.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, April 22, 2012

HOÀNG VŨ THUẬT – NỖI BUỒN SÂU HƠN BIỂN

Có một đường thơ mang tên Hoàng Vũ Thuật
PGS-TS Nguyễn Thái Hòa
Lòng còng…
Lòng còng…
Gõ vào đêm vội vã
Tiếng cuộc đời trôi dạt trên sông
Qua những tháng năm cơ cực
Tiếng mõ gọi bao xóm làng thao thức
Mẹ ơi!
            (Tiếng gõ chài)

Từng có lúc tiếng gõ chài trong thơ Hoàng làm tôi trăn trở; không vì tiếng gõ khi gần khi xa vang lên trong tịch mịch đêm trường, mà vì tiếng kêu thảng thốt “Mẹ ơi!” day dứt trong thơ anh. Hình ảnh người mẹ gắn với làng quê, gắn với những kỉ niệm tuổi thơ nhọc nhằn cơ cực, như một hoài niệm xa xôi hơn là một kí ức gần gũi!

Đọc thơ Hoàng tôi càng thấy thêm lạ! Mà lạ thật! Tuổi thơ của Hoàng chín nẫu trong miền Bình Trị Thiên khói lửa, trong chiến tranh hủy diệt của thực dân Pháp (phá sạch, đốt sạch và giết sạch). Đến khi trưởng thành lại gặp một cuộc chiến tranh hủy diệt thứ hai đến cả đất đá cũng thành tro bụi. Nhưng ấn tượng để lại trong tập thơ chọn lọc Cỏ mùa thu (NXB Văn học 1994) không phải là những hình tượng lửa khói, tiếng kêu thét căm thù vang tận trời xanh mà lại là những hình ảnh thật nhỏ bé, thật thân quen: Một con chim ri rí kiếm ăn trên bãi biển mênh mông vời vợi; một cụm hoa lông chông chạy nhảy trên trảng cát; một bông hoa xương rồng bé tí trên “bãi sa trường”( chữ của Nguyễn Tuân); một viên gạch vỡ nát hòa vào vũng nước đỏ như máu bên cạnh bức tường bị bom xé toạc làm đôi. Và giọng thơ Hoàng thì trầm mặc u buồn, vẻ ưu tư của những người sống sót sau trận giết chóc, nỗi buồn của một người nặng ưu tư.

Ngoài ra, ở những bài thơ khác còn có cái mới về hình ảnh, về từ ngữ. Nhưng hồi đó (hơn hai chục năm trước) tôi nghĩ Hoàng cũng làm thơ thời thượng chạy theo mốt mới, như những thơ thời thượng nhan nhản trên báo chí. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết, đại ý: Làm thơ cho lạ, cho mới thì có khó gì, nhưng lạ thế nào, mới thế nào mà đến được với người đọc thì đâu có dễ. Gần đây ( 2010) Hoàng gửi cho tôi hai tập thơ in liền trong một năm: Ngôi nhà cỏ (NXB Hội nhà văn) và Màu (NXB Lao động). Một nhà thơ tuổi ngoại lục tuần đã đạt mấy giải thưởng thơ bền bỉ làm thơ như một cái nghiệp (chứ không phải một nghề) làm tôi phải đọc lại những tập thơ của anh từ “Những bông hoa trên cát (1979), Thơ viết từ mùa hạ (1984), Gửi những ngọn sóng (1986). Thế giới bàn tay trái (1989), Đám mây lơ lửng (2000), Tháp nghiêng (2003), Ngôi nhà Cỏ Màu (2010) để hiểu thêm cái nghiệp của anh.
Rõ ràng có một đường thơ Hoàng Vũ Thuật và tôi đã lần theo con đường ấy.  Ban đầu đường khá rộng và dài với những hình tượng lan trải, với những nhịp điệu mềm mại bằng phẳng, nhưng càng về sau nhất là từ Đám mây lơ lửng trở đi thì bên cạnh đường đi thơ nở bung nhiều hình ảnh, nhiều ấn tượng. Con đường đó càng ngày càng thắt lại hẹp dần. Ngay tiêu đề của những bài thơ cũng đủ thấy: từ “ Những bông hoa trên cát”, chỉ còn lại là “hoa vỡ”; từ “Cỏ mùa thu” lớn rộng là thế chỉ còn lại “ngôi nhà cỏ”, và “cỏ”; từ nhiều màu sắc trong mắt anh nơi anh đi qua trong nước và nước ngoài, chỉ còn lại một tín hiệu duy nhất “Màu”, một thứ màu không tên, thậm chí chỉ còn màu đen “tôi quay sang trái/ đen và đen và đen/ tôi quay sang phải/ đen và đen và đen// tấm ra trải giường điệp điệp/ không màu// Còn tôi/ màu gì…/// (Màu)

Đừng vội quy chụp cho Hoàng cái nhìn bi quan, thậm chí “phản động”. Hoàng đã nói đúng như nhà bác học Issac Newton nói từ thế kỷ 17: vật thể vốn không màu, chỉ có màu nhờ ánh sáng. Và sau ông ấy, các nhà du hành vũ trụ thấy vũ trụ đen ngòm như mực và tĩnh lặng ghê người! Và cũng chẳng cần lý thuyết gì, ai chẳng thấy đêm đen ngòm chiếm nửa thời gian một ngày 24 tiếng. Và đêm tối lại là cái phút giao hoan của giới đực và giới cái tìm đến nhau để phát triển nòi giống của nhiều loài trên trái đất. Có lẽ là Hoàng không được Newton và các nhà sinh học gợi ý mà chính là thơ anh dẫn đường đến cái bản thể nguyên lai của thế giới! Vì vậy, anh có một đường thơ riêng, không giống ai.

Cho nên, phải tìm cách đọc thơ Hoàng. Phải tìm ra kiểu tư duy lạ và mới trong thơ Hoàng. Và cũng cần cảnh giác: không phải cái gì lạ cũng đều là mới và không phải cái gì mới cũng đều là lạ!
*
*            *
Tôi đã học nhiều cách để đọc thơ Hoàng:
a. Đọc theo con đường trực cảm, tiếp nhận ấn tượng nguyên bài, nguyên khối thì chỉ đọc được một số bài thơ của những tập thơ đầu. Càng về sau càng bí bét vì không hiểu được thơ anh đương nói gì.
b. Đọc theo lối tình cảm thì cũng thấy Hoàng giàu tính nhân văn, san sẻ cho cả những động vật, những thực vật li ti, tội nghiệp.
c. Đọc theo lối so sánh, (so sánh thơ Nguyễn Quyến, Lê Đạt, Vi Thùy Linh) cũng thấy được một số điều thú vị, nhưng lại không rõ nét đường thơ của Hoàng.

d. Đọc theo lối thi pháp cấu trúc mà Roman Jakobson danh tiếng đề xuất thì có thể gặt hái được mùa hoa trái trên tầng ý thức mà không thấy vẻ lung linh của một hồn thơ.
đ. Còn đọc theo lối quy chụp tư tưởng (tư tưởng chính trị, tư tưởng xã hội, tư tưởng triết lí) thì còn nguy hại hơn nữa cho Hoàng. Tìm mãi tư tưởng chính trị trong thơ cũng không thấy vì Hoàng chỉ làm nghệ thuật. Còn nếu muốn quy chụp thì các nhà thơ lớn cũng có khi không tránh khỏi vạ tầy đình nói gì đến Hoàng. Không rõ nét tư tưởng chính trị, nhưng thơ Hoàng có tư tưởng triết lí mà càng về sau hiện hình càng rõ: “… đàn kiến theo nhau vội vã/ sống và chết// nhẹ nhàng/ hạt bụi// hãy tin/ đàn kiến kia/ với bài ca diệu kì/ bài ca cuộc hành trình vòng quanh trái đất// vang lên không mệt mỏi/ những trái tim mang nỗi niềm/ loài kiến” (kiến).

 Kiến hay là thế giới loài người, hay là chính tác giả nhập thân? Cả ba đấy chứ! Cách nhìn thế giới trong thơ Hoàng là vậy. Vật này cũng là vật khác, loài này cũng đồng thời là loài khác, chủ thể đồng thời cũng là khách thể, khách thể cũng là chủ thể. Thơ Hoàng đã vượt quá xa quan niệm của các nhà biểu tượng chủ nghĩa (= tượng trưng chủ nghĩa) vượt xa biểu tượng siêu - cảm giác (supra - sentimentaliste) mà Charles Baudelaire (1821 – 1867) đề xướng và cũng vượt khỏi sự hỗn đồng của các ý niệm trăng – máu – hồn trong thơ Hàn Mặc Tử.

Vậy là từ những mối cảm thương cho những thân phận hèn yếu bé nhỏ trên trái đất này, sao mà mỏng manh (gần đây, trong thảm họa động đất, sóng thần và phóng xạ nguyên tử, nhiều người cũng than thân phận con người sao mà mỏng manh!) để cuối cùng có thể đến với triết lí. Chẳng phải Ăng – ghen từng nói: Tất cả đều vận động, chuyển hóa không ngừng, chỉ có một cái không thay đổi vận động, chính là quy luật vận động. Triết lí đấy thôi. Chẳng phải Hégel cũng đã nói: cái gì hợp lí thì tồn tại, cái gì tồn tại đều hợp lí. Triết lí cả thôi!

Hoàng không làm triết lí, không hề tư duy khoa học, trừu tượng như các nhà triết học, mà chỉ là tư duy biểu tượng trái ngược với tư duy triết lí theo con đường riêng của thơ mình. F.Chevalier viết: “Có lẽ tư duy biểu tượng vốn đối nghịch với tư duy khoa học, không vận hành theo lối rút gọn từ cái bội đến cái đơn, mà bằng lối bùng nổ từ cái đơn thành cái bội nhằm gây ra cảm nhận rõ rệt hơn trong một nhịp thứ hai, quả nhiên, sự thống nhất của cái bội ấy”. (Lời tựa – Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới – NXB Đà Nẵng, 2002, tr.XVII)

Đúng vậy, từ một ấn tượng, một điểm nhìn về những sinh thể bé nhỏ, mở rộng đến thế giới con người, Hoàng đã cho nở bung ra bao nhiêu là đề tài, bao nhiêu là hình ảnh, trên lối đi càng ngày càng thu hẹp của mình. Từ ngữ thơ dung dị, quen thuộc nhưng chen chúc nhau, lấn át nhau, kết hợp bất quy tắc, trở thành những tín hiệu đa nghĩa (polysémique) và đa trị (polyvalent). Hoàng tư duy theo lối biểu tượng, rút gọn tối đa để mở rộng tối đa “những kí ức ngủ quên” ở tầng tiềm thức và đánh thức “những miền kí ức đã chết” ở cõi vô thức.

Hãy nghe anh nói về đêm, cái đêm mà anh gọi là “đêm Ngọc Thùy”, “cây đội trần nhà dựng vòm trời ẩn/ dưới vòm trời/ thập loại chúng sinh lang thang tìm lối sống …” và: “nếu sống lại sau khi đã chết/ trời cao thêm và đất rộng hơn/ những đôi chân mọc chéo trên cỏ ướt/ dan dỉu nở ngàn sao Ngọc Thùy// tạ từ bờ khuya/ tạ từ mắt nến/ anh chạm mặt vào đêm”. “Đêm Ngọc Thùy” ấy đủ cả không gian 3 chiều, như một số bài thơ khác trong tập Màu và Ngôi nhà cỏ: chiều cao, chiều dài và chiều rộng, đủ cả quá khứ, hiện tại và tương lai: “đá bao nhiêu đại đắp thành Hồ/ sông bao nhiêu kỷ thành sông Mã/ em bao nhiêu tuổi vỡ giọng/ thành cậu bé ngốc nghếch anh qua mấy kiếp người”. Qúa khứ thực ra chỉ dồn lại ở một tâm điểm duy nhất “anh qua mấy kiếp người”. Cái điểm đó có thể gọi là giao điểm của không gian và thời gian (spacio – temps). Thơ của Hoàng đã đạt đến mức đó, nhưng tiếc rằng anh đã vội quay về với hiện tại “chạm mặt vào đêm”, khiến loãng đi chiều sâu vô thức lơ lửng như “đám mây lơ lửng” không hình bóng, phiêu diêu bất định. Có điều thơ Hoàng đã gợi những kí ức ngủ quên giữa ý thức và vô thức, ở đó con người lẫn lộn trong trạng thái lơ lửng của thời gian, như mộng mị chiêm bao mà ta thường gặp. Một kiểu tư duy biểu tượng thơ!

Nói về tư duy biểu tượng thì không chỉ một mình Hoàng Vũ Thuật mà có ở hết thảy mọi nhà thơ có phong cách. Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm vv…có điều mức độ sử dụng đậm nhạt khác nhau, cách thức sử dụng cũng khác nhau. Bởi vì, biểu tượng thơ ca là một vấn đề phức tạp và con đường hình thành biểu tượng cũng rất khác nhau: Có những biểu tượng hình thành từ hình tượng cảm giác (ví dụ: Lời con hổ của Thế Lữ, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư vv…) có biểu tượng từ siêu cảm giác (Nguyệt cầm của Xuân Diệu; Trăng của Hàn Mặc Tử) có biểu tượng từ những hình tượng gốc trong truyện cổ và ca dao (Trầu cau của Nguyễn Bính) lại có những biểu tượng thơ đi thẳng từ những biểu tượng văn hóa (Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm) vv…Mức độ  nông sâu của biểu tượng cũng khác nhau: Có những biểu tượng chỉ ở mức độ tiềm thức, và có những biểu tượng chạm đến đáy của vô thức, bản năng gốc của giống loài: sự sinh thành, sự sống và cái chết, nỗi sợ hãi và hành động tự bảo vệ của một sinh thể vv…

Thơ của Hoàng càng về sau không chỉ dừng lại ở tầng tiềm thức, tức là ở lớp màng trung gian giữa ý thức và vô thức, những ký ức ngủ quên, lẫn lộn thực và hư, thực và ảo gần đến mức như Trang Tử ngày xưa, ngủ dậy không biết mình là bướm hay bướm là mình! Nhiều lần Hoàng cũng vậy, chẳng biết mình là ai, màu đó là màu gì, đèn đó là đèn gì, và rất nhiều “một ngày” tuy có cả ngày giờ tháng năm cụ thể mà chẳng có một thời gian nào là cụ thể. Nếu thơ đi đến chỗ siêu thực thì cũng do thơ của Hoàng dẫn đi chứ không do lý thuyết nào gợi ý, hay do ngẫu hứng bất chợt như một số người làm thơ theo mốt hậu hiện đại.

Từ “Cỏ mùa thu” (1994) khá đậm màu: “Một bông hồng trong vườn ai đó/ Như đỏ thêm phần đỏ tôi yêu” (Hoàng hôn trên thành phố), với nhiều “ Cây xanh, cây xanh” (Bài hát trái dâu da) đến “Ngôi nhà cỏ” thì dường như chỉ còn một thứ màu bất định của thời gian biến hóa vô cùng:

    “ Mắt sương liễu giọt mơ màng
Ngày kia lòng đá nát tan cùng hồ”
                       (liễu và đá)
Và cũng có những câu thơ rất thật thà trong biến thiên thường nhật:
“tại vì Nhật lệ mỗi ngày một hẹp
 cát trắng Bảo Ninh mỗi ngày một đen
 người mỗi ngày một lạ
 nên mỗi ngày ta lại thấy buồn thêm”

Phải chăng từ những nỗi buồn mênh mang trong thơ, Hoàng đã tìm thấy biểu tượng mới trong bài “Nghiệm”: “Khoảng cách ngày và đêm/ đủ nhận biết vũ trụ// khoảng cách tối và sáng/ đủ nhận biết nhân gian// khoảng cách yêu và giận/ đủ nhận biết mình (Nghiệm). Thơ Hoàng giàu tình cảm đến mức dùng tình cảm làm thước đo con người. Chỗ mạnh của anh là ở đó và giới hạn của anh cũng chính là nơi đó. Triết lí trong thơ Hoàng đặc biệt sâu đậm ở hai tập thơ: Ngôi nhà cỏMàu, thấm đến từng câu từng chữ, thấm cả đến nơi không chữ, không câu, nhưng rồi luôn luôn quay về thực tại, một thực tại dấu mình trong những biểu tượng giàu tình cảm. Vì vậy, càng về sau thơ Hoàng bàng bạc một hoài niệm và viễn ảnh xa xôi, giữa hư và thực, giữa ý thức và tiềm thức, càng ngày lặn sâu vào vô thức, miền ký ức đã chết của giống loài.

 “ Người thơ phong vận như thơ ấy”(Hàn Mặc Tử).
Hoàng đã vạch một đường thơ riêng cho mình từ sự cảm thương thân phận  mỏng manh của những sinh thể trước những biến cố cho đến mọi hiện tượng thoáng hiện, thoáng biến, như một hư ảnh, sắc sắc không không, và cái còn lại là tình cảm của con người. Hoàng đã đi từ cái hình tượng cụ thể tới biểu tượng, và ở hai tập thơ sau này hầu như chỉ còn tư duy biểu tượng. Đường thơ hẹp dần để cho không gian ảo ảnh bung ra, lan ra mãi. Cái logic nghệ thuật của Hoàng quả đúng như vậy và cách đọc thơ Hoàng cũng nên như vậy!
*
*        *
Vì vậy, đọc thơ Hoàng phải đọc chậm, rất chậm để ý hội sau đó là tâm truyền, bởi anh đã dấn sâu vào con đường biểu tượng. Anh chưa cực đoan đến mức phá vỡ cái khuôn của từ phápchương pháp (quan hệ giữa từ với từ, giữa câu với câu) như một số nhà thơ hải ngoại đã phá vỡ văn bản, để cho một biểu tượng đi tìm chủ đề lang thang đâu đó trong miền vô thức, khiến cho thơ không còn là một văn bản duy nhất mà có nhiều văn bản trong một văn bản, thậm chí nhiều tứ thơ có trong một tứ thơ như một số bài thơ của Trần Nghi Hoàng, Đỗ Kh., Khải Minh… Với những nhà thơ mới và lạ này có khi ta phải đọc theo lối xuyên văn bản mới hiểu được một vài ý, một vài câu. Hoàng không theo họ, không cần tạo bát quái trận đồ để làm mệt độc giả.

Hoàng cô đơn và cô đơn một cách thành thực, chân tình. Đường thơ này hầu như chỉ một mình anh vạch ra cho anh. Khi mà người khác vui hoặc cố vui thì anh hát điệu buồn, khi người khác thích hình tượng hoành tráng thì Hoàng lại chọn những hình ảnh bé tí, khi mọi người thích màu sắc lòe loẹt, chói chang thì Hoàng lại chỉ có trắng hoặc đen hoặc không màu…

Cách nhìn sự vật và cách nghĩ của anh chẳng thể giống ai, chẳng giãi bày được với ai, trừ ra với thơ. Thế mà đường thơ anh lại càng ngày càng thu hẹp, rút ngắn như người cố trèo lên đỉnh núi mang hành trang biểu tượng của riêng mình. Người ta khi lên đến đỉnh cao nhất chỗ đứng càng hẹp, thì chân trời lại càng lùi xa mênh mông. Đó chính là cảm giác cô đơn chân thật không gượng gạo của Hoàng, con người “độc hành kì đạo”:
Chỉ mình tôi lúc này / Nỗi buồn sâu hơn biển
Ngàn con sóng khỏa đầy/ Không thể nào lấp kín
(Chỉ mình tôi)
Tôi không muốn nói rằng anh đã lên đến đỉnh cao của thơ ca, nhưng thực sự là người đã mở đường thơ mới in đậm dấu chân người lữ hành từ cõi hữu thức đến miền vô thức, ít bị “phơi nhiễm” vì ai.
Rõ ràng đường thơ của Hoàng là một nghiệp thơ chỉ biết trông cậy vào mình, và nó đi thẳng vào thế kỉ 21, khi con người vừa tin ở sức mạnh của mình vừa nhận ra sự yếu ớt mỏng manh của mình. Đường thơ ấy báo hiệu một kiểu tư duy thơ riêng, không màu sắc mà vẫn lộng lẫy, không đứng yên mà vận động không ngừng, phù hợp với tư duy của con người trong thế kỉ mới.
                                                                                    Hà Nội, 3/2012
                                                                                      NTH
___________
Xin đọc thêm:
-         Lời giới thiệu của Vũ Quần Phương trong CỎ MÙA THU, NXB Văn Học-1994;
-         Lời giới thiệu của Hoàng Thụy Anh trong MÀU, NXB Lao Động-2010;
-         THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU, phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, NXB Lao Động-2009.
Nguồn: phongdiep

No comments:

Post a Comment