.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 24, 2012

NƯỚC MẮT THÚY VÂN

Bước chân vào thế giới Truyện Kiều, lật giở từng trang và dọc theo suốt hơn ba nghìn câu “Kiều”, hầu như ta chỉ thấy nàng Kiều khóc. Xót thương cho thân phận nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng đã bị xã hội vùi dập một cách bất công. Điều này ai đọc Truyện Kiều cũng đều cảm nhận được. Nhưng còn một người con gái khác trong truyện cũng đau khổ không thua gì Kiều nhưng ít được người đọc để ý quan tâm. Thậm chí cả Nguyễn Du tiên sinh cũng lãng quên mất nàng. Nàng cũng là người con gái nhan sắc tuyệt trần với :

…trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”
Chỉ mấy câu thơ hẳn bạn đọc nhận ra tôi muốn nói đến ai rồi. Phải! Nàng là Vương Thúy Vân. Nhưng tên nàng và cả cuộc đời nàng hầu như đều bị chìm lấp ngay sau những dòng thơ giới thiệu đó. Thậm chí có người còn cho rằng nàng vô cảm trước đau khổ của Kiều. Nhưng có biết đâu rằng từ khi Kiều bước chân vào con đường lưu lạc trần ai với mười lăm năm lênh đênh sóng gió thì cuộc đời của Thúy Vân cũng đong đầy nước mắt.
Kể từ buổi nhận lời ủy thác của Kiều, chấp nhận làm người “chắp mối duyên thừa” cùng chàng Kim thay Kiều, thì cuộc đời nàng cũng trái ngang không kém. 
Ừ thì Kiều bán mình chuộc cha, đó là đạo hiếu với cha mà nàng phải trả. Và điều này ai cũng trân trọng nàng. Nhưng duyên tình của nàng sao lại gán cho em. Chàng Kim tuyệt vời thế, nàng yêu chàng Kim nhiều thế nhưng chàng chỉ tuyệt vời trong mắt nàng thôi chứ chắc gì đã là số một trong mắt cô bé Thúy Vân!
Lấy chàng Kim có gì mà ngang trái với Thúy Vân? Điều này rõ ràng là ngang trái, là bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ nói chung và Thúy Vân nói riêng. Vì sao ư? Lấy người yêu chị làm chồng mà không bất hạnh, mà không đau khổ, mà không ngang trái ư? 
Mỗi người chúng ta đều có những chuẩn người đàn ông trong mộng lí tưởng của mình và nó thường không giống nhau, bởi quan điểm của mỗi người là khác nhau, cách nhìn nhận đánh giá đối với con người và mọi thứ đều không ai giống ai. Thúy Kiều yêu Kim Trọng không có nghĩa là Thúy Vân cũng yêu chàng.
Có thể nói từ buổi nhận lời trao duyên của Kiều, cũng là lúc Vân đẩy con đò xuân xanh của mình chìm đắm trong đau khổ. Đóa hoa tình yêu của Vân chưa kịp nở và mãi mãi không có cơ hội để nở bởi nàng đâu còn cơ hội để gặp người mình yêu nữa. Nhận lời trao duyên của Kiều, nàng thành vợ của chàng Kim. Nàng đối mặt với người bên nàng hằng đêm nhưng trong lòng luôn canh cánh nhớ đến người khác. Mười lăm năm Thúy Kiều lưu lạc đất khách quê người, cũng là mười lăm năm Thúy Vân sống với người chồng trong cảnh “đồng sàng dị mộng”. Vậy thì hôn nhân của nàng chẳng phải đau khổ quá sao? 
Lấy người không yêu mình và mình cũng không yêu họ thì quả là đau khổ. Có lẽ đó là đau khổ lớn nhất của mọi người. 
Kiều yêu Kim Trọng, nước mắt Kiều dành cho Kim Trọng đã đành. Còn Vân, nàng ấy đâu yêu chàng Kim sao đêm đêm lệ nàng vẫn rơi đẫm gối. Duyên hờ hững gây ra bao éo le đau khổ cho cuộc đời nàng. Nhưng người đọc Truyện Kiều đâu thấy nước mắt Vân rơi. Ta chỉ thấy Kiều khóc vì bị người đời vùi dập, vì nỗi nhớ mẹ cha, nhớ chàng Kim. Nhưng có biết đâu rằng cuộc đời tưởng như yên bình hạnh phúc của Vân đã ẩn tàng trong đó bất hạnh lớn lao. 
Người phụ nữ thời nào cũng đều có một mơ ước giống nhau, đó là lấy được người mình yêu và người đó cũng yêu mình. Nàng Vân xinh đẹp, trẻ trung của cụ Nguyễn cũng vậy thôi. Nàng cũng có những ước mơ về một gia đình hạnh phúc với người mình yêu chứ đâu phải với người yêu của chị mình. Nàng đã buộc phải mượn tấm áo hạnh phúc của chị để che chở cuộc đời mình. Và vì người ta cho nàng mượn, buộc nàng phải mượn nên dù thế nào thì nó cũng không phải của nàng. Bất hạnh lớn nhất của nàng là đã mượn tấm áo đó đi qua hết cả thời xuân xanh. Nàng không còn cơ hội để lựa chọn cho mình tấm áo hạnh phúc như mơ ước. Mơ ước của nàng đã mất từ khi người ta trao vào tay nàng tấm áo hạnh phúc của họ và nhờ nàng giữ hộ. 
Vân đã khóc, khóc rất nhiều. Khóc cho Kiều cuộc đời bạc bẽo khổ đau, dạt trôi nơi đất khách quê người. Khóc cho Kiều duyên tình không trọn. Khóc cho mình cuộc hôn nhân không tình yêu. Khóc cho cuộc đời mình không biết phải chờ đến bao giờ để yêu và được yêu. Nước mắt Vân rơi suốt mười lăm năm lưu lạc của Kiều và còn rơi bao giờ mới ngừng? Câu hỏi đó luôn khắc khoải trong lòng tôi mỗi khi lật giở từng trang của Truyện Kiều.  
Chu Minh

No comments:

Post a Comment