.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 28, 2012

CÁI CHI CHI THƠ (PHẦN 1)

Mệt quá đôi chân này / tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi… Thân mệt, cơm áo mệt, công danh mệt, cuộc đời mệt và thơ… cũng mệt. Thế nhưng người đời vẫn lang thang không nghỉ ngơi, còn người thơ thì vật nài làm phu chữ, trải mình giữa pháp trường trắng; Ai đó lại ngồi tịnh bên thềm hoang chờ nghe tiếng gọi của tâm thức, hay tịch mịch diện bích mong cầu vô thức phát sáng. Ôi Thơcái chi chi mà mê đắm, mà bí ẩn kiếm tìm?! Tôi muốn bắt đầu bài viết của mình bằng ý niệm của Sartre, muốn bắt đầu cuộc nhàn đàm về Thơ không phải từ người sáng tác.

*
Knock three times! Tôi tin rằng tuyệt đại đa số chúng ta, trước khi cầm bút, đã gõ, không phải ba mà n lần vào hư vô câu hỏi: Thơ là gì? Câu hỏi không khó chỉ có đến n câu trả lời không giống nhau, thậm chí đối nghịch. Một mình Lawrence Ferlinghetti đã có 52 định nghĩa. Ở đây, xin tạm khoanh vùng một vài định nghĩa làm tiền đề từ đó phóng chiếu cái hay, dở của thơ.
  
1.
Ngôn ngữ là chất liệu đầu tiên của thơ nên Thơ là thế giới của chữ (mot) và nghĩa (sens de mot). Một chữ đơn lẻ không làm thành thơ. Bài thơ ngắn lắm cũng là loại haikâu (kiểu Lê Đạt) hay Haiku của Nhật (17 âm tiết). Đó phải là những con chữ kết tụ thành bầy đànphái sinh ý nghĩa. Theo đó, bài 39 động từ của Đinh Linh không hẳn là một bài thơ đúng nghĩa? Tôi rất đồng cảm với những phân tích của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng trong Đọc một bài thơ như thế nào. Chữ, tự nó là những lóng xương hóa thạch, chỉ được phục sinh khi nhà thơ đặt để chúng trong một mối quan hệ khắng khít đồng chuyển, đồng hiện. Thápcổ nếu chia lìa thì trơ ra, xa lạ nhưng tháp cổ lại đầy mềm mại của một liên tưởng. Theo Tuổi trẻ Online, Nguyễn Danh Lam lang thang tình cờ gặp hai câu đề từ của Đặng Hải Yến treo trên blog đã kêu lên “Thật ấn tượng!”

Khi em cởi áo trước mặt trời rất lạ
Thơ anh ngủ ngực em trên lá hoa

Tôi cũng ấn tượng mặc dù cặp đề từ không có một từ nào mới và lạ, thậm chí quá quen thuộc với áo, mặt trời, ngủ, lá hoa nhưng chính là sự kết hợp hài hòa của những con chữ đã ru ta vào một cõi dịu dàng. Câu thơ nói đến hoạt động cởi áo, ngủ mà không một chút sex. Nếu không khéo tay đan móc, tình huống thơ sẽ xấu đi nhiều lần. Tương tự, câu thơ của Thanh Thảo cũng đã phát sáng trên vùng biển mê hoặc với ngọn sóng thiếu nữ: Biển ơi / Người mê hoặc tôi bằng ngọn sóng thiếu nữ / những đường cong chói sáng / tự xóa bỏ mình. Ẩn dụ đã phát huy tác dụng, khơi gợi một trường liên tưởng lạ lẫm. Trường hợp Đặc sản ruồi của Phan Nhiên Hạo khác hơn một chút:

Chúng ta đang học cách nuôi ruồi
trên bãi rác lịch sử

Định ngữ lịch sử làm bãi rác thành thơ, khái quát đuợc bao nhiêu nghĩ suy của thời đại. Những con chữ thô kệch, đời thường đã bay lên.

Cho nên cộng hợp và phái sinh là hai thuộc tính của từ trên bình diện đa chiều của thơ. Những con chữ lạ hóa, trong một kết hợp độc đáo làm thơ phân biệt với văn xuôi, cho thơ sức mạnh bí ẩn, sự quyến rũ lạ kỳ, là tiếng nói bất thoả hiệp chống lại sự lãng phí của từ ngữ và sự thừa thãi điên rồ của ấn phẩm, là cái gì hiện hữu giữa những hàng chữ (Ferlinghetti). Các biện pháp tu từ là tối quan trọng nhưng nếu người thợ gốm không khéo tay, sản phẩm sẽ không còn hình thù gì để nhận diện. Tôi rất thích Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhưng Lỗ thủng lịch sử của anh cuối cùng chỉ là những xác chữ trương phình được treo lên dù là rất hậu hiện đại trong thi pháp giễu nhại. Lê Thị Thấm Vân trong Căn phòng 2.2 - âm thanh sóng hình như đang giới thiệu của chứ không khoe chữ-nghĩa của một nhà thơ. Nhóm Ngựa Trời với Dự báo phi thời tiết cũng có một số bài thơ mà ngữ ngôn cứ muốn căng phồng nhảy cẫng lên trong cơn động dục, rất bạo loạn thời a còng nhưng tôi không nghe được bất kỳ vọng âm nào; nên phải chăng là sự thừa thãi điên rồ? Tuy thế, hai bài thơ của Nguyễn Đình Chính với tôi hoàn toàn không hề là hai bãi thơ (chữ của Nhất Vương). Ở đây, có giao hợp, bắn đạn tinh trùng, có cả cục cứt nát, nhưng trong bản hợp âm của những con chữ tưởng chừng bát nháo giễu nhại đó, tiếng nấc lên sùi sụt của nhân văn là âm chủ đạo. Cho nên con âm tự nó là sinh thể sống động nói chuyện với tri âm (nhà thơ và người đọc). Các từ phân, rác, nịt ngực, băng vệ sinh, các bộ phận cơ thể… đặt để ở đây là dung tục, thô thiển, tầm thường, đặt chỗ kia lại phát sáng, tỏa hương.

Vấn đề thứ hai của chữ và nghĩa đang phải lên tiếng báo động trong thơ trẻ đương đại là việc lặp lại nhàm và thừa các con chữ mà người ta đã vắt đến chỉ còn bã (bã mía chữ). "Lỗ rỗng", "Mùa căng", "Nẻ", "Vọng kinh" (Các tựa bài thơ của Phương Lan trong Nhóm Ngựa Trời) phải chăng ở đây là tiếng nói của thời thượng, một thứ ngôn ngữ ước lệ để các tác giả ảo tưởng khoác cho mình cái áo màu ngũ sắc của Hậu hiện đại hay Hậu Nữ quyền luận? Vấn đề liều lượng của các loại ngôn ngữ (bóng bẩy, dung tục), rồi việc dụng công đẽo gọt có lẽ cũng cần phải bàn nhiều. Vì nói như Inrasara, đại ý, nếu chỉ làm mới thơ bằng cách đem vào quẩn quanh các ngôn từ đời thường dung tục thì thơ sẽ nghèo đến kiết xác và kết thúc tắc tị. Ngược lại, trong tâm thức thời đại hôm nay mà chỉ ngủ mơ với các loại từ kiểu phong hoa tuyết nguyệt, mây, mưa, mỹ nhân với thanh sắc thì ôi thôi, các nhà thơ của chúng ta đã kéo lùi lại tuổi thanh xuân của ngôn ngữ, nhốt nó vào vòng lao lý trì trệ. Mùa thu, lá thu xào xạc, ngơ ngác nai… theo tôi, đã đến lúc phải niêm phong để khỏi bất cập.

Thơ, trước hết là vọng âm của những con chữ đuợc lạ hóa, lạ lùng, lạ lẫm trong một kết hợp nhuần nhụy. Không có nghĩa, nghĩa tầm thường/khô cứng/đơn nhất, chữ sẽ chết và tất nhiên, thơ nên quẳng vào vào sọt rác. Với nghĩa tắc tị/đầy ám muội, thơ sẽ dựng lên bức tường chắn lối người đọc. Làm thơ, việc đầu tiên chính là sáng tạo những sinh thể chữ biết kêu vang, có tiếng khóc điệu cười, có đủ thất tình ái ố dục… “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”. Sartre đã tôn vinh nhà thơ - người sánh vai với Thượng đế khi sáng tạo ra ngôn ngữ.

2.
Nếu ngôn ngữ tạo được dáng vẻ diện mạo thơ thì nhịp điệu chính là hơi thở của sinh thể thơ. Nhịp điệu bên ngoài bao gồm tiết tấu, bằng trắc, độ dài ngắn của câu… kết hợp với nhịp điệu nội tại (cảm xúc thơ) kích động lên thị giác, thính giác, lên cả nhịp đập của trái tim ta, mở ra những cảm nhận vô bờ cho người đọc.

Nửa vời trăng mộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô
(Bùi Giáng)

Cặp thơ lục bát của Bùi Giáng tiên sinh nếu chỉ đọc theo nhịp 2-2-2 và 4/4 truyền thống, có lẽ sẽ hạn chế phần nào các lớp tầng nghĩa. Giả như đọc câu lục theo nhịp 3/3: nửa vầng trăng / mộng mông lung và câu tám theo nhịp 1/5/2: đường / hoa nghi hoặc tháp tùng / ni cô, thì cặp thơ sẽ gây nhiều ấn tượng hơn. Chính nhịp điệu biến thơ thành “cú đập nổi loạn lên cánh cửa của cõi bất đắc nhi tri”  (Ferlinghetti).

Trong thời đại của nhịp sống số, nhịp điệu mang lại cho thơ sức sống mới cũng như tiết tấu của disco, rock, rap với tempo 120-140 phân biệt với Blue, Slow, Boston (60-80). Thơ đương đại gần như đã tách được khỏi bước đi 2/2/3 của Đường luật, và nhịp phách đều đặn (monotone) của thơ Tiền chiến và hiện hữu trong nhịp đập nội tại của thơ. Người đọc có thể thấy trúc trắc, chông chênh, thấy vắt ngang vắt dọc một cách khó hiểu là vì họ chưa tiếp cận và bắt kịp những làn sóng xô nhau, riết róng của thơ. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thành công về nhịp điệu với những câu dài ngắn đan xen, những câu chính luận đuợc trải ra trên các dòng kẻ của một nghĩ suy. Tiết tấu trong Nhật ký kim đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều rơi trên những phách gõ mơ hồ, chậm chạp, nhúc nhắc mệt mỏi của một ngày sống:

Bay qua bầu trời, cơn mưa
Mộng mị của ngày mồng 6 tháng Bảy
Một thiếu phụ thường bị ngạt thở
Bên ô cửa xa xôi
In mờ bóng một sư tử 
Và một ngọn núi
Mọc trên cánh đồng của những thì thầm đêm trước
Một văn bản được soạn sẵn
Ông hãy đến với em…”  
(Chúc thư)

Đó cũng là nhịp điệu cơ bản trong thơ Nguyễn Quang Thiều, nhịp điệu của niềm tin vào sự tuyệt vọng và rỗng nên không bao giờ nao nức dù là Ông hãy đến với em. Nếu bạn mà đọc khổ thơ trên với nhịp hối hả, mạnh mẽ, tức là đã phá hỏng nhịp điệu bên trong của Chúc thư (cùng cách với Đàm Vĩnh Hưng đã… rống lên với Diễm Xưa hay Thanh Lam ngậm micro hát Hạ Trắng!) Nhịp điệu, do đó gắn chặt với nội dung và thể loại. Tân hình thức đã đem vào thơ Việt lối vắt dòng tạo nên nhịp hẫng (một hình thức đảo phách của âm nhạc) rất tuyệt vời, nhưng lại bị lạm dụng nên những câu thơ của một số tác giả cứ như ngớ ngẩn lạc điệu.

Vào tiền vệ sáng nay mới
Hay tin ông chết “qua bài
Viết của nguyễn việt chiến phát"
Nhớ liền bài phỏng vấn [dạng
(Một người phu chữ đã chết - Vương Ngọc Minh)

Vắt dòng ở đây hình như chẳng có tác dụng gì, một kiểu mô phỏng, nhại; trong khi đó với Lê Đạt ngoài câu chữ, tiết tấu thơ trôi đi đầy gợi cảm:

Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ
Trang tầm xuân
                   cau chưa mở nụ ngà
Đàn từ non
              âm hé môi cong mỏ hót

Đọc hai khổ thơ, tôi bỗng chợt buồn và áy náy vì chiền chiện lại hát múa cho họa mi (đã chết)!
Tập Đất vỡ của Vi Lãng - Biên tập viên Damau.org - không có nhiều chất hậu hiện đại nhưng mới, rất mới nhờ nhịp điệu tồn tại gắn với cái biểu đạt.

Em bảo bức tranh này như cơn lũ: đất cuốn, cánh buồm trắng
Ngược gió, con chó tru trơ, sóng ngập trái, và những thứ
Tủn mủn trên bàn. Ngoài khung, chúng không biết gì
Về em và tôi: mình đi qua đó, như bóng trong gương
(Bức Tranh - Đất vỡ) 

Cách dùng các loại dấu kết hợp với thủ pháp vắt dòng có hiệu ứng tạo nên hơi thơ đặc trưng của Vi Lãng, không nhầm lẫn với ai. Cánh buồm, đất cuốn, tiếng chó tru trơ đều ngang bằng nhau trong một cảm nhận tủn mủn.

Tiết tấu nhịp điệu còn là sự lý đến muôn đời của thi ca. Canh tân không phải là đánh liều học đòi người bất chấp trắng đen thị phi. Ôi thôi, họa hổ bất thành! Muốn thành người đẹp đâu phải cứ bắt chước Tây Thi nhăn mặt nhíu mày, nhan sắc kiểu này e là phải đánh dấu than ôi! Xin được dừng lại ở đây nhường đất cho nhà lý luận phê bình…

3.
Hình tượng thơ, cấu tứ và nội dung biểu đạt là ba mặt của một vấn đề thơ ca hôm nay. Thơ Việt đang lên hay tụt dốc, đang mở hay đang bế? Rồi thế nào là ngoại vi hay trung tâm, là bảo lưu truyền thống hay cách tân đổi mới? Tất cả những câu hỏi đó treo lên đang chờ các học giả, nhà nghiên cứu trả lời. Vĩnh Phúc thô lậu, không dám lạm bàn. Xin nêu một vài trăn trở, có khi là lạc hậu của mình!

Đề cập đến yếu tính văn chương, Tố Như cảm thán: "Văn chương tàn tích nhược như ti”. Thi ca, cuối cùng là gì, vô dụng hay đắc dụng, là đóng cửa với chính mình hay mở ngõ mười phương thiên hạ, là kêu rên tình ái tình dục hay vút lên một tiếng kêu thương nhân bản? Tôi thích Allen Ginsberg (1926-1997) với cảm thức phẫn nộ đau buồn đầy chất bi tráng: “Hồ lơ lại bầu trời sông Rhin, tẩy trắng những đám mây cho tuyết lại trắng như tuyết / nạo vét các con sông Hudson, Thames và Nectar, tháo hết cặn bẩn khỏi hồ Erie / Sau đó tôi sẽ ném châu Á to bự vào một thùng chứa để rửa sạch máu cùng chất da cam (Bản dịch của Hoàng Hưng). Không, thơ không làm chính trị, không là công cụ giai cấp nhưng nếu tách thơ khỏi đời sống ngổn ngang máu và nước mắt thì thơ còn lại gì? Là nửa chiếc lá che ngang khuôn mặt xấu xí, là bông hoa tàn rữa của tình em hay là cái cần câu cơm? Đọc Huyền thoại bên máng lợn của Trần Quang Quý, tôi bỗng nghe ngày ì oạp tiếng mưu sinh thắc thỏm mà đêm dậy những giấc mơ bay, giấc mơ không cánh: “Từng nghe tiếng mưu sinh ì oạp lòng máng gỗ / đèn khuya đỏ mắt đêm /… Tuổi xuân em là nối dài những chiếc máng lợn / chiếc máng hầu bao hy vọng / và một ngày những giấc mơ đến thật lạ /… từ nơi đây có một người từng ôm giấc mơ bay / không bay khỏi lõm mòn máng gỗ”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Quang Thiều: Thơ là thế giới mà tôi tìm thấy những cơn mơ và sự tự do của mình. Vâng, những giấc mơtự do; nhưng thơ có lẽ không chờ những giấc mơ ám ảnh tình dục, hay nóng bỏng thù hận, cũng không cần dựng lên những gia huấn ca trơ lì đạo đức giả. Thơ, khám phá và sẻ chia với đời, với ngườI chứ không phải thông tin tuyên truyền hay quảng cáo vặt; kiểu như:

Chiều nay em vào shop thời trang
Tìm mua những chiếc xì giấy
Cho chuyến du lịch sớm mai
(Mắt giấy – Nguyệt Phạm)

Ô hay, những chiếc xì giấy một đời tôi lơ ngơ chưa biết?
Giá cả hiện nay đang lạm phát và thơ của chúng ta cũng đang lạm phát trầm trọng xét về mặt xuất bản và đăng báo. Nhiều tác giả in thơ với nhiều mục đích, mục đích có khi ngoài thơ. Theo tôi, có thể xếp thành mấy loại thơ: Thơ mưu sinh đa phần vần vè ca tụng, nhằm đến mấy đồng nhuận bút còm với cái danh hảo. Thơ hưu trí của các cụ (một cách giải lao), thơ trang điểm của các đại gia để định vị cái nhãn trí thức, thơ tự sự bộc lộ cái tôi trữ tình (Bay lặng yên, hay Gửi VB… ). Còn lại là thơ thứ… thiệt.

Ba loại đầu không có gì để bàn vì là sản phẩm nhất định phải có của bất kỳ thời đại nào; thơ tự sự trong chừng mực nào đó là sản phẩm nghệ thuật đích thực nhưng mâm cỗ thơ ở đây thực sự là tạp bí lù, đủ món từ tình dục cho không biếu không đến nữ quyền, từ yêu đương đến nhân sinh xã hội, và cũng khoác nhiều màu áo: truyền thống, hậu hiện đại, tân hình thức, thơ dự phóng, thơ cụ thể. Mỗi người một tạng, mỗi người một phong cách viết và lý luận phê bình thì im hơi, không có một cột mốc, tiêu chí nào định vị, thành ra thơ ngổn ngang tranh luận tranh chấp. Mặc, thơ trẻ cứ bung phá, tung hê. Người thích thì viết bài chào hàng tụng ca, kẻ không thích thì dè bỉu, quay lưng. Thơ phân khu vực trung tâm với ngoại vi, hiện đại phóng lên mạng cười vào mũi truyền thống lẩm cẩm; còn truyền thống chễm chệ trên những trang thơ từ trung ương đến địa phương, tự đắc. Thơ đang ồn ào giữa chợ! Con ngựa thơ đang lồng lên. Cần phải có nhiều hơn 100 Hoài Thanh của thời đại mới để kìm cương? Nhiều người đọc ngơ mắt nai, không biết phương hướng, rối tinh rối mù.

Tôi đã cố gắng sưu tầm Tạp Chí Thơ (Hội Nhà Văn Việt Nam) để theo dõi. Đọc Thơ ai đọc buổi thu về của Hồ Khải Đại, số 2/2008: “Mỗi tối thu về trong gió hiu / Thơ ai đẹp Đầu súng trăng treo / lòng như sống lại đường ra trận / tiếng hát dài như tiếng suối reo.” Thơ hay chọn vào Tuyển thơ như thế ư? Lạ! Hóa ra tác giả đang dâng tặng bông hoa thơ cho Chính Hữu! Lại đọc chùm thơ của Bùi Ngọc Trình, Tạp Chí Thơ 1/2008, cũng bắt gặp thơ hay/không hay: “Tình bằng là tình bằng không / Người nằm dưới mộ bao đông dãi dầu / Người nay trăng chếch nửa đầu / Nửa đời cuốc xẻng còn đâu nửa đời.” (Lỡ làng cô thanh niên xung phong)
Dù ai có nói ngả nói nghiêng, tôi vẫn đinh ninh rằng đây là thơ hưu trí và tác giả đang hưu trí. Chuyện không nói nữa.

Còn phần 2

Cam Ranh 22/5/08
VĨNH PHÚC

No comments:

Post a Comment