.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, April 25, 2012

KỲ NHÂN LÀNG ĐẠI HOÀNG – LÃO NHÀ THƠ CỤT HAI TAY BỐC THUỐC LÀM TỪ THIỆN


Đôi khi con người cũng không thể biết được khả năng của mình sẽ đến đâu, làm được những việc kỳ diệu đến mức nào. Nhưng yếu tố quan trọng nhất giúp con người vượt qua được sóng gió của cuộc đời chính là tự tin và lạc quan với cuộc sống. Câu chuyện về một lão nông bị cụt hai tay nhưng lại trở thành nhà thơ và thầy thuốc sẽ chứng Minh về sức mạnh của nghị lực sống.
Lão nông bị cụt hai tay làm thơ
Những tưởng cuộc đời của mình đã đi vào ngõ cụt khi bỗng nhiên trở thành tàn tật, nhưng ý chí lạc quan, sự tự tin vào bản thân đã giúp ông lão vượt qua sóng gió để tìm cuộc sống mới tươi đẹp cho bản thân mình.
Cuộc đời chìm nổi
Nhắc đến làng Đại Hoàng hẳn chúng ta sẽ nhớ đến truyện ngắn của nhà văn Nam Cao với những Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Bá Kiến… Nhưng tôi về mảnh đất tiếng tăm này không phải để tìm về nơi của những điển tích trong văn chương mà để gặp một ông lão mà người ta vẫn gọi là "kỳ nhân". Tên thật của lão là Trần Đức Mô, người làng Đại Hoàng (Lý Nhân-Hà Nam), một người mà nhân dân sống trong vùng vẫn dành những lời ca tụng là vị thầy thuốc có tấm lòng từ thiện.
Điều đặc biệt hơn, lão còn là một nhà thơ, nhà văn. Những đầu sách của lão đã tạo được tiếng vang nhất định trong giới văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Tìm gặp "kỳ nhân" không khó vì ngày nào lão cũng ở nhà đón bệnh nhân đến để chữa trị. Cũng thật lạ thay vì những người đã từng được lão chữa bệnh đều nói rằng, bán thuốc kiểu như lão chẳng khác nào cho không… Nhiều người rất biết ơn lão, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. Với lão, bốc thuốc là để cứu người chứ không phải là để kiếm kế sinh nhai…
Vẻ ngoài của "kỳ nhân" mang đặc sệt phong thái của những người nông dân đồng bằng chiêm trũng. Con người lão toát ra sự can trường, nghị lực và nhân hậu. Nói chuyện với lão rất dễ chịu vì người Đại Hoàng lâu nay vẫn nổi tiếng là mến khách. Kể về cuộc đời của mình, lão chỉ nói một câu ngắn gọn: "Sinh ra trên đời là để sống chứ không phải tồn tại". Cũng đúng thật, vì nếu như dạo lão bị tai nạn và phải cắt đi đôi tay của mình, nếu như lão không nghĩ vậy thì chắc bây giờ, cái tên Trần Đức Mô sẽ không được gắn thêm hai từ "kỳ nhân".
Hồi trẻ, lão thuộc hàng những người thông Minh, sáng dạ được học hành đầy đủ. Có rất nhiều dự định, ao ước sẽ tiến thân trên con đường công danh nhưng lão đã từ bỏ tất cả để gia nhập quân ngũ. Chiến tranh kết thúc, lão tiếp tục đi học. Hoàn thành việc học tập, lão nhận công tác tại Trường Trung cấp Xây dựng Nam Định. Làm việc ở đây một thời gian, lão lại chuyển sang Công ty Công nghệ thực phẩm Hà Nam Ninh. Lão được đánh giá là một nhân viên rất có năng lực và nhanh chóng được nhận chức trưởng phòng.
Được sự tín nhiệm của lãnh đạo, lão được giao trách nhiệm quản lý công trình xây dựng trụ sở làm việc của công ty. Con đường thành nghiệp rộng thênh thang trước mắt khi sau dự án này chắc chắn lão sẽ có một vị trí lãnh đạo tương đối. Tuy nhiên, cũng đúng lúc con đường sự nghiệp bắt đầu thì lão gặp tai họa. Trong lúc đang chỉ đạo xây dựng tại công trường, lão đã bị điện giật bởi đường dây cao thế. Để cứu tính mạng, bệnh viện đã phải cắt đi đôi tay của lão. Vậy là từ một trưởng phòng tràn trề tương lai, lão trở thành một người tàn phế.
Không còn đôi tay, lão phải thôi việc tại cơ quan và trở về quê. Lão cảm thấy cuộc đời mình đã đi vào ngõ cụt khi bản thân trở thành tàn phế. Lão sống trong bế tắc, cùng cực khi chưa thể thích nghi với cuộc sống đã mất đi đôi tay. Lão thấy mình trở nên vô dụng và là gánh nặng của những người trong gia đình. Lão muốn kết thúc cuộc sống!
Tuy nhiên, trong một lần can ngăn đám trẻ trong làng bắt nạt con mình, lão đã hiểu được mình sống trên đời vẫn còn ý nghĩa. Nếu như tìm đến cái chết, vợ lão sẽ mất chồng, con lão sẽ mất cha, gia đình sẽ không còn điểm tựa… Lòng quyết tâm sống trở lại, lão muốn sống để thực hiện nghĩa vụ của một người đàn ông trong gia đình. Lão nghĩ rằng, sẽ chẳng mang ích lợi gì nếu như cứ khư khư một suy nghĩ chán nản, tuyệt vọng. Sự nhụt chí sẽ giết chết cuộc đời lão. Vậy là lão đã đứng dậy từ cơ thể không đầy đủ của mình để tìm một cuộc sống mới…
Kỳ nhân làng Đại Hoàng
Những ngày ở nhà dưỡng bệnh, lão được người em trai làm bác sĩ gửi cho những cuốn sách về đông y để đọc cho… đỡ buồn. Càng đọc những cuốn sách về y học lão càng mê. Lão tự mình tìm thật nhiều sách về đông y để tìm hiểu. Rồi lão lọ mọ cuốc bộ đến những hiệu thuốc ở trong huyện, tỉnh để tham khảo những bài thuốc đã đọc từ sách vở. Khi đã nắm được khá nhiều kiến thức về y học, lão bắt đầu bốc thuốc thử.
Những bài thuốc đầu tiên lão tự bốc cho chính mình. Thấy hiệu quả, mỗi lần những người thân trong nhà bị bệnh, lão đều tự tay bốc thuốc chữa trị. Rồi những người hàng xóm láng giềng mỗi khi có ai bị mắc những chứng bệnh thông thường đều sang lão điều trị. Tiếng lành đồn xa, người dân trong xã rồi cả huyện đến tìm lão để chữa bệnh. Điều đặc biệt hơn là lão thường bốc thuốc với giá "rẻ như cho" thậm chí với những trường hợp bệnh nhân nghèo khó, lão sẽ "biếu không". Trong đầu lão suy nghĩ rằng, chữa bệnh là để cứu người chứ không phải là để làm giàu.
Thời gian trôi qua, bệnh nhân ở khắp nơi tìm đến nhà lão ngày càng đông hơn. Không chỉ là người dân ở Lý Nhân lão sống mà cả người ở những huyện khác ở tỉnh Hà Nam cũng tìm đến. Tiếng tăm của lão ngày càng bay xa qua lời truyền Myệng của thế gian. Rồi người ở những tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… cũng đến tìm lão để chữa bệnh. Thời gian cứ thế trôi đi và nhà thuốc của lão ngày càng có nhiều người tìm đến.
Chẳng cửa hàng mặt đường lớn, chẳng biển hiệu phô trương, hàng ngày lão vẫn kê đơn bốc thuốc ngay trong căn nhà nhỏ nhắn nằm lọt thỏm trong ngõ hẻm ở làng Đại Hoàng. Hơn 20 năm trôi qua, tiếng thơm của vị thầy thuốc cụt hai tay đã lan rộng hơn đi khắp mọi nơi. Người đến chữa bệnh rất nhiều, chịu ơn không biết bao nhiêu, nhưng điều quan trọng nhất là công việc bốc thuốc đã tạo ra cảm hứng sống và làm việc cho lão. Càng có nhiều người đến chữa bệnh, lão càng cảm thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa.
Kỷ niệm về những bệnh nhân lão nhớ rất nhiều. Có những bà cụ được lão chữa bệnh, sau khi khỏi đã cuốc bộ cả ngày trời mang theo chục trứng gà đến để tạ ơn thầy thuốc. Chuyện những món quà là nải chuối, rổ khoai lang, chục cân gạo nếp của bệnh nhân mang đến nhà thầy thuốc để trả ơn diễn ra thường xuyên. Lão rất cảm động vì biết rằng mình đã làm được một việc gì đó có ích cho người khác. Càng vui hơn khi biết mình đã giúp cuộc sống của nhiều người trở nên tốt đẹp hơn.
Việc có quá đông người đến chữa bệnh cũng khiến lão khá vất vả. Có những ngày lão phát tới vài nghìn liều thuốc cảm cho bệnh nhân ở khắp nơi. Để có được số thuốc đó, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tranh thủ thức trắng đêm nặn từng viên thuốc, gói từng thang dược liệu để sáng hôm sau cứ thế phát cho bệnh nhân.
Là một người có nghị lực và có chiều sâu về tâm hồn, lão đã chuyển những suy nghĩ của mình thành những vẫn thơ với ngôn từ mộc mạc. Lời lẽ của những bài thơ đó chẳng cần bóng gió, hoa lá, chỉ đơn thuần là chuyển tải cảm xúc của một con người giàu cảm xúc. Không còn hai bàn tay, lão đã cầm bút bằng cách chụm hai khuỷu tay của mình lại để viết. Ban đầu là những nét chữ nguệch ngoạc nhưng lão cố gắng tập luyện để viết thật thành thạo. Trong suy nghĩ của lão làm thơ phải theo cảm xúc, chẳng thể nhờ ai chép hộ mình được nên phải luyện viết, lúc nào có hứng là lấy giấy bút ra ghi chép.
Thơ của lão rất đơn giản nhưng mang đậm sức mạnh ý chí. Những câu thơ đầu tiên, lão viết rằng "Sống để dạy bảo các con. Để mà quy tụ trông nom gia đình. Chăm cho con lớn con xinh. Để đời đỡ phải bất bình đắng cay". Có lẽ đó chính là động lực sống của một con người giàu nghị lực, cuộc đời đã trải qua nhiều giông bão. Lão đam mê viết vì những vần thơ đã chuyển tải được suy nghĩ, khát vọng.
Ngoài viết thơ, lão còn viết truyện ngắn. Nội dung truyện tuy đơn giản nhưng được đúc rút từ kinh nghiệm sống, những câu chuyện có thật mà chính bản thân tác giả đã trải qua. Năm 2000, lão đoạt giải khuyến khích với truyện ngắn “Bến Lỡ”, do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam trao tặng với bút danh Từ Thiết Linh. Cũng năm đó, Từ Thiết Linh với tập truyện ký "Tôi là công nhân" đã đoạt giải nhất văn xuôi trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, do Liên đoàn Lao động và Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam tổ chức năm 1999 - 2000.
Lão viết không phải bởi muốn thành nhà văn, nhà thơ. Đơn giản chỉ là lão muốn thể hiện những suy nghĩ của mình một cách tế nhị. Những bài thơ, truyện ngắn, bút ký đều là những câu chuyện từ chính cuộc đời lão. Đến năm 2009, lão lại cho ra tập thơ “Hương đất” với những tác phẩm nói về tình yêu quê hương, thiên nhiên, con người… Với lão, cuộc sống này không đơn giản chỉ tồn tại cho riêng bản thân mình mà còn cho rất nhiều người khác.
 Gia Nguyễn
(Nguồn: Cảnh sát toàn cầu)

No comments:

Post a Comment