.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, April 22, 2012

ĐỖ QUYÊN - THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG DÒNG THƠ CẦN GIẢI THÍCH GIÁ TRỊ (PHẦN 2)

 
 (tiếp theo và hết)

IV.4.3. Có thể gọi thơ Mai Văn Phấn là một hình thức ngôn ngữ biểu đạt và trần thuật các trạng-thái-thơ, chứ không hẳn là cảm xúc thơ. Có lẽ vì thế Đặng Thân đã đặt tên cho thứ thơ trong Hôm sau là thơ robot.

IV.4.4. Thơ Mai Văn Phấn có biểu hiện không mạnh mà đều đặn của chủ nghĩa tượng trưng Pháp: cảm quan trực giác, không lý giải; tương hòa giữa con người và sự vật, thiên nhiên; thế giới quan về cái bóng tượng trưng của vũ trụ đích thực; đề tài nhỏ, đời thường không gắn với xã hội…  Vô tình hay chủ ý, về cảm hứng Mai Văn Phấn đã chuyển từ “thi sĩ của lòng” trong thời kỳ sáng tác đầu thành “thi sĩ của linh hồn” để “đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại (…) thực hiện một cuộc trở về (….) với tấm lòng khi đất trời khai lập”, đúng như Tuyên ngôn tượng trưng 1946 của Nhóm Dạ đài / Trần Dần. 

IV.4.5. Cách mạng trong thi pháp” - nếu có thực như mong muốn của tác giả - ở thơ Mai Văn Phấn, phải nói là rất chắc cờ: Dùng các thi pháp có tính thể nghiệm nhưng là làm thơ thật, không phải thứ thơ thử nghiệm; Sinh ra các sản phẩm người thích người không, nhưng ít ai có thể không gọi nó là thơ. Về thái độ, thơ này thiếu vẻ cực đoan thường có của những gì thuộc về khai phá.

IV.4.6. Liệu có đúng, như Nguyễn Việt Chiến nhận xét,từ trữ-tình-cổ-điển” Mai Văn Phấn ‘bay’ thẳng một mạch vào hậu-hiện-đại”? Nếu kể theo trường phái, chúng tôi thấy, giai đoạn hiện đại của cây viết này có hai cột mốc là trường ca Người cùng thời (1999) và Vách nước (2003). Có điều ở Vách nước, xảy ra chuyện các thi pháp… “tranh nhau làm tổ trưởng”! Thiển nghĩ, đây là tác phẩm không chắc tay của nhà thơ khi chưa cầm chịch được hai, ba phương pháp sáng tác trong một bài thơ. Để rồi, qua không ít năm sau đó, anh đã thành đạt ở hậu hiện đại với Hôm sau (2009).
Được đọc và trao đổi gần như từng loạt bài trong khi sáng tác và trong hai bản thảo song sinh, chúng tôi mừng cho cảm hứng, mà tiếc cho sự ăn non của thi sĩ. Chỉ muốn chàng đẩy tới cùng mạch hậu hiện đại sung sức. Hai năm trôi qua, mới thấy Mai Văn Phấn quả là người viết thông minh, biết mình biết thơ! Nay nhìn lại, ba, bốn bài mà tác giả từng cùng chúng tôi hỉ hả đã đan thành “mái che” của cái “bầu trời” đó rồi.

IV.5. Vấn đề thể loại:

Không chỉ ở sáng tác, cả trong lý luận và nghiên cứu, khoảng ba chục năm nay ở trên thế giới và chục năm ở Việt Nam, thể loại đã trở thành nhân vật chính trong câu chuyện dài của các vấn đề văn học. Và, đó không hẳn là hệ quả của điều kiện hậu hiện đại trong văn hóa nghệ thuật; nếu không nói là ngược lại.
Thơ, và văn chương Việt Nam nói chung, trong bao nhiêu thế hệ đã coi thể loại như “của giời ơi”! Số lượng các nhà cách tân về thể loại chỉ trên dưới mười đầu ngón tay; chưa kể chất lượng hoặc còn ở dạng lý thuyết: Phan Khôi (Thơ mới), Đặng Đình Hưng (“Roman poem”) và Trần Dần (Thơ ý niệm, Thơ tiểu thuyết/hồi  ký bè đệm), Dương Tường (Thơ ngoài lời/Thơ âm-hình), Nguyễn Đăng Thường (Tân hình thức), Nguyễn Thúy Hằng (Thơ “cảm giác/ấn tượng sự vật”), Nguyễn Hoàng Nam (Thơ đồ họa), Đặng Thân (Thơ tự điển), Khải Minh (Thơ cấu)… Sau dấu “…” chắc cũng chỉ còn một vài tên tuổi.

Cảm nhận được nhân vật thể loại, hay chỉ cần đối thoại được với nó, đã có thể đưa đến các chuyển động về mỹ học hay phương pháp sáng tác. Mai Văn Phấn là một trong các nhà thơ như thế.
Không giống nhiều người làm thơ khác, kể cả các vị tay nghề vững bậc nghiệp cao, Mai Văn Phấn, trong quan sát của chúng tôi, ít khi bị dính bệnh nhầm-thể-loại. Đây là một thiên phú với thi hào thi bá; và là may mắn với các thi nhân. Lý giải với bài này thì thể lục bát, bài kia dạng tự do, đa phần là bất khả. Thường bằng linh cảm. Người làm thơ bị nhầm thể loại cũng như kẻ bị lấy nhầm vợ nhầm chồng. Khó mà sửa vợ cải chồng được; chỉ có thể lấy chồng cưới vợ lần sau; và sau nữa. Đa số thi sĩ khó quay bút được khi cảm thấy thể loại thơ đang làm không hợp; chỉ có thể sửa sai ở bài thơ sau, rồi sau nữa. 
Trải qua hầu hết các thể loại thơ, ở giai đoạn đầu Mai Văn Phấn tỏ ra chầm bập thể lục bát và tứ tuyệt. Trong khuôn mẫu, các ý lời không toát được vẻ đặc sắc; người viết phải đi sang thể loại thoải mái hơn mới nên sự. Các bài thơ tự do và thơ văn xuôi khi đó chưa thật hấp dẫn, nhưng báo hiệu sự hơn người ở giai đoạn sau nếu thoát khỏi phong cách lãng mạn và hiện thực đơn tuyến. Có lẽ vậy, trong một trả lời phỏng vấn, nhà thơ nói về tương quan nội dung và hình thức rất thấu đáo.

Đã hơn một lần, chúng ta được bảo rằng, để làm thơ Việt cần khởi thủy từ lục bát. Hẳn chỉ có Mai Thảo lại xui: “Những người trẻ tuổi bắt đầu làm thơ nên bắt đầu ngay bằng thơ tự do. Nghĩa là một bắt đầu mạnh bạo, đường hoàng, ở ngoài mọi kiến trúc tiền chế”. Đúng với tinh thần “sáng tạo”, mà trật đường thơ Việt! Chúng tôi khó tin có một nhà thơ Việt nào làm ngay và làm hay được bằng thơ tự do. Có thể họ làm rồi vứt đi, hoặc không cho ra dưới ánh mặt trời. Thần đồng ba tuổi xanh Trần Đăng Khoa tiếng ta chưa rành lục bát chảy ra từ sữa mẹ là chuẩn rồi; Thần đồng trung niên Bùi Giáng Pháp ngữ Đức ngữ đủ thứ ngữ dày cả tấc thơ Đông Tây kim cổ thuộc làu vạn dòng mà có dám lệch chuẩn khỏi lục bát đâu! Dường như chúng ta chưa được đọc thơ niên luật, vần điệu của các “tổ sư” thơ tự do Việt như Trần Mai Ninh, Hữu Loan, nhưng đã có chút kinh nghiệm với các vị khác là Văn Cao, Thanh Tâm Tuyền, và ngay cả Trần Dần. Nhất là với Nguyên Sa, Nguyễn Đình Thi, Du Tử Lê về lục bát. Đỗ Kh. - từ mươi năm trước có thể xem là “anh Hai quậy” về thơ tự do - từng có thời kỳ đáng kể về lục bát. Để ý, sẽ thấy tính âm vần và chất 6-8 trong thơ hậu hiện đại của chàng. Không quậy ở diện mạo của thể loại, Mai Văn Phấn vẫn ra khỏi cách viết và cách đọc tự sự và trữ tình thông lệ, nhờ kỹ thuật chắc tay của thơ truyền thống, của lục bát.

Với loại thơ văn xuôi, Mai Văn Phấn đã tạo dấu ấn riêng ở những nơi nào có thể: hơn chục bài thơ độc lập trong giai đoạn truyền thống (Lúc mặt trời mọc, Hoa bằng lăng…) và nhiều bài ở thời cách tân; nhiều trường đoạn trong một bài thơ dài (các đoạn 6, 8, 16, 23… của Những bông hoa mùa thu); tất nhiên cả trong trường ca (Chương VI: Cộng hưởng II; Chương VII: Mail cho em… trong Người cùng thời).

Cũng như trường ca, thứ “văn bản nặng” và thâm niên này của lịch sử thơ ca thế giới và Việt Nam luôn là bến đỗ cho các tranh luận, khiến nhiều người vẫn khoan khoái khi đánh đồng việc sáng tác thơ văn xuôi (điều bình thường) với sự thay đổi thi pháp, làm mới lạ thơ (điều bất thường). Mai Văn Phấn có vẻ cũng ham làm mới thơ văn xuôi, như anh tự đánh giá: “Khuynh hướng cách tân của tôi, là xóa nhòa ranh giới giữa văn xuôi và thi ca. Tôi đã từng thử nghiệm thành công, viết nhiều bài có hình thức văn xuôi, nhưng quyến rũ bạn đọc vào một không gian thơ rộng lớn và thậm phồn.”[1]
Đánh giá phẩm chất của thơ văn xuôi là một mạo hiểm cho các phê bình gia. Xin hãy thận trọng! Thường là phải đọc loại thơ này trong cả không gian thơ của tác giả. Do còn nhiều chủ đề khác của thơ Mai Văn Phấn khác biệt hơn, chúng tôi sẽ dừng lại ở ý “xóa nhòa ranh giới giữa văn xuôi và thi ca”. Về điểm này, thơ Mai Văn Phấn và thơ Nguyễn Quang Thiều là bầu bạn. Ngữ-pháp-thơ của Nguyễn Quang Thiều (nhiều ý thô mộc; âm điệu quyện trong hình ảnh; chữ bị nuốt trong câu) có thể tìm thấy sự đồng dạng ở thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Quyến, Vi Thùy Linh, Phan Hoàng… Mà không ở thơ Đinh Thị Như Thúy và Mai Văn Phấn. Nhờ gián đoạn hơn về hình tượng và khí thơ, với cách đọc cũ, thơ của nhị vị này dễ chấp nhận hơn 5 vị trước. Khí thơ, từ xưa đã là một trong vài khái niệm chính của thơ Trung Hoa và thơ Việt. Đã lâu rồi, nó ít được bàn đến. Giữa thời a còng, nhắc đến khí thơ, nghe có vẻ ông lang quá! Nhưng nhân vật chính của buổi hôm nay lại là người trọng khí thơ. Trước thềm Hội thảo Thi ca và Văn học Hàn Quốc - ASEAN với chủ đề Sáng tạo của nhà thơ châu Á, tinh thần cho điểm đến) 2-7/12/2010 tại Seoul, Mai Văn Phấn đã phát biểu trên Tạp chí Thi Bình: “Cách diễn đạt dứt khoát, tối giản, liên kết rời và xa nhau tạo cho thơ một hơi thở mới, người phương Đông chúng ta quen gọi là ‘Khí’. Theo tôi, ‘Khí’ làm nên cốt cách thi sĩ và phân biệt được các thế hệ thi ca.” Chúng tôi muốn thêm hai điểm nữa dễ thấy trong thơ Mai Văn Phấn: Khí thơ rất cần cho các sáng tác dài hơi, dung lượng lớn, như trường ca, thơ dài và loại hình tương tự (anh hùng ca, sử thi, ngâm khúc, tổ khúc…); Khí thơ là một trong các yếu tố để giữ tính thể loại bất biến trong khi san bằng biên giới thơ và văn xuôi.

IV.6. Tứ thơ:

Nói chung, tứ thơ như không muốn hiển lộ ở thi ca Mai Văn Phấn! Các sáng tác ở giai đoạn cách tân đã ủng hộ tác giả khi khỏa lấp được điều bị coi là nhược điểm đó. Rất ít bài nổi trội về tứ; nếu là bài hay, thì ở đó tứ cũng bị lùi xuống hàng thứ. Trong khi với phép làm thơ Việt, Trung Hoa, lao tâm khổ tứ nhất là… tứ thơ! Xét đến cùng, hầu hết thi sĩ từ truyền thống cho đến hiện đại, đều là phu tứ. Để cách tân, Lê Đạt đã biến mình thành “phu chữ”, nên thường gặp cảnh ngộ đi ăn chữ về mất tứ! Trần Dần, điển hình của kẻ làm thơ luôn “cãi lại” thi tứ. Phạm Tiến Duật mắt ham vui các ý hài sắc lẻm, hai tay giữ chặt thi tứ. Hoàng Cầm về vụ này là tướng, từ bài tuyệt đỉnh đến bài chạm đáy. Cả 5 vị đều là chủ nhân ông của thi tứ, gọi dạ bảo vâng được.

Chúng tôi nghiệm thấy, lấy ngẫu nhiên 10 nhà thơ - đã thành danh hay chưa - có tới quá bán mắc nan thi là trong một bài thơ có tới hai, thậm chí ba, tứ thơ! Căn bệnh này không khó chữa lắm, nhưng khó phát hiện. Nếu biết mình mạnh ở các thứ khác, thà cứ nhung nhăng giả vờ thơ như không tứ, nhiều khi lại ăn tiền! Lại ở thơ hiện đại, tứ thơ huyền ảo vô cùng.
Ngay còn khi ở dòng thơ lãng mạn pha hiện thực, lấy tu từ, lập ngôn, định tứ làm thi pháp, Mai Văn Phấn cũng không có được nhiều bài thơ hay nhờ tứ. Như đã nói ở mục Những bài thơ tiêu biểu với bài Gió thổi, tác giả có sở trường biến nhiều hình ảnh rời lẻ thành tứ thơ, cho dù tập hợp các hình ảnh rời lẻ không tạo hình tượng thấu suốt và độc nhất.
Trong quan niệm chung và cũ, tứ của một bài thơ thường phải đi trên hai chân là ý tưởng trộn tình cảm và hình tượng chủ đạo. Có tứ thơ rồi, với gia giảm tu từ, qua các âm điệu, sắp xếp câu chữ thì sẽ cấu tứ được bài thơ. Phương cách kinh điển là vậy. Hiện đại hóa thơ đã làm giảm thủ pháp này tăng thủ pháp khác. Ai càng thấy được sự ký sinh giữa các thành phần của thi pháp, người đó càng dễ có thơ mới lạ, mà vẫn hay! Chế Lan Viên là bậc thầy của thủ pháp mà chúng tôi đã tạm gọi là chuyển hình tượng thành tứ thơ. Tại sao thơ họ Chế luận lý, hiện đại thế mà ít bị chê là Tây, đọc mãi vẫn bất ngờ? Ấy là nhờ thi bá đã biến hóa nhiều hình ảnh chan chứa sắc màu đại chúng trong một tư duy khoa học nhất nguyên; tức là chun chút áp đảo. (Đọc thơ Chế Lan Viên, nhiều câu, ý thấy tức anh ách mà vẫn phải phục!) Trở lại cặp bài vừa trùng vừa trái Mai Văn Phấn - Nguyễn Quang Thiều. Người thứ hai, khi tung mở các hình ảnh, đã đi theo hướng ngược lại với người thứ nhất. Khó hình ảnh nào có thể đứng trên vai hình ảnh nào! Ngay với tác phẩm nổi tiếng từ thập niên 90 thế kỷ trước cho đến hôm nay, tác giả đã tạo ấn tượng “thơ dịch” với độc giả truyền thống ở Việt Nam trong khi bạn đọc Tây phương hoan hỉ tiếp nhận. Nếu - một chữ “nếu” chắc không còn thời gian để xảy ra - “học” được tư duy luận lý và có ngón tay thơ để rút ngắn ngữ-pháp-thơ như Chế Lan Viên, thì Nguyễn Quang Thiều sẽ thành “thầy”. Bởi ở anh có một hệ hình ảnh đặc Việt, có thật và nghệ thuật. Còn ở vị thầy hiện tại, các hình ảnh đó là của thiên địa và không thật, đó là các tượng hình văn học. Đang câu chuyện về ba nhà thơ ở thủ pháp hình ảnh nhỏ hình ảnh lớn, có thể ví von như sau: trong khi Nguyễn Quang Thiều làm thơ bằng cả bàn tay với 5 ngón một lúc, Chế Lan Viên và Mai Văn Phấn điều khiển thơ bằng cả bàn tay theo mỗi ngón của mình.

IV.7. Ngôn ngữ, hình tượng thơ:

“Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non. (Tản mạn về cỏ)

Chúng ta đang bàn đến một thi giới gần như không có vốn từ vựng riêng, lạ. Nếu lướt nhẹ trên vài câu vài bài, tưởng đây là tay viết bình dân. Đọc thơ Mai Văn Phấn không phải tra tự điển Việt-Việt! Không khó hiểu với từng bài lẻ nếu có được vốn tối thiểu của luật câu cú tiếng Việt. Chẳng như với Bùi Giáng (suốt đời) và Du Tử Lê (thời cách tân); Lê Đạt (thời cách tân mới là tác giả nặng kí) và Cao Đông Khánh (tràn ngập); Phan Huyền Thư (thoang thoảng) và Nguyễn Quốc Chánh (tá lả)… Còn không ít vị nữa, mà thượng đẳng kỳ ngôn ắt là Hoàng Xuân Sơn và Thường Quán!

Trong ý nghĩa ngôn ngữ là công cụ, không là đối tượng, họ Mai không thuộc vào hàng ngũ "thi sĩ là một người bình thường, nhưng mỗi ngày, vào buổi chiều, ông lại đem ngôn ngữ ra khủng bố". (Paul Válery).
Và nếu từ điểm nhìn của ký hiệu học, có thể thấy thơ ca Mai Văn Phấn ưu tiên quan hệ biểu tượng - ý niệm; còn âm điệu, nhạc tính không là trọng. Anh luôn chuyển hình tượng thành các trạng thái của ái tình và tâm thức linh nghiệm. Trạng thái, chứ không phải tình cảm. Đọc thơ của người-đang-yêu này, thêm một lần ta hiểu hai chữ thanh tân nơi tình yêu đôi lứa. Cống hiến mới của nhà thơ là đã thanh tân hóa cái địa hạt tưởng khô cũ, giáo điều: tâm linh và siêu thoát.
Ta ngồi nhập định cùng hoa/ Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm” (Qua hoàng hôn)
Chúng ta lo cho sở đoản tạo ý niệm bằng lý lẽ dễ làm ra thứ phẩm của ngôn ngữ? Nhưng, với người cầm bút tỉnh táo như vậy, đã và sẽ không gặp sản phẩm tệ dưới tên Mai Văn Phấn. Nói thêm: đây còn là một thi nhân có khả năng tự biên tập. Điều mà không ít thi bá cũng còn chưa có; Như với Bùi Giáng, mà chúng tôi từng đã tham luận. Xin được nói mạnh rằng, phải tới một phần tư các ấn phẩm đã in, thơ là chính, của Bùi tiên sinh là… tệ! Bù qua sớt lại, có tới một phần tư của chính phẩm còn lại đã là tuyệt phẩm.

Ngoài thể văn xuôi đã nói trên, Mai Văn Phấn khá thoải mái khi đưa khẩu ngữ vào thơ tự do. Anh không tận dụng Ferdinand de Saussure trong “quyền khế ước” của ngôn ngữ ở xã hội thơ ca, không đẩy tính võ đoán của câu chữ đến chân tường nghệ thuật; như nhiều người lâu nay làm thơ mới lạ theo cách truyền thống hay hiện đại, trong đó có các tác giả thành danh vừa nêu trên mà “phê” hơn cả với chúng tôi là Thường Quán, là Hoàng Xuân Sơn. Hầu hết các bài trong tập Hôm sau là thế: “Vợ lại bảo dù trí tuệ uyên bác/ nhưng chân tay ngại cử động/ cũng chẳng nghĩa lý gì./ (…) Tôi vắt sợi dây qua xà nhà/ buộc một đầu vào chỏm tóc/ cả lúc chăm chú đọc sách/ tay vẫn giật như culi kéo quạt” (Sống hồn nhiên). Phi lý mà không cãi vợ được! Hóm! Hóm đến thế là cùng!

Có một chi tiết. Với thơ Mai Văn Phấn, như hạt cát trong giày du khách đường trường. Vào thời vi tính, ngôn ngữ văn chương bị/được các thuật ngữ kỹ thuật tham gia ào ạt hơn ở bất cứ các thời khác. Xưa, trong Thơ mới đâu có nhiều “ô-tô”, “xà phòng”, “đánh dây thép”? Dễ hiểu. Trong nền văn học a còng, cuộc sống đời thường có thể ra vào thơ văn mà không cần visa. Chúng tôi vẫn muốn các thi sĩ đẳng cấp cao – trong đó tất nhiên có Mai Văn Phấn – tùy từng bài thơ, câu thơ cụ thể mà đòi hỏi thị thực nhập cảnh với những đối tượng mới của ngôn ngữ mà thơ tiếng ta chưa sẵn sàng đón tiếp, ví như: ”con chuột”, “ngoài vùng phủ sóng”, “điện thoại cầm tay”…  (Ngay khi chúng tôi vừa viết đến đây, trên phongdiep.net 15/4/2011 có thơ với các câu thế này: “Bật máy nhảy lên mạng/ lướt sóng thăm khắp chốn tinh cầu (…) Ta lướt ‘Weo’ từ Đông sang Tây”)

Nhân chuyện hạt cát trong giày du khách, sang chuyện khác, không chỉ về ngôn ngữ, hình tượng. Những khi được chia sẻ với nhà thơ và để cùng răn nhau, chúng tôi thường dẫn câu của người xưa: Người quân tử đi qua ruộng dưa, chớ ngừng cúi xuống sửa dây giày. Trong cái “ruộng dưa” văn học mạng thơ nét, có quá nhiều thủ thuật rất dễ dùng, chỉ cần sạch nước cản. Những người viết đã đeo thương hiệu nên tránh, nếu các thủ thuật đó vô thưởng vô phạt. Như về sự ngần ngừ của chúng tôi với tên tập thơ Bầu trời không mái che, sẽ nói ở phần sau…

IV.8. Nói riêng về ba tập thơ mới nhất:

Đó là Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi, và Bầu trời không mái che.

IV.8.1. Cả ba tập thơ gần như không bị quốc gia hóa bởi địa lý, xã hội, tâm lý Việt Nam. Chúng vẫn mang được một số đặc tính dân tộc thuần Việt. Thậm chí, nếu dịch ra tiếng nước ngoài, bỏ đi tên tác giả và một số rất ít tiểu tiết thuộc về thông tin, thì độc giả khó có thể nhận ra đây là thơ của một người Việt Nam, đang sống ở Việt Nam và làm thơ cho người Việt Nam. Bạn không tin? Hãy thử nêu cho Hội thảo xem có những tác giả nào tương tự? Chúng tôi dùng lại cách nói đã bị xem là nhàm, nhưng cần thiết: thơ cách tân của Mai Văn Phấn có tính Việt và tính nhân loại.

Cả ba tập rất ít câu, bài, khúc, đoạn định vị không gian và thời gian. Không có sự kiện xã hội, không có vấn đề thường nhật. Chỉ có những gì xảy ra nơi nội tâm con người hòa cùng thiên nhiên, vũ trụ…

Cả ba văn bản đều tự trị, ngoài ý muốn của tác giả và độc giả, nếu nói theo chủ nghĩa cấu trúc. Không tìm thấy một “trung tâm” nào của ba tập thơ. Rất nhiều bài thơ cho thấy chẳng có một trung tâm nào ở đó. Các trang thơ không còn “kết thúc ở văn chương” theo thế chân vạc chân -thiện - mỹ, mà là ở mặt phẳng văn hóa nói chung, ở nhân sinh và sự sống muôn đời.
Nội dung ở hai tập Và đột nhiên gió thổiBầu trời không mái che có lẽ đã khiến người biên tập, nhà xuất bản nào lười biếng nhất hoàn toàn yên tâm! Tuyệt không có các liên đới gì nhạy cảm, từ chính trị thời cuộc cho tới các chuyện “hot, sex”… Cấu trúc của hai tập thơ cũng làm cho chúng trở thành một thứ thơ lạ, không ít tác giả hiện nay vẫn đeo đuổi: Với tập Bầu trời không mái che và bài thơ dài Những bông hoa mùa thu, bạn có thể đọc nhảy cóc từ đoạn khúc, kể cả đọc ngược theo mỗi đoạn hay tiểu đoạn (được đánh dấu bằng kí hiệu hoa thị * hay số thứ tự 1 đến 27). Đó cũng là một trong các cách đọc theo kiểu phê bình hậu cấu trúc khi đảo lộn vị trí “ai cảm xúc ai”: văn bản thơ Mai Văn Phấn sẽ cảm xúc bạn, thay vì bạn cảm xúc văn bản thơ Mai Văn Phấn.
Các ý sau đây đã quyết định suy ngẫm của chúng tôi về giá trị chung của dòng thơ Mai Văn Phấn trong mươi năm cách tân thi pháp: 1) Tập hợp này là một bộ “tiểu thuyết trường thiên” bằng ngôn ngữ thơ ngợi ca nhân sinh và tình yêu. 2) Cần đọc đồng thời cả ba tập khi muốn đánh giá toàn bộ về thơ của tác giả hay từng khúc đoạn, bài thơ lẻ. 3) Ba tập thơ liên hoàn xứng đáng nhận được giải thưởng thơ nào đó của Việt Nam cũng như trên thế giới.

IV.8.2. Hôm sau:

Trong một trao đổi, tác giả giải thích: “Tên tập thơ Hôm sau, mang một hình thức bình thường về thẩm mỹ, tưởng chừng không nhằm gây ấn tượng, nhưng lại mang nội hàm khác khi mọi người đọc vào nội dung những bài cụ thể. Nó là Ngày hôm sau của một Ngày trước đã vĩnh viễn ra đi, một lịch sử đã khép lại, một khao khát giản đơn của Hôm sau như được thở, được yêu, được ăn uống.”
Hôm sau có không ít bài theo dòng ý thức, nghiệm sinh (Quay theo mái nhà, Anh tôi, Biến tấu con quạ, Hắn…). Chúng tôi không nghĩ là tác giả nhận ảnh hưởng trực tiếp từ Ô Mai của Đặng Đình Hưng, nhưng thấy có gì đó gần gụi.
Dưới đây là bình bàn của chúng tôi với Đặng Thân về bài phê bình tập Hôm sau, mang tên Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ:

Dùng chữ “công nghệ” là đúng với loại thơ đọc chữ tưởng như thôn quê, đến nghĩa thì đô thị! Phan Nhiên Hạo từng có chữ “Chế tạo thơ” cho một tập thơ của mình. Với lối hậu hiện đại, thơ không còn là “làm” nữa. Đó là công nghệ của tâm hồn!
Chỉ ra loại thơ robot và gọi tên cho từng loại robot ở tập thơ này là một phát kiến bất ngờ của Đặng Thân: “Lần đầu tiên người đọc Việt Nam được đọc thơ robot, điều đặc biệt là ngôn ngữ của chúng rất nghiêm trang.” Theo chúng tôi hiểu, lối viết lật đật, vô cảm về giọng điệu và cú pháp (những câu có chủ ngữ cũng thành vô chủ) đã từng có ở không ít tác giả trước và cùng Mai Văn Phấn. Không chỉ ở những tác giả hậu hiện đại. Tập Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh có giọng thơ khách quan đến độ thờ ơ mà có nhà phê bình đã nêu. Chúng tôi còn thấy phong cách này tương đối rõ ở Phạm Đình Ân trong giai đoạn đổi mới của anh ở vài năm qua. Nhưng thành bút pháp thơ trạng thái với nhiều bài ổn định trong một tập thơ thì Mai Văn Phấn là đầu tiên. Không cho giật cục ở mỗi con robot riêng lẻ như Mai Văn Phấn, nhiều tác giả hậu hiện đại khác đã để cảm xúc không tới bến, vô lối vô phương. Thi cảm này đạt đỉnh ở hai sáng tác thử nghiệm kiệt xuất của Đặng Đình Hưng.
Lời bình nhiều bài (Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Sống hồn nhiên, Anh tôi…) rất tương xứng. Giá như bỏ bớt các “ông Tây” đi thì nội dung của bài phê bình sẽ bay bổng. Nói thêm: Anh tôi là một bài thơ hay, theo cách vừa xa vừa gần với thơ Việt hiện nay. Còn Sống hồn nhiên là bài thơ bản lề của bút pháp cho cả tập. Như đã nói ở mục IV.7., kéo dài được sự hài hước trong suốt cả bài thơ là một mạo hiểm: “Đung đưa một lúc cũng mỏi” được nâng cấp ở “vừa tư duy vừa cầm dây giật”, đến “hàm tôi yếu và răng không còn sắc” tưởng đã hài hết độ; nhưng vẫn còn: “tôi pha trà đem dâng cho cây”. Cung kính và cà tửng kiểu nhà nho cuối cùng trong thời đại a còng. Một bài thơ có kích thước thế giới, trong khẩu khí hậu hiện đại!
Âm mưu tạo sốc bằng vẻ rối rít của logic của câu chót (“Những ai chưa chịu điên và đã chịu điên đều không nên đọc Hôm sau”) dễ bị lộ, nhưng thế mới là made in Đặng Thân!
Tóm lại, bài phê bình có nội dung lạ và đúng, trong tinh thần khai mở. Dẫn độ người đọc tới tác phẩm, sự giới thiệu có phần ngỗ ngược, cực đoan. Nhưng thế mới đáng, với một tập thơ rất dễ bị trượt qua của thị trường văn học Việt Nam lúc này!

IV.8.3. Và đột nhiên gió thổi sẽ được bàn đến trong một dịp khác.

IV.8.4. Bầu trời không mái che:

IV.8.4.1. Khi được đọc bản thảo, chúng tôi vừa mừng vừa lo cho Mai Văn Phấn, vì nghĩ có lẽ đây là một tập thơ “được ăn cả ngã về không”. Sau gần nửa năm sách ra lò, thì thấy tác giả đã không… ngã!

Như một cuốn truyện hiện đại với ngôn ngữ thi ca, tập Bầu trời không mái che là ẩn dụ văn chương về từng thời kỳ thành người và làm người của cuộc đời người-nữ-Việt. Chương cuối Hình đám cỏ là một cuộc liên hồi các đợt làm tình, để quay vòng về chương đầu Cửa mẫu. Trong cái nhìn thể loại, chúng tôi đề nghị xem tập thơ này như một “trường ca lớn” được ghép từ hai “trường ca nhỏ” là Cửa mẫuHình đám cỏ, ở giữa là các đoạn thơ lẻ chung nội dung và phong cách. (Xem tiếp mục IV.9. Thơ Mai Văn Phấn và vấn đề trường ca.) Hình thức này là mới mẻ trong thơ Việt Nam. Một cách giản dị, có thể coi đây là tập sách gồm nhiều đoạn thơ dài, nối lại và riêng rẽ, có thể đọc bất kỳ từ đâu. Chín “bài thơ” độc lập (phần II Mùa trăng) dù có tựa đề, cũng không hẳn là các bài thơ theo nghĩa quen thuộc. Về tứ thơ theo cách hiểu thông thường, chúng tôi ưng ba bài Đỉnh gió, Giai điệu xuânMùa trăng – thể hiện sở trường của tác giả về bè thơ; các bài còn lại hơi dễ dãi; như bài Thu đến, nếu kết thúc ở câu “Biết có ai được may mắn đến gần” thì mới tạo tứ thơ hay. Tất nhiên, nếu đọc như là một “trường ca” thì không thể vi phân như vậy, với từng câu từng đoạn.

Ý tưởng dùng thiên nhiên làm đối tượng mô tả và cách thể hiện bằng tình yêu trên một sáng tác thơ dài hơi thường có ở các tác gia lớn trên thế giới; như ba gương mặt của ba châu lục là Rabindranath Tagore (Ấn Độ), Octavio Paz (Mexico), và Tomas Tranströmer (Thụy Điển).

Bỏ qua vấn đề thi pháp (ngôn ngữ hay bút pháp; mỹ học cảm thụ hay nhạc tính…), nếu như thi phẩm này đứng vững được, đó là nhờ điều mà chúng tôi xin được gọi lớn là “thi đạo”. Mục đích của tập thơ như một lần chiêm nghiệm sự sống. Để đọc Bầu trời không mái che, phải tạm quên đi các tiêu chuẩn quen thuộc về thơ, bài thơ, câu thơ, dù mới nhìn qua tưởng đó là một tập thơ lắp ghép các bài thơ đơn điệu, các đoạn thơ nhàn nhạt. Để nắm bắt thi đạo đó, bạn cũng có thể không cần “đọc hết” từng câu, đoạn, chương; nhưng bắt buộc phải “thở” được trong khí quyển của tập thơ. Bởi đó là không gian nghệ thuật.

Dễ tìm thấy ở bất kỳ đâu trong tập thơ những câu, đoạn gần như vô nghĩa lý như: “Mơ giăng cỏ muợt/ Vồng ngực săn chắc/ Hơi thở nồng nã đất đai/ Chạm nhau nghe đất đi xa/ Con đường ngủ yên cây lá/ Đang thức giấc che chở/ Ghì níu gót chân” (Nhịp V, Hình đám cỏ)

Với cảm hứng chủ đạo về một niềm tin sống và yêu, sự đơn nhịp về ý và tứ của toàn tập thơ hoặc ở các tiểu đoạn, chữ nghĩa và nội hàm tầm tầm như không có đáng nói, lối dẫn các chi tiết, sự việc phi hiện thực, các sự đơn giản, rời rạc của thiên nhiên… - Tất cả đã khiến chúng tôi mạnh dạn gọi đây chính là một loại “tiểu kinh thi”. Vâng, kinh-thi-tình-ái. Nếu như chỉ cần tiệm cận được điều đó thôi, Mai Văn Phấn sẽ thành một nhà thơ kinh điển, kiểu Tagore vậy! Như đã dẫn trong mục IV.4. về thi pháp, nhà thơ đã thổ lộ trong một trả lời phỏng vấn: “Đấy là cách tôi tìm về cội nguồn thi ca cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất.”

Có lẽ tính đơn nhịp đồng điệu đã làm nên một thứ thơ mới, đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng sao, đối với các độc giả cần thơ như một phương tiện nhận thức hay cảm xúc. Không, tác giả cần ở bạn linh cảm. Bởi thơ này tâm thức. Chúng tôi cho rằng, đây là rào cản của loại thơ này với không ít độc giả coi thơ chỉ là văn chương, là văn học.

Nói về nhịp điệu của thơ tự do, Bầu trời không mái che đạt mức tưởng như không-tự-do! Các đường gợn giữa văn xuôi và thơ lặn xuống. Các nhấp nhô từ văn nói đến văn viết trở nên bằng phẳng. Không nhiều người viết đương đại làm được thế, như Mai Văn Phấn.

IV.8.4.2. Tên tập thơ, với chúng tôi, độc mà chưa đắt. Nói hết nhẽ, vui tình văn hữu thôi. Không có gì nghiêm trang nghiêm trọng! Bầu trời không mái che là hay với tên bài thơ, tên một chương trong trường ca, một đoạn khúc trong tập thơ... Hoặc hay ở thời 5-6 năm trước, khi Mai Văn Phấn đang loay hoay tìm thi pháp. Giả sử rút lại chỉ là Bầu trời: sai chủ ý, nhưng xét ra hợp với uy tín và chất lượng thơ của tác giả lúc này, và hợp với phong cách của cả tập thơ hơn. Các chữ “không mái che” mới nghe thì lạ, lập dị. Nhìn lại thấy nó thành cái mái che cả bầu trời thơ Mai Văn Phấn! Lan man, chúng tôi nhớ đến hai tập sách khác mà việc làm sách theo hướng khác lạ có vài điều gần gũi…

Tựa sách Người (tập chân dung của nhà báo Nguyễn Quang Thiều) quả có cái ngất ngưởng, trơ trọi và kiêu hãnh “cây thông đứng giữa trời mà reo” của Uy Viễn Tướng công. Nhưng chúng tôi nghĩ sẽ không có sự sau: Tập thơ Người của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Có vẻ như phạm luật ngôn ngữ thơ, sai lệ chữ nghĩa bìa sách thơ? Xin gợi ý cho tập thơ tưởng tượng của nhà thơ này, hay của nhà thơ khác: Những người. Và mạn phép cho cả tập chân dung đang có: Tuyển tập chân dung nhân vật mang tên Những người của nhà thơ - nhà báo Nguyễn Quang Thiều. Sẽ là hay và đẹp với thi sĩ. Đúng hay không, chửa dám chắc.

Việc “dát vàng sách thơPhim đôi - Tình tự chậm của Vi Thùy Linh được dư luận quan tâm trong tháng qua. Với những gì đang có về nhân thân, nhân cách, văn cách, nghệ thuật thi ca của chủ nhân cuốn sách, chúng tôi thấy chuyện này OK! Còn nếu sang một giai đoạn sáng tác khác, khúc quanh thành tựu khác, ví như được Nobel văn chương chẳng hạn, thì việc dát-vàng-thơ của nữ sĩ sẽ không còn giá trị tự thân. Cũng vậy, với Trần Dần ở tập Thơ (2008) từng thoát thai từ “đất nâu và đêm đen”, nhà xuất bản Đà Nẵng đã không là kẻ mờ màu khi cho sinh hạ một ấn phẩm với hình thức hay, đẹp và đúng dường thế! Cũng vậy, cả với một tuyển tập nào đó của thơ Tố Hữu. Ở hai nhân vật này, trong mỗi thẩm mỹ văn chương riêng, tên tác giả đã là vàng ngoài bìa, thi ca đã là vàng trong sách.

IV.8.4.3. Cửa mẫu là một liên khúc 9 đoạn thơ như một câu chuyện không cốt truyện, không nhân vật, lấy đạo Mẫu làm thể tài, làm hình tượng thơ. Trong thơ Việt Nam hiện đại, không kể rất ít các bài thơ ngắn, “nhỏ” dùng đạo Mẫu như một đề tài xã hội, sinh hoạt, hình như chưa thấy sáng tác nào có nội dung nghệ thuật cao trong một thể loại “lớn” như Mai Văn Phấn đã làm? Tư tưởng đạo giáo và tín ngưỡng dân gian của vấn đề không được khai thác; trong khi đó thần tượng Mẫu (Mẹ) với thiên chức sinh sản, che chở con người đã được thi vị hóa. Điểm sáng tạo ở đây về tư tưởng tâm linh là sự sinh, sự sống của nhân loại cũng được sinh sôi và bao bọc của người Mẹ Cả khác – đó là thiên nhiên, vũ trụ. Trong niềm tin và tín ngưỡng đó, người Mẹ Việt là nguồn, là trung tâm của người con, người cha nên đã được toàn quyền ước muốn, giải thoát khỏi những định kiến mà cuộc sống thực sự ràng buộc họ.

Về cấu trúc, nhịp thơ, nhất là về thể loại biểu hiện (trữ tình trong tự sự), Cửa mẫu hoàn toàn có thể xem như một “trường ca” thu nhỏ, nếu như tác giả kéo dài và tăng cảm xúc ở 9 tiểu khúc đang có. Loại hình thơ-dài-có-tính-trường-ca của thơ hiện đại Việt đã có những ví dụ lừng danh như Em ơi - Hà Nội phố (Phan Vũ).

Khi làm chương đầu cho tập thơ – đúng ra là tập “kinh tình yêu bằng thơ” - ý nghĩa nhân sinh và tư tưởng của Cửa mẫu mới được xuất hiện. Còn khi in riêng, như ở Tạp chí Văn nghệ quân đội số 35 - 8/2010, hay trên một số trang mạng, bài thơ tương đối dài đó đã thể hiện tầm vóc tâm linh của nó. Tặng thưởng năm 2010 của Tạp chí Văn nghệ quân đội đã trao cho một thi phẩm giá trị như thế!

IV.8.4.4. Đỉnh gió có thể xem là một bài thơ độc lập trở về chất lãng mạn cổ điển trong cảm xúc hiện đại với thái độ nhi nhiên. Nhi nhiên là nguyên thủy của thơ. Sau Cửa mẫu, đây là bài thơ lẻ, đẹp nhất tập thơ. Dùng phê bình trường phái hình thức Gasparov và Jarkho, chúng ta thử đọc bài thơ để thấy cách viết mới nhất của tác giả.
Ở cấp độ 1: Tư tưởng, hình tượng: Đoạn đầu tốt; đoạn cuối: rất tốt. Toàn bài “nhất trí cao” trong nội dung nhân tính. Hình ảnh dù nhiều, nhưng cần thiết cho một trận-làm-tình tơi bời giang san! Sang cấp độ 2: Phong cách (ngôn từ, chữ nghĩa): Đoạn giữa cũng đạt; đoạn cuối: hơi làm dáng, trở lại sở trường của tác giả mà ở đây thành sở đoản. Đáng lẽ đoạn cuối sẽ tốt về tứ: sự tản mạn của tu từ (“Mắt quắc sáng áp lực đại bàng xoải rộng”), sinh ra nghĩa mới, tứ thơ lỏng đi. Khiến cho bút pháp bị mắc căn bệnh chung là lộn xộn giữa lãng mạn, hiện đại, hậu hiện đại (xem mục IV.4.6.) Trong cấp độ 3: Âm điệu, nhịp thơ: đạt; toàn bài mang nhịp điệu nội tại, theo hơi thở của cặp tình nhân đang yêu. Câu thơ đọc lên trôi mượt, dù nghe khô. Tính khách quan của thơ cao.

IV.9. Thơ Mai Văn Phấn trong vấn đề trường ca:

“Mình lại đang viết một cái dài dài, chắc không phải trường ca, cũng chẳng là tập hợp thơ, nhưng sẽ rất riêng và có cái gì...” Tâm sự của Thi Hoàng - tay bút đã làm mới và lạ cho thơ và trường ca Việt chiết trung và đằm thắm ở mức đầu bảng kể từ thời hậu chiến 1986 - đã nôm na hóa điều chủ chốt để những sáng tác văn vần có dung lượng lớn trở nên hiện đại. Đó là tính bất định của thể loại văn học lâu nay mang tên chung là trường ca.

Trong cuốn sách[2] đang được làm bằng “những nỗ lực tìm hiểu khái quát các ‘hiện tượng trường ca’ từng xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam”, với ước vọng “lục khảo và hệ thống hóa có quy mô lớn lần đầu tiên về các hiện tượng trường ca” (Trần Thiện Khanh), chúng tôi quan tâm đến Mai Văn Phấn như một tác giả trường ca và thơ-dài-có-tính-trường-ca, với các nét riêng biệt của nội dung và cảm hứng tâm linh. Ở đây chỉ nêu một số điểm gần gũi nhất với cả dòng thơ của tác giả, nhất là ở hai tập hợp thơ đã nói.

Mai Văn Phấn thuộc vào phong thổ nghệ thuật thành phố Cảng - một đất trời sản sinh “trường phái thơ Hải Phòng”, trong đó có dòng trường ca đặc sắc với khoảng 30 tác giả. Nhưng Hải Phòng tính ở thơ và trường ca của tay viết này không hề bị địa phương hóa, cũng như đã không bị dân tộc hóa quá đặc thù Việt như đã nêu trên.

Phê bình riêng hoặc đầy đủ về trường ca Người cùng thời (1999) - cho đến nay là văn bản duy nhất của tác giả ở thể loại trường ca theo cách đánh giá chuẩn tắc chế ngự đường hướng sáng tác và phê bình lý luận trường ca Việt - chúng tôi thấy có hai bài của Phạm Quang Trung và Dương Kiều Minh với nhiều ý kiến xác đáng bao quát và cụ thể (Phụ lục 8.9.)

Xin có một số nhận xét bổ sung và mới như sau.
Nằm trong cách viết tương đối phổ biến so với mươi năm trước ở mạch tự sự và suy tưởng, bằng 10 chương hồi với 7539 chữ, Người cùng thời là một trường ca đáng kể trong dòng trường ca Việt Nam hiện đại và đương đại. Ngoài giá trị lớn nhất đóng góp trong dòng trường ca Việt là mang chở nội dung nhân sinh muôn đời và thời sự cụ thể của thời đại trong tâm thức của chủ nghĩa nhân văn tưởng như đang bị lãng quên tại khúc rẽ hậu hiện đại, với riêng Mai Văn Phấn trường ca Người cùng thời như cuộc tổng duyệt các hình thức thể hiện và ngôn ngữ thơ. Cảm hứng sử thi đã trào dâng; hồn dân tộc Việt qua các biểu tượng và truyền thống được bay bổng. Và hai điều này luôn là “quân chủ lực” của hầu hết các vị “tướng lĩnh trong quân khu” trường ca Việt, mà tham luận khác[3] chúng tôi đã đề nghị coi là một “trường phái” trong thơ Việt. Nguồn phù sa của dòng sử thi hiện đại trong thời kỳ thứ ba 1954-1986 của lịch sử trường ca Việt được bồi đắp khởi đầu có thể kể tới Thái Giang, và được dạt dào trong suốt năm tháng chiến tranh chống Mỹ từ Thu Bồn và Nguyễn Khoa Điềm; Hữu Thỉnh và Thanh Thảo; Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Đức Mậu… rồi thời hậu chiến và thời hiện đại với Thi Hoàng và Hoàng Trần Cương; Trần Anh Thái và Nguyễn Quang Thiều… cùng rất nhiều tác giả đã có những tác phẩm nặng kí mà chưa được dư luận để tâm thích đáng như Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Thụy Kha; Lê Vĩnh Tài và Vũ Xuân Tửu…

Trong hai cảm hứng chủ đạo đó, tác giả Người cùng thời có góp phần nhưng không nổi bật. Anh chọn một giọng điệu trung dung. Không chỉ ngợi ca một chiều các giá trị nhân loại và dân tộc, tác giả phê phán và đề nghị cải cách như một nhà nhân văn hiện đại. Không làm một nhà văn hóa hậu hiện đại đay nghiến và diễu cợt thời thế ở các mặt trái hiển nhiên của nó, Mai Văn Phấn du ca trong day dứt. Theo kiểu Trịnh Công Sơn. Khác Phạm Duy. Đây là một biểu hiện để độc giả hiểu rằng, sang giai đoạn hậu hiện đại tác giả này không có các chủ đề cộng đồng, xã hội hay dân tộc, như nhiều tác giả trường ca hậu hiện đại khác ở trong và ngoài Việt Nam.

Không hợp với tư duy luận lý, và đặc biệt – như là một sở đoản của ngôn ngữ thi ca Mai Văn Phấn – không “đẻ” ra các con tự, cú pháp, mệnh đề chính luận của riêng mình (xa như Chế Lan Viên, Trần Dần; gần như Nguyễn Hoàng Đức, Trần Anh Thái), nên tác giả Người cùng thời đã thiếu (và chắc là không có) giọng điệu tương hợp với các cụm đề tài thời thế và thời sự bao trùm nhân loại đã được tầm nhìn cao rộng và trái tim nhân bản mang đến. Thi sĩ ở trường ca của chúng ta như một công trình sư hơn là một nhà xây dựng! Các tựa đề, câu thơ, đoạn thơ nào dính đến các đại tự sự đều mang được tinh thần Mai Văn Phấn, và thiếu diện mạo Mai Văn Phấn. Cũng chính trong Người cùng thời, ở một số tiểu khúc riêng lẻ, có cảm hứng và nội dung ngẫu hứng, nhà thơ như thoát khỏi cái “áo giáp” sử thi, đại tự sự mà tung tăng trần mình trong cảm giác lãng mạn và hồn nhiên ở hai đề tài làm nên thi nghiệp: tình yêu và thiên nhiên.
Khi cần đến với các chủ đề lịch sử và xã hội, quốc gia hay cộng đồng loài người, trong tư tưởng nhân văn rộng lớn, nhân sinh muôn đời, hẳn người đọc chỉ muốn Mai Văn Phấn nghiêng theo các đỉnh Tagore hay Paz, hơn là xuôi về các dòng Hugo hay Evtushenko.

Nếu chạy tiếp theo vệt Người cùng thời, chúng tôi đoán rằng, anh sẽ không hơn các trường ca gia khác, mà buồn hơn: sẽ thua chính mình. May thay cho thơ Mai Văn Phấn, cho thơ và trường ca Việt Nam. Chữ “nếu” đã không xảy ra! Nỗi buồn đã không có! Chúng ta đang vui, đang thấy: Mạch văn bản có sức chứa lớn Mai Văn Phấn vẫn chảy, như đã chảy vào hai tập thơ Và đột nhiên gió thổi Bầu trời không mái che. Biết tự “bịt” mình ở thể trường ca chuẩn tắc với cảm hứng sử thi trong cấu trúc chương hồi, đó là một chuyển biến thông minh và dứt khoát của tác giả không chỉ ở sáng tạo trong thể loại, mà còn ở quan niệm sinh tử của một kẻ làm thơ với câu hỏi đầu tiên và cuối cùng “Thơ là gì?”.
Có một nghịch lý nảy ra khi chúng tôi đi tìm các lý do cách tân ở thơ và trường ca Mai Văn Phấn. Nếu đồng ý với nhận định thú vị rằng, “Trong loại hình trữ tình, xu hướng cách tân ở thơ bình thường có lúc tỏ ra cực đoan và nhiều bài không thể đọc thì ở trường ca, những cách tân tỏ ra hợp lí hơn”[4] (Diêu Lan Phương), chúng ta tưởng mảng trường ca sẽ là nơi Mai Văn Phấn thâm canh và canh tân sau Người cùng thời.

Cuối cùng, để nhận dạng thơ Mai Văn Phấn trong hướng trường ca chính tắc hay các sáng tác dung lượng lớn, xin nói nhanh về thơ-dài-có-tính-trường-ca - một luận điểm mới trong thơ và trường ca Việt Nam được đề nghị ở cuốn sách nói trên.
Như đã công bố trên một số trang mạng, cập nhật đến 15/4/2012, khảo cứu của chúng tôi cho thấy, từ thời Thơ mới tới nay, có khoảng 401 tác giả Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ-dài-có-tính-trường-ca, trong đó có 291 tác giả trường ca và 110 tác giả thơ-dài-có-tính-trường-ca, với tổng số khoảng 976 tác phẩm.­

Với độc giả chưa đọc bài Tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam, có thể hình dung như sau: Tác giả Mai Văn Phấn (với trường ca Người cùng thời) nằm trong con số 291 tác giả trường ca. Còn trong 110 tác giả chỉ làm thơ-dài-có-tính-trường-ca, có các tên tuổi lớn như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Thanh Tâm Tuyền, Hữu Loan, Tô Thùy Yên; có những nhà thơ nổi danh như Trần Vàng Sao, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Xuân Thiệp, Bùi Chí Vinh, Dương Kiều Minh, Vi Thùy Linh; và có những thi sĩ nổi bật trong phạm vi riêng như Tam Lệ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Ngân Hằng; đặc biệt có nhà thơ Trịnh Sơn mới xuất hiện ba năm nay với những sáng tác dài hơi giá trị.
Hai tập thơ mới của Mai Văn Phấn được kết cấu như tổ khúc thơ, và đã có 3 bài đi vào danh sách thơ-dài-có-tính-trường-ca của chúng tôi. Đó là: Những bông hoa mùa thu, Cửa mẫu,Hình đám cỏ.

Như thế, sau hơn 10 năm, từ trường ca chuẩn tắc về cảm hứng sử thi, thể tài nhân văn, phương thức tự sự cùng trữ tình và cấu trúc chương hồi, Mai Văn Phấn đã có sáng tạo trong thể loại marathon của văn vần Việt Nam khi sinh ra cho trường ca Người cùng thời hai người-em, góp phần, có lẽ quyết định, đi đến Hội thảo hôm nay.

V. Tạm kết:

Tham vọng nhận chân thơ Mai Văn Phấn của chúng tôi không phải chỉ ở các tiêu chuẩn nhị nguyên đối lập (hay-dở, mới-cũ, hiện đại-truyền thống, cách tân-cổ điển, v.v…) mà là vấn đề hệ thống và phân định.
Hiểu rằng, mỗi tác giả, tác phẩm là một chữ, một câu trong bài-thơ-chung của nghệ thuật thi ca, chúng tôi muốn được bình bàn mỗi tác giả của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị như những liên-tác-giả. ­Luận về tác giả này cũng là ít nhiều bàn đến tác giả khác, hay chuỗi tác giả khác, trong hoặc ngoài hệ hình. Không chỉ ở quan hệ trong nghệ thuật thi ca; quyết định là ở các liên kết về văn-hóa-của-thi-ca.

Hiện nay, chúng tôi có danh sách dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị gồm 35 tác giả, đó là: Chân Phương, Đinh Thị Như Thúy, Khế Iêm, Hoàng Xuân Sơn, Lê An Thế, Lê Đình Nhất Lang, Lê Ngân Hằng, Lê Văn Ngăn, Lưu Mêlan, Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập, Ngu Yên, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Nhã Ca, Phan Nhiên Hạo, Phạm Phú Hải, Tam Lệ, Thi Vũ, Trần Khiêm, Trần Huyền Trân, Trần Thiên Thị, Trịnh Sơn, Thường Quán, Trần Nhuận Minh, Trần Tiến Dũng, Tuyết Nga, Uyên Nguyên, Văn Cao, Vương Ngọc Minh, và Yến Lan.

Với chúng tôi, đó là những thi sĩ đã/đang/sẽ góp phần tạo nên hình thể thi ca Việt hiện đại, bằng những bút pháp có một không hai của mình, và đa số ít được hoặc chưa được giới phê bình và dư luận quan tâm tương xứng.

Ở ý nghĩa này, Mai Văn Phấn là một trong những tác giả có một không hai, với sự cải cách đa phong cách nhất và thuyết phục nhất của thơ Việt đầu thế kỷ 21.

Chúc mừng thi sĩ bằng Thơ tuyển Mai Văn Phấn - một thành phẩm mới của văn chương nước nhà - đã sung mãn về sáng tạo, thân thuộc trên truyền thông, nay đang qua ngưỡng cửa của học thuật và nghiên cứu!

Cám ơn Hội thảo đã đón nhận tham luận của chúng tôi, và thể tất cho những gì sai sót.

Vancouver  (22/4/2011; Tu chỉnh 15/4/2012)
ĐỖ QUYÊN 
----------
*) Đã in trong Kỷ yếu Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn; Đình Kính biên soạn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2011
 
Chú thích:


[1] Ko Hyeong Ryeol: “Sáng tạo, tinh thần cho điểm đến”, Poem and Comment Magazine 12/2010, Tuần báo Văn Nghệ Trẻ số 1-2/2011 & cuabien.vn
[2] Đỗ Quyên: 400 tác giả trường ca Việt Nam”, vanvn.net 2/3/2012
[3] Đỗ Quyên: Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt; Tạp chí Sông Hương số 257 tháng 7/2010, và tapchisonghuong.com.vn 30/7/2010
[4] Diêu Lan Phương: “Trường ca từ 2000 đến nay: xoá bỏ khoảng cách sử thi để gần gũi hơn với đời sống, Tuần báo Văn Nghệ Trẻ số 10, 5-6/3/2011 & vanhocquenha.vn


No comments:

Post a Comment