nhưng cứ hễ về đến nhà nhìn thấy hai cái mặt tươi hơn hớn là bà lộn ruột. Ban đêm bà bắt đầu căng tai nghe những tiếng động vọng ra từ phía sau chiếc tủ đứng dày cồm cộm. Mỗi một âm thanh lạ trong nhà đều đưa bà vào những tưởng tượng quái đản. Bà những muốn giật tung chiếc riđô để băm vằm cho hả giận. Chao ôi, bà tức đến chết mất. Bà lại nghĩ đến những người ức quá rồi bị nhồi máu cơ tim mà chết. Bà tưởng tượng ra mình chết, những đứa con bơ vơ, côi cút phải phục dịch, hầu hạ cái thằng Ngô con đĩ đáng ghét kia. Nước mắt bà chảy dài trên má, chảy cả vào trong tai. Sáng ra bà nhìn ông Trình và cô Sủng bằng ánh mắt dò xét. Cái má hồng đến thế kia cơ mà. Giờ ông Trình sáng ra bắt đầu tập chạy. Lớp áo đầy mồ hôi dính chặt vào tấm lưng người đàn ông từng một thời làm lính công binh và cái dáng lắc lư hây hẩy của người phụ nữ chưa từng sinh nở khiến bà Trình căm tức. ông Trình có vẻ mãn nguyện vì giá trị của mình. Ngần ấy tuổi vẫn có người theo xin về làm vợ lẽ. Ông cho mình là cao giá. Bà Trình tính đã ngót nghét bảy mươi ngày ông chưa ra nằm cạnh bà. Một hôm bà than thở.
- Mấy ngày nay trời nóng quá, mà cũng sắp sang hè rồi. Hay là mình thu lại chiếc tủ vào góc nhà cho gọn rồi nằm hết xuống đất cho mát.
Ông Trình và cô Sủng không nói gì đưa mắt nhìn nhau. Bà giục.
- Thế ý kiến ông và dì hai nó thế nào?
- Tuỳ bà, lâu nay trong nhà bà vẫn là người quyết định.
Vậy là cảnh nực cười xảy ra. Bà mua thêm cái chiếu mới rồi trải ra giữa nhà. Tối hôm ấy, trừ lũ trẻ, còn mọi người ngủ khá muộn. Người nọ rình người kia nằm xuống trước xem sự thể ra làm sao. Cuối cùng đã gần nửa đêm, những câu chuyện bâng quơ nghe chừng đã nhạt nhẽo mà mắt ai nấy díu cả rồi. Ông Trình đành nằm chềnh ềnh ra mép chiếu. Cô Sủng thẽ thọt.
- Chị đã muốn đi ngủ chưa để em tắt đèn.
Bà Trình phẩy tay.
- Cô cứ nghỉ trước, tôi còn làm việc.
Cô Sủng chỉ chờ có thế liền nằm nép bên cạnh chồng. Bà lồng lộn đi đi lại lại huỳnh huỵch như đánh trận, rồi xếp nồi niêu soong chảo cho ầm ĩ cả lên. Ấy vậy mà cái cặp kia vẫn giả điếc, nằm im thin thít như chết rồi. Cực chẳng đã bà đành tắt đèn rồi bước lại nhìn chỗ trống to tướng bên cạnh cô Sủng. Bà điềm nhiên vòng sang phía bên kia giúi ông một cú đau điếng.
- Dịch ra chứ nằm thế này ai mà ngủ được, nằm trước mà chả có ý tứ gì cả.
Hai con người khốn khổ đành nhích ra nhường chỗ cho bà. lúc nãy buồn ngủ là thế mà giờ ai nấy tỉnh như sáo sậu. Bà nhớ lại trước đây cứ mỗi lần ăn cơm xong bà đều lên giường sớm đánh một lèo đến sáng chả cần biết trời trăng gì nữa. Nỗi lo cơm áo gạo tiền và những mệt mỏi thường nhật làm bà hết cả những ham muốn thời tuổi trẻ. Bà nghĩ con người thật lạ, đến khi cái gì không còn là của mình nữa hoặc đứng trước nguy cơ sắp bị người khác cướp mất mới thấy là nó quý giá. Bất chợt bà cảm thấy thương ông hơn bao giờ hết, bà quên mất rằng hiện trên chiếu bây giờ đang có ba người. Bà khẽ khàng xoay người, đặt tay lên bụng ông. Chợt bà giật nẩy mình khi chạm phải một chiếc vòng bạc lạnh toát đã ngự ở đó từ bao giờ rồi. Chiếc vòng bạc cô Sủng vẫn đeo thường ngày, những hoa văn chạm trổ trên đó thật tinh xảo mà máy móc hay bất cứ một bàn tay thợ kim hoàn bình thường không bao giờ làm nổi. Cô Sủng giải thích rằng, chiếc vòng bạc này là một thứ của cải vô giá mà bất kỳ người am hiểu nào cũng muốn chiếm bằng được. Sự tích của nó ly kỳ lắm, vì thế nó rất thiêng, là tấm bùa hộ mệnh của cô. Còn cô lấy nó ở đâu hay ai cho thì cô không nói. Ông Trình dường như cũng giật mình rồi bất thình lình hất tay bà ra. Bà điếng người nằm lặng đi. Cái tủi phận của một người vợ bắt bà quay mặt sang hướng khác. Ðược một lúc, sau lưng bà có tiếng động nhẹ, bà biết rằng ông cũng đã xây lưng lại. Ðêm đó bà thức trắng, giữa một mớ cảm xúc lùng bùng, hỗn độn và tiếng thở đều của hai kẻ nằm bên. Con rắn vẫn bị nhốt trong bụng bà thốt nhiên vươn mình thở phì phì, mang nó bạnh ra như lúc gặp kẻ thù nguy hiểm. Kể từ bữa đó, ông Trình bênh cô Sủng ra mặt, hay ít ra là bà cảm thấy thế. Những miếng thịt ông tiếp cho cô Sủng như bay vù vào cổ họng bà rồi kẹt cứng ở đấy, làm bà nghẹt thở. Ðòn cân não cuối cùng khiến bà chẳng còn chút tình cảm nào đối với “dì hai” nữa mà thay vào đó chỉ còn lòng căm thù, ấy là khi bà hỏi vay tiền cô Sủng để sửa lại cái nhà “cho dì, anh và các cháu nó ở rộng ra”. Bà đã định rằng thôi thì con mẹ Sủng có tiền, bắt nó nôn ra xây một cái nhà to. Ðằng nào thì giấy tờ cũng đứng tên bà, mà nếu nó có tranh giành, ra toà ai làm chứng, giấy tờ đâu, ai đã công nhận nó là vợ ông Trình. Vả lại bà cũng định cơi nới thêm tầng nữa rồi tống lão già và con mẹ Sủng lên đấy cho đỡ ngứa mắt rồi có thế nào tính sau. Như thế là bà cũng có lòng tốt, chứ chúng nó báu gì mà chung đụng với bà. Vậy mà cô Sủng lại từ chối khéo.
- Dạo này em làm ăn chậm quá chị ạ. Chị cũng biết đấy, trước còn chạy loăng quăng nên kiếm được, giờ ở miết dưới này nên mất mối hàng nhiều. - Rồi cô tháo chiếc nhẫn vàng ở ngón áp út ra ngọt ngào nói - Ðây, tất cả vốn liếng của em chỉ còn có ngần này. Chị cầm tạm chi dùng cho các cháu.
Bà tái mặt muốn vứt chiếc nhẫn vào cái mặt mẹt kia rồi tống cổ con mụ quái thai ra khỏi cửa nhưng nghĩ thế nào bà lại gói cái nhẫn vào chiếc khăn mùi xoa vẫn giắt bên người rồi ngọt nhạt.
- Ừ, em đã có lòng thì chị xin cho phần của các cháu. - Bà chép miệng - Chị đành phải xoay chỗ khác vậy.
Kể từ giờ phút ấy, cô Sủng đã như cái gai găm trong mắt bà. Bà bắt đầu kế hoạch loại trừ cô Sủng ra khỏi cuộc sống yên ấm của gia đình bà. Nhưng giờ đây một mặt bà phải đối phó với cô Sủng, mặt khác tréo ngoe thay lại va vào bức tường bảo vệ của ông Trình. Ông cưng cô Sủng lắm và những cử chỉ mà bà ít thấy xưa nay ở người chồng ít nói giờ đây thể hiện như chàng trai mới lớn biết yêu lần đầu. Bà cay đắng mà không biết tỏ cùng ai. Kể ra chỉ bõ cười cho thiên hạ vì thiếu gì kẻ độc mồm độc miệng sẽ rủa bà “Cho chết, đáng đời, tham lam cho lắm vào”. Hôm ấy là rằm tháng bảy, cô Sủng muốn làm một cái lễ thật lớn vì theo tục lệ ở nơi cô sinh sống, ngày này còn quan trọng hơn cả tết âm lịch. Bà những muốn gạt đi vì sợ tốn kém song ông Trình lại ủng hộ, còn sốt sắng đi chợ mua gà cùng cô Sủng. Cô diện một bộ váy thật đẹp theo phong tục truyền thống với những tua đỏ và nữ trang kim loại lủng liểng. Ông Trình khen nức nở còn bà thì thấy gớm chết, cứ như cô đồng gọi hồn ấy. Trong lúc cô Sủng làm lễ, ông Trình dặn rằng sẽ sang hàng xóm rủ mấy ông bạn về cùng dự cho vui. Bà Trình ngồi nhìn cô chòng chọc bằng cặp mắt cú vọ và chờ cho những tiếng lầm rầm vừa dứt, bà nhờ cô với hộ lọ tiêu trên chạn vì tay bà không tới. Giọng bà dịu dàng như cáo già dỗ thỏ non.
- Ðấy, cái lọ xanh trong cùng, em thò tay vào trong tý nữa.
Cô Sủng dướn người lên quờ quạng và bất thình lình, chiếc thớt gỗ nghiến được sắp xếp rất khéo lăn gọn xuống giữa đỉnh đầu. Cô Sủng chẳng kịp kêu tiếng nào ngã nhào từ trên ghế xuống đất. Trước khi cất tiếng gọi các con, bà Trình không quên tháo luôn chiếc vòng bạc mà bà hằng ao ước. Ông Trình nghe tiếng gọi thất thanh hớt hải chạy về rồi khuỵu xuống trong bệnh viện khi nghe bác sĩ chẩn đoán cô Sủng bị tụ máu não. Bà Trình an ủi ông và trách rằng tại bà đã can mà ông không nghe, cứ để cô Sủng làm lễ nên mới xảy ra chuyện. Mấy ngày sau, ông Trình ốm liệt giường khi hay tin cô Sủng vừa mới tỉnh đã bỏ bệnh viện đi đâu mất. Rồi một buổi chiều, có một người đàn ông mặc bộ quần áo dân tộc đến tìm bà mà nhắn rằng cô Sủng đã chết rồi, chết cùng cái thai ba tháng trong bụng và trước khi chết cô có gửi cho bà cái hộp này. Bà sững sờ quên cả cảm ơn người khách lạ. Và cho đến tận bây giờ, ngoài bà ra không ai biết chuyện cái hộp lẫn cái chết của cô Sủng.
Ðôi lúc nhớ ra các con bà vẫn tự hỏi không biết số phận cô Sủng ra sao. Còn về phần bà, bà không dám mở chiếc hộp bởi linh cảm thấy sự độc địa ẩn chứa trong đó, nhưng bà cũng không muốn vứt đi bởi nhỡ ra có gì quan trọng thì sao. Tính tò mò theo bản năng và sự sợ hãi đầy ám ảnh cứ giằng co nhau, cuối cùng bà nghĩ tốt hơn hết nên cất kỹ nó đi. Nhưng từ khi có cái hộp trong nhà thì bà cảm giác cuộc sống trong gia đình bà thay đổi hẳn. Cô con gái lớn làm ăn ngày càng phát đạt và tậu riêng một cửa hàng lớn trên phố. Cậu con trai thứ hai tốt nghiệp đại học xin được việc làm ngay. Cậu thứ ba học chuyên ngành ngoại ngữ may mắn được một gia đình ngưòi Úc nhận làm con nuôi rồi tài trợ cho đi du học. Hơn mười năm trôi qua, ông bà không còn phải khổ sở về chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Những đứa con thành đạt đều đều gửi tiền về cho bố mẹ. Ông bà lần hồi xây được ngôi nhà khang trang rồi chuyển hẳn sang ở ngôi nhà mặt phố to tướng để trông nom cửa hàng cho cậu út. Tuy nhiên kể từ lúc bà Trình nhận cái hộp trong tay, chưa một ngày nào bà được thanh thản. Cứ mỗi khi về đến nhà bà lại thấy cái bóng áo xẻ màu da đồng của cô Sủng lượn ra lượn vào trong nhà. Nhiều lúc trong nhà một đống người, ngẩng lên bà cũng chợt thấy đôi mắt một mí của cô Sủng đang nhìn bà chăm chắm. Có hôm đang đêm chợt tỉnh giấc bà đã lại thấy cái đầu đội mũ tua đỏ lơ lửng trên trần nhà. Bà Trình sợ lắm, đi xem bói thầy nói rằng trong nhà có một hồn ma không ưa bà nên phải yểm bùa. Bà nghe theo dán bùa đầy nhà nhưng vẫn không thoát khỏi cái bóng ma đáng sợ đó. Ông Trình sau đận ấy lại trở về với bản tính cố hữu ít cười, ít nói. Bà có cảm giác như ông coi bà chết rồi. Thế cũng xong. Già cả rồi, bà còn bận lo cho con cho cháu chứ hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện tình cảm ong bướm. Nhưng có vài lần ông tỏ ra dịu dàng với bà và đêm hôm ấy ông rời khỏi chiếc giường cá nhân trên gác để xuống với vợ. Bà cũng như thấy lại cả thời tuổi trẻ. Lòng ham muốn của người đàn bà vẫn còn chút xuân tàn lại trỗi dậy, mạnh mẽ và đằm thắm. Bà nhắm mắt bồng bềnh trong những kỉ niệm, cái thời bà tưởng muốn quên cả trời đất trong vòng tay vụng về mà mãnh liệt của ông. Nhưng lúc vừa mở mắt để hoà vào nhịp âu yếm cùng chồng thì bà chợt kinh hãi khi thấy lù lù cái mặt tròn trắng toát bên cạnh giường. Gương mặt cô Sủng trước kia lành lành giờ chứa đầy những hận thù nham hiểm. Bà vội vã đẩy ông ra, toát mồ hôi hột. Sau vài lần như vậy ông đâm chán, và đã vài nghìn ngày ông không mỉm cười với bà, vài ngàn đêm ông không mở chiếc cửa phòng riêng của bà nữa. Nỗi ám ảnh cứ bám riết lấy bà hàng ngày hàng giờ mãi cho đến khi thằng cu Tũn ra đời. Ðã bốn năm nay chỉ thỉnh thoảng bà mới bắt gặp gương mặt ấy, nhưng chỉ là trong giấc mơ.
Thằng bé là linh hồn, là cuộc sống của bà. Giờ đây bà sống vì nó.
Bà lại nhìn xuống chiếc hộp và nhìn sang ánh mắt giục giã của cu Tũn. Có cháu bà đây rồi, bà còn sợ gì nữa mà không mở. Nó là vị thần hộ mệnh của bà. Bà từ từ xoay chiếc núm rỉ ngoét qua năm tháng trên nắp hộp và từ từ nhấc nó lên. Ðôi mắt kinh ngạc của bà mở to và trở nên đờ đẫn khi nhìn thấy vật trong hộp. Một chiếc vòng bạc giống hệt như chiếc vòng bà vẫn cất giấu ở vị trí kín đáo và trang trọng nhất trong tủ. Tai bà chẳng còn nghe thấy tiếng reo của thằng cu Tũn nữa, bà chậm chạp nhấc chiếc vòng lên và kinh hãi khi thấy những hoa văn uốn lượn trên bề mặt chiếc vòng nhô lên một cách quái dị rồi biến thành một con rắn. Nó thè cái lưỡi chẽ đôi phun phì phì rồi ngóc chiếc cổ bạnh như cái ria mũ của con mụ Sủng lên bổ vào mặt bà. Cả ngôi nhà bốn tầng quay cuồng sụp xuống giữa đỉnh đầu bà, mạnh gấp trăm nghìn lần sức nặng của chiếc thớt gỗ nghiến. Thằng cháu nội khóc thét lên khi thấy bà nó trợn trừng mắt ngã lăn ra trên nền đất lạnh.
(Văn nghệ quân đội)

No comments:

Post a Comment