.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 23, 2012

DỊCH PHẨM VÀ TẠP PHẨM

 
SGTT.VN - Để biến một kiệt tác văn học trở thành một cuốn sách với hàng đống ngôn từ bò lổn ngổn khiến người ta vừa đọc vừa ngớ người không khó, hãy trở thành một trong số những dịch giả – dịch ẩu ở Việt Nam.

Nơi này có những guồng máy sản xuất ra những dịch phẩm nhanh đến chóng mặt. Trong vòng vài ba tháng, người ta có thể dịch xong một tập sách dày vài trăm trang, được viết bởi một nhà văn nước ngoài với tư duy ngôn ngữ và văn hoá hoàn toàn khác. Khi về đến Việt Nam, nó được đưa vào cái máy xay dịch thuật – biên tập – phát hành siêu tốc để trở thành một tác phẩm mang ngôn ngữ Việt mà chính người Việt cũng không hiểu.

Vậy xuất bản nó để làm gì? Với mục đích gì? Cho ai đọc? Đọc để hiểu cái gì?

Có hàng trăm cái “giá như” vào mỗi buổi sáng đọc phải những tin tức như cuốn này dịch sai be bét, cuốn kia dịch lỗi ngớ ngẩn, cuốn nọ chẳng chú giải gì cả nên không ai hiểu được. Đến đây, chắc bạn đọc không cần phải hỏi thêm, cũng biết tôi “giá như” cái gì.
Còn nhớ trong bài viết Bao giờ mới có dịch trường của tác giả Bùi Văn Nam Sơn, ông mô tả việc Huyền Trang dịch kinh: “Hãy nghe đệ tử của Ngài là Huệ Lập kể lại: “Ngài ở chùa Từ Ân, chuyên lo phiên dịch, ngày nào gặp việc, dịch chưa xong, thì đêm đến, dịch thế lại, dịch cho đến chỗ làm dấu trước trong nguyên bản mới dừng lại, cho tới canh ba. Sang canh năm, Ngài đã trở dậy, đọc to bản kinh chữ Phạn, lấy điểm son làm dấu thứ tự, dịch trước những đoạn sẽ dịch trong ngày (…) Vua Đường Cao Tông quý Ngài, muốn đến thăm, nhưng thỉnh thoảng thôi vì cũng không dám quấy rầy” Đó là sức làm việc. Còn đây là cách làm việc: “Ngài lấy ba bộ Đại Bát Nhã không cùng một mẫu đem từ Ấn Độ về, hễ đến đoạn nào ngờ, thì đem ra so sánh, hiệu duyệt cẩn thận đến hai, ba lần mới dám hạ bút. Là một dịch giả tinh thông, nghiêm cẩn, Ngài đặc biệt quan tâm đến vấn đề phương pháp luận dịch thuật để tạo cơ sở vững chắc cho việc phiên dịch sách kinh điển”. Huyền Trang là người khai sáng thời đại tân dịch (phương pháp mới về phiên dịch kinh điển), kế thừa và phát triển hai truyền thống trước đó là trực dịch (dịch sát, thời Hán) và ý dịch (dịch thoát, thời Lục Triều). Sở dĩ gọi là tân dịch, theo Lương Khải Siêu, là vì: “Dịch sát và dịch thoát, phối hợp hài hoà, đó chính là phương pháp phiên dịch tốt nhất” (trực dịch ý dịch, viên mãn điều hoà, tư đạo chi cực quý dã)”.

Đến bao giờ mới thực sự có một dịch trường ở Việt Nam, nếu không có những con người được học hành có đầu có đuôi, bắt đầu bằng những kiến thức căn bản nhất rồi từ đó mà tiếp thu những kinh nghiệm của người đi trước.
Và ông kết luận: “Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật: bao giờ ở ta mới có được những dịch trường đúng nghĩa? Mười ba thế kỷ sau Huyền Trang!”

Vậy đến bao giờ mới thực sự có một dịch trường ở Việt Nam, nếu không có những con người được học hành có đầu có đuôi, bắt đầu bằng những kiến thức căn bản nhất rồi từ đó mà tiếp thu những kinh nghiệm của người đi trước? Và về cơ bản, người dịch thuật cũng phải được chia theo các lĩnh vực, từ đó người ta tự trau dồi kiến thức, thu thập tài liệu để am hiểu thật sâu những gì người ta cần khám phá từ một thứ ngôn ngữ khác, một nền văn hoá khác. Mặt khác, khi tạo ra một hệ thống xuất bản sách, đặc biệt ở những tác phẩm dịch thuật, người ta cũng cần phải tuân thủ những chuẩn mực cơ bản để không biến những dịch phẩm thành tạp phẩm.

Một nền giáo dục nhằm tạo ra những con người hoàn chỉnh (thay vì chỉ tạo ra những con người phục vụ cho một mục đích nào đó), phải bắt đầu giáo dục từ ý thức nhỏ nhất về sự tử tế. Và người dịch thuật càng cần điều ấy.

Hồ Trần

No comments:

Post a Comment