.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 23, 2012

NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG – LÀM THƠ VÀ BỊ THƠ LÀM

Từ đổi mới đến nay, một không khí sầm uất ngự trị không gian văn chương, nhiều tác phẩm mang các khuynh hướng khác nhau được bộc lộ. Chỉ nói riêng về thơ thôi thì đã thượng vàng hạ cám, hay dở, thật giả, mới cũ, cổ điển như thơ luật Đường, tân thời như thơ hậu hiện đại đều được hiện diện trên các phương tiện in ấn, truyền thông, quảng bá. Việc giới thiệu biểu dương tác phẩm, tác giả... mạnh ai nấy làm, theo quy luật quảng cáo của kinh tế thị trường.
Đó là điều hay, nên mừng chứ.

Tuy nhiên việc đó có thể gây bỡ ngỡ, thậm chí mất phương hướng đối với số đông bạn đọc quen chọn thơ theo gợi ý từ những yếu tố tin cậy: như  tên nhà xuất bản, ý kiến nhà phê bình, kích thước  của tuổi tên tác giả. Những yếu tố đó ngày nay không còn nữa. Không còn nhà xuất bản chuyên in sách chất lượng, cũng không còn nhà xuất bản chuyên in sách phổ thông, phổ cập. Các nhà xuất bản bây giờ đều in rộng rãi như nhau, chạy theo số đầu sách để có lợi nhuận trả lương cán bộ. Sách dở không thuộc diện cấm in. Mà sách dở, sách hay thì quản lý phí thu về  cũng như nhau. Còn các nhà phê bình: bây giờ người chí thú với chất lượng đích thực không nhiều. Nhiều áp lực tác động lên họ. Bạn bè bỏ tiền ra in thơ viết gì cũng phải giúp nó bán sách thế là phê bình mang hơi quảng cáo. Có khi ông làm thơ vừa bị vợ bỏ hay mất trộm, là bạn bè thì phải an ủi bằng cách khen  thơ nó hay. Ấy là chưa kể chuyện phe cánh, lợi ích nhóm, tình đồng hương, nghĩa đồng lứa ... trăm thứ xô đến làm nhiễu việc thẩm thơ. Các nhà phê bình tâm huyết thấy chê khen khó theo được ý mình thì chuyển sang nghiên cứu, chọn văn học dân gian càng tốt, chả đụng đến ai (Cụ Vũ Ngọc Phan từ trong kháng chiến chống Pháp đã đã cao kiến mở lối thoát này rồi).

Thế là độc giả bơ vơ, chỉ còn trông cậy vào mình. Nhưng những tác giả có tuổi tên mình biết vì được dạy trong trường trung học thì đến nay qua đời gần hết, Các tác giả trẻ mới xuất hiên có tới nghìn người, các tác giả không trẻ (chả dám nói già) cũng thường xuất hiện sau khi về hưu, tên tuổi mới tinh, lại còn nhiều hơn. Biết chọn ai?. Hình thức in ấn cũng dễ đánh lừa người. Có cuốn in rất sang trọng: bìa cững, hộp gỗ, giấy hoa văn, ngày giới  thiệu làm ở khách sạn có tiệc rượu, ca múa và nhà báo nhưng thơ tặng đem về đọc lại rất “chuối”.  Cho nên cũng không thể trông mặt sách mà bắt hình dong thơ được. Đành cầu may, liều như đánh bạc.

 Thời trước, mối năm độ mươi tập thơ in từ nhà xuất bản chuyên ngành. Đọc cả cũng chọn được một hai (tỉ lệ 5% đến 10%. Bây giờ mỗi năm có tới nghìn tập thơ ra lò, nếu thơ hay vẫn là một hai tập thì tỉ lệ là 1 đến 2 phần nghìn. Người đọc tận tình được trăm cuốn đã là giỏi thì vẫn có thể chưa gặp thơ hay. Khó mà đủ kiên nhẫn đọc đến 500 cuốn để gặp xác xuất thơ hay là 1. Đọc xong cuốn thứ 100 là đủ cáu với cả nền thơ và uất ức với bọn làm thơ. Thế là thơ mất dần độc giả. Các nhà thơ vốn kiên trì tìm cách xuất bản miệng. Cuộc họp nào bây giờ cũng có mục đọc thơ. đám ma đám cưới đều có thơ xen kẽ. phường bát âm vừa thổi kèn lâm khốc não nuột vừa đọc thơ làm khách viếng vừa mếu vừa cười. Có người dự họp nghe sắp có đọc thơ là tái mặt run tay, tìm cách thoát thân.

Không biết tôi có bi quan không tình thế của thơ lúc này rất đáng lo. Đông nhà thơ mà vắng người đọc thơ là dấu hiệu thoái hóa của loài (nhiều cây, ít quả)  Có lẽ phải quan niệm lại thế nào là một dân tộc yêu thơ. Cả nước mà nhập vào thơ như lên đồng thì cũng kinh chứ sung sướng nỗi gì. Lại nhớ Cụ Tú Xương có bài ngày xuân bỡn làng thơ:
Tháng ba ngày tám thấy đầu mà
Sao đến ngày xuân lắm thế a?
Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ
Cho nên con tự mới thòi ra
Cái hóm của Cụ Tú là coi thơ như sản phẩm đầu ra, còn nguyên liệu đầu vào là thực phẩm. Cả đầu vào, đầu ra đều thuộc bộ máy tiêu hóa! Cụ Tú Xương đâu phải người phũ với nghề, cụ không giấu khao khát một nền thơ chính phẩm. Gương mặt văn chương một đất nước tạo nên từ các tác phầm ưu tú chứ không phải từ số đông đội ngũ hò reo.

Hiện nay việc đọc văn chương của nhau không kỹ lắm và hơi ít phát hiện, nhưng nói theo nhau lại hơi nhiều (xin nhìn vào chất lượng thẩm định các giải văn chương). Các nhà phê bình chân chính với điểm tựa là Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW cần thể hiện vai trò của mình vào quá trình sàng lọc này.
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Nguồn: LTN

No comments:

Post a Comment